NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MÔN SƠN DU KÝ

( 18-10-2016 - 04:47 PM ) - Lượt xem: 1235

Dưới vực sâu hun hút là một con suối nhỏ, từ trên nhìn xuống không nhìn rõ cây cỏ bên dưới. Tôi nghĩ quẩn: nếu thắng xe mà đứt thì mạng mình cũng đứt luôn. Vừa lúc ấy, bánh xe máy của thầy vì tránh một hòn đá lớn mà đi ra sát mép vực; tôi nhắm mắt thầm gọi ông bà ông vải.

Chuyến máy bay tối chở tôi từ Tp.Hồ Chí Minh đi Vinh đáp xuống sân bay lúc 21h ngày 8-9-2016. Anh Tiến Đông, phóng viên báo Lao Động Nghệ An đã đón sẵn, đưa tôi tới một quán gần sân bay ăn vội bát phở; sau đó con ngựa sắt Suzuki 100 phân khối chở chúng tôi đi ngay trong đêm để đến thị trấn huyện lỵ Đô Lương nằm giữa chặng đường từ Vinh đến xã miền núi Môn Sơn thuộc huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An.

1. Đến thăm trường THCS Môn Sơn

Trước đó, Tiến Đông đã làm việc với trường THCS Môn Sơn để lên một chương trình cho chúng tôi cùng với các thầy giáo của trường này vào các bản trong vùng đệm rừng quốc gia Pù Mát vận động học sinh tộc người Đan-Lai đến trường. Tiến Đông báo cho biết từ Vinh đến Mân Sơn đường dài 120km, thêm 30 km trèo đèo vượt suối nữa thì mới đến bản.

23h đêm, chúng tôi nghỉ tại nhà khách huyện ủy Đô Lương, sáng hôm sau làm một vòng tham quan thị trấn, viếng đài tưởng niệm cuộc Binh biến Đô Lương và thưởng thức đặc sản bánh mướt - chả nướng. Đúng 8h30 khởi hành đi Mân Sơn.

Trên quãng đường gần 70 km đi Mân Sơn, hai bên đường rất nhiều quán thịt chó - bánh mướt, đặc sản của vùng này, và tôi mới hiểu tại sao nạn trộm chó lại rộ lên ở vùng này đến thế.

Hơn 10h sáng, chúng tôi đến trường THCS Môn Sơn, một ngôi trường khang trang có 3 khối nhà 3 tầng ở trước mặt và bên phải cổng ra vào trường; còn bên trái là dãy nhà 1 tầng của BGH, bộ phận chuyên môn, Thư viện và Phòng đọc cùng với hàng hiên kéo dài kê 3 dãy bàn ghế để học sinh ngồi đọc sách.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào ra đón khách; tôi xin phép được vào thăm Thư viện  và Phòng đọc của trường. Phòng đọc sạch sẽ, kê 6 dãy bàn đọc, 3 mặt tường kê các giá sách khung nhôm kính, trên giá hầu hết là SGK và tài liệu giảng dạy của thầy cô. Còn sách đọc cho học sinh thì chỉ có khoảng 30 số “Thiếu niên Dân tộc” của Báo Thiêu NiênTiền Phong và lèo tèo vài cuốn truyện tranh. Phía trên các giá sách là 6 khung hình của 50 bức ảnh các nhà văn, nhà văn hóa, nhà hoạt động cách mạng như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Đăng Khoa, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Hữu Thỉnh…Đặc biệt nhất đối với tôi là bức chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được đóng khung treo chính diện dãy bàn đọc ngay cửa ra vào. Còn phòng Thư viện ở kế bên lại được sử dụng làm phòng giáo vụ.

Tiếp tôi trong phòng làm việc của mình, thầy Hiệu trưởng cho biết trường mới được đầu tư xây dựng trong 5 năm trở lại đây, với 14 lớp học cho hơn 500 học sinh. Toàn trường có 26 giáo viên và 1 nhân viên phục vụ; đặc biệt có 81 em là học sinh tộc Đan-Lai ở nội trú. Nhà của các em học sinh này cách trường từ 20 -30 km.

