NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỚ ANH NGUYỄN HUY TƯỞNG

( 24-07-2018 - 04:47 PM ) - Lượt xem: 884

Năm 1985, nhân kỉ niệm 10 năm ngày chính quyền về tay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho một đường phố của mình. Nhà văn Anh Đức có bài Nhớ anh Nguyễn Huy Tưởng, đăng báo Văn nghệ ngoài Hà Nội. Xin trân trọng giới thiệu bài viết này của nhà văn Anh Đức.

LGT: Năm 1985, nhân kỉ niệm 10 năm ngày chính quyền về tay, Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho một đường phố của mình. Nhân dịp này, báo Văn nghệ của thành phố đã đặt nhà văn Đoài Giỏi, người có nhiều gắn bó với Nguyễn Huy Tưởng viết bài về ông. Tác giả Đất rừng phương Nam không chỉ nhận lời, mà còn rủ nhà văn Anh Đức, người cũng từng được ông Tưởng quan tâm dìu dắt trong những ngày đầu tập kết ra Bắc, cùng viết về tác giả Vũ Như Tô. Kết quả là sau đấy Đoàn Giỏi có bài Nguyễn Huy Tưởng - một người thầy, một người bạn, một người anh đăng Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, và Anh Đức thì có bài Nhớ anh Nguyễn Huy Tưởng, đăng báo Văn nghệ ngoài Hà Nội. Xin trân trọng giới thiệu bài viết này của nhà văn Anh Đức.

Tôi biết anh Nguyễn Huy Tưởng trước tiên là biết tác phẩm của anh, từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Dạo đó, khoảng năm 1951, tôi công tác ở Chi hội Văn nghệ Nam Bộ. Trong cái thư viện nhỏ nhoi khiêm tốn của cơ quan, có một số tạp chí Văn nghệ và sách từ Việt Bắc gởi vào, trong đó có mấy quyển sách của anh Tưởng. Đó là kịch Bắc Sơn, kịch Anh Sơ đầu quân, kịch Những người ở lại và quyển Ký sự Cao Lạng. Những quyển sách này đã làm một cuộc hành trình từ Bắc vô Nam khoảng sáu tháng tới một năm theo đường liên lạc dài dằng dặc, đầy gian khổ của cuộc kháng chiến. Tôi đã đọc các quyển sách đó của anh Tưởng, và cho đến nay vẫn nhớ cái ấn tượng ngạc nhiên sung sướng của tôi lúc ấy, không ngờ ngoài kia có những anh viết được tốt và kịp thời đến thế, về cuộc kháng chiến vừa diễn ra mới được năm năm. Đọc xong rồi, tôi lật từng trang sách đó, xem xét, ngửi coi có còn phảng phất hơi hướm gì từ chốn chiến khu Việt Bắc xa xôi kia không. Tôi nâng niu coi bìa, cho mãi tới hôm nay tôi còn nhớ rõ từng màu bìa đó. Kịch Bắc Sơn Những người ở lại, tôi chỉ được xem kịch bản ấy chớ chưa hề được coi diễn. Giữa căn cứ địa Cà Mau chẳng chịt sông rạch mọc đầy dừa nước, lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là khung cảnh hùng vĩ của rừng già Việt Bắc, những ông cụ, bà mế, những cô gái Tày tham gia khởi nghĩa, và cuộc chiến đấu ở thủ đô Hà Nội, năm 1946, trong đó nổi lên bao lớp người, bình dân có, trí thức có, với tinh thần quyết tử vì thủ đô, với bao kỷ niệm thật da diết. Tập Ký sự Cao Lạng còn đem lại cho tôi niềm phấn chấn hơn. Lần đầu tiên trong cuộc chống thực dân Pháp, tôi được đọc một quyển ký sự dài, mà người viết thâm nhập bằng cả một quyết tâm và đặc tả một cách tỷ mỷ, sôi động về một chiến dịch lớn mở thông biên giới, đã làm cho tôi càng thêm tin tưởng kháng chiến ngày một mạnh, kháng chiến ắt phải thành công.

