NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHIỀU DÀI ẢO VỌNG (kỳ 7)

( 13-08-2020 - 09:03 PM ) - Lượt xem: 917

Cái không tưởng là cào bằng sự giàu nghèo, cung cách này rồi người giàu cứ giàu, kẻ nghèo tiếp tục nghèo. Mục đích mới của cách mạng phải kìm hãm giảm bớt sự chênh lệch quá lớn của hai lớp người trong xã hội ta. Thế hệ cậu sau cậu phải làm điều này.

Chiều cuối đông ,trời xám và lạnh, Hoan co ro trong tấm áo khoác dày đi xuống nhà ăn. Mới xuống cầu thang đã gặp tư Phước đón sẳn. Phước vỗ vai:

­    Làm ăn dạo này khá quá, mua được xe máy rồi. Anh hai cho thằng này đi nhờ lên Nghi Tàm mua mấy cành hoa đào đem vào Nam mừng xuân.

Lại vẫn hàm răng khểnh và cái cười riễu cợt láu cá cũ, Hoan hỏi và giang tay ôm bạn:

­    Trong Nam ra hôm nào?

­    Ba ngày rồi !  Vẫn chuyện lễ tết hàng năm mà. Sáng mai tôi bay về Sài Gòn. Tết nhất đông người bị kẹt lại thì nguy.

­    Kẹt thì ở lại luôn Hà Nội.

­    Ông nuôi à? Tư Phước nhìn Hoan chờ câu trả lời

­   Tôi đưa ông về Hải Phòng ăn tết với tôi  để ông nhớ lại hương vị cổ truyền ở miền Bắc. Cũng có bánh chưng giò lụa, có pháo nổ, cây nêu và hát đúm ở các làng quê.

­    Vậy ông hãy đưa tôi đi ăn thịt chó cuối năm. Hôm qua cụ Táo lên thiên đình chưa về, ta ăn thịt chó không bị ghi sổ.

Hoan đi lấy xe chở Phước. Hai người đi tới bờ hồ Hoàn Kiếm gió Bắc hun hút thổi trên mặt hồ xô từng làn sóng nhỏ vào bờ, Phước đòi dừng lại:

­    Quên gì? Hoan hỏi.

­    Chưa quên nhưng sợ tí nữa say sẽ quên.

Tự Phước mở cặp rút ra cái phong bì:

­    Đây là bốn triệu ông cầm về ăn tết.

­    Ơ sao nhiều thế, mà là tiền gì?

­   Lãi của mánh trả chậm ấy, đây là phần của ông. Tôi rút tiền ngân hàng trả cho lão Thành cách đây mười hôm. Lão ấy cảm ơn tôi rối rít vì bán được lô hàng ế cho hai thằng nhà quê lên tỉnh. Lão ấy hỏi thăm ông và xít xoa tiếc rẽ không được nhậu với nhau một bữa. Tôi ra nộp báo cáo cuối năm, đưa quà tết các nơi và tìm gặp ông.

­    Cám ơn vì đã không quên bạn bè và cử chỉ chơi đẹp của ông.

­    Lại khách sáo rồi!

Hoan đâu nhớ chuyện mua trả chậm của tư Phước, càng không nghĩ cách này nó lại ra tiền. Với hai trăm triệu tiền hàng, chịu 11 tháng, đem tiền gửi ngân hàng dôi lãi gần hai chục triệu.

Cách làm của Phước khiến Hoan hiểu vì sao có đơn vị làm ăn không bị lỗ, công nhân vẫn bị họ nợ, gối đầu lương đến cuối năm mới lĩnh.Tuy công nhân có phàn nàn đôi chút nhưng cuối năm lĩnh đủ coi như món tiền để dành chẳng ai kêu ca. Họ có biết đâu mình bị lợi dụng.

Trong quán cây tơ sực nức mùi mắm tôm chanh ớt gợi cảm, sức nóng từ lò than nướng chả phả ra căn nhà ấm áp hẳn lên. Hoan nâng ly mời Tư Phước và chúc tết, chúc sức khỏe. Trong cuộc ăn uống họ nói chuyện về đá bóng, về phim ảnh. Cuối bữa rượu Phước nói nhỏ:

­    Có chuyện này tôi cần phải báo với ông cái trạm trung gian vừa rồi ông  cắt bạo tay quá, quân ta làm sao làm được? Người ta muốn điều chỉnh sợ ông phản ứng sẽ rắc rối nên nó vẫn còn nằm trên bàn ông Thiện.

­    Chưa đấu thầu, hơn nữa quân ta trúng đâu có dễ.

­   Đấu thầu chỉ là hình thức, khi người ta đã  nhắm công trình nào, họ phải tìm mọi cách để trúng thầu. Ông đã tham dự nhiều cuộc đấu thầu rồi, không nhận thấy điều đó sao? Ông phải giữ hòa khí để tôi còn có chỗ nhờ vả sau này.

Đúng là Hoan đã làm thư ký mở thầu ghi đủ mọi chi tiết trong nhiều cuộc đấu thầu, nhưng chẳng nhận biết ai quân ta, ai quân tây, vả lại muốn gì ông Thiện phải gợi ý hoặc trao đổi xa xôi với anh. Vờ ngô nghê Hoan hỏi:

­    Sao ông Thiện không bảo thẳng tôi?

­   Không bảo thẳng nghĩa là anh hai chưa phải ê kíp ruột của ông ta. Phải hiểu cái công trình nhỏ này là thuốc thử anh hai đó.

­    Tư Phước bảo tôi phải làm gì bây giờ? Lật bài ngửa mặc cả là thất sách, tôi không muốn làm cách này.

­    Ông phải lựa lời mà nói. Ông Thiện không thể muối mặt bảo ông: công trình này, công trình nọ là của ông ta bảo lãnh, “Anh hai” gặp ông Thiện xin rút bản thẩm định về làm lại. lúc rút bản thẩm định anh hai hỏi ý kiến ông ta nên làm thế nào cho trọn vẹn. Ông Thiện không trả anh bản thẩm định; giao cho người khác làm lại là anh hai bị loại không cần tuyên bố.

­    Tôi không cam chịu như ông Quýnh đâu! Thợ thuyền có võ của thợ thuyền. Dẫu sao tôi cũng sẽ nghe lời ông, gặp ông Thiện xem sao.

Nói như vậy có nghĩa là Hoan đã lùi một bước, cứng đầu cương trực không qua cửa quyền. Nếu bướng, anh sẽ lên chức trưởng ban hay phó ban ở một công trình nào đó nơi miền núi xa xôi, một năm về phép thăm nhà 10 ngày.

Hoan chở Phước về khách sạn Hòa Bình để mai Phước ra sân bay sớm. Hai cành đào to bọc trong bao tải xác rắn được nhân viên khách sạn đón mang lên phòng, Phước níu tay anh đòi uống rượu thêm.

Hoan từ chối ở lại uống thêm rượu ở phòng tiếp tân với lý do để mai Phước ra sân bay đúng giờ.

Về đến nhà đã gần 10 giờ đêm, Hoan mở cửa nhẹ nhàng và khẽ đẩy cái xe máy lên hành lang. Hương Lan còn ngồi chờ anh trong phòng khách tầng 1. Ánh đèn vẫn sáng, chị đang đọc Nhà Thờ Đức Bà Pari.

­    Hoan có bưu phẩm từ Anh gửi về. Tôi lĩnh hộ từ bưu điện mang về đây, mời vào mà nhận.

­    Ai gửi cho tôi thế? – Vừa dựng xe, anh vừa hỏi đầy ngạc nhiên. Gia đình tôi có ai ở nước ngoài đâu mà tôi có bưu phẩm? Có nhầm lẫn không?

­    Nguyễn Vạn và Vương Tiểu Mai.

   Gió lạnh lùa từng cơn qua hành lang vào phòng. Hương Lan co ro ngồi dựa vào người Hoan như muốn truyền hơi ấm sang anh.

Trước mặt anh một thùng các tông đã bị mở để kiểm tra hàng lậu, chứa toàn sô cô la. Năm cân sô cô la, từng thỏi bọc trong giấy thiếc.

Hoan nghĩ “hàng hiếm nay mang biếu các xếp thì cực kỳ” lịch sự.


Luân Đôn, ngày ….tháng….. năm…..

Kính gửi anh Hoan

Vợ chồng em đã nhận được thiệp mừng năm mới của anh. Nhân dịp năm mới chúc bà và anh chị luôn vui mạnh và hạnh phúc. Cuối năm nay hay đầu xuân chúng em sẽ về thăm Việt Nam. Khi về em sẽ báo trước.

         Có chút quà gửi anh và gia đình vui xuân.

 

                                                                                  Thân

                                                                              Nguyễn Vạn – Tiểu Mai

 

Mấy cái ảnh cưới Tiểu Mai rơi ra làm anh giật mình, đúng là định mệnh trớ trêu, Vạn chính là người năm 1972 đã đặt vấn đề với Luyến, nhưng không thành. Hoan đi trước được bước dạm ngõ.

Mọi khi, Hoan sẵn sàng ngồi nhăm nhi nước trà và ăn sô cô la với Hương Lan. Lần này anh lấy phong sô cô la to đặt lên mép bàn.

­    Biếu chị Hương Lan để uống nước. Tôi xin phép về phòng trước.

