NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRẦN HOÀI DƯƠNG PHÁT BIỂU TRƯỚC ĐẠI HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

( 23-05-2016 - 08:56 PM ) - Lượt xem: 1267

Nhận xét về người khác, nhất là về bạn bè, rất khó và nhiều khi rất phiền toái. Tôi định lảng tránh không có ý kiến. Vả lại, chưa có ý kiến của các thành viên trong Nam và miền Trung thì ngoài đó đã cho công bố trên báo rồi. Chúng tôi có ý kiến bây giờ cũng vô duyên.

(Đại hội cơ sở của những nhà văn sinh hoạt tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 18-1-2000)

Thưa chủ tịch công đoàn,

Thưa các vị đại biểu,

Thưa các anh chị đồng nghiệp,

Trong 5 năm qua, kể từ Đại hội nhà văn lần thứ 5 đến nay, Hội ta đã có nhiều thành tựu đáng khích lệ. Điều đó là hiển nhiên, quá rõ ràng, tôi xin phép không nhắc lại ở đây. Đặc biệt, Ban chấp hành, với một số ủy viên ít ỏi đã làm được rất nhiều việc tốt cho hội. Những người như anh Hữu Thỉnh, anh Ma Văn Kháng… đã làm việc hết sức mình. Ở thời buổi này rất khó tìm được những người ngày đêm tận tụy với công việc chung như các anh. Điều đó cũng quá hiển nhiên, tôi cũng xin phép không đề cập tới nhiều.

Hôm nay, tôi chỉ xin có một vài ý kiến trong một số công việc mà tôi có điều kiện hiểu biết sâu và ít nhiều có liên quan đến trách nhiệm của tôi.

Trước hết, tôi xin nói về hoạt động của Ban văn học thiếu nhi mà tôi là một thành viên trong Ban. Năm năm qua, ban văn học thiếu nhi của Hội đã làm được một số công việc tốt như hàng năm giới thiệu được một số tác phẩm có chất lượng để đề nghị trao giải thưởng, đề nghị kết nạp thêm được một số hội viên mới, nắm khá chắc tình hình công tác cho thiếu nhi trong cả nước... Nhưng theo tôi, hoạt động của Ban nói chung và nhất là trách nhiệm của người trưởng ban là anh Định Hải có rất nhiều điều cần được trao đổi, bàn bạc rút kinh nghiệm. Chỉ có năm đầu tiên sau Đại hội, mọi công việc của Ban còn được tiến hành một cách nghiêm chỉnh, có nguyên tắc, mọi ý kiến của các thành viên trong Ban còn được tôn trọng. Sau đó, các sinh hoạt lơi lỏng dần, các nguyên tắc làm việc gần như chỉ còn là hình thức, làm chiếu lệ. Hầu như mọi việc đều được quyết định ở ngoài Hà Nội. Các ý kiến đóng góp của các thành viên ở miền Nam (anh Nguyễn Nhật Ánh và tôi) và miền Trung (anh Thanh Quế) rất ít có tác dụng. Việc xét giải thưởng hàng năm và kết nạp hội viên mới là hai việc quan trọng nhất, thường các thành viên ở miền Nam và miền Trung bị đặt trong tình trạng đã rồi, chúng tôi chưa được có ý kiến thì mọi việc đã xong. Ba năm qua, có tình trạng một số báo đăng tin Ban văn học thiếu nhi đã quyết định đưa tác phẩm này tác phẩm nọ vào diện xét giải thưởng, đăng cả tên tác phẩm, tên tác giả rõ ràng, trong khi chúng tôi là các thành viên ở miền Trung và miền Nam hoàn toàn không hay biết gì về chuyện đó. "Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường", các nhận xét của các thành viên trong Ban về các tác phẩm được đề nghị trao giải và danh sách các người chuẩn bị được kết nạp, đã lan truyền rộng rãi trong dư luận, gây không ít những thắc mắc, hiểu lầm, thậm chí cả thù hằn, bực tức. Có những lần tôi nhận được thư của trưởng ban yêu cầu phải có ý kiến gấp về các tác phẩm đưa vào xét giải, hạn cuối cùng phải trả lời là ngày X. Nhưng sau ngày X đó cả nửa tháng tôi mới nhận được một chồng bản thảo được photo copy gửi vào và tôi chưa kịp đọc hết, chưa kịp gửi ý kiến nhận xét của mình thì đã thấy các báo đưa tin về những tác phẩm này nọ đã được thông qua. Đây không phải là trường hợp hãn hữu, càng không phải do lỗi của Bưu điện hoặc xa xôi cách trở. Đây là biểu hiện của cách làm việc sai nguyên tắc, không tôn trọng ý kiến của các đại biểu ở địa phương.

