NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHIỀU DÀI ẢO VỌNG (kỳ 6)

( 11-08-2020 - 11:55 PM ) - Lượt xem: 1010

Khi muốn trù ai thì chỉ cần một câu nhận xét vô thưởng vô phạt: “Tư tưởng có vấn đề” hay “cần xem lại lý lịch” là cá nhân ấy hãy tạm dừng tại đây chờ thẩm tra. Còn có vấn đề gì hay không, phải xem lại điều gì trong lý lịch thì chẳng ai rõ đến lúc nào nó kết thúc.

Lúi húi chia công văn báo chí mới nhận vào các ô trên giá gỗ Hương Lan giật mình vì bất chợt có người hỏi:

­       Thưa chị! Em xin được gặp anh Hoan .

Hương Lan càng bối rối khi người hỏi Hoan là một cô gái.

­       Hoan nào ?

         Dù cơ quan này chỉ có một Hoan, theo phản xạ Hương Lan vẫn hỏi lại. Trước mặt Hương Lan là một cô gái quê mùa, đeo đôi hoa mặt giàn nụ thủy tinh lấp lánh từ thời các cụ lưu lại, kiểu trang sức ở thành thị các cô gái không dùng nữa. Tiếng nói vùng biển âm thanh đùng đục nhưng khỏe khoắn.

­       Dạ, em xin gặp anh Hoan vụ công nghệ, người Hải Phòng, Em là vợ anh ấy.

Hương Lan nhìn một lần nữa cô gái áo sơ mi cổ cánh nhạn, quần thâm đi dép nhựa Tiền Phong đang bẽn lẽn, mặt đỏ bừng khi bị hỏi.

Vợ? Đúng là người Hương Lan cũng muốn biết mặt xem xinh đẹp thế nào, gặp rồi lại thấy bối rối khó hiểu. Chị nhìn Luyến chằm chằm như thôi miên. Chị bấm máy điện thoại nội bộ gọi Hoan mà chỉ sợ nhầm. Thật khó tin rằng cô gái này năm bảy hai đã từng bắt phi công Mỹ ngoài cửa sông Bạch Đằng. Cô ta hơn hẳn chị về sự mạnh mẽ can đảm. Gặp trường hợp trên không máy bay lượn bắn cản trở, ngoài biển tàu chiến bắn pháo vào sóng dựng muốn lật thuyền chắc chị sợ lắm.

­       Anh Hoan lên công tác đã lâu sao bây giờ cô mới lên thăm?

­       Dạ em bận lắm. Mẹ em ốm luôn nên không dám đi xa, sợ nhỡ có chuyện gì anh Hoan sẽ giận, chị ạ.

Mắt Luyến sáng lên khi thấy Hoan. Cô nói như reo, giọng vui nhưng dụt dè:

­       Anh !...

­       Lên lúc nào ? Mẹ khỏe không?

Hoan hỏi chống không, thái độ thiếu vồn vã. Tưởng chồng có ý hắt hủi, Luyến đã rơm rớm nước mắt.

­       Mẹ vẫn khỏe, Người già chỉ sụt sịt tí chút lại khỏi. Mẹ luôn nhắc đến anh. Em lên là để bàn công việc nhà.

Không muốn bàn việc nhà tại cơ quan Hoan cướp lời  giới thiệu hai người:

­       Đây là chị Hương Lan, chủ cho anh thuê nhà, còn đây là Luyến vợ tôi.

Một thoáng dò xét, liếc người đàn bà trước mặt, Luyến chủ động nắm cánh tay Hương Lan và hồ hởi chân thành:

­       Chị …

Ngẩn ra nhìn hai người, bị nắm tay bất ngờ Hương Lan lúng túng.

­       A chào cô !

Hương Lan có vẻ đẹp quí phái như bông sen mùa hạ trái lại Luyến dịu dàng đằm thắm như bông hồng đầu xuân. Cánh tay rắn chắc của Luyến khoác trên vai Hương Lan, chị cảm thấy cánh tay của kẻ mạnh đang kéo chị xa Hoan.

­       Để tôi đưa cô về cho biết nhà.

Hoan kéo Luyến đi, Luyến gật đầu chào và mỉm cười rất tự nhiên với Hương Lan.

­       Em đi trước nhé!

         Cô tự nhiên khoác tay chồng cùng đi.

Hương Lan thấy chạnh lòng, nỗi buồn đơn lẻ man mác. Luyến giản dị, cá tính mạnh mẽ và cả chiến công rực rỡ, Hương Lan không thể bì được. Chị ẻo lả mảnh mai và hay sầu muộn cả nghĩ, rồi rầu rĩ đau khổ trong nội tâm một mình.

Căn phòng Hoan thuê đồ đạc bừa bộn như căn nhà tập thể kiểu trại lính ở Hải Phòng. Quẳng cái túi lưới đựng quần áo lên giường một. Chị thu dọn sách vở kìm búa, Hoan vứt mỗi nơi một thứ, Luyến òa lên khóc, thương chồng lên bộ làm việc mà sống vẫn luộm thuộm chẳng khác xưa.

­       Thôi ngồi xuống đây nói chuyện nhà xem nào.

Hoan khoác vai Luyến, dìu cô ngồi xuống thành giường. Luyến ngả người vào lòng anh thổn thức như đứa bé.

­       Việc làm ăn của cô bị thất bại à ?

­      Không ! Em đã xây năm gian nhà lợp tôn tại khu đất mới, muốn đón mẹ ra ở và rước di ảnh thầy ra nhưng còn chờ ý kiến anh. Nhà cũ dột nát lắm, em cũng muốn xin anh cho bán hoặc xây mới.

­      Bán ?

­     Vâng, được giá bán đi để xây dựng khu đất đầm. Người ta dự định làm cầu qua sông, khu đất mới nhà mình có thể thành mặt phố. Nhà trong làng giữ lại làm gì! Anh Được lên phó giám đốc sở chuyển đi rồi không trực tiếp ở nhà máy nữa. Ta khó giữ được căn tập thể ở nhà máy. Ý em cũng nên sang tên cho người khác nhận một món tiền cho chắc ăn. Nhận một món tiền nhỏ còn hơn chả được cái gì.

­     Nhiều vấn đề quá nhỉ. Thế ý mẹ bảo sao

­     Mẹ bảo em lên đón anh về làm giỗ thầy và rước ảnh thầy  ra nhà mới.

Hoan nhẩm tính ngày ta ngày tây xong, anh nói với Luyến.

­    Thôi để anh xin nghĩ phép. Hôm nay thứ bảy, phải quay lại cơ quan ngay. Ông Vĩnh đi đâu thì hỏng việc. Anh xin ông Vĩnh cho nghĩ nửa phép chắc được.

Hai người đi bộ ra cầu Chương Dương đón xe. Hoan nói với vợ

­      Lần sau cô lên. Có thể tôi được cấp một căn hộ ở chung cư ngoài bờ sông đang xây kia kìa.

Anh chỉ căn nhà bảy tầng đã xây xong, đang quét vôi hoàn chỉnh.

­     Được cấp nhà ở Hà Nội khó lắm. Người ta xin về Hà Nội thường phải ký giấy cam đoan không xin nhà. May tôi được Bộ điều động nên không phải làm giấy cam đoan.

Bến Bính vẫn đông đúc tấp nập. Người qua phà chen lấn nhau lên, chen lấn nhau xuống. Tiếng rao, bán hàng vặt kẹo, bánh thuốc lá của hàng chục đứa trẻ luồn lách giữa những người chờ phà. Hai vợ chồng Hoan qua cửa soát vé vào nhà chờ phà. Luyến kéo tay Hoan đến cái bàn bán nước có mấy gói bánh gói kẹo đặt trên. Một ông già gầy gò giọng khàn khàn.

­     Mời anh chị ngồi sơi nước. Anh chị uống chè tươi hay chè mạn đều có

Luyến cười khúc khích bỏ nón ra. Hoan reo lên:

­     A chú Lâm! Chú về hưu rồi à? Sao lại ngồi đây bán hàng?

­     Giờ mắt kém, đông quá không nhận ra các cháu. Nhờ ơn ban lãnh đạo cho chú hạ cánh an toàn xuống bến phà này. Chú đã về hưu, bán xong nhà, cái xuất đảng viên cũng bỏ luôn, chỉ giữ lại sổ hưu để có cái mà ăn.

Tủi thân ông Lâm ứa nước mắt, giọng hậm hực oán trách. Con người bao cấp được phân phối từ bao diêm, hạt muối, bánh xà phòng đâu biết buôn bán. Sau chuyến đi Nhật đày vinh dự về, phải bán căn nhà đang ở trả nợ. Ông mua một căn nhà lá dưới Lán Bè để có chổ chui ra chui vào; hai vợ chồng dắt díu nhau ra đây bán nước

Luyến nói :

      ­     Cháu mời cô chú về làm với cháu, dứt khoát lương gấp đôi ngồi bán hàng nhặt nhạnh kiểu này. Cô chú không chịu

Hoan kinh ngạc nhìn vợ. Tiền đâu cô ấy trả lương cho vợ chồng ông Lâm. Hai người già giúp được việc gì?

