NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HUY CẬN VỚI XUÂN DIỆU- TÌNH BẠN “TRÁI ĐÔI”

( 13-02-2015 - 04:58 PM ) - Lượt xem: 3160

Năm 2003, Huy Cận cho xuất bản cuốn Hồi ký song đôi (Hội Nhà văn). Đây là hồi ức về cuộc đời của nhà thơ từ thuở nhỏ, những năm đi học, làm thơ và hoạt động cách mạng. Cuốn hồi ký có tính chất đặc biệt vì có phần viết hộ cho cả người bạn đời tri kỷ đã ra đi, do đó có nhan đề là song đôi.

Người ta sống ở đời, ai cũng có tình bạn. Tình bạn trong học tập, công tác, làm ăn, trong quan hệ giao tiếp, hoạt động… Nhiều tình bạn chỉ là nhất thời, nhưng cũng có những tình bạn thuỷ chung suốt đời.

Tình bạn có nhiều tính chất và sắc thái khác nhau. Riêng trong văn thơ, phổ biến có chuyện Bá Nha – Tử Kỳ ở Trung Hoa xưa, hoặc Verlaine và Rimbaud ở Pháp thời hiện đại.

Ở Việt Nam, giới văn chương đều biết bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến. Thời nay, có câu chuyện về tình bạn giữa hai nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu được nhiều người truyền tụng.

Năm 2003, Huy Cận cho xuất bản cuốn Hồi ký song đôi (Hội Nhà văn). Đây là hồi ức về cuộc đời của nhà thơ từ thuở nhỏ, những năm đi học, làm thơ và hoạt động cách mạng. Cuốn hồi ký có tính chất đặc biệt vì có phần viết hộ cho cả người bạn đời tri kỷ đã ra đi, do đó có nhan đề là song đôi.

Cách viết hồi ký là theo dòng thời gian, tuy nhiên vẫn đảm bảo logic của trí nhớ - dòng hồi tưởng. Đó chủ yếu là những chuyện đời riêng, nhưng xen kẽ có cả đời Xuân Diệu – quan hệ cặp đôi.

Như Huy Cận tự nhận ở cuốn sách, giữa hai người là một tình bạn hiếm có. Bởi, hai nhà thơ gắn bó với nhau từ thời đi học cho đến hết đời. Đó là chưa kể đến mối thân tình đặc biệt: Huy Cận lấy Xuân Như – em gái Xuân Diệu, con của Huy Cận là Cù Huy Hà Vũ được Xuân Diệu nhận làm con nuôi.

Nhìn đại thể, trong tình bạn còn có cả tình anh em, tình đồng chí, đặc biệt là tình thơ – tri âm, tri kỷ văn chương giữa  hai người đồng sàng,đồng mộng một đời. Hai nhà thơ cùng trọ học, cùng ở với nhau nhiều năm từ trước 1945. Sau hoà bình, họ sống chung với nhau đến hết đời tại một biệt thự cũng là nơi đàm đạo văn chươngcủa  “khách bốn phương”: “Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì đến, hững hờ thì qua!” (Lời mời vui của Xuân Diệu).

µµµ

Thời Pháp thuộc, bậc Tiểu học chỉ được học vài ba năm có xen kẽ chữ quốc ngữ. Đến Trung học, môn quốc văn (annamite) chỉ còn địa vị như một “ngoại ngữ”.Sớm nhận ra nỗi nhục mất nước là từ tủi nhục mất tiếng – tức mất văn tự ,của các thế hệ học sinh đương thời, Huy Cận đã có bài thơ nổi tiếng về tiếng Việt – Nằm trong tiếng nói. Tình yêu tiếng nói của dân tộc là chất keo dính tự nhiên và bền chặt giữa hai chàng trai trẻ Huy Cận và Xuân Diệu. Bản thân Huy Cận đã tích cóp tiền để mua gom nhặt các truyện từ dân gian đến cổ điển như Thạch Sanh, TrêCóc, Bích Câu kỳ ngộ đến Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc,TruyệnKiều,… đóng thành tập Hồn Cổ Việt để nghiền ngẫm.

