NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CLB NGƯỜI YÊU SÁCH NGUYỄN HUY TƯỞNG: MỘT SÂN CHƠI THÚ VỊ VÀ BỔ ÍCH

( 18-10-2015 - 05:25 PM ) - Lượt xem: 1221

Câu lạc bộ Người yêu sách là tổ chức hoạt động hoàn toàn tự nguyện dựa trên sự tham gia đông đảo của các thành viên – học sinh các cấp, sinh viên các ngành, cán bộ viên chức nhiều cơ quan, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu đương chức và nghỉ hưu, cựu chiến binh,... trong đó có một số nguyên là cấp lãnh đạo, số khác lại có học hàm, học vị, có danh tiếng

Những điều trông thấy...

Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường được cấp phép khai trương từ hơn bảy năm nay. Đồng hành là những tổ chức hoạt động tuyên truyền được phép như câu lạc bộ sinh hoạt và ấn phẩm nội bộ thường kỳ. Bên cạnh đó, là trang web có đăng ký tên miền như một diễn đàn mạng của tập thể tổ chức, thu hút được rất nhiều lượng truy cập.

Nhìn tổng thể, có thể coi tổ hợp hoạt động như một điểm sáng văn hóa có sức lan tỏa và đã được đón nhận đầy nhiệt tình.

Đã có nhiều báo chí, phương tiện truyền thông, đăng bài đưa tin, truyền hình ngợi khen, coi như một điển hình đáng biểu dương của thành phố Hồ Chí Minh, và hơn thế, có ảnh hưởng lan rộng ra trong phạm vi cả nước. Đã có sự tưởng lệ của cơ quan Nhà nước như những Bằng khen của Bộ Thông tin – Văn hóa.

Đó chính là những thành tích bước đầu rất đáng khích lệ.

Một thư viện tư nhân, với khoảng 30.000 đầu sách thuộc nhiều chủng loại, mở cửa miễn phí 3 buổi/tuần cho bạn đọc rộng rãi. Một câu lạc bộ với ngót nghét 100 thành viên xa gần tự nguyện ở trong và ngoài thành phố về sinh hoạt định kỳ kèm ấn phẩm thông tin lưu hành nội bộ, mà thực chất có giá trị như một nội san văn học. Một trang mạng lưu tài liệu, có các bài viết được  truy cập tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt...

Điều đáng chú ý là điểm sáng này đã được chủ động hỗ trợ nhân lên thành một vài điểm khác cả ở miền Bắc và miền Nam và nhiều hứa hẹn trở thành chùm sáng trong tương lai. Ý nghĩa thật lớn và thật  quan trọng: văn hóa đọc vẫn cần và có thể cạnh tranh lành mạnh, tích cực với văn hóa nghe nhìn – tưởng như lấn át ghê gớm trong thời đại bùng nổ thông tin của công nghệ hiện đại.

***

 

PGS Đoàn Trọng Huy người thường xuyên phát biểu tại các buổi sinh hoạt CLB

Câu lạc bộ Người yêu sách là tổ chức hoạt động hoàn toàn tự nguyện dựa trên sự tham gia đông đảo của các thành viên – học sinh các cấp, sinh viên các ngành, cán bộ viên chức nhiều cơ quan, nhà giáo, nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu đương chức và nghỉ hưu, cựu chiến binh,... trong đó có một số nguyên là cấp lãnh đạo, số khác lại có học hàm, học vị, có danh tiếng.

Câu lạc bộ vốn là một kiểu tập hợp có tính quần chúng xã hội rộng rãi về văn hóa, khoa học, thể thao, du lịch,... của những cá nhân có chung sở thích, đam mê văn nghệ, chuyên môn, kỹ thuật thuộc một tổ chức, một hội, đoàn... Đó là nói chung.

Ở đây, Câu lạc bộ Người yêu sách, như tên gọi, là câu lạc bộ của những người đam mê, thích thú với sách, cùng cảm nhận, chia sẻ, và luận bàn về sách, tức là những người có văn hóa đọc. Sách thuộc nhiều trình độ, ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng có mẫu số chung là giá trị sách.

Thực chất, đây là câu lạc bộ sách văn học, thu hút phần lớn những người yêu thích văn học, gắn bó với nghiệp văn chương, cho dù là người trong văn, ngoài văn; gần văn và xa văn. Đã có khoảng trên 50 tác giả trong và ngoài nước được giới thiệu.

Sinh hoạt trong câu lạc bộ thật phong phú và linh hoạt.

 Chỉ nhìn qua khoảng hai năm nay. Mỗi kỳ thường là đọc và bàn về một nhà văn,  nhà thơ. Thảng hoặc có kỳ là chủ đề văn học, chính trị - xã hội riêng lẻ và kết hợp (Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Văn học viết về các nhà tình báo, Điện Biên Phủ - kỳ tích Việt Nam, Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam, 60 năm giải phóng Thủ đô...).