Ông Lâm ngán ngẩm giọng uể oải:

­  Anh chị lạ gì cảnh về hưu. Đầu đường đại tá bơm xe, cuối  đường vụ trưởng bán chè đỗ đen. Cô chú mà về làm cho vợ chồng anh, mấy thằng bỏ làng di cư nó cười cho đến thối mũi. Mình bao nhiêu năm theo nhà nước, bây giờ về trắng tay thật tủi hổ.

Sau khi nói ra nỗi niềm cay đắng, mặt ông chú hiền lành vui tính đỏ lên như uống rượu. Bằng cử chỉ dịu dàng, Luyến cầm bàn tay gầy guộc của ông Lâm an ủi.

­     Việc gì chú phải tiêu cực thế! Ta có quyền tự hào về đóng góp của mình cho đất nước điều họ thèm muốn mà không bao giờ có nổi dù họ lắm tiền nhiều bạc. Người cách mạng ngã ở đâu đứng lên đi tiếp ở đó. Chú chả từng nói thế là gì. Mời cô chú cứ về với chúng cháu. Các em đã lớn có việc làm, chú còn lo lắng gì nhiều. Ngày kia giỗ thầy cháu buổi trưa chú về chơi thắp cho thầy cháu nén nhang.

Ông Lâm ngước nhìn ra bến cảng nơi tàu Hoa Phong Lan thỉnh thoảng vẫn về đậu ở cảng. Quyền lực, vầng hào quang vay mượn từ thời bao cấp đã tắt, chuyển sang cơ chế thị trường tổng công ty ông Điền làm ăn “kinh thế” không hiệu quả. Người ta đã thay thế  hết thủy thủ đoàn của tàu cũng như  thay thế ban lãnh đạo. Ông Lâm thở dài thời thế đã thay đổi, buồn bực oán trách ai bây giờ.

   Ông nhìn ra hướng cảng ngóng con tàu thoáng buồn luyến tiếc những ngày qua.

Hoan nghĩ Luyến chỉ nói xã giao, nên anh không tham gia. Anh nhìn bộ mặt xọm đi, chòm râu mọc tua tủa, thương thương và buồn cho sự lận đận của ông Lâm.

Phà ở bên kia đã sang tới bến. Hai vợ chồng vội vã chào ông Lâm để theo mọi người xuống phà. Luyến quay lại nhắc ông Lâm

­     Thế nào trưa ngày kia chú cũng về nhé!

 

Từ quán nước ven đường lộ, mẹ con chị Hoa chạy ra đon đả chào hỏi

­     Cô chú đã về. Bà vừa vào trong làng

Hoan gật đầu chào chị Hoa và đưa cho thằng cu Mấm gói kẹo

­     Thế thì ta vào làng luôn, thắp hương cho thầy rồi ra đây sau.

Từ ngoài đường nhìn vào, Hoan chẳng còn nhận ra cái làng Dương Đông nghèo khó hoang tàn không cây tre cây chuối, lơ thơ mấy ngôi nhà lợp cói trên bãi sông đầy cỏ năn, nhiều muỗi và rãn, ban ngày cũng phải nằm màn. Con đường lầy lội đã được lót đá hộc trải đá dăm, chưa nhẵn nhưng phẳng phiu, chờ hết độ lún làng sẽ trải nhựa. Dương Đông bây giờ nhà mọc lên san sát đủ kiểu dáng. Có nhà vuông thành sắc cạnh đắp chỉ hoa lá như nhà hát thành phố ; có nhà nóc nhọn hoắt ngọn cao ngọn thấp giống nhà thờ châu Âu; có nhà thắt quả bồng quả to quả nhỏ cao thấp kiểu Ả rập trung Á; có nhà mái cong đầu rồng, đuôi phượng kỳ lân quỳ như nhà chùa triền. Ai thích kiểu gì xây kiểu đó. Một cuộc triển lãm kiến trúc quốc tế bát nháo không quy hoạch. Nhà xây sau, phải cố ngoi lên để cao hơn nhà xây trước, thành ra có phần hổn tạp; lộn xộn, tây không ra tây ta không ra ta. Xen giữa các nhà là cau cảnh, cau An Độ, thông, trắc bách diệp; là những bể cá cảnh những hòn non bộ díu vào nhau trên những khuôn đất chật hẹp. Dây điện giăng như lưới nhện khắp làng. Trên những cọc tre tại ngã ba, ngã tư các xóm nhỏ, dây nọ đè lên dây kia thành búi chằng chịt.

Hoan bùi ngùi trước cảnh hư nát của căn nhà cũ. Hàng giậu mồng tơi ngả rạp xuống mảnh đất sân rêu đầy lá bạch đàn đang mục.

­     Vợ chồng thằng Hoan về đấy à?

­    Vâng! Luyến lên tiếng thay chồng. Chị Hoa đem cơm vào mẹ đã ăn chưa?

­     Rồi !.

Hoan chạy ập vào trong nhà, ôm chầm lấy đôi vai gầy của mẹ, giọng anh nghẹn ngào

­     Chào mẹ! con đã về đây.

         Bà Liên vuốt tóc cậu con trai:

­    Tao chờ mày về để rước bàn thờ thầy mày ra nhà mới xây. Căn nhà này mối xông hết rồi. Tuy gần bà con lối xóm nhưng không có mẹ có con nó vẫn quạnh hiu. Mẹ già rồi con ạ.

Nói thế nghĩa là mẹ anh đồng ý ra nhà mới, không kêu ca rên rỉ như hồi bán vườn bạch đàn đổi lấy đất đầm.

Luyến bày hoa quả mua lúc xuống xe ô tô lên cái mâm bồng sứ men xanh da trời. Trên bàn thờ có bức di ảnh bố chồng mặc quân phục đội mũ cối, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng đôi mắt hiền từ.

­     Anh thắp hương khấn thầy đi

Hoan thắp hương khấn bố. Khói hương lảng vảng trong nhà rồi cuồn cuộn tuôn qua lỗ thủng mái cói mục lên trời. Bán căn nhà đầy kỉ niệm thời thơ ấu cũng tiếc, nhưng xây lại chen chúc nhau trên khoảng đất này thì không nên.

Từ ngoài bãi sông loa đài vọng lại bài hoa sứ nhà nàng, lời ca rên rĩ  oán trách cuộc tình dang dở.

­       Đài nhà ai mà kêu to thế ? Hoan hỏi mẹ

­    Cái đài pin của thằng Du, chồng cũ con Hoa, thường nó vẫn đeo bên hông. Chắc cu cậu đi câu cáy về.

­    Đi câu cáy? Cán bộ văn hóa huyện sao lại rỗi rãi đi câu cáy?

                     Bà Liên buồn rầu:

­   Nó bị đuổi việc rồi, may chưa bị tù vì tằng tịu với con thợ may phố huyện, tiêu lẹm vào tiền công quỹ lại vay mượn nợ nần lung tung làm mất thể diện cơ quan. Bây giờ về đi câu cáy để sống. Chứng nào tật ấy cái đài luôn kêu ông ổng bên hông suốt ngày, không bỏ được. Con bé thợ may chỉ chàng màng để móc tiền. Nó yêu đương gì cái thằng đã có vợ con. Vừa rời thằng Du ra, nó chài thằng công an huyện. Thằng Du hối hận đã muộn. Năm lần bảy lượt nó xin rước con Hoa về đoàn tu, con Hoa không chịu. Giá bà mẹ thằng Du bớt nanh ác một chút thì có thể, đằng này lúc nào bà ấy cũng trì triết đay nghiến nên con Hoa nhất quyết không chịu về. Tội nghiệp cả hai đứa. Chỉ có thằng Mấm là khổ thôi! Nói đến bà nội nó sợ như cọp, đêm còn ngủ mê thét lên “con không về bà nội đâu”

Luyến nhìn trộm chồng và mĩm cười một mình. Hoan vờ như không thấy lảng ra sân.

Sự huênh hoang của kẻ sỹ nông nghiệp vung tay quá trán không suy nghĩ và bất cẩn trong cuộc sống tất nhiên chịu hậu quả. Đây là bài học buồn. Nếu biết sống giữ gìn một chút, điều đáng tiếc sẽ không xảy ra.

Biết tin Hoan ở Hà Nội về, buổi chiều cùng một lúc cả hai ông hàng xóm cùng sang xin mua nhà. Hoan mang chõng tre ra sân mời hai người ngồi uống nước. Ông nào cũng trình bày là mình đặt vấn đề trước họ nói như muốn cãi nhau. Hoan kéo Luyến vào buồng nói thì thầm.

­    Cô đặt giá bao nhiêu, có hớ không ?