Cần phải nói là ngay lúc bấy giờ, những tác phẩm của miền Bắc, trong đó có sáng tác của anh Tưởng, được in ra với một số lượng ít ỏi và in trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, khi lọt vào tới Nam Bộ đã trở thành của hiếm. Riêng tôi, khi đó mới bắt đầu tập viết sách càng thấy quý vì được dịp học hỏi ngay trên các trang sách ấy, những bài học rõ ràng và sinh động nhất về nghề nghiệp, nhưng quý hơn cả là những trang sách đó như đã thúc giục, cổ vũ tôi mạnh bạo bước vào con đường viết.

            Tập kết ra Bắc năm 1954, tôi gặp anh Tưởng một vài năm sau đó. Anh em viết văn ở Nam Bộ ra, ban đầu một số lớn công tác ở Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, vừa viết cho Đài vừa sáng tác, về sau này quy tụ về Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Đoàn Giỏi là người có nhiều sáng tác, được in và đăng tải sớm nhất trên báo chí. Khi ấy tuổi đời tôi mới có hăm mốt, đúng nghĩa là một người viết trẻ cả về tuổi lẫn sáng tác. Chúng tôi, gồm bảy, tám anh em Nam Bộ ngụ ở ngôi nhà số 19 Tôn Đản. Anh Nguyễn Huy Tưởng rất thường đến đó với chúng tôi. Tuy anh không nói ra, nhưng anh có vẻ thích gần gũi với anh em Nam Bộ. Lần đầu tiên được gặp tác giả Những người ở lại Ký sự Cao Lạng, tôi thấy đó là một nhà văn có vóc dáng hơi cao lớn, ăn mặc giản dị, nói năng từ tốn và trên môi luôn nở một nụ cười hiền. Chỉ mới gặp trong thoáng chốc thôi, tôi cũng biết ngay đây là một nhà văn đàn anh mà mình có thể tin cậy ở nhiều mặt, trong đó bao gồm kinh nghiệm, tri thức và nhất là sự cởi mở, chân tình. Là một người viết trẻ ở Nam Bộ vừa ra Bắc, tôi vừa viết vừa ngó nhìn, để ý, học hỏi những anh chị em viết trước. Thành thật mà nói tôi rất mừng, nhưng cũng rất lo, là vì thấy trên mảnh đất này có rất nhiều cây bút đã lẫy lừng tên tuổi, và vì đây vốn là mảnh đất lâu đời của văn học. Ở anh Tưởng, tôi đã học được nhiều điều, mà ngay bản thân anh có khi cũng không biết là đã trao cho chúng tôi những gì mình có. Ở đây có điều cần nói, rằng trước khi tôi tiếp nhận được những điều bổ ích khác ở nơi anh thì tôi đã tiếp nhận ở anh chính con người anh. Con người anh Nguyễn Huy Tưởng rõ ràng là một con người nhà văn chân chính, đã đi vào công việc sáng tác văn học một cách nghiêm chỉnh, cẩn trọng và trung thực ở ngay trong sự thâm nhập đời sống, trong thái độ làm việc và cả trong cung cách cư xử ngày thường. Vào năm 1958, sau một cuộc đấu tranh khá sóng gió, ai nấy đều thấy cuối cùng rồi cũng phải quay về tiếp cận với đời sống để làm ra tác phẩm, nên Hội Nhà văn tổ chức một đợt đi thực tế lớn. Anh Tưởng cùng một số anh trở lại Điện Biên Phủ. Lúc đó tôi đi cảng Hải Phòng, ở dưới một con tàu, cùng anh em thủy thủ lênh đênh sáu tháng trên biển. Ở dưới tàu, tôi chép sạch lại bản thảo tiểu thuyết Một truyện chép ở bệnh viện gởi cho Nhà xuất bản Văn học, đồng thời tranh thủ viết được một số truyện ngắn. Lúc trở về Hà Nội, anh Tưởng gặp lại chúng tôi bảo rằng anh đã dàn xong một tiểu thuyết và hỏi chúng tôi có viết được gì chưa. Tôi nói tôi có viết mấy cái. Anh bảo tôi chọn một cái đọc nghe thử. Tôi đọc cho anh nghe truyện Người gác đèn biển. Suốt từ lúc tôi bắt đầu đọc cho tới lúc tôi đọc xong, anh chăm chú nghe, sau đó anh ngồi yên chưa nói gì cả. Tôi rất lo lắng và hồi hộp. Không phải sợ mình viết không kỹ càng, hàm hồ, bởi vì từ Nam Bộ ra, viết ký còn khả dĩ dễ ăn, chớ làm vô truyện là khó, dù đó là truyện ngắn, nhưng truyện ngắn tức là tiểu thuyết, mà viết tiểu thuyết về một miền đất chưa quen thì không đơn giản. Ngồi yên một lát, anh Tưởng thốt rất khẽ, chỉ vừa đủ cho tôi nghe:

Một phần trang đầu “Nhớ anh Tưởng” của Anh Đức

- Truyện được đấy, rất có hơi thở của thơ. Cậu nên đi vào hướng đó!