Do cách làm việc kiểu hình thức, lấy lệ cho phải phép đó, có những thành viên trong Ban chán không muốn đi dự họp, không muốn đóng góp ý kiến nữa. Như anh Nguyễn Nhật Ánh bỏ liền mấy năm không dự họp mặc dù anh là phó Ban nắm tình hình miền Nam. Có người coi việc đi họp cũng chẳng ích lợi gì, đi cho vui, cho có dịp đi chơi Hà Nội thăm họ hàng, bạn bè khỏi phải bỏ tiền túi ra mua vé tàu xe. Về tình trạng họp hành kiểu này, những ý kiến của các đại diện của miền Nam, miền Trung ít được tôn trọng đúng mức kiểu như tôi vừa nói trên, theo tôi được biết không chỉ xảy ra ở Ban văn học thiếu nhi mà cả ở một số Ban, một số Hội đồng khác cũng có tình trạng tương tự. Có thành viên ở một Hội đồng và một Ban nọ nói với tôi: "Ngoài kia họ quyết định hết rồi, bọn mình có còn nói gì được nữa đâu! Thôi, cứ đi cho vui!".

Đề nghị Ban chấp hành khóa tới lưu tâm nhiều hơn nữa đến thực chất hoạt động của các Hội đồng và các Ban, đặc biệt là tôn trọng hơn nữa đến ý kiến của các thành viên đại diện cho miền Nam, miền Trung.

Ý kiến thứ hai tôi muốn nói là một khía cạnh của việc trao giải thưởng năm nay của Hội.

Các tác phẩm khác được giải, tôi ít biết nên không dám có ý kiến. Riêng về tập thơ "Sài Gòn và Bé" của anh Đặng Hấn được tặng thưởng duy nhất của mảng văn học thiếu nhi năm nay, tôi cho là một quyết định sai lầm.

Đó là một tác phẩm trung bình chìm lấp trong rất nhiều tác phẩm trung bình khác. Chưa cần nói đến chất lượng tác phẩm, chỉ riêng một điều tập thơ này in lại 12 bài thơ trong hai tập thơ đã in nhiều năm trước, trong đó có tập "Cầu chữ Y" đã được giải thưởng năm 1982-1984 cách nay gần hai chục năm, đã là vi phạm quy chế xét giải thưởng. Giải thưởng của Hội là phải thưởng xét hàng năm, chỉ trao cho các tác phẩm xuất sắc mới in lần đầu trong năm. Tập "Sài Gòn và Bé" của anh Đặng Hấn in lần này, những bài mới rất yếu. Những bài khá trong tập chính là 12 bài in lại ở hai tập trước. Người mới đọc có cảm tình ít nhiều với tập thơ chính vì có những bài thơ cũ được giải thưởng gần 20 năm trước mà họ không biết.

Cách đây mấy tháng, khi bản thân tôi là một ủy viên trong Ban văn học thiếu nhi của Hội, chưa hề được bàn bạc gì về việc xét giải thì báo "Tiền Phong chủ nhật" và báo "Văn hóa - thể thao" đã đưa tin quyển "Sài Gòn và Bé" của Đặng Hấn cùng ba tác phẩm khác đã được đưa vào diện xét giải thưởng năm nay (1999). Anh Trần Quốc Toàn gọi điện thoại báo tôi mới được biết. Anh Toàn rất ngạc nhiên tôi trong Ban mà lại không hề hay biết gì. Sau đó mấy hôm anh Đặng Hấn đến nhà riêng của tôi báo tin thêm và nói kỳ họp sắp tới thế nào tôi cũng phải ra họp, nhờ tôi tác động thêm, nói thêm cho tập thơ của anh. Tôi tỏ ý bực bội và nói với anh Đặng Hấn: nếu tác phẩm xứng đáng thì chẳng cần vận động vẫn được trao giải, chúng ta chẳng nên quan tâm quá nhiều đến chuyện đó. Anh Đặng Hấn nói: "Anh có tên tuổi rồi, anh không cần chứ bọn tôi đang phấn đấu, rất cần các giải thưởng”. Chúng tôi lạnh nhạt chia tay nhau. Thật khốn khổ cho cái gọi là "có tên tuổi" như tôi!

