NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÔ HOÀI TRONG “CÕI NGƯỜI TA”

( 27-07-2015 - 03:47 PM ) - Lượt xem: 1777

Cõi người ta ấy được Nguyễn Du đặt định là trăm năm. Trong khoảng “nhân sinh bách tuế vi kỳ” đó, Tô Hoài đã sống 94 năm tuổi đời và 74 năm tuổi văn. Ông giã từ trần thế ngày 6/7/2014 (10/6 Giáp Ngọ).

Phạm Xuân Nguyên

(Nhà phê bình văn học – Viện Văn học)

 

Cõi người ta ấy được Nguyễn Du đặt định là trăm năm. Trong khoảng “nhân sinh bách tuế vi kỳ” đó, Tô Hoài đã sống 94 năm tuổi đời và 74 năm tuổi văn. Ông giã từ trần thế ngày 6/7/2014 (10/6 Giáp Ngọ). Vẫn biết đời người hữu hạn, dẫu sống bách niên thì rồi ai cũng phải lìa trần, nhưng một năm trước, khi được tin buồn này của một nhà văn như Tô Hoài thì đồng nghiệp văn giới cũng như đông đảo người đọc văn chương đều không khỏi ngậm ngùi, bất ngờ. Vì bao lâu nay tên ông đã đồng hành cùng văn chương Việt từ thập niên bốn mươi thế kỷ hai mươi vắt qua gần mười lăm năm đầu thế kỷ hai mốt. Vì chú Dế Mèn ông thả ra cánh đồng văn chương Việt hơn bảy mươi năm qua vẫn tung tăng chạy nhảy trên trang sách được in đi in lại nhiều lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng, vẫn sống động linh hoạt trong tâm trí bao thế hệ người Việt, vẫn đồng hành cùng các cô bé cậu bé ở thời đại của game, của internet hôm nay. Vì ở tuổi bát thập ông vẫn còn viết những câu truyện của đời sống hiện tại, vẫn mơ ước làm một bộ tiểu thuyết như Don Kihote của thời nay. Vì tuổi cao dường như càng làm ông nhớ lại rõ hơn, đậm hơn những chuyện của ngày qua, những người của ngày xưa, để rồi cho hiện hình lên trên những trang tự truyện, hồi ký rất đời, rất văn, thấm đầy vui buồn của cuộc nhân sinh và chữ nghĩa. Nghĩa là nhắc tới ông Tô, những người cầm bút văn chương của Hà Nội, và cả nước, thấy ông luôn hiện diện, luôn đồng hành, ngỡ như không thể thiếu. Vậy nhưng ông đã ra đi! 

Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại sống bằng văn, sống viết văn, với đủ các thể loại, trải nhiều đề tài. Ông viết đều đặn, bền bỉ, viết như một lẽ sống, viết như là sống, không phải kiểu nhà văn tài tử, chỉ nương nhờ theo cảm hứng. Văn Tô Hoài là văn về những cảnh đời lam lũ, những phận người vất vả, nhất là những người dân quê ven đô, nơi ông sinh ra và lớn lên. Điều này ngay từ khởi đầu văn nghiệp của ông, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nhận thấy “có tính chất đặc thôn quê” ở tập tiểu thuyết Quê người: “Phải là một nhà văn có tài quan sát lại sống gần gũi người dân quê mới viết được về cái xã hội ấy những trang có giá trị. Từ ngôn ngữ, cử chỉ, thói tục cho đến những cách sinh hoạt của những người dân quê sống về nghề dệt cửi ở vùng Bưởi, Tô Hoài đều đã tả với một nghệ thuật chân xác”[1]. Tưởng cũng nên nhắc lại nhà văn vốn tên thật là Nguyễn Sen, nhưng bút danh nghề văn ông dùng là hợp tên sông Tô và tên phủ Hoài mà thành. Tô Hoài, cái tên văn gợi một vùng sống, nhắc một trách nhiệm văn. Bắt đầu từ đó, từ 1940, có một nhà văn Tô Hoài của vùng ven Hà Nội, của đất thủ đô, của nước Việt Nam, cho đến tận khi ông về lại đất mẹ trọn một đời người đời văn.

