NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VIỆT PHƯƠNG – “MỘT GIỌT NGƯỜI RẤT SÁNG, RẤT TRONG”

( 17-05-2017 - 07:38 AM ) - Lượt xem: 1114

Xét về lý thuyết tiếp nhận, có thể thấy thơ Việt Phương như phù hợp nhất với một đối tượng được chọn lựa – giới trí thức giàu cảm nhận trí tuệ. Tuy nhiên, trong xã hội tri thức mói, bạn đọc có trình độ cao tức công chúng hiện đại sẽ ngày càng đông đảo, sự hâm mộ chắc chắn sẽ tăng tiến lên rất nhiều.Đó là tính đại chúng thời đại đã kết hợp được tính chất đại chúng – khoa học.

Ngày 10/5 2017 tang lễ nhà chính trị, cựn chuyên viên cao cấp Văn phòng Chính phủ Trần Việt Phương tức nhà thơ Việt Phương đã được cử hành trọng thể trong niềm tiếc thương vô hạn của biết bao người.
1. Một con người suốt đời tận tuỵ dấn thân quả cảm
“Năm xưa… buổi lên đường” là hành khúc đầu đời của Việt Phương:
Ta đứng lên ta làm Cách mạng
Bỗng thấy trời ta trong sáng vô cùng
Lao thẳng cuộc đời đi như viên đạn
Nhắm chân trời đã rạng đằng đông
Đây cũng là bài thơ như tuyên ngôn Từ ấy của Tố Hữu – “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày”. Nghĩa là, phải chấp nhận tất cả mọi rủi ro có thể, cao nhất là hy sinh cả thân mình.

Pgs Đoàn Trọng Huy đọc Cửa mở do chính nhà thơ Việt Phương gửi tặng


Trần Việt Phương tham gia hoạt động bí mật đã từng bị bắt, và giam cầm, tra khảo hai lần, vẫn giữ vững khí tiết cách mạng.
Sau này, trong Sống (2014), có hai bài thơ phải chăng đã hé lộ những bí mật cuộc đời ông: Xà lim Thanh Hóa, Hầm Nhà dầu Shell. Hai bài thơ đã bộc lộ được về chí khí trong tù: “Tâm tưởng vẫy vùng ngoài trận tuyến Dẫu chốn xà lim tối mịt mù” (Xà lim Thanh Hóa), và niềm tin vào ngày giải phóng vào khoảng trước Cách mạng: “Chết đến nơi rồi quân phát xít Hỡi bạn tù ơi sắp sổ lồng”.
Vào khoảng từ năm 1944, chàng trai 16 tuổi đã tham gia vào hoạt động Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, anh tham gia vào đợt Nam tiến đầu tiên của bộ đội, đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy đơn vị 3 miền Đông Nam bộ.
Cuộc dấn thân đầu đời ấy, với tư cách người chiến sĩ, đã chấm dứt vào năm 1947. Lọt vào mắt xanh của cán bộ cao cấp – Phạm Văn Đồng (lúc ấy là Bí thư Liên khu ủy V đầu tiên, thay mặt Trung ương Đảng), nhà quân sự trẻ tuổi chuyển sang đời hoạt động chính trị, làm Thư ký cho đồng chí đến tận năm 2000.
Thủy chung là một con người dũng cảm dấn thân, sống hết mình, Trần Việt Phương đã tận hiến đến giọt cuối của đời mình: “Cho dẫu nếu hồn anh sắp cạn Xin nâng niu chắt giọt cuối cùng Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn Một giọt người rất sáng, rất trong Đậu xuống vai em làm giọt sương hồng”.(Đậu).
Được tín nhiệm, Trần Quang Huy (tên thật của Trần Việt Phương) đã làm thư ký lâu năm nhất (trên 50 năm) cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên cương vị Phó Thủ tướng, đến Thủ tướng, rồi sau đó là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong thời gian này, ông cũng làm thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn (trên 10 năm).
Trải qua quá trình phục vụ tới ba đời Thủ tướng: tiếp tục làm chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến Ủy viên thường trực, rồi mở rộng thành Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông nghỉ hưu ở tuổi 65.