­   Không hớ. Giá đất trong làng còn thấp hơn! Chỉ vì ai cũng muốn mua nên họ chịu giá đắt hơn một trăm ngàn một mét vuông, thuế họ chịu.

Hoan đi ra vui vẻ nói với hai ông hàng xóm

­   Các ông thật lòng mua không và có sẵn tiền trả luôn không? Tôi rất ít thì giờ ở nhà, mong các ông dứt khoát cho.

­   Tôi mua !

­   Tôi mua, xin chồng đủ tiền mặt vào ngày mai

Sợ mất mối, hai ông cùng tranh nhau nói .

­   Điều kiện và giá bán cô Luyến đưa ra có ông nào phản đối không?

­    Không

­    Không

­   Tôi xin giải quyết thế này. Cả hai ông đều cần đất. Tiền gửi về từ nước ngoài không thiếu. Mảnh đất này rộng hơn một sào Bắc Bộ, chia đôi cũng gần ba trăm mét vuông. Mỗi ông nên mua một nửa để cùng mở rộng, cùng giữ được tình làng nghĩa xóm. Các ông thử thảo luận với nhau xem sao, nhất trí xin mỗi ông đặt cọc một chục triệu.

Khói thuốc lào quện mờ cả một góc sân, hai ông hàng xóm vừa hút thuốc vừa rì rầm trao đổi

Cuộc mua bán đđược thăm dò từ lâu, nên ngay lập tức mỗi ông đưa ra mười triệu tiền đặt cọc. Hoan viết biên nhận hẹn sáng mai chia ranh giới, sáng thứ ba làm thủ tục sang nhượng trên ủy ban xã. Họ có tiền đóng ngay vì dân Dương Đông bây giờ không nghèo như ngày xưa.

Đất Dương Đông nổi lên giầu có từ chục năm nay. Nửa làng làm thủy thủ tàu viễn dương, ngày xưa bị bóc lột gọi khinh bạc là phu “mạch nô”. Bây giờ họ phất lên nhờ buôn lậu hàng nước ngoài về. Số còn lại gồm hai thành phần: trót tham gia tề ngụy cho Pháp thì di cư từ năm năm tư hoặc mới vượt biên hồi mới giải phóng thống nhất đất nước khi ấy kinh tế đầy khó khăn. Giờ trở thành “kiều” từ Pháp, Úc, Mĩ, Canada, đem tiền của về mua đất xây nhà. Phởn phơ nhiều tiền bạc, nhưng cũng hay chạnh lòng sợ người ta móc mói chuyện cũ. Mặc dầu chính quyền luôn tạo mọi điều kiện để họ hồi hương làm ăn sinh sống không nhắc lại quá khứ, họ vẫn ngại.

Hai ông hàng xóm có tiền còn đang gửi ngân hàng vì đang tìm đất. Bây giờ mỗi ông thêm gần ba trăm mét vuông đất thổ cư liền nhà cũ tha hồ xây dựng mở rộng, họ mừng lắm. Nếu anh ép thêm vài giá nữa họ cũng sẵn sàng chấp nhận.

Nghỉ lại căn nhà cũ đêm cuối cùng Hoan bồi hồi nhớ lại thời thơ ấu và những kỷ niệm trong ngôi nhà này. Từ ngày bé biết bao sự đầm ấm thương yêu của bố mẹ bạn bè.

Nhìn mảnh trăng chiều trắng bạc  cô đơn trên bầu trời xanh, anh xót xa thương tiếc ngôi nhà và mảnh đất cũ nhiều kỷ niệm. Bố là liệt sĩ, lại là con một, Hoan được hoãn nhập ngũ, anh thi vào đại học học được nửa năm thì về cưới Luyến.

Đêm nay, hai người nằm trên cái giường gỗ xoan đóng từ ngày lấy nhau. Luyến xung xướng ôm lấy thân hình của chồng. Anh không gạt tay cô, mà còn khẽ vuốt nhẹ làn tóc của cô. Ngọn đèn xanh leo lét soi rõ Luyến đang cười, hàm răng trắng đều sáng lên trong bóng đêm.

 

 

 

 

 

Hai vợ chồng Hoan mang hương ra nghĩa trang liệt sĩ của làng để cúng bố. Bên cạnh miếu thổ thần bợt bạc màu vôi phai mốc xám, một khuôn viên nhỏ tường lửng chắn trâu bò, hơn hai mươi ngôi mộ xếp ba hàng dài dưới bóng những cây phi lao rậm rạp, rì rào trong gió. Các liệt sĩ chống Mỹ, chống Pháp của làng đều được quy tập về đây. Hoan chậm rãi thắp hương cho từng ngôi mộ và đứng trước mộ ông Liên khấn vái tâm sự với ông. Khói nhang lảng vảng bay thơm ngát một vùng.

Nghĩa địa của làng bên kia cái cồn hoang. Xưa rậm rạp, dứa dại và lau sậy, bây giờ trở thành phường của người âm. Nhà mồ to như nhà thật, cái một tầng cái hai tầng cẩn gạch men xanh men trắng xen lẫn những cái lăng cải tiến: vuông, tròn, bát giác bằng đá xanh đá đen. Nhiều ngôi mộ còn được gắn hình người chết in trên gạch men sinh động như ảnh lúc còn sống. Mỗi ngôi mộ một hướng, cái sau to hơn cái xây trước cố lấn át nhau, cách nhau chỉ một bước len chân. Người ta đắp rồng, đắp cọp, đắp chim ó trên những cái cột trụ thấp tè. Kiểu dáng trang trí tùy thuộc thẩm mĩ và đầu óc của gia chủ. Trong những ngôi mộ còn có đèn điện, các cột trước từng lăng riêng cũng có đèn cổng như ở nhà, điện yếu các bóng đèn chỉ đỏ như con đom đóm, tăng thêm vẻ ma quỷ trong nghĩa địa.  Đúng là phú quí sinh lễ nghĩa !

Trên đường về Hoan nghĩ cần bày tỏ cảm tình và giúp đỡ quan tâm đến ngưới quá cố là cần thiết nhưng giúp đỡ địa phương  còn cần hơn. Giá bớt xây mồ mả, xây một cái trường học cấp I cho trẻ con thì tốt biết mấy. Chắc mấy cụ nơi chín suối cũng đồng tình.

Những người cùng làng dù thân thiết hay thù hận, đều chôn chung trong nghĩa địa làng. Nếu có cái thế giới bên kia, gặp nhau họ có còn thù hận không? Nhưng con cháu họ ở thế giới này vẫn ngấm ngầm ghanh ghét nhau, khi có dịp họ sẽ bài xích làm bẽ mặt nhau. Niềm hạnh phúc êm ả hay sống gió đều do con người mà ra.

Lễ rước di ảnh ông Liên ra nhà mới đơn giản mà trang trọng. Ông thầy cúng mặc áo dài xám, đội mũ bình thiên các lá đề ghép quanh đầu màu vàng, chân đi giầy tây màu đen cầm bó nhang đi trước, theo sau bà Liên bưng bình hương, tiếp đến Hoan mặt nghiêm trang hai tay nâng bức di ảnh phai màu của bố trước ngực. Chú tiểu đồng áo dài xám tay xách cái tay nải đựng chuông mõ đi cạnh Hoan. Thằng Mấm chạy theo bên cạnh giơ tay sờ vào bên ngoài cái chuông, chú tiểu đồng vội gạt tay nó và dơ nắm đấm hù dọa. Đoàn người đi chầm chậm, hàng một từ trong làng ra. Thỉnh thoảng ông thầy cúng dừng bước làm một cử chỉ lạ lùng: rón bằng ngón cái và ngón giữa vào khoảng không phía trước ngực rồi vẩy bật ra hai mé đường như rắc hoa tưởng tượng cho người âm, hay bắt quỷ đuổi tà không ai biết. Khói từ nắm hương cuộn theo những cái vẫy tay điệu nghệ ấy. Ông thầy cúng đọc lẩm nhẩm những câu chú khó hiểu, miệng xít xoa rồi lại đi tiếp.

Trong nhà gia chủ đã bày sẵn nhang đèn, nải quả trên cái bàn con. Ông thầy cúng đỡ di ảnh và bát hương đặt lên trên bàn. Chú tiểu đồng vội lấy từ trong tay nải cái chuông và cái mõ đặt lên trên bàn. Vừa cúng ông thầy vừa thỉnh chuông gõ mõ.

Ông thầy cúng khấn vái. Chốc chốc ông dừng lại lấy lá bùa kẹp giữa hai ngón tay châm vào ngọn nến cho cháy rồi khỏa lá bùa màu vàng chữ đỏ vẽ rồng vẽ hổ, vung khắp bốn phía trong nhà. Gia chủ lại cúi đầu vái trước dy ảnh. Sau khi đốt lần lượt hết ba đạo bùa, ông thầy cúng ra hiệu cho gia chủ đưa di ảnh và bát hương lên bàn thờ. Thêm mấy câu phù chú khấn vái của thầy. Gia chủ được lệnh đốt vàng, tiền, đô la giả gửi cho người chết.

