NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT NGÀY CHỦ NHẬT

( 09-05-2015 - 01:52 PM ) - Lượt xem: 1129

LGT: Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được coi là một cây bút có khuynh hướng sử thi. Các tác phẩm của ông, từ An Tư qua Bắc Sơn đến Sống mãi với Thủ đô, từ Đêm hội Long Trì đến Vũ Như Tô… đều nhằm ngợi ca tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta, đề cao những con người dám xả thân vì nghĩa lớn hay nghệ thuật… Bản thân ông cũng tự nhận, trong tùy bút Một ngày chủ nhật: “Tôi vốn là một nhà văn thiên về ca ngợi”. Nhưng chính bài tùy bút đó lại là một tác phẩm, có thể nói là duy nhất, của ông, mang tinh thần phản biện xã hội. Tùy bút Một ngày chủ nhật được viết vào một thời điểm khá đặc biệt trong đời sống xã hội Việt Nam cũng như trên thế giới, và nhà văn, người nghệ sĩ và công dân Nguyễn Huy Tưởng không thể không lên tiếng… Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. – NYS.

Mưa lâm râm. Khí lạnh. Cảnh chuyển sang đông. Bầu trời Hà Nội xám ngắt. Người đi ra phía hồ Gươm đã bắt đầu tấp nập. Một buổi sáng chủ nhật bình thường. Quang cảnh trật tự, nghỉ ngơi, giải trí. Từ đáy tim, tôi đòi hỏi hòa bình, một thứ hòa bình tuyệt đối, để mọi người được hưởng cái vui trong trẻo của yêu thương và sum họp. Khi có một cái gì đe dọa hòa bình thì càng thấy hòa bình thiêng liêng quí giá phải gìn giữ với tất cả sức lực, tâm trí của mình.

Mấy hôm nay, có nhiều mối lo đổ đến. Chiến tranh thế là lại nổ ra ở Ai-cập. Trong Nam, Ngô Đình Diệm huênh hoang thao diễn quân đội. Một anh bạn tôi đã nói: “Nếu lại kháng chiến thì thế nào?” Càng sốt ruột vì những rắc rối ở Đông Âu. Đây không phải chỉ là một mối lo mà thôi, đây còn là một vấn đề tin tưởng. Tôi vừa qua một đêm không ngủ. Sự biến ở Hung-ga-ri đến đột ngột, choáng váng đầu óc. Rồi cứ nghĩ, cứ nghĩ, ấm ức trong lòng. Tiếc một cái gì ấm áp, nhớ những cảnh tay bắt mặt mừng của tình quốc tế. Đau nhói như một miếng thịt của mình bị cắt ra. Chiếc tàu có người thân sắp chìm xuống vực thẳm. Một cái vẫy tay tuyệt vọng. Phải chăng đây là một cái gì không cứu vãn được? Có thể khác được không?

Mặt tôi sầm tối. Tôi không nhếch nổi nụ cười để chào lại một người bạn đi xe đạp giơ tay vẫy. Tôi liếc nhìn nét mặt của những người đi lại phía tôi: Nhưng sao, phần lớn họ đều có vẻ thản nhiên, không có dấu hiệu lo lắng? Có lẽ họ cũng lo như tôi đấy thôi, nhưng không để lộ. Tự nhiên lòng tôi dìu dịu. Đi giữa quần chúng vẫn khỏe hơn là nghĩ ngợi một mình.

Quần áo phần lớn màu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ. Hà Nội đã mất nhiều màu sắc. Gần mép hè, một cặp vợ chồng trẻ sánh vai nhau đi. Người phụ nữ có bộ mặt xinh tươi, bộ tóc uốn mềm mại, bộ áo dài cắt khéo. Sau một thời gian dè dặt, phụ nữ Hà Nội lại bắt đầu trang điểm. Nhưng họ vẫn chưa được tự nhiên lắm. Dù sao bộ áo của người phụ nữ trẻ kia cũng là màu tươi duy nhất trong đám người đồng phục trên quãng đường này. Con mắt vui vui.

Tôi bước theo mọi người trong cái buổi sáng chủ nhật mà bầu trời, đám đông và lòng tôi thiếu cái nhẹ nhàng sáng sủa. Đầu óc đầy những ý nghĩ ngổn ngang. Cái ám ảnh Hung-ga-ri nặng trĩu. Trán như bị thiết chặt bởi cái mũ của Tề Thiên. Tôi đi một vòng quanh hồ, mong tìm ở đây một chút khuây khỏa. Tôi vốn yêu hồ vì cảnh đẹp, và cũng vì nó mang dấu vết của người anh hùng yêu nước mà trước đây tôi đã có ý ngợi ca. Nhưng hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi. Nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức, những biển giới thiệu hình ảnh các nước bạn, hầu như không ai săn sóc, vì mặt kính không mấy khi sạch xác ruồi muỗi. Có cảm tưởng hồ bị bưng kín, và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi. Bàn tay cách mạng tới đâu là phải sửa sang, tô điểm thêm đến đấy. Hoàn cảnh hòa bình, thời kỳ kiến thiết đòi hỏi không được luộm thuộm. Nghĩ tới những đồng chí có trách nhiệm ở đây, vừa giận mà cũng vừa cảm thông. Không nghi ngờ gì cái ý tốt muốn phục vụ, muốn sửa sang, muốn đổi mới. Nhưng cái khổ là không biết cách làm. Bận túi bụi, chẳng cái gì làm đến nơi đến chốn...

