NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SƠN NAM – NGƯỜI VÀ VĂN

( 22-05-2017 - 05:28 AM ) - Lượt xem: 1039

Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11/12/1926 tại làng Đô Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mà tổ tiên từng là lưu dân khai khẩn đất hoang.

I/ Con người Sơn Nam
Trong diễn văn đọc tại Viện Hàn lâm Pháp ngày 25 tháng 8 năm 1753, danh sĩ văn hào Buffon (1707 – 1788) đã nói một câu nổi tiếng: “Văn là người”. Đúng ra, nên dịch là: “Phong cách của một con người là chính nó”, hoặc “phong cách chính là bản thân con người” (Le style est l’homme même). Điều này đã trở thành một ý tưởng bất hủ, được lưu truyền bao đời nay trong văn giới.
Theo phương pháp nghiên cứu tiểu sử, nhân thân cùng với cá tính nhà văn, cũng là yếu tố có thể góp phần tạo nên văn phong, tức phong cách của nhà văn.
Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11/12/1926 tại làng Đô Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mà tổ tiên từng là lưu dân khai khẩn đất hoang.
Cuộc lưu lạc của họ tộc khá ly kỳ. Đầu tiên là lập nghiệp ở Cù lao Ông (An Giang). Khoảng năm 1840, ông nội Sơn Nam chạy giặc Pháp đến Rạch Giá rồi xuống U Minh. Khi Sơn Nam lên 6 tuổi, gia đình lại rời quê hương lên phía Bắc, ra vịnh Thái Lan, cách thị xã Rạch Giá khoảng 15km, nay được gọi là vùng tứ giác Long Xuyên.
Sơn Nam học tiểu học ở Rạch Giá, rồi trung học ở Cần Thơ. Năm 1945, sau khi tốt nghiệp bậc Thành chung, gia đình không đủ điều kiện chu cấp, Sơn Nam không có điều kiện tiếp tục học thêm nữa.
Cách mạng bùng nổ, ông tham gia vào thanh niên xung phong, giành chính quyền ở địa phương, và công tác ở hội Văn hóa Cứu quốc tỉnh, rồi cơ quan phòng Văn nghệ, ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ.
Từ đây, ông trở thành nhà văn cách mạng tiên phong.
Ông hoạt động cách mạng, viết văn, làm báo và khảo cứu cùng một lúc. Năm 1952, Sơn Nam đoạt giải thưởng với hai tác phẩm đầu tay – Bên rừng Cù lao Dung và Tây Đầu đỏ do Ủy ban Kháng chiến Nam bộ tổ chức.
Sau 1954, ông được phân công trở lại Rạch Giá, tiếp tục hoạt động văn nghệ và báo chí công khai ở miền Nam. Năm 1957, ông lên Sài Gòn, tiếp tục viết báo, viết văn, hoạt động cách mạng. Ông từng bị bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (1960 – 1961) vì bị coi là “cộng sản nằm vùng” và sau đó lại bị bắt một lần nữa vào năm 1974 vì tham gia sự kiện “Ký giả đi ăn mày” để phản đối chiến tranh.
Sau 1975, nhà văn vẫn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục sáng tác và để lại cả một gia tài văn học khá đồ sộ cho đến khi ra đi mãi mãi (13/8/2008).