Sau đó ít lâu, tôi mới chính thức nhận được một tập dày cộp những bản photocoppy bốn tác phẩm Ban văn học thiếu nhi ở ngoài kia đã quyết định đưa lên Hội đồng tuyển chọn của Hội để xét giải, trong đó có tập truyện ngắn "Nắng phương Nam" của tôi. Riêng về quyển của tôi thì trước đó khá lâu tôi đã được anh Định Hải cho biết là ngoài đó nhà thơ Phạm Hổ, một thành viên trong Ban, đề cử quyển của tôi vào xét giải. Tôi có nói với anh Định Hải là anh cân nhắc kỹ giùm tôi, liệu có nên đưa quyển của tôi vào xét giải hay không? Tôi ở trong Ban, cần thận trọng hơn. Với tư cách là một người viết, tất nhiên tôi cũng rất thích được giải thưởng, đó là một sự công nhận kết quả làm việc của mình. Năm 1997, quyển truyện dài "Mầm đước" của tôi cũng đã được đưa vào diện xét giải nhưng tôi đã tự nguyện xin rút. Lần này thì tùy các anh quyết định, tôi không có ý kiến. Sau đó tôi đã đọc 3 tác phẩm còn lại và đã gửi nhận xét của tôi ra Hà Nội. Rút kinh nghiệm một số lần trước, sợ rằng ý kiến của mình không được phản ánh một cách đầy đủ, tôi có gửi thêm cho các anh Ma Văn Kháng (trưởng ban sáng tác) và anh Hữu Thỉnh (Phó Tổng thư ký) để các anh rõ quan điểm của tôi. Nguyên văn lá thư của tôi như sau:

Sài Gòn ngày 5-9-1999,

Anh Hữu Thỉnh quý mến,

Tôi có nhận được 4 bản thảo của Ban văn học thiếu nhi gửi vào, yêu cầu cho biết ý kiến rồi gửi ra gấp để các anh xét giải thưởng. Đa số các anh chị trong Ban ở ngoài đó đã có ý kiến như vậy rồi, tôi thấy khó nghĩ quá. Dù sao, theo yêu cầu, tôi cũng xin có một số ý kiến như sau, mong các anh tham khảo thêm:

- Về quyển "Nắng phương Nam" của tôi, tôi xin không có ý kiến gì.

- Về quyển "Sống giữa tình thương" của anh Võ Văn Trực, theo tôi là một quyển sách tốt, viết có tình, thấy rõ sự trân trọng của người viết, đầy ưu ái đối với nhân vật của mình. Viết về một thời đã xa, giúp cho các em nhỏ biết thêm về quá khứ đầy gian khổ. Tuy vậy, quyển sách cũng không thật hay. Trước hết, cuộc đời của nhân vật chính không có gì nổi bật, ít góc cạnh, đều đều, hơi tẻ nhạt. Văn phong của tác giả có lẽ không thật thích hợp với tiểu thuyết. Nếu có được xét giải thưởng, tôi nghĩ chỉ nên ở mức tặng thưởng.

- Về quyển "Sài Gòn và bé" của anh Đặng Hấn, tôi phân vân nhiều. Trước hết, có 12 bài đã in ở mấy tập trước của anh ấy ("Cầu chữ Y" đã được giải thưởng năm 1982-1984; "Những chuyện thần tiên" in năm 1987 cũng của nhà xuất Trẻ. Có người cho tôi biết còn một số bài khác nữa cũng in thành sách rồi, nhưng tôi không có sách đối chiếu nên không dám nói). Các bài đã in vào sách mười mấy năm trước rồi là: "Chuyện cậu cháu tôi", Mắt trẻ thơ", "Mèo và hổ", "Quạt và chong chóng", "Điện", "Dấu chân thần trên đá", "Chỏ và mèo", "Những bài toán mùa xuân", "Con lật đật", "Cây đèn thần", "Cầu chữ Y", "Thắc mắc của bé".