Văn chương của Tô Hoài thấm đậm chất Kẻ Chợ trong giọng điệu, cái nhìn, nhân vật, phong cảnh. Ông viết nhiều về Hà Nội, cả chuyện xưa và chuyện nay, đã đành. Ngay cả khi ông viết về miền núi, về các chuyện lịch sử, dã sử, về những chuyến đi nước ngoài, thì thấp thoáng trong và ngoài trang sách của ông vẫn là tính cách và cốt cách của một nhà văn Kẻ Chợ hóm hỉnh, tinh quái, khôn ngoan, rành đời. Kẻ Chợ là gì? Đó có thể là tên nôm gọi chung cho cả vùng Thăng Long – Hà Nội. Nhưng trong trường hợp văn nghiệp Tô Hoài tôi muốn nói đến Kẻ Chợ trong sự đối sánh với Kinh Kỳ như hai tính chất khác biệt mà hòa chung của vùng văn hóa này. Kẻ Chợ của Tô Hoài - đó là vùng ngoại ô, là nơi phố và làng lẫn lộn, nơi có tiền là có cả, và ông thú nhận là đã bấy lâu lăn lóc trong khóe đời ấy.[2] Tô Hoài là nhà văn Kẻ Chợ khác với Nguyễn Tuân là nhà văn Kinh Kỳ, nếu có thể được định danh như vậy cho hai ông, hai người bạn văn thân thiết. Nguyễn Tuân cầu kỳ và khó tính, không dễ chơi, không dễ gần, sống và viết để thỏa cái thú riêng của mình trước hết. Tô Hoài thì ngỡ như nhập vào đâu cũng được, ngồi với ai cũng dễ, tuy ông vẫn giữ cho mình cái sự tinh ranh, khôn ngầm trong cách nhìn người, xét người. Trong hồi ký Cát bụi chân ai ông đã viết ra thẳng thắn sự khác biệt này về tính cách và thẩm mỹ giữa mình và bạn. Ông cũng không ngại dẫn ra những câu bạn bè nhận xét về chất Kẻ Chợ của mình. Như Phong nhận xét ông là “thằng ngoại ô láu cá, văn chương thì đẽo gọt”[3]. Nguyên Hồng chửi ông: “Tiên sư mày, thằng Câu Tiễn!”[4]. Nguyễn Tuân thì vừa khôi hài vừa mỉa: “Chó biết thằng này thế nào là thật! Tao ghét cái cái cười mủm mỉm hiền lành không hiền lành của mày.”[5] Bản thân ông cũng tự nhận mình không đến nỗi đù đờ. Như vậy, chỉ ở phương diện con người thôi, Tô Hoài đã không thi vị hóa mình, không cách điệu con người thực và con người nhà văn. Viết đến đây tôi lại nhớ tới mấy câu ca vui về ông thời làm lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam mà đã có lần ông cũng vui miệng đọc cho đám hậu sinh nghe: Đảng Đoàn là đảng đoàn Thi / Không đi thực tế, chỉ đi nước ngoài / Đảng đoàn là đảng đoàn Hoài / Chỉ đi nước ngoài, thực tế không đi. (Xin gia đình nhà văn và quý vị thứ lỗi nếu có gì không phải ở đây, nhưng tôi muốn dẫn câu ca này để nhấn mạnh một đặc điểm sáng tác của nhà văn Tô Hoài). Một thời phong trào nhà văn đi thực tế có nghĩa là đưa các nhà văn về các địa phương, cơ sở, đơn vị để lấy tài liệu rồi về viết sách mà phần nhiều những sách đó lại rất ít và rất thiếu chất thực tế của cuộc sống thực. Tô Hoài không vậy. Có thể ông ít đi thực tế là vì ông tránh đi thực tế theo kiểu đó, ông có cái khôn ngoan biết chọn thực tế cho mình. Ông sống trong cõi người ta. Đó là thực tế lớn nhất của ông. Rốt cuộc ông  đã viết được nhiều sách và sách ông đầy thực tế. Nhìn vào văn nghiệp của ông có thể nói không một nhà văn nào ở ta viết được nhiều như ông trên các thể loại, đề tài, vùng miền, không nhà văn nào sánh được ông về mặt tác phẩm đem lại cho người đọc sự hiểu biết đời sống thực tế, cụ thể, chi tiết. Trong đời, ông - một nhà văn nổi tiếng, không ngại làm cả cái chức trưởng ban đại diện khu phố với biết bao những việc lặt vặt không tên liên quan đến cuộc sống thường ngày của những người dân phố bình thường. Nhưng chính những kinh nghiệm đời thường đời thật đó của ông tổ trưởng khu phố đã giúp ông nhà văn viết được tiểu thuyết Những ngõ phố dựng lên bức tranh Hà Nội của những con người ở tầng thấp nhất như ông Ba gác, Bốn xế lô, ông phó cạo, anh thợ cắt tóc, trong thời chiến tranh.

