NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

12 NHÀ VĂN TIÊU BIỂU SỐNG VÀ VIẾT VỀ HÀ NỘI MÀ CHÚNG TÔI YÊU

( 05-11-2014 - 05:15 AM ) - Lượt xem: 6523

Hà Nội, Thủ đô yêu dấu của mỗi người Việt Nam, các nhà thơ, nhà văn nước ta luôn dành cho Hà Nội một tình cảm thiêng liêng, gắn bó. Do vậy rất nhiều tác phẩm văn học đặc sắc viết về Thủ đô. Với suy nghĩ chủ quan của mình, chúng tôi giới thiệu 12 nhà văn tiêu biểu viết về Hà Nội mà chúng tôi yêu

1/Hoàng Ngọc Phách

Nhà văn Hoàng Ngọc Phách, (1896 - 1973) là tác giả tiểu thuyết Tố tâm, được đánh giá là một trong những tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam

Hoàng Ngọc Phách cũng chính là một trong những nhà văn Việt Nam hôm nay mà sự nghiệp sáng tác gắn với Hà Nội, do ở Hà Nội mà viết, và ban đầu cũng viết ngay về những nét sinh hoạt của Hà Nội.

Nguyên ông vốn người Đức Thọ, Hà Tĩnh. Nhưng ngay từ khi mười ba tuổi, tóc còn để chỏm đào, đã ra Hà Nội, học ở một trường tư thục thuộc ấp Thái Hà,  sau đó học tiểu học ở trường Hàng Vôi (nơi đã đào tạo ra Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Liên, v.v…) rồi học trường Bưởi bốn năm. Thời thanh niên của Hoàng Ngọc Phách gắn liền với những kỷ niệm về các trường học này của Hà Nội, cũng như ở trường Cao đẳng Sư phạm về sau. Trong Tố Tâm, có đoạn nhìn ra Hồ Tây, nhân vật Đạm Thuỷ tự kể:

- Tôi nhớ khi còn học trường Bưởi bên cạnh hồ này, mấy anh em ra đứng bờ hồ, ném thia lia, thả thuyền giấy, chơi đùa hớn hở, phong cách xem như bỡn cợt với mình.

Sau khi tiểu thuyết này ra đời đã dấy lên phong trào say mê tìm đọc của thanh niên, học sinh Việt Nam vào thời điểm ấy. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết có số lần tái bản kỷ lục lên tới hàng mấy chục lần. Tố Tâm đã đưa tên tuổi Song An - Hoàng Ngọc Phách vào hàng các nhà văn tên tuổi lúc bấy giờ “Trong cái rừng văn chương tương đối rậm rạp có trăm ngàn bông hoa đua nở, sản xuất ra các nhà văn viết đủ các loại truyện… Song An Hoàng Ngọc Phách chính là một thứ văn gia, tiểu thuyết “của một cuốn sách” trong văn học sử nước ta” (Vũ Bằng).

2/Nguyễn Công Hoan

Nguyễn Công Hoan tác giả tiểu thuyết Bước đường cùng đã học ở trường Bưởi Hà Nội từ khi chưa đầy mười tuổi. Ông còn nhớ rất rành mạch cuộc sống khi nội trú trong trường, khi ra trọ ở Hàng Hài (phố Hàng Bông hiện nay)… Nói chung nhiều mặt đời sống Hà Nội những năm ấy, còn được ghi lại trong các tập Đời viết văn của tôi, Nhớ và ghi. Nào là vụ dịch tả ở Hà Nội hè 1914; nào cảnh người ngoài phố giàu có bấy giờ còn đi xe ngựa song mã, độc mã, các thày giáo ở trường Bưởi còn đội khăn, đi giày ta, bít tất trắng.  Nào những hiệu bán sách vở giấy bút, nào hiệu cho thuê xe đạp để tập, v.v… Chúng ta có thể nhận xét tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cậu học sinh này rất hóm, nghịch, hay tò mò để ý mọi chuyện, và hay phá quy tắc “vượt rào” làm chuyện ngược đời. Mặt khác, từ nhỏ, Nguyễn Công Hoan đã quen với nhân tình thế thái người phường phố, thành thạo sự đời, và chả coi cái gì làm quan trọng. Đấy là những đặc tính ăn sâu vào cách nhìn của ông trước đời sống. Thành thử, tuy không phải bao giờ cũng trực tiếp đả động đến chuyện Hà Nội, nhưng trong cái nhìn của ông, chất Hà Nội rất rõ.