Sơn Nam là nhà văn đi nhiều, viết nhiều, và sống cuộc đời đầy trải nghiệm với một cá tính độc đáo của một nhân cách sáng đẹp.
Với hứng thú tìm hiểu cuộc sống, nhà văn lặn lội hầu khắp các vùng đất quê hương, chủ yếu là miền Tây Nam cho tới vùng cực Nam của Nam bộ. Ông đi bộ, bằng phương tiện thô sơ nhất – “đôi chân vàng”.
Ít ai ngờ người được mệnh danh là “ông già đi bộ không mệt mỏi” ấy lại có thân hình gầy guộc, sức vóc yếu kém. Ta thấy nổi bật trước hết là tính cách chịu khó, chịu khổ, và lòng ham mê hiểu biết, tìm tòi, khám phá.
Sơn Nam là một trong số những nhà văn hiếm hoi coi nghề văn là một công việc để kiếm sống trong hoàn cảnh đầy rẫy khó khăn. Vì vậy, ông luôn sống trong túng bấn, thiếu thốn, nhưng lại có tinh thần chấp nhận, chịu đựng nhẫn nại.
Vượt lên trên, hơn nữa, còn là một sự gan dạ, táo bạo trong cuộc sống. Ông tự nhận là “một tay rất lì lợm” chịu cực và “chịu thiếu thốn rất gioi”chỉ để mong muốn viết: “tôi thấy một thôi thúc mãnh liệt là phải viết về những chuyện về vùng đất mà mình sinh ra, lớn lên và trải qua một phần thời trẻ. Viết để người Sài Gòn, người xứ khác hiểu về miền Tây Nam Bộ”.
Sơn Nam có đức chịu học, ham biết cũng ghê gớm. Đọc đủ loại sách về văn chương, xã hội, lịch sử, địa lý…cần cho viết văn và khảo cứu. Túng bấn nhưng dám dốc túi mua sách hay, sách quý đắt tiền, lùng sục sách loại “đỉnh cao”. Đọc sách trên quầy, trong kho, ở thư viện…và chủ yếu là trang sách cuộc sống trên đời, qua nhân dân, quần chúng.Do vậy, ông tích luỹ được kho kiến thức toàn diện, phong phú vô kể hiếm có để được mệnh danh là “ pho từ điển sống miền Nam”
Bản chất con người là thuần phác, nhân ái. Bình Nguyên Lộc, bạn văn, gọi ông là “Con nai hiền bình nguyên” chính vì cốt cách hồn nhiên, đôn hậu đó. Ông sống rất tình nghĩa. Ngay từ cái bút danh một đời viết cũng chứa đựng bao ân tình với người cưu mang từ tấm bé. Sơn Nam dễ động lòng trắc ẩn, hay thương người. Chẳng dư dả gì nhưng thường cho tiền người khác khi thương cảm và mến mộ. Đó cũng là cốt cách hào phóng, nghĩa hiệp của con người Nam Bộ.Tình người ấy lan toả trong quan hệ và cả trong câu chữ trang văn.
Sơn Nam được coi là người giàu cá tính. Ông sống cuộc đời phong phú muôn mặt đời thường với tâm hồn thật giàu có, phóng khoáng nhưng vẫn giữ cá tính độc đáo.
II/ Văn phong như phong cách độc đáo Sơn Nam
Sơn Nam viết nhiều thể loại văn chương và cả báo chí, biên khảo về văn hoá tức loại văn sáng tác và khoa học (lịch sử, địa lý, xã hội , văn hoá ).Do yêu cầu, mỗi thể loại có cách viết khác nhau nhưng đại thể có chung văn phong.Trong văn chương là phong cách nghệ thuật tức sự thống nhất của những đa dạng.
Phong cách thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà văn bao trùm từ tổ chức tác phẩm, xử lý đề tài, thể hiện chủ đề đến xây dựng nhân vật, hình tượng và cách lựa chọn sử dụng các phương tiện nghệ thuật thể hiện trần thuật, miêu tả, ngôn ngữ, giọng điệu. Phong cách được xây dựng, hình thành, phát triển rồi ổn định.
Sự hình thành phong cách là một quá trình, và do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan tạo nên. Có thể tính đến tính chất thời đại và truyền thống văn hóa, trong đó có dấu ấn dân tộc, và cả dấu ấn vùng miền, đồng thời phải xem xét cả hoàn cảnh, nhân thân, và cả cá tính nhà văn.
Như vậy, ngoài những cái chung, cần phải chú ý đến chính bản thân nhà văn với những tính cách, những quan niệm, tư tưởng nghệ thuật ảnh hưởng mang tính quyết định tới sự hình thành phong cách nghệ thuật cá nhân.

