NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT ĐỊA CHỈ ĐÁNG TIN CẬY

( 16-10-2016 - 06:13 PM ) - Lượt xem: 1079

Tôi nghĩ rằng chỉ có những người tự nguyện đem cả cuộc đời mình kết duyên với sách vở, chỉ có những ai coi sách vở như cơm ăn nước uống và khí trời thì họa may mới có đủ dũng khí để thực hiện những công việc tốn nhiều sức lực và tiền của đó.

Cách đây hơn một năm, khi tôi vừa mới chân ướt chân ráo đến định cư tại Sài thành, bạn tôi, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nước mắt một thời” đã thân mật vỗ vai tôi: “Nay mai tôi sẽ dẫn ông đến một nơi này thú vị lắm.” Tôi tò mò cố đoán già đoán non: có lẽ là một tửu quán, một tụ điểm chân dài hoặc một chốn bồng lai nào đó chăng? Song tôi đã nhầm. Đó chỉ là một ngôi nhà bình thường, khá phong quang sạch sẽ với tấm biển trưng ngoài cổng THƯ VIỆN TƯ NHÂN PHẠM THẾ CƯỜNG… KHÔNG THU PHÍ.

Đón hai chúng tôi là một người đàn ông trung niên, tầm thước, dáng vẻ thư sinh với ánh mắt thông minh dò xét và nụ cười thân thiện, đặt biệt với giọng nói trong trẻo nhỏ nhẹ như nữ giới. Đó không phải là ai khác mà chính là chủ nhân Phạm Thế Cường, một sĩ quan quân đội về hưu, nghe đâu còn là cựu bí thư chi bộ Đảng Cộng sản. Ít bữa sau, chính tại đây, trong một căn phòng khá rộng được quây chung quanh bằng một loạt kệ sách, tôi may mắn được dự buổi sinh hoạt đầu tiên của Câu lạc bộ NGƯỜI YÊU SÁCH mang tên nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Tưởng mà từ còn rất nhỏ tôi đã có dịp làm quen qua cuốn tiểu thuyết lịch sử tuyệt vời “Đêm hội Long Trì”, người mà sau này tôi rất kính trọng qua những trang nhật ký đầy bản lĩnh.

Trong buổi sinh hoạt lần này với chủ đề TÔ HOÀI VÀ DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ cũng như qua những buổi sinh hoạt hàng tháng kế tiếp sau về thân thế và sáng tác của các nhà văn Việt Nam tên tuổi lẫy lừng như  Trần Dần, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải, Nguyễn Du, Vũ Hùng, Trần Hoài Dương… cũng như các danh nhân thế giới như Shakespeare, Lev Tolstoi, Victor Hugo… tôi thấy đã hội tụ ở đây những bậc trí thưc uyên bác như PGS.TS Đoàn Trọng Huy, Tiến sĩ sử học Lê Vinh Quốc, nhà giáo lão thành Xuân Tư, Phạm Vũ Động, những cây bút nổi tiếng như Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Vương Trọng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thắng (con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng)…vv…

Đặc biệt trong tháng 9 vừa qua, Câu lạc bộ đã tổ chức rất thành công buổi mừng thọ nhà văn Nguyễn Khoa Đăng lên lão 75 tuổi. Trong buổi họp mặt hiếm có này, tác giả “Nước mắt một thời”, “Hoàng Hôn lạnh”, “Mây chiều bảng lảng”, “Chim mặt người”, đã rưng rưng rưng lệ: “Đời tôi có một buổi như hôm nay là hạnh phúc lắm rồi. Nếu ngay đêm nay mà tôi có ra đi… thì cũng hết sức mãn nguyện. Tôi chỉ cầu mong được thế mà thôi!”

Một nét đẹp trong những buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB là sự hiện diện của nhiều bạn trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên vốn mang lại sự tươi mát và sức sống cho bầu không khí học thuật, kể cả những ý kiến phản biện gay gắt và những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” rất sôi nổi.

Ai mà có thể quên được giọng ngân thơ véo von của nữ sĩ Giáng Vân, con gái của nhà văn Lê Văn Trương từng tung hoành ngang dọc trên văn đàn một thời.

Và những câu chuyện hài hước dí dỏm đến chết cười của bác “phó nháy” Trần Quốc Hải, một cây cù có trí nhớ siêu việt!

Nhân đây tôi muốn nói thêm đôi lời về người chủ thư viện tư nhân miễn phí kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ “Người yêu sách” nổi tiếng khắp cả nước.

Anh không chỉ là con mọt sách từ thuở nhỏ, không chỉ sở hữu một kho sách khổng lồ hơn ba vạn cuốn và thường xuyên tặng hàng chục, hàng trăm đầu sách cho các thư viện tư nhân ở các vùng xa xôi hẻo lánh trên nhiều địa phương của đất nước để khơi dậy phong trào văn hóa đọc khắp trong Nam ngoài Bắc với những chuyến bay xuyên Việt vô hồi kỳ trận.

Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, vô cùng khâm phục chính là ở chỗ anh còn là một nhà sưu tầm sách vĩ đại. Sở hữu hầu hết các tác phẩm của các nhà văn cự phách đã là một việc không đơn giản. Đằng này anh còn cất công mầy mò sưu tầm những dị bản từ lần xuất bản đầu tiên cách đây cả chục thập kỷ cho tới những lần xuất bản mới nhất. Xem ra nghề chơi cũng lắm công phu!

Một điều kỳ lạ nữa là Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ vẻn vẹn có ba người dưới sự điều hành linh hoạt của Phạm Thế Cường hàng tháng cho ra đều đặn một ấn phẩm định kỳ dày hơn một trăm trang mang đậm dấu ấn của Câu lạc bộ để phát không cho những người đến dự buổi sinh hoạt CLB. Còn những người viết bài thì tự nguyện không nhận một xu nhuận bút nào. Thật là một việc đội đá vá trời.

Tôi nghĩ rằng chỉ có những người tự nguyện đem cả cuộc đời mình kết duyên với sách vở, chỉ có những ai coi sách vở như cơm ăn nước uống và khí trời thì họa may mới có đủ dũng khí để thực hiện những công việc tốn nhiều sức lực và tiền của đó.

Và làm một cách vô tư, không mảy may vụ lợi, không màng đến bất kỳ một danh hiệu nào, một sự đền đáp nào.

Và tôi nghĩ anh xứng đáng là một trong những người được hưởng sự kính trọng nhất, một trong những người lương thiện nhất, tử tế nhất giữa thời buổi nhiễu nhương ngày nay, và ngôi nhà số 352 trên đường số 8 phố Lê Văn Thọ P.11 Q. Gò Vấp Tp.HCM là một địa chỉ đáng tin cậy!

Một lần nữa xin chân thành cảm ơn nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã dẫn tôi đến địa chỉ này, đã tạo điều kiện cho tôi được kết bạn với những con người bình dị mà cao thượng, những con người tử tế, những CON NGƯỜI viết hoa, nói như đại văn hào Nga Mácxim Góocki ./.

LÊ SƠN

Các Bài viết khác