3/Ngô Tất Tố

Quê ông ở Lộc Hà (trước thuộc Từ Sơn Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) ra thủ đô, thậm chí vào lục tỉnh Sài Gòn làm báo. Ngô Tất Tố vẫn giữ cốt cách  một nhà nho nghèo. Với ông, sống ở Hà Nội có nghĩa là sống để mà viết.

Trong các tiểu phẩm của ông, in lại trong Ngô Tất Tố tác phẩm, tập 1, chúng ta bắt gặp những đoạn ông chửi bọn đồng cốt lừa bịp ở đền Hàng Trống, hoặc có cả một phóng sự ngắn mang tên Dao cầu thuyền tán, tố cáo các loại lang băm. Đối với bọn văn sĩ tư sản dùng ngòi bút để xúi giục người ta đi vào con đường hư hỏng kiểu “vui vẻ trẻ trung”, Ngô Tất Tố cũng có những đòn đả kích thậm tệ. Nói chung, trong các tiểu phẩm của Ngô Tất Tố, đời sống Hà Nội hiện ra  như một thứ kẻ chợ lộn xộn, ồn ào, phồn vinh giả tạo, một nhà nào như ông thấy rất chướng tai gai mắt (tuy nhiên, trong hoàn cảnh lúc ấy, ở nông thôn thì đời sống cũng rất đen tối!. Chỉ riêng trong Lều chõng, chúng ta thấy Hà Nội hiện lên với nhiều nét đẹp, người Hà Nội từ những cô hàng bán giấy bút, cho đến ông chủ quán trọ cũng đều hết sức tài hoa, lịch thiệp. Lều chõng thường vẫn được mô tả như là một tác phẩm có những nét tự truyện. Bởi vậy, với Lều chõng, có thể nói Ngô Tất Tố đã ghi nhận một phần những ảnh hưởng mà Hà Nội để lại trong cuộc đời những kẻ sĩ tương tự như ông. Bấy giờ mức độ xâm nhập của văn minh Tây Âu vào xã hội Việt Nam còn là hạn chế. Hà Nội chưa có vẻ sầm uất với nhiều nét sinh hoạt thị dân rõ rệt như sau này. Nhưng lên Hà Nội, lớp học trò như Đào Vân Hạc vẫn cảm thấy có gì thật thoải mái, họ dễ dàng tìm được chút tự do lặt vặt như xuống xóm cô đầu… cô đầu lúc ấy còn là một thú chơi thanh nhã hoặc thăm thú các nơi. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn: lên đây, những kẻ gọi là nhân tài các tỉnh có dịp trò chuyện, “đấu” với nhau để tự kiểm tra sức học, trình độ năng lực của mình. Riêng với Đào Vân Hạc, thì trong những dịp thi cử, chàng cảm thấy cái vô nghĩa của con đường hoan lộ mà việc học đã mở ra và chàng cả quyết sống theo lối ở ẩn giữa đời. Đấy cũng là những kết luận mà chỉ những kẻ sĩ tương đối từng trải mới có được.

4/Nguyễn Tuân

Không những chỉ sinh ở phố Hàng Bạc, mà Nguyễn Tuân còn chính là người gốc ở một vùng đất ngoại thành nổi tiếng: làng Nhân Mục (làng Mọc); tức ông đồng hương với Đặng Trần Côn.

