NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

GIẶC CỜ ĐEN

( 10-02-2014 - 11:45 AM ) - Lượt xem: 1554

Tác phẩm \"Giặc cờ đen\" của nhà văn Người hùng lê văn Trương in trên Truyền Bá số 15, ngày 15/1/1942. Là loại tiểu thuyết giáo dục viết cho tuổi thiếu nhi.Từ đó đến nay các truyện tiểu thuyết giáo dục củ ông chưa từng được tái bản. Nhằm quảng bá và giữ gìn tác phẩm của ông, BBT đăng lại phục vụ bạn đọc xa gần. (chúng đăng lại nội dung theo nguyên bản kể cả lỗi chính tả )

QUÁI chưa, hễ cứ tối đến là thằng Nhâm và con Tý sợ. Trong cái bóng đen chập – chùng, luôn luôn, chúng nó nhìn thấy những con mắt đỏ như than hồng, những cái lưỡi thè lè xanh lét như quả núc-nác. Và bất kì ở xó-xỉnh nào, chúng nó cũng như thấy những bàn tay lông lá chỉ rình rình giơ ra để nắm lấy chúng nó.

Vì thế chúng nó chỉ có thể «vững dạ» dưới ngọn đèn sáng. Vì thế tối đến, chúng nó cứ bám lấy ông nhằng nhẵng.

Chúng nó sợ ma, sợ ma lắm. Thậm chí ngồi với ông mà chúng không dám buông thõng chân xuống đất vì sợ có những con ma ở dưới gầm giường kéo chân chúng nó.

Tối đến, nhất định là chúng nó không dám đi đâu. Và nếu có phải làm cái việc tối cần của trẻ con trước khi đi ngủ để khỏi «dấm-đài», chúng nó thế nào cũng phải bắt con sen hay thằng bếp đưa đi.

Ông xưa kia đã sống một cuộc đời ngang-tàng và oanh-liệt thấy có những đứa cháu rát như thế không vui lòng một tí nào.

Đã bao nhiêu phen ông bảo chúng nó rằng ma quỷ là những truyện bịa-đặt, chỉ có những người ngu mới tin như thế, nhưng chúng nó vẫn cứ sợ.

Chúng nó càng sợ ma khi nghe người trong làng truyền đi các tin rằng cháu ông hương Thùng bị con ma Sơn ở cổng đồng làm.

Con ma Sơn, theo như lời trong làng kể lại, là một người đàn bà trẻ bị giặc Cờ-đen giết, rồi một thầy phù-thủy cao tay liền thu cái oan-hồn ấy về làm âm-binh để dùng. Thầy phù-thủy ấy yểm con ma Sơn ở cổng đồng làng Láng đã năm sáu mươi năm nay, giữa một bụi ruối. Có rất nhiều người trông thấy nó mặc quần áo đen kịt hiện lên đi lững-thững ở cổng đồng, trong những đêm giăng suông mưa phùn, vì thế cho nên người ta mới gọi nó là con ma Sơn.

Bụi ruối của con ma Sơn ở cạnh ruộng ông hương Thùng. Một hôm ông hương Thùng thấy cành lá của nó xòa xuống ruộng mình liền phát đi. Ấy thế là con ma Sơn thù, «làm» cháu ông. Ông phải gọi thầy cúng về cúng và lễ tạ nó, cháu ông mới khỏi.

ù

CÂU chuyện ấy, thằng Nhâm và con Tý chỉ mới được nghe từng mẩu ở miệng con Sen và thằng Bếp, chứ chưa được ai kể cả đầu đuôi cho nghe bao giờ, cho nên chúng nó ao-ước muốn nghe lắm. Thì may mắn làm sao, buổi chiều hôm nay, ông hương Thùng lại đến chơi ông. Tôi nói may mắn bởi vì tuy thằng Nhâm con Tý sợ ma, nhưng chúng nó lại rất thích nghe truyện ma.

Ông hương Thùng đến; ông pha chè tầu mời ông hương Thùng uống, rồi ông hỏi thăm về chuyện cái Mít ốm.

Mặt giời lúc ấy mới ngả trước hiên, ánh nắng tươi sáng còn quấn-quít trên giàn thiên-lý nên thằng Nhâm và con Tý chẳng sợ-hãi chút nào, chúng nó dịch lại gần ông hương Thùng để nghe, nghe cho không sót một câu nào.

Ông hương Thùng tuy cũng đã già xấp xỉ ông, nhưng nói theo thứ-vị thì ông Hương còn là bề cháu, cho nên khi nghe xong câu chuyện, ông lấy tình thân bảo ngay:

-   Người ta một khi chết là ăn đất, còn hiện gì về được mà bảo quấy nhiễu ai. Chẳng qua gập lúc thời-tiết xấu, nó cảm nắng gió thì nó ốm, ốm thì thuốc thang, chứ cúng vái thì khỏi làm sao được mà ông cũng đi tin nhảm nhí.

-   Thưa cụ, tôi cũng nghĩ như cụ. Nhưng vì nhà có đàn-bà nó nhất-định cúng vái, nếu mình không bằng lòng thì nhỡ một cái, con Mít nó làm sao, họ lại trách mình.

