NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

BẢN TIN THÁNG 02 - 2024 DƯƠNG TƯỜNG – DỊCH GIẢ NHÂN HẬU, TÀI NĂNG.

( 08-02-2024 - 07:50 AM ) - Lượt xem: 968

Vào lúc 8 giờ 30 ngày 04/02/2024, tại Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (352 đường số 8, phường 11,Gò Vấp,Tp.HCM), CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLB NYS) đã tổ chức buổi phát sóng trực tiếp toạ đàm nhân giỗ đầu nhà thơ, dịch giả Dương Tường; diễn giả là 2 nhà thơ Hoàng Hưng và Nguyễn Hữu Hồng Mình. Đã có 25 người tham dự là thành viên CLB NYS và chị Trần Phương Mai - con gái của nhà thơ, dịch giả Dương Tường đang ở Hà Nội tham dự online.

Cùng với một số tác phẩm và bản dịch của nhà thơ được trưng bày trên bàn và qua màn hình trình chiếu là Ấn phẩm định kỳ số 130 với các bài viết về Tết, về nhà thơ, dịch giả Dương Tường: NHÀ VĂN VỚI TẾT Đón tết, Nguyễn Huy Tưởng khai bút chúc non sông (Trần Đình Ba) - Nhà văn Tô Hoài và những chuyện về Tết (Trần Hoàng Thiên Kim) -Thú chơi hoa tinh tế…(Hiền Trang) -  Nhà văn Hồ Phương còn mãi Tết Hà Nội xưa (Hoàng Lê) - Một thoáng Tết trong văn học Việt (Đoàn Minh Tâm) - Tết ở chung cư (Lê Phương Liên). MỖI SỐ MỘT CHÂN DUNG Dương Tường, Dịch giả, nhà thơ tài năng (Đoàn Trọng Huy) - Sau 20 năm điệu chích choè thêm nhịp (Trần Quốc Toàn) - Nhà thơ, dịch giả Dương Tường: say chữ, cả đời làm phu chữ (Nguyên Khánh) - Dấu ấn cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ, dịch giả… (Hoàng Vân) -  Dương Tường: “Tôi đứng về phe nước mắt” (Thư Vũ) - Đường Dương Tường nghiêng (Hoàng Hưng) - Nhớ nhà thơ Dương Tường… (Nguyễn Việt Chiến) - Nhà thơ, dịch giả, nhà văn hoá Dương Tường…(Hoàng Thuỵ Hưng) - Tôi vẫn lạ lắm ông Dương Tường (Phạm Xuân Nguyên) - Chuyện ít người biết về nhà thơ Dương Tường… (Ngô Minh) - “Dị nhân” thơ Dương Tường và mối tình… - (Lan Chinh) - Dịch giả Dương Tường: tôi không ăn gian của Trời một ngày nào (Thiên Điểu) - Anh đi nhé Dương Tường (Hoàng Hưng) -  Tình khúc 24 (Dương Tường). VẤN ĐỀ & SỰ KIỆN Vấn đề sự kiện Nguyễn Huệ ra Thăng Long lần thứ 3 (Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín). TRANG VĂN CLB Cành đào vui tết ( Phạm Thị Hoàn) - Chùm thơ Xuân của Phan Đạt Ninh. TRÊN GIÁ SÁCH CỦA CHÚNG TÔI Dương Tường thơ, trong thi có hoạ (Hà Nguyên).                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 

 Mở đầu, Chủ nhiệm Phạm thế Cường (CN PTC) đã giới thiệu vài nét về tiểu sử và những đóng góp văn học của Dương Tường: Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932 tại Nam Định. Ông học trung học tại Hà Nội, sau đó theo kháng chiến, vào bộ đội năm 1949. Năm 1955, ông giải ngũ rồi trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, về hưu năm 1979. Với ông, dịch thuật vừa là đam mê lớn, vừa là nghề để ông nuôi sống cả gia đình.