Trước cách mạng, Nguyễn Tuân ở Hà Nội là chính. Ông cũng luôn luôn đi khắp nơi trên đất nước. Song, mỗi lần hoàn thành tác phẩm, ông đều trở lại thủ đô sống, cái không khí nghề nghiệp cho thật đã. Cũng có lần năm 1941, ông bị bắt và bị bắt ngay ở Hà Nội, để rồi đầy đi Vụ Bản, nhưng mấy tháng sau được tha ngay.

Lần Nguyễn Tuân xa Hà Nội lâu nhất là thời kháng chiến chống Pháp. Xa và nhớ Hà Nội lắm! Nhìn cột mốc cây số nào cũng thấy nó dẫn về Hà Nội. Và từ Việt Bắc, ông thấy nhớ đủ thứ của đời sống thủ đô hôm qua. Nhân gặp một ông hàng phở, Nguyễn Tuân viết:

“ Bây giờ là mùa hè 1948. Nắng lắm. Thêm cái bóng me và sấu lùm buổi sớm của Dốc Hàng Kèn, những giờ đi “đả phở tập thể” (chắc là “hội” những anh em làm báo, như chúng ta đã biết ở đoạn trên!). Gặp ông Xước, thủ thư cũ của Thư viện quốc gia, Nguyễn Tuân thấy xao xuyến nhớ “cả một thời thanh bình độc thư săn tàng thư lâu lá mùa thu rụng từng cái một bên đường Trường Thi”. Rồi gặp ông Cai Lộc phát hành báo; cô Lan bán hoa; anh Két đưa cốc-tay ở Thuỷ Tạ; chị Nhâm cua bể chợ Đồng Xuân; anh Khôi kính-coong v.v…

Lùi về trước nữa, lần Pháp cho phá thành cổ, xây phố xá, cũng đã được Nguyễn Tuân kể lại rất có không khí, nhân khi viết bạt cho cuốn Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng.

Nguyễn Tuân đã thật sự trở thành một pho sử sống của Hà Nội. Nhiều trang viết của ông có thể sẽ còn mãi, bởi ghi được một cách cô đọng những cảnh sắc Hà Nội, khiến cho chúng lung linh lên, khắc sâu vào trí nhớ. Gần đây nhất, là những đoạn Nguyễn Tuân tả Hà Nội trong những ngày chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ như trong tác phẩm “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Nhưng không phải chỉ có thế. Bốn chục năm trước, Nguyễn Tuân cũng đã từng ghi lại cảnh Hà Nội tập báo động, chủ yếu là ở khu vực trung tâm thành phố.

5/Nam Cao

Nhà văn Nam Cao vốn không phải gốc Hà Nội. Ông lại lên thủ đô hơi muộn, khi đã có vợ con gia đình, và lên để dạy học, để kiếm sống.

Thế nhưng, xét về những ảnh hưởng của đô thị trong tác phẩm của Nam Cao, lại thấy một sự thực ngược lại là Nam Cao rất hiểu Hà Nội, Nam Cao có “đôi mắt” của người dân thành phố trong việc xem xét mọi chuyện.

Khi cần phải miêu tả những người dân ngoại ô, như trong Chuyện người hàng xóm, Nam Cao cho ta thấy một sự thực: Một mặt, họ sống rất cơ cực, quẩn quanh, vớ vẩn, người nọ làm khổ người kia: con đường đi tới của những Tiền, Hiền, Lộc…là con đường rơi vào truỵ lạc, bế tắc, một ít nhân từ tốt bụng giữa họ với nhau, không đủ mang lại cho họ hạnh phúc. Mặt khác, họ vẫn rất yêu vùng đất ngụ cư mà số phận đã đưa họ trôi dạt đến. Lên đây, lên Hà Nội, dẫu sao họ cũng đỡ khổ hơn so với ở nhà quê, nơi người nông dân sống trong tăm tối, bọn địa chủ và các loại hào lý tha hồ hoành hành, nơi dân cùng đinh không sao mở mắt ra nổi.