Các bài khá in trong tập này thì hầu hết đã in ở các tập trước. Các bài còn lại, nhiều bài ở mức trung bình, phần lớn làm về các dịp lễ lạt, chúc mừng ngày thành lập báo, nhiều bài vụn vặt, câu đố... Thơ của anh Đặng Hấn có một số bài hóm hỉnh, thông minh, người làm thơ có nghề, nhưng có nhược điểm nhiều khi gò gẫm, gượng ép, cố ý suy diễn, gán những ý tưởng của người lớn cho trẻ em. Giải thưởng của Hội hàng năm là trao cho những tác phẩm mới in lần đầu. Ở tập này có nhiều bài đã in gần 20 năm trước. Theo tôi tập này khó được vào giải.

- Về tập"Ai đi xe mo cau" của Kim Ba: Là một tác giả mới, ở địa phương (?) tuy có phần còn non nớt, lời thơ đôi khi còn quá thật thà, nôm na, nhưng lại có chất đời sống khá phong phú, có cái gì đó tươi non, hồn nhiên, có xúc động thật, một số bài có ý lạ. Theo tôi, có thể xét vào giải, ở mức tặng thưởng.

Nhận xét về người khác, nhất là về bạn bè, rất khó và nhiều khi rất phiền toái. Tôi định lảng tránh không có ý kiến. Vả lại, chưa có ý kiến của các thành viên trong Nam và miền Trung thì ngoài đó đã cho công bố trên báo rồi. Chúng tôi có ý kiến bây giờ cũng vô duyên. Nhưng với ý thức trách nhiệm của một thành viên trong Ban văn học thiếu nhi, tôi cũng mạnh dạn có mấy ý kiến trên để các anh chị tham khảo thêm..." Trần Hoài Dương.

Nhận được thư của tôi, đang đêm, anh Định Hải gọi điện ngay vào, hết sức thanh minh cho tập của anh Đặng Hấn, yêu cầu tôi ủng hộ - Tôi vẫn nói rõ quan điểm của tôi, còn quyết định ra sao thì tùy các anh. Nhà thơ Thanh Quế, chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng, một thành viên trong Ban văn học thiếu nhi của Hội đang đêm cũng gọi điện vào cho tôi, tỏ ra hết sức phẫn nộ trước việc báo Văn hóa - thể thao đăng tin anh Đặng Hấn trong diện được xét giải thưởng. Anh Thanh Quế hoàn toàn nhất trí với những nhận xét của tôi về tác phẩm của anh Đặng Hấn. Sau đó, trong dư luận anh em sáng tác cho trẻ em ở Sài Gòn có nhiều ý kiến về tập thơ của anh Đặng Hấn, cho là không xứng đáng vào giải. Lạ lùng là những ý kiến của tôi gửi ra ngoài kia nhanh chóng được anh Đặng Hấn biết một cách tường tận khi có những điều tiếng không hay của anh Đặng Hấn về tôi. Một đêm khuya, anh Định Hải gọi điện thoại vào cho tôi. Câu đầu tiên anh hớn hở nói như reo lên trong mấy: "Chúc mừng nhé! Chúc mừng nhé!". Rồi anh thông báo: ngoài kia đã bàn bạc lại, cuối cũng Hội đồng tuyển chọn đã nhất trí trao Tặng thưởng cho quyển "Nắng phương Nam” của tôi. Năm nay, văn học thiếu nhi chỉ có duy nhất một quyển đó. Coi như chắc chắn 99%, vì chỉ chờ Ban chấp hành thông qua cho đúng thủ tục nữa mà thôi. Mà Ban chấp hành thì đều là những người biết rất rõ về tôi. Điều đó là chuyện thật hay chỉ là một động tác giả, muốn cho tôi đừng có ý kiến gì nữa để anh Định Hải đẩy quyển của anh Đặng Hấn đi cho chót lọt? Về sự thật ra sao thì chắc mọi người đã rõ: cuối cùng, Tặng thưởng duy nhất đã trao cho tập "Sài Gòn và Bé” của anh Đặng Hấn.

