NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN ĐỌC “VIẾT DƯỚI GIÁ TREO CỔ”

( 06-11-2013 - 08:21 PM ) - Lượt xem: 2557

Thời kì ấy đang khan giấy. Sách báo của Hội xuất bản đều phải in bằng giấy dó, thứ giấy nếu ai giở trang quá mạnh tay hoặc để ở chỗ ẩm ướt thì chỉ ít lâu là bị tả ra. Vậy mà những trang “Viết dưới giá treo cổ” lại bằng thứ giấy nõn như lụa, chữ đen ánh đen sắc trông cứ như một giai phẩm đặc biệt. Bởi vậy… hàng chục bàn tay cứ chồm chồm định cướp lấy trước túi bụi ở trên đầu, trên vai, chung quanh Nguyễn Huy Tưởng cùng với những tiếng đòi, tiếng hứa hẹn, tiếng tranh cãi, vòi vĩnh kì kèo, giằn vặt.

(Trích)

NGUYÊN HỒNG

 

Tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” mà chúng tôi được đọc là một bản đánh máy bằng giấy dó.

 

1951, chiến dịch Hoàng Hoa Thám. 1952, chiến dịch Lý Thường Kiệt tiếp liền. Kháng chiến dồn dập mở rộng những trận tiến công qui mô xuống trung du và các vùng trọng yếu mà giặc Pháp lập thành những vành đai để giữ miền đồng bằng, thủ đô Hà Nội, miền ven biển, hầm mỏ và cảng Hải Phòng. Theo đà chiến dịch, cơ quan của chúng tôi chuyển liên tiếp. Chúng tôi bỏ hẳn những nơi gần đường lớn, kể cả đường sông ven rừng rú, rất xa bến nước có nhiều thuyền bè, xe cộ. Vào Hội, hoàn toàn đi đường nhỏ luồn những rừng núi rậm rạp, hiểm hóc mà chưa cơ quan nào tìm đến cả. Núi đá, rừng già, đồi nứa, khe suối chằng chịt, dân cư thưa thớt, phải đi về hàng mấy ngày mới mua được thức ăn, mới chập tối đã nghe tiếng cọp về sục lợn, gà, và đêm nào quang trời lắm thì đây cũng mù mịt sương lam, khí núi cuồn cuộn, ẩm lạnh. Ở đây, người khỏe nhất cũng bị buồn mỏi, nhức nhói tất cả ống xương, khớp chân khớp tay. Đèn thắp là dầu chẩu. Ánh sáng vui nhất quây quần mọi người lại là lửa bếp rừng rực, đốt toàn củi gộc, tha hồ đun nước, luộc sắn, lùi sắn.

 

Những ngày mưa lũ, nghe như có thiên binh vạn mã dồn nhau trong tiếng sóng gầm rít này, những đêm nghe rào rào như có từng cơn gió táp, mưa bay, nhưng chỉ là sương rơi và rừng nứa rung chuyển, chúng tôi càng bồn chồn đón đợi những tin tức của các mặt trận, từ Bắc chí Nam, mà càng ở nơi xa bao nhiêu càng quí bấy nhiêu, như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng Tháp Mười, Cà Mau… và các vùng hậu địch nổi tiếng hiểm nghèo. Trong anh em những ai được đi theo chiến dịch hay được cử đi công tác ở Khu III, Khu IV lúc này là cả một hạnh phúc!