Nói xong anh mang gói bưu kiện về phòng. Sợ chồng Tiểu Mai hiểu lầm anh không viết thư cho Tiểu Mai. Vạn không lạ gì anh có quen biết tiểu Mai và còn rất thân thiết. Liệu Vạn có biết mối tình câm của hai người không? Anh lo cho Tiểu Mai bị chồng ghen tuông dằn vặt thì khổ dù rằng anh chẳng là gì của Tiểu Mai. Nằm vắt tay lên trán không ngủ được anh suy nghĩ lúc gặp gỡ lại họ, anh đối xử thế nào cho lịch sự đàng hoàng đúng mức.

Bên ngoài hành lang, dưới ánh đèn trần màu xanh dịu Hương Lan đi đi lại lại như cho đỡ rét. Chị đang hình dung thái độ khác lạ của Hoan ngày hôm nay. Bỏ ăn cơm tập thể, đi về khuya, thiếu nhã nhặn khi gặp chị. Chắc gặp chuyện gì khó giải quyết, không tâm sự được với chị, hay bùng nổ cuộc chiến với Luyến, hay có chuyện với cô Phúc thanh niên xung phong vẫn thỉnh thoảng tìm Hoan. Cả đêm Hương Lan trằn trọc. Chăn ấm nhưng chị vẫn thấy cô đơn lạnh lẽo. Chị không giải thích nổi vì sao mình quan tâm tới chuyện riêng của Hoan.

Hương Lan là người dịu dàng cả tin, ưa sự ngọt ngào, nhưng chuyện yêu đương của chị kết thúc một cách đáng buồn. Mối tình đầu chung thủy và thiết tha của chị bị phản bội một cách tàn nhẫn và trắng trợn. Anh chàng phó Tiến sĩ y khoa khi về nước đã bỏ chị, yêu ngay cô dược sĩ xinh đẹp trẻ hơn và cuỗm luôn thùng hàng hai người đóng chung từ bên Đức gửi về dành cho đám cưới. Đau đớn và uất ức, từ đó chị căm ghét đàn ông. Sợ lại bị tráo trở, chị rụt rè và lảng tránh những người tìm đến chị. Chị cười nhạo những lời tỏ tình cũ kỹ xáo rỗng, soi mói chê bai những khiếm khuyết của họ, để rồi lại lẻ loi buồn tiếc một mình.

Con thuyền tình trôi theo dòng thời gian hai bờ ngày càng dãn ra xa không thấy bến bờ hạnh phc. Lúc này chị thèm được chiều chuộng vuốt ve, người đến để chị lựa chọn không nhiều. Thay những khuôn mặt trẻ bằng các chàng tóc muối tiêu muộn vợ, ăn nói thiếu tế nhị. Gần 40 tuổi, chị vẫn xinh đẹp, nhưng xuân sắc đã ngã sang thời kỳ lụi tàn mỗi năm càng kém phần tươi nhuận.

Mất mát tuổi xuân không gì bù đắp được đã nhấn chìm chị trong nuối tiếc, phấp phỏng và bồn chồn. Nhớ lại những người đã gặp qua chị thấy mình đã kiêu điệu không phải lối. Sai lầm về tình duyên, khó làm lại được trọn vẹn đẹp đẽ.

Như thường lệ, buổi sáng Hoan mang công văn trình ông Vĩnh duyệt các vấn đề thuộc quyền ơng quản lý. Xong việc, ông Vĩnh giữ Hoan lại ông hỏi:

­     Tuần sau tôi đi công tác cậu biết chưa?

­    Dạ, đã lên lịch và báo các bộ phận biết để họ cần chữ ký của anh thì chuẩn bị. Đợt này anh đi nước nào?

­   Tôi đi Sài Gòn dự hội nghị tổng kết công tác phát triển điện tại miền Nam mấy năm qua. Cậu có anh bạn cùng học làm phó giám đốc ở trong ấy phải không?

­    Vâng! Anh ấy chỉ làm trưởng phòng thôi tên là Quân.  Xếp cần gì để em viết thư cho Quân? Hắn sẽ giúp anh ngay. Quân mạnh dạn và chân tình lắm. Anh ấy hơn em đến chục tuổi. Em coi Quân như anh. Lần trước vào Nam vội vã em chỉ kịp gửi cho Quân cân chè ngon Thái Nguyên, không đến thăm được. Nghe nói dạo này Quân giàu lắm, có đồn điền riêng, chả rõ thực hư thế nào? Giọng ông Vĩnh hớn hở:

­    Tốt , cậu thu xếp đi công tác với tôi một chuyến làm thư ký cho tôi và tiện thể thăm bạn luôn.

Tốt là tốt cho ông Vĩnh hay Hoan, anh ngẩn người nhìn ông Vĩnh. Giọng trầm ông Vĩnh nói tiếp:

­    Cậu xuống hành chính bảo họ làm giấy đi đường, mua vé máy bay cùng chuyến  sáng thứ hai với tôi. Nói với cô Lan, những công văn phải ký đưa ông Toàn ký thay, việc gì chậm được để lại chờ tôi về. Việc chuẩn bị có gì trục trặc cậu báo cáo tôi gấp, hôm nay thứ sáu rồi!

Nói lại tình hình và ý kiến ông Vĩnh cho Hương Lan. Hoan đưa chứng minh để đi mua vé, xin tạm ứng tiền. Hương Lan bảo anh:

­    Đi công tác với xếp Hoan xin tạm ứng nhiều nhiều tiền phòng khi Hoan phải tiêu hoặc xếp chiêu đãi ai.

Làm xong các thủ tục Hoan nói với Hương Lan:

­    Ai hỏi tôi chị nói dùm tôi đi trám lại cái răng sâu.

Hoan nhảy lên xe buýt xuống chợ trời gặp Long:

­    Thứ hai tôi đi công tác Sài gòn, anh có hàng gì nhè nhẹ mang vào không?

Long chợ trời trầm ngâm một lúc nói:

­    Thuốc tây giá lên xuống thất thường. Dầu hồi, dầu quế cậu không biết kiểm tra chất lượng và chỗ bán. Biên bạc xe Ifa Đức, Crôm, Niken Liên Xô hay pittông, séc măng ô tô đều là hàng nặng. Pháo hoa vải vóc Trung Quốc cồng kềnh. Thuốc lá ba số vài cây chả bỏ buôn,… Những loại hàng trong Nam đang “ăn mạnh”, ông không mang được thật tiếc! Hay là đem dăm chục bộ Kim phun ô tô loại này cũng bán chạy, nhỏ gọn nhưng cũng hơi nặng.

Long vò tóc rối tung lên, đi đi lại lại ra chiều khó nghĩ.

­    Nhẹ nhàng nhất chỉ có hàng cấm. Hàng này tôi chả dại dính vào. Ông cũng đừng tham mà thí mạng. Không nên tự chuốc cái lo vào mình, ăn ít vẫn an toàn và bền vững. Hơn nữa ông lại là Đảng viên cũng không thể liều lĩnh như bọn tôi. Ta buôn hàng gì để nếu có bị phát hiện, cao nhất cũng chỉ bị đánh thuế hòa hoặc lỗ chút đỉnh, chẳng tai tiếng gì đến cơ quan, chuyến sau lại gỡ.

Nhìn vẻ lo âu của Hoan, Long nói:

­    Cứ từ từ rồi tính, sẽ tìm ra cách giải quyết.

Lần vào Nam trước đây anh đã bị các vị buôn níu kéo ở nhà khách để mua hàng, lần này anh cũng muốn thử mang một chút gì theo kiếm thêm tiền tiêu. Ai ngờ mang được hàng vào cũng là vấn đề lớn, phải nắm vững nguồn hàng, giá cả và trốn được thuế. Anh bắt đầu nản lòng:

­    Tôi đi cùng xếp, bị bắt thì mặt mo. Vả lại chưa đi máy bay lần nào cách dấu hàng chưa biết. Nếu khó quá thì thôi anh Long.

Mặt Long sáng lên nhìn Hoan hỏi:

­    Đi máy bay hả? Dịp may đừng bỏ. Đi đường bộ, đường sắt phải qua hàng chục trạm soát thuế trên tàu, trên bộ. Máy bay chỉ phải qua một cửa ải nhưng rất gay go nếu hàng phải soi qua X-Quang. Lúc ra sân bay đi ô tô cơ quan không sợ phiền phức dọc đường. Thứ hai mới bay, sáng hoặc trưa chủ nhật ông ra đây ta bàn cụ thể.

­    Sao lại phải trưa chủ nhật?

­   Tôi phải khảo lại giá  hai đầu mua bán cho ông. Thống nhất mặt hàng, tôi còn phải có thời gian gom hàng nữa chứ. Ông đi theo xếp không thể lúc nào cũng kè kè hàng bên mình. Hàng vào tới Sài Gòn phải tiêu thụ ngay, tránh để lâu biến động giá. Thà ngồi yên chứ không đánh hàng khi chưa chắc thắng. Cô Phúc cậu giới thiệu đến đây nhập hàng, cô ấy làm ăn chắc tay lắm. Cậu phải học kiểu buôn sắc xảo của cô ấy.

   Bình thường Long gọi Hoan là ông nhưng thân mật lại gọi cậu. Coi Hoan như em. Có lúc Hoan gọi ông tôi có lúc  gọi là anh. Cái quan hệ do buôn bán có lúc thân lúc sơ nên lời ăn tiếng nói thay đổi.

Trưa chủ nhật, Hoan phóng xe máy đến nhà Long chợ trời. Vừa thấy mặt anh, Long đã reo lên:

­   Ông gặp hên, có cách mang hàng rồi.