Sống mòn, mỗi khi đề cập tới các tầng lớp dân nghèo thành thị, tác giả cũng trình bày quan niệm tương tự. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp anh chàng  Mô, lao công ở cái trường học có Thứ dạy, lấy Hà, một người nghèo khác. Cả Mô và Hà đều hiểu rất rõ ở nhà quê, họ không đào đâu ra tiền để cưới nhau, mà giá có đi vay, thì cũng nặng nợ suốt đời. Chỉ ở cái đất không ai biết họ này, họ mới về với nhau một cách êm thấm. Một nhân vật sang trọng hơn Mô rất nhiều là hiệu trưởng Đích, người đứng ra mở trường tư để sống trên lưng San và Thứ, còn bản thân Đích đi làm công chức ở tỉnh xa; đến cuối Sống mòn, đột nhiên Đích ốm thập tử nhất sinh. Vậy mà Đích vẫn “Tuyên bố” thà chết ở Hà Nội, hơn là về quê. Thì ra, Hà Nội mang lại cho họ một chút tự do mà họ thèm khát, tự do cả trong lúc sống, lẫn trong lúc chết.

6/ Nguyễn Huy Tưởng

Với Những người ở lại, Luỹ Hoa, Sống mãi với Thủ đô… Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người xứng đáng nhất với danh hiệu nhà văn Hà Nội. Những thành công chính của ông đều gắn với đề tài này. Lại nữa, trong khi viết về thủ đô, ông biết mang lại cho sinh hoạt nơi đây một vẻ trang nghiêm, một không khí lịch sử, nó là cái sắc thái cần thiết cho suy nghĩ của người ta về thủ đô mọi nước nói chung, và rất tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Đời sống văn học Thủ đô những năm Nguyễn Huy Tưởng mới bước vào nghề đã giúp một phần trong việc khẳng định những đặc sắc ấy của nhà văn.

Nguyễn Huy Tưởng thời thanh niên được nâng đỡ và chắp cánh bởi lòng yêu nước, tinh thần tự hào vì truyền thống dân tộc. Cộng với vốn kiến thức chắc chắn về lịch sử và ảnh hưởng của những sáng tác mà Nguyễn Huy Tưởng say mê, như Chiến tranh và Hoà bình của Tôn-xtôi, Gia đình Ti-bô của Rô-giê Mác-tanh đuy Ga, có thể nói những tiền đề có những sáng tác như Vũ Như Tô,  Đêm hội Long Trì… đã khá đầy đủ. Dĩ nhiên là trong những tác phẩm này Hà Nội đóng vai trò một thứ nhân vật trung tâm.

Sau cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ viết về các chuyện  lịch sử, mà còn viết ngay về những mảng đời sống xảy ra ngay hôm nay như cuộc chiến đấu ở Hà Nội tháng chạp 1946 trận Cao-Lạng giải phóng biên giới, hoặc Cải cách ruộng đất. Một mặt, như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ trong khi viết về những sự kiện đương thời, Nguyễn Huy Tưởng vẫn biết phát huy thế mạnh vốn có, ông thường mang lại cho các sự kiện ngày hôm nay một vẻ nghiêm trang, như các sự kiện lịch sử. Mặt khác, ta cũng có dịp chứng kiến khả năng quan sát, những rung động của ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với chúng ta, nhất là ở những trang Nguyễn Huy Tưởng miêu tả phố xá.

Đọc Sống mãi với Thủ đô, có thể bắt gặp một Nguyễn Huy Tưởng quen thuộc. Khi qua miệng một nhân vật, ông ca ngợi rừng bàng Yên Thái hay bến trúc Nghi Tàm “hàng vạn cây trúc thân vàng soi bóng xuống nước hồ biếc”… Nhưng cũng rất thú vị là những đoạn Nguyễn Huy Tưởng tả Hà Nội hôm nay. Cũng như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng rất thuộc khu trung tâm thủ đô, đặc biệt là chung quanh hồ Hoàn Kiếm, quãng từ Hàng Đào, chợ Đồng Xuân trở lên, và thường tả các sinh hoạt ở đó với rất nhiều trìu mến.