Đồng bào, bộ đội, cán bộ miền Nam, người đi, người ngồi, người đứng, chật ních cả bên bờ phía Thị chính. Đây là miền Nam thân yêu thu gọn lại. Nghe líu ríu tiếng nói của Sài Gòn, của Thừa Thiên, của Quảng Ngãi... Một bà già tóc bạc ngồi trên ghế dáng đợi chờ. Có thể đây là một người mẹ chiến sĩ, mà chúng ta vẫn cảm phục tấm lòng thương yêu chất phác và nóng hổi. Tưởng như mẹ chờ đứa con nuôi mà bà đã che chở và động viên trong những ngày kháng chiến đầy chông gai, nguy hiểm. Một người chồng bộ đội cao lớn đón đứa con trong tay người vợ nhỏ bé, dịu dàng. Một lũ thanh niên nhảy xổ lại ôm lấy nhau, với cái cười nói hồn nhiên của người Nam Bộ. Họ nhắc đến tên một vài trận đánh mà họ thích thú, hỏi thăm tin tức những anh em cùng chiến đấu đã lâu không gặp. Phảng phất đâu đây rừng dừa Bình Định, kênh rạch Đồng Tháp Mười. Mưa đã tạnh. Nước hồ phẳng lặng. Tháp Rùa trắng mốc, sừng sững trên đám cỏ xanh như vừa nhô lên khỏi mặt nước. Cây xanh sẫm um tùm rủ bóng, bao bọc lấy hồ, và mở quang ra phía Cầu Gỗ, như đón lấy phố xá trắng, đỏ, vàng. Cuộc đời nhộn nhịp chung quanh, tới hồ trở nên êm ả. Cảnh thiên nhiên vẫn gợi một cái gì yên tĩnh, thuận chiều cho suy tưởng, cho tâm sự, cho hẹn hò. Con mắt bị tù trong phố xá, đến đây được phóng ra xa rộng. Tôi đứng nhìn một cảnh tượng. Sau dãy hàng hoa, tựa lưng vào một cây cổ thụ bên bờ, một người đàn bà quần đen, áo đen, đứng một mình, mặt hướng ra hồ, mắt đăm đăm nhìn đi đâu xa lắm. Chị đang nghĩ đến chồng, đến con, hay cha mẹ, anh em? Họ còn sống hay đã mất rồi? Họ đang làm gì hay cũng đang nghĩ tới chị? Hay trong ngày trở lạnh của miền Bắc, trong lúc xăn xăn làn da không quen chịu rét, chị xao xuyến nhớ đến xóm làng nóng bức ở xa tít miền Nam? Trán nhăn lại làm ngậm ngùi nét mặt còn trẻ. Chị bạn ơi, chúng ta hãy nói với nhau những lời tin tưởng. Tổ quốc Việt Nam của chúng ta thế nào cũng thống nhất. Chẳng có một sự chia rẽ nào tồn tại. Những kẻ chia rẽ cuối cùng chỉ chuốc lấy cái nhục vào thân. Chúng ta hãy nói với nhau những lời gắn bó. Cánh tay của triệu triệu đồng bào hãy dang ra đón lấy nhau, qua giới tuyến, qua đồn ải! Trái tim của triệu triệu đồng bào hãy mở ra, mặc thằng Mỹ, mặc thằng Diệm! Nhiều nhiệt tình hơn nữa! Nhiều cảm thông hơn nữa! Hãy dập tắt mọi cổ động oán thù! Bờ sông Bến Hải sát lại! Tiếng nói thống nhất hãy cất lên, át hẳn những lời phỉnh phờ chia rẽ! Anh chị em trong Nam, ngoài Bắc, có nghe thấy không, tiếng gọi đau thương của Tổ quốc? Hãy chỉ nghe tiếng gọi đó, tiếng gọi của tất cả chúng ta!

