NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CA SĨ THƯƠNG HUYỀN VÀ NHỮNG NGÀY THU CÁCH MẠNG

( 31-08-2019 - 01:25 PM ) - Lượt xem: 668

LGT: Nữ ca sĩ Thương Huyền sinh năm 1923, mất năm 1989, cách đây vừa đúng 30 năm. Bà từng rất nổi tiếng với giọng ca mượt mà, truyền cảm, rất điệu nghệ mà cũng rất “mộc”. Thuộc thế hệ ca sĩ trưởng thành cùng cách mạng, cùng tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp bằng giọng hát của mình, Thương Huyền đã có những quãng thời gian khá thân mật với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Nhân dịp 74 năm Cách mạng tháng Tám, xin giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết về mối quan hệ giữa hai gương mặt nghệ sĩ ấy, in trong cuốn Nguyễn Huy Tưởng với người thân, NXB Thanh Niên, 2012.

 

Năm 1949, Hội Văn nghệ Việt Nam chuyển từ Gia Điền đất Phú Thọ tới Xóm Chòi, nay thuộc xã Yên Mỹ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Một ngày cuối tháng 5, cha tôi và các văn nghệ sĩ ở cơ quan Hội vui mừng đón tiếp một người khách quí: nữ ca sĩ Thương Huyền. Nàng vào chơi với các ông và hát mấy bài, như lại trở về với những sinh hoạt văn nghệ ngày nào. Ôi tiếng hát Thương Huyền, vẫn thế, ấm và lẳng! Tiếng hát của nàng đưa cha tôi trở về với một kỷ niệm không vui gần hai năm trước. Bấy giờ, quãng giữa tháng 7 năm 1947, cơ quan văn nghệ còn đóng ở Bắc Cạn. Thương Huyền, giọng ca nữ hàng đầu của Việt Nam cũng đi kháng chiến. Ở Bắc Cạn, nàng hát cho Đài tiếng nói Việt Nam và tham gia ban kịch Giải phóng. Do ghen tức, nàng bị P.D. buộc ban kịch phải thải hồi. Cực chẳng đã, Thương Huyền đành phải về quê ở Sơn Tây. Trước khi đi, nàng tổ chức một buổi hát chia tay, có mời một số văn nghệ sĩ, trong đó có các ông Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Văn Chừng... cùng dự. Không rõ những người khác thế nào, riêng cha tôi thì chỉ biết “thương thương nghe tin nàng giải nghệ”. Ông chợt ngạc nhiên, Thương Huyền cũng có sức khêu gợi, điều mà cách đó không lâu ông còn không nhận thấy. Nhận điếu thuốc lá nàng mời, ông tự triết lý với mình: “Sự xa cách làm thanh con người”...

