NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ TRƯƠNG QUỐC KHÁNH

( 26-03-2014 - 09:15 PM ) - Lượt xem: 2261

Trương Quốc Khánh quê gốc Trà Vinh, sinh năm 1947, tại Tây Ninh, mất năm 1999 tại TPHCM. 21 tuổi tham gia cách mạng cũng là năm anh viết ca khúc “Tự nguyện”. Cuộc đời Trương Quốc Khánh sôi nổi, thuỷ chung. Anh là Chủ tịch Ban Chấp hành Sinh viên Văn khoa Sài Gòn, Trưởng ban Văn nghệ sinh viên phật tử.

Trong năm 1974-1975, tôi có một dịp may mắn được học ở Trường Hội Nhà văn ( Quảng Bá) cùng với một số tài danh của đất nước, bây giờ mới có dịp kể lại.

Dạo ấy khóa học ba anh chị là sinh viên ở miền Nam được đưa ra Bắc học tập đó là anh Lê Duy Hạnh, chị Tư Thái và một người nữa được gọi là Ba Trung. Anh Ba Trung là một người nhỏ nhắn, gương mặt xanh xao trắng trẻo đeo kính cận gọng đen. Một người mà hình như có gì phảng phất giống nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà tôi được gặp sau này. Từ khi đi học phổ thông tôi đã học cùng với một số bạn người Miền Nam tập kết nên với tôi việc trò chuyện với các bạn người Nam bộ thường rất dễ dàng tự nhiên. Anh Ba Trung cũng là một người rất vui tính, hễ là người vui tính thì tôi dễ quen biết hơn.

Dạo ấy anh Lưu Nghiệp Quỳnh, một cây bút Hà Nội mang đàn ghi ta lên trường Quảng Bá, tôi là người mới học chơi ghi ta nên thích chơi lắm. Tôi thường mượn đàn của anh Quỳnh để chơi, có lúc vừa chơi vừa hát. Một lần đang cao hứng hát bài Tiếng hát những đêm không ngủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Mẹ Việt Nam, có hay chăng, giờ này đàn con đã lên đường.
Vượt rào gai, dẫu khói mù vẫn đi,
Máu đã đổ sân trường, càng giục ta bền chí!

Vâng, vừa hát tới đó thì bỗng tôi thấy Ba Trung đi vào. Tôi vội im bặt, hơi ngượng ngùng. Anh Ba Trung chỉ cười, nói : " Hát đi chớ ! Đồng bào đang nghe đây nè...".

Nhìn vẻ mặt anh tôi bỗng cảm nhận thấy một tình cảm từ ánh mắt anh với cây đàn. Thế là tôi cầm đàn lên đưa tới tay anh và nói: " Anh đàn đi !"

Ba Trung không từ chối, anh cầm cây đàn lên, nhẹ nhàng thử lại dây, chỉnh lại chút âm và bắt đầu chơi một bài valse giọng thứ. Ôi chao, bây giờ tôi mới biết đã gặp một bậc thầy ghi ta rồi. Sau đó anh lại chơi liền một bài rất sôi động dữ dội rồi cười bảo tôi:

- Nhạc kích động của Mỹ đấy!

Không hiểu tại sao lúc đó, tôi bỗng tưởng tượng đến những câu chuyện về phong trào học sinh sinh viên ở các đô thị ngày ấy, với hình ảnh những rào gai, những lựu đạn cay và "máu đã đổ sân trường" trong cuộc chiến cả hai miền Nam Bắc.

Thế là từ đó, tôi nói chuyện nhiều hơn với anh Ba Trung và thỉnh thoảng nghe anh chơi đàn. Nhưng cũng thỉnh thoảng thôi, vì hình như anh cũng bận , và tôi cũng bận nào học, nào viết và nhiều việc linh tinh khác... Bỗng đến một hôm, nhà thơ Ý Nhi lên chơi Quảng Bá, có vào chỗ chúng tôi chơi, thấy anh Ba Trung chợt đi ngang qua, chị Ý Nhi nói nhỏ với tôi: "Trương Quốc Khánh đấy, nhưng giữ bí mật cho anh ấy nhé".

Tôi thật sững sờ khi nghe lời chị nói. Bài hát Tự Nguyện :" Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương..." chợt như trào dâng trong tâm trí tôi, hóa ra một người như vậy mà tôi không biết. Nhưng rồi biết mà lại làm như không biết. Không biết mà thật ra là biết ... Để rồi biết rằng bài Tự nguyện ra đời vào năm 1968 lúc ấy tác giả mới có 21 tuổi... Và coi như chẳng biết vẫn chỉ gọi người bạn học với mình là Ba Trung , như không biết anh là ai! Thời gian năm 1975 trôi qua như gió bão. Tin chiến sự của mùa xuân năm 1975 dồn dập bay về Hà Nội.

Tôi nhớ quãng hơn 1 giờ trưa ngày 30/4/1975, bỗng nhìn thấy anh Ba Trung lao xe đạp như bay xuống dốc đê ( đường Âu Cơ bây giờ) vùn vụt phóng vào Trường Quảng Bá ( khu Bảo tàng Văn học bây giờ). Anh dựng xe ở bên thềm khu nhà học viên và nói giọng như lạc đi: " Thống Nhất đất nước rồi! Quân giải phóng vào Sài Gòn rồi, 11 giờ 30 trưa nay đã vào Dinh Độc Lập!" Nói rồi anh chạy biến vào phòng mình thu dọn quần áo như chuẩn bị đi về Nam thật sự, tôi nghe tiếng hát của anh từ trong phòng bay ra mà chẳng nhớ nổi là bài gì... Bởi sau đó có quá nhiều cảm xúc dồn dập tưng bừng của ngày 30/4, rồi 1/5 năm ấy.

Anh Ba Trung, được công khai gọi là Trương Quốc Khánh với bạn bè đồng học, trong dịp gặp gỡ lần cuối cùng tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Đó là buổi chúng tôi kết thúc khóa học, chia tay tiễn các anh chị về Miền Nam.

Sau này, tôi được gặp lại anh Lê Duy Hạnh, và được biết tin anh Ba Trung (Trương Quốc Khánh) đã mất sớm...Bây giờ ngồi viết những dòng này, tôi như vẫn còn nghe bát ngát trên không trung âm thanh của một thời trong sáng "Là chim tôi sẽ bay...từ nam ra ngoài bắc báo tin nối liền..." Vâng, chính anh là người đã báo tin thống nhất đất nước!

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Kỷ niệm 26/3/2014.LPL

Các Bài viết khác