­   Cách gì mà hên xui, Anh Long? Nói qua nghe xem nào!

­   Sáng nay Sài Gòn vừa điện ra cần gấp lưỡi cưa tay Nhật. Tại Hải Phòng giá 26 ở đây hơn 27, mang được vào Sài Gòn là 65 hoặc hơn. Tin này còn bí mật. Mình chỉ nhập hàng ồ ạt là chúng biết và mua hàng cạnh tranh ngay.

Bọn chúng đây là những tay buôn bán Bắc Nam, rất thính tin tức rất nhanh nhạy trong  buôn bán.

­    Đem lưỡi cưa thì được đấy, nhưng tôi muốn biết cách cụ thể mang hàng thế nào?

­    Tôi sẽ vét gom cho cậu một ngàn hay hơn một ngàn  cái lưỡi cưa,  ta buộc nén vào cho thành bánh, đặt dưới sáp sô lai sách tay của cậu. Tôi sẽ cho thằng Ý đệ tử, người đã cùng cậu chỉnh lý áp tô mát dạo nọ, lên sân bay chờ trước. Cậu đi trót lọt thì thôi. Nếu hàng bị phát hiện nó sẽ nhận là của nó gửi cậu và xin nộp thuế. Thuế công cụ lao động cũng không đáng bao nhiêu. Có giấy nộp thuế cậu đàng hoàng mang hàng đi. Ở Sài Gòn tay Tiến gặp cậu tại nhà khách xin mua hàng. Cậu thỏa thuận chắc giá rồi giao hàng nhận tiền. Nhất trí tôi cho đi gom hàng ngay, càng để lâu giá càng lên. Giá tôi bán cho cậu là 28. Cậu có bao nhiêu tiền tối đưa cho tôi, còn thiếu tôi cho chịu không lấy lãi. Hôm cậu ra Hà Nội chỉ nhớ mang cho mấy quả xoài.

Long chìa bàn tay ra để Hoan vỗ như lái trâu vẫn làm. Nói gì cũng vẫn là nhà buôn, Long phải kiếm chênh lệch vài giá. Cẩn thận Hoan hỏi lại:

­    Liệu có được giá 65 không?

­   Đây là giá đặt, nếu dưới 60 cậu về đây tôi bù lỗ cho cậu. Nhưng cậu phải đảm bảo sáng thứ hai hàng đến Sài Gòn.

Buổi tối Long mang hàng đến và tự tay đóng gói cho Hoan. Xong xuôi Long đưa một cái danh thiếp có số điện thoại của Tiến, tả lại hình dạng của Tiến để Hoan dễ nhận. Khi về Long nói:

­    Ông cứ yên tâm mọi đối phó ở sân bay đã có tay Ý, nó quen đi đưa hàng kiểu này rồi. Ông vào được phòng cách ly chờ lên máy bay là mọi chuyện ổn, hết lo. Máy bay ở đây cất cánh tay Tiến đã chờ ông ở nhà khách rồi. Hắn sợ mất mối phải tới sớm. Tôi gom hàng bọn chúng đã đánh hơi thấy. Có thằng lập tức đi xe máy xuống Hải Phòng, không chừng chuyến máy bay cậu đi cũng có người đem lưỡi cưa đi. Vì vậy, được giá là đẩy hàng đi luôn. Phải uyển chuyển, đừng căng quá sẽ lỡ việc, lợi nhuận chia mỗi người hưởng một chút mới bền.

Tiễn Long xuống sân, ra cổng Hoan hỏi:

­    Thế  hàng ra là hàng gì?

­    Vẫn quạt trần, quạt bàn, bàn là điện như cũ hoặc vải vóc như cậu biết. Chúc chuyến đi thuận lợi và vui vẽ.

Chiếc xe ca xanh màu vàng lạch bạch nổ máy nhả khói trên đường Bà Triệu mưa xuân và le lói ánh đèn. Vào lại trong nhà, Hoan bắt đầu lo. Không lo sao được, vì chuyến này đi với ông Vĩnh. Đáng nhẽ chuyến này chẳng nên mang hàng gì. Mình ham làm ăn quá!

Mới 5 giờ sáng xe đã đón ra sân bay Nội Bài. Ngồi cùng ông Vĩnh trên xe Lađa trắng, vừa ngắm cảnh buổi sáng hai bên đường Hoan vừa canh cánh lo cái sap sơ lai nặng chịch dưới chân.

Tại phòng chờ làm thủ tục lên máy bay Hoan trông thấy tay Ý ngồi trên hàng ghế đầu. Mắt hai người gặp nhau, Ý dơ nắm tay lên, Hoan gật đầu. Người ta chỉ kiểm tra những bọc thùng các tông, sáp sơ lai thuộc diện xách tay nhỏ nhẹ nên không phải cân. Cô nhân viên đưa Hoan một cái tem dán trên vỏ sáp sơ lai. Hoan theo sau ông Vĩnh, bước đến cầu thang lên phòng cách ly. Bỗng đột ngột có người đàn ông ôm choàng lấy anh, làm anh choáng váng tưởng mình bị bắt. Anh thoáng nghĩ, “thôi rồi, xong mọi chuyện”. Chỉ ôm qua eo lưng, anh chàng bảo vệ tươi cười, vui vẻ chỉ tay:

­    Mời anh đi lối này, thẳng lên phòng chờ.

Tim Hoan đập dồn dập, chân run muốn khụy xuống. Cái sáp sơ lai gần tuột khỏi tay anh. Quay lại phía sau, gần đấy Ý đang vẫy tay với anh. Những người đi sau đều được cái ôm thân thiện và nụ cười sởi lởi, trừ phụ nữ. Ngồi vào chỗ, cạnh ông Vĩnh, anh vẫn thấy tim mình còn đập mạnh. Nửa giờ sau xếp hàng đi lên xe buýt ra máy bay. Mãi khi máy bay bay trên bầu trời, hành khách bàn tán về cái ôm của anh bảo vệ ở đầu cầu thang, Hoan mới hiểu đấy là công an khám vũ khí. Khi nhìn những thảm mây dày phía dưới chân và  khoảng không xanh thẳm phía trước. Hoan thấy mình thật nhỏ bé. Ở phía dưới lớp mây kia người ta vẫn đấu tranh vật lộn trong cuộc sống hàng ngày để có cái ăn cái mặc, để phân chia giai cấp kẻ giàu người nghèo. Nếu máy bay mà bị rơi, mọi chuyện đều buồn cười và phi lý. Cái chết bình đẳng cho mọi người.

Vào đến nhà khách phía Nam, theo Long mô tả Hoan đã nhận ra Tiến, một anh chàng mũ phớt râu con kiến đang ngồi chờ. Trong khi chờ làm giấy nhận phòng, các vị chủ nhà ăn mặc sang trọng comple, caravat từ đâu ùa ra bắt tay chào hỏi ông Vĩnh. Giả vờ xin lửa hút thuốc lá Hoan khẽ nói:

      ­    Anh Tiến phải không? Tiến gật đầu – Mười lăm phút nữa anh lên phòng số 22 tôi ở đấy. Nhiều người chặn đòi mua hàng nên xin anh đúng giờ cho.

Nói xong Hoan quơ tay vẫy bâng quơ mấy người  ngồi ở ghế dài cạnh mấy anh bảo vệ

­    Chốc nữa tôi sẽ xuống đón và mời các vị lên.

Ngọn đòn gió của Hoan làm Tiến đang thản nhiên hút thuốc bỗng nhớn nhác nhìn quanh.

Hoan mở cửa phòng 24 cho ông Vĩnh vào, anh xách đồ về phòng 22 khóa cửa, rồi mới lại sang phòng ông Vĩnh ở. Các vị chủ nhà đã kịp giới thiệu cảnh đẹp hoang dã ở mũi Né, suối bùn nước nóng Bình Châu và cảnh đẹp đảo Phú Quốc. Thấy Hoan, ông Vĩnh vui vì được giải phóng, liếc mắt cho Hoan, hiểu ý xếp anh vội nói.

­    Đồng chí Thứ trưởng vừa xuống máy bay còn mệt, chưa phục hồi sức khỏe. Xin các đồng chí gặp tôi để lên lịch, làm việc với thứ trưởng vào đầu giờ chiều. Bị đuổi khéo các ông chào xếp và theo nhau rút lui. Chờ ông Vĩnh đóng cửa Hoan mới về phòng mình. Anh để hé cửa đón Tiến. Khẽ lẻn vào phòng, Tiến cẩn thận cài chốt cửa, lại anh xếp gần chục trái xoài chín từ cái làn nhựa màu mận lên bàn uống nước.

­    Biếu anh để giải khát.

Tiến là người kín đáo, luôn hoảng sợ vì quá khứ, nên lúc nào cũng cảnh giác kể cả với bạn. Đúng là đang khan hàng, Hoan nói giá 85, Tiến trả luôn một câu 75. Mấy phút sau cuộc mua bán chóng vánh kết thúc ở giá 80. Mở túi vải tuồn của lính Mỹ. Tiến rút ra từng cọc giấy bạc còn mới.

­    Anh đếm đi!