Theo nhà thơ, trong ngôn ngữ có hồn dân tộc sâu thẳm. Khi nghe một ngôn ngữ chính là lắng lại tiếng chuông của quá khứ. Từ đó, ảnh hưởng sâu xa sẽ vang dội, làm phong phú thêm tâm hồn chúng ta hôm nay.

Bài diễn thuyết đầu tiên của Xuân Diệu – Thanh niên với quốc văn tại hội trường của Đông Dương học xá vào tháng 3/1944, thực chất là lời kêu gọi thức tỉnh lòng yêu nước của sinh viên. “Chúng ta tâm sự bằng tiếng nói của mẹ Việt Nam, chúng ta nghe rõ từng lời nói của mẹ Việt Nam”. Anh nhắc đến Alphonse Daudet trong Buổi học cuối cùng: “Một dân tộc mà còn giữ được tiếng của mình, thì dân tộc ấy cũng giữ được cái chìa khoá để tự giải phóng cho mình”.

Dẫn chứng tình cảm là đoạn thơ của Huy Cận:

Nằm trong tiếng nói yêu thương

Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời

Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi

Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên em

Xuân Diệu đã gửi Huy Cận cuốn Thanh niên với quốc văn do nhà xuất bản Thời đại in với lời đề tặng: “Sắp sẵn những cuộc “chu du nói chuyện” của ta về sau”. Đó là mộng ước tâm đầu ý hợp của cả hai – đi diễn thuyết khắp nước để cổ vũ công cuộc xây dựng nền văn học và văn hoá nước nhà.

Cũng giống Huy Cận, Xuân Diệu đã có công phu học  về thơ văn dân tộc từ thời học Tiểu học và Trung học tại Quy Nhơn:Từ thơ ngụ ngôn bát cú như Dạ hoài của Phạm Tuấn Tài đến các bài hát nói. Tiếp đó là thể song thất lục bát như Đêm buồn tự thuật của Vũ Như Châu hay Trường hận ca diễn âm (Bạch CưDị). Hơn hẳn Huy Cận, “đào kép” Xuân Diệu còn hát Huế, hát cải lương và ngâm sa mạc rất hay từ thời còn đi học. Và người thường thưởng thức rất thú vị là bạn thơ Huy Cận.

Cả hai đều hứng thú làm thơ từ thời đi học và đã ôm mộng văn chương suốt một đời. Tuy nhiên, thời ấy không ai sống bằng chữ nghĩa được, nên Huy Cận phải đi học kỹ sư canh nông, còn Xuân Diệu “thi sĩ  hoá Tây đoan” – coi như kiếm sống bằng nghề tay trái: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Huy Cận đi làm trước, Xuân Diệu sau bỏ nghề đoan (thuế quan) ở Mỹ Tho, quay về Hà Nội nhờ Huy Cận đùm bọc. Bạn bè nuôi nhau và cùng nuôi sự nghiệp văn thơ.

Giúp nhau sinh sống, giúp nhau sống bằng văn chương và sống vì văn chương mới khó hơn nhiều. Và đó mới là cốt lõi của nhân cách văn học – văn hoá Huy Cận - Xuân Diệu.

Theo lời kể, người bạn tri kỷ Xuân Diệu đã nhiều lần giới thiệu thơ của Huy Cận trên báo chí.Bài thơ đầu tiên của Huy Cận – Chiều xưa được Xuân Diệu gửi đăng trên báo Ngày naysố Tết Mậu Dần 1938. Khi ấy, Huy Cận đang học tú tài năm thứ 2 ở Huế.

Trên Ngày naysố 166 có thơ Huy Cận (Xuân Diệu phê bình): “Huy Cận! Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài, hay nói nhỏ và hay làm thinh để cho men lòng càng rạo rực hơn nữa…”. Và khi phân tích cái buồn, “giọt nước mắt chảy” đã nói được cái gì là căn cốt nhất của phong cách Huy Cận: “…rất mới và rất xưa, rất Âu tây và rất Á Đông: nghĩa là cả con người, con người phức tạp của muôn thuở”.Tập thơ Lửa thiêng rất nổi tiếng của Huy Cận cũng được Xuân Diệu viết tựa tháng 6/1940 tại Mỹ Tho.