Anh Tưởng chỉ nói thế, rồi dẫn ra cho tôi vài chỗ đối thoại của nhân vật chưa thật đúng, xét theo cái thế phải nói ra từ cửa miệng của một ông già miền Bắc. Chỉ cần từng ấy lời thẳng thắn, chân tình và nhỏ nhẹ của anh, tôi liền nhận ra tôi có được gì và còn thiếu sót cái gì. Hơn thế tôi còn nhận ra lời khen của anh vừa sức, khuyến khích tôi mà không làm cho tôi bốc. Tôi nghĩ đó là một thái độ dường như có cân nhắc của anh, để giúp tôi tốt nhất.

Bấy giờ nhà anh Tưởng ở gần góc đường Lý Thường Kiệt - Bà Triệu. Cả gia đình bốn năm người ở trên một gian gác hẹp, anh ngồi viết không mấy yên. Ở đằng nhà 19 Tôn Đản chúng tôi lúc ấy có một buồng trống, nên anh em chúng tôi ngỏ lời mời anh đến ngồi viết. Anh Tưởng nhận lời, tới làm việc đều đặn một ngày hai buổi. Anh đã viết tiểu thuyết Bốn năm sau trong cái buồng nhà 19 Tôn Đản đó. Mỗi sáng, trước khi vô việc, anh cùng chúng tôi ngồi uống trà, nói chuyện lai rai. Nhưng tôi thấy anh không lai rai lâu, hễ đúng giờ là anh đứng dậy, về phòng để viết. Lúc này anh đã bốn mươi sáu, nhưng sức viết rất khỏe, thái độ lao động trong sáng tác hết sức nghiêm túc, chặt chẽ. Anh nêu cho chúng tôi tấm gương lao động nghề nghiệp cần cù, chu đáo, cho thấy anh coi nghề văn là một công việc phải làm ăn đàng hoàng tử tế chớ không thể làm tài tử được. Anh nói lúc nào kẹt nhất lại chính là lúc mình phải ngồi ghì, cố gắng làm cho thông đường. Không khi nào đang viết bị kẹt mà anh bỏ đó. Những khi anh nghỉ xả hơi, tôi vào phòng anh chơi, tò mò cầm trang bảo thảo của anh lên coi. Tôi thấy đó là những trang bản thảo được viết ra từ một người viết đầy trách nhiệm. Chữ anh viết đẹp, chân phương, hầu như sạch từ đầu trang đến cuối trang. Nếu có chỗ bôi xóa hoặc ngoặc thêm vô, cũng đều gọn sạch chớ không gây cảm giác nhòe bẩn. Nhìn trang viết của anh cũng đủ biết anh nâng niu coi trọng chữ nghĩa mình viết ra là dường nào. Tôi thích những trang bản thảo như thế, chưa tính hay dở ra sao, nhưng trước hết ta tin người đó biết trân trọng dòng chữ. Tôi còn để ý anh viết bằng bút gì nữa Đó là một cây Parker 51, mà anh tủm tỉm bảo rằng do một vị tướng Tàu tặng anh trong Chiến dịch Biên giới.