Rồi thầy trực tiếp chở tôi bằng xe máy vào thăm Ký túc xá (KTX)  của học sinh nội trú cách đó khoảng 600m. Chúng tôi đến giữa lúc các em ăn trưa, thấy mỗi em bưng một tô cơm có 1, 2 con cá rán nhỏ. Nhiều em chan cả canh lên cơm cá. Vào trong bếp, thấy bác đầu bếp đang chia cơm và cá cho các em. Một cháu thiếu nhi ngồi bên cạnh bác, chan canh bí vào bát cho các học sinh. Thấy tôi chăm chú nhìn, thầy Hiệu trưởng giải thích: “Trường đã cho mỗi học sinh 1 chiếc khay ăn, nhưng các em không quen dùng nên đã vứt đi hết. Vào bản, chú sẽ thấy các em ăn như thế này.” Thầy nói tiếp: “Nhà nước cấp cho các em một ngày 13.000đ tiền ăn, 3.000đ điện nước, vệ sinh và phục vụ, nên chúng tôi chỉ lo được 2 bữa chính cho các em”.

Tôi hỏi luôn:

- Thế còn bữa sáng thì thế nào?

-  Trước đây các em tự lo. Từ một năm trở lại đây, chúng tôi vận động giáo viên của trường và mạnh thường quân lo được 4 bữa sáng/tuần cho các em bằng mì tôm, 3 bữa còn lại, các em tự túc. Tôi hỏi tiếp:

- Tự túc thì các em ăn ở đâu?

-  Các em ra chợ ăn quà ạ, chợ cách đây khoảng 200m thôi.

Phòng ở của các em khá sạch sẽ, chỉ có chăn màn và quần áo là hơi lộn xộn. Mỗi phòng dành cho 4 học sinh ở; phân biệt phòng riêng cho con trai hoặc con gái; mỗi em hầu như chỉ có 1 bộ quần áo treo trên dây. Tôi gặp cô Hòa, thanh tra vệ sinh của xã đi từng phòng nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh và tài sản của mình. Cô nói: “Tội lắm bác ạ! Tài sản mỗi cháu chỉ có một cái ba lô nhỏ đựng quần áo và sách vở. Nhiều cháu chỉ có một cái áo. Tối về giặt phơi, sáng mai mặc tiếp. Có nhiều cháu trai, và cả một số cháu gái cả tuần cũng không tắm và thay quần áo; nên giáo viên phải thường xuyên nhắc nhở.”

Về lại trường, tôi tìm hiểu quan điểm của Hiệu trưởng về hoạt động thư viện. Thầy Hào cho biết: “Nhà trường mới xây dựng nhưng đầu tư cho thư viện thì thực sự không có kinh phí. Muốn vận động phụ huynh học sinh đóng góp cũng không được. Chủ yếu vận động giáo viên và cán bộ xã, ai có điều kiện đi Vinh thì cố gắng mua góp cho thư viện 1, 2 cuốn sách. Nhà trường cũng cố gắng liên hệ với các mạnh thường quân, nhưng không có ai giúp đỡ được.”

Thay mặt Câu lạc bộ Người Yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, tôi hứa tặng nhà trường 400-500 đầu sách, và nếu nhà trường có điều kiện mở  một phòng đọc sách và chiếu phim ở KTX thì Câu lạc bộ (CLB) sẽ hỗ trợ thêm 200 đầu sách và đầu máy chiếu.

Thầy hiệu trưởng đã cám ơn thịnh tình của CLB và cho biết: hiện nay chưa có kinh phí để sửa chữa 3 phòng hư hỏng của KTX và không thể bố trí thêm người để chăm sóc các cháu; cũng do kinh phí rất eo hẹp nên chưa thể nghĩ đến việc mở một phòng sinh hoạt ở KTX cho các em.