Ông vuốt bộ râu bạc như cước:

-   Đàn-ông mình phải quyết-đoán, chứ nghe đàn-bà làm sao được.

Rồi ông nhìn thằng vào ông hương Thùng:

-   Nhưng vẫn phải uống thuốc chứ?

-   Vâng, tôi lấy thuốc cho cháu ở ông thầy bên Mọc Quan-Nhân có tiếng giỏi chữa bệnh trẻ con.

-   À, thế là khỏi về thuốc, chứ đâu phải khỏi về cúng.

-   Vâng, tôi cũng nghĩ thế, nhưng nhà tôi thì cho là khỏi về cúng.

Ông nhấp một chén chè tầu, rồi đặt chén:

-   Đàn-bà là chúa hay tin bậy bạ. Chẳng qua họ thần-hồn nát thần-tính, chứ chết là hết truyện, ma sơn, ma chằng gì. Con ma bị giặc Cờ đen giết nếu làm được người hẳn những con ma cờ đen phải làm được mạnh hơn. Ấy thế mà tại sao hai thằng cờ đen bị tôi giết ở dưới kia chẳng thấy làm được ai cả, và cũng chẳng bao giờ hiện lên.

Ông vừa nói, vừa chỉ tay xuống nhà ngang.

*

* *

THẰNG Nhâm con Tý nghe ông nói bỗng rùng mình, lạnh toát tay chân. Một bàn tay quái-ác bỗng như vụt ở đâu đến chẹn lấy cổ chúng nó. Chúng nó đều quay phắt lại nhìn phía bàn tay ông trỏ, mắt to ra vì sợ-hãi.

Tuy thế, nhưng lòng tò-mò của tuổi trẻ vẫn là mạnh hơn. Phải, xưa nay, chúng nó thường nghe người ta nói chuyện rằng hồi nhỏ, ông có giết hai tên giặc Cờ-đen, nhưng giặc Cờ-đen là thế nào, và cách ông giết ra làm sao, nó vẫn chưa được biết rõ.

Con Tý vốn được ông cưng lắm, liền ngồi tót lên lòng ông:

-   Ông giết thế nào, ông kể cho cháu nghe.

Ông còn mải nói chuyện với ông hương Thùng chưa kịp trả nhời thì nó liền nắm lấy râu ông, sẽ giật:

-   Truyện thế nào, ông nói đi!

Ông yêu cháu lắm, nhưng ông cũng quý bộ râu, ông vội-vàng gỡ tay cháu:

-   Ô hay, cháu muốn cho ông nói thì cháu buông râu ông ra, chứ cháu nắm thế này thì sái hàm, nói làm sao!

Con Tý tuy buông râu ông ra nhưng vẫn nhìn một cách đe dọa:

-   Ừ thế, ông nói ngay lập tức đi.

Thằng Nhâm nhớn hơn, phải chăng hơn. Vả vốn biết tính ông, nó kéo cái điếu lại cạnh ông:

-   Phải để ông hút một điếu thuốc lào, rồi ông mới nói được chứ! Và truyện của ông mới hay chứ.

Ông xoa đầu nó một cách sung-sướng trong khi cháu vê thuốc nhét vào nõ cho ông. Cháu đánh diêm, ông rít một hơi dài, rồi ông ngửa đầu thở khói lên giời.

Con Tý ngồi lòng ông, vỗ tay reo:

-   Trông ông tôi thở khói thế như con rồng có phải không, ông hương?

Ông hương chưa kịp giả nhời thì ông đã cúi xuống cọ chùm râu bạc vào mớ tóc tơ của cháu:

-   Cháu đã trông thấy rồng bao giờ đâu mà cháu biết?

-   Ồ, cháu có trông thấy rồng, cháu trông thấy ở trong sách của cậu. Nhưng ông nói đi.

Vừa giục, nó vừa giơ tay lên toan vuốt má, nhưng ông lại tưởng là nó định giật râu hấp tấp đưa tay đỡ cho bộ râu:

-   Ừ, ừ để ông nói.

 

HỒI ấy, ông lên mười. Và là hồi hạ thành Hà Nội. Vua ta, liền gọi hai tướng tầu là Lưu-Vĩnh-Phúc và Hoàng-Sùng-Anh về giúp. Tuy nói là giúp, nhưng quân chúng nó phá hại dân-gian, giết chóc đàn-bà con trẻ một cách ghê-gớm nên người ta mới gọi chúng là giặc.

-   Nhưng tại làm sao lại gọi là giặc Cờ-đen hở ông?

-   Vì chúng nó dùng cờ thuần mầu đen. Mỗi toán quân của chúng thường có một lá cờ đen to bằng mấy chiếc chiếu đi đầu. Chung quanh lá cờ đen ấy, chúng nó có đính những móc sắt sắc như giao. Mỗi khi lâm trận đánh giáp lá cà là tên cờ đầu cầm cờ phất vào bên địch, ai không tránh kịp là bị móc sắt móc phải chết ngay.