Những kẻ thù của thống nhất, những kẻ thù của chế độ cộng hòa dân chủ Việt Nam đang hoa chân múa tay ăn mừng cuộc nổi loạn của những lực lượng phát xít ở Hung-ga-ri. Tim tôi càng nhức nhối. Cuộc đấu tranh cho thống nhất gặp thêm trắc trở. Nỗi lo âu cho nước bạn hòa làm một với nỗi lo âu cho Tổ quốc Việt Nam. Giờ đây, bọn phát xít Hoóc-ty đang hoành hành chém giết nhân dân Hung-ga-ri vô tội. Các chiến sĩ cách mạng ngập ngụa trong vũng máu. Buy-đa-pét chìm trong đêm tối. Một cái khâu của hệ thống chúng ta đang bị cắt rời. Quân đội Liên Xô sống trong một tấn kịch giằng co đau khổ. Rút đi để phó mặc những người dân lương thiện lại quay về cái kiếp tôi đòi ư? Đóng lại để thành một vấn đề rắc rối trên trường quốc tế ư? Cách mạng có lùi, có tiến, vấn đề là mỗi lần thất bại thì phải chiến đấu mạnh thêm lên. Tôi biết như thế. Nhưng ở đây lý trí chẳng an ủi được nỗi lòng. Tôi nhớ nét mặt nhợt nhạt của một người bạn thân, buổi sáng hôm qua, sau khi đọc báo Nhân dân. Anh nói một cách chán nản: “Thế là mất Hung-ga-ri!” Nhưng chính anh cũng không muốn tin cái điều tàn nhẫn ấy, anh lại hỏi: “Liệu có mất không?” Lẫn lộn trong tôi đau xót và hổ thẹn. Lý tưởng xã hội chủ nghĩa bị thương tổn. Lực lượng cách mạng bị đẩy lùi một bước. Chỉ còn một chỗ bấu víu. Nhân dân Hung-ga-ri sẽ chẳng để cho thành quả mười hai năm phá tán. Một Tây-ban-nha thứ hai chăng?

Những chuyện không vui sao lại cùng đến một lúc? Việc sửa chữa những sai lầm ở miền Bắc mới bắt đầu. Tình hình nông thông chưa ổn định. Thủ đô đang nôn nóng. Con thuyền cách mạng đang lách qua nhiều ghềnh thác.

Hôm trước, tôi vừa về thăm quê nhà. Giặc Pháp đã càn đi quét lại cái làng trước đây trù phú. Nhà cửa bị vơ vét trống trơ. Cái lô cốt dựng đầu làng làm bỡ ngỡ bước chân trên con đường quen thuộc. Nó mọc lên đồng thời với sự mất đi của biết bao nhiêu kỷ niệm, nào miếu Vua Bà, nào đền Đức Thánh, nào ngôi chùa nho nhỏ bên đường, bị giặc san bằng không còn dấu vết. Những sai lầm của cải cách ruộng đất làm cho làng thêm xơ xác...

Cách mạng hãy khắc vào cốt những sai lầm đã phạm phải, để không bao giờ, không bao giờ trở lại nữa. Chúng ta muốn đổi mới cho mau đến nỗi chúng ta muốn bỏ hết. Đến cả tên của nhiều làng, rất Việt Nam mà cũng rất thi vị, người cán bộ cũng bỏ đi, thay bằng những danh từ mang tính chất tuyên truyền chính trị. Không phân biệt được làng nào với làng nào với những tên đồng loạt: Tiến bộ, Hạnh phúc, Quyết tâm, Quyết tiến... rất ít âm hưởng trong lòng người. Có nơi còn rục rịch thay những tên xóm nôm na bằng những con số! Những niên hiệu các triều đại ghi trên hoành phi, câu đối của một ngôi đình cổ kính bị xóa đi bằng vôi trắng. Trên mặt tấm hoành phi treo giữa một ngôi chùa gần Hà Nội, người ta dán lên khẩu hiệu: Đảng Lao động Việt Nam muôn năm. Các đồng chí có biết không? Trong khi các đồng chí làm những việc kỳ dị ấy, thì Đảng lo khôi phục chùa Một Cột, kéo lại chuông lên gác chùa Keo! Hình như nhiều cán bộ quan niệm rằng cách mạng là xóa bỏ tất cả cái gì là quá khứ, là di tích, coi là phong kiến tất. Đừng đi quá nữa. Cuộc đời không phải chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở thành trơ trẽn, lạnh lùng...