Có thể thấy, cảm quan chủ đạo trong sáng tác của Sơn Nam chính là cảm quan văn hóa và cảm quan hiện thực đời thường. Hai cảm quan này đã kết hòa với nhau như định hướng cho một cái nhìn nghệ thuật của chủ thể sáng tạo.
Đó chính là cách cảm nhận thế giới độc đáo của nhà văn, như ý kiến của nhà văn Pháp Marcel Proust.
Nói một cách khác, cảm quan văn hóa đồng thời gắn kết cới cảm quan hiện thực đời thường chính là hạt nhân của cấu trúc phong cách nghệ thuật Sơn Nam.
Sau đây là một số nét đặc sắc cơ bản của phong cách độc đáo đó.
Với vốn tri thức hết sức phong phú trên mọi mặt đời sống xã hội và cả thế giới tâm hồn con người, nổi bật nhất ở sáng tác Sơn Nam là chất uyên bác tài hoa.
Uyên bác tài hoa trước hết trong cảm quan về thiên nhiên, đất nước.
Mỗi vùng miền, mỗi địa danh,…thường chứa đựng bao kiến thức về địa lý – văn hóa, lịch sử – văn hóa. Nơi nào hầu như cũng có những sự tích, nơi nào cũng có những gốc gác sự tình.
Trang văn toát lên những hiểu biết người cầm bút hết sức phong phú về đời sống, nơi cư ngụ, sự thông thuộc thổ nhưỡng, đất đai, thiên văn, thời tiết. Thuộc từ các mùa gió, con nước nổi, con nước ròng đến các thói quen, tập tính của cầm thú hoang dã, loại hải sản, gia súc, gia cầm để làm ruộng, lập ấp, săn bắt, hái lượm,… Mỗi nghề đều có những tri thức đặc thù để hành nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghiệp sinh nhai, nhất là những nghề chỉ xuất hiện thời xưa: nghề len trâu, nghề bắt sấu, nghề săn chim, nghề đốn củi,…
Đụng đâu, sâu đấy. Lĩnh vực nào cũng là những cuốn tài liệu, những trang sách có tác dụng nâng cao nhận thức và cảm thụ, hứng thú cho người đọc. Một sự kiện, một sự việc được thể hiện có mặt nổi, có bề chìm. Nhiều khi còn gợi cả một trầm tích văn hóa.
Có một so sánh khá thú vị: “Có thể ví Vang bóng một thời và Hương rừng Cà Mau là hai mảnh dư đồ,, đem ghép lại sẽ được bức tranh tuyệt tác của đất nước vào khoảng nửa đầu thế kỷ” (Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hương rừng Cà Mau, Trẻ, 1998). Ở đây, khái quát lên, là sự tương đồng của hai nét phong cách uyên bác tài hoa, một là của nhà văn đất Kinh kỳNguyễn Tuân, một là của nhà văn Nam bộ Sơn Nam.
Uyên bác tài hoa còn thể hiện ở sự tổng kết một hiểu biết chung về những con người tứ xứ, lưu dân cũng như thường dân trong một gương mặt chung với tính cốt cách con người vùng Đất mới. Hương rừng Cà Mau được coi là một quyển cảo thơm về bao câu chuyện dân dã, đậm chất tình người, tình quê, thấm đẫm văn hóa truyền thống dân tộc.
Nét phong cách này bao trùm trên các phương tiện thể hiện nghệ thuật, từ nghệ thuật trần thuật nhiều ngôi, nhiều điểm nhìn đến hiện tượng nhiều giọng điệu tính đa thanh qua tác phẩm.
Tài hoa Sơn Nam chủ yếu biểu hiện ở những tri thức văn hóa phong phú – cả về vật thể và phi vật thể, nhất là ở khai thác văn hóa tinh thần, tâm linh. Ta cũng thấy rõ rệt ở bút pháp miêu tả tinh tế, sinh động qua những trang viết.
Có được một bút lực dồi dào, ngập tràn tri thức chính là nhờ công lao tích tụ rất công phu và từ đó được toát ra ngọn bút lan toả như một vầng sáng trên trang viết.. Trữ lượng một đời cầm bút chính là cái mà Sơn Nam tự đặt tên là “văn minh miệt vườn”, “văn hoá sông nước”.
Uyên bác Sơn Nam có nét độc đáo. Ta thấy có phần giống nhưng khác với Nguyễn Huy Tưởng là uyên bác thiên về lịch sử, gần với Nguyễn Đình Thi hơn vì là uyên bác có thiên hướng văn hóa.
Tác phẩm tiêu biểu Cá tính miền Nam (Trẻ, 2000) chứa đựng tập trung nổi bật cho chất uyên bác tài hoa với chiều sâu lịch sử văn hoá. Tác giả đã tổng kết được hồn đất vùng miền, bản sắc địa phương cùng cốt cách con người Nam Bộ. Những trang viết thể hiện thấm đậm hồn đất, tính người trong một nét cá tính đặc trưng thật độc đáo.
Trữ tình sâu lắng là nét phong cách đồng thời nổi bật của Sơn Nam.