Tuy nhiên, trong nội san và trên trang web bao giờ cũng có sự kết hợp nổi bật những vấn đề và sự kiện chính trị, thời sự: Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biện Phủ (5/1964), Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (9/2015). Về văn học cũng vậy,  kết hợp các ngày kỷ niệm: Dịp 50 năm ngày mất Lê Văn Trương, Kỷ niệm 120 năm ngày mất Trần Tuấn Khải, Tưởng niệm 1 năm ngày mất Tô Hoài; rồi Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Nguyễn Tuân, 100 năm ngày sinh Nam Cao. Ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 55 năm ngày mất Nguyễn Huy Tưởng mang tựa đề Nguyễn Huy Tưởng với hôm nay có 03 bài được đưa vào Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nguyễn Huy Tưởng tháng 7/2015.

Rõ ràng, chủ đề trung tâm là văn học, nhưng đạo là đời, văn học gắn đời sống lớn, không bao giờ tách rời với chính trị, xã hội và lý tưởng chân, thiện, mỹ cao cả.

Điều mang lại cho mỗi kỳ sinh hoạt là sự chia sẻ cảm nhận đọc sách, những thu hoạch bổ ích và lý thú qua nhà văn, tác phẩm, vấn đề văn học và rộng ra là văn hóa, xã hội. Có những trao đổi dân chủ, cởi mở, thẳng thắn. Có những phản biện, những vấn đề đặt ra, gợi trao đổi, bàn thảo. Sinh hoạt vì thế trở nên sinh động, sôi nổi và có hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy tư duy độc lập và kích thích sự tìm hiểu, tiếp tục bàn luận.

Tất nhiên, có những định hướng theo những quan điểm chính thống, có uy tín, có giá trị, nhưng bao giờ cũng khuyến khích đổi mới theo hướng của lý luận tiếp nhận hiện đại và xu thế chung của đổi mới văn nghệ.

Đặc điểm nổi bật của câu lạc bộ, phải chăng chính là tính chất “mở”?. “Mở” về tổ chức, “mở” trong sinh hoạt.

Chính vì vậy, cần đảm bảo tốt tính chân thật lịch sử và khách quan khoa học trong thảo luận, cũng như xử lý các thông tin, tư liệu.

 

Đôi điều mong mỏi...

Thư viện, câu lạc bộ là hoạt động tự nguyện. Giám đốc Thư viện kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thực chất là hoạt động thiện nguyện. Trong thực tế, Câu lạc bộ gặp không ít khó khăn, trở ngại đáng kể trong kinh phí, tổ chức và điều hành hoạt động.

Rất đáng quý là cái tâm lớn, cái chí đẹp của người đứng đầu. Cũng rất đáng trọng là tài năng tổ chức, làm nên những thành tích đáng khích lệ.

Tuy nhiên, vẫn rất cần những ý tưởng xây dựng chiến lược trong phát triển, nâng cao chất lượng sinh hoạt và chất lượng phục vụ trong toàn bộ hoạt động tổ chức, vận động và điều hành.

Nên chăng mở rộng chủ đề và đề tài trong sinh hoạt câu lạc bộ về cả văn học, văn hóa, giáo dục, xã hội… Từ đó, sẽ phân loại được thành phần tham dự và thu hút được nhiều hơn, hiệu quả hơn trí tuệ cho văn hóa đọc.

Uy tín chủ yếu ở thương hiệu.“Hữu xạ tự nhiên hương” “Tiếng lành đồn xa”. Tuy nhiên, cần phải biết kết hợp tuyên truyền, quảng bá ảnh hưởng để tập hợp, thu hút được nhiều hơn về thành phần và chất lượng của văn hóa đọc, nhất là học sinh cuối cấp Trung học Phổ thông và sinh viên Đại học đến tham gia tích cực cho Thư viện, Câu lạc bộ và Trang web.

Đã thành nguyên lý “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Sự đóng góp chủ yếu  về tinh thần, vật chất là của tất cả các thành viên, nhất là số trung kiên, nòng cốt của Thư viện và Câu lạc bộ.

Hãy cùng góp phần tạo ra dư luận xã hội chính đáng, tích cực: “đưa hương” và “đánh tiếng” cho bè bạn xa gần như một ý thơ Tố Hữu: “Huơng bay xa/ Thơm ngát/ Đường ta” (Tiếng chổi tre).

Hãy tự hào, tự vinh danh chúng ta như một Ngọn đèn đứng gác (Chính Hữu). Hơn thế, có thể coi là một Ngọn đèn tỏa sáng. Với trách nhiệm nhỏ bé, khiêm tốn, đẩy lùi bóng tối phản văn hóa và chiếu rọi ánh sáng văn hóa, văn minh của Đất nước, Cuộc đời trong Thời đại Mới Cách mạng qua những Trang sách Đẹp.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

Các Bài viết khác