Tôi rất buồn. Không phải vì tôi không được giải thưởng, vì chính tôi cũng tự thấy quyển sách của mình chưa thật hay. Tôi buồn chính vì cách làm việc tùy tiện, không công tâm, không trong sáng, có nhiều điều khuất tất ở bên trong.

Thật sự, tôi cảm thấy mình bị lừa, mình bất lực trước một hiện tượng không lành mạnh, biết có chuyện xấu. mình cố sức ngăn chặn mà không ngăn chặn được. Hiện nay, có một số người dùng văn chương để kinh doanh, hy vọng đem lại cho họ cả tiếng tăm và lợi nhuận. Có một số người in lại những cái đã viết rất lâu, sửa qua quýt cho có vẻ mới, rồi biếu xén, rồi chiêu đãi, ra đi cửa sau, rồi vận động người này người khác để cố giành lấy một giải thưởng, không những hòa vốn mà còn có lời. Việc kết nạp hội viên, việc đi nước ngoài... cũng không hiếm những cuộc vận động theo cung cách như thế.

Không biết việc anh Đặng Hấn được giải thưởng năm nay có liên quan gì đến việc anh chạy đôn chạy đáo bỏ tiền ra mua giấy phép rồi cho in quyển "Cây đèn thần”  hay không? Trong tập thơ do anh tự tuyển chọn này, ngoài anh ra, còn in thêm mấy người nữa, trong đó có 4 thành viên trong Ban văn học thiếu nhi. Việc chọn ai, đánh giá ra sao đó là quyền của mỗi người. Những thành viên được tuyển chọn hoàn toàn không có lỗi gì trong việc này. Nhưng về động cơ làm quyển sách này của anh Đặng Hấn, thú thật là tôi cứ thấy có một chút gì gờn gợn không thật trong sáng. Hôm anh đến gặp tôi, anh nói đang đốc thúc đóng bìa cho nhanh để nhờ tôi mang ra tặng các anh cùng họp ngoài Hà Nội. Sau phản ứng của tôi, anh thôi không tặng sách tôi nữa và cũng không nhờ chuyển hộ nữa. Không biết vô tình hay hữu ý, những tác giả được anh Đặng Hấn đánh giá cao tận mây xanh. Nào là: "Người ta ngỡ Định Hải sẽ là một Xuân Diệu mới hay một Èxênhin của Việt Nam", "Định Hải là một trong những "lãnh tụ" thơ cho thiếu nhi của Việt Nam", "Theo ý chúng tôi, bài ca ấy (Bài ca trái đất) phải được chọn làm bài hát hòa bình và hữu nghị cho trẻ em toàn thế giới, toàn Trái Đất" (chữ in lớn trong nguyên bản)...Còn một số vị khác thì nào là: "Bậc cao thủ vào loại nhất trong số những nhà thơ viết cho thiếu nhi ở nước Việt", "Có tài kiệt xuất là tài làm thơ ngụ ngôn", "là bậc nổi danh xuất chúng đã nhận nhiều giải thưởng sang trọng", "đã có một cuộc đối thoại làm kinh động cả làng Văn Đại" (tức hàng văn không chỉ cho thiếu nhi...). Thật chúng tôi không còn biết bình luận gì thêm!

Hôm vừa rồi nhà văn Nguyễn Trí Công có dịp ra Hà Nội công tác. Anh Định Hải lại nhờ anh Công chuyển lời chúc mừng tôi là tác giả viết cho thiếu nhi duy nhất được đề nghị tặng thưởng năm nay và "nói nhỏ" cho tôi biết là các anh ở ngoài đó đã "cơ cấu" để khóa tới lại mời tôi vào Ban văn học thiếu nhi của Hội. Tôi chỉ cười, coi đây chỉ là một trò đãi bôi, lấy lòng đã quá xưa cũ. Tôi chán các kiểu ban bệ, hội đồng hữu danh vô thực, làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm như vừa qua lắm rồi.