Hoan khấn vái trang trọng theo lời thầy, nhưng anh vẫn thầm tự hỏi cái ông Vũ Tá phó thư ký công đoàn nhà máy bột – xây trở thành thầy cúng từ lúc nào? Hai người đã nhận ra nhau nhưng họ lờ như không quen biết. Cái nhà máy bột xây thật lắm kỳ tích: có anh hùng lao động, có anh hùng chiến đấu chống Mỹ, nhưng cũng có cán bộ vô thần “có hạng” thành thầy cúng; có diễn viên giọng hát vàng nổi tiếng một thời bỏ chồng bỏ con đi tu chùa. Thời thế biến chuyển làm họ mất phương hướng đi vào con đường yếm thế, lẩn tránh tất cả những thành tích rực rỡ đã có. Họ tin vào cái gì đó xa vời không thật.

Chú tiểu đồng lặng lẽ thu chuông mõ. Ông thầy cúng cởi áo bát quái gấp lại cho vào tay nải. Bà Liên mời ông và tiểu đồng ở lại uống rượu. Ông thầy cúng từ chối với lý do còn đi đám khác vào buổi trưa. Con gà cúng 2kg, một đĩa xôi gấc được bỏ vào cái túi nilông màu xanh nhạt kèm theo cái phong bì. Hoan nghĩ chắc ông Vũ Tá túng lắm, anh lại bỏ thêm vào phong bì một tờ năm chục nữa.

Tiễn ông Vũ Tá và cậu tiểu đồng ra ngoài đường Hoan lễ phép:

­    Thầy về ạ, xin cảm ơn thầy.

Nhìn theo thầy trò Vũ Tá lếch thếch cuốc bộ dưới bóng hàng phi lao ven đường, Hoan thấy buồn!

Ông thầy cúng Vũ Tá đi rồi, Hoan đứng bùi ngùi tiếc những ngày tháng hào hùng khi còn chiến tranh, hòa bình rồi mải lo toan vì kinh tế người ta quên đi nhiều kỷ niệm tự hào để làm những việc có khi mình không muốn mà chỉ vì mưu sinh. Xưa kia trong chống Pháp ông Vũ Tá từng làm thư ký riêng cho một vị tướng có tên tuổi. Ông từng thuyết giảng về duy vật cho đông người nghe. Đồng tiền lên ngôi làm đảo lộn nề nếp tốt đẹp vốn có, bây giờ làm thầy cúng thật bất ngờ và trái ngược. Hai người quen biết nhau gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu này, họ trở thành xa lạ và khách khí. Hoan một điều thưa thầy hai điều nhờ thầy, Vũ Tá một điều gia chủ hai điều tín chủ. Khi mới nhìn thấy Hoan Vũ Tá xững người, mặt đỏ bừng ngượng ngùng, nhưng ông trấn tĩnh thản nhiên làm tiếp các  thủ tục trong khóa lễ.

Căn nhà ba gian lợp tôn, có trần nhựa nhìn ra khoảng đất mới đổ còn chỗ cao chỗ thấp phía trước,  một khoảng sân nhỏ rải đá mạt, hai bên hai gốc bí mới lên được mươi lá chưa có giàn.

Cạnh ngôi nhà lợp cói ven lộ, hai xe tải đang sửa chữa thùng ben dựng dốc ngược lên trời giống giàn pháo tự hành. Cạnh nhà ngổn ngang sắt phá dỡ tàu, sắt phá dỡ nhà, cong queo thành mấy đống. Một máy hàn hơi phì phì phun lửa xanh lè cắt lọc sắt thành tấm thành miếng, đủ kích thước để người ta mua về thay thế sửa chữa những con tàu bị móp, bị bục. Bã đất đèn hàn thải ra trắng xóa khoảng đất mới đổ như rắc vôi.

Rước bát hương và dy ảnh ông Liên sang nhà mới Hoan thấy cay ở sống mũi.

Luyến làm cơm cúng tạ. Mùi hương bài tỏa ra ngan ngát thơm dìu dịu lảng vảng khắp nơi, khói cuộn lượn lờ phảng phất.

Nhìn đống sắt phá dỡ cao chất ngất như núi. Hoan hỏi Luyến lúc cô đưa anh đi xem khoảng đất mới san lấp thêm.

­    Cô biết gì về sắt thép, mua cái đống phế thải mục nát về đây, liệu có giữ được vốn không? 

­    Phế thải mục nát là sao? Tất cả là tiền đấy anh ạ. Miếng sắt to bán cho người ta chữa tàu, miếng sắt nhỏ bán làm mã hàn chân cột, nhỏ nữa bán làm bản lề nẹp khóa. Sắt tròn nắn ra rèn đục nhọn, đục bằng, làm đinh thuyền v.v… chả vất đi một tí nào.

­    Ai chỉ dẫn cô buôn sắt?

­   Thì cũng là các anh lái xe bảo mua về bán cho các anh ấy sửa thùng xe. Có khách hàng bên ngoài mua em bán, rồi nó quen đi. Trông thế mà lãi gấp mười lăm hai mươi lần giá mua đấy.

Hai người đi trở lại, thấy ông Bằng chủ tịch xã đang khấn vái trước dy ảnh ông Liên. Cái xà cột đặt trên ghế nhựa. Luyến đứng chờ ông vái xong nhanh nhảu.

­    Cháu chào chú. Mời chú ra uống nước

Ông Bằng quay ra vui vẻ nói:

­   Cháu Hoan cũng về đấy à? Dạo này cháu mập mạp hẳn lên, không còn vẻ thư sinh nữa, dáng vẻ bệ vệ phát tướng rồi.

­    Cảm ơn chú. Vợ chồng cháu cũng đang định sáng mai lên tìm chú nhờ chú chứng cho chúng cháu bán cái nhà nát gom ít tiền mở mang chỗ này.

­    Hì … hì chú cũng có việc phải nhờ các cháu đây. Chỉ có các cháu giúp được chú thôi.

­    Nhờ chúng cháu ? Hoan hỏi vẻ ngạc nhiên, có quan trọng lắm không chú?

Ông Bằng hút xong điếu thuốc lào ngửa đầu thở khói lên trời, tay vỗ vỗ miệng ống điếu cho sái thuốc bật ra. Ông đang lựa lời.

­    Chả là dạo này bộ đội thương binh về làng nhiều, xã phải sắp xếp cho họ chỗ làm việc, chú muốn nhờ cháu nhận cho vài người để họ có công ăn việc làm không lên xã ngồi đợi như biểu tình, chú không làm việc được.

Hoan rót nước mời ông Bằng và đoán

­    Chắc chú lại bị họ đeo bám quyết liệt nên khó chịu chứ nóng ruột nóng gan gì! Chiến thuật của nhà lính đấy chú ạ.

­    Vừa ngồi xuống là các tướng ấy đã xúm quanh yêu cầu xếp việc mà xã thì lấy đâu ra việc làm. Có thằng còn khùng lên nói bậy” Lúc tôi có giấy báo tử, chính ông đến đọc điếu văn nói trước mọi người “vô cùng thương tiếc đồng chí”. Nay đồng chí đã đem xác về đây hãy giải quyết cho đồng chí có việc làm khỏi phải ăn bám vợ con”. Nghe tới đây, chỉ có nước xách túi lỉnh luôn, đối đáp thêm phức tạp.

­    Vì thế chú bỏ cả cái xe đạp ở ủy ban đi bộ xuống đây? Hoan hỏi

­    Đi xe đạp thế nào được. Nó túm lấy xe ngay. Nó cứ cười cợt dịu dàng mà ép mình mới chết chứ!

­    Lính mà chú!

Cả nhà cười rũ ra vì câu “hãy thương xót mà cho đồng chí việc làm”. Đang buồn, bà Liên hỏi gay gắt:

­    Có thật chúng nó lên ủy ban quậy phá không? Toàn con cháu cả. Chỉ riêng chúng nó là có công với cách mạng thôi à? Cậy có công, muốn làm gì cũng được à? Để mai tôi lên ủy ban, thằng nào càn quấy tôi chửi cho một trận xem nó dám làm gì tôi. Chú và chính quyền ngại to chuyện, chứ tôi không ngại.

­    Thôi thôi chị ơi. Đây là con là cháu và toàn anh hùng cả. Đừng làm to chuyện ảnh hưởng đến chính sách

Luyến nhẹ nhàng nói với ông Bằng

­    Việc cũng có đấy! Ở đây cơ sở nhỏ, không có việc lâu dài, có việc thì làm, hết việc thì nghỉ. Công việc nắn sắt khoán gọn theo kilôgam. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít, ăn ít, giá cả thỏa thuận như các cơ sở khác các anh ấy có chịu làm không.