Nhà chính trị Trần Việt Phương cũng đồng thời mang tư cách là nhà thơ.
Chính khách xuất sắc Trần Việt Phương cũng đồng thời là nhà thơ nổi tiếng: Việt Phương. Ông có sự nghiệp thơ ca khá đồ sộ, và nổi bật vào những năm chặng cuối cuộc đời.
Thực ra, Việt Phương đã bắt đầu làm thơ từ năm 1960, và liên tục trong suốt những năm chống Mỹ cứu nước. phản ánh chân thật hào hùng sự nghiệp vĩ đại của dân tộc (Ta đánh Mỹ, vậy thì ta tồn tại, Nơi tự do độc lập sáng như gương…) Những bài thơ thật hay viết về Bác Hồ và Đảng (Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương, Người như sự sống mãi sinh sôi, Đảng) như dấu son kết thúc chặng đường sáng tác này, để đến 1970 tập thơ được xuất bản.
Cửa mở như bước đột phá đời thơ Việt Phương, gây một cơn chấn động dư luận lớn. Đó là một hiện tượng thơ kỳ lạ, đột xuất, gây ra luồng ý kiến trái chiều, và tạo áp lực lớn cho tác giả.
Nhưng rồi “cây ngay không sợ chết đứng”. Tiếng nói thơ chính trực, mạnh bạo dũng cảm đã được bảo vệ của chính những nhà lãnh đạo tối cao sáng suốt nhất
Qua cơn thăng trầm, tập thơ được tái bản năm 1989. Và đến năm 2008, thì Cửa đã mở ra đời kèm Mấy vần thơ buông tặng Việt Phương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng nhân dịp nhà thơ 60 tuổi (5/12/1988): “Cửa đã mở rồi”.
Từ đó, liên tục là những vần thơ như tuôn chảy từ một tâm hồn thơ đích thực. Đúng như dự cảm của nhà tiên tri đại tài Võ Nguyên Giáp:
Hoa thơm, đẹp từ bốn phương trời đưa lại
Hoa nở thành thơ, từng chùm, từng chùm.
Quả như lời chúc, nhà thơ “trẻ mãi không già”, và thơ vẫn tươi nở.
Tôi hầu như có được gần đầy đủ các tập thơ, được tác giả tặng liên tục theo dòng năm tháng: Cửa đã mở (2008), Cửa mở (2009), Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2010), Nhặt nắng trong sương (2011), Sống (2012), Lan (2013), Nắng (2013), Gió (2014).
Chỉ đến khi bệnh tật tuổi già không cho phép, những cơn tăng huyết áp đột xuất thất thường hàng ngày mới buộc nhà thơ phải tạm dừng bút với bao khắc khoải, khát vọng một đời thơ.
Tận hiến cho sự nghiệp chính trị và sự nghiệp thơ ca, Việt Phương một đời tâm niệm cho đạo và đời gửi lại cho hậu thế:
Sạch sao sạch đến trong ngần
Đẹp sao đẹp đến gót chân trên đường
Đằm, 2014
2. Một chính khách thông tuệ dốc hết tâm huyết, trí óc cho sự nghiệp chung.
Trước hết,Việt Phương với danh xưng Trần Việt Phương là một chính khách thông tuệ có tầm cỡ. Ông là một tiếng nói tham mưu có sức nặng với lãnh đạo ngay cả ở cấp cao nhất, là một tiếng nói tư vấn có uy tín vào hàng đầu.
Có trọng trách rất cao, nhưng chuyên gia tư vấn này không trực tiếp nắm quyền lực. Đây là tiếng nói quyền uy của quyền lực. Nói đích xác là tiếng nói góp phần tạo ra quyền lực.
Chuyên gia tư vấn có tài năng xuất sắc cũng có lúc đóng vai trò cố vấn cao cấp cho tổ chức, cho bộ máy. Điều đó thể hiện không hẳn chỉ là vai trò tai mắt, mà còn là một phần của bộ óc cho lãnh đạo, tạo nên một hệ thống thần kinh khá nhạy bén, sức vóc, vừa thu nhận, vừa phát tín hiệu chính xác, kịp thời và hiệu quả nhất
Trần Việt Phương, trong quyền hạn, chức trách của mình, đã làm Thư ký – tức Trợ lý tham mưu cho lãnh đạo cấp cao nhất của Chính phủ và Đảng, trên hai phương diện chính yếu nhất: chính trị và kinh tế.