Là một người lãnh đạo cơ quan Hội Văn nghệ, cha tôi đi công tác luôn, khi gần khi xa, nhưng thường vẫn qua Thái Nguyên, bấy giờ đang thuộc quyền kiểm soát của ta. Tuy thành phố đã tiêu thổ kháng chiến, nhưng dẫu sao cũng vẫn còn hơi hướng đô thị, người dân ban ngày đi sơ tán, tối đến lại trở về nhà. Một chiều cuối năm 1949, cha tôi đi Phúc Trìu may áo va-rơi, kiểu áo lính mà các cán bộ hồi ấy thường mặc. Gặp lúc các thợ may đều bận may áo cho bộ đội (Đại đoàn Quân tiên phong vừa được thành lập ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên trước đó vài tháng), nên họ không nhận may. Trời thì rét, phố thì buồn, người đi sơ tán vãn cả, cha tôi vào một hiệu cà phê quen có cô chủ quán ông biết từ hồi ở Hà Nội. Ông hỏi thăm tin tức người này người nọ, không quên hỏi về ca sĩ Thương Huyền theo gia đình về tản cư nơi đây. Gia đình nàng sống bằng mua và bán quần áo cũ, là một gia đình theo nếp cổ, các cụ giữ gìn gia phong, mấy chị em xưng hô trên dưới theo đúng thứ bậc. Riêng nàng, đúng là nghệ sĩ, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng... Không hiểu sao, dạo này, ông hay nghĩ đến nàng. Nhớ lúc nàng đến chơi, vẻ lả lơi. Nhớ hôm chia tay nàng, người đi Đại Từ, người xuôi đò về Bắc Giang, đêm ấy ông đã mơ thấy nàng, không phải chia tay nhau mà là cùng đi, và nàng lại hát. Đã bao lần ông nghe nàng hát, lần thì Phạm Văn Chừng đệm đàn, lần thì Văn Chung. Nhưng trong mơ thì chỉ có ông và nàng. Tại sao lại thế, ông không lý giải được. Hoàn cảnh kháng chiến, gia đình li tán, ông xa vợ con đã mấy năm, nay cũng quen rồi. Vợ con ông bị kẹt lại trong thành, không biết rồi có ra ngoài kháng chiến được không. Thương ông vò võ một mình, người này người nọ có ý mối manh cho ông, nhưng ông còn chưa quyết... Cũng không phải lần đầu tiên ông có cơ hội gần gũi một người phụ nữ, nhưng ông có nghĩ ngợi gì đâu. Còn lần này, gặp lại nữ ca sĩ ở đất Thái Nguyên mùa đông năm 49 - 50, không hiểu sao trong ông lúc nào cũng đầy ắp hình ảnh Thương Huyền. Vốn quen ghi lại trạng thái tinh thần của mình, ông không thể không viết ra tình cảm rất lạ của mình khi ấy với nàng. Khi thì “Lòng nặng Thương Huyền”, khi thì “Đầu óc loạn vì Thương Huyền”... Mà xem ra, các bạn như cũng đoán được. Một lần, ông giở ví ngắm ảnh Thương Huyền, Kim Lân trông thấy, tán: “Trông như Phồn Y” (nhân vật trong vở kịch Lôi Vũ của Tào Ngu mà Nguyễn Huy Tưởng rất thích). Lần khác, Thương Huyền xưng hô thân mật “mình, mình” với ông, Nam Cao, Kim Lân đưa mắt nhìn nhau cười khúc khích. Về phần mình, nữ ca sĩ cũng không giấu tình cảm đặc biệt dành cho ông, mà theo bình luận của các bạn thì, Thương Huyền thích nhất Tưởng - Diệu - Thi (Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi). Ông Thi cũng trong bộ ba ấy thì có lần bảo ông, nàng “mến anh lắm đấy”. Nhớ có lần ông qua chơi, mọi người trong nhà đi vắng cả, một lúc thì Thương Huyền tản cư về, nhà chỉ có mỗi hai người, tha hồ nói chuyện. Nhưng Thương Huyền thì quá tự nhiên mà ông thì lại vụng, nhất là trong lúc tâm trạng bất yên. Sự gần gũi với một người phụ nữ có cảm tình, những cái chạm tay, những lời xưng hô ngọt ngào, thân mật khiến ông cảm thấy khó xử. Thế là ông từ chối ăn cơm, cũng không ở lại, nói thác cần đi tìm các bạn. Buổi chiều ở ngoài hàng, nàng ra tìm, trách ông khách khí, lại vẫn lối nói “mình, mình” khiến các bạn ông lại được một phen cười khúc khích...

Rút cục, chỉ với ông Hoài Thanh là ông có thể giãi bầy tâm sự. Tác giả Thi nhân Việt Nam hơn ông ba tuổi, tính nết rất hợp với ông, nhất là hồi những năm đầu kháng chiến. Hai ông cùng ngậm ngùi cho cảnh ngộ của nữ ca sĩ về chuyện tình duyên, cái người tên C. ấy thật đáng trách, không nhận lãnh trách nhiệm nuôi đứa con... Nhưng có lẽ chính trong cảnh huống ấy mà nữ ca sĩ đã tự lột xác, thanh thản đối mặt với đời. Cha tôi thật cảm động khi nghe ông Hoài Thanh nhận xét: “Thương Huyền giờ không như hồi Bắc Cạn nữa, mà người nhẹ nhõm, mặt thanh hơn”... Và ông kết thúc đoạn nhật ký về cuộc nói chuyện đó bằng câu: “Càng yêu chị”...

Vài ngày sau, ông được bên công an báo: Giặc đã đến Thái Nguyên. Ông phải về gấp cơ quan cùng anh em chuẩn bị ứng phó, lòng vẫn canh cánh lo cho Thương Huyền không biết xoay xỏa ra sao. Thế rồi địch ném bom Thái Nguyên. Cuộc chiến đấu ngày một thêm ác liệt. Rồi ông đi chiến dịch Biên giới, trở về, vừa lúc vợ con ông cũng được liên lạc đưa lên chiến khu đoàn tụ với ông. Rồi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, rồi Giải phóng Thủ đô, ông cùng cơ quan, gia đình trở về Hà Nội...