­    Nếu được thế thì tốt quá ! Cũng chỉ cần có việc ít lâu, chờ  huyện làm chế độ chính sách cho từng người là được.

Ông Bằng cười sảng khoái, vê tiếp điếu thuốc lào cho vào nõ điếu: chợt nhớ ra điều gì ông hỏi

­    Mai cho họ xuống làm việc được chưa?

­    Sáng mai chúng cháu lên ủy ban làm giấy bán đất

Ông Bằng vội nói :

­    Sáng mai bảy giờ chú đưa anh em họ đến nhận việc, sau đó ta cùng về ủy ban.

Quên cả hút thuốc ông Bằng vội xốc túi đứng lên. Bà Liên gỡ cái túi của ông xuống

­    Nhân tiện cúng ông nhà tôi ra nhà thờ mới. Chú ở lại uống chén rượu, tí nữa chú Lâm đến bây giờ. Có thêm chú, chú Lâm chắc vui lắm!

Có tiếng đàn bà kêu thất thanh:

­    Bớ làng ! cứu với cứu với

Bà Liên nói :

­    Lại thằng phải gió nào đánh vợ, ầm ỹ xóm làng không biết !

Tiếng kêu cứu dồn dập mỗi lúc một gần, khiến mọi người có mặt trong nhà bà Liên phải chạy ra nhìn. Một người đàn bà mặc đầm bó màu trắng, găng tay trắng, mũ rộng vành hất phía sau làm mớ tóc vàng xả xuống khuôn mặt son phấn nhòe nhoẹt vì mồ hôi và nước mắt. Con manơcanh biết chạy đang hổn hển kêu cứu. Tay Tùng cầm một đoạn mía bước rảo đuổi phía sau. Khi con manơcanh định dừng bước anh lại dậm chân bành bạch. Người đàn bà hốt hoảng chạy tiếp như trẻ con bị dọa. Người hai bên đường đứng cười cợt xem trò vui không phải là trò ẩu đả, chẳng ai can thiệp giúp bà “me tây” tội nghiệp đang chạy thở không ra hơi.

Hoan chạy ra chặn Tùng :

­    Tùng! Vào đây uống nước đã, kệ cho bà ta chạy. Mày còn nhớ tao không ?

Tùng là bạn học của Hoan lúc thuở cấp một, anh dừng lại vui mừng bắt tay bạn. Họ ôm lấy nhau vỗ lưng thùm thụp “còn sống về làng là mừng rồi”.

Nhìn thấy ông Bằng ở đây Tùng diễu cợt

­    Chú trốn đến đây nhanh hơn cả cô Thơm chạy bọn cháu

Ông Bằng hoan hỉ báo tin:

­    Có việc cho các anh rồi. Hãy vào đây gặp cô Luyến bàn bạc công việc ngày mai.

­    Đừng đuổi nửa, nhỡ bà ấy đau tim lăn ra chết thì phiền phức.

Hoan nói và kéo Tùng vào nhà. Phía xa bà Thơm ôm gốc cây phi lao vừa thở vừa chửi “mấy thằng trời đánh thánh vật”. Chị Hoa dìu bà Thơm vào căn nhà lợp cói cho bà nghỉ và uống nước.

Nhóm bộ đội đang bức xúc vì ông chủ tịch loáng mắt đã lỉnh mất, ngồi chờ một lúc họ kéo nhau về hậm hực và cáu kỉnh. Hôm động viên lên đường sao dẻo thế, bây giờ chuồn nhanh không ai biết.

Qua đình làng Thượng, họ tạt vào thấy Bà Thơm “me tây” ngồi vắt chân chữ ngũ, gấu váy đầm tốc lên quá gối, mặt son phấn lòe loẹt khó coi, đang cho xé vải soàn soạt chia cho mọi người. Bực dọc và cảm thấy chướng mắt họ ập vào đình. Lũ vợ con mấy anh lính cũng xếp hàng chờ nhận phần. Mấy anh thấy tủi trước cái cảnh phát chẩn. Họ đuổi vợ con về và bảo cô Thơm không được chia vải nữa phải mang vải ra ủy ban để ủy ban phát cho các gia đình. Cô Thơm nguýt ngang, giọng chanh chua kéo dài từng lời:

­    Tôi chẳng cần ủy ban. Tôi có của, tôi muốn cho ai thì cho, các anh không có quyền. Các anh muốn xin thì vào đây xếp hàng. Tôi sẳn sàng cho một suất.

Nói cô Thơm không được, nhìn mấy cô vợ còn tần ngần tiếc rẻ chưa rời hàng. Họ đánh đông dẹp bắc để về chịu cái cảnh này à? Mắt long lên sòng sọc, họ quát ầm lên:

 

­   Xếp hàng à? Chúng tôi không phải là ăn mày“Cái Bang”. Thuở trẻ cô lấy tây làm nhục bố tôi, bây giờ cô làm nhục chúng tôi hả?

Đứa cháu ruột cô Thơm quát lên đầy phẫn nộ. Chẵng cần nhiều lời sẵn bụi mía ở sân đình, các chàng lính dựt ra làm gậy đánh đuổi các cô vợ.

­    Ăn xin này !

­    Không biết nhục này!

Tiếng oai oái của mấy cô vợ lính làm cô Thơm hoảng. Cô vội vàng co cẳng bỏ chạy, Tùng cầm cây mía đuổi theo với ý định dồn cho mẹ me tây nhẩy xuống ao.

Ông Lâm từ bến phà lên, anh Kết đánh xe từ huyện về, mọi người quây quần dự bữa cỗ giỗ ông Liên.

Câu chuyện lấy chồng tây rôm rã trong bữa cơm được mời. Chuyện mấy cô  gái mới lớn cũng tấp tễnh hy vọng lấy chồng ngoại. Trai làng nổi giận đêm đêm tụ tập ném bùn ao vào đầy sân, vào tường. Khổ cho ủy ban phải nghe kiện cáo việc không đâu.

Cuối bữa cơm, ông Bằng thủng thẳng nói

­    Có một việc, xã muốn nhờ cháu Hoan góp một tay.

­    Cháu ở xa làm được việc gì mà xã nhờ

­    Xã ta chưa có điện, một mình nhà cháu có điện, người ta bảo cháu làm ngành điện nên được ưu tiên. Xã muốn cháu xin trên tìm cách cấp điện cho xã ta. Có điện thì đời sống mới khá lên được.

Xã cần điện thì Hoan đã thấy rồi. Bây giờ xã lại nhờ, chắc anh phải ra mặt giúp. Anh nửa đùa nửa thật với ông Bằng.

­    Chiều chủ nhật khoảng hai giờ chú ra đây cháu đưa chú sang nhà giám đốc điện xem có giải quyếr được không. Việc này ngoài tầm tay của cháu. Giai được phải có hoa hồng đấy nhé. À chú phải đến đúng giờ, tối cháu còn phải ra tàu về Hà Nội.

Ông Bằng đến rất đúng giờ, ông mặc áo bốn túi đại cán kiểu Tôn Trung sơn màu vàng đất khô, chân đi đôi dép rọ nâu. Hoan nhìn ông Bằng cười: Có lẽ bộ quần o ny phải long trọng lắm ơng mới dm mặc.

Hai chú cháu đèo nhau ra ga mua vé, xong mới quay lại nhà Được. Mới có 5 giờ chiều Được chưa về đành phải ngồi đợi.

Đây là lần đầu tiên Hoan phải xin nhờ giúp đỡ không biết Được có từ chối không? Nếu bị từ chối thì bẽ mặt quá. Vợ Được gọi điện cho chồng thông báo Hoan đến chơi. Ít phút sau Được về vồn vã ôm bạn và chào ông Bằng. Hoan giới thiệu ông Bằng và nói:

­     Có một việc quan trọng phải nhờ tới ông.

­   Tôi tưởng ông quên Hải Phòng rồi! Vào đây, việc gì trong tay tôi tôi sẽ làm ngay cho ông.

Được vừa nói vừa pha nước mời hai người, Hoan cười

­    Lên giám đốc ông quên tôi thì có

­    Ai bảo thế? Quên thế nào được? Ông là tai mắt của tôi ở Hà Nội. Muốn biết gì ở Bộ là tôi phải hỏi ông, cần gì ông giúp ngay đấy nhé.

­    Xin cảm ơn. Tôi phải ra tàu trước bảy giờ tối nên nói vào việc ngay. Xã tôi không có điện muốn ông giúp đỡ. Điện khí hóa nông thôn chẳng nhẽ các ông chừa riêng xã tôi, làm sau hay sao?

Được vỗ trán ra chiều suy nghĩ:

­    Hơi khó, vì xã không có đường cao áp đi qua. Đưa cao áp về tốn kém lắm chưa có kinh phí.

Hoan cười, lý lẽ muôn thuở để trì hoãn. Ông Bằng mặt ỉu xìu:

­    Xin đồng chí cố tìm cách giúp cho, chưa có điện dân còn khổ, còn nghèo.