 2.  Con đường kinh khủng

Sau bữa cơm trưa đơn giản, 14h chúng tôi lên đường vào bản. Đoàn gồm 12 người, 8 thầy giáo, 3 nhà báo, và tôi. Thầy Ngân Thế Thanh năm nay 35 tuổi, một tay lái kinh nghiệm với hàng chục lần vào bản đón học sinh được thầy hiệu trưởng tin tưởng giao nhiệm vụ chở tôi.

Con đường đất đỏ vào bản thật kinh khủng, chỉ một vài đoạn không dốc thì đi tốt, còn các đoạn dốc thì mặt đường lổn nhổn đá to đá nhỏ. Có con dốc lên đến 30 độ, mưa đã cuốn hết lớp đất mặt chỉ còn lại đá và đá, nhìn thôi đã không dám đi. Vậy mà các thầy vẫn vững tay lái lên dốc xuống đèo.

Thầy Thanh tâm sự: con đường này mới làm được 2 năm; trước đây chúng tôi phải thuê thuyền của dân vào bản để vận động và đón các em về trường.

-  Mỗi chuyến đi thuyền chở được mấy em?- Tôi hỏi.

-  Cũng chỉ được 5, 6 em thôi ạ. Mà mỗi chuyến thuyền thuê đến 2 triệu đồng cả đi lẫn về.

Tôi hỏi tiếp:

-  Mình thấy các bạn mua bánh mì, mì tôm cả bánh kẹo mang đi làm gì vậy?

Thầy Thanh trả lời:

 

-  Các bé trong bản nghèo lắm, không đủ mặc đủ ăn; nếu được phát bánh mì, mì tôm, kẹo thì mừng lắm. Mình cho các cháu để lấy tình cảm của gia đình mới dễ vận động chú ạ.

Nói đến đây, tôi vội ôm cứng thầy Thanh khi đang xuống một con dốc. Tôi nhìn mà chóng mặt: con dốc vừa dài, vừa gần như dựng đứng lại lổn nhổn đá lớn nhỏ. Thầy ghì chặt tay lái, hai thắng trước sau bóp hết cỡ để xe từ từ đổ dốc chậm rãi; đồng thời phải luồn lách để tránh những hòn đá lớn. Đường đáng sợ đến nỗi 3 nhà báo đi trước không dám ngồi xe, mà xuống đi bộ. Thầy Thành bảo tôi: “Chú cứ ôm chặt cháu, khi nào cháu nói xuống, chú mới xuống nhé!”. Tôi ôm chặt lấy thầy và nhìn sang bên phía vực mà xây xẩm mặt mày. Dưới vực sâu hun hút là một con suối nhỏ, từ trên nhìn xuống không nhìn rõ cây cỏ bên dưới. Tôi nghĩ quẩn: nếu thắng xe mà đứt thì mạng mình cũng đứt luôn. Vừa lúc ấy, bánh xe máy của thầy vì tránh một hòn đá lớn mà đi ra sát mép vực; tôi nhắm mắt thầm gọi ông bà ông vải.

Xuống đến chân dốc, thì nhóm đi trước đã dừng xe để chờ chúng tôi và 3 nhà báo đi cùng. Thầy Hào đưa nước uống và nói: “Được nửa đường rồi chú ạ. Chỉ còn một dốc nguy hiểm nữa thôi!”. Nghe thầy nói, mà tim tôi muốn rụng rời. Thầy hỏi: “Chú  có sợ không? Chúng cháu mới đầu cũng sợ, nhưng đi riết rồi cũng quen”.

Đoàn tiếp tục lên đường, đi nửa cây số thì đến cái dốc thầy Hào nói. Có hai nhà báo xuống đi bộ và nói: “Chúng tôi xuống trước chụp hình. Các thầy chờ một chút hẵng đổ dốc”. Nghe vậy, tôi cũng xuống xe, lấy máy ảnh ra chụp cảnh các thầy đổ dốc để che dấu nỗi sợ không dám ngồi xe.