 

Anh Nguyễn Huy Tưởng đối với chúng tôi là một người viết đi trước, nhưng không bao giờ anh tỏ ra chễm chện bên trên, trong quan hệ đối xử và trong câu chuyện trao đổi về văn học. Những lúc rảnh rỗi, anh nói chuyện bình thường, nhưng qua anh, tôi thấy tiềm tàng một kiến thức sâu rộng mà mình phải lắng nghe, học hỏi. Vốn là một người có học hồi thuộc Pháp, lẽ tất nhiên anh quá rành văn học Pháp, nhưng văn học kim cổ đông tây anh cũng rành, kể cả văn học Nga Xô viết anh rất am hiểu, đặc biệt vốn cũ của ông cha và lịch sử dân tộc thì anh hết sức mến yêu chú trọng. Anh nói với chúng tôi về các nền văn học trên thế giới, kể cả những chuyện bên lề, ví dụ như trường hợp Gô-gôn viết Những linh hồn chết, khi sách ra thì Bi-ê-lin-xki tới đập cửa nhà Đô-brô-liu-bốp báo tin rằng “một thiên tài vừa xuất hiện trên vòm trời Nga”, hay chuyện những văn hào lớn nhưng vẫn cứ hay xích mích với nhau vì những nguyên cớ lặt vặt, như Lép Tôn-xtôi và Tuốc-ghê-nhi-ép. Anh còn bảo mình bao giờ cũng cố giữ gìn tính kỷ luật, tổ chức, thế mà lâu lâu lại xé rào, chớ Nam Cao thì không thế. Cái lần Nam Cao đi về vùng địch hậu khu Ba, thì anh cũng được trên phân công đi một điểm khác, nhưng trước đó anh bàn với Nam Cao đổi điểm nhưng Nam Cao không chịu, nói rằng trên đã phân công rồi thì nên chấp hành như vậy. Anh Nam Cao đi rồi hy sinh. Anh Tưởng bảo: “Nếu lần đó đổi điểm thì có khi mình hy sinh chứ không phải Nam Cao!”.

Với vốn liếng văn hóa và đọc nhiều hiểu rộng, anh Tưởng là nhà văn có trình độ tổng hợp cao, do đó sáng tác của anh thường có bề thế, sự kết hợp giữa số phận nhân vật với các biến chuyển lịch sử khá chặt chẽ làm cho tiểu thuyết cũng như kịch của anh có dáng dấp sử thi, rõ nhất là quyển Sống mãi với Thủ đô. Hay trước đó là Bắc Sơn Những người ở lại. Riêng phần sách của anh viết cho thiếu nhi đã lên tới gần hai mươi cuốn, trong đó có những cuốn rất hấp dẫn, chẳng những cho trẻ mà còn cho cả người lớn, như An Dương Vương xây thành ốc, La cờ thêu sáu chữ vàng, Kể chuyện Quang Trung. Anh là một nhà văn có công lớn trong bước đầu xây dựng và hình thành mảng văn học cho thiếu nhi. Chính anh là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhưng làm giám đốc, anh không bệ vệ ngồi ở bàn giấy, anh kêu gọi viết cho các em và chính anh viết cho các em.