Phải nói cách nhìn nhận, xem xét Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng đằm thắm, đôn hậu, và phải nói là ông tả được những nét sang trọng, lịch sự của thủ đô. Sang trọng, lịch sự mà vẫn yêu nước, ghét Tây, và không sa đà vào thứ văn chương trưởng giả. Hà Nội đã vào văn ông, làm nên toàn bộ hồn cốt đường nét trong văn ông. ảnh hưởng đó là rất lớn.

7/Tô Hoài

Tô Hoài luôn luôn sống ở Thủ đô. Tính đến đầu 1985, ông từng viết 43 cuốn sách về Hà Nội. Ngoài sáng tác văn học, có lúc ông còn trực tiếp làm công tác đường phố. chúng ta đã biết hai chữ Tô Hoài là do Tô LịchHoài Đức ghép lại. Một người như Tô Hoài mà có viết nhiều về Hà Nội là chuyện đương nhiên! Giữa Thủ đô và một đời như đời văn của Tô Hoài, quả là có một mối quan hệ đặc biệt.

Óc quan sát tinh tế và tỉ mỉ đã giúp cho Tô Hoài nhớ và ghi được nhiều chi tiết về cuộc sống ở Hà Nội. Ông đính chính hộ nhiều người những cái nhầm lẫn, vì như nhiều người cứ nghĩ chung quanh Hồ Gươm: nhiều liễu, hoá ra bây giờ còn mỗi một cây, v.v. Ông lại giúp cho chúng ta tự tìm hiểu thêm về những địa điểm trong sinh hoạt thành phố (chẳng hạn, tại sao gọi là Vườn hoa canh nông?). Rồi, nguồn gốc  nem cuốn ở đâu? Nghề làm giấy ở Bưởi đòi hỏi người thợ thủ công trước đây phải khéo léo, vất vả thế nào?

Về nội thành, những xóm rác ven hồ Bảy Mẫu cũ, đầu hoà bình lập lại được ông phác qua trong Những ngõ phố và một số nét sinh hoạt Hà Nội hồi đánh B52 được ông vẽ nên trong Người đường phố (cả hai tiểu thuyết đều được in ra 1980)

Trong cuốn Nguời đường phố trên kia đã nhắc (cũng như trong nhiều tập sách khác, trong đó có Chuyện cũ Hà Nội) Tô Hoài kể ra một số vùng ngoại ô  với những nghề nghiệp cha truyền con nối, lên làm ăn ở thành phố. Cổ Nhuế, thợ may, hàng thầu; Thủ Lệ, giặt là; Lai Xá, thợ ảnh; Thanh Nhàn, cắt tóc; Thuỵ Khuê, xôi lúa, quà vặt v.v… và v.v… Quả ngoại ô Hà Nội là một “thế giới” phong phú. Trong “thế giới” đó, cũng có sự phân công lao động rất tỉ mỉ, khiến cho từng người làm nghề trở thành những người nghệ sĩ tài hoa và hết lòng với nghề, được mọi người kính trọng. Từ các làng xóm chung quanh nội thành, người đi viết văn, viết báo xưa nay không phải ít, nếu kể ra các vùng quê mới cắt từ Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây, Hà Đông để nhập vào Hà Nội, thì số tác giả của Thủ đô thật là nhiều. Song có lẽ chỉ có Tô Hoài là mang được cái chất riêng của vùng đất mà mình đã từ đó trưởng thành. Và giữ được cái chất đó, trong suốt cuộc đời cầm bút.