Một ngày tháng 4 năm 1956, ông thu xếp đưa các con về bên kia sông Đuống thăm bà cụ Giáo, người đã giúp đưa vợ con ông từ ở Hà Nội tạm chiếm ra vùng tự do Thái Nguyên. Có thể nói cụ Giáo chính là ân nhân của gia đình ông. Vừa đạp xe vừa bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm, mấy cha con ông vượt qua cầu Long Biên lúc nào không biết. Bên kia cầu, quang cảnh Gia Lâm tấp nập hiện ra. Từ trên một cột điện cao, loa phóng thanh đang phát chương trình ca nhạc. Một bài hát vô thưởng vô phạt ông không để ý vừa hết. Tiếp đến, một bài khác bỗng thu hút sự chú ý của ông - bài Tình trong lá thiếp nói về tình cảm của nhân dân hai miền Nam Bắc bị chia cắt gửi đến nhau qua lá thiếp. Bài hát đã hay, giọng hát lại càng da diết mà ông thấy sao quen. Giọng hát Thương Huyền!

Một cảm giác tự hào khôn tả dâng trào trong ông. Tự hào cho bạn. Tự hào cho mình. Từ ngày hòa bình lập lại, Thương Huyền vẫn cứ là nữ ca sĩ số một của đất nước, không những thế, giọng hát của nàng càng có nhiều cơ hội phát huy, với những ca khúc được sáng tác như chỉ để dành riêng cho nàng, như: Đóng nhanh lúa tốt, Câu hò bên bến Hiền Lương, Hà Nội - Huế - Sài Gòn,hay bài Tình trong lá thiếp mà ông đang xúc động lắng nghe. Còn ông, từ ngày về Hà Nội, sau mấy sáng tác phục vụ kịp thời không nên cơm cháo gì, ông đã nghĩ ra một đề tài có khả năng phát triển thành một tác phẩm lớn - đề tài kháng chiến, với những người phụ nữ ra đi kháng chiến được lấy làm tâm điểm. Trong số những dự định, ông đã xác định được một nhân vật có nguyên mẫu là Thương Huyền, nữ ca sĩ ở Đài phát thanh. Nghĩ đến sẽ gặp lại Thương Huyền, ông không khỏi mỉm cười. Thật may hồi ấy giữa hai người đã giữ được tình cảm như-thế-ấy, để giờ gặp nhau, không ai phải hối hận điều gì...

*

Tiếc thay, cha tôi đã sớm qua đời bốn năm sau đó, để lại nhiều dự đồ sáng tác, trong đó có tác phẩm về những người phụ nữ đi kháng chiến nói trên. Nhớ đến ông, nhớ đến nữ ca sĩ, tôi thiết nghĩ không gì bằng tìm hiểu thêm về bà, âu có được sự hình dung trọn vẹn về một gương mặt từng để lại dấu ấn một thời.

Thương Huyền sinh năm 1923 ở Đan Phượng, Hà Tây (nay đã thuộc về Hà Nội). Năm 1945, Cách mạng tháng Tám, bà mới 22 tuổi. Nhưng giọng ca Thương Huyền cho đến khi ấy đã không còn là xa lạ với công chúng Thủ đô và cả nước. Ngay từ trước Cách mạng, cùng với Mai Khanh, bà là người chiếm lĩnh sân khấu quán Tân nghệ sĩ nổi tiếng bên Hồ Gươm, với những ca khúc tiền chiến của Văn Cao, Phạm Duy, Lê Thương, Doãn Mẫn... Cùng với ca sĩ Kim Tiêu, Thái Thanh, bà thuộc số những người đầu tiên trình bày những ca khúc bất hủ của Văn Cao. Nhưng rất lâu về sau này, khi kể lại quá trình đến với nghệ thuật của mình trên báo Văn nghệ, bà nói: “Nếu có ai hỏi tôi, chị vào nghề hát từ bao giờ, tôi sẽ rất sung sướng trả lời: Năm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khai sinh Tiếng nói Việt Nam trên làn sóng điện, thì cũng là năm khai sinh tiếng hát của tôi”. Điều này không có gì là mâu thuẫn. Có thể trước đó bà đã hát và hát rất thành công, nhưng chỉ đến Cách mạng, bà mới thực sự tìm được ý nghĩa cho giọng hát của mình. Trong buổi khai mạc “Tuần lễ vàng” và “Hũ gạo cứu đói” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, bà có vinh dự hát hai ca khúc Suối mơThiên thai của Văn Cao trên sân khấu Nhà hát lớn. Hình ảnh nhân dân, không phân biệt giàu nghèo, nô nức đến cúng vàng cho cách mạng, không phân biệt đói no nhịn ăn một bữa để dành gạo cứu giúp đồng bào, chắc chắn đã tác động mạnh đến bà, giúp bà hiểu rõ thêm sức nặng giọng ca của mình và quan trọng hơn, gây cho bà những xúc cảm nghệ thuật khi hát phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. (Nếu không, làm sao sau này bà có thể hát, chẳng hạn, bài Đóng nhanh lúa tốt với chất giọng mượt mà tươi tắn đầy sức quyến rũ như thế?).