Với cốt cách thông tuệ, uyên thâm chuyên gia thâu tóm thực tiễn đầy đủ, và vận dụng tốt đường lối để tạo nên những tri thức tổng quát trở thành hiện thực trong đời sống.
Với bản tính trung thực, sáng suốt, can đảm nhìn thẳng vào sự thật, và ý thức sáng tạo, chuyên gia tư vấn là một trong những người dũng cảm đưa ra những ý kiến táo bạo cho công cuộc đổi mới.
Công lao một đời của chuyên gia cao cấp, nhà chính khách Trần Việt Phương chính là đã góp tay cho Cửa mở để đến lúc Cửa đã mở, tạo sự nghiệp chung của đất nước vào thời kỳ hội nhập mới, một thời kỳ mở: “Thôi giã biệt những lối mòn xưa cũ Đường ta đi cùng mở với bao người”(Ai)
Ý kiến biến thành chữ nghĩa, chữ nghĩa hoá thành văn bản,và rồi từ văn kiện nghị quyết, chính sách hiện thực hoá trong cuộc sống, thành cuộc đời. Rồi lại tiếp tục chu trình chỉnh sửa, bổ sung, đổi mới, sáng tạo…Thành quả chung có biết bao mồ hôi, nước mắt các chuyên gia tư vấn, trong đó có đóng góp của chuyên gia xuất sắc Trần Việt Phương. Nhưng họ không bao giờ được đề tên, gắn danh hiệu vào bất cứ chỗ nào, Họ làm nên chiến công thầm lặng và là những anh hùng vô danh: dọn đường, mở lối, bắc cầu cho tiến công và chiến thắng.
Trần Việt Phương rất trung thực. Gửi chuyển tải một thông điệp ứng xử ; “Nhìn vào sự thật nhìn cho thẳng”..Không vòng vo, không quanh quẩn. Cũng không chờn vờn, né tránh. Và phải thật quả cảm : dám nghĩ, dám nói, dám hành động. Dám làm và nghĩ có lúc như ngược với điều tối cấm kỵ một thời (1969)“ Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười Mở đài địch như mở toang cánh cửa Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai” Nhà chính trị bản lĩnh vững vàng, có tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ, được mệnh danh là người đổi mới quyết liệt là vậy.
Khiêm nhường, luôn biết mình, biết người, hết sức tỉnh táo và cảnh giác với chính mình và cho cả đội ngũ: “Một đời người là một sự quá Quá thương yêu quá dại khờ Quá tin tưởng quá nhẹ dạ Quá mơ mộng quá ngây thơ”( Quá). Cái gì như cũng quá đi một chút !
Quá yêu đời, yêu người như để bù cho những lúc còn chưa đủ đắm say (Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ - Xuân Diệu).
Quá tin tưởng, bởi có những giây, những phút chưa đủ mãnh liệt. Và có những khuyết điểm, nhược điểm, cũng như được đẩy quá lên: sự nhẹ dạ, cả tin, sự ngây thơ, hồn nhiên trong tình cảm và cả nhận thức, những bốc đồng lửa rơm, những giáo điều như đến mức mê tín: “ Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ Hình như đấy là niềm tin và ý chí tự hào Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao” (Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi , 1969)).
Biết người, như biết hai mặt của chiếc huân chương. Có điều kiện đặc biệt nên gần gũi thân thiết với các nhà lãnh đạo cao cấp thường xuyên là chuyện tất yếu. Vì thế, Việt Phương thấu hiểu chữ “dũng”, và nhất là chữ “nhẫn” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chữ “hòa” và chữ “tâm” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhưng cũng chính với tư cách người thân cận, Việt Phương hết sức thông cảm với những điều tinh vi, tế nhị, những gì chưa thỏa, chưa thấu của chữ “hòa”, chữ “nhẫn”, mà chính những thần tượng ấy cũng đã có dịp bộc bạch.