Tiếp đến là đoạn lên dốc khá cao. Tôi định xuống đi bộ, thì thầy Thanh nói: “Ở vùng rừng núi này, chỉ có xe Yamaha là khỏe, leo dốc đổ dốc tốt lắm. Chú cứ bám chặt cháu nhé”. Xuống dốc đã khiếp, lên dốc cũng sợ không kém. Nếu như xe không đủ khỏe để leo hoặc chết máy thì sẽ trôi xuông dốc, đường đất thì còn đỡ, nhưng đây toàn đá to đá nhỏ, vỡ đầu mẻ trán là cái chắc. Nhắm mắt lại, tôi phó mặc sinh mạng của mình cho thầy.

Qua hết dốc thì bản Cò Phạt đã ở trước mặt, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Bữa cơm chỉ có một món măng nấu muối

 3. Vào bản thăm dân

Theo kế hoạch, sẽ có buổi làm việc với đồng chí bí thư chi bộ bản; nhưng hôm nay đồng chí lại có việc về xã, nên chúng tôi theo thầy hiệu trưởng vào trại biên phòng Cò Phạt để nắm tình hình 3 em học sinh chưa đến trường. Đồng chí trạm trưởng cho biết: 3 em đó đã lên rừng theo bố mẹ bẻ măng tối mới về, bộ đội biên phòng sẽ lo vận động các em.

Đoàn lại lên xe tiếp tục nhằm bản Khe  Búng cách đó khoảng 5km. Đây là bản sâu nhất của xã Môn Sơn, cũng là bản có tới 19 em chưa đến trường.

Tại xóm Cồn là xóm ngoài của bản Khe Búng có 7 em chưa đến trường, đoàn chia làm 2 nhóm đi vận động: tôi cùng thầy Hào và thầy Thanh đi bên trái, các thầy còn lại đi đường bên phải. Nhà đầu tiên chúng tôi tới có học sinh lớp 7 Lê Thị Mai, bố em đã mất từ năm ngoái, mẹ em tuổi chưa đầy 30. Em là chị cả của 3 đứa em nhỏ, bé út mới gần 2 tuổi. Khi chúng tôi vào, mẹ và 4 chị em của em đang ở nhà. Thầy Hào và thầy Thanh chia bánh mì và kẹo bánh cho các em bé, nhưng không thấy em Mai. Khi thầy hỏi thì mẹ mới gọi em Mai trong nhà ra và nói: “Cháu phải ở nhà phụ tôi đi bẻ măng và chăm em bé. Nhưng mấy hôm nay, tay cháu bị đau nên nghỉ ở nhà”. Thầy Hào dặn: “Khi nào khỏi tay thì cho em vào trường, tôi nói với bản sẽ tìm cách giúp đỡ”.

Trong khi các thầy nói chuyện với mẹ em Mai, tôi để ý bàn tay em. Em giấu bàn tay phải ra sau lưng, tôi bước lại cầm tay em lên, thấy ba vết cắt ở lòng bàn tay và 3 ngón tay, thịt đã lòi ra ngoài vết thương. Hoảng quá, tôi nói: “Sáng mai em lên trường để trạm xá khám và băng vết thương cho; nếu cứ để thế này, thì nhiễm trùng phải cắt tay đấy”. Em nhìn tôi bình thản, vẫn không nói gì. Thầy Hào nói với mẹ em: nên cho em đến trường để thầy thuốc chữa chạy. Sau một hồi thuyết phục, mẹ em đã đồng ý cho em đến trường.