Ông bắt đầu công việc dịch thuật từ những năm 1960, với một số tác phẩm dịch nổi tiếng như tập truyện ngắn Cây tường vi, Cái tẩu (Yuri Nagibin)... Dịch giả Dương Tường đã dịch khoảng 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp... trong đó phải kể tới những Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió, Kafka bên bờ biển, Cái trống thiếc, Phố những cửa hiệu u tối, Đi tìm thời gian đã mất, Alexis Zorba con người hoan lạc, Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline)...

Ở tuổi 80, dịch giả Dương Tường vẫn miệt mài làm việc và cho ra đời bản dịch danh tác Lolita của Vladimir Nabokov. Ông còn là một nhà thơ với các tập thơ như 36 bài tình (in chung với Lê Đạt), Đàn, Dương Tường thơ... Năm 2020 khi mắt gần như lòa, ông cho ra mắt bản chuyển ngữ tiếng Anh Truyện Kiều (Nguyễn Du) có tên Kiều in Dương Tường’s version. Ông còn in tạp luận Chỉ tại con chích chòe và tập truyện ký Thuyền trưởng (dưới bút danh Nguyễn Trinh).

Tác phẩm dịch Chết chịu của Dương Tường ra mắt năm 2019, ông tuyên bố "rửa tay gác kiếm", tuy nhiên một năm sau lại ra mắt bản dịch Kiều.

Bản dịch Truyện Kiều sang Tiếng Anh ra mắt năm 2020 của ông ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt ấy. Ông gõ phím từng chữ một cho bản dịch truyện Kiều.

“Niềm vui lớn nhất của ông Dương Tường là chữ nghĩa. Ông quá say chữ, quá yêu tiếng Việt cho nên đôi khi ông ấy cũng khổ, vì đối với nhiều vấn đề mang tính chất thời sự, xã hội ông lại ngây thơ. Chúng ta đánh giá cao Dương Tường như một người yêu tiếng Việt, biết sử dụng tiếng Việt làm giàu trí tuệ của Việt Nam”, nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo chia sẻ với Tiền Phong.

Những bản dịch của ông Dương Tường đều rất có giá trị, giàu chất văn hoá đặc trưng của tác phẩm, văn ông nhuần nhuyễn và rất thơ nổi bật nhất như Cuốn theo chiều gió, 24 giờ trong đời người đàn bà, Anna Karenina. “Cho tới ngày nay những bản dịch của ông vẫn đáng tin cậy”. Dương Tường là dịch giả có tầm của văn học Việt Nam, tiếp nối cả thế hệ dịch giả lẫy lừng trước đó. Ông luôn thử thách mình bằng cách chọn những tác phẩm đồ sộ, tác phẩm đầy thách thức.

Nhà văn, nhà nghiên cứu VH Ngô Thảo nhận xét “Văn chương Dương Tường “mắc tội” hơi cầu kỳ, thuộc “trường phái phu chữ”.Trong khoa học cần những người như thế, sống đúng vì chữ nghĩa. Dù dịch thuật là lao động kiếm sống nhưng ông thuộc trường phái phu chữ cùng với những ông như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… Ông Dương Tường là hậu duệ cuối cùng của trường phái ấy”.

Năm 2019 trong cuộc tọa đàm về bản dịch Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên hóm hỉnh bảo Dương Tường “ăn nằm” với nguyên tác để đẻ ra bản dịch. Có đêm đang nằm ông cũng bật dậy khi chợt nghĩ được một chữ "đắt". Thường thường ông dành cả một năm hoặc hơn nữa để dịch một tác phẩm, bởi còn phải dành thời gian đọc ít nhất hai lần tác phẩm đó, tìm hiểu tiểu sử, phong cách.

Ngày 24 tháng 2 năm 2023 nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời tại Bệnh viện Quân y 108, Hà Nội, thọ 90 tuổi.

Giải thưởng:

- Giải thưởng dịch thuật – Hội Nhà văn Việt Nam, 2002.

- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2003.

- Đại sứ Văn học Nghệ thuật (Officier des Arts et des Lettres), Chính phủ Pháp, 2009.

- Giải thưởng dịch thuật Hội Nhà văn Hà Nội, 2011.

Tại buổi tọa đàm, CLB được nghe nhà thơ Hoàng Hưng phân tích kỹ về dòng thơ “Bàng Thống” của Dương Tường và giới thiệu về một số tác phẩm dịch của Dương Tường. Theo diễn giả, Dương Tường là người thích đổi mới trong sáng tác thơ, ông sáng tác không nhiều nhưng có giá trị tiêu biểu, có nét siêu thực. Dương Tường là người say mê và giàu kiến thức âm nhạc, đặc biệt chú trọng đến âm thanh của chữ, đã đặt ra khái niệm “con âm”. Với thơ Dương Tường, bạn đọc sẽ đi sâu hơn vào thế giới của tác giả bằng hồn thơ và chất thơ vừa mang phong cách hiện đại của phương Tây vừa vương vấn chút cổ điển phương Đông. Anh đã đọc một đoạn thơ trong bài “Nôel” của Dương Tường. Riêng lãnh vực dịch thuật, theo Hoàng Hưng vai trò dịch giả ngày nay bị “thông tin” lấn áp về “chữ nghĩa”, google dịch ý chính đạt trên 90% và anh đã nhắc lại quan niệm của Dương Tường: “Một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó dịch giả là đồng tác giả”.

- Nhà thơ Hồng Mình đã chia sẻ những kỷ niệm và tình cảm của anh dành cho Dương Tường, một nhà thơ với những câu thơ cực ngắn, thậm chí nhiều bài thơ khó hiểu, thơ ông luôn có chất nhạc và tạo hình. Tâm đắc nhất thi phẩm “Tình khúc 24” đầy ý nhạc của Dương Tường, anh đã đọc lại bài thơ đó.

- Chị Trần Phương Mai - con gái của nhà thơ, dịch giả Dương Tường đang ở Hà Nội, qua livestream đã gửi lời cảm ơn CN PTC, các thành viên CLB NYS, nhà thơ Hồng Minh đã tham dự buổi tọa đàm về thân phụ, cùng đồng cảm những chia sẻ của các cử tọa về tiện ích dịch qua google, nhưng lại làm mất đi cái đẹp của ngôn ngữ. Vì trong dịch thuật, điều quan trọng nhất là bản dịch phải toát lên được hồn cốt của tác phẩm.

- Tiếp lới, nhà thơ Hồng Minh đã hát “Tình khúc 24” do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc.

- CN Phạm Thế Cường, LS Trần Anh Tuấn chia sẻ với các cử tọa về những tác phẩm do Dương Tường dịch thuật, Dương Tường là dịch giả mẫn tiệp, một người am hiểu văn hóa và ngoại ngữ, có tầm của văn học Việt Nam, góp phần cùng các thế hệ dịch giả nổi tiếng trước đó.  

Nhà thơ Mộng Thu với giọng ngâm truyền cảm góp vui cho buổi tọa đàm bài thơ Mảnh vườn xưa.

Cuối buối tọa đàm, các cử tọa đã nghe xem lại điếu văn tại lễ tang của Dương Tường do nhà thơ Phạm Xuân Nguyên đọc; nhà thơ Hồng Mình tặng CLBNYS cuốn Kiều do Dương Tường dịch sang tiếng Anh.

Thay mặt Ban Chủ nhiệm CLB NYS, CN PTC cảm ơn nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Hồng Minh và các thành viên CLB NYS đã về dự toạ đàm nhân giỗ đầu nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Đồng thời thông báo kỳ sinh hoạt tháng 3/2024, chủ đề về Luật sư Nguyễn Mạnh Tường; kỳ sinh hoạt tháng 4/2024, chủ đề nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

 

Ngọc Dung

Các Bài viết khác