Những phận người trong sáng tác của Tô Hoài là những phận người cần lao, bụi bặm lấm láp. Ở quê nhà là vậy, ở quê người cũng vậy. Người ta phải được sống đúng đời của người ta, sống thực con người của người ta, sống thật môi trường tự nhiên và xã hội của người ta. Ngay con dế của Tô Hoài đã vậy. Ông tâm sự: “Tôi viết truyện Con dế mèn, rồi Dế mèn phiêu lưu ký lần đầu, không rõ năm ấy tôi mười tám hay mười bảy tuổi. Chỉ nhớ, tôi vừa bước khỏi tuổi thiếu niên, tất cả những trò chơi ở bãi sông đầu làng của tuổi thơ đã vào thẳng sáng tác tôi. Khi cầm bút, những “nhân vật” trong truyện không cần phải nghĩ mãi mới ra mà nó đã nằm sẵn giữa say mê của mình. Sức mạnh những thực tế trực tiếp ấy đã bắt ngay vào nguồn sáng tác của tôi.”[6] Cho nên có thể thấy Tô Hoài viết văn rất tự nhiên, ngay từ khi khởi nghiệp, với những nhân vật là những con người thực sống quanh ông, sống cùng ông, bước từ đời thực vào trang văn mang theo cả tâm tính, lời ăn tiếng nói, yêu ghét buồn vui của mình. Và cả cái sự luôn để ý đến lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân, luôn có ý thức tìm chộp lấy những từ ngữ mới, những cách nói mới sống động, tươi rói, nóng rẫy hôi hổi, tươi giẫy đành đạch, đã thành ra một thói quen nghề nghiệp của ông, tạo nên một phong cách ngôn ngữ Tô Hoài trong văn chương. Văn ông đọc thấy nhẩn nha, cà kê, với cách kể chuyện như theo lối nói dân dã, có lẽ cũng là từ chất sống thực ấy. Nhưng chính cái lối viết với những câu chữ như bện xoắn vắt dây lấy nhau ấy, viết theo mạch nghĩ mạch cảm của nhân vật, của người kể chuyện, không câu nệ phép tắc ngữ pháp, lại đã tạo nên một chất thơ riêng của văn Tô Hoài. Đây cũng là văn mạch của ông. Trong một bài viết về kinh nghiệm sáng tác (1960) ông đã có nói đến vấn đề ý thơ trong văn xuôi, ngoài tài liệu và trên cả sáng tạo: “Không biết cắt nghĩa sao, nhưng tôi cho rằng ngay trong văn xuôi, cần phải đượm hồn thơ, có như thế văn xuôi mới trong sáng cất cao.”[7]

Văn ông là văn của những cái ở đây và bây giờ, ngay cả khi ông viết về quá khứ, viết những chuyện xa xưa và truyền thuyết. Tính chất phong tục đậm đà, đặc sắc trong các truyện của ông cũng là từ cái nhìn luôn quan sát đời sống mà ra. Ông không muốn và không thích viết văn theo kiểu khai lý lịch “bố làm công chức thời Pháp thì viết là cu li đế quốc, nghề xẻ cưa đóng cối thì xưng là công nhân mộc nhà máy.”[8] Ông bảo ai khai lý lịch thế thì đã có lương tâm họ chửi, nếu họ còn có lương tâm. Hiểu rộng ra ai mà viết văn thế ấy thì phải biết tự thẹn với lương tâm mình, tự xấu hổ với ngòi bút mình. Tiểu thuyết Mẹ mìn bố mìn Tô Hoài viết năm 1990 nội dung là kể về một tay buôn người thời Pháp, nhưng tư tưởng tác phẩm lại nói cái sự “tôn lên hoặc giấu đi, nói dối lý lịch, gia phả”, đánh tráo các khái niệm, tên gọi, giá trị. Tôi cũng muốn hiểu đó là một quan niệm viết văn của Tô Hoài. Viết đúng sự thực về con người trong cõi người ta. Viết sai khác đi là bố mìn mẹ mìn, không phải nhà văn.