Chúng tôi đi vòng quanh xóm. Hầu hết các nhà sàn đều lụp xụp, các em nhỏ dưới 7 tuổi túm tụm ngồi chơi với nhau, nhiều  em trần truồng. Một bà cụ đang ngồi trông cháu nhỏ tiến lại gần chúng tôi để hỏi chuyện. Hóa ra bà mới 43 tuổi mà đã  có 4 con và 3 đứa cháu nội ngoại. Được biết 3 con của bà, người lớn mới 26 tuổi, út 17 tuổi đều đã có gia đình. Bà cũng cho biết thêm: bố mẹ chúng nó chỉ có một nghề duy nhất là lên rừng bẻ măng, về làm măng khô để bán cho lái. “Con út mới 17 tuổi có bầu hơn 8 tháng vẫn phải lên rừng, khéo nó đẻ luôn trong rừng”. Nhìn các cháu 6, 7 tuổi vẫn trần truồng, thật tội! Tôi hỏi tại sao thì bà cho biết: mùa đông đến  bố mẹ chúng sẽ lấy quần áo cho mặc, nếu thiếu thì mới mua. Một anh cán bộ văn hóa xã mới đến  nhập vào đoàn cho biết thêm: bé nào ở đây mà có tới 2 bộ quần áo là khá lắm rồi.

Chúng tôi tiếp tục vào trung tâm bản Khe Búng cách đó chừng 2 cây số. Trên đường vào bản thấy các cột điện được trồng ngay ngắn với đường dây điện kéo đến từng nhà trong bản, tôi phấn khởi nghĩ rằng: bà con ở vùng sâu như thế này mà được nhà nước kéo điện đến thì thật là sung sướng. Gửi xe tại trạm biên phòng Khe Búng, cả đoàn khoác ba lô, đồ nghề vào bản. Thầy Hào hiệu trưởng dẫn đoàn hạ trại tại điểm trường tiểu học Môn Sơn 3.

Ngôi trường được xây bên suối còn khá mới, chúng tôi xếp đồ vào 3 phòng giáo viên, mỗi phòng đều có một giường đôi có trải chiếu nhưng không có gối chăn màn. Nhưng nhớ lại lời thầy hiệu trưởng nhắc trước khi khởi hành là phải mang quần áo dài để chống muỗi nên tôi cũng không thắc mắc.

Bật đèn không thấy sáng, chắc nhà trường cúp cầu dao tổng. Đúng thế thật, cầu dao tổng đã cúp. Tôi cẩn thận quan sát trước khi đóng điện thì phát hiện điện chưa được đấu vào cầu dao. Đang phân vân trước sự kiện đó thì một thầy giáo đến bên tôi nói: “Không có điện đâu, chú ạ”. Thấy tôi  ngạc nhiên, thầy nói tiếp: Đường điện được thi công từ năm 2012, theo kế hoạch sẽ đóng điện trước tết 2013 cho bà con ăn Tết; thế nhưng không hiểu thi công thế nào mà điện lực không nghiệm thu nên không đóng điện được. Nhìn hàng cột điện nghiêng ngả ở con đường trước cổng trường, tôi nói: “Điện chưa đóng, các hàng cột điện chờ mãi chắc cũng muốn ngả cho đỡ mỏi!”. Thầy giáo cười như mếu: “Bà con dân bản khổ đủ đường, chú ạ!”. Nói xong thầy quay vào bếp để chuẩn bị bữa tối từ những thứ mang từ xã vào.

Tại đây, đoàn cử 2 thầy ở lại chuẩn bị đun nấu, 2 thầy mang lưới xuống suối bắt cá để chuẩn bị cho bữa ăn tối. Còn lại 4 thầy và 3 nhà báo vào bản vận động các em đi học.

Mặt trời khuất núi là lúc dân bản ra khỏi rừng về nhà với những gùi măng nặng trĩu vai; cũng là lúc thầy Hào dẫn đoàn vào bản. Tôi thay đồ, ra suối rửa mặt trong khi các thầy đã lên đường. Định đuổi theo thì bất ngờ một đám đông gần chục em thiếu nhi “đổ bộ” vào sân trường. Các em ăn mặc khá tươm tất nhưng chân đi đất đứng nhìn về phía tôi và 2 thầy như chờ đợi điều gì. Các em cần gì đây? Tôi vào lấy bịch kẹo ra chia cho các em. Chúng mừng rỡ chìa tay ra nhận kẹo rồi líu lo trò chuyện bằng tiếng dân tộc. Tôi không hiểu các em nói gì, nhưng khó cầm được dòng nước mắt thương cảm khi biết chúng mừng đến thế khi được ăn kẹo.

