NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGUYỄN HUY TƯỞNG VÀ NHỮNG TRANG VIẾT VỀ ĐIỆN BIÊN(*)

( 09-05-2014 - 08:43 PM ) - Lượt xem: 1704

Tháng 7/1958, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đi thực tế ở Điện Biên, tại đây ông đã sống và lao động cùng các chiến sĩ, ông đã để lại cho Điện Biên và chúng ta tập tiểu thuyết \"Bống năm sau\" và hai tập nhật ký của bốn tháng đi thực tế đó. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên, đọc lại những trang nhật ký và tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng về vấn đề xây dựng lại Điện Biên, thiết nghĩ là một việc đầy ý nghĩa.

Những ngày cuối năm 1959, tại các “Hiệu sách Nhân dân” - hệ thống phát hành rộng khắp toàn quốc lúc bấy giờ, xuất hiện một cuốn sách mới: tiểu thuyết Bốn năm sau của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cuốn sách lập tức được đông đảo bạn đọc đón nhận. Nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng còn ghi lại: “Sách bán chạy. Thuần (tên một người quen của tác giả) đi mua đều không có”. Các bài phê bình cũng lần lượt xuất hiện, với nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Đài phát thanh nhanh chóng giới thiệu cuốn tiểu thuyết trong chương trình Đọc truyện đêm khuya, như một tác phẩm văn học mới và còn khá hiếm hoi vào thời điểm đó. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một lần tiếp các văn nghệ sĩ đã cho ý kiến nhận xét tốt, đặc biệt là những trang đầu. Trong Tuyển tập Văn Việt Nam 1945-1960 do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1960, chương đầu của tiểu thuyết Bốn năm sau cũng được chọn đăng trong phần tuyển tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng. Và trong chương trình giảng văn lớp 10 (hệ 10 năm thời bấy giờ), chương này cũng được đưa vào giảng dạy cho học sinh suốt cho tới khi có chương trình cải cách giáo dục... Về phần mình, Nguyễn Huy Tưởng, với tất cả tính khiêm tốn và lòng thành thực của ông, thì tự đánh giá, như để đáp lại một số ý kiến phê bình mà ông thấy là không thỏa đáng: “Ta có phải thỏa mãn với tác phẩm ấy của ta đâu. Nhưng chớ nên coi cuốn tiểu thuyết ấy rẻ quá” (nhật ký ngày 10-4-1960).

 *

Nguyễn Huy Tưởng có đầy đủ lý do để tự nhắn nhủ mình như thế. Ít nhất thì Bốn năm sau đã là sự lao tâm khổ tứ của ông suốt gần một năm giời. Ông bắt đầu khởi bút viết tác phẩm này vào những ngày Tết ra năm 1959, thậm chí đã thai nghén nó ngay khi còn đang tham gia lao động thực tế ở Điện Biên, một nửa năm về trước. Viết xong, ông đưa cho Nhà xuất bản Văn học góp ý kiến, và người trực tiếp đọc góp ý bản thảo của ông chính là nhà văn, nhà thơ Đồ Phồn, khi ấy là Phó giám đốc nhà xuất bản. Cũng giống như cách Nguyễn Huy Tưởng đã từng làm với tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, tác phẩm được coi là dày công nhất của ông, Nguyễn Huy Tưởng đã viết lại một lần thứ hai tiểu thuyết Bốn năm sau, tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đồ Phồn và nhất là sau khi đã nghiền ngẫm rất nhiều về tác phẩm của mình. Một chi tiết cũng nên nhắc tới là Nguyễn Huy Tưởng đã đem tập bản thảo lên Yên Thế với Nguyên Hồng để được tập trung hơn cho công việc sáng tác. Kết quả của lần đi viết lại ấy chính là những gì đã được in ra có dạng như hiện nay.

Nhưng có lẽ, và trước hết, Bốn năm sau là kết quả của chuyến đi thực tế Điện Biên hơn bốn tháng giời của Nguyễn Huy Tưởng(1). Đây không phải là chuyến đi “phát vãng”, như bấy giờ từng có “dư luận”. Đây cũng không phải là một chuyến đi “cưỡi ngựa xem hoa”, như cách một số người vẫn quen nhìn nhận về việc văn nghệ sĩ đi thực tế. Mà thực sự Nguyễn Huy Tưởng đã tham gia vào mọi công việc lao động hàng ngày của các chiến sĩ xây dựng lại Điện Biên. Cùng với chiến sĩ, ông đi chiết cam ở Mường Pồn để đem về nhân giống. Cùng với chiến sĩ, ông đi lấy tre về để đan phên làm giàn ươm cao su. Cùng với chiến sĩ, ông vui cái vui chung của mùa gặt mới, lo cái lo chung của đợt gió mùa đông bắc về có thể làm chết cây non... Nhưng với Nguyễn Huy Tưởng, lao động của nhà văn trước hết và bao giờ cũng là lao động của người cầm bút. Có thể là giữa những giờ lao động chân tay mà cũng có thể là đêm đến, khi các cán bộ, chiến sĩ đã yên giấc ngủ, ông lại ngồi cặm cụi ghi lại trong nhật ký đủ mọi chuyện, mọi việc về con người và mảnh đất Điện Biên lịch sử, nơi đang chứng kiến những đổi thay do lao động mà chính tay ông góp sức vào...