Người thường cũng thế mà văn nghệ sĩ cũng thế. Trong đời thường và cả trong văn chương nghệ thuật. Có lẽ Tô Hoài đã nhất quán với quan niệm văn chương này của mình nên vào khoảng cuối đời ông đã quyết định viết hai cuốn hồi ký nổi tiếng Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Chân dung các văn nghệ sĩ cùng thời ông hiện ra trong hai cuốn sách này là chân dung từ một thế nhìn gần cận, suồng sã, phi sử thi, đậm trần tục. Tô Hoài nhìn các bạn văn của mình cũng là nhìn chính mình với rất nhiều diễu cợt, xót thương, ngậm ngùi. Viết về cái sự yêu ghét của người đời đối với văn và người Nguyễn Tuân, ông hạ một câu: “Ô hay, người ta ra người ta thì người ta phải là người ta đã chứ. – (tôi nhấn mạnh)”[9] Cái câu này thực là tiêu biểu của Tô Hoài, nó gần về tinh thần với cái câu của Nguyễn Khải “đi tìm cái tôi đã mất”, của Chế Lan Viên “Người diễn viên ấy đóng trăm vai, vai nào cũng giỏi / Chỉ một vai không đóng nổi: / Vai mình”. Người ta mà không được phải là người ta thì người người ta ra người ta sao được! Lại ở một cái thư của Nguyễn Tuân gửi cho Tô Hoài từ Sa Pa năm 1958 có dòng tái bút: “Khi lên cao mình có bị ong đốt, mặc dù chẳng có trêu phá gì nó”. Cái câu bạn văn viết cho bạn văn đó, Tô Hoài bình, nếu mà đăng báo, in sách thì cũng lại gây điêu đứng cho Nguyễn Tuân vì sẽ bị quy chụp là chọc quấy gì đây. Và ông cảm thán: “Ôi là trời, cái tính người ta thế, chứ xỏ xiên gì đâu.”[10] Hai tiếng “Người ta! Người ta!” đọc ở Tô Hoài nghe thật xót xa!

Tôi muốn thêm một dẫn chứng nữa. Vẫn một kiểu câu như nói về Nguyễn Tuân nhưng lần này Tô Hoài dẫn lời Nguyễn Huy Tưởng. Năm 1956 trước sự biến Hungary, được nghe trên phổ biến tình hình, đả thông tư tưởng, nhưng Nguyễn Huy Tưởng vẫn thấy băn khoăn. Tô Hoài ghi lại câu nói của người anh, người bạn văn chương: “Nước Hungary trong phe xã hội chủ nghĩa, nhưng trước nhất nước Hungary là nước Hungary đã. Ông thấy thế nào? Các ông thấy thế nào. Tôi không hiểu, tôi không thể hiểu.”[11] Kiểu câu “A phải là A đã mới thành ra A” của Nguyễn Huy Tưởng, của Tô Hoài, thực là một tiếng kêu mà cũng là một tiếng hỏi.

Khi hai cuốn hồi ký nối nhau ra đời đã có ý kiến đây đó cho là Tô Hoài bôi bác đồng nghiệp, làm xấu văn nghệ sĩ và đổ tiếng cho cái hoàn cảnh khiến họ thành ra như thế. Thực thì Tô Hoài chỉ kể lại những chuyện một thời văn nghệ đã qua theo trí nhớ của mình nhằm gỡ bỏ cho mình và các bạn văn, tôi đoan chắc thế, những đắp điếm, che đậy không đáng có và không nên có, để tất cả họ hiện ra nguyên hình như vốn thế trong cái hình hài con người và hình hài văn chương “rằng tài nên trọng mà tình nên thương”. “Tôi vẫn chỉ là tôi vậy, vậy thôi” – ông đã buông câu này về mình khi kể chuyện năm 1961 được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc để xóa cái nhận thức làm gì cũng là làm theo chủ trương khiến “sai đúng đúng sai mù mịt” của mình, nhưng rốt cuộc ông “vừa học vừa nhớ lăng nhăng” không thể nào hệ thống hóa được tri thức lý luận cho mình[12]. May, nhờ đó, văn chương Tô Hoài vẫn liền một mạch sáng tác suốt bảy mươi năm về những con người ngụp lặn trong cõi người ta để gắng sống cho ra người. Đọc văn Tô Hoài lúc nào cũng được, lúc nào cũng mới, vì đó là văn thế sự không phải văn thời sự, vì văn đó là đời, mà đời thì luôn thế và cũng luôn khác thế, không thể bắt nhốt vào những công thức xơ cứng nào cả.