Đuổi theo các thầy vào bản, chúng tôi đến nhà bà La Thị Quế là mẹ em La Thị Lá học lớp 7. Trong căn nhà sàn mái tranh lụp xụp tối tăm không nhìn rõ mặt người, bà chủ nhà phải dùng chiếc đèn sạc năng lượng mặt trời do Trung Quốc chế tạo đeo trên trán để soi sáng. Bà Quế cùng em Lá và một đứa cháu khác đang ngồi ăn cơm ở giữa sàn. Bữa ăn đơn sơ chỉ có nồi cơm với nồi canh trong veo thả vài lát măng. Thầy Thanh mở lời xin cho Lá đi học; bà Quế cúi mặt không nói gì. Thầy quay sang nói với Lá: “Các bạn ra đi học cả rồi, Lá có muốn đi học không?”. Lá im lặng; bà Quế chép miệng: “Không đi!”. Nghe mẹ nói vậy, Lá cũng lắc đầu. Hỏi tại sao không cho con đi học, thì bà Quế bảo phải ở nhà đi bẻ măng. Nhà Lá có 3 anh em, anh đầu đã có vợ con, anh trai thứ hai cũng đã bỏ học. Bố Lá đã mất, bây giờ nếu không được đi học thì tương lai của em cũng sẽ mù mịt chẳng khác gì hai người anh mình. Sau một hồi thuyết phục không được, chúng tôi đành ra về, để lại nỗi day dứt về cái dốt gắn chặt với sự nghèo đói không có lối thoát của dân bản. 

 Hơn 19h, đoàn quay về trường tắm rửa và ăn cơm. Ngoài 12 người chúng tôi, còn 5 chiến sĩ biên phòng trạm Khe Búng và vợ chồng trưởng bản cùng ngồi quanh mâm. Phải thừa nhận, hai thầy làm cơm rất ngon. Một món thịt lợn luộc, một món thịt lợn nấu kiểu lạ, một đĩa cá mát Khe Búng và đĩa rau lang cùng 3 lít rượu giúp chúng tôi vui vẻ cùng nhau. Gắp cho tôi một con cá mát, thầy Thanh nói:

-  Con cá này chỉ nhỏ bằng ngón tay thôi nhưng rất đắt. Ở đây, người ta bán đến 300 ngàn một cân, ra đến xã thì 500, đến Vinh thì 600,700 ngàn đồng. Vì cá này ăn rêu ở đá, đầu và ruột có vị đắng, những ai bụng không được khỏe, ăn cá này khỏi liền. Vì vậy cá này quý nhất ở cái ruột.

Tôi hỏi:

-        Hồi chiều mình đánh bắt được nhiều không?

-        Dạ, được gấp bốn chỗ này; anh em giữ lại một chút còn mang cho bà con mỗi người một ít.

-        Cá ở đây nhiều như vậy chắc bà con dân bản ăn thoải mái; nhưng sao mình thấy bữa cơm của họ chỉ có măng là thức ăn?

-        Bà con ở đây không biết đánh bắt cá, chú ạ!

Không ngờ khả năng kiếm sống của bà con dân bản lại kém đến như vậy,  miệng tôi bỗng nhiên đắng ngắt.

Anh Dục- trạm trưởng biên phòng cùng các chiến sĩ đến chúc rượu và mời tôi về trạm nghỉ vì ở trường không có chăn màn. Sáng hôm sau (ngày 10/9) thức dậy lúc 5h30, tôi đã thấy các chiến sĩ biên phòng của trạm quét dọn sân vườn, tưới rau, tỉa cây cảnh. Một chiến sĩ vào bếp làm bữa sáng, còn tôi mang máy ảnh đi “săn” bình minh. Sau bữa sáng ngon lành với cơm gạo nương sạch, cá sạch và rau sạch, tôi nằm võng lơ đãng nhìn hàng cột điện đưa dây đến từng nhà và cảm thấy hài hước khi nhận ra nhà nào cũng đã được lắp vài bộ bóng điện loại tiết kiệm. Nhìn chán, tôi lấy sách ra đọc chờ đoàn của thầy Hào dẫn học trò về tập kết ở trạm.