Thằng Nhâm xuýt xoa:

-   Ghê nhỉ!

-   Phải ghê lắm! Và chúng nó giữ tợn lắm, nên dân gian ai cũng sợ. Vì dân-gian làm gì có súng ống giáo mác để chống lại với chúng nó. Hễ nghe tin nó đến là trốn hết, cứ đêm mới dám về nhà và mờ sáng lại trốn đi thật xa.

Hồi ấy, giặc Cờ-đen thì đóng ở phủ Hoài. Vì làng ta ở gần chỗ chúng nó đóng quen, nên ban ngày chúng nó đến cướp phá. Thôi thì có cái gì nó lấy hết. Lợn, gà, gạo, thóc, nó mang đi ráo, và còn bắt đàn ông khiêng đi cho chúng nó nữa. Hơi trái ý là chúng nó giết ngay. Trẻ con, đàn  bà, chúng nó cũng không tha. Chính mắt ông trông thấy nó sóc một đứa trẻ con vào đầu ngọn giáo rồi khi đứa trẻ con giãy, chúng nó nhe răng cười với nhau:

-   Thế lúc ấy ông ở đâu hở ông?

Lúc ấy, ông ở trong bụi tre không dám nhúc-nhích vì nó biết ông ở đấy thì nó cũng giết ông.

Con Tý nói một cách tin-tưởng:

-   Nó chẳng giết được ông đâu, vì ông bảo ông giết được nó cơ mà.

-   Chúng nó đông, lại nhiều, ông còn bé, làm gì được.

-   Nhưng ông bảo ông giết được nó cơ mà.

-   Ừ, ông giết được chúng nó, nhưng ông giết bằng mẹo chứ. Hồi ấy, người làng ta cứ sáng sáng là kéo nhau vào vùng Cự-đà trốn, mãi tối sẩm mới lại kéo nhau về. Có cái gì quý giá là ném xuống ao hay chôn xuống đất. Ngày nào cũng như ngày nào, giặc Cờ-đen kéo nhau ra từng tốp còn cái gì là chúng nó vơ-vét hết, thôi thì gà chó gạo củi, còn sót lại thứ gì là không lọi được với chúng nó.

Hai cụ nghĩa là thầy mẹ đẻ ra ông cứ sáng sáng là đem ông và các cô chú đi trốn cùng với người làng. Nhưng rủi buổi sáng hôm ấy, lúc sắp đi thì con chó mực mà ngày nào hai cụ cũng dắt đi rồi đêm lại dắt về bỗng tuột xích. Hai cụ tiếc con chó khôn liền sai ông đi đuổi bắt. Mọi lần hễ ông gọi là nó đến ngay, nhưng lần này không hiểu sao, ông gọi nó không lại, nó lội qua sông Tô-Lịch rồi chạy về phía làng Chung-kính. Ông thương nó, sợ bị giặc Cờ-đen bắt ăn thịt mất nên ông cũng cởi áo lội qua sông đuổi theo. Đuổi mãi tới quá địa-phận làng Giàn ông mới bắt được nó. Lúc ông dắt nó về nhà thì ở nhà chẳng thấy một ai, và suốt cả xóm, cũng chẳng thấy một bóng người. Vì ông đi đuổi lâu quá, và sợ giặc Cờ-đen kéo đến, mọi người họ đã rủ nhau đi chốn cả rồi.

Ông về đến nhà không thấy ai toan dắt chó đi theo nhưng ông không thuộc lối, vả cũng không biết mọi người đi theo ngả nào, ông đành ở lại nhà với con chó mực. Ở nhà nhưng ông không dám ở trong nhà, ông ra sau vườn ẩn vào giữa một bụi chuối rậm. Lại sợ con mực trông thấy giặc Cờ-đen sủa rầm lên thì chúng nó biết chỗ ông trốn, chúng nó đến giết người và bắt chó, nên ông lấy dẻ nhét vào mõm con mực rồi lấy giây chằng mõm nó lại. Lúc đầu nó giãy dụa ghê lắm, nhưng sau ông vuốt ve và bảo nó mãi thì hình như nó hiểu sự nguy cấp, nó cũng không cựa cậy nữa, nó cứ nằm nép ở dưới chân ông. Ông ngồi ở giữa bụi cho tới gần trưa thì thấy đói quá. Trước ông còn lo giặc đến không dám thò ra, nhưng đến khi mặt giời đúng ngọ thì ruột ông cồn cào quá, ông không thể nào chịu được nữa. Ông nhớ đến mấy hôm trước đây lúc giặc Cờ-đen chưa đến, mấy con gà mái nhà ta thường hay lên bới mái nhà ông Chưởng-Chập. Con gà đang lúc đẻ mà chuồng nhà không có trứng thì chắc là chúng nó đẻ lang trên ấy.

Ông lắng tai nghe một lúc lâu, không thấy động tĩnh, gì mới bò ra, men dần lại phía nhà ông Chưởng-Chập, ông trèo lên, tìm lại chỗ gà đẻ thì thấy năm chiếc trứng. Ông mừng quá vừa toan đập ra mút sống thì bỗng nghe tiếng líu-lô líu lường ở đầu xóm.