8/Thạch Lam

Thạch Lam có một tác phẩm về Hà Nội chính là “Hà Nội băm sáu phố phường” do NXB Đời Nay xuất bản năm 1943. Đây là một tập bút kí cũng cực kì nổi tiếng và tinh tế được tập hợp lại từ những bài viết trên báo Ngày nay sau khi ông qua đời. Thạch Lam nhìn cảnh trí, văn hóa, con người Hà Nội trong con mắt của một nhà thơ. Đặc biệt, ông dành rất nhiều trang văn để viết về những món quà quê của những người Hà Nội và những người dân tứ trấn Hà Nội mang về để cho Hà Nội bốn mùa thơm ngát. Qua tác phẩm của mình, ông thể hiện sự xót thương đối với những con người nghèo khó, những người lam lũ. Thạch Lam miêu tả những món quà quê, những người đi bán hàng trong đêm bằng một hồn thơ đầy cảm xúc. Trong văn của Thạch Lam, hình ảnh một người gánh hỏa lò đi trong đêm Hà Nội đung đưa hai chấm lửa và chân bước nhẹ như chân ma và thỉnh thoảng lại vọng lên những tiếng “Dầy giò, Dầy giò…”. Những tiếng rao của những người lam lũ trong đêm như vậy nó dần gom góp lại và làm nên cái hồn vía của phố phường Hà Nội, hồn vía của đất nước. Thạch Lam thương một tiếng rao đêm, thương những người làm ra hạt cốm, thương cả những người gánh cốm rao bán, thương cả những em bé bán hàng rong…

Hà Nội băm sáu phố phường còn là những trang viết về các giá trị văn hoá Hà Nội với nhiều nét đặc sắc. Trong từng mục, từng đoạn của Hà Nội băm sáu phố phường, mọi sự ghi chép của nhà văn đều hướng theo mục đích: cái đẹp. Đọc kỹ tác phẩm, nhìn vấn đề theo định hướng đó, ta thấy Thạch Lam quan tâm đến hai mảng văn hoá nổi bật của một Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc. Đó là mảng vật thể văn hoá và văn hoá phi vật thể.

Ông là người thấy rõ giá trị những tiến bộ của thời đại mới, bởi ông là người có vốn Tây học uyên thâm, trẻ trung, rất nhạy cảm với cái mới. Đồng thời ông cũng luôn có ý thức nâng niu và bảo tồn truyền thống. Ông thấy: “Những phố gạch thẳng và rộng rãi, với từng dãy nhà giống nhau đứng xếp hàng, thẳng và đứng hàng, đó là biểu hiện của văn minh” . Nhưng cũng vì nó mà mất đi vẻ tự nhiên, vẻ yên tĩnh của những giá trị ổn định trong đời sống của một Thăng Long- Hà Nội cổ kính mang vẻ đẹp xưa- một Hà Nội giản dị mà hài hoà, mộc mạc mà chan chứa tình người, ấm tình làng xóm, với những nét sinh hoạt thân quen đậm đà bản sắc văn hoá.

9/ Nguyễn Đình Thi

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Thi có thể nói là gắn liền với Hà Nội.

Tất cả những điều này sẽ có dịp thể hiện đầy đủ, qua việc tác giả xây dựng tiểu thuyết Vỡ bờ.  Cái hạt nhân của Vỡ bờ như Nguyễn Đình Thi từng kể, chính là một mảng sóng Hà Nội. Trong suốt cả cuốn tiểu thuyết hơn một ngàn trang này, người ta còn có thể nhận ra nhiều cảnh, nhiều người đã thuộc về kinh nghiệm riêng, từng trải riêng của Nguyễn Đình Thi ở Hà Nội trước 1945, từ câu chuyện của một cậu học sinh nghèo, tỉnh nhỏ, lên đây trọ học như Đông, đến cảnh sống của những người thuộc loại nhà giàu như chị em Phượng, Hằng… và đặc biệt là cái đám người viết văn, viết báo, vẽ tranh, chơi nhạc. Hộ, Vũ, Toàn Tư kể cả Thanh Tùng, v.v… Bản lĩnh nhà văn của Nguyễn Đình Thi không chỉ thể hiện ở cách nhìn, mà còn ở cách khai thác tài liệu, cách viết nữa, nó là sự tổng hợp giữa kiến thức lý luận với kinh nghiệm

Trong các cuốn tiểu thuyết Xung kích, Vỡ bờ, Mặt trận trên cao, các vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Tiếng sóng, Giấc mơ… tác phẩm nào của ông cũng có hình bóng những người thanh niên của đất ngàn năm văn vật.