Thấy Hoan cười,  Được chột dạ vội nói:

­    Điện của xã nhà cũng được bàn rồi và đang xin duyệt kinh phí. Nếu được duyệt thì chúng tôi chỉ kéo điện cao áp đến trạm từ trạm hạ áp đến các hộ trong xã phải nhân dân và nhà nước cùng làm. Xã ta sẽ có điện ngày gần đây.

Nhanh và khéo léo, chiếc phong bì từ túi áo đại cán đã được ông Bằng đẩy về trước mặt Được.

­    Gọi là một chút quà nhỏ ra mắt, mong ông nhận cho.

­   Ấy chết, sao lại làm thế! Chúng tôi đang phấn đấu cuối năm có điện về xã. Bác cứ về thông báo nhân dân chuẩn bị kinh phí đón điện.

­    Xin cảm ơn ông trước

­    Có gì phải cảm ơn. Trước sau cũng có điện chỉ là nhanh chậm thôi. Chúng tôi sẽ đề đạt lên trên làm thật nhanh cho xã nhà.

Hoan hiểu là đã có kinh phí nhưng chưa tiến hành. Anh nói với ông Bằng:

­    Chú yên tâm tết là có điện thắp sáng cả làng ông Được nói như vậy là yên tâm rồi.

Ông Bằng đứng lên:

­    Một lần nữa xin cảm ơn ông giám đốc, chúng tôi xin cáo từ.

­    Thưa bác tôi là Phó giám đốc thôi ạ

Được cười nói với ông Bằng:

­    Xin bác cứ về trước, tôi còn vài chuyện muốn bàn với anh Hoan. Tôi xin đưa anh Hoan ra ga thay bác. Tuần sau sẽ có người đến cắm mốc xây trạm điện, bác hết sức giúp đỡ cho nhé.

Được tiễn ông Bằng ra cửa rồi quay lại nói với Hoan:

­    Ông có thư nước ngoài! Lại của con thị mẻng phải không? Cẩn thận kẻo tan cửa nát nhà.

Được mở túi quẳng ra bàn hai lá thư của Tiểu Mai, mở phong bì tiền chia làm hai đưa cho Hoan một phần:

­     Lộc bất tận hưởng cầm lấy mà sài đừng ngại, xã ông giàu hay nghèo cũng không ai khốn khổ vì cái phong bì này đâu. Bây giờ tôi chở ông ra phố Bắc Ninh đến hàng thịt chó Sang, ăn xong vẫn còn kịp giờ lên tàu.

 

 

 

 

 

 

Chuyến xe tải chở máy giặt, tủ lạnh của Lượng do tài Khánh lái, hai giờ chiều chủ nhật đã lên tới Hà Nội. Trên xe còn thêm chiếc Honda cúp màu rêu mà chuyến trước Lượng hứa mua giúp Hoan. Lượng mở rộng cánh cổng sắt lối vào sân nhà để xe. Cửa lâu không mở, nặng và rít ken két

­     Anh Khánh lùi xe thẳng vào trong sân, rồi đóng cổng khóa lại.

Hoan nghe tiếng ô tô, chạy xuống. Ba người hì hục khiêng sáu tủ lạnh, năm máy giặt và cả cái xe máy vào hành lang nhà, Khánh xách hòm đồ vào; mở ra đủ các loại kìm, búa, tô vít, cờ lê, mỏ lết. Họ bắt đầu tháo vỏ máy giặt, máy lạnh. Phía sau lớp vỏ sắt có vẻ mục rỉ của các máy lạnh, hàng trăm túi nilông căng phồng như gói kẹo buộc treo xung quanh thân máy

­     Ma túy à. Hoan buộc miệng hỏi

­    Ma túy? Dại gì tôi để ông biết dể dàng thế này mà không chuẩn bị tinh thần cho ông trước. Buôn hàng vật tư lậu chỉ mất hàng, mất thuế. Buôn ma túy để nằm nhà đá à?

Lượng gỡ một gói đưa Hoan:

­     Ông dở thử ra xem. Nghề của ông đấy !

Toàn linh kiện bán dẫn hai chân, ba chân vi mạch, tụ điện nhỏ như hạt ngô, hạt đổ.

­     Hàng người ta đặt mua đấy. Độc đáo và hiệu quả là loại này.

Lượng dơ lên gói đi ốt to như đầu ngón chân cái hay to bằng cái chén uống nước dứ dứ vào mặt Hoan..

­    Chắc ông biết cái này. Miền Nam dùng cho mạ điện, miền Bắc dùng điện phân Kali thành thuốc pháo, hoặc điện phân muối thành nước javen pha thuốc tẩy làm xà phòng.

Hoan nghĩ đi buôn cùng cần hiểu biết hàng mình mang về bán cho ai và sử dụng vào việc gì. Họ lắp xong vỏ mấy cái máy giặt thì Hương Lan về. Những đêm mất ngủ nghĩ ngợi vớ vẩn, căng thẳng, chuyện chồng con làm chị đăm chiêu như ốm, khi chị trông  thấy ba người, mặt chị rãn ra rạng rỡ lên!

Ít lâu nay Hoan tránh né chị. Mỗi lần chị gõ cửa đều thấy Hoan hai tay bết sơn, anh viện lý bận việc luôn từ chối những cuộc đi chỉ có hai người.

Lượng nói với Hương Lan:

­    Em mua biếu chị cái máy giặt để chĩ đỡ vất vả. Còn cái tủ lạnh saratôp này mới toanh, chị phải trả vốn cho em. Chị lên mở cửa phòng tìm chỗ đặt. Đông người chúng em khiêng lên luôn kẻo đến ngày mai phải nhờ người khiêng.

Trong khi Hương Lan lên dọn phòng Lượng lấy tô-vít tháo vỏ máy lạnh ra. Hai bên thân máy có hai tấm Niken màu xám, mỗi tấm 20kg. Chỉ nước Nga mới sẵn hàng Niken.

Họ khiêng máy giặt lên đặt cuối hành lang, vì chưa có điện nước. Còn tủ lạnh đặt ngay trong phòng của Hương Lan. Ngắm giàn lạnh đang đóng tuyết, nghe không rõ tiếng kêu của máy nén. Hoan vỗ vỗ lên vỏ máy.

    ­    Êm tốt! Anh tuyên bố. Máy lạnh này dùng mười năm cũng chưa hỏng.  Để mở đầu cho sự thịnh vượng của tủ lạnh tôi xin “cung tiến” một ít hoa quả, mong bà chủ nhận cho.

Anh mở gói hoa quả mang từ dưới phòng thuê lên và đặt vào ngăn lạnh. Những quả táo tây chín đỏ au, lê và cam vàng óng.  Hương Lan ửng hồng đôi má, Hoan vẫn còn nghĩ tới mình. Từ lâu Hoan có ý lẫn tránh chị, hạn chế bớt những cuộc đi chơi, chị càng cảm thấy cô đơn, chị nhìn Hoan dịu dàng nói:

­    Hoan lại khách khí rồi !

Có tiếng chuông gọi cổng. Hoan chạy xuống mở cửa cho Long chợ trời. Lượng nói vui vẻ:

­    Ông thiêng thật! Vừa nhắc đến là tới liền.

Long nhìn quanh xem hàng, mắt anh sáng lên khi nhìn thấy những cái điốt mắt trâu.

­    Hàng tôi đặt ông mang về đủ chứ?

­   Chẳng những đủ mà còn dư số lượng. Hôm nay ông ở đây ăn cơm với chúng tôi rồi nhận hàng luôn. Có ít tôm tươi và năm chú cua gạch mới mang từ Hải Phòng lên, đủ dùng cho cuộc gặp gỡ này.

Long chợ trời liếc mắt nhìn Hương Lan và đánh giá chị không phải người của bếp núc. Anh lắc đầu:

­    Các ông bắt tiểu thư Hương Lan vào bếp nấu ăn, ta ăn xong chị lại phải dọn dẹp lau chùi, còn bọn ta chỉ tán phễu là không ổn. Tôi vừa dọn đến nhà mới hôm qua, các ông chưa biết nhà. Tôi đề nghị hãy biếu số tôm cua này mừng nhà mới của vợ chồng tôi. Xin mời tất cả kéo nhau xuống nhà tôi ăn cơm. Chị Hương Lan chắc không phản đối chứ ?

­    Chị nhất trí chứ? Lượng hỏi chị.

­    Tùy cậu và các anh.

­    Cậu Khánh đâu? Lượng gọi. Ta lại làm tiếp con xe này, rồi còn đi. Anh Long muốn khoe tài nấu ăn của vợ, đừng làm anh phật lòng.