Vậy mà, đến cuối đời, khi viết Thế giới thơ của Huy Cận cho Tuyển tập Huy Cận, Xuân Diệu vẫn cho rằng: “chưa ôm hết được cái khối thơ, cái khối cảm xúc của Huy Cận”[1;180].

Trong đời, các hoạt động gắn bó mật thiết đến số phận, sự nghiệp của hai người có thành công, có thua thiệt , thăng trầm  đủ cả đều nếm trải.

Hai người gom góp tận lực tiền của  mở nhà xuất bản Huy – Xuân nhưng có tiếng mà không có miếng. Năm 1942, Huy Cận cùng các bạn Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng làm báo Thanh niên ở Sài Gòn do Huỳnh Tấn Phát chủ trì, bỏ tiền ra in, Xuân Diệu tham gia viết bài. Báo có tiếng vang, nhưng chưa được 10 số thì phải đóng cửa.

Sau Cách mạng, những hoạt động của Huy Cận, Xuân Diệu gắn bó hơn trong một khung cảnh mới của tổ chức, của tập thể cộng đồng văn nghệ sĩ mới nên có nhiều thuận lợi hơn nhiều. Ngay cả những hoạt động quốc tế, cũng có sự thông cảm và hỗ trợ nhau tích cực. Thơ Huy Cận được giới thiệu khá nhiều trên thế giới. Trong lời tựa tập thơ Nước triều Đông, P. Schneider kể lại: “Một lần, tôi hỏi Xuân Diệu: Qua hàng trăm năm, hàng chục vạn con người đã làm thơ, tại sao chỉ còn lại vài tên tuổi?”. Xuân Diệu trả lời: Làm thế nào được,vì có bức tường của “âm thanh”. Tôi tin chắc rằng, Huy Cận đã vượt được bức tường “ âm thanh” ấy”  [3; 319].

Tuy nhiên, tình bạn Huy Cận – Xuân Diệu thực sự cao đẹp, vì đó là tình bạn kiểu mới – tình bạn mang tính chất cách mạng của thời đại.

Giúp nhau trong đời sống đã quý. Giúp nhau trong nghề nghiệp đặc thù theo lý tưởng nghệ thuật chân – thiện – mỹ lại càng quý hơn. Tuy nhiên, về nhân thân, cả hai đều là thi sĩ tiền chiến. Cách mạng đã  “đổi đời” và “đổi thơ” cho cả một thế hệ. Tuy nhiên, cái chính là họ phải có và đã có nội lực “cách mạng”.

Huy Cận, Xuân Diệu vốn ấp ủ lòng yêu nước thầm kín và tiềm ẩn tinh thần tự hào dân tộc đã gặp  cách mạng, được cách mạng hoá tư tưởng, từ đó là tự thân vận động để cách mạng hoá nghệ thuật.

Chính Huy Cận là người dắt tay Xuân Diệu vào con đường cách mạng và cả hai đã tham gia hoạt động từ trước 1945. Sau này, họ đồng hành trong đại lộ của văn nghệ cách mạng và trở thành hai nhà thơ lớn.

Giọt lệ Hoàng Mai được Huy Cận viết năm 1941 sau chuyến thăm quê để khóc cho “Mẹ Quê hương”, đã là “Giọt lệ non sông ” chảy trong lòng thi sĩ. Cuối năm đó, Huy Cận tham gia Việt Minh. Đầu năm 1942, Huy Cận cùng với Vũ Đình Liên dự định ra tạp chí Tao phùng về văn chương và triết học. Huy Cận mời , Xuân Diệu nhận góp phần văn thơ. Cũng trong năm này, Huy Cận và Xuân Diệu tham gia làm báo Thanh niênở Sài Gòn. Tháng 3/1944, Xuân Diệu đi diễn thuyết bài Thanh niên với quốc văn đã nêu rõ ý thức yêu nước: “Chúng ta nghe rõ trong lòng ta lời nói của mẹ Việt Nam. Vậy tôi chắc các bạn cùng cảm thông với tôi trong cái niềm dạt dào khi nghĩ đến Mẹ” [1; 302].