Hoan cầm từng cọc tiền, tay hơi run. Tiền mới, sợ giả nên anh xem xét và đếm cẩn thận. Tiến xếp lưỡi cưa vào đáy làn nhựa vừa đựng xoài, phủ tờ báo lên và nói:

­    Khi nào vào có hàng, anh cứ “phone” theo địa chỉ trên danh thiếp này. Tôi sẽ đến ngay

Tiễn khách đi rồi, Hoan vội vàng chốt cửa cho tiền vào cái túi ni lông đen vừa đựng xoài và bỏ vào đáy sáp sơ lai khóa lại. Anh thở phào nhẹ nhõm, vừa làm xong một việc quá sức. Không ngờ chuyến hàng lại thuận lợi thế. Hết lo âu, anh tự thưởng cho mình được nằm dài trên giường, tận hưởng cái phút giây thoải mái lâng lâng quên cả tắm rửa. Liệu anh đã thành tên buôn lậu thực sự chưa? Hoan

cười phá lên với ý nghĩ ngộ nghĩnh theo kiểu chia động từ thời còn đi học. Kỹ sư buôn lậu, công nhân buôn lậu, thanh niên xung phong buôn lậu. Chẳng nhẽ tất cả đều buôn lậu? Nếu thế thì sự suy vong đã cận kề đâu đó, trông cậy vào ai đây? Long , Quì, Phúc và cả anh nữa đang đứng ở đầu đoạn dốc đầy sỏi, phía dưới là vực thẳm. Có người nghiện ma túy, có người nghiện làm giàu bất kể thủ đoạn nào, Hoan rùng mình dứt đứt suy nghĩ vì có tiếng gõ cửa.

Hoan mở cửa phòng, đứng trước anh một người lùn trán hói, mắt tròn to mở thao láo nhìn anh và cười làm thân:

     ­   Tôi là Bé, giám đốc xây lắp điện miền Đông, xin anh bố trí cho tôi được gặp thứ trưởng một buổi. Tôi có nhiều việc phải nói với sếp.

Ông ta ngồi xuống cái ghế đối diện, với Hoan tự nhiên như hai người đã biết nhau và tự rót nước uống.

    ­    Sao gặp lâu thế? Tôi chỉ có thể bố trí anh gặp thứ trưởng nửa giờ thôi. Xin anh cho xem giấy giới thiệu.

    ­    Hì hì…

Ông ta cười, không xuất trình giấy tờ mà đưa cái phong bì đến trước mặt Hoan.

    ­    Thưa anh giấy giới thiệu ở cả trong này.

    ­    Được tôi sẽ báo cho anh ngày giờ gặp theo số “phone” của anh. Tôi nhắc lại, chỉ nữa giờ thôi! Nếu vấn đề dài và lớn, anh làm văn bản gửi ra Hà Nội hoặc chính anh ra ngoài ấy gặp thủ trưởng, ông tiếp anh được lâu hơn.

Có người thập thò ở ngoài cửa. Anh chàng Bé, nhanh nhẩu đứng lên bắt tay từ biệt:

    ­    Mong gặp lại anh sớm!

Hoan gạt vội cái phong bì xuống ngăn kéo. Thằng cha đến ranh ma. Giấy tờ nhét trong phong bì, nhận giấy anh nhận luôn khoản “vi thiềng”.

Lần trước đến đây anh thấy trong phòng các tủ có khóa, vẫn còn thêm hai khoen đinh khuy dự phòng. Lúc ở sân bay Hoan đã kịp mua một cái khóa đẹp tại quầy lưu niệm. Anh cất đồ và khóa cửa tủ, rồi khóa thêm khóa riêng.

Một ông ăn mặc chững chạc, bụng to bước vào nói với Hoan:

    ­    Toâi laø Tröôûng nhaø nghæ ôû ñaây. Dạ xin mời anh và thủ trưởng đi ăn cơm trưa. Thấy Hoan xem đồng hồ anh ta giải thích. Ăn sớm một chút để nghỉ trưa, hai giờ chiều, đồng chí giám đốc điện khu vực phía Nam xin gặp để trao đổi nội dung hội nghị ngày mai ạ!

    ­    Xin anh chậm một chút, tôi mời thứ trưởng xuống ngay.

Hoan sang phòng 24. Ông Vĩnh đã tắm rửa xong, quần đùi áo may ô ngồi xem báo. Nhìn thấy Hoan, ông giơ tờ báo Sài Gòn lên:

    ­    Ngay giữa phố đông mà đội săn bắt cướp Sài Gòn đứng trên môtô do đồng đội lái hạ gục tên cướp giật. Tài thật!

    ­    Giám đốc điện khu vực mời ăn cơm trưa nay. Anh có nhận lời không?

    ­    Đi chứ! Người này cậu cũng quen mà.

    ­    Thế thì xin mời anh lên đường, có xe đón rồi.

Xuống phòng tiếp tân nhà khách. Hoan gọi cậu bảo vệ căn dặn.

    ­    Hai phòng 22 và 24 của thứ trưởng ở, nếu chưa có lệnh cấm không ai được vào. Ông chú ý kẻo lại phiền phức.

    ­    Dạ giám đốc chúng em đã dặn rồi. Chiều nay thêm một bảo vệ ngồi ngay hành lang. Xin anh cứ an tâm.

Hoan tỏ ra hào phóng, đưa cả bao thuốc ba số năm chưa mở cho anh bảo vệ.

    ­    Anh mời anh em giúp cho. Đồng chí thứ trưởng cần làm việc trong yên tĩnh, đừng để ai quấy nhiễu.

    ­    Xin cám ơn anh Hai!

Nội dung cuộc họp chủ yếu tổng kết công tác và phương hướng nhiệm vụ. Ông Vĩnh nói về triển vọng của ngành điện. Những nhà máy điện đang xây dựng và sắp xây dựng để thực hiện chỉ thị của Đảng và chính phủ. Nhằm chấm dứt tình trạng cắt điện luân phiên ở cả hai miền. Ông nói về các đường dây tải điện theo tổng sơ đồ mạng điện đã được phê duyệt. Cuối cùng ông chúc mọi người sức khỏe và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao

Sau đó là đi tham quan một số hạng mục công trình ở vài nơi đang xây dựng. Mãi đến chiều ngày thứ 5 của tuần ông Vĩnh mới tiếp được các đơn vị xin gặp riêng.

 

 

 

 

 

 

 

 

Sáng thứ sáu Quân cho đón ông Vĩnh và Hoan tại nhà khách bằng cái xe U-oat cũ của quân đội để đi thăm trang trại.

Sau hơn một giờ xe chạy trên quốc lộ, cậu lái xe của Quân chở ông Vĩnh và Hoan cho xe giảm tốc độ rẽ vào con đường đất, nắng bụi mưa lày đỏ au. Qua mấy đồi trồng cao su mới vào tới khu trang trại. Hai bên đường phía trong hàng rào B.40 là cà phê. Bụi phủ trên lá cây đỏ như nhuộm. Một dãy cột điện cao thế thay cọc tiêu dẫn đường, chạy tít tắp cuối tầm mắt và khuất sau những ngọn đồi. Xe lên dốc lại xuống dốc, vượt qua con suối cạn nước chảy le re, cắt ngang con đường tự tạo, khúc khuỷu quanh co chứng năm sáu cây số mới tới khu trang trại của Quân. Xe chạy vào cái cổng khung sắt hàn lưới mắt cáo B.40 dừng trước căn nhà năm gian lợp tôn.

Từ căn nhà nhỏ cách cổng một đoạn xa, dưới bóng những cây xoài trĩu quả, hai con chó bẹc giê dữ tợn như hai con bê sủa ông ổng, kéo căng dây xích nâng hai chân trước lên chồm ra vồ khách. Anh bảo vệ mặc đồng phục xanh rêu phải huýt sáo và giơ cây gậy đi tuần lên, nhưng chúng cứ gầm gừ giận giữ, không yên.

Đâu có phải rừng hoang nước độc nhiều muỗi vắt. Ở đây thanh bình như một làng quê trung du ngút ngàn cây lá. Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lớn có phố Đông Quan, nơi các quan tỉnh nhà hoặc tỉnh bạn chiếm cứ chia chác hay mua rẻ để xây nhà lập nên phố. Những đồi núi thành cánh đồng cũng sầm uất như một lâm trường, có cửa hàng bách hóa, có trường học, có điện. Nên cũng được gọi là rừng “đông quan”.

Rừng nhưng không còn là rừng tự nhiên, rừng thật đã lùi xa vào trong phía núi cách đây cả mười lăm hai mươi cây số. Ở đây được thay bằng cà phê, ca cao, xoài, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, cam, quýt…Mỗi trang trại chiếm một khoảng, ngăn cách nhau bằng các lớp rào lưới B.40, cọc xi măng đúc vuông trồng thẳng tắp như kẻ chỉ. Không thò ra thụt vào, cách nhau bằng một con đường nhỏ ô tô tải chạy được.

Quân từ trong nhà chạy ra vồn vã chào ông Vĩnh và ôm chầm lấy Hoan. Hai người bạn xa nhau lâu, họ nhìn ngắm nhau cười vui sung sướng. Dáng đậm đà da đen và cái cười của Quân làm ông Vĩnh sững người. Ông nhíu trán lại cố nhớ, cậu này mình đã gặp ở đâu nhiều lần rồi.

     ­   Mời Thủ trưởng và chú Hoan vào nhà uống cà phê. Thưởng thức sản phẩm cây nhà lá vườn xem có ngon như dưới phố không.