Nhưng còn thơ? Trong sáng tác của nhà thơ rất độc đáo này, nhất là tập Người chiến sĩ gồm những bài làm trong kháng chiến, hình bóng, hơi thở, không khí Hà Nội được gợi rất cảm động. Hình ảnh mở đầu bài thơ nổi tiếng Đất nước:

 Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm vắng lá rơi đầy.

đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ thanh niên học sinh. Mỗi lần đi xa thủ đô, đọc mấy câu thơ ấy lên, lòng họ lại xao xuyến, tâm trí mỗi người lại trở về với bao kỷ niệm về Hà Nội thân yêu.

Bên cạnh đó còn phải kể đến bài hát Người Hà Nội.

Nói chung, các bài hát, bài thơ, các cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Thi ít nhiều đều có liên quan đến một phương diện của truyền thống Hà Nội hôm nay – Hà Nội cách mạng. Đọc Nguyễn Đình Thi, chúng ta nhớ tới lớp lớp những người con trai, con gái thủ đô hết lòng vì sự nghiệp chung của dân tộc, những người biết hy sinh, phấn đấu mà vẫn không thôi giữ được cái chất của đất kinh thành, lịch sự, tài hoa, duyên dáng.

10/Băng Sơn

Viết nhiều về Hà Nội bằng thể loại tùy bút, đoản văn, có lẽ không còn ai sánh được với nhà văn Băng Sơn.

Ông tâm sự: “Thời tôi còn làm anh cán bộ phòng tuyên truyền ở Bộ Thủy sản (trực thuộc Văn phòng Bộ trưởng), hầu như ngày nào tôi cũng chỉ “ghé mặt” đến cơ quan chừng một tiếng đồng hồ, rồi thì thích đi đâu thì đi, miễn là trong tuần tôi hoàn thành tốt công việc mà cấp trên đã giao phó...”.

Chính vì vậy mà ông có điều kiện để đi lang thang ngoài đường, ngắm nhìn Hà Nội suốt mấy chục năm trời không biết chán. Ông nhớ và biết rất rõ từng con phố của Hà Nội dài, ngắn thế nào, những ngôi nhà khác nhau ra sao, trong một số ngôi nhà, ông cũng nhớ có ai đang ở trong đó, họ là người như thế nào... Tất cả những gì thuộc về Hà Nội, của Hà Nội dường như đã lọt hẳn vào trong trí não, tâm hồn, con người ông.

Có được “tài sản vô giá” đó về Hà Nội, chung quy, như ông tự thấy, cũng là do cái thú, cái máu mê lang thang gần hết một đời người của ông mà có chứ không hẳn là nhờ vào sách vở. Kết quả của những lần lang thang ấy cuối cùng cũng đã mang lại cho ông hàng loạt các tác phẩm viết về Hà Nội như: Thú ăn chơi người Hà Nội (4 tập), Đường vào Hà Nội; Dòng sông Hà Nội; Phập phồng Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường... ông đã cho ra đời được 10 tập đoản văn. Ông chỉ viết theo hứng và tùy hứng để viết. Như đã định ra một chuẩn mực, tùy bút Băng Sơn luôn giàu chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng như một giai điệu trữ tình sâu lắng.

11/Vũ Bằng

Vũ Bằng trút vào những trang văn của mình nỗi nhớ, tình yêu Hà Nội qua “Miếng ngon Hà Nội” và “Thương nhớ mười hai”. Nếu như Nguyễn Tuân ngợi ca phương diện kĩ thuật của các thú chơi và nâng phương diện kĩ thuật lên thành phương diện mỹ thuật, phương diện của cái đẹp (Giáo sư Phan Ngọc) thì Vũ Bằng lại ca ngợi sự tinh tế của các món ăn với sự khoái khẩu của người thưởng thức, hưởng thụ. “Miếng ngon Hà Nội” là kết tinh của một tình yêu với Hà Nội. Còn với “Thương nhớ mười hai” ông viết về 12 tháng với khung cảnh thiên nhiên, đất trời, cảnh vật, con người, văn hóa của Hà Nội và của miền Bắc. Ông đã dành trọn tác phẩm này để viết về văn hóa Hà Nội với chiều sâu của lịch sử và vẻ đẹp của Hà Nội trong nỗi hoài niệm da diết.