Lượng mở nắp bình chứa xăng xe máy rút mớ rẻ chèn chắn bên trong. Hai người khiêng lật ngửa xe máy lên. Từ trong bình xăng lủng củng rơi ra toàn mũi dao hợp kim dùng để cắt gọt kim loại bọc trong túi ni lông trắng giống như những cái kẹo lạc.  Họ dốc xe lắc lắc cho tới khi không còn tiếng kêu nữa mới dừng.  Hoan băn khoăn nhìn Long và Lượng. Hai trăm mũi dao bán cho ai. Chừng như hiểu nỗi băn khoăn của Hoan, Long chợ trời giải thích:

­    Chỉ sáng mai số hàng này sẽ  theo tàu hỏa vào Sài Gòn. Ngành tiện phay bào ở các nhà máy quốc doanh cả hai miền Nam Bắc đang thời “liệt vị” thiếu đầu ra, nhưng ở Sài Gòn các xưởng tư nhân gia công làm nhái hàng ngoại nhập vẫn phát triển. Sờ chỗ nào cũng có hàng nhái, hàng giả. Không cẩn thận là dính đòn liền.

Lượng mở cái túi bằng vải bạt của lính Mỹ, lấy giấy tờ xe đưa Hoan:

­    Đây là giấy thuế nhập, đây là tem nhập hàng. Tem chỉ được cấp một lần, đừng để mất, cầm lấy, mai mốt anh Hoan đăng ký xin số xe. Xe này tôi mua hộ. Anh Hoan chỉ phải trả nguyên giá gốc, một cây chẵn.

­    Anh có cần lấy tiền ngay không hay để lúc về?

Theo giá thị trường cái xe rẻ được dăm trăm. Hoan ngắm nghía cái xe sắp là của mình lòng thấy vui vui.

    ­   Tùy anh, nếu anh có ngay thì tốt. Mọi người hãy đỡ hộ tôi lô hàng này lên xe để chở đi.

Hàng lên xe tải, người đi xe máy, dừng lại trước ngôi nhà hai tầng kiểu cũ gần chợ trời. Bà cụ hàng nước vội vàng dẹp cái bàn nước bằng gỗ nâu xỉn màu chè ố hoen để Khánh lùi xe vào trong cổng bên cạnh, vào sâu sau nhà. Trong nhà, đèn ống sáng choang. Hàng trăm cái máy giặt, tủ lạnh đủ kiểu, đủ màu sắc các nước như Nga, Nhật, Nam Triều Tiên, được bày bán , cũ có mới có.

Long gọi vợ ra chào mọi người. Anh giới thiệu:

­    Đây là chị Hương Lan, chị ruột chú Lượng, còn lại các anh đây em đã gặp. Tôi giới thiệu với chị Hương Lan đây là Thịnh vợ tôi, chiến sĩ thi đua ngành dệt về hưu non “một cục”, bây giớ là chỉ huy trưởng gian hàng này kiêm cố vấn “chính trị” cho tôi.

Vì lam lũ, Thịnh có vẻ già hơn chồng, mái tóc ít được chăm sóc đã duỗi hết búp, loăn xoăn xõa ngang vai. Dáng người đậm đà, Thịnh cười ngượng nghịu mời khách vào nhà trong. Long chợ trời nói với Thịnh:

­    Có ít tôm và cua biển anh Lượng cho để ở ngoài xe, “đồng chí vợ” bảo bọn em nó ra chợ mua gia vị và trổ tài “nội tướng” làm cơm đãi khách.

Hương Lan đứng lên đon đã:

­    Để tôi làm phụ chị một tay.

­    Chị cứ ngồi sơi nước nói chuyện, nửa giờ nữa là đâu khắc vào đấy. Em quen làm các món này rồi.

Nói thế nhưng hai người đàn bà cũng líu díu dắt nhau xuống bếp. Đồng chí vợ của Long về hưu từ cái ngày đường sắt Bắc – Nam làm xong. Theo ngược đoàn tàu ra Bắc; quạt điện, suvontơ, khung xe đạp đè oằn lưng các anh bộ đội hồi hương cùng vải vóc các loại làm quà chặt đầy chiếc ba lô “con cóc”. Người ta chuộng vải mới. Vải Katê, vải Kaki, vải phin nõn mỏng đủ màu đã đánh bại vải xanh Sĩ lâm, thứ vải chỉ để may quần áo an toàn, vỏ áo bông kiểu Tôn Trung Sơn. Mặt hàng chính bị chê. Những cái máy dệt cũ năng xuất không cao, sản phẩm không đẹp nên ế. Nhà máy làm ăn không có lãi. Thịnh được về hưu, vừa giúp được chồng vừa chăm sóc được con. Chị không thắc mắc chuyện đãi ngộ công lao bỏ ra xây dựng xã hội, vui vẻ giúp chồng buôn bán.

Những năm này, người năng nổ sốc vác bung ra mở cửa hàng, lập quán. Một vài anh đảo ngũ không dám về làng tìm sống bằng nghề đổi dép nhựa số to lấy số nhỏ hay ngược lại để lấy chênh lệch mưu sinh, hết chiến tranh vội vàng tìm đường buôn xuôi ngược. Những người về hưu non, về mất sức hoặc chưa có việc, đua nhau mở xưởng thủ công, ép dép bằng nhựa tái chế, làm săm lốp xe đạp kiểu thủ công ép chín từng khúc, làm cơ khí nhỏ; mở lò gạch, lò vôi nhiều vốn làm xi măng lò đứng hoặc ồ ạt kéo nhau đi kinh tế mới, tìm đất sống. Một vài nơi sản xuất và kinh doanh tự phát mạnh như muốn tuột khỏi tay các nhà quản lý.

Nhiều mặt hàng trước tư nhân bị cấm sản xuất, chỉ tìm thấy trong mậu dịch quốc doanh hoặc qua khâu phân phối, giờ nhan nhản trên hè phố, trên những cái mẹt bán bưng, vừa bán vừa chạy công an thuế vụ. Hàng không đẹp, chưa tốt nhưng đã có hàng mà mua, mà dùng.

Ở những đô thị và thành phố, cao nhất là tháp chuông nhà thờ hay mái cong nhà chùa, bây giờ độ cao ấy bị lút mất bởi các nhà cao tầng của các liên doanh khách sạn hoặc nhà hàng.

Cùng với sự góp sức sản xuất tiểu thủ công, các nhà máy dần gượng dậy, các nhà hàng lớn, các khách sạn, các quán ba đua nhau mọc lên, khách du lịch kéo vào, người ta bắt đầu sính dùng hàng ngoại, và theo đó là tệ nạn xã hội phát sinh. Những điều tốt đẹp của xã hội chủ nghĩa bị xâm phạm, thậm chí không tuân thủ mà còn lãng quên. Phẩm giá con người bị tiền chi phối, đi học phải có tiền, chữa bệnh phải có tiền. Những điều trước đây được bao cấp được cho không, giờ phải mua. Xuất hiện nhiều tầng lớp giàu nghèo khác nhau. Người ta tự hỏi, cứ theo cách cũ mãi mãi đói nghèo, đổi mới sẽ đưa đất nước tới đâu. Lớp người đẻ ra trong kháng chiến và cách mạng đầy nhiệt huyết vì dân nghĩ gì khi cái nếp cũ đang bị phá vỡ?

Trong bữa ăn Long tâm sự, sắp tới anh sẽ mở công ty để có đầy đủ tư cách pháp nhân trong giao dịch với các cơ quan nhà nước, mở tài khoản trong ngân hàng và còn để có quyền xin đăng ký một máy điện thoại bàn. Anh nói, lắp một điện thoại bàn rất nhiêu khê phải đủ các loại giấy, phải sắp hàng chờ xin duyệt, muốn  nhanh phải đút lót.

­    Trước sau gì cũng phải mất thuế. Có giấy phép kinh doanh, nhưng phải là “công ty”, giao dịch mới được người ta nể và tin tưởng. Mình úi xùi vừa kém uy tín, vừa bị các đối tác e ngại không dám giao dịch.

Hương Lan tươi cười hỏi:

­    Anh đặt tên công ty là gì?

­    Thịnh Long có được không?

Hoan mỉm cười, anh chợt nghĩ đến chữ “Long” trong hội Tam Hoàng có chút khoe khoang. Long nhấn mạnh:

­    Cơ khí điện máy Thịnh Long! Tiện đây tôi cũng mời ông Hoan và xin phép ông Hoan cho tôi đưa ông vào danh sách tên các cổ đông với chức danh cố vấn cơ điện.

Hoan cắt ngang:

­    Giúp về kỹ thuật, lúc nào tôi cũng sẳn sàng. Ông biết đấy, cán bộ công nhân viên đang tại chức không được phép làm kinh tế tư nhân. Việc ông phài làm nhanh là mở công ty, còn cá nhân tôi, thư thả bàn bạc sau. Nếu ra mắt công ty tôi sẽ kéo thêm bạn bè đến dự cho thêm phần khí thế.