*

Ông Tô Hoài đã thôi hiện diện ở cõi người ta, một năm và mãi mãi. Nhưng những cuốn sách của nhà văn Tô Hoài sẽ còn sống lâu ở cõi trần mà như hôm nay chúng ta thấy ở đây qua loạt tác phẩm của ông được Phương Nam Book mua bản quyền và xuất bản. Văn chương của ông, những con chữ trên các trang sách của ông, vẫn tiếp tục cuộc hành trình lâu dài cùng người đọc, với người đọc. Riêng đối với Hà Nội, sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu. Nhờ ông, một người chưa biết Hà Nội chỉ đọc riêng các sách của ông về chốn kinh thành này thôi đã đủ để có thể hiểu Hà Nội là gì và Kẻ Chợ-Kinh Kỳ là thế nào. Nhờ ông, các thế hệ mai sau muốn tìm hiểu, muốn phục dựng, muốn làm lịch sử, nghệ thuật về Hà Nội đều có tư liệu của một chứng nhân đáng tin cậy. Nhờ ông, phần xác và phần hồn của Hà Nội hiện tại không bị cắt lìa với quá khứ và những ai biết đọc ông sẽ hiểu Hà Nội hơn, yêu Hà Nội hơn, và biết đối xử với Hà Nội có văn hóa hơn. Bởi chỉ theo chân ông đi quanh một vòng Hồ Gươm ngắm cây xanh thôi đã thấy “Cây quanh Hồ Gươm tụ hội các thứ cây của làng nước – và của thời thế”[13]. Lời ông nói từ đầu thế kỷ nay mà ngỡ như vừa hôm qua. Mới hay trước khi định chặt một cái cây cũng cần nên đọc một trang sách, nhất đó lại là trang sách văn của Tô Hoài – một người con Hà Nội, một con người Hà Nội, một người ta Hà Nội.

Trong một lời tự bạch ở cuốn kỷ yếu Hội Nhà văn Việt Nam (1997) Tô Hoài có nói ông là người “tích cực sống và viết”. Rất đúng! Cuộc đời và văn nghiệp của Tô Hoài thực sự là của một con người tích cực gắn mình với đời sống, không ồn ào, ầm ĩ, mà lặng thầm, bền bỉ. Khi một con người nằm xuống, người sống đo lường và đánh giá khoảng trống người đó tạo ra và khối lượng giá trị người đó để lại. Đối với nhà văn, cái để lại là tác phẩm chịu được thử thách của thời gian làm nên giá trị. Thời gian có thể phủ bụi một số thứ, nhưng có những thứ càng lùi xa thời gian càng làm sáng lên vẻ đẹp. Trong văn của Tô Hoài có những vẻ đẹp đó, vẻ đẹp của nhân văn cõi đời, ít nhất là từ con vật Dế Mèn dám thoát khỏi cái tổ của mình đi ra chân trời rộng ở truyện đồng thoại đến con người dám kể chuyện đời mình trong “cõi nhân gian bé tí” ở tự truyện, hồi ký. Vào văn Tô Hoài là với về người ta, sống trong cõi người ta. Đó là cõi người, không phải cõi thánh thần, ma quỷ.

 Hà Nội VII.2015


[1]Vũ Ngọc Phan. Nhà văn hiện đại, tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, 1989, tr. 1022.

[2]Tô Hoài. Cát bụi chân ai, Nxb Hội Nhà văn & Phuong Nam Book, 2015, tr. 121.

[3]Tô Hoài. Cát bụi chân ai, Sđd, tr. 121.

[4]Tô Hoài. Cát bụi chân ai, Sđd, tr. 136.

[5]Tô Hoài. Cát bụi chân ai, Sđd, tr. 186.

[6]Tô Hoài. Sổ tay viết văn, Nxb Tác Phẩm Mới, 1977, tr. 171.

[7]Tô Hoài. Sổ tay viết văn, Sđd, tr. 168.

[8]Tô Hoài. Mẹ mìn bố mìn, Nxb Hội Nhà văn & Phuong Nam Book, 2014, tr.8.

[9]Tô Hoài. Cát bụi chân ai, Nxb Hội Nhà văn & Phuong Nam Book, 2015, tr. 7.

[10]Tô Hoài. Cát bụi chân ai, Sđd, tr. 75.

[11]Tô Hoài Cát bụi chân ai, Sđd, tr. 67.

[12]Tô Hoài. Chiều chiều, Nxb Hội Nhà văn & Phuong Nam Book, 2015, Tr. 112, 121.

[13]Tô Hoài. Tạp bút, Nxb Hội Nhà văn & Phuong Nam Book, 2007, tr. 97.

 

Các Bài viết khác