Văn xuôi Sơn Nam phản ánh hiện thực đời sống, hiện thực đấu tranh và xây dựng của miền Đất mới – từ xa xưa lịch sử khẩn hoang mở cõi đến xây dựng và bảo vệ đất nước trong vòng 3 thế kỷ. Đó là văn viết theo khuynh hướng hiện thực mới.
Tuy nhiên, có thể gọi đó là chất hiện thực trữ tình, tức thiên về tình cảm, như kiểu văn của Thạch Lam. Gần hơn, có thể so sánh với Nguyễn Đình Thi – một tài năng đa dạng trên nhiều thể loại – thơ, truyện, kịch,… nhưng tất cả lại toát ra một sắc thái chung là chất trữ tình. Chất trữ tình, chất thơ thấm đượm trên các trang viết như sự phát hiện nhạy cảm của nhãn quan nghệ thuật Nguyễn Đình Thi (Nhỡn quan vision – theo Nguyễn Tuân).
Có thể định danh về Sơn Nam với nét phong cách trữ tình sâu lắng như một phái sinh của sự uyên thâm về thế giới hồn người.
Sơn Nam cảm thông sâu sắc với những phận người, chủ yếu là các nạn nhân trong cảnh bị áp bức, bóc lột, cùng khổ, trong tình trạng tù túng, ngột ngạt.
Nhà văn cũng chia sẻ những nỗi niềm lo toan, trăn trở trong mưu sinh, những vất vả, cực nhọc trong cuộc sống, kể cả những đau buồn, phẫn nộ trong đầu tranh. Đặc biệt là, sự cảm thương, xót xa về những phận người tha hóa, những người phụ nữ phải bán mình, những người cầm bút để mất lương tâm.
Đặc biệt, đó là những thứ tình cảm chân thành, tha thiết của một tâm hồn lắng sâu trong sự đồng cảm, sẻ chia bình đẳng trên tính đồng bào, đồng chủng. Những tình cảm ấy xuất phát từ một trái tim nhân văn vừa thấm nhuần đạo lý dân tộc vừa tràn đầy tinh thần nhân đạo cách mạng mới.
Mặt khác, sự cảm phục, ngưỡng mộ cũng rất chân tình. Lấy mình để hiểu người, có sự gắn bó chặt chẽ giữa cái tôi và cái ta, Sơn Nam rất tự trọng và qua mình thấy được cái cốt cách cao đẹp của con người Nam Bộ.
Văn xuôi Sơn Nam thấm đượm chất thơ trên nhiều trang viết. Hương quê ( Trẻ, 2006) đậm đà thơm thảo miền thôn dã. Hương rừng Cà Mau (Trẻ, 2011,2012) là một bài thơ lớn mang tính cách rất tiêu biểu.. Hương rừng như lan tỏa khắp nơi. Ngay cả thiên nhiên cũng vừa có phần khắc nghiệt, vừa có phần thơ mộng. Cuộc sống thô nhám trần trụi trong vất vả cực nhọc vẫn có những giây phút bay bổng hồn người. Lan tỏa trong không gian và thời gian là những câu hát huê tình, những lời hò vè, câu thai đối tươi mát, bồng bềnh đó đây như hương, như hoa cuộc đời.
Trữ tình nhưng vẫn gắn kết lãng mạn với hiện thực, mượt mà bay bổng và thâm trầm sâu lắng. Đó cũng là khí chất văn phong Sơn Nam.
Dung dị, dân dã cũng là một nét đặc sắc như phong thái từ cuộc đời vào văn chương Sơn Nam.
Văn Sơn Nam hồn nhiên, và hấp dẫn từ cái phong vị tự nhiên của cuộc đời.
Kết cấu truyện thường giản dị, không có những tình huống éo le, những xung đột gay cấn. Bởi, đó là những câu chuyện được dựng lên từ muôn mặt đời thường, mang đậm tính bình dân. Vọc nước giỡn trăng, Hát bội giữa rừng… là những chuyện về cuộc sống, sinh hoạt đời thường như vậy.
Cảm nhận hiện thực đời thường chính là một nhỡn quan chủ đạo trong khai thác đề tài, xây dựng tình huống. Chất hiện thực đời thường này khác hẳn với chất hiện thực khai thác dựa vào những xung đột mâu thuẫn, hiện thực khác thường, hiện thực có màu sắc dữ dằn kiểu của Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Ngọc Tư.
Dung dị trong cách kể, giọng kể chuyện như làm mất đi khoảng cách giữa người kể và người nghe, rút ngắn tối đa khoảng cách giữa tác giả và độc giả.
Nét dân dã rõ nhất rõ nhất được thể hiện qua câu chuyện đời thường của những người nông dân, người bình dân, dân nghèo bằng chính ngôn ngữ hàng ngày của họ. Đó là thứ ngôn ngữ mang đậm phong vị dân gian – hồn nhiên, tự nhiên, nhưng có chọn lọc, chu đáo. Lối viết của “nhà Nam Bộ học” Sơn Nam được xem là tiêu biểu cho “văn nói Nam Bộ” – lời văn thường gồm những câu ngắn gọn, những từ ngữ, phương ngữ Nam Bộ.
Đặc điểm văn phong của Sơn Nam dễ nhận ra qua trang viết: chân tình, dung dị, mộc mạc, dân dã, phóng khoáng, tài hoa. Đọc văn cũng chính là đọc Sơn Nam, con người Nam Bộ thuần chất.