Thằng Nhâm và con Tý nghe ông kể đến đấy bỗng sợ run lên, lo thay cho ông. Chúng nó bỗng nép đầu vào mình ông để cùng chia sự nguy-hiểm với ông.

Lúc ấy, ông đang mải sống với những kỷ-niệm cũ nên cũng không để ý đến những cử-chỉ âu-yếm ấy, ông vuốt bộ râu rồi lại nói tiếp:

-   Nghe cái tiếng ấy, ông biết là giặc đến rồi, ông liền nằm nép vào cái đầu hồi rồi ông kéo gianh phủ lên. Giặc kéo đến đầu xóm rồi chúng nó tản đi các nhà. Ông ở trên cao, mỗi hành-vi của chúng nó, ông đều trông thấy hết. Chúng nó đều thắt đuôi sam dài lê-thê mặc áo chàm và tay đứa nào cũng cầm một thanh mã-tấu sáng loáng. Cũng có đứa đeo súng và vác dáo.

Chúng nó đi lục lọi hết các chỗ, chúng nó gõ bờ tường, giở đống rơm, lội cả xuống ao mò. Thôi thì có cái gì của ai dấu diếm ở đâu là chúng nó lôi ra cho kỳ hết. Cái gì chúng nó mang đi được thì chúng nó mang đi, cái gì không mang đi được thì đập phá  tan-tành. Cả xóm bầy ra một cảnh tàn phá ghê-gớm.

Ông ở trên mái nhà trông thấy thế tức lắm, nhưng biết sức mình yếu không làm gì được, đành cứ phải nằm im mà nhìn.

Chúng nó đập phá xong rồi kéo nhau đi, nhưng có hai thằng ra khỏi cổng nhà ta lại quay lại. Chúng nó quay lại bởi vì chúng nó nhìn thấy bụi chuối, có mấy buồng tuy hãy còn xanh, nhưng giá cắt về thì dấm vài hôm cũng có thể ăn tạm được.

Ông thấy chúng nó tiến về phía bụi chuối, ông đâm lo cho con mực mà ông xích ở đấy.

Ông lo cho con mực thì thằng Nhâm con Tý lại mừng cho ông, chúng nó nắm tay ông rồi ríu rít:

-   Giá ông mà không trèo lên mái nhà, nhà ông Chưởng-Chập thì chúng nó bắt được ông rồi!

-   May quá ông nhỉ?

-   Ừ cái số ông may. Chúng nó đi vào phía bụi chuối một lúc thì ông lại thấy chúng nó đi ra. Một đứa kệ nệ vác buồng chuối, một đứa thì dắt con mực. Con mực lết xuống không chịu đi, bị chúng nó lấy sống mã-tấu nện kêu ẳng ẳng. Ông ở trên trông thấy thương con mực quá, nhưng ông không biết làm thế nào để giải cứu cho nó, ông cứ đành nằm ở đấy nhìn theo.

Ông cứ đinh-ninh rằng lần này chúng nó đem con chó mực ra đi thẳng, nhưng không, đến cửa nhà ngang nhà ta, ông thấy chúng nó đặt buồng chuối ở hè, rồi dắt con mực vào, rồi ông nghe thấy tiếng chúng nó mở cái gian của nhà ta, rồi ông mong đỏ con mắt cũng không thấy chúng nó ra để cho ông có thể trèo xuống. Ông nấp ở trên bị gió vừa rét vừa mỏi, vừa bị mạt gà đốt đau lắm, ngứa lắm mà ông không dám gãi. Ông cứ tự hỏi không biết chúng nó ở trong ấy làm gì lâu thế và chúng nó mở cái hòm gian làm gì? Lúc nẫy bọn chúng nó đã mở, có cái gì để ở đấy chúng nó đã lấy hết rồi.

Ông kể đến đấy thì thằng Nhâm liền hỏi ông:

-   Thế cái hòm gian ấy bây giờ đâu hở ông? Hòm gian là cái gì hở ông?

-   Cái hòm gian ấy sau hai cụ bán đi. Hòm gian là một cái hòm to gần bằng cả gian nhà nên gọi là hòm gian, xưa kia các cụ dùng hòm gian để hết các đồ vật quý giá cho trộm nó khỏi lấy. Cái hòm gian của nhà ta làm bằng gỗ lim, cao gần hai thước, dài ba thước, rộng hai thước. Lúc hai cụ bán đi, phải dùng mười hai người mới khiêng đi nổi. Nó lại có khóa sắt to bằng cổ tay, dù khỏe đến đâu cũng không bẻ được. Cái khóa ấy lúc hai cụ trốn đi, hai cụ không dám đóng, vì hai cụ sợ một khi giặc có đến đều thấy khóa, chúng nó không mở được thì chúng nó phá hòm. Gỗ cái hòm ấy toàn ván lim dày, giá có chàng đục sắc thì cũng phải đục hàng giờ mới thủng được. Chung quanh các cụ lại ràng đai sắt thật là kiêng cố vô cùng. Nó kiêng cố đến nỗi giá có dốt một con hổ vào đấy thì hổ cũng đành chịu phép chứ không tài nào mà thoát ra được.