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, nữ ca sĩ Thương Huyền đã có may mắn được gặp Hồ Chủ tịch. Bà còn nhớ như in những kỷ niệm của lần gặp Bác ấy, như chính bà đã kể lại trong bài đăng trên báo Văn nghệ nói trên. “Bác đặt tay lên đầu tôi khe khẽ nói: “Hát cũng là chiến đấu, cháu gắng hát sao cho kẻ địch phải buông súng quy hàng, cháu làm được chứ?” Lúc đó nữ ca sĩ chưa hiểu được hết ý Bác, song cũng cúi đầu thưa “vâng” một tiếng nho nhỏ. Nhưng rồi qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, tiếng hát của bà ngày càng được phát huy. Bà thu âm và phát sóng nhiều bài hát cách mạng và kháng chiến, như Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Cảm tử quân (Hoàng Quý), Mơ đời chiến sĩ (Lương Ngọc Trác), Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Sông Lô, Làng tôi, Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận)... Qua làn sóng điện, tiếng hát Thương Huyền ngày càng đến với mọi người, có tác dụng không nhỏ động viên bộ đội, nhân dân hăng say chiến đấu, sản xuất, góp phần đánh thắng kẻ thù. Bà ngày càng thấm thía lời căn dặn của Bác: “Hát cũng là chiến đấu”, “gắng hát sao cho kẻ địch phải buông súng quy hang”... Để rồi đến lần được gặp lại Bác, được Bác giao nhiệm vụ phục vụ nhân dân trong giai đoạn mới, thì bà đã có thể thưa “vâng” một cách thật dõng dạc.

Những năm sau này, Thương Huyền tìm về với dân ca – dân ca quan họ mà bà coi như làn điệu quê hương. Cắt nghĩa tình yêu của mình với dân ca quan họ, bà nói: “Mẹ tôi đẻ tôi ở Đan Phượng, Hà Đông, chứ không phải ở Bắc Ninh. Trong máu tôi không có sẵn chất dân ca quan họ. Tuy vậy, là người Việt Nam ở trên miền Bắc này thì dù ở Đan Phượng, hoặc ở Hải Dương, Hưng Yên hay ở đâu đó, từ tấm bé tai tôi đã quen thuộc quá rồi, với những câu hát ví, cò lả, trống quân... Nhất là bài này nữa:

Yêu nhau cởi áo cho nhau,

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.”

Nhưng thiết nghĩ, điều này với bà mới là quan trọng: dân ca tức là tình, không có tình không phải là dân ca, cũng như không có tình không phải là Thương Huyền, như câu hát bà từng mê mải:

Ới hoa tôi lạ này ới hoa thơm

Ố tình là con bướm lượn

Ố tình là con bướm dạo ới a...

Nhớ giọng hát Thương Huyền, nhớ những làn điệu dân ca bà từng hát, từng làm đắm say bao thế hệ, tôi đi tìm mua một đĩa hát của bà. Ở một cửa hiệu nọ, giữa vô vàn các loại đĩa CD, VCD, DVD của Việt Nam và thế giới, của trong nước và hải ngoại, tôi tìm không ra một đĩa hát Thương Huyền nào. Nghĩ mình không biết tìm, tôi hỏi cô bán hàng một đĩa CD dân ca quan họ của Thương Huyền. Cô bán hàng nghĩ ngợi một lát rồi lắc đầu. Tôi lại hỏi một đĩa CD của nữ ca sĩ hát các bài tiền chiến, hoặc nhạc “đỏ”. Cũng lại lắc. Lúc này thì tôi không còn có thể kén cá chọn canh. Tôi yêu cầu một đĩa hát bất kỳ của Thương Huyền, hay một đĩa có bài Thương Huyền hát, dù chỉ một bài, cũng được. Ca sĩ Thương Huyền, Nghệ sĩ Nhân dân, tôi nhấn mạnh. Cô bán hàng nghĩ đi nghĩ lại, tay lật lật chiếu lệ một chồng đĩa, rồi dứt khoát trả lời: “Không. Hình như trước kia cũng có một đĩa của Thu... Thương Huyền – cô nói ướm theo môi tôi – nhưng lâu lắm rồi!”

Buổi tối, ngồi buồn, tiện tay tôi bật đài FM. Ôi tiếng hát Thương Huyền. Một bài nhạc đỏ. Tôi ngớ người không tin vào tai mình. Nhưng rồi chợt hiểu: Tôi đang ở giữa những ngày thu cách mạng...

NGUYỄN HUY THẮNG

Các Bài viết khác