NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

GIÁO SƯ ĐỖ TẤT LỢI, NHÀ DƯỢC HỌC PHƯƠNG ĐÔNG LỖI LẠC

( 30-03-2019 - 05:47 PM ) - Lượt xem: 658

9g15 ngày 29/3/2019 tại hội trường Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận đã diễn ra buổi tọa đàm, giao lưu tưởng nhớ đến giáo sư Đỗ Tất Lợi nhân 100 năm ngày sinh của ông.

Ban tổ chức gồm có Lương y Nguyễn Nghĩa, là học trò của GS Đỗ Tất Lợi cùng một số lương y của Phòng chuẩn trị Đông y Tuệ Lãn; ông Phạm Thế Cường chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng với sự hỗ trợ của Đỗ Tất Hùng, con GS và ông Nguyễn Mạnh Tuấn cháu gọi GS bằng cậu.

Toàn cảnh hội trường

Về dự có khoảng 150 người gồm các lương y, các học trò của giáo sư đến từ Huế, Gia Lai,Lâm Đồng, Bình Phước, Long An, Tp.Hồ Chí Minh, Cà Mau và từ trường đại học Y – Dược Tp.HCM, Bệnh viên 175, bệnh viên Phạm Ngọc Thạch… Buổi tọa đàm cũng rất vinh dự được đón ông Đỗ Tất Tạo và bà Đỗ Thanh Bình hai người con của GS Đỗ Tất Lợi từ Hà Nội vào tham dự.

Mở đầu buổi giao lưu nhà giáo Nguyễn Thị Quỳnh Vân đã thay mặt Ban tổ chức trình bày những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp hết lòng với nền Dược liệu của GS Đỗ Tất Lợi. Kết hợp với hình ảnh bằng giọng nói truyền cảm của mình nhà giáo đã truyền cho người nghe tình cảm của thế hệ sau với sự nghiệp của GS Đỗ Tất Lợi. tiếp theo PGS Lê Sơn đã chia sẻ kỷ niệm của mình với cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” bản in lần thứ 3, bản in đầu tiên in thành một cuốn khổ 16x24 với giá bìa 6,5đ (giá miền Bắc) và giá 5,2đ (giá tiền miền Nam), PGS đã đánh rất giá cao công trình nghiên cứu này và khẳng định cuốn sách là tài sản quí của ông dù đã có lúc người hâm mộ trả ông đến 2,5 chỉ vàng ( gần 9 triệu hiện nay) mà ông vẫn không bán.

 

Lương y Nguyễn Nghĩa, Trưởng ban tổ chức và nhà giáo Quỳnh Vân

Nhà giáo Trần Hùng, phó hiệu trưởng trường ĐH Y-Dược Tp.HCM cũng đã trình bày cho mọi người biết sự đóng góp và ảnh hưởng to lớn của giáo sư và công trình “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” trong nền dược học và y học Việt Nam và từ thực tiễn đến trong giảng đường đại học.

Dược sĩ Chu Bá Nam từ Đà Lạt về dự, trong phát biểu của mình ông kể lại những kỷ niệm nhỏ nhưng ông cho là lớn vì những câu chuyện ấy mang tính giáo dục, thể hiện đạo đức, sự chăm chỉ cẩn thận trong công việc của GS Đỗ Tất Lợi, như câu chuyện sau:

“Năm 1954, sau khi tiếp quản thủ đô Hà Nội, Thư viện Quốc gia có đốt một số sách gọi là “văn hóa nô dịch”. Ông lao vào đám cháy lấy được vài cuốn sách quý. Về sau thư viện đến xin lại, ông bảo cần trang nào chụp trang ấy (lúc đó chưa có photocopy). Có lần tôi cần xem lại công trình nghiên cứu đã đăng báo và tặng ông trước đó, nhưng ông không cho đem về. Ông nói: “Của anh, nhưng anh đã tặng tôi thì nó là của tôi. Bây giờ cần, tôi cho anh chép lại, đến 12 giờ đêm cũng được. Đói tôi cho ăn, khát tôi cho uống, mang ra khỏi cửa thì không! Tôi mà dễ dàng như anh, hôm nay lấy đâu ra?”.