Nhật ký chuyến đi thực tế Điện Biên của Nguyễn Huy Tưởng được viết trong hai cuốn sổ. Cuốn đầu bắt đầu ghi từ ngày đoàn của các ông lên đường (30-7-1958) và kết thúc ngày 4-10, khi ông dự Hội nghị sản xuất của trung đoàn 98. Cuốn thứ hai ghi từ ngày tiếp theo, chủ nhật 5-10 – “Ngày lao động xã hội chủ nghĩa”, ông tham gia cùng các chiến sĩ làm một mẫu đường lầy - cho đến 4-12-1958 là ngày ông trở về Hà Nội, gặp lại vợ con, gia đình. Tổng cộng phần nhật ký ghi ở Điện Biên gồm 270 trang, được viết bằng một thứ chữ nhỏ đều sin sít (để tiết kiệm giấy?) và thoắng (để kịp ghi lại dòng cảm xúc của mình hay lời kể của nhân vật!). Chưa nói đến giá trị nội dung của những trang nhật ký ấy, chỉ riêng công sức viết ra đã là một sự đáng nể rồi. Thường ngày ông viết một, hai trang. Nhưng cũng có những ngày ông viết đến 9, 10 trang, như ngày 22-8 ông vừa ghi lại những cảm xúc dào dạt của mình về hiện trạng hỗn độn, ngổn ngang của Điện Biên, vừa lấy số liệu hết sức chi tiết về các mặt địa lý, văn hóa, các vấn đề về con người... nơi đây; hay ngày 2-11 ông vừa ghi đủ mọi nét sinh hoạt của đồng bào, chiến sĩ, vừa chép lại cả một đoạn nhật ký dài lê thê của chiến sĩ Cường. Tính trung bình, suốt bốn tháng lao động ở Điện Biên, mỗi ngày Nguyễn Huy Tưởng viết gần hai trang rưỡi nhật ký! Ấy là chưa kể ông còn thường xuyên viết thư cho người thân, các bạn văn nghệ sĩ và viết bài gửi cho báo Văn Nghệ, đài phát thanh, v.v...

Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký như một thói quen, và ở Điện Biên ông tiếp tục thói quen này với một ý thức rõ rệt: lấy tài liệu để viết. Những khó khăn, vất vả của bộ đội - ăn chỉ toàn gạo nếp, cá khô. Những nguy hiểm trong công việc hàng ngày hàng giờ của họ - mìn có thể nổ bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu. Sự thiệt thòi của họ - vừa trải qua chiến đấu hi sinh gian khổ, nay chưa được hưởng sự đãi ngộ gì của hòa bình đã lại phải xa quê hương bản quán, xa vợ con, gia đình lặn lội lên tận miền Tây Bắc hoang vu. Những tấn kịch của chiến sĩ đi làm nhiệm vụ, người thì ở nhà mẹ héo cha già, vợ con nheo nhóc; người thì vợ ngoại tình; người bị người yêu phản bội. Những thắc mắc chính đáng của họ vì đi đã lâu mà không được về phép. Cái quyết tâm ghê gớm của chính những con người đầy những thắc mắc ấy, nhưng vẫn lao động quên mình, thi đua với nhau và đấu tranh với chính mình để trụ lại và tiến lên... Tất cả những nét lớn lao ấy, những vấn đề ấy, những tấn kịch ấy ở từng mỗi con người, mỗi đơn vị, mỗi địa bàn ông đến thâm nhập đã đem lại cho ông biết bao cảm xúc, để rồi, khi mà sự nghiền ngẫm đạt đến độ chín, ở ông đã hình thành một ý tưởng rõ rệt: xây dựng một tiểu thuyết kể về công cuộc xây dựng lại Điện Biên của các chiến sĩ sư đoàn 316 bốn năm sau tắt tiếng súng thần công lịch sử (chữ dùng của Nguyễn Tuân).