 

Về trong nước thì như thế, còn ở ngoài nước, nhất là ở các nước anh em xã hội chủ nghĩa, tin tức và đặc biệt là sách báo cũng quí như thế. Cứ mỗi buổi giao thông và cấp dưỡng đi công tác về thì mọi người dõi theo từ bóng nắng, từng chiều gió và hễ trời nổi cơn, nổi trận thì không ai không bồn chồn. Đồng chí nào bình tĩnh, lạnh lùng nhất cũng phải lên tiếng, góp lời vào cuộc bàn tán, phán đoán thời tiết và nguyền rủa mưa, lũ quái ác…

 

Tờ báo Nguyên Hồng tặng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Thì có một chuyến giao thông chỉ với một người và không gồng gánh gì cả: đồng chí Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn trong Ban thường vụ Hội, đi họp về. Anh lưng đeo ba lô quần áo, tài liệu, quần xắn đến quá gối và chống gậy “hèo”. Nhìn Nguyễn Huy Tưởng, mũ vải dúm dó, sơ mi cụt tay màu nước dưa đen thẫm mồ hôi, mặt mày nhếch nhác mồ hôi nhưng phừng phừng vẻ vui mừng… chúng tôi kẻ đỡ ba lô, người cất mũ, người lấy quạt quạt, người bưng nước:

 

- Lại chuyển cơ quan phải không?

- Chiến dịch lại mở thì lại phải chuyển cơ quan lên sâu nữa chứ?

 

Nguyễn Huy Tưởng lại cười, nụ cười rất chi hồn hậu của anh:

 

- Trái lại, chuyến này thì lại về hẳn Phú Thọ hay Bắc Giang theo nguyện vọng của các ông đấy! Nhưng thôi, cậu nào có thuốc lá cho tớ một điếu, có bật lửa hay diêm châm tớ tí lửa nào! Đêm qua ngủ ở trạm chờ, cố đọc cho xong cuốn của Fuxxich, đốt hết cả mấy điếu thuốc lá cuối cùng rồi.

 

- Cuốn gì của Fuxich vậy?

- Sách mới mà là tác phẩm của Fuxich?

- Viết dưới giá treo cổ

- A! Viết dưới giá treo cổ!

- Viết dưới giá treo cổ của Fuxich?

- Tác phẩm gì của Fuxich?

- Viết dưới giá treo cổ…

 

Nguyễn Huy Tưởng luýnh quýnh cùng anh em cởi dây ba lô và xếp các thứ ra. Cầm tập “Viết dưới giá treo cổ” giơ lên cùng với tay một “tướng” định giằng lấy sách, Nguyễn Huy Tưởng cho biết đồng chí Tố Hữu vừa mượn được cho cơ quan, chỉ trong một thời gian ngắn phải trả lại và phải giữ gìn sách cẩn thận, phải bảo đảm đúng kì hạn…

 

Thời kì ấy đang khan giấy. Sách báo của Hội xuất bản đều phải in bằng giấy dó, thứ giấy nếu ai giở trang quá mạnh tay hoặc để ở chỗ ẩm ướt thì chỉ ít lâu là bị tả ra. Vậy mà những trang “Viết dưới giá treo cổ” lại bằng thứ giấy nõn như lụa, chữ đen ánh đen sắc trông cứ như một giai phẩm đặc biệt. Bởi vậy… hàng chục bàn tay cứ chồm chồm định cướp lấy trước túi bụi ở trên đầu, trên vai, chung quanh Nguyễn Huy Tưởng cùng với những tiếng đòi, tiếng hứa hẹn, tiếng tranh cãi, vòi vĩnh kì kèo, giằn vặt.

 

Sau cùng, mọi người phải đồng ý giao cho Nguyễn Xuân Sanh, ngày ấy là thường trực Hội và bí thư chi bộ cơ quan, là nhà thơ, người cẩn thận nhất, quản lí sách, nghĩa là ai đọc trước, ai đọc sau sẽ do Nguyễn Xuân Sanh thu xếp và anh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc giữ gìn sách, đảm bảo kì hạn trả mà Nguyễn Huy Tưởng đã hứa.

 

Lại mưa lũ.

 

Tôi đã đọc “Viết dưới giá treo cổ” những ngày mưa lũ hết xuân sang hè 1952 không thể nào quên được trong rừng sâu Việt Bắc.

Các Bài viết khác