Cà phê là do mấy cậu bảo vệ tuyển chọn, tự rang lấy, có tẩm bơ và rượu nho nhưng xay bằng cối quay tay nên không mịn. Mùi cà phê nguyên chất thơm lừng, nước đen và đặc quánh như keo. Ông Vĩnh khen:

    ­    Chà ngon tuyệt !

Vừa uống ông Vĩnh vừa hỏi về mùa màng thời tiết những khó khăn trong thu hoạch và vận tải.

    ­    Chỉ sợ không có hàng thôi. Chiều độ ba bốn giờ là thương lái đem ô tô lên đây mua tại chỗ. Cũng phải thông tin cập nhật hàng ngày để khỏi bị ép giá.

Quân nói chuyện với ông Vĩnh, trong giọng nói có chút khoe khoang. Uống xong cà phê, ông Vĩnh cũng muốn thực địa xem họ làm trang trại thế nào. Ông nói:

    ­   Cậu cho chúng mình tham quan rãy của cậu được không?

    ­    Vâng!_ Quân chạy ra ngoài mang vào ba đôi ủng _ Thủ trưởng đi vào, ra rãy đi ủng cho an toàn và không bẩn ống quần.

    ­     Đất của cậu rộng không?

    ­     Dạ! Như các cụ ta nói độ một “quăng dao” thôi ạ.

Hoan đang sỏ một chân vào ủng, nói xen vào:

    ­     Quăng dao miền núi đi nửa ngày không hết.

Anh nói gọn xem độ bao nhiêu hecta.

    ­     Lúc này là chín giờ rưỡi, đi quanh hết hàng rào cũng gần mười hai giờ trưa, vì còn phải lên xuống dốc.

Ông Vĩnh nhìn: Quân hỏi vẻ ngạc nhiên?

    ­    Nghĩa là ngang một cây số hơn chút, dọc độ gần hai cây số ?

    ­    Thủ trưởng ước lượng gần đúng. Ngang một cây sáu trăm mét, dọc hai cây

    ­     Anh thành chủ tịch nông trường rồi

Hoan reo lên vui vẻ

    ­     Đó là ước mơ của cả cuộc đời tôi mà! Quanh đây cỡ ba chục vị có đất như tôi, một vài vị còn có hai ba mảnh to cỡ này ở các vùng khác nhau. Họ chỉ đi thăm trang trại cũng mệt và tốn nhiều thì giờ. Toàn các vị có máu mặt ở thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh làm chủ. Một vài vị còn đang chức quyền ở nhiệm sở.

Ông Vĩnh đứng lên vươn vai cho dãn gân cốt nhìn Quân nói:

    ­    Cậu cho chúng tớ xem qua cơ ngơi của cậu, biết đâu tớ chả về gần đây mua một mảnh, làm hàng xóm với cậu. Mà đi gần thôi, tớ già rồi không đi xa được!

Quân ghé tai Hoan hỏi nhỏ:

    ­    Sếp có kiêng thịt rừng không?

  Hoan cười lắc đầu:

    ­   Thế thì ăn thịt nhím nhé! Tôi có ba con mỗi con gần chục cân đang nuôi trong chuồng. Nuôi nó tốn khoai sắn lắm. Nhân sếp lên chơi, tôi cho thịt thêm một con dê để lính nó cải thiện một chút.

    ­     Tùy anh sắp xếp, nhưng dê đâu mà mua bây giờ?

    ­    Thì nuôi chứ ở đâu.Quanh đây người ta nuôi gấu chứ đâu chỉ có dê. Người ta còn nuôi cả hổ nữa. Hàng chục con hổ nhốt có, thả rong có.

Hoan lắc đầu, Quân y hệt quý tộc Nga hồi đầu thế kỷ trước.

    ­     Bây giờ đi đâu trước đây? Hoan dục dã

    ­    Đi thẳng theo đường mòn lên trên đồi. Phía bên kia đồi, dưới thung lũng tôi đang cho đào hồ chứa nước tưới cây và dự trữ nước cho mùa khô.

Quân dừng lại gọi cậu bảo vệ nói nhỏ điều gì đó, rồi lại lạch bạch chạy theo hai người. Bụng Quân hơi to, di chuyển vẻ nặng nề.

Vượt qua đỉnh đồi đã nghe thấy tiếng máy xúc gạt rú ga phành phạch. Sườn đồi đất đỏ bazan bị máy lật lên đỏ màu máu. Ông Vĩnh bồi hồi nhớ lại trận đánh Điện Biên Phủ năm xưa, chiến hào đất đỏ nhưng không tươi thế này. Chợt nhớ tới người đồng đội – cậu Ruộng – trúng đạn gục bên mép chiến hào, máu tứa ra thấm đất cũng đỏ tươi như ở đây. Lúc chết bàn tay Ruộng nắm một nắm đất thắm máu dơ lên và cười. Người ta sống nhờ đất, chết lại về với đất. Hồi ấy đang giảm tô giảm tức, bộ đội ta khí thế hừng hực đánh hăng, luôn nhớ về làng quê đồng ruộng theo dõi tin đổi mới qua thư của mỗi người thân. Anh Ruộng thợ cày cũng chỉ mơ có một mảnh đất để đổi đời.

Một ý nghĩ thoáng qua như tia chớp trong đầu, ông Vĩnh đột ngột quay lại nắm hai vai Quân ông hét lên:

    ­     Mày là thằng Mướp. Đúng rồi, mày là thằng Mướp!

    ­     Sao thủ trưởng biết? Giọng Quân run run.

    ­     Vĩnh trung đội trưởng đây mà! Nhớ không?

Ông Vĩnh nhìn Quân qua màn nước mắt. Quân nghẹn ngào ấp úng:

    ­     Ôi anh!

Hoan ngây ra nhìn hai người đàn ông ôm choàng lấy nhau mà cười nước mắt ứa ra vì vui mừng gặp lại.

Cách đây 30 năm đơn vị ông dừng lại chỉnh quân và tuyển thêm bộ đội ở vùng Thọ Xuân – Thanh Hóa. Có lệnh tiếp tục lên đường. Bộ đội đêm bôn tập vừa đi vừa chạy, sáng dừng lại nghỉ ngơi và huấn luyện tân binh. Lúc ấy mới phát hiện thằng Mướp lũn cũn chạy theo sau. Thằng bé tám tuổi không ba lô giày dép, một cành lá buộc bằng dây chuối vắt trên lưng ngụy trang như bộ đội. Ruộng anh ruột của Mướp cũng tòng quân trong đợt này vò đầu bức tai kêu khổ đuổi em quay về. Đơn vị đi đã cách xa chỗ ở hơn 30 cây số, đuổi nó về có khác gì dâng nó cho cọp. Rừng hồi ấy hoang vu nhiều cọp dữ, bộ đội đi một mình còn sợ nữa là đứa bé con.

Tiểu đoàn trưởng Minh đồng ý cho Mướp vào đơn vị với điều kiện theo giúp việc trung đội anh nuôi. Chú bé con nhà nông nhanh nhẹn phụ nhà bếp nhặt rau, rửa chảo và kiếm củi. Ai sai vặt việc gì Mướp làm nhiệt tình nên anh em nhà bếp rất thương. Chỉ ba ngày sau các anh nuôi đã trang bị cho Mướp quần, áo, dép râu, mũ nan phủ lưới. Tuy chưa đẹp, nhưng cũng ra dáng chú vệ út. Lúc nghỉ ngơi, các anh bộ đội thay nhau dạy Mướp học văn hóa. Đơn vị vào tới Điện Biên, Mướp đã học thông viết thạo và làm được các phép tính cộng trừ đơn giản và mạnh dạn đứng hát hò các bài dân ca Thanh Hóa, trong các buổi họp, buổi học tập của đơn vị. Nhìn Mướp ông Vĩnh nói với anh em trong đơn vị:

    ­    Đây là thế hệ sẽ tiếp sức chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi cuộc kháng chiến thành công.

Gặp nhau họ tranh nhau kể, tranh nhau hỏi về anh em trong đơn vị cũ.

    ­    À mà vì sao từ tên Mướp lại đổi sang Quân? Ông Vĩnh hỏi?

    ­    Khi cho em đi học ở Nam Ninh, anh Minh bảo: “tên là Mướp nó dân dã dễ yêu nhưng đất nước ta sau này đâu còn nghèo, cậu từ quân đội mà ra lấy cái tên Quân để sau này đi công tác. Tên Quân chững chạc hơn”. Từ đó, em không gặp lại anh Minh và các anh em nữa. Về nước học tiếp trường bổ túc Công Nông, rồi vào đại học, em đã cố tìm mà không có tin tức gì? Mãi sau này một người làng nói rằng anh Minh chết khi về lại Thanh Hóa.

Ông Vĩnh lắc đầu, cuộc đời thật nhiều cay đắng khó lường. Minh một người có học, nếu còn sống ở Hà Nội lúc này cũng thứ trưởng bộ trưởng, chí ít cũng giám đốc một cục viện nào đó. Thói mơ mộng tiểu tư sản về một làng quê thanh bình sau thời chiến chinh đã hại anh.

Anh vướng vào sự vu cáo đốn mạt của mấy thằng ở làng. Khi cần phải ra trận chúng lỉnh đâu mất. Thời bình chúng sẵn sàng bới móc và vu khống để triệt hạ những ai lảm giảm uy tín của chúng. Những người ưu tú này không chết trong cuộc đấu tranh của dân tộc, hòa bình lại chết vì thói ích kỷ hèn hạ thật đáng buồn.