 4. Mang thành quả trở về

7h 30 sáng, các thầy dẫn 4 học sinh đến trạm, 8h chúng tôi lên đường trở về.

Về đến xóm Cồn, sẽ đón thêm 4 em nữa mà hôm qua các em đã đồng ý đi học. Các thầy tỏa đi đón các em, tôi theo thầy Hào và thầy Thanh đến nhà La Văn Cang, năm nay vào lớp 7. Thấy các thầy tới, một em bé khoảng 5 tuổi đang chơi ở sân gọi to: “Cang xuống đi học!”. Chúng tôi đứng dưới chân thang nhà sàn chờ em. Đến hơn 10 phút, Cang mới đủng đỉnh ra ngồi ở đầu thang, không nói năng, cũng không mang đồ. Thầy Hào đứng dưới, nói vọng lên: “Lớp em các bạn đến cả rồi, cái Nga hôm nay cũng ra với các thầy, chỉ còn mình em nữa thôi!”. Im lặng. Thầy Hào nói tiếp: “Tới trường có bạn lại được trường cho ăn, nếu không có sách thì thầy cho mượn. Không có vở, thì thầy cho”. Vẫn im lặng. Thầy Thanh nói: “Em chỉ cần mang quần áo đi thôi. Em lấy đồ rồi đi với các thầy!”.Vẫn im lặng.

Một lúc sau, người cậu của em xuất hiện và nói:

-  Đi học đi Cang!

Im lặng một lúc, Cang mới mở miệng:

-  Sửa xe mới đi học!

Em chỉ cái xe đạp đang dựng bên hông nhà sàn. Thầy Hào nhìn xe  nói:

-  Em cứ theo thầy về trường, mấy hôm nữa, bố mang xe ra thầy sẽ sửa cho.

 Tôi ra xem chiếc xe đạp của em: bị gẫy càng trước, chỉ cần thay cái đó là đi ngon. Tôi nói với thầy Hào: “Lần sau vào đón các em, thầy cho mua cái càng trước, cầm vào thay là đi được!”. Thầy liền nói lại với cái Cang: “Em theo thầy vào trường hôm nay, tuần sau vào đón các em khác, thầy mua cái càng sửa xe cho em.” Cang vẫn im lặng. Thầy Hào lại nói: “Hay em cứ vào trường, ngày mai thầy mua cho em một cái xe cũ và sẽ trừ vào đợt cấp xe tới!”. Em vẫn câm như hến. Thầy năn nỉ: “Hôm nay vào trường, ngày mai thầy mua xe ngay!”. Vẫn lặng thinh.

Nghĩ rằng cần phải có một tác động tình cảm thì mới có thể lay chuyển được Cang, tôi bước lên thang, ngồi xuống bên cạnh em, vỗ vai nó và nói: “Nghe lời các thầy đi con, ông với con vào lấy đồ rồi đi cho sớm.” Tôi đỡ em đứng dậy, cùng nhau vào nhà. Trong nhà, dưới ánh sáng le lói của một ngọn đèn sạc, tôi nhìn thấy mớ quần áo của cả gia đình em treo toòng teng trên một cây sào. Nhìn xuống chân, thấy nứa trải làm sàn nhà rất ọp ẹp, nếu đi không cẩn thận có thể bị rơi xuống đất. Em bé 5 tuổi cùng lên theo Cang, vào chọn quần áo cho anh.  Vừa chọn, em vừa đưa mắt nhìn anh dò hỏi “cái này?”, rồi lấy một bộ đồ đưa cho anh. Cang vẫn chẳng nói chẳng rằng. Tôi đỡ lấy và hỏi Cang: “Bộ này của con à?”. Em gật đầu cầm nó và lấy thêm một bộ nữa cho vào cái ba lô nhỏ. Sau đó, Cang nói thầm với em bé để em chạy đi, một lúc sau quay về với một anh khoảng 15 tuổi. Anh này nhanh nhẹn trèo lên trên trần sát mái, cầm xuống 2 tờ 100 ngàn đưa cho Cang. Lúc này thầy Hào cũng lên sàn  và nói: “Cang vẫn còn 140 ngàn nữa, nên em mang thêm 100 đi thôi, còn lại để cho nhà.” Tôi dắt tay Cang đưa cho thầy Hào, thầy nói: “Cám ơn chú! Nhờ có chú vận động em ấy mới đi đấy!”