Ăn cơm xong Hoan lấy xe máy đưa Hương Lan về trước. Trời lạnh, ngồi phía sau Hương Lan lại áp bộ ngực mềm vào lưng anh, làm anh thấy nhột thinh thích.

Trần Khánh ra ngồi uống nước ở quán bà cụ ngoài hè phố, Long và Lượng làm thanh toán tiền nong. Nửa giờ sau Khánh được gọi vào, Lượng đã ngồi trên xe rồi.

Long mở cổng bên hông nhà, cho xe ra:

­    Ngủ đây tâm sự mai về thư thả có gì mà vội.

­   Thôi để về chỗ chị Hương Lan cho tiện, mai đi lúc nào thì đi. Xin cảm ơn cả anh lẫn chị, hẹn chuyến sau gặp lại.

Tránh đường một chiều Trần Khánh cho xe rẽ ra đê sông Hồng. Gần đến Bác Cổ, Lượng nói:

­   Cho xe đi thẳng qua cầu Chương Dương về Hải Phòng.

­    Sao bảo ngủ nhờ chỗ chị Hương Lan.

­    Cậu này khờ quá. Ôm một đống tiền, lúc nào cũng phải đề phòng bất trắc. Bạn mình tốt, nhưng kẻ ăn người làm của họ thì sao? Ta nói đi đàng Đông, ta lại đi đàng Tây, không để thành qui luật cho người ngoài dò xét theo dõi. Qua cầu cậu bật đèn pha đi chậm và chỉ có quyền vượt chứ không cho xe nào vượt lên.

Trần Khánh im lặng lái xe, Lượng rút cái búa nhỏ dưới nệm ghế kẹp vào hai chân, dựng cái ống sắt cạnh cửa xe. Họ cảnh giác trên đoạn đường số 5 nhiều giang hồ đất cảng xuôi ngược.

 

 

 

 

 

Giao cho Thiện kiêm nhiệm lãnh đạo thêm nhóm của Quýnh, sau khi Quýnh bị chuyển về Viện Thiết Kế công nghệ. Ông Vĩnh bảo Thiện:

­     Tôi xếp Hoan vào nhóm cậu được không?

­    Sợ nhất là mất đoàn kết, khó lãnh đạo. Thiện chối. Xin anh thư thư ít hôm nữa.

Khi muốn trù ai thì chỉ cần một câu nhận xét vô thưởng vô phạt: “Tư tưởng có vấn đề” hay “cần xem lại lý lịch” là cá nhân ấy hãy tạm dừng tại đây chờ thẩm tra. Còn có vấn đề gì hay không, phải xem lại điều gì trong lý lịch thì chẳng ai rõ đến lúc nào nó kết thúc.

Ông Vĩnh nói:

­    Dùng người nên mạnh dạn, chỉ có người thiếu năng động tư cách hèn kém mới vâng lời như cái máy, dễ bảo cũng dễ phản trắc. Viện lý do mất đoàn kết thật không khéo. Chỉ mất đoàn kết khi không cùng hướng đi, mâu thuẫn về quyền lợi và tư tưởng thôi.

   Thiện rất thích anh chàng Hoan hiền lành nhưng cho vào nhóm cần phải cân nhắc. Thiện nói:

­    Để tôi xem lại rồi báo cáo anh. Anh nói như một triết nhân tôi khó cãi lý.

Nhóm của Thiện nhiều việc nhiều người nhưng nhận thêm người để không nhất trí được quan điểm, mọi việc sẽ rối tung lên, có khi thành vấn đề lớn, mất ghế như chơi. Thiện nghĩ hãy cứ giao cho hắn công việc đứng ở vòng ngoài một thời gian xem sao.

Buổi chiều hôm sau, phó tiến sĩ Thiện đem đến giao cho Hoan bản thiết kế trạm trung gian Hòa An

­    Tôi đã trao đổi với ông Vĩnh rồi. Cậu thẩm định kỹ thuật dự án này để còn lên kế hoạch mời thầu.

Hoan hiểu đã trao đổi với ông Vĩnh, nghĩa là vẫn còn ở quân số trực tiếp thứ trưởng phụ trách, chưa cụ thể vào nhóm nào. Nắng phủ vàng trên những tàng cây ngoài cửa sổ, ánh vàng hắt vào, mặt Thiện sáng lên, bớt thâm trầm nhưng đậm màu bệnh hoạn, khó gần. Hoan nghĩ, lại thêm một cuộc thử thách. Anh hỏi buông xõng.

­    Cần bao giờ xong? Chỉ thẩm định kỹ thuật thôi ư?

­     Chỉ thẩm định kỹ thuật ! Càng sớm càng tốt. Việc dự toán sẽ bàn sau.

         Thiện đáp.

Nhóm của Thiện chọn người rất kỹ, Hoan không hám tiền, không hám gái, nên khó điều khiển, đó là nhận xét của Tư Phước nói với Thiện. Có những điều tốt ấy, còn phải năng nổ và biết nhẫn nhịn vâng lời, biết làm việc. Việc thẩm định nhà trường không dạy, chắc chắn Hoan vừa học vừa làm, sẽ  gặp nhiều khó khăn.

Thiện thừa biết đã giao cho Hoan công việc Hoan chưa từng làm. Thiện sẽ được thích thú nhìn cái vẻ loay hoay đánh vật với công việc, cuối cùng Thiện sẽ vạch ra sự kém cỏi trong công việc để dằn mặt Hoan.

Có điều Thiện không nghĩ tới Hoan từng xem nhiều bản thiết kế, biên bản thẩm định kỹ thuật, bản khái toán, dự toán các dự án khi các nhóm gửi qua anh để xin trình cấp trên duyệt và đóng dấu.

 Hoan bỏ ba ngày để kiểm tra vật tư dư rất nhiều. Tất nhiên kèm theo vật tư là tỷ lệ tiền nhân công cũng lớn theo. Sự thất thoát do vô trách nhiệm không nhỏ, mà vạch ra những bất hợp lý này, có nghĩa là anh đang dẫm vào vết chân Quýnh, đối đầu với ai đó mà anh không biết. Hoan giật mình thấy bị dồn vào thế nan giải. Khi sự tham nhũng, đứa con đẻ của quyền lực len lỏi vào từng công việc. Người trong cuộc không  thể đứng ngoài, anh phải tham gia để cùng tồn tại để suốt đời phập phòng lo âu, hoặc chống lại nó, có thể sẽ bị nó cho diệt vong. Tột cùng tham nhũng sẽ phá vỡ quyền lực. Nhóm này bị thanh trừng, nhóm khác nhoi lên, cha quyền lực mới sẽ đẻ ra đứa con tham nhũng mới. Cha thay diện mạo, con thay hình thái. Từ ngàn đời nay nó vẫn luẩn quẩn thế. Loài người luôn tìm cách tiêu diệt tham nhũng, người ta phải thay cơ chế điều hành bằng dựa vào sự mê muội lập ra những tín ngưỡng khác nhau, cơ chế mới lại nãy sinh tham nhũng mới. Giết đứa con của chính mình quả thật khó.

Hoan suy nghĩ đến đau đầu tìm cách giải quyết không chạm tới ai. Thiện sợ mất mặt vì nhờ vả cấp dưới, không nói trước với Hoan một tiếng hay sợ Hoan phản ứng lại sự nhờ vả không đúng. Nhớ tới Đăng. Đăng từng dè bửu lúc vắng Thiện: “Cái lão mặt ngựa, học vị chỉ phó “tấn sĩ” nhưng khéo được lòng cấp trên. Ông Vĩnh mà về hưu thì hắn sẽ ngồi vào ghế thứ trưởng, ông Hoan liệu mà cư xử. Một áp lực mơ hồ đang bao vây Hoan.

Hồi còn ở dưới xưởng, mọi vấn đề cứ nói huỵch toẹt ra, thậm chì khi nói còn văng tục văng bậy, đỏ mặt tía tai; nói xong là lao vào công việc đến quên mình. Ở đây, từ đi đứng đến ăn nói phải nhẹ nhàng tế nhị, không có chỗ cho kẻ hấp tấp thô lỗ. Người ta đưa tập thiết kế chẳng lẽ xào xáo nó tung lên, gửi lại y nguyên, thể hiện mình có nghiên cứu, có xem xét. Hoan gặp ông Vĩnh xin ý kiến giải quyết.

Nghe Hoan trình bày xong, ông Vĩnh nhíu trán, gõ gõ bút trên mặt giấy rồi nói:

­    Cậu cứ làm theo ý mình, cái gì cần để thì để, cái gì phải cắt cứ cắt.

   “Cái gì cần để thì để, cái gì phải cắt cứ cắt” câu nói cấp trên muốn hiểu thế nào cũng được. Hoan ầm ừ vâng dạ rồi rút lui. Không để nguyên số lượng vật tư trong thiết kế, nhưng cũng phải cắt ở mức độ thỏa hiệp tí chút.

Các Bài viết khác