Kẹp giữa hai triền đồi chạy từ phía núi xa xa xuống, một khe hẹp chảy dốc vào cái đầm vẫn còn đầy lau sậy đến mấy mẫu trong khuôn đất của Quân. Rồi lại chảy dốc đi về phía chân trời, mùa mưa nước ào ào chảy, hết mưa nước thiếu cạn trơ cả đất trong đầm. Quân cho chặn cuối đầm, xây đập tràn cao năm mét bằng bê tông cốt thép để giữ nước tại đầm dùng tưới cây. Công trình tư nhân mà to như của  nhà nước. Không biết bao xi măng nào qua chỗ Quỳ đã lọt vào đây. Ông Vĩnh hỏi:

    ­       Cậu bỏ bao nhiêu tiền để có công trình này?

    ­     Khoảng hơn một trăm triệu, bằng tiền mua căn nhà ở thành phố.

    ­      Cậu không sợ bị kiện cáo à ?

    ­    Các hộ xung quanh còn hoan nghênh nữa. Mùa khô cả vùng nước cạn kiệt, không có mà bơm. Nước bị giữ lại đầm thấm xuống các giếng khoan, có nước để họ bơm. Mấy cậu bên sở thủy lợi khuyên nên làm. Họ vẽ hộ thiết kế có bản vẽ hẳn hoi em mới chịu làm. Chỉ cần giữa mùa khô trong đầm còn sâu 1mét nước là thắng lợi. Mùa khô chưa có đập, đầm cạn còn lắp sắp từng vũng không bơm được. Không có nước tưới, năng suất cây trồng giảm một nửa.

Máy xúc máy gạt đang nổ máy phành phạch, phả khói đen mù mịt trên đầu ống thoát, xả đất từ hai bên đồi xuống be bờ thành đập phía trong đầm, gia cố bức tường đập bằng bê tông cốt thép dầy 30 phân. Hơn chục công nhân san đất cho cái xe lu nhỏ đẩy tay chạy bằng dầu máy và dùng cây đập bên mép đầm cho thành bờ dốc.

Hoan thắc mắc với Quân:

    ­    Sao anh không múc đất dưới đầm lên cho tiện? Và trữ được nhiều nước?

    ­    Múc sâu sợ gặp mạch ngầm nước ngấm đi. Đắp và gạt đất làm đường, mùa thu hoạch xe ra tận vườn chở hàng cho tiện

Trông phía sau lưng một người cởi trần da bánh mật đội nón sùm sụp lấp mặt đang đập đất gần đấy. Hoan thấy quen quen, ngờ ngợ anh tiến lại gần.

    ­    Anh Khoản phải không?

Không nói một lời, Khoản vứt đồ bỏ chạy thục mạng lên phía đồi, lẩn vào rừng cây. Từ lúc ba người ra bờ đầm Khoản đã nhận ra Hoan, nhưng cố tình tránh mặt. Khoản kéo sụp cái nón xuống mặt, vờ cắm cúi làm, không ngờ Hoan vẫn nhận ra.

    ­    Cậu biết người này à? Anh ta được người quen giới thiệu tới đây xin việc, làm rất khỏe và ít nói anh ta không có giấy tờ tùy thân, mình nghi là phần tử trốn trại hoặc có lệnh truy nã, không ngờ lại đúng. Hắn tưởng cậu là công an cũng nên. Hắn kể rằng ở ngoài Bắc thất tình bỏ vào đây. Lý do vớ vẩn ai mà tin được.

Hoan nhìn vào mặt Quân, thái độ Quân có vẻ không vui. Hoan nói:

    ­    Anh suy diễn chút nữa là hắn thành gián điệp quốc tế chẳng chơi. Hắn vốn là dân chài hiền lành, cùng quê với tôi, đột ngột bỏ đi không hiểu vì chuyện gì. Người ta tưởng hắn ngã xuống sông xuống biển chết không thấy xác, nào ngờ lại vào đây làm.

Thừa biết cái lý do Khoản vào đây, nhưng anh không nói rõ. Luyến kể cho Hoan nghe chuyện Khoản đốt thuyền, chặt và treo một ngón tay út vào cây cọc trên bờ đê. Tình yêu dữ dội và đáng thương, Hoan nói:

    ­    Không có chuyện gì ghê gớm đâu! Sử dụng hắn, anh sẽ có một người trung thành cần mẫn. Anh cho gọi anh Khoản lại và bảo tôi không phải công an đâu. Tôi muốn gặp anh ta.

Người được phái đi, môt lúc quay lại.

    ­    Thưa ông chủ. Anh ta xin được tạm nghỉ việc vài ngày, mong ông chủ thông cảm.

Bữa cơm trưa vừa có thịt nhím, vừa có thịt dê. Cả trang trại vui mừng vì sếp Quân tìm lại được anh nuôi. Một nửa con dê Quân cho chuyển về lán công nhân ở cách xa gần 3 cây số để họ chia nhau tự nấu nướng, và cho phép họ buổi chiều được đến làm muộn một tiếng.

Ăn cơm uống nước xong, Quân nói với ông Vĩnh.

    ­    Anh nghỉ ngơi lấy sức, đêm nay đi săn với chúng em.

Lại còn săn bắn nửa! Ông Vĩnh đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đưa cặp mắt nhìn Quân. Thấy thái độ chần chừ của ông Vĩnh, Quân giải thích:

      ­    Ở đây em có đủ phương tiện để săn đêm: có súng săn, đèn ló chạy pin, đèn pha công suất lớn. Đi săn đêm bây giờ mùa xuân thích lắm anh ạ. Không phải bắn nỏ như ngày anh dẫn em đi săn ở Tây Bắc đâu. Hồi ấy phải tiết kiệm đạn và bảo mật nơi trú quân của đơn vị, bắt buộc không gây tiếng nổ còn bây giờ anh cứ bắn xả láng.

Ở thành phố, Quân bình thường như mọi người, có cấp trên lãnh đạo, có cấp dưới giúp việc. Ở đây Quân là một nhà quý tộc mới, vua của một vùng. Giúp việc anh toàn đồng đội cũ tin cẩn, những công nhân về hưu non “một cục” thành thất nghiệp. Quân mời họ lên đây làm việc, lương gấp 2 lương cũ. Vì miếng cơm manh áo, vì tình nghĩa họ trung thành và sẵn sàng bán mạng bảo vệ anh, giữ gìn trang trại. Họ quên rằng mình đang tự nguyện làm nô lê cho ông chủ thời mới.

Gặp vận Quân làm giàu theo cấp số nhân. Anh mua 5 hecta cà phê người ta định chặt để trồng cao su với giá bèo. Giữ nguyên cà phê, anh chỉ thay đổi cách chăm sóc, bón đủ phân đủ nước, đưa máy móc công nghiệp vào ruộng, rẫy, sới cỏ, lật đất. Hai năm cà phê được mùa lại được giá, vay mượn thêm chút ít anh mua thêm đất mở thành trang trại hiện nay.

Người chị họ vợ anh, từ Bắc được mời vào chỉ để ngày ngày đi chợ mua thức ăn nấu cơm cho 7 bảo vệ và 2 con chó bẹcgiê. Đêm đêm bảo vệ dắt chó đi tuần bằng xe máy theo lưới rào B40 xung quan trang trại. Trang trại của Quân mênh mông không cần nông nô chỉ thuê người làm theo thời vụ, tưới tiêu bằng bơm điện, làm đất bằng máy cày máy xới. Các ông chủ không cần vắt kiệt sức người lao động, họ tìm cách bóc lột máy móc. Họ suy nghĩ làm cho máy chạy đến rơi rụng ra và lại thay bằng máy khác. Ông Vĩnh cảm thấy chạnh lòng ngột ngạt vì cái sức khỏe của mình đã già không thể xốc vác như Quân. Sức già kém năng động xông xáo, dù ông có mảnh đất như Quân cũng không thể quản lý nổi.

Quân làm ăn có kết quả ông Vĩnh mừng lắm. Nếu biết Quân làm ăn khấm khá có nhà, có trang trại, hẳn linh hồn anh Ruộng cũng thanh thản. Đời ông nội, đời bố, đời anh Ruộng của Quân, cả ba đời làm mướn ở đợ, đói nhiều no ít. Họ chưa bao giờ có một tấc đất cắm dùi. Dù mảnh đất quê hương có mồ hôi nước mắt và cả máu của họ nữa, nó vẫn không phải là của họ.

Với tuổi tác xếp hạng hết “đát”, ông Vĩnh hiểu mình khó có thể phấn đấu lên chức bộ trưởng. Hay nhất, ông nên tìm cách hạ cánh an toàn sớm. Muốn có tiền dành cho việc dưỡng già, phải tìm cách nào đó sinh lợi hợp pháp, không thể như ông bạn thứ trưởng  công thương bị vố “qua ta” làm mất sạch chức quyền, tiền bạc, danh dự mà còn vướng vào vòng lao lý. Ông Vĩnh nằm nghỉ trưa dưới căn nhà tôn của trang trại, cái quạt trần khô dầu kêu cót két đến khó chịu. Ông Vỉnh nhỏm dậy, chạy ra võng ngoài hiên nằm, ngước mắt nhìn giàn hoa giấy nở đỏ lựng. Quân ở trong nhà xách ghế ra ngồi bên cạnh.

    ­    Nóng quá hả anh?  Em pha cà phê anh uống nhé!