Đó là hình ảnh ẩn dụ của tư duy trong cách nhìn sự vật, nhìn người, nhìn việc như trong bài thơ gây chấn động nêu trên ;
Ta đã thấy những chỗ lồi, chỗ lõm trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao
… Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười
Trải nghiệm thế thái nhân tình, bao trùm là cái nhìn bao dung, độ lượng của một trái tim ngoan cường mà nhân hậu: “Đã qua rồi cái thời ngạc nhiên Đã qua cái thời dằn vặt Đã qua cái thời tức điên Đã qua cái thời đau uất Đã đến cái thời mở mắt Nhìn cho sáng màu tiếng khóc Nhìn cho tỏ sắc nụ cười Nhìn thấy cuộc đời ngang dọc Nhìn ra trong vắt ngày mai” (Duy). Vẫn luôn luôn, và mãi mãi là sự bình tĩnh, lạc quan, là niềm tin vững chắc về phía ánh sáng.
Cái chính là một nhân thức minh triết phong trào, tư tưởng, chính kiến, cảm hứng trong đấu tranh thường dao động. Có khi thiên tả một chút, ngược lại, có lúc thiên hữu hơi quá. Chẳng khác nào con lắc đồng hồ, muốn trở về vị trí cân bằng phải lúc qua lắc lại liên tục về hai phía rồi mới yên vị được.
Lại nữa, mọi sự, mọi việc đều phải thấu lý, đạt tình. Đó là sự cân bằng, điều chỉnh để đạt tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ của tiếp nhận, học hỏi.
Bản thân nhà thơ, với sự thông tuệ của bản thân, đã học tập ở những vị trên những đức tính tốt nhưng có sự hiệu chỉnh, bổ sung cần thiết.
Như chữ “nhẫn” trên cương vị chuyên gia tư vấn. Góp ý một lần chưa được nghe thì góp lần thứ hai, thứ ba. Từ suy nghĩ về nội dung, cách thức góp ý, thậm chí nghĩ thêm để góp mười ý, trăm ý. Đôi khi được lọt tai đối tượng một, hai đã là đạt yêu cầu, nhiều nữa càng toại nguyện. Đó là chút tâm sự đã từng bộc bạch với bè bạn thân thiết. Đời chuyên gia tư vấn cao cấp, được trọng thị và trọng dụng nhưng tránh sao khỏi những thăng trầm, những giây phút bất đắc ý. Nói chung là thăng tiến nhưng cũng không hoàn toàn suôn sẻ, hưởng thụ đặc quyền, đặc lợi như ai tưởng,
3. Một nhà thơ minh triết, nhân văn, tràn ngập tình yêu thương cuộc đời và con người
Khi Viện khoa học nghiên cứu nhân tài, nhân lực được thành lập vào năm 2006, Viện trưởng – PGS. TS Đức Vượng có mời nhà thơ – chính khách Việt Phương tham gia Hội đồng Khoa học tư vấn của Viện, và ông đã nhận lời. Có lẽ, người tổ chức và lãnh đạo đã tìm ra cái gốc của nhân tài, nhân lực là nhân trí, và nhất là nhân tâm. Viện đã tìm được đúng một nhà khoa học nhân văn có tầm và có tâm.
Và sau đây là nhận xét sắc sảo của nhà lãnh đạo trong Lời giới thiệu Cửa đã mở: “Thơ Việt Phương toát lên tư duy đặc sắc, độc đáo, tư duy ấy hòa quyện với mỹ cảm của một trái tim nhân hậu, thương mình, thương nhà, thương nước, thương người, thương đời, cuộc sống và nhân tình thế thái. Đó là cốt cách bản lĩnh Việt Phương”.
Quả vậy, thơ Việt Phương chính là sự kết hợp của lý trí và tình cảm, là sự giao hòa linh diệu của cuộc đời với thơ ca.
Ông làm thơ đồng thời với làm chính trị. Đã có nhiều băn khoăn, day dứt được đặt ra qua quan niệm Thơ
Có lẽ nào thơ vô tận
Có ai tìm đường bằng thơ
… Có lẽ nào thơ là vạn năng
Mọi chuyện lấy thơ làm bằng
Rồi nghi vấn (Mưa):
… Cứ cái gì hình như là thơ
Lượn chông chênh ở bên bờ vực thẳm
Và tự trả lời, mơ hồ mà minh định, xác thực và huyền ảo: “Thì thơ ngơ ngẩn là thơ Thì người đồng đảo bơ vơ là người”(Đẹp), “Ta chưa biết rằng ta chưa biết Không thơ là siêu thơ”( Lại).