«Ông ở trên mái nhà nóng ruột quá muốn xuống lắm, mà chúng nó thì mãi không ra. Sau ông thấy con mực cứ rít mãi lên, ông thương quá, thương vì cái giọng rền rĩ ai oán của nó quá, ông liền mút cả năm quả trứng để lấy sức rồi ông đánh bạo bò xuống để xem có cách gì cứu cho con mực, và luôn thể rình xem chúng nó làm gì? Ông ở mái nhà ông Chưởng-Chập tuột xuống, lần về nhà nhòm qua khe vách nhà ngang thì chẳng thấy hai thằng giặc Cờ-đen đâu cả, chỉ thấy con mực bị xích ở dưới chân hòm gian. Ông đã phân vân tự hỏi không biết hai đứa nó biến đi đâu thì bỗng nghe có tiếng vo vo và mùi thuốc phiện xông ra thơm phức, rồi khói bốc nghi ngụt ở khe hòm gian ra ngoài. Thì ra vì giời tháng chạp rét, hai tên giặc chui vào hòm gian cho ấm hút thuốc phiện với nhau. Lúc ấy, con mực đánh hơi biết có ông cứ lồng và rít lên. Ông liền rón rén vào toan tháo xích để cho nó chạy nhưng khi đến cửa, con mực trông thấy ông liền cứ hướng vào cái hòm gian mà cắn ầm lên. Nó muốn báo cho ông biết có kẻ trộm vào nhà, nhưng nó là súc-vật nên nó không hiểu rằng chính chủ nó đấy cũng phải lẩn trốn những tên cướp ghê gớm như thế.

Nghe con mực cắn to, ông sợ quá, vội nép mình vào vách. Thì vừa may, có tiếng hòm gian mở, rồi một thằng giặc ló đầu ra quát con mực. Tiếng quát dữ dội quá, con mực sợ hãi im ngay.

Tiếng hòm gian lại đóng, rồi tiếng vo vo lại nổi lên rồi mùi thuốc phiện lại xông ra thơm phức.

Ông lại ló đầu vào nhìn con mực, nhìn cái hòm gian kiên cố, rồi một ý-tưởng bỗng đến với ông, ông ra hiệu cho con mực bảo im, rồi ông rón rén đi lại phía cái cối xay mà ông biết cụ bà để cái khóa ở đấy. Cầm được chìa khóa rồi, ông khẽ bước lại phía hòm gian khẽ vít cái đai sắt to tướng vào cái đanh ốc to tướng rồi ông lùa khóa vào đanh ốc khóa ngay lại. Nghe tiếng «tách» ở bên ngoài, hai tên giặc ở bên trong mới vùng dậy đẩy nắp hòm gian, nhưng đai sắt to, đanh ốc lớn, khóa lại bằng cổ tay, chúng nó đẩy làm sao cho được.

Thằng Nhâm con Tý nhìn ông vui sướng:

-   Thế là chúng nó bị rốt ở trong cũi.

-   Bị rốt ở trong cũi thật. Nhưng khi chúng nó biết mình bị rốt rồi, chúng nó đạp phá rầm rầm. Đạp phá ầm ầm, mặc, ông tháo xích cho con mực, rồi ông đứng ông nhìn vì ông biết chắc rằng chúng nó dù khỏe đến đâu cũng không tài nào phá được.

Chúng nó biết rằng không tài nào phá được, chúng nó kêu, kêu to lắm. Ông không biết tiếng, ông không biết chúng nó kêu gì, nhưng ông cũng đồ chừng rằng chúng nó kêu để hy-vọng có bọn chúng nó còn đi ở ngoài thì nghe tiếng mà lại cứu, ông nghe tiếng chúng nó kêu ông sợ quá, ông chỉ sợ bọn chúng nó còn lảng vảng ở ngoài nghe tiếng vào cứu thì thế nào ông cũng bị xả ra từng mảnh, liền chạy vội ra sân, rồi ông lại leo lên trốn ở đầu hồi nhà ông chưởng Chập.

Ở trên ấy, ông nghe rõ ràng tiếng chúng nó đập phá tiếng chúng nó kêu pha lẫn với tiếng con mực sủa. Ông hồi hộp náu nép ở trên chờ bọn chúng nó kéo đến, nhưng lâu lắm cũng chẳng thấy ai đến. Có lẽ bọn chúng nó đã về phủ Hoài là nơi chúng nó đóng quân cả rồi. Chúng nó kêu chán, đạp phá chán rồi thì thấy im, mà con mực cũng không sủa nữa, áng chừng cả ba đều mệt cả rồi. Ông chèo ra nóc nhà đứng lên nhìn tứ phía, nhìn về phía đầu xóm không thấy bóng một tên Cờ-đen, ông mới lại tụt xuống. Ông vào trong nhà ngang thì nghe tiếng dao khoét gỗ ở trong hòm gian.

