NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT LỜI ĐỀ TẶNG NÓI NHIỀU

( 11-05-2017 - 06:31 AM ) - Lượt xem: 1500

Ở bài viết này, tôi muốn đặc biệt giới thiệu bức ảnh tiếp theo, chụp bốn ông: Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng và Huy Cận. Bức ảnh này do chính nhà thơ Huy Cận tặng cha tôi, ở mặt sau có lời đề tặng của ông

MỘT LỜI ĐỀ TẶNG NÓI NHIỀU

NGUYỄN HUY THẮNG

Là người rất yêu thơ và từng mong muốn trở thành thi sĩ, cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng không thể không quan tâm đến một nhà thơ như Huy Cận. Nhật ký ngày 14-1-1941 của ông có ghi: “Mua tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận. Đọc vài bài thấy hay vô cùng. Nó có một vẻ nhẹ nhàng Đông phương.” Bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng còn chưa thành danh nên tác giả tập thơ chắc còn chưa biết ông. Nhưng chỉ mấy năm sau, khi Cách mạng tháng Tám thành công, cả Nguyễn Huy Tưởng và Cù Huy Cận (tên khai sinh của nhà thơ) đều đã trở thành những người tai mắt trong xã hội: Cù Huy Cận là Bộ trưởng Canh nông, được cử tham gia phái đoàn của chính phủ cách mạng lâm thời đi Huế tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại; Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người lãnh đạo Hội Văn hóa cứu quốc, đồng thời là tác giả vở kịch Bắc Sơn gây tiếng vang lớn hồi đầu Cách mạng…

Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu năm 1946, cả Nguyễn Huy Tưởng và Cù Huy Cận đều trúng cử. Nguyễn Huy Tưởng là đại biểu tỉnh Bắc Ninh, còn Cù Huy Cận - đại biểu tỉnh Hà Đông. Bất chấp nhiều cái chung đó – cùng cánh sáng tác với nhau, cùng là người trong giới chức, cùng có chân trong Quốc hội – nhưng xem ra hai ông không phải là những người bạn tâm giao. Thế nhưng, nếu so với một số người khác mà cha tôi có sự gắn bó thân thiết, hai ông lại có nhiều ảnh chụp chung hơn. Và đó là nhờ bởi các cuộc họp Quốc hội mà hai ông vẫn cùng dự.

Chúng ta biết rằng Quốc hội khóa I năm 1946, có năm đại biểu là văn nghệ sĩ thuộc Việt Minh đoàn: ngoài hai ông Nguyễn Huy Tưởng, Huy Cận, còn có Nguyễn Đình Thi đại biểu Hải Phòng, Xuân Diệu (tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu) đại biểu Hải Dương và Nguyễn Đỗ Cung, đại biểu Hà Đông.

Trong gia đình chúng tôi hiện còn lưu giữ ba bức ảnh chụp chung của cả năm ông hay phần lớn các ông. Bức ảnh thứ nhất không đề ngày tháng, địa điểm chụp, nên ta không biết cụ thể ảnh được chụp trong bối cảnh nào – một sự kiện của Quốc hội hay Văn hóa cứu quốc. Nhưng có thể đoán ảnh chụp năm 1946, tại Hà Nội, trong đó có ít nhất bốn vị đại biểu Quốc hội đồng thời là các văn nghệ sĩ nói trên. Trừ người thứ hai từ trái qua không rõ là ai, ta có thể nhận ra bốn ông còn lại là Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận và Nguyễn Huy Tưởng.

Đến bức ảnh thứ hai thì đã có đầy đủ thông tin, không chỉ ở băng rôn cho biết đó là tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa I, mà ở mặt sau còn có bút tích của Nguyễn Huy Tưởng ghi rõ hôm ấy là ngày 4-12-1953. Lịch sử Quốc hội cũng cho ta biết kỳ họp này diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4, tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Như vậy, ta có thể hình dung, vào ngày bế mạc, năm văn nghệ sĩ đại biểu Quốc hội đã “rủ nhau” chụp một bức ảnh kỷ niệm. Lần lượt từ trái qua là Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu và Nguyễn Huy Tưởng.

Ở bài viết này, tôi muốn đặc biệt giới thiệu bức ảnh tiếp theo, chụp bốn ông: Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng và Huy Cận. Bức ảnh này do chính nhà thơ Huy Cận tặng cha tôi, ở mặt sau có lời đề tặng của ông mà tôi xin được chép nguyên văn:

“Tưởng ơi,

Gửi Tưởng cái ảnh chúng mình chụp ở Chủ tịch phủ hômhọp Quốc hội kỳ 12

 

Mấy chữ ngắn gọn nhưng thật quý báu và cảm động. Đó không hề là một lời đề tặng “theo thông lệ” mà người ta có thể sẽ viết nếu chỉ ở mức quan hệ xã giao. Ở đây, như ta có thể cảm nhận, có một sự thân tình hết sức tự nhiên như giữa những người đã quá thân quen. Mặc dù không ghi ngày tháng, song lời đề đó cũng cho ta biết rằng bức ảnh được chuyển tới Nguyễn Huy Tưởng vài ngày sau kỳ họp 12 Quốc hội khóa I, tức là vào khoảng trung tuần tháng 4 năm 1960.

Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 4-5-1912, cho đến khi ấy mới gần 48 tuổi. Nhưng sao trong ảnh trông ông già thế, và cũng buồn thế? Điều này có lí do của nó. Sức khỏe của ông đang bị giảm sút nghiêm trọng, và chỉ ít ngày sau, ông phải nhập viện.

Kết quả khám nghiệm cho thấy ông bị một cái u đã to ở gan, mà lại ác tính, nghĩa là không thể cứu chữa được. Qua đời hai tháng sau, vào cuối tháng 7 năm 1960, có lẽ bức ảnh nhà thơ Huy Cận tặng ông là hình ảnh cuối cùng của nhà văn trong ít ngày ông còn lưu lại trên cõi đời.

Về phần mình, nhà thơ Huy Cận sinh năm 1919, cho đến lúc ấy mới 41 tuổi, và ông vẫn còn hơn nửa quãng đời nữa để đi tiếp. Số phận là như vậy. Cuộc đời có thể rất dài với người này và ngắn ngủi với người kia. Nhưng giờ thì cả hai ông đều đã trở thành người thiên cổ. Viết mấy dòng tri ân này, tôi muốn được tỏ lòng biết ơn tới nhà thơ Huy Cận, người đã tặng cha tôi “bức ảnh cuối cùng” cùng những lời đề tặng rất đỗi thân tình mà tôi đã thực sự bất ngờ khi biết được.

 

Từ phải qua: Huy Cận, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi.

Các Bài viết khác