NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

A.S.PUSHKIN – MẶT TRỜI THI CA NGA

( 03-02-2015 - 06:08 AM ) - Lượt xem: 1881

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình, Tự do là điều mà Pushkin đề cập đến nhiều nhất. Tự do nhân sinh và tự do trong sáng tác.

Vào sáng ngày Chủ nhật, 1/2/2015 vừa qua, Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã diễn ra buổi sinh hoạt định kỳ theo chủ đề “A.S. Pushkin – Mặt trời thi ca Nga”, với sự tham gia của PGS.TS Phạm Thị Phương là diễn giả chính, cùng sự góp mặt của các thành viên trong CLB.

Sau phần giới thiệu sơ lược về cuộc đời, sự nghiệp và điểm qua các tác phẩm của Pushkin ở đầy đủ các thể loại do bạn Hồng Minh (thành viên CLB), PGS.TS Phạm Thị Phương nhấn mạnh lại những điểm chính trong việc tiếp nhận Pushkin tại việc Nam và giải đáp các thắc mắc cùng các thành viên CLB.

Theo PGS. TS Phạm Thị Phương và đánh giá của nhiều người thì Pushkin là “Nhà thơ Nga nhất trong các nhà thơ Nga”, đồng thời tác phẩm của Pushkin rất phù hợp với tâm hồn người Việt. Chính vì lẽ đó, Pushkin “đến với” Việt Nam và được chào đón như ông trở về nhà.  Việc nghiên cứu và sáng tác về ông ở Việt Nam rất thành công.

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của mình, Tự do là điều mà Pushkin đề cập đến nhiều nhất. Tự do nhân sinh và tự do trong sáng tác.

Dẫn chứng cụ thể, PGS.TS Phạm Thị Phương phân tích những ý chính trong bài thơ “Người gieo giống tự do trên đồng vắng” làm ví dụ minh họa:

Là người gieo giống tự do trên đồng vắng

Tôi ra đi từ sáng sớm tinh mơ

Bàn tay tôi trong trẻo ngây thơ

Gieo mầm sống trên luống cày nô dịch

Nhưng tôi chỉ phí thời gian vô ích

Cả tư tưởng và việc làm thiện chí của tôi

Nhân danh thanh bình, cứ gặm cỏ đi thôi!

Tiếng vinh dự không thể làm tỉnh giấc

Tự do đâu cho một bầy súc vật?

Chúng chỉ cần cắt xẻo, cạo lông

Đời nối đời, di sản chúng nó chung

Là ách nặng đeo chuông và roi vọt

 (Người gieo giống tự do trên đồng vắng

Người dịch: Hoàng Trung Thông)

PGS.TS Phạm Thị Phương trình bày về Pushkin tại CLB

Pushkin đề cao tự do, trân trọng tự do và muốn mang lại tự do cho mọi người. Tuy nhiên, tự do đó phải là tự do được nhận thức, được khao khát. Phải hiểu, phải vươn tới tự do mới xứng đáng đón nhận tự do. Điều này có thể liên hệ với “nhà khai sáng” của Việt Nam là Phan Chu Trinh với “Khai dân trí, chấn dân kh,í hậu dân sinh” và Lỗ Tấn với “Thuốc” giúp đánh thức cả một dân tộc chìm trong u mê, tăm tối. Đó là những con người, sống trong những thời đại khác nhau, trên những đất nước khác nhau nhưng có cùng tư tưởng “khai sáng”, như là quy luật vận động của cuộc sống.

Trong buổi giao lưu, thành viên Hòang Tuấn và thành viên Nguyễn Khoa Đăng cũng có những câu hỏi góp phần sinh động cho chương trình. Ví như: Ở Việt Nam, nhiều người đọc biết đến Pushkin như là một nhà văn hơn là nhà thơ. Vậy tại sao không gọi ông là nhà văn vĩ đại mà lại là nhà thơ vĩ đai – “Mặt trời thi ca Nga”? Và muốn được phân tích rõ hơn về tác phẩm “Con đầm pích” để có thể hiểu sâu sắc hơn?

PGS. TS Phạm Thị Phương cũng đã có những giải đáp thỏa đáng với các ý kiến trên.

Trước hết, nước Nga trước Pushkin có truyền thống thơ ca hơn là truyền thống văn xuôi. Và Pushkin là một nghệ sĩ đa tài từ thơ ca đến văn xuôi, cùng các thể loại khác. Có thể gọi ông là nhà văn, là nhà thơ, nhà viết kịch,…nhưng trước hết, Pushkin là một nhà thơ.

Ngôn ngữ thơ của Pushkin được xem như “ngôn ngữ kim cương làm điên đầu các dịch giả”. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học.

Và cũng có thể nói, Pushkin là người đặt nền móng cho văn xuôi Nga và dần phát triển lên đỉnh cao, trở thành “truyền thống” qua các thế hệ học trò (hậu bối) của ông như: Gogol, Lev Tolstoy, Dostoievski. Điều đó có nghĩa là, văn xuôi Pushkin vẫn rất hay,tuy nhiên, đó được xem như “thời thơ ấu” của văn xuôi Nga và cần phát triển hơn qua các thế hệ để góp nhặt thêm những tinh hoa văn chương.

Về tác phẩm “Con đầm pích”, tác phẩm đã đặt ra một vấn đề lớn cho toàn nước Nga, đó là - Con đường đi của nước Nga. Nước Nga sẽ đi theo mô hình nào, Tư bản chủ nghĩa hay Xã hội chủ nghĩa? Pushkin đặt câu hỏi và các thế hệ sau ông lần lượt trả lời cho câu hỏi đó qua các tác phẩm của Lev, của Dos. Và nhân vật chính – Gherman là một nhân vật vô cùng lớn, là nhân vật đặt nền móng cho những nhân vật tư tưởng trong tác phẩm sau này của Dos – Tội ác và trừng phạt

Trên đây nêu lên sơ lược một vài vấn đề trong nhiều vấn đề  rất thú vị được đề cập trong buổi sinh hoạt, mang lại những trải nghiệm mới mẻ, những kiến thức bổ ích về Pushkin và mối giao cảm giữa người Việt với tác phẩm của ông.

Đến với phần 2 của buổi sinh hoạt là phần chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Triệu Căn – Con trai nhà văn Nguyễn Triệu Luật về sự ra đời của quyển “Nguyễn Triệu Luật – Tác phẩm đăng báo”, đồng thời trao tặng sách và gửi lời mời đến các thành viên trong CLB về buổi giao lưu, giới thiệu sách vào lúc 18g00 thứ ba, ngày 3/2/2015, tại Thư viện IDECAF, 31 Thái Văn Lung, Quận 1, TP.HCM.

Nhà giáo Nguyễn Triệu Căn trình bày về việc sưu tầm các bài báo của cha, nhà văn Nguyễn Triệu Luật

Kết thúc chương trình là lời chúc Tết đầy ý nghĩa của chủ nhiệm CLB – Phạm Thế Cường đến tất cả các thành viên.

Mong rằng, niềm đam mê với sách và tình yêu với văn chương, với tri thức sẽ ngày càng được nhân rộng hơn nữa. Kính chúc mọi người năm mới bình an, hạnh phúc và thành công!

Lê Thương

Các Bài viết khác