Chúng tôi lại lên đường; lúc này các thầy đã đón thêm được 2 em nữa. Vậy là chúng tôi chỉ hoàn thành được 1/3 kế hoạch đề ra.

Trên đường về gần đến trường, chúng tôi gặp 2 em lớp 8 và 2 lớp 6 từ trường trở về bản. Thầy Thanh nói: “Hôm nay thứ 7 nên nhiều em lớn tuồi về bản, chiều chủ nhật các em lại ra. Nhưng 2 em lớp 6 này thì phải bắt quay lại trường”. Cảm thấy tôi chưa hiểu, thầy nói tiếp “Hai em lớp 6 mới vào trường. Kinh nghiệm cho biết rằng em nào ngay tuần đầu đến trường mà đã bỏ về thì sẽ không quay lại trường nữa”. Vậy là chúng tôi bắt được 7 em và kéo lại 2 em.

Các thầy đưa học sinh về lại KTX rồi lại vội vàng quay ra chợ mượn gạo cho các em. Thầy Hào cho biết: đến giữa tháng 10, gạo mới được cấp về nên từ đây đến đó trường phải mua chịu của thương lái với giá 10 ngàn đồng/Kg; khi có gạo sẽ bán lại cho họ với giá 8 ngàn. Tôi hỏi: “Vậy còn thức ăn khác thì sao?”; thầy đáp: “Nhà nước cấp cho học sinh 9 tháng tiền ăn chia làm 3 đợt trong tháng 10, tháng 1 và tháng 4 năm sau. Vì thế, trong những tháng trước đó, chúng tôi đều phải vay mượn tiền của bà con tiểu thương ở chợ  để mua thức ăn cho các em”.

*

Đất nước đã thống nhất hơn 41 năm mà đời sống của bà con dân tộc ở Con Cuông, Nghệ An vẫn cơ cực đến như vậy; trong khi “một bộ phận không nhỏ” các vị chức sắc chính quyền của Đảng ta lại ra sức tham nhũng, xài tiền dân vô tội vạ, xây cất hàng loạt công trình tốn kém hàng ngàn tỷ đồng mà không sử dụng được vì công nghệ lạc hậu hay thi công lắp đặt kém chất lượng do nguyên vật liệu bị bớt xén. Dân vẫn nghèo khổ mãi, mà tiền của dân lại ồ ạt đổ vào túi tham không đáy của giới quan quyền! Đến bao giờ dân ta mới ngóc đầu lên được? Thương xót thay, những người dân nước Việt đang sống dưới đáy xã hội này.

Vĩ thanh

Ngày 20/9/2016, chỉ sau 3 ngày về tới Sài Gòn, tôi và anh Phi Hùng đã chở hơn 700 đầu sách được đóng làm 3 bao loại 50kg ra ga Sài Gòn gửi về Vinh. Sáng ngày 23/9 tại Vinh nhà báo Tiến Đông nhận được và ngay trong ngày anh gửi về trường THCS Môn Sơn, chiều cùng ngày các thầy của trường đã nhận được sách. Ngay sáng hôm sau 24/9/2016 sách đã lên giá và phục vụ ngay học sinh của trường.

PHẠM THẾ CƯỜNG

Các Bài viết khác