Ba mươi năm cuối đời ông sống và viết ở Sài Gòn, nhưng lại viết toàn chuyện Hà Nội. Có lẽ do những năm tháng tha hương ấy, nỗi nhớ quê da diết đã đưa ngòi bút của ông đến với từng hương vị của kỷ niệm Hà Nội, của đất Bắc Kỳ trong các tác phẩm nổi tiếng Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội...

Ông viết về Miếng ngon Hà Nội là viết về chính đời mình: Từ những chuyện rất đời thường, giản dị cũng được ông lột tả một cách chân thực, chính xác mà đẹp, đẹp và thật đến nỗi người đọc cứ tự hỏi “Mình đây sao? Đẹp vậy, hay vậy sao? Sao lúc đó mình không nhận ra nhỉ?”... “Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội nao lòng, làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn... Những miếng ngon mà người Việt Nam ăn vào thấy ngát mùi đất nước, thấy mình Việt Nam hơn...”.

Thương nhớ mười hai” còn đặc biệt hơn nữa với những “miếng ngon”, là những đồ ăn thức uống. Chẳng phải là kỳ trân dị bảo, mà những “miếng ngon” của Vũ Bằng ngon ở cái bình dân, ở cái hợp thời, ở cái khả năng gợi nhớ và nhắc nhở. Ngon từ củ khoai mẹ lùi trong tro bếp những ngày đông giá, ngon đến “miếng chả nhái nhâm nhi với chén rượu mà rung đùi tưởng chừng như có thể gãy cả thang giường”, ngon như con chim ngói úp trên nồi xôi “nếp cái mới” vào cuối Thu... Ngon tưởng có thể “chết ngay đi được!”.

 

2/Hồ Phương

Hồ Phương là nhà văn trưởng thành từ "Chiến sĩ Quyết tử" của Thủ Đô sáu mươi ngày đêm khói lửa bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của cha ông, gìm chân quân xâm lược cho cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn suốt những năm chống Pháp trong đội hình của Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội là Đại đoàn 308, sau này là Sư đoàn Quân Tiên phong Anh hùng, từ người lính lên Chính trị viên đại đội.

Hồ Phương bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội từ khi mới 17 tuổi. Năm 1949 ông phụ trách một trong những tờ báo đầu tiên của Quân đội là báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308.

Từ Xóm mới (1963) qua Những tầm cao (1973) rồi Những tiếng súng đầu tiên (1980) hơn hai chục năm qua Hồ Phương liên tục đi vào đề tài Hà Nội và đã viết về Thủ đô trong mọi giai đoạn lịch sử khác nhau.

Quê ở vùng Kiến Hữu, ngay sát thị xã Hà Đông. Thuở nhỏ, ông ở quê hoặc theo ông bố xuống học tiểu học ở Thái Bình, nhưng Hà Nội vẫn là nơi đi về qua lại luôn luôn. Đọc sách Hà Nội cũ của Sở Bảo Doãn Kế Thiện, đọc các tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật, đọc báo Ngày nay lúc ấy, ông thấy mê một Hà Nội tài hoa và có nhiều truyền thống lịch sử. Ông đọc những bài thơ như La ga Hà Nội, như Chợ Đồng Xuân của Tản Đà và nhiều bài khác đăng trong Tứ dân văn uyển. Ông nói:” Đọc để thấy Hà Nội thật bình thường, mình đang được sống ngay trong lòng nó, năm nào cũng được đến với nó, mà thật ra là một mảnh đất thiêng liêng cao quý”.

                       

                        PHẠM VŨ ĐỘNG, PHẠM THẾ CƯỜNG

Sưu tầm và biên soạn

Các Bài viết khác