Nhưng rồi Việt Phương chính khách, Việt Phương nhà lý luận cũng tìm cho mình một định nghĩa thơ thích ứng với văn hoá cộng đồng và với con người mình, với cảm nhận của mình. Thơ là một tuyên ngôn gọn ghẽ, minh triết. Trong cách hỏi đã có cách trả lời, trong đặt vấn đề đã đồng thời có giải quyết vấn đề.
Làm thơ là một nhu cầu tự thân, cũng là thích thú, đam mê một đời của Việt Phương. Đồng thời, thơ cũng luôn luôn là một thách thức và một giải tỏa nỗi niềm – nỗi niềm riêng – chung, mà trong đó nổi bật cái chung trên cái riêng.
Suốt đời là một chính khách, từ cái tạng riêng, Việt Phương đi vào khuynh hướng trí tuệ – suy tưởng có phần hơi giống với thi nhân, nhà hoạt động văn hóa – xã hội Chế Lan Viên về phong cách đại thể. .
Nổi bật dễ thấy là mạch chính luận – triết luận trong thơ Việt Phương như xuyên suốt quá trình sáng tác, nhất là từ tập thơ tạo đột phá khẩu Cửa mở, tiếp sau đó, Cửa đã mở. Gần với Nguyễn Đình Thi,Việt Phương cũng là triết gia trong thơ.
Con người nhân quần, sự đời nhân thế chiếm vị trí hàng đầu. Cảm hứng chủ đạo thơ là cảm hứng nhân văn xã hội. Do thẩm thấu nhân sinh và tình người nên chủ thể trữ tình cũng mê say tỉnh táo.Thơ là tiếng nói tâm tình cõi lòng cũng mang tính phản biện sự đời.
Thơ Việt Phương phong phú về đề tài. Tất nhiên, đề tài chỉ là cái cớ để nói những chủ đề, những tư tưởng, triết lý của nhà thơ. Càng ngày, thơ càng như tăng thêm được bề rộng và chiều sâu, bao trùm ngày càng phổ quát những vấn đề chung về nhân tình thế thái. Nói về quê hương, đất nước, nói đến cả vũ trụ, đến không gian bao la. Chuyện trong nước liên quan đến ngoài nước, chuyện một vùng mà mở ra tận thế giới.
Thiên về thế sự nhưng không tách rời chính sự, thơ Việt Phương trước sau vẫn là thời sự - thời sự nhân sinh – nhưng rất thời đại. Hơn thế, có những ý tưởng còn đi trước thời gian rất xa, có thể nói chính xác, không quá lời, là vượt thời đai Cửa mở đã mở sớm, mở trước như một tiên tri kỳ thú! “Một thời mở cửa cho tất cả Từ trong đại họa hoá bình yên” (Lan)
Viêt Phương kết hoà được nhuần nhuyễn nhận thức lý luận với cảm xúc nghệ thuật. Những vấn đề chính trị - xã hội – đạo đức dù nghiêm trọng, gay cấn (tích cực – tiêu cục, tốt – xấu, thiện – ác …) đều biểu hiện tinh tế, sắc sảo qua lý tưởng thẩm mỹ văn chương cao đẹp.
Việt Phương nói đến tình yêu lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng theo năm tháng của bản thân qua mảng thơ tình với cảm nhận sâu sắc, thấm thía.
Rồi cả tình cảm với những cô gái nào đó – “Những cô gái Việt Nam toàn thân là tím Tươi rói giữa ngày đêm bom tọa độ”. Họ chính là những cô gái “về đây từ những miền tâm hồn ta đó” để có thể tưởng tượng: “Em đang là hay sẽ là hạnh phúc của một người nào Đêm đen trời nở những chùm sao” (Sao). Có gì lớn hơn cả tình yêu là tình yêu người.