Anh Tưởng là một nhà văn tầm cỡ của nước ta, là người sớm giác ngộ, ở trong tổ chức Văn hóa cứu quốc, có chân trong Đoàn đại biểu văn hóa được cử đi dự Đại hội Quốc dân lịch sử chuẩn bị Tổng khởi nghĩa họp ở Tân Trào. Sau năm 1954, về lại Hà Nội, anh sáng tác trong cảnh sống giản dị, thanh bạch. Có lúc đạp xe đến chỗ chúng tôi, anh mặc bộ quần áo vải nâu, hoặc mặc áo sơmi thì thường bỏ ra ngoài cho thoải mái. Từ con người anh toát ra sự giản dị, điềm đạm và đôn hậu. Tôi tin rằng bất cứ ai trong giới văn học ở Hà Nội bấy giờ cũng đều có cảm tình với anh, vì bao giờ anh cũng trung thực, trung thực ngay cả khi anh viết bài còn thiếu sót. Đối với anh em viết văn Nam Bộ chúng tôi, anh quan tâm tới cảnh xa quê, xa gia đình. Tết nào anh cũng dặn chị gói thêm bánh chưng, và anh mang bánh đến tặng chúng tôi. Nhớ lần anh ra sách Bốn năm sau, một chiều anh tới rủ chúng tôi đến hiệu Nguyên Sinh đãi món đặc sản dê, có kèm theo rượu tiết dê mà khi nâng cốc, anh cười hà hà bảo: “Cho mấy thằng Nam Bộ độc thân uống thứ nầy kể ra cũng có hại cho chúng nó!”. Lại có lần, anh mời chúng tôi lại nhà anh ăn cơm. Chị Tưởng và các cháu chiên nem rán nhân cua bể rất ngon. Tôi nhớ mãi buổi tối đó. Trên gian gác không rộng rãi gì của anh, chúng tôi đã có được một không khí Nam - Bắc đoàn kết thật là trong sáng, và tôi ngó thấy gia đình anh Tưởng sống trong cảnh sống dung dị mà ấm cúng. Chị Tưởng là một người phụ nữ hiền lành, nhỏ nhẹ, lo lắng cho cả gia đình trong một hoàn cảnh chung còn cơ cực, rồi còn lo lắng trông nom công việc viết của anh. Tôi thật chẳng ngờ sau đó không lâu, chị Tưởng lại phải gánh trên đôi vai gầy yếu của mình một gánh nặng còn hơn thế nhiều. Thật không ai ngờ, ở độ tuổi bốn mươi tám, anh Tưởng đang còn sức viết khỏe như vậy, lại đột nhiên lâm bệnh “hiểm”, một người có tầm vóc cao lớn khỏe khoắn như anh, bỗng thình lình sút hẳn đi. Một hôm, anh bảo với chúng tôi dạo này anh viết rất ít, năng suất giảm hẳn, vì ngồi viết sao thấy mệt quá. Tới lúc vào bệnh viện Việt - Xô khám, hóa ra là thứ bệnh đáng sợ nhất, ung thư gan. Chính giữa lúc đó, anh vừa làm xong kịch bản phim Lũy hoa, rút từ tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô. Những ngày anh sắp mất, chúng tôi vào thăm, thấy người anh tóp rọp lại. Anh em chúng tôi đều không cầm được nước mắt. Thế nhưng anh vẫn giơ tay lên chào chúng tôi, và giọng nói vẫn đầy tin tưởng. Con người ấy không tỏ ra sợ cái chết đến với mình, chỉ có trong khóe mắt nhân hậu của anh là ánh lên bao tiếc nuối, về những ước ao dự định văn học chưa kịp thực hiện, và nỗi lo âu vợ yếu con thơ còn ở lại.

Anh Tưởng mất, nhà 19 Tôn Đản chúng tôi vắng anh lui tới, vắng giọng nói hồn hậu của anh, buồn hẳn đi. Giới sáng tác văn học mất đi một nhà văn mà ai cũng tin là chưa thể mất được. Cho nên nỗi tiếc thương kéo dài, thầm lặng. Hai năm sau tôi về Nam, dọc đường Trường Sơn lội suối trèo non, mỗi lần nghĩ tới anh, tôi gìn giữ trong lòng mình hình ảnh một người anh văn học thân yêu nơi đất Bắc, và nỗi mong ước được vô Nam của anh từng thốt ra với chúng tôi ngày nào, cứ làn tôi xa xót. Cho đến ngày miền Nam được giải phóng, đi giữa thành phố Sài Gòn nay được mang tên Bác, tôi lại ngẩn ngơ tiếc, giá giữa ngày vui này mà có anh Tưởng thì vui biết mấy. Nhất định từ Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ cùng anh đi về châu thổ Cửu Long, vùng quê mà anh chưa từng biết nhưng đã thấm đọng lại trong lòng anh bao tình cảm yêu thương day dứt.

Kể từ ngày anh Nguyễn Huy Tưởng không còn nữa cho tới nay đã chẵn hăm lăm năm1, một phần tư thế kỷ đầy biến động và đầy vinh quang của đất nước. Thỉnh thoảng tôi lại giở tuyển tập của anh ra đọc, và lần đọc mới đây là một lần để cho tôi tiếc nuối. Tôi cứ nghĩ nếu anh mà còn, tôi tin thế nào anh cũng làm ra được một thứ tiểu thuyết khác, nói theo cách ta hay nói gần đây là tiểu thuyết sử thi, có bề thế và hoành tráng. Thứ tiểu thuyết đó, tôi gẫm rất hợp với anh, vì chính anh là người đã khởi sự làm ra thứ đó cách đây hai mươi lăm năm.

Tháng 5-1985

(Văn nghệ, 3-8-1985)

  -----------------

1. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mất năm 1960, tính đến thời điểm tác giả viết bài này (1985) là vừa 25 năm.

 

Các Bài viết khác