Thì ra chúng nó biết đập phá không nổi, chúng nó lấy mã-tấu đục hòm. Ông cũng thừa biết rằng chúng nó có đục được hòm thì cũng còn lâu lắm, nên ông không sợ một tí ti nào. Nhưng lúc ấy cũng đã gần hai giờ trưa, mà theo lệ thường thì chừng sáu giờ hai cụ đã đưa các cô chú về nếu đúng cái lúc hai cụ và các cô chú về mà chúng nó phá ra được thì thế nào chúng nó cũng giết cả nhà. Ý nghĩ ấy làm cho ông rủn cả chân tay.

Nhâm đặt tay lên đùi ông:

-   Ông sợ chúng nó đâm cậu mợ của ông phải không?

-   Phải rồi! ông chạy ra rồi ông lại chạy vào chưa biết kiếm cách gì để tránh cái tai nạn ghê gớm ấy. Có một lúc ông định mở khóa thả chúng nó ra, nhưng chúng nó ra thì chúng nó lại giết ông ngay, nên ông không dám. Ông cứ chạy ra chạy vào cuống cuồng lên như thế rồi vụt ông trông thấy cái nồi đất to dùng để nấu cám cheo ở gần chuồng lợn, rồi một mưu kế bỗng đến với ông.

Ông vội vàng vợi nước bắc lên bếp, rồi ông chất dạ đốt đùng đùng. Chỉ một loáng là nước sôi sùng sục. Cái nồi có nước to nặng quá, ông không tài nào nhắc nổi xuống nhà ngang, ông liền lấy gáo múc nước sôi cứ khe hòm mà giội xuống. Gáo nước đầu vừa giội xuống thì ông thấy chúng nó hét lên, rồi tiếng chân chúng nó chạy sầm sầm vào ẩn ở góc hòm, ông nhớ lấy, rồi gáo nước sau, ông cứ góc hòm mà giội. Lại có tiếng hét, tiếng rên và tiếng chân chạy trốn về phía khác. Cứ thế cho tới hết nồi nước.

Nồi nước ấy hết rồi thì ông không đun ở chuồng lợn nữa, vì chuồng lợn với nhà ngang khí xa, ông chạy đi chạy lại mãi như thế thì mỏi mệt lắm. Ông liền lấy ông đồ-dau vào bắc bếp tại giữa nhà ngang để đun.

Lúc này chúng nó sẽ hết kêu to lắm và cứ mã tấu chém vào thành hòm ầm ầm. Chém mặc, kêu mặc, ông cứ chất rạ rõ nhiều cho nước chóng sôi. Một khi nước sôi rồi thì ông cứ chỗ có tiếng kêu, tiếng đập vào giội ào ào xuống. Gáo nước vừa giội xuống thì chúng nó im kêu, im phá ngay, mà chúng nó cũng không dám chạy ầm ầm như lần trước nữa, vì chúng nó sợ ông dò được chỗ nấp mà giội nước sôi xuống. Ông phải áp tai vào thành chiếc hòm gian để nghe tiếng thở mới biết  chúng nó trốn ở đâu mà giội. Nhưng thế thì lâu quá chừng vài phút mới giội được một gáo mà ván hòm to thành ra chúng nó ẩn ở chỗ không có khe, nước sôi thì chúng vào chúng nó có ít thôi. Thấy lâu quá, có lần ông đã toan chất dạ đầy chung quanh hòm gian và đốt phăng cả đi cho chúng nó chết thiêu cả ở trong đó, nhưng nghĩ đến sự cháy nhà, ông lại thôi. Ông chỉ giội nước, cố giội cho trúng chỗ chúng nó ẩn. Ông biết rằng thế nào chúng nó cũng bị thương, nhưng chỉ bị thương vừa thôi. Muốn cho chúng nó chết thì phải lâu lắm, phải đun chừng mười nồi nước nữa. Ông cứ kiên-nhẫn đun, cứ kiên-nhẫn giội. Vả dù sao cũng có một cái lợi thế là một khi trong ngoài đã cầm cự với nhau như thế, chúng nó không dám khoét hòm nữa, vì nếu khoét hòm thì ông nghe chúng chỗ dội đúng ngay. Như thế thì chúng không tài nào thoát ra được. Mà đến chiều khi hai cụ đưa các cô chú về không phải sợ cái gì nữa.

ù

ĐẾN nồi nước thứ tám, ông đã thấy mỏi dừ cả chân tay, mà trong hòm đã bắt đầu có tiếng rên rỉ và mùi gì như mùi thịt chín xông ra. Tuy ông run cả đầu gối và hoa cả mắt, nhưng ông cứ cố đun, cố giội, cố nghe cho đúng chỗ để giội.

Chiếc hòm đã ướt đầm những nước và một khi ông đứng lên đã thấy nóng giãy cả chân khiến ông phải lấy rơm quấn vào chân để đứng lên cho khỏi nóng.

Ông đun đến nồi nước thứ mười, rồi mười một, rồi mười hai, rồi mười ba, rồi mười bốn.