Ông Đỗ Văn Căn, trưởng ban liên lạc Nhà Mai Lĩnh phát biểu cảm ơn ban tổ chức đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Đỗ Tất Lợi, người cháu nội cụ Đỗ Văn Phong (ông tổ Nhà mai Lĩnh), một người con danh giá của Nhà Mai Lĩnh của họ Đỗ, người đã góp phần làm rạng rỡ thêm nhà Mai Lĩnh. Ông Căn cũng đề nghị thông qua buổi giao lưu này học trò, bạn bè và gia đình Mai Lĩnh nên đóng góp để hình thành học bổng cho sinh viên ngành dược mang tên “Học bổng Đỗ Tất Lợi”.

 

Ông Trần Hùng và PGS Lê Sơn phát biểu tham luận

Ông Cổ Đức Trọng - GĐ Cty TNHH Linh Chi VINA cũng đã chia sẻ kỷ niệm về GS Đôc Tất Lợi trong việc trồng và thương mại nấm linh chi như sau ;

“… Vào năm 1987 tôi bắt đầu nghiên cứu sưu tầm và trồng Linh chi.  Sau khi trồng thành công  tôi đến thăm Thầy và đem theo nấm Linh chi do tôi trồng. Khi ấy là năm 1989.  Tôi xin ý kiến Thầy về loại nấm này. Thầy tra cứu khá lâu các sách chữ Hán và cho tôi biết thêm về Linh chi theo các tư liệu cổ. Thầy cũng cho biết theo tài liệu của Pháp thì gọi là nấm Lim vì mọc ở cây Lim và thường được kẻ trộm dùng làm thuốc mê để trộm đồ. Trong sách Những cây Thuốc và Vị thuốc Việt Nam tái bản lần thứ 5 lúc đó chưa có bài viết về nấm Linh chi.

Thầy và tôi cùng làm việc khá lâu và thầy có gởi mẫu nấm Linh chi tôi trồng lên Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Và lần đầu tiên nấm Linh chi được phân tích các loại khoáng chất có trong nấm bằng kỹ thuật hạt nhân. Rất nhiều khoáng tố hiện diện trong nấm. Đây là mở đầu cho những nghiên cứu khác về Linh chi bằng kỹ thuật hạt nhân sau này, kể cả đánh dấu bằng đồng vị phóng xạ.

Các Lương y Nguyễn Ngữ chủ tịch Hội Đông y tỉnh Gia Lai; Nguyễn Kỳ Nam, chủ tịch Hội Đông y Cà Mau và nhiều lương y khác đều nói lên sự ngưỡng mộ của mình với GS Đỗ Tất Lợi và tầm quan trọng của tác phẩm “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” dùng để học tập, tra cứu bài thuốc phục vụ chữa bệnh cho nhân dân ở những nơi vùng sâu, vùng xa bệnh viện nhà nước.

Cuối cùng ông Đỗ Tất Tạo con trai thứ của GS lên chia sẻ một số kỷ niệm về người cha thân thương của mình, ông nhớ nhất là những lần được GS đưa đi dã ngoại, sưu tầm dược liệu, khó khăn gian khổ trong đi lội suối, băng rừng thì đương nhiên nhưng có một khó khăn khác đến từ sự quan liêu, lòng đố kị của con người thì không thể hiểu nổi vì ông đã mấy lần bị cơ quan cắt lương với lý do đi thực địa, đi sưu tầm lâu mà không nhìn những kết quả sưu tầm, tìm tòi dược liệu của ông mang lại cho cơ quan cho nhà nước và nhân dân. Trước khi kết thúc phát biểu của mình, ông Đỗ Tất Hùng cũng đã cảm ơn ban tổ chức đã tổ chức thành công buổi tọa đàm rất ý nghĩa này.

Buổi tọa đàm kết thúc vào 11g45 bằng việc ban tổ chức mời mọi người tham dự giành một phút tưởng nhớ tới GS Đỗ Tất Lợi, một danh nhân khoa học của nước nhà được trong nước yêu quí, trân trọng, được quốc tế đánh giá cao.

Buổi tọa đàm đã thật sự thành công, khi kết thúc buổi tọa đàm khá nhiều người tham dự gặp ban tổ chức để chúc mừng đã tổ chức buổi tọa đàm rất tốt và chu đáo.

Phạm Thế Cường

Các Bài viết khác