Hạnh phúc tình yêu như mở ra mênh mông, bát ngát. Và từ quan sát thế giới qua con mắt nhìn “Trời xanh Gia các ta… Trời xanh Tân Đêli… Trời xanh Bắc Kinh… Trời xanh Matxcova lại đến một suy tưởng huyền diệu trong Mắt :
Nếu Vô cực và Vĩnh cửu có màu thì Vô cực và Vĩnh cửu sẽ xanh màu
Xanh trời Hà Nội
Một tình yêu sâu thẳm lịch sử: “Hồn thiêng nào là mãi mãi Việt Nam”(Tìm)
Một tấm lòng chan hòa từ truyền thống qua Ngày
Đức bao dung khơi trong và gạn đục
Mong quây quần nhân ái bạn gần xa
Thơ Việt Phương ngày càng gia tăng chất nghiệm suy triết lý – một triết lý nhân sinh giản dị mà sâu sắc về lẽ sống, lẽ đời.
Tập Sống (2014) như đúc kết của cả sự sống cuộc đời. Vòng như một chu kỳ sinh hoá, biến thiên luân hồi. Sống nói đến “Sự người (từng người, từng cộng đồng người, cả loài người)... Có một trực giác triết học chừng một vạn năm trước ở phương Đông đã gặp Khoa học vật lý đương đại ở phương Tây trong một nhận thức người về sự sống
Tất cả là Không có gì, và Không có gì là Tất cả”.
Triết trong thơ Việt Phương hiện đại, nhưng không có màu sắc hiện sinh, và thiên về triết lý Phật giáo với phong vị Thiền.
Với 10 tập thơ đã được xuất bản, nhà thơ đã thể hiện rõ một cá tính sáng tạo độc đáo. Đặc biệt là, nhà thơ rất có ý thức tự đổi mới, và đổi mới thường xuyên trên tất cả mọi phương tiện biểu hiện nghệ thuật: thể loại, câu tứ, hình ảnh, ngôn ngữ. Trên phương diện ấy, thơ ông còn giàu sức trẻ, đa dạng nhiều biến hóa.
Xét về lý thuyết tiếp nhận, có thể thấy thơ Việt Phương như phù hợp nhất với một đối tượng được chọn lựa – giới trí thức giàu cảm nhận trí tuệ. Tuy nhiên, trong xã hội tri thức mói, bạn đọc có trình độ cao tức công chúng hiện đại sẽ ngày càng đông đảo, sự hâm mộ chắc chắn sẽ tăng tiến lên rất nhiều.Đó là tính đại chúng thời đại đã kết hợp được tính chất đại chúng – khoa học.

Cuộc đời Trần Việt Phương là cuộc đời của một nhà thơ – chính khách, là cuộc đời của một tri thức cách mạng tận trung, tận hiến cho sự nghiệp chung.
Cuộc đời ấy đẹp như một bài thơ lớn – bài thơ như Một giọt người rất sáng, rất trong sẽ còn mãi trong lòng người hôm nay và mai sau…
Riêng cuộc đời thơ Việt Phương còn là cả một công trình nghiên cứu.
Chỉ một thoáng nhìn, chỉ một câu thơ cũng chất chứa biết bao bức xúc, băn khoăn, trăn trở; “Cái bát nháo đồi bại của thế giới” (trong đó có ta): “Suy thoái Hoa Kỳ nợ công châu Âu khủng bố Trung Đông thảm họa Nhật Bản chiếm đoạt bờ cõi xâm lấn chủ quyền can thiệp nhân sự kinh tế giảm sâu xã hội nát nhầu môi trường ô nhiễm doanh nghiệp tan hoang thất nghiệp tăng vọt”(Gieo).
Ở mọi cương vị và tư thế, Việt Phương luôn luôn là một trí óc mở và một tâm hồn mở. Vẫn còn đó những câu hỏi mở, những vấn đề mở ra để tất cả mọi người của cuộc đời mới, xã hội mới tiếp sức tư duy, cảm nhận với một con người chân chính đã đi xa… “Mơ hồ mới Phân vân xuân Vu vơ hỏi Cõi nhân quần” Hỏi (Cỏ dọc đường trần).

ĐOÀN TRỌNG HUY
Thành phố Hồ Chí Minh, 10/5/2017

Các Bài viết khác