NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HỌP MẶT CLB NGƯỜI YÊU SÁCH MỪNG XUÂN MẬU TUẤT

( 21-02-2018 - 09:11 PM ) - Lượt xem: 1092

Vào sáng ngày 04-02-2018 tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11, Gò Vấp, Tp.HCM), Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYS) đã có buổi họp mặt mừng Xuân Mậu Tuất rất vui vẻ và ấm áp.Về tham dự cùng 30 thành viên CLB có nữ nghệ sĩ Mộng Thu mới lần đầu đến CLBNYS theo lời mời của nhà báo Kim Hoa.

Mở đầu, chủ nhiệm CLBNYS Phạm Thế Cường đã giới thiệu Tập san Xuân của CLBNYS được trình bày 2 trang bìa rất đẹp với chủ đề “Rộn ràng sắc xuân” cùng các bài viết khá đặc sắc. Các thành viên đã cùng nghe lại bài thơ Chúc Tết của bác Hồ năm 1968:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

 Tiếp theo, tiến sĩ Lê Vinh Quốc đã chia sẻ bài viết trong Tập san nhan đề “Xuân Mậu Thân 1968” được trích từ Chương Mười trong cuốn hồi ký “Nước chảy dưới chân cầu” của ông. Qua đó, các thành viên đã có thêm nhận định khách quan về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hiểu lý do vì sao Bác Hồ phải ghi âm bài thơ chúc Tết trên trước khi bay  sang Trung Quốc hưởng Tết, để phát lại cho đồng bào trong nước nghe đúng thời khắc giao thừa.

 Chị Phạm Thị Hoàn, tác giả bài thơ “Xuân về” đăng trong tập san, đã lên đọc tác phẩm của mình với rất nhiều cảm xúc. Nghệ sĩ Mộng Thu đã ngâm 2 bài thơ của Tế Hanh tặng CLB: “Tôi tìm một nửa của tôi”“Mảnh vườn xưa”. Nhiếp ảnh gia Trần Quốc Hải góp vui với những câu thơ thời bộ đội và đọc bài thơ “Mùa xuân tình yêu” được sáng tác từ năm 1959.

 Nhà báo Kim Hoa đã kể lại một kỷ niệm Tết của mình, lúc chị bị bọn trẻ vứt pháo nổ vào người khi đi hái lộc đêm giao thừa. Theo chị, Tết xưa và nay khác nhau nhiều; chỉ duy nhất một điều không khác là sự sum họp và đoàn tụ gia đình.

 Chị Ngọc Dung chia sẻ những kỷ niệm Tết trước năm 1975, những cảm nhận về cái tết đầu tiên khi đất nước thống nhất phải đối diện với cuộc sống thời bao cấp qua chế độ tem phiếu. Chị Kim Dung phát biểu về bài viết của mình nhan đề “Ký ức Mậu Thân” đăng trong Tập san với những cảm nghĩ chân thành về sự mất mát đau thương của người dân Sài Gòn trong sự kiện này; tiếp đó chị chia sẻ với tác giả Lê Vinh Quốc về cảm nhận của mình khi đọc cuốn “Nước chảy dưới chân cầu” có đoạn viết về trận Mậu Thân năm 1968.

 Dịch giả Lê Sơn kể chuyện vui về Tết năm 1970 ở Liên Xô thời bao cấp và góp vui với bài thơ của ông nhan đề “Nổi buồn Tết ở Nga”. Nhà giáo Nguyễn Thiện Chí (Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Trung TP. Hồ Chí Minh) kể lại những kỷ niệm sâu sắc của ông trong mối quan hệ với các giới chức ngoại giao Trung Quốc tại các buổi tiếp tân mỗi dịp Tết đến Xuân về. Qua đó, ông có dịp tìm hiểu “con người thật” dưới vỏ bọc “con người ngoại giao” của họ để đáp ứng nhiệm vụ chính trị của mình.

  Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng kể lại những kỷ niệm Tết trong thời gian ông công tác tại Kiên Giang; trong đó có chuyện vui “Pháo không bán được” vào dịp đón năm mới 2000. Nhà thơ Phùng Hải tặng CLB tập thơ “Tổng hợp năm Mậu Tuất” do ông mới xuất bản và kể chuyện vui “Làm thịt lợn thời bao cấp”. Độc giả Nguyễn Đình Bốn chia sẻ về các giai đoạn tản cư, di cư, sơ tán, di tản mà nhân dân Việt Nam đã trải qua trước và sau khi thống nhất đất nước sau khi đọc “Nước chảy dưới chân cầu”.

  Nhà giáo lão thành Nguyễn Xuân Tư nói về tục chúc Tết “Xúc xắc xúc xẻ” của trẻ em xưa. Thời ấy, tại các làng xã, vào tối ba mươi Tết, những trẻ em nghèo thường họp nhau thành từng nhóm, rủ nhau đi chúc Tết. Mỗi nhóm trẻ cầm một chiếc ống đựng tiền, thường là ống tre. Các em tới từng nhà, vừa hát “xúc xắc xúc xẻ” vừa lắc ống tiền. Hầu như nhà nào cũng tặng các em một số tiền, có khi cho thêm bánh mứt. Các em sẽ chia nhau số tiền được tặng để mua pháo và các đồ dùng ngày Tết. Ông còn trình bày về nguồn gốc các câu đối Tết, những giai thoại về câu đối Tết của Tú Xương và Hồ Xuân Hương với tinh thần hài hước lạc quan. Ông đã đọc 2 câu đối tự  sáng tác để chúc tết các thành viên CLB NYS:

Xuân về đua nở muôn hoa / Cảnh xuân đẹp, người thêm hanh phúc

Tết đến hân hoan trăm họ / Nước non vui , dân hưởng thanh bình.

  Giáo sư Đoàn Trọng Huy chia sẻ đến các thành viên về “Tết Chuyên gia” xa nhà, xa nước ở Angola năm 1986. Theo ông, “ Đi chuyên gia, đi giao lưu cũng là đi phiêu lưu”, “vắt chất xám đổi lấy đồng tiền nhưng phải đánh đổi bằng bao áp lực đe dọa của bệnh tật, hiểm họa, tai ương không thể lường hết”.  Tết Việt là thiêng liêng nên các chuyên gia kết hợp phép năm, sẵn sàng bỏ ra 2.000 USD để tự túc vé máy bay về nước ăn tết.

Kết thúc chương trình tọa đàm, chủ nhiệm Phạm Thế Cường thông báo chủ đề buổi sinh hoạt ngày 04/3/2018 của CLBNYS: Giao lưu với nhà văn, đại tá anh hùng lưc lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu.

                       

                                                                                                            NGỌC DUNG

Các Bài viết khác