Mặt giời lúc chênh chếch xiên khoai vào trong nhà, ông cũng vẫn hãi còn đun, còn giội, ông đun, ông giội cho tới không thấy bóng mặt giời đâu nữa. Rồi thì lúc ông mệt quá, ông lăn ra đất ngủ lúc nào không biết.

Trong giấc ngủ, ông nằm mê thấy hai tên giặc răng nhe ra như hai con lợn luộc.

Lúc ông nghe tiếng người xôn xao, mở mắt ra thì thấy cả nhà vây chung quanh ông, mắt ai cũng có vẻ mừng rỡ vì mọi người yên-trí rằng ông bị giặc bắt hay giết mất rồi.

Lúc ấy, chân tay ông mỏi như dần và cổ khô như ngói, nhưng ông cũng cố gượng đứng dậy chỏ chiếc hòm gian:

- Có hai thằng giặc Cờ-đen bị con rốt vào trong này và bị con giội nước sôi gần chết bỏng.

Thoạt tiên mọi người còn ngơ ngác không tin, vì ai có thể tin rằng một đứa bé lên mười hai có thể bắt được hai tên giặc hung dữ mà dam vào đây. Nhưng sau khi nhìn thấy chiếc hòm gian đầy những nước, ông vội dấu và tàn đóm bừa bộn rác nhà, mọi người liền chạy lại phía hòm gian để nghe ngóng. Rồi khi nghe thấy có tiếng người rên, thầy của ông vội nói to:

- Nó nói thật đấy. Đầu đuôi thế nào, con kể cho thầy u nghe.

Ruột ông lúc ấy đã đòi như cào, và chân tay đã rời ra, nhưng ông cũng cố gượng kể rành rọt cho mọi người biết chuyện.

Khi nghe xong, thầy ông liền đi gọi hàng xóm đến. Gian nhà ngang chật ních những người. Kẻ bàn thế nọ, người nói thế kia ầm ỹ. Kẻ rát thì bàn đốt hòm, kẻ bạo thì bàn mở khóa ra rồi lấy mác đâm. Nhưng những ý-kiến ấy đều không được ông chưởng Chập là người đàn anh gan dạ và mưu cơ nhất ở trong xóm ưng thuận:

- Không được. Bất tiện cả. Đốt hòm nhỡ không cứu kịp thì cháy nhà. Mà mở ra nhỡ chúng nó chỉ mới bị thương nhẹ thì rồi đánh nhau lôi thôi, không khéo rồi có người chết  với chúng nó. Âu bằng ta lại cứ cái kế giội nước sôi mà làm. Chắc chắn hơn và không thiệt hại gì.

Ấy thế là chỉ một nhoáng mười mấy chiếc nồi bọng đem lại rồi thì nhà ngang đỏ rực lên những lửa. Rồi thì nước sôi cứ ào ào giội xuống khắp mặt hòm khiến nhà vũng những nước.

Hai tên giặc ở trong không còn biết chạy chốn vào đâu, vì đâu đâu cũng có nước sôi giội xuống, chúng nó chạy ầm ầm, chúng nó hét, chúng nó la, chúng nó kêu, rồi chúng nó khóc. Rồi tiếng chạy, tiếng hét, tiếng la, tiếng rên, tiềng khóc dần dần im, chỉ có tiếng nước đổ ào ào.

Rồi khi người ta mở hòm, người ta chỉ còn lôi ra được có hai cái xác tuột cả da mặt, tuột cả da đầu, tuột cả da chân tay, mà răng thì nhe ra như lợn luộc.

Khi hai cái xác ấy kéo ra để giữa sân thì những người trong làng xưa nay bị bọn giặc cờ đen giết cha, giết con, giết vợ, giết chồng liền xúm đến băm ra như cám. Chỉ một lúc, hai cái xác còn là một đống thịt. Đống thịt ấy, người ta đổ xuống sông Tô-Lịch cho cá ăn.

ÔNG Hương Thùng nghe ông kể chuyện xong liền nói:

-   Cụ bạo đấy. Giá đứa trẻ khác rát gan thì đã chết khiếp, còn đâu nghĩ đến được cái mưu để giết chúng nó nữa.

Ông nói xong chỏ thằng Nhâm:

-   Như cậu Nhâm đây chẳng hạn. Nhâm ta ngồi chết lặng cả, mặt cứ đỏ gay. Nhưng ông Hương Thùng vẫn không tha cho nó:

-   Năm nay cậu bao nhiêu tuổi nhỉ?

Thằng Nhâm dặn mãi mới ra được một câu trả lời:

-   Cháu n…ăm n…a…ay lên mư…ời.

-   À thế ra cậu cũng một tuổi với ông cậu cái năm ấy. Sao ông thì bạo thế mà cháu thì nhát thế.

Ông biết cháu thẹn, liền chữa thẹn cho cháu:

-   Trẻ con thời xưa khác, trẻ con thời bây giờ khác.

-   Ồ trẻ con thời nào chẳng thế. Ai rát thì vẫn rát mà ai bạo thì vẫn bạo. Chẳng qua là cái tính người hèn hay không hèn mà thôi.