Thưa các anh chị, vì những sự thật đáng buồn trên đây, tại diễn đàn này, tôi xin trịnh trọng tuyên bố: kể từ hôm nay tôi sẽ rút tên ra khỏi Ban văn học thiếu nhi của Hội. Còn cái gọi là "cơ cấu" mà anh Định Hải "nói nhỏ" với tôi kia, nếu quả là có thật thì tôi cũng xin được từ chối trước. Tôi sẽ không bao giờ tham gia vào các ban kiểu thế nữa. Tham gia vào chỉ thêm mang tiếng và làm mất danh dự của mình. Một số bạn bè thân khuyên tôi không nên phát biểu nữa, sẽ không còn cơ hội được đi Nam về Bắc, nhất là sẽ chẳng bao giờ được bổng lộc đi nước ngoài. Thật lạ lùng, sao ở Việt Nam ta cái bả đi nước ngoài sao mà to mà vinh hiển đến như thế! Nhà văn được đánh giá cao hay thấp không phải viết hay hay dở mà là được đi nước ngoài nhiều hay ít, có chức trọng quyền cao hay không? Người ta bảo tôi: muốn đi nước ngoài, hoặc là phải dở món võ Chí Phèo chửi vỡ mặt hoặc là phải quỵ lụy, xin xỏ, vận động... Chúng tôi là những nhà văn chỉ biết đêm ngày chăm chỉ lầm lụi với nghề của mình, không biết chửi bới, không biết xin xỏ, chúng tôi hoàn toàn yên tâm là cả đời sẽ không bao giờ được bước chân ra khỏi biên giới Tổ quốc mình. Có lẽ như thế lại càng tránh được lai căng, mất gốc, càng đậm đà bản sắc dân tộc trong các tác phẩm của mình. Trong một lá thư viết cho anh Hữu Thỉnh, tôi đã nói khá độc miệng là tôi không thèm thứ bổng lộc phải chạy vạy nhọc nhằn ấy. Và tôi có lời nguyền là cho đến chết tôi sẽ không bao giờ xin xỏ để được đi nước ngoài, dù sau này Hội nhà văn có mời.

Về việc bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc của Hội vào tháng 3 sắp tới, tôi cũng sẽ để nguyên phiếu bầu, không gạch bỏ một ai vì tôi thấy tôi không có đủ can đảm để làm một việc vô trách nhiệm như thế. Một cơ quan nhỏ chừng một hai chục người, tôi có điều kiện hiểu rõ từng người, tôi còn dám bầu ai đó làm đại biểu cho mình. Ở đây, hay mấy trăm con người, nhiều người tôi chỉ biết tên mà không biết mặt, tôi càng không hiểu gốc gác của họ, sao tôi nỡ nhẫn tâm gạch tên của họ đi? Mà trong số những người tôi buộc phải gạch tên ấy, tôi tin chắc rằng rất nhiều người có tài, có đức. Lỗi ở tôi không biết họ, không hiểu họ chứ họ có lỗi gì đâu? Vì thế, tôi xin nói công khai là tôi sẽ gửi lại vào thùng phiếu nguvên vẹn danh sách in trên đó, tùy những người có thẩm quyền nghiên cứu giải quyết.

Trên đây, tôi đã nói đến một số hiện tượng tôi cho là tiêu cực trong sinh hoạt văn nghệ thời gian qua. Tôi nghĩ, những điều tôi nêu ra hoàn toàn không còn ở trong phạm vi một cá nhân anh Định Hải, anh Đặng Hấn hoặc một ai đó khác. Nhiều điều tiêu cực mang tính khá phổ biến, có ảnh hưởng khá nhiều trong một loạt lĩnh vực như sáng tác, giải thưởng, kết nạp hội viên mới, cung cách làm việc... Tôi hy vọng những điều tôi phát biểu ở đây ít nhiều làm cho mọi người phải suy nghĩ.

Tôi biết, sau những lời phát biểu này của tôi, số phận tôi sẽ không bình yên như trước nữa. Có bạn bè thân thiết lo cho tôi, sợ tôi sẽ bị theo dõi này nọ. Tôi nghĩ, lòng tôi trong sáng, lương tâm tôi ngay thẳng, tôi không phải sợ hãi trước bất cứ một điều gì. Tôi kiêu hãnh với danh hiệu nhà văn cao quý của tôi, lương tâm trong sạch của tôi, những trang viết lương thiện của tôi.

Xin cảm ơn các anh chị đã dành ít phút cho tôi được nói lên một phần rất nhỏ trong rất nhiều điều dằn vặt tôi trong bao lâu nay.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn.

Sài Gòn, 17-1-2000

TRẦN HOÀI DƯƠNG

Các Bài viết khác