Ông gật đầu. Cà phê giúp tập trung suy nghĩ được nhiều điều, ông rất thích. Quân bưng ra cái bàn nhựa, trên có hai cốc cà phê đá lạnh. Hai người ngồi nhăm nhi cà phê. Ông Vĩnh tâm sự với Quân về hoàn cảnh của mình. Ông muốn xin một căn nhà ở thành phố hay tự mua một mảnh đất nhỏ trồng trọt cho vui tuổi già khi về hưu. Suy nghĩ một lúc Quân nói với ông Vĩnh:

­    Cấp bậc lương của anh phải làm việc tại thành phố hai năm hay trên một năm mới được nhận nhà. Mấy năm đầu giải phóng ít người  nên xin nhà rất dễ. Nhưng bây giờ tài sản nhà nước là vật trao đổi của những người có quyền trực tiếp quản lý. Tôi cấp nhà cho anh, anh giải quyết cho tôi việc kia. Dẫu anh có xin được cấp, vẫn là nhà nhà nước cho ở nhờ. Chức quyền anh hết, người ta viện nhiều lý do để chuyển anh đi nơi khác đúng tiêu chuẩn như mọi người. Tất nhiên căn nhà lại được trao đổi với người có quyền khác. Còn chuyện mua trang trại anh ở xa làm sao anh quản lý nổi cây trái và thời vụ? Theo dõi đúng lúc để làm cây ra quả trái vụ, ép quả chín đều, chắc chắn anh không làm nổi. Như anh thấy đó, mùa xuân thì hoa nở nhưng ở đây xoài đã chín vàng. Anh già rồi cần ở gần bệnh viện, về hưu cũng không nên sống ở trang trại. Theo em anh nên làm theo cách ban đầu của em, kiểu mèo bé bắt chuột bé. Mua đất làm nhà cho thuê là thích hợp với anh. Nhà nước không làm nhà cho người ít tiền thuê, ta làm cho họ thuê, nhặt nhạnh tích tiểu thành đại. Ở xa anh vẫn quản lý được, cho một người bà con ở một gian, hàng tháng họ thu tiền gửi ra cho anh, thỉnh thoảng anh lại bay vào kiểm tra một lần.

Ông Vĩnh mở to mắt ra nhìn Quân, ở Bắc làm nhà cho thuê chuyện đã cũ nhưng với ông Vĩnh lại mới. Quen mọi cái đều do nhà nước quản lý phân phối, bây giờ làm nhà cho thuê nó cứ thế nào ấy. Ở Bắc xây nhà cho mình đã khó, làm gì có ai xây nhà cho thuê. Người ta có khái niệm “ở chung”, “ở nhờ” quên béng khái niệm thuê nhà và cho thuê nhà. Ở Bắc ai có nhà cho thuê đã coi như mất không nhà. Tài sản là của chung đòi làm sao được nữa! Dường như để củng cố cho ông Vĩnh, Quân nói tiếp”:

­    Dân số thành phố Hồ Chí Minh tăng vùn vụt. Hai triệu ra bốn triệu, nhu cầu nhà ở rất lớn. Tìm một chỗ trú ngụ rất khó khăn mà người ta vẫn ùn ùn kéo nhau vào lập nghiệp. Dăm năm nữa dân số tăng lên sáu triệu, có khi tám triệu người chẳng chơi. Lúc đó nhà đất là vấn đề thời sự của từng người. Ta tìm đến vùng ven đất còn rẻ. Ít tiền ta làm vài lô nhà cấp bốn, mỗi gian độ mười hai mười bốn mét vuông cho dân ngụ cư, cho sinh viên thuê. Nhiều tiền có đất lớn làm vài chục gian. Có nhà, có đất thế chấp vay ngân hàng lại mua đất mới làm nhà mới, cứ thế quay vòng. Nhà đẻ ra tiền, tiền mua đất đẻ ra nhà. Đất dù tăng hay hạ anh vẫn còn cái vốn là đất là nhà. Kiểu tăng dân số như hiện nay, nhà đất chỉ có lên giá chứ không hạ.

Nghe giảng giải, ông Vĩnh vẫn còn ngờ vực.

­    Có nhà rồi, biết gọi ai để cho thuê?

­   Anh hiền hết chỗ nói. Phải tự giới thiệu mình bằng treo biển quảng cáo và đăng báo. Báo chí trong này họ đăng quảng cáo đủ mọi chuyện cho dân, chứ không cứng nhắc như ngoài Bắc. Báo chí để truyền tải thông tin mà! Anh biết không, ở đây người ta dám ký hợp đồng thuê mười năm liền, đóng tiền thuê trước ba năm để được quản lý cả căn nhà 4 tầng mặt phố. Tầng dưới họ cho thuê làm cửa hàng hoặc văn phòng, các tầng trên ngăn nhỏ thành nhiều phòng cho người ít tiền thuê theo tháng. Mỗi căn như vậy họ kiếm lãi vài triệu một tháng. Anh tính nhẩm xem mười năm họ lãi bao nhiêu.

Giữa cái nắng oi đầu mùa xuân miền Nam, một làn gió nhẹ làm xao động những tàng cây. Ông Vĩnh thấy mình đỡ bức bối. Yên lặng lắng nghe chú “vệ út” bày cách làm ăn kinh tế nhỏ. Cách này không cần đi đâu xa ở ngay Hà Nội ông vẫn thực hiện được. Ông sẽ dồn mọi khoản tiền lại chắc cũng mua được một vài mảnh đất kha khá. Xây ít phòng nhỏ rồi phát triển dần thành nhiều phòng. Theo cách của Quân, ước mơ tư bản đầy hy vọng len lỏi trong đầu ông.

Nằm trong nhà vắt tay lên trán Hoan cũng không ngủ. Biết bao giờ anh có cái cơ ngơi như của Quân? Anh quen nghĩ đơn giản: mọi cái do nhà nước lo, giữ mãi tư tưởng cam chịu, trì trệ sống chật vật ngắc ngoải chỉ trông vào lương. Dựa dẫm, khổ không ngoi lên được là đúng. Cũng trong hoàn cảnh tương tự người ta vẫn có thể làm giàu, đổi mới cách nghĩ, cách làm là ở đây đến giờ anh mới hiểu.

Đi săn, nhất là đi săn đêm, chỉ dành cho tuổi trẻ khỏe mạnh, xông xáo. Vì tuổi tác ông Vĩnh từ chối cuộc đi săn đêm, ông chỉ muốn về Sài Gòn thăm vợ con Quân và nhìn rõ những gian nhà cho thuê để rút kinh nghiệm.

Tự tay Quân lái xe đưa ông Vĩnh và Hoan về thành phố. Về ngôi nhà ở đường Bạch Đằng nhỏ bé gần sân bay. Nói nhỏ bé vì hai bên hè đều bị lấn chiếm xây phòng cho thuê hoặc cho các cửa hàng thuê, nên phố hẹp chỉ có đường không có hè.

Trái với sự hình dung của Hoan, ông chủ đồn điền không sống trong căn nhà khang trang ba bốn tầng lát đá đen đá đỏ. Vợ chồng Quân ăn ở sinh hoạt chật chội trong hai phòng trên căn gác gỗ phần lấn chiếm vỉa hè, phía dưới để xe ôtô và xe máy. Khu phố này trước là hai dãy nhà kho dài đối nhau, nơi quàn xác lính Mỹ chết trận, chờ đưa lên máy bay chở về nước. Giải phóng được phân chia cho bộ đội làm chỗ ở tạm cho vợ con. Còn nhiều nhà, nhiều đất dễ kiếm chỗ ở, lính ta chê, bán rẻ đem vợ con tìm nơi khác. Quân mua được khoảng mặt tiền mười mét ngang, phía sau sâu năm chục mét kéo dài tới bờ mương, cống thoát nước lộ thiên của sân bay.

Trên mảnh đất đầy rác quân dụng, vỏ đồ hộp, gạch vỡ và cả những đồ lính Ngụy, lính Mỹ cướp được sau những ngày đi trận vứt lại. Hai vợ chồng Quân phải quần quật dọn dẹp hàng tháng, tự xây dần nhà. Những căn nhà cấp 4 lợp tôn nối dần dài mãi ra bờ mương. Quân chỉ giữ lại một gian tiếp khách, nay làm chỗ để xe, hai vợ chồng ở trên gác gỗ.

Không còn nhận ra chị Dịu, người đàn bà tần tảo ngày ngày gánh rau len lỏi bán rong trong ngõ chợ sau ga Hàng Cỏ - Hà Nội, người vẫn cho anh ăn khi anh và Quân còn là sinh viên. Tiền bạc đã gọt rũa cho vợ Quân từ người quê mùa thành người biết ngắm vuốt. Mái tóc uốn cao phơi cái gáy trắng ngần, Dịu gườm gườm nhìn hai người. Son phấn trát lên mặt, móng chân móng tay dài sơn tím Dịu chưa nhận ra Hoan:

­    Em mời hai bác lên nhà xơi nước ạ – Dịu chào khi khách vừa lên hết cầu thang gỗ, rồi quay vào quát một bà già đang đứng cạnh cửa gian trong chờ sai bảo – Còn đứng ngây ra đó à? Có mang ngay bình bia lạnh để ông chủ tiếp khách không? Chả biết làm gì cả.