Những nét đặc sắc nêu trên được tổng hợp lại thành diện mạo phong cách nghệ thuật Sơn Nam.
Thật khó để định danh một cách thật đơn giản và ngắn gọn một phong cách. Cũng có một số sự định danh như Thơ Chế Lan Viên với phong cách suy tưởng (Nguyễn Bá Thành, Giáo dục, 1999). Phan Cự Đệ viết Nguyễn Khải (Nhà văn Việt Nam, Giáo dục, 1979, 1983) cho rằng nhà văn có “phong cách hiện thực tỉnh táo”.
Tuy nhiên, đấy cũng chỉ như một cách nói . Vấn đề cần thiết là chỉ ra chính xác, đầy đủ những nét đặc sắc tạo thành phong cách độc đáo của nhà văn như đã nêu trên hoặc có thể tóm gọn súc tích :uyên bác trữ tình dân dã. Sơn Nam tự bộc lộ qua một tựa đề sách tiêu biểu Cá tính miền Nam như một kỳ vọng tạo ra một giá trị thẩm mỹ của cá tính sáng tạo.Tất cả sáng tác đã làm nên một gương mặt văn nhân đích thực Đó là Sơn Nam ./.

ĐOÀN TRỌNG HUY, PGS. TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đoàn Trọng Huy (2002), Về phong cách nghệ thuật Tô Hoài, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 5.
[2] Đoàn Trọng Huy (2002), Vài đặc điểm phong cách nghệ thuật Nguyễn Khải, in trong Nguyễn Khải – Về tác gia và tác phẩm, Giáo dục.
[3] Đoàn Trọng Huy (2016), Về thi pháp nghệ thuật Sơn Nam, http://www.nguvanhnue.edu.vn
[4] Đoàn Trọng Huy (2017), Sơn Nam – người và văn, http://www.clbnguoiyeusach.com.vn
[5] Lê Thị Ngân Trang (2016), Nét đặc sắc phong cách nghệ thuật trong văn xuôi của Sơn Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, Số 4 (29).

 

Các Bài viết khác