NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THÔNG CÁO BÁO CHÍ: Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng Từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh”

( 08-06-2015 - 04:31 PM ) - Lượt xem: 1323

Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh” được tổ chức vào tháng 7 năm 2015 nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhà văn, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng nhân 55 năm ngày ông đi xa

 

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6-5-1912 tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Tuy chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi - ông mất ngày 25-7-1960 tại Hà Nội, hưởng dương 48 tuổi - ông đã để lại một gia tài văn chương phong phú và một sự nghiệp hoạt động văn hóa, cách mạng đa dạng.

Nguyễn Huy Tưởng được biết đến là tác giả của nhiều vở kịch và tiểu thuyết lấy cảm hứng từ đề tài lịch sử và cách mạng, mà đỉnh cao là kịch Vũ Như Tô và tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô. Ông cũng được ghi nhận là một cây bút đặc sắc cho thiếu nhi, một trong những người đặt nền móng cho nền văn học thiếu nhi dưới chế độ mới và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Sớm hấp thụ truyền thống văn hóa - lịch sử của quê nhà, được gia đình cho đi học từ khi còn nhỏ, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm đến các hoạt động yêu nước trong phong trào học sinh ở Hải Phòng; tham gia Hội truyền bá quốc ngữ; hoạt động Hướng đạo với mong muốn luyện “chí cả gan vàng”. Từ cuối năm 1943, ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật và trở thành một cán bộ nòng cốt của Mặt trận Việt Minh, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Là người có thiên hướng văn chương lại ham mê lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng quyết tâm đào luyện mình trở thành văn sĩ, ông những mong phô diễn những trang sử bi hùng của ông cha thành các áng văn, vở kịch để khích lệ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc của con dân nước Việt, đặc biệt là giới trẻ. Viết văn, với Nguyễn Huy Tưởng, chính là để “tỏ lòng yêu nước”, là thực hiện phận sự của “một người tầm thường” như ông tự nhận.

Trong sự hình thành tài năng và nhân cách của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, quê hương đóng một vai trò hết sức quan trọng. Quê hương là cái nôi sinh thành, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ, vun đắp tình yêu non sông đất nước, ấp ủ khát vọng vươn lên đóng góp với đời, là “hậu phương”, là chỗ dựa để ông tìm về trong những bước đường hoạt động cách mạng và tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, cho đến nay, yếu tố “quê hương” dường như chưa thực sự được quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu tương xứng với vai trò là “khởi nguồn” trong sự nghiệp văn chương và cách mạng của Nguyễn Huy Tưởng.

Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Từ khởi nguồn Dục Tú, Đông Anh” được tổ chức vào tháng 7 năm 2015 nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nhà văn, nhà cách mạng Nguyễn Huy Tưởng nhân 55 năm ngày ông đi xa. Cuộc hội thảo do Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh, Ủy ban Nhân dân xã Dục Tú phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức, với sự tham dự của các nhà văn, nhà nghiên cứu, các học giả thuộc nhiều lĩnh vực. Các tham luận, bài viết tham gia Hội thảo theo hướng mở về các khía cạnh khác nhau trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, trong đó yếu tố quê hương là một nội dung xuyên suốt không chỉ nhằm cắt nghĩa nhiều vấn đề liên quan đến văn nghiệp của ông, mà còn nhằm khẳng định vị trí đặc biệt của Nguyễn Huy Tưởng trong đời sống tinh thần nơi quê hương ông, đồng thời góp phần vào công tác giáo dục truyền thống trong cộng đồng, bắt đầu từ thế hệ trẻ.

 

BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO

Các Bài viết khác