Sau khi ông Hương ném cho thằng Nhâm câu khinh bỉ cuối cùng ấy, ông đứng dậy cáo từ, vì lúc ấy giời đã xẩm tối, và nổi cơn giông như sắp mưa.

ÔNG Hương đi rồi. Thằng Nhâm ngồi cúi đầu ngẫm nghĩ mãi về câu nói của ông Hương-Thùng:

-   Sao ông thì bạo thế mà cháu thì nhát thế?

Nó ngẫm nghĩ lung lắm đến nỗi mợ nó ở dưới nhà ngang gọi mà nó cũng không nghe tiếng. Ông tiễn ông Hương Thùng ra tới cổng quay vào thấy cháu còn ngồi nguyên đấy biết cháu buồn vì sự chê cười của ông Hương Thùng liền an-ủi:

-   Ông Hương ông ấy nói thế, chứ lúc bé ông ấy cũng rát như cáy. Người ta ai lúc trẻ cũng rát cả.

Thằng Nhâm ngửng lên nhìn mặt ông bằng đôi mắt sáng ngời trong đó có viết một ý định cương-quyết và một lời tạ lội:

-   Nhưng ông không rát.

-   A ông khác, cháu khác.

-   Nhưng cháu là cháu của ông thì cháu cũng… gì như ông lúc nhỏ.

Ông cười sửa lại gọng kính không nói gì.

Giời lúc ấy đã tối lắm. Lại bắt đầu nổi cơn mưa sấm chớp ầm ầm

Trong tiếng ầm ầm của sấm chớp, sen vào tiếng ếch nhái và tiếng chão chuộc kêu nghe rùng rợn.

Ông ngồi xuống sập thì thằng Nhâm đứng dậy. Nó đi ra phía hè rồi nó đi ra sân. Rồi nó đi xuống nhà ngang. Rồi một lúc lâu, nó lại đi lên bảo con Tý lúc ấy đang nằm trong lòng ông:

-   Tý ơi, xuống dưới nhà mợ bảo gì mày kia kìa.

Con Tý tụt xuống đất. Con Tý theo anh ra đến phía hè, rồi nhìn thấy cái đêm tối chập-chùng, con Tý đứng dừng lại. Nhâm vội kéo tay em:

-   Mày cứ đi với tao không sợ.

Tý rụt tay lại:

-   Em ghê lắm!

-   Ô hay, ghê cái gì. Ông bảo là không có ma mà.

Mặc dầu thằng Nhâm nói thế, con Tý cũng không chịu đi. Nhâm mạnh bạo đi về phía cổng, rồi lại đi vào:

-   Đấy có gì đâu, tao đi một mình ra tận cổng, có sao đâu. Không có ma thật. Mày cứ đi xuống nhà ngang với tao. Mà có ma, tao cũng không sợ.

Vẻ cứng cáp của thằng Nhâm làm con Tý mạnh bạo. Nó nắm tay anh rồi cùng đi xuống nhà ngang.

Mợ lúc ấy đang sắp sửa khâu, thấy hai con xuống liền hỏi:

-   Các con nghe chuyện gì của ông mà lâu thế, không xuống học đi cho chóng thuộc mà đi ngủ sớm.

-   Chúng con nghe chuyện giặc Cờ-đen, mợ ạ.

-   Lại cái truyện ông giết hai thằng giặc Cờ-đen ở trong chiếc hòm gian phải không?

Thằng Nhâm dõng dạc:

-   Vâng. Ông giỏi nhỉ, bạo nhỉ, mợ nhỉ.

-   Ông chẳng giỏi, chẳng bạo thì còn ai giỏi ai bạo. Ông can-đảm nhất làng này đấy.

Rồi sờ đến thúng may, mợ cằu nhằu:

-   Ô hay, cái kéo ai lấy đâu rồi?

-   Trưa hôm nay, cô Toán cô ấy sang mượn rồi, mợ ạ.

Mợ cau mày:

-   Rõ cái cô khỉ ấy. Cứ mượn của người ta không đem giả ngay để đến lúc dùng đến là không có. Ai sang đòi bây giờ?

Nhâm nói ngay:

-   Để con sang đòi cho mợ.

Mợ ngơ ngác vì mợ biết con giai mợ xưa nay dát lắm.

-   Tối thế này; con dám đi à?

-   Sao con không dám.

-   Thế con không sợ ma à?

-   Ông bảo không có ma, và nếu có ma, con cũng không sợ tí nào.

Miệng Nhâm nói, chân Nhâm đi, rồi mười phút sau Nhâm đem cái kéo về cho mợ.

Mợ sung-sướng ôm lấy con giai hôn chùn chụt.

-   Thế con mợ không sợ ma nữa à?

Nhâm nghĩ đến ông, đến hai thằng giặc Cờ-đen chết nhe răng như lợn luộc rồi lắc đầu:

-   Không, bây giờ con không sợ nữa.

Mặt mợ vụt tươi lên như hoa. Mợ bế Nhâm lên nhà đặt vào lòng ông, kể chuyện cho ông nghe rồi bảo:

-   Thật là cháu của ông.

HẾT

(Truyền Bá số 15 ngày 15-1-1942)

Các Bài viết khác