Đọc Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng và đối chiếu với tiểu thuyết Bốn năm sau của ông, ta có thể thấy được mối liên hệ hết sức thú vị giữa một bên là những ghi chép dưới dạng những nét chấm phá ban đầu, và một bên là những người những chuyện được cấu tứ, sáng tạo nên từ những ghi chép ấy. Hóa ra toàn bộ những gì Nguyễn Huy Tưởng đã viết ra trong tiểu thuyết của mình đều là người thật, việc thật. Sợi chỉ xuyên suốt cuốn truyện là việc một cô bé được bộ đội cứu sống trong chiến tranh, nay bà mẹ muốn đền đáp công ơn người chiến sĩ đã cứu con mình bằng cách gả cô con gái cho anh, chính là bắt nguồn từ câu chuyện các chiến sĩ kể cho nhau mà tác giả nghe được ngay trên chuyến xe đưa ông lên Điện Biên. Đại đội vườn ươm c17, đơn vị công tác của nhân vật chính Doan chính là nơi tác giả đến thâm nhập thực tế. Câu chuyện tình éo le của anh này cũng là tấn kịch có thật của một chiến sĩ tên là Doanh. Một điển hình hay thắc mắc, nhân vật Bằng, đã được tác giả khai thác từ đoạn nhật ký chép lại của chiến sĩ Cường, có khác chăng chỉ là chuyển bối cảnh từ một cuộc họp của đơn vị sang câu chuyện giữa các chiến sĩ với nhau trong bữa ăn chỉ toàn những gạo nếp, cá khô...

Nhiều nhân vật chính và phụ, tích cực và tiêu cực là những nguyên mẫu có thật gần như trăm phần trăm trong số những chiến sĩ mà tác giả đã quan sát được. Hớn Hở, nhân vật đáng yêu trong tiểu thuyết chính là cái anh chàng chiến sĩ tốt bụng Hoa Nở chăm làm và hay giúp đỡ người khác tên thật là Trần Quốc Toản, người Hà Tĩnh. Đặc biệt nhân vật Thống Chế không hề có chút nào là thậm xưng như có thời người ta đã xoáy vào nhân vật này để phê phán (rằng Nguyễn Huy Tưởng bôi đen người chiến sĩ). Công bằng mà nói, có thể cái nhân vật bộ đội thoái hóa, biến chất ấy không phải là số đông trong số cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ xây dựng lại Điện Biên, nhưng những thói hư tật xấu của anh ta: lười biếng, ích kỷ, ba hoa, trơ trẽn là hoàn toàn có thật, nếu ta đối chiếu với những gì tác giả đã ghi lại - dù chỉ là trên những nét chấm phá - trong nhật ký. Thậm chí tác giả còn “tận dụng” cách chiến sĩ đặt biệt hiệu cho anh ta để đặt tên cho nhân vật của mình. Từ cái tên Minh Chưởng, các chiến sĩ gọi lái đi thành Quốc Trưởng, và đến lượt mình, tác giả sáng tạo thành Thống Chế! Giờ đây nhìn lại, có thể thấy rằng với nhân vật này, Nguyễn Huy Tưởng đã phát hiện được một điển hình tiêu cực trong bộ đội và ông đã sớm cảnh báo về sự xuống cấp về nhân phẩm ngay trong những con người mới của thời đại, “giữa lúc mọi người đang đồng thanh hát tráng ca” (chữ dùng của Nguyên Ngọc).

Đọc Nhật ký rồi đọc Bốn năm sau, chúng ta càng thấy tấm lòng chân thành của tác giả khi đi vào thực tế đời sống cũng như trên trang viết. Ông trân trọng từng kết quả lao động dù nhỏ của các chiến sĩ cũng sâu sắc như lòng cảm thông với những khó khăn, thắc mắc của họ. Ông tin tưởng vào tương lai tươi sáng của thành phố Điện Biên nay mai cũng dứt khoát như khi nhìn thẳng vào thực trạng ngổn ngang, hỗn độn của mảnh đất chiến trường xưa. Có thể viễn cảnh của thành phố Điện Biên trong Nhật ký cũng như trong tiểu thuyết Bốn năm sau đã không nghiệm đúng với thực tế như ta đã thấy. Có nhiều lý do để công cuộc xây dựng lại Điện Biên không được “xuôi chèo mát mái” như người ta đã hoạch định và tác giả đã vẽ nên: chiến tranh, chủ nghĩa duy ý chí, thói quen làm việc không đến nơi đến chốn... Nhưng, như Nguyễn Huy Tưởng đã từng viết ở đâu đó, “cuộc sống cứ đi và bao giờ cũng thắng”, giờ đây, không phải là “bốn năm sau” mà phải sau gần nửa thế kỷ(2), thành phố Điện Biên Phủ thực sự đã mọc lên và tiếp tục phát triển, trở thành thủ phủ xứng đáng của tỉnh mới Điện Biên và rộng hơn, của cả một vùng Tây Bắc. Nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên, đọc lại những trang nhật ký và tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng về vấn đề xây dựng lại Điện Biên, thiết nghĩ là một việc đầy ý nghĩa.

NGUYỄN HUY THẮNG

--------------        

(*) Lời giới thiệu cho cuốn sách cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng, do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2004.

(1) Đoàn các văn nghệ sĩ đi thực tế Điện Biên, ngoài Nguyễn Huy Tưởng còn có nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Lưu Quang Thuận và nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Như Nguyễn Huy Tưởng đã viết trong nhật ký, trên đường đi, Văn Cao bị rách dạ dày, phải mổ ở Mộc Châu và không tiếp tục chuyến đi được nữa.

(2) Tính đến thời điểm 2004, năm xuất bản cuốn sách.

Các Bài viết khác