Mặt Dịu cau lại vẻ khó chịu. Quân không hiểu cái tính khinh khi người già nghèo Dịu có từ bao giờ. Anh hơi buồn. Bà già líu ríu đi vào. Có lẽ ngượng với kiểu cách chỏng lỏn kênh kiệu của vợ, Quân cười bảo Dịu:

­    Mẹ thằng Nhân không nhận ra chú Hoan à? Còn đây là bác Vĩnh thủ trưởng cũ của tôi từ thời còn đánh Điện Biên Phủ và cũng là người thầy đầu tiên dạy cho tôi chữ nghĩa.

Nghe chồng giới thiệu giọng Dịu trở nên mềm mỏng.

­    Em chào bác, chào chú Hoan. Dạo này chú Hoan béo nên chị chẳng nhận ra ngay, chú thông cảm. Bác và chú vào đây công tác có được lâu không ạ? Bác và chú chiều nay thích nhậu món gì để em cho người đi mua

Ông Vĩnh cười nhìn Dịu bảo:

­    Chúng tôi vừa nhậu ở trên rẫy về đây, cảm ơn chị xin cho lúc khác

Hoan đở lời:

­    Em chào chị, chỉ độ mai hay ngày kia em lại ra Bắc. Em cố tình im lặng xem chị có nhận ra không, thế là chị quên thằng em này rồi! Hôm nay em mời chị và anh Quân ra nhà hàng vừa ăn uống, vừa tâm tình để nhớ lại kỷ niệm hồi còn ở Hà Nội. Chị khỏi lo bếp núc cho mệt.

­    Quên thì không, nhưng bác Vĩnh và chú Hoan vừa từ ngoài sáng vào nên tôi chưa kịp nhận ra, dạo này già mắt không còn tinh tường như xưa

­    Thế các cháu đâu mà không thấy ở nhà? Ông Vĩnh hỏi:

­    Dạ. Thưa bác, các cháu bác đi học ở trường nội trú quốc tế ­   Dịu kéo dài tiếng quốc tế với vẻ tự hào có chút khoe khoang – Chỉ chủ nhật chúng em mới đón các cháu về cho lên rẫy chơi một ngày, sáng sớm hôm sau lại chở vào tiếp tục học. Anh Quân đi suốt ngày có lúc nào bảo ban được chúng nó đâu, đành gửi nhờ các thầy các cô dạy dỗ giúp.

­     Các cháu học có được không?

­    Cũng được giỏi cả – Quân trả lời – Nhưng cũng phải dè chừng, để giữ học trò nên các điểm kiểm tra thường được khuyến khích giá trị không thực. Tôi cứ phải kiểm tra lại hàng tuần. Riêng môn ngoại ngữ cô giáo là người nước ngoài nên các cháu phát âm tốt và học có chất lượng

­    Thế là tốt rồi, ở Bắc người ta cũng rục rịch mở trường quốc tế cho các trẻ con tây con ta học.

Sau chầu bia BaBa ướp lạnh giải khát, ông Vĩnh đề nghị cho đi xem dãy nhà thuê. Dịu đon đả dẫn khách, để Quân ở nhà đem đồ đạc dưới xe lên gác gỗ. Dịu vừa đi vừa giới thiệu:

­     Chiều ngang đất mười mét, em để một mét rưỡi làm đường đi chung, hai bên xây mỗi bên mười lăm phòng đối nhau kéo dài. Phòng nào cũng có đầy đủ gác lửng, toa lét, bếp và đóng trần gỗ dán. Cửa gổ chắn song sắt có bịt lưới thép để thông thoáng gió. Em bắc cái cầu qua mương, người trọ đi về bằng lối sau cho tự do.

Có một gian mở cửa, Dịu dẫn ông Vĩnh và Hoàn vào. Chỉ chỏ chỗ làm bếp, chỗ làm nhà tắm, công tơ điện, đồng hồ nước của từng căn lắp thế nào. Một cô gái đang học bài lật đật từ trên gác lửng xuống.

­    Cháu chào cô, chào các bác.

­    Anh chị cháu chưa về à?

­    Dạ. Chưa ạ!

­    Cô về nói với anh chị cô hết tháng này mà không nộp đủ tiền nhà thì dọn đi sớm. Tôi cho người khác thuê. Tháng sau đầu quý, tôi đồng loạt tăng mỗi phòng năm chục đấy.

Thấy cảnh gay cấn, hai khách vội vã lách ra ngoài hành lang.   

    ­    Xin cô thư cho ít bữa, cháu đang chờ tiền bố mẹ cháu gửi từ Bắc vào.

    ­    Không thưa thớt gì hết. Cứ theo hợp đồng thỏa thuận mà thi hành. Không có tiền thì dọn đi tìm chỗ khác mà ở.

Dịu coi người thuê nhà như những con bò sữa, tăng tiền liên tục, vắt cho cạn kiệt đến đồng cuối cùng. Lũ ngụ cư tạm bợ cần chị, chị không cần họ. Đứng ngoài hành lang Hoan thấy cay lỗ mũi, cảm như mình bị xúc phạm. Anh nói khẽ với ông Vĩnh:

­    Em muốn về nhà khách anh ạ!

Hiểu tình cảm của Hoan, ông Vĩnh khoác tay anh đi trở lại và nói khẽ:

­    Cái không tưởng là cào bằng sự giàu nghèo, cung cách này rồi người giàu cứ giàu, kẻ nghèo tiếp tục nghèo. Mục đích mới của cách mạng phải kìm hãm giảm bớt sự chênh lệch quá lớn của hai lớp người trong xã hội ta. Thế hệ cậu sau cậu phải làm điều này.

Lên lại căn gác gỗ ông Vĩnh cám ơn vợ chồng Quân.

­  Anh về nhà khách bộ để tối nay tiếp mấy vị giám đốc điện các tỉnh như đã hẹn

Dịu vẫn đon đả:

­    Bác và chú Hoan ở đây chơi ít ngày rồi đi Vũng Tàu chơi. Chúng em có một căn nhà gần bãi sau. Ở lại Vũng Tàu tắm mát nghỉ ngơi một tuần cho lại sức.

­    Cảm ơn cô chú, xin hẹn lại lần sau chúng tôi sẽ ở lại lâu.

Ông Vĩnh nói và đứng dậy bắt tay hai vợ chồng Quân.

­    Để em đưa anh và Hoan về nhà khách.

Quân vội vàng đi trước xuống đưa xe ra đường, Dịu cũng xuống đường vãy tay tiễn khách. Xe đi rồi Dịu quay lại nói trống không, chỉ bà già giúp việc nghe đươc.

­     Hứ. Đã kiết lại còn sĩ, ra vẻ ta đây mời mọc, mời rơi thì có!

Xe dừng lại trong sân nhà khách. Quân lấy hai bịch xoài ở phía sau ghế đem lên phòng ông Vĩnh. Anh nói với ông Vĩnh.

­    Gọi là chút quà anh và Hoan đem về cho các cháu. Còn đây có chút vốn để anh và Hoan về xây lấy một vài gian ban đầu cho thuê.

Quân đưa mỗi người hai cây vàng JVC. Ông Vĩnh và Hoan chối từ không nhận vàng, Quân không nghe, ép phải nhận và hứa sẽ ra Hà Nội xem hai người sống thế nào.

Quân viện lý:

­    Hai người không nhận tức là không coi thằng Quân là anh em nên còn khách sáo.

Nhớ lại cảnh Dịu đòi tiền nhà, mặt Hoan nóng bừng lên. Anh chối từ vì mình làm vẫn đủ tiền tiêu. Ông Vĩnh nói:

­    Chú cứ cầm về cất đi khi nào cần anh sẽ xin vay, lương thưởng anh cũng kha khá chưa túng thiếu. Lúc anh vay chú đừng từ chối đấy nhé.

Bất đắc dĩ Quân phải cất vàng và nói:

­    Nếu trong hai vị có ai làm ăn cần tiền tôi sẵn sàng cho vay không lãi từ 15 đến 20 cây. Không thể cứ trông chờ vào nhà nước, phải bung ra chân trong chân ngoài mà tồn tại. Lương hàng tháng tôi lĩnh chỉ đủ tiền vặt.

Quân vội chào để về. Ông Vĩnh và Hoan tiễn xuống bãi để xe.

­    Rất cám ơn thịnh tình của cậu. Chắc chắn khi làm mình sẽ nhờ tới cậu trước tiên, nhà tài trợ vô tư của tôi ạ.

Ông Vĩnh vỗ vỗ vai vào Quân. Mắt Quân đỏ hoe muốn khóc.

­     Anh đừng quên vợ chồng em !

­    Mai cậu cứ đi làm, không nên tiễn nó thêm bịn rịn.

Còn lại hai người Hoan hỏi:

­    Anh quyết định mai về, có vội lắm không? Người ta mời đi nghỉ Đà Lạt hay Vũng Tàu anh không đi sao?

­   Về thôi còn nhiều việc đang chờ tôi giải quyết

Ông thở dài nói tiếp giọng đượm buồn.

­    Sống thanh thản mới dễ chịu, chớ để phụ thuộc vào quan hệ vật chất luôn phải lo nghĩ buồn phiền. Không để bị mua chuộc mất sự thẳng thắn đó là cách nghĩ của người cộng sản thời bình.

   Thích cảnh làm việc sôi động, buôn bán sầm uất của Sài Gòn, nhưng ông Vĩnh cũng sợ nhốn nháo giữa thật giả, thiện ác nơi đây.

NGUYỄN HỒNG

Các Bài viết khác