Huy Cận được dự Quốc dân đại hội tại Tân Trào và tham dự Chính phủ lâm thời. Xuân Diệu đi biểu tình cách mạng, nhập cuộc ngay vào ngày Hội lớn của quần chúng. Nhà thơ tham gia Quốc hội khoá đầu tiên (1946). Sáng tác nổi tiếng với khí thế hùng ca mới của Xuân Diệu đã xuất hiện ;Ngọn quốc kỳHội nghịnon sông. Và từ đó, hai nhà thơ dắt tay nhau đồng hành cùng nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc.

Tình bạn của hai nhà thơ thật cao đẹp bởi vừa là sự hoà hợp bao dung của hai cá tính, hai phong cách sống, viết khác nhau, vừa là sự đấu tranh để giúp đỡ nhau thân tình.

Huy Cận nhớ lại thuở đầu kháng chiến, khi đường thơ còn chập chững thì được nhà thơ Sóng Hồng ( Trường Chinh) nhắc nhở. Thêm vào đó là sự động viên của Xuân Diệu về “đời thơ giàu có” của Huy Cận, trong một đêm trăn trở về sự nghiệp văn thơ cũng vào thời gian ấy ở Tuyên Quang [1; 180].

Trong đời, Xuân Diệu đã thực hiện trên 1000 cuộc nói chuyện văn thơ. Huy Cận cũng cố “ganh đua”, không chịu thua kém nhiều: “Tôi cũng làm được mức nào bằng những cuộc nói chuyện của tôi về văn hoá, văn nghệ, vì sự trau dồi bản sắc văn hoá dân tộc, về việc xây dựng các vùng văn hoá đẹp và bền trong cả nước” [1; 305].

µµµ

Trong lịch sử văn chương nước ta, có nhiều tình bạn tri âm, tri kỷ. Tam nguyên Yên Đổ đã xót thương bằng bài Khóc Dương Khuê trong tình bạn cầm, kỳ, thi, tửu. Vượt lên nỗi riêng là niềm thương tiếc chung khi Tô Hoài viết Chúng ta đã mất Nam Cao: “người nghệ sĩ, người chiến sĩ cách mạng”. Tô Hoài – Nam Cao cũng là một tấm gương về tình bạn cao đẹp.

Tình bạn Huy Cận – Xuân Diệu cao quý vì là tình bạn lớn trong cuộc đời từ xưa tới nay. Họ cùng “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” (Chế Lan Viên).

Từ sau Cách mạng, đôi bạn dắt tay nhau đồng hành dũng cảm trên con đường nghệ thuật mới tiến bộ. Một đời họ đối xử với nhau thuỷ chung, chí tình và trọn nghĩa.

Xuân Diệu ra đi trong lúc bạn thơ thân thiết nhất đời đang ở phương trời xa. Khi về, Huy Cận đã tìm cách hợp lý hoá thủ tục để đưa được bạn vào an nghỉ vĩnh viễn tại nghĩa trang Mai Dịch.

Huy Cận, Xuân Diệu giờ đã đi vào “xứ không màu” như các bậc Thi tiên khác. Tình bạn của hai nhà thơ lớn còn để lại một tấm gương sáng cho hậu thế: thế giới thi ca và thế giới trần gian.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Huy Cận (2003) – Hồi ký song đôi – Hội Nhà văn, Hà Nội.

[2] Đoàn Trọng Huy (2007) – Xuân Diệu, Huy Cận, Tình hoa văn thơ thế kỷ XX (Tập I, tập II) – Giáo dục.

[3] Nhiều tác giả (2006) – Huy Cận – Cuộc đời và sự nghiệp – Hội Nhà văn,Hà Nội.

Các Bài viết khác