Mùa được lớn, thóc lúa reo cười, đầy tràn trong vựa, trên hè, ngoài sân. Đói bị đẩy lùi, đời no ấm mở ra rồi. Nhưng mà sao thôn xóm im lìm? Tôi không nghe thấy những tiếng động rầm rì, những tiếng gọi nhau qua rào, qua ngõ. Đáng lẽ trong những ngày vui này, các ngõ phải nhộn nhịp lắm, các nhà phải ríu rít tiếng cười, tiếng nói, phải cất lên những câu chuyện ba lơn, khôi hài nó làm cho lúa thêm thơm, mùa thêm phấn khởi, đời thêm thú vị. Đáng lẽ những tiếng hát véo von phải vút lên trên tiếng rì rào của lúa chín, bay từ ruộng nọ đến ruộng kia tới tấp như tin chiến thắng. Những cái đó không có nữa. Nhà nào sống nhà ấy, âm thầm lạnh lẽo, thiếu cái hơi nóng của họ mạc, láng giềng. Người gánh lúa gặp nhau ngoài đường cũng không niềm nở. Chưa tan hết những thành kiến, nghi ngờ còn rớt lại của những ngày cải cách. Người cán bộ cải cách ít hiểu nhân tình thế thái, đã đi ngược lại những tình cảm họ hàng làng mạc. Những tình cảm ấy chẳng lạc hậu đâu. Nó dựa trên tinh thần tương thân tương ái, xây dựng nên cái tính nhân hậu sâu sắc và chan hòa của người Việt Nam. Nó làm cho mỗi làng của ta là một tổ ấm cúng. Tự nhiên thấy tiếc cái vui vầy của tình lân lý, cái vồn vã của họ hàng, cái đon đả của bà cô, ông chú. Cảm giác nặng nề của một cuộc sống rời rạc, thiếu cái keo sơn của tình cảm. Cái tả khuynh của người cán bộ mang một ý định tốt đẹp là mưu hạnh phúc cho nông dân đã dẫn đến cái điên cuồng lật nhào tất, đạp đổ tất, giũ rối nông thôn. Tấm tức trong lòng. Chúng ta đã đem lại ruộng đất cho nông dân, biến cái ước mơ muôn đời của họ thành sự thật. Mà sao để đến nỗi nông thôn tẻ ngắt? Thậm chí để cho có người thành kiến với cải cách ruộng đất, một việc làm mà tất cả những người Việt Nam thiện ý đều phải tự hào. Điểm xuất phát của cách mạng là con người. Đế quốc phong kiến khinh rẻ con người như cỏ rác. Chúng ta hãy nâng niu từng sợi tóc, từng giọt máu, từng tình cảm nhỏ của con người. Hơn lúc nào hết, phải đề cao cái ý thức tôn trọng con người, tôn trọng cái địa vị chủ nhân của mỗi một người Việt Nam. Không để cho một cử chỉ thô bạo nào xâm phạm đến con người. Mỗi một con người là một lâu đài thiêng liêng mà chúng ta phải tới với một tấm lòng chân thành tôn kính.

Diện tích và sản lượng có thể sửa chóng, nhưng lấy lại tình cảm của một người bị xử trí sai, nối lại những tình cũ nghĩa xưa không phải là một chuyện chốc lát...

Phố Tràng Tiền. Người chen chúc nhau đi lại. Nhiều cán bộ và công nhân viên hơn là người dân sản xuất bình thường tràn ngập các phố xá trong những ngày chủ nhật. Phản ánh cái tình trạng của một bộ máy quan liêu cồng kềnh chưa khắc phục được.

Treo lơ lửng trước mắt mọi người cái lo lắng chờ đợi sửa sai. Làm sao lại có thể mắc những sai lầm như vậy? Chúng ta đã quá tiêu phí cái chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại của chúng ta. Ngày chủ nhật mà sao tâm trí không được thảnh thơi? Đụng đến chỗ nào cũng thấy không vừa ý. Cuộc đời thiếu một cái gì gọn gàng, đẹp mắt, hợp lý, hợp tình. Có một cái gì tạm bợ. Chúng ta như vừa dọn đến một cái nhà mới, đồ đạc còn ngổn ngang, muôn việc còn rối tinh. Đây là một cơ quan ở giữa phố. Dễ nhận ra lắm, với những giường một kiểu, với những lao màn lủng củng, với những quần, những áo, những tã, những lót phơi một cách sống sượng trước mắt người qua đường. Đây là cái biển của một bộ trong Chính phủ, cũng đồng loạt như mọi cái biển khác, hình chữ nhật, nền đỏ chữ vàng, treo trước cổng. Tôi bước vào một hiệu sách. Lần giở mấy quyển sổ tay đóng sẵn. Đang mùa cưới, mùa của yêu đương, mùa của những lứa đôi đang trào lên nhựa sống, ấp ủ những ước mơ, khao khát những đêm dài ân ái. Tất cả những cuốn sổ đều ghi mấy hàng chữ công thức: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Liên tưởng tới những đám cưới đời sống mới. Thủ trưởng, công đoàn huấn thị, rồi một tốp thanh niên đồng ca, rồi giải tán sau khi hát chiếu lệ bài hát kết đoàn. Cần đấu tranh mạnh với quan niệm tập thể giản đơn của một số người có khuynh hướng đồng loạt hóa cuộc đời muôn hình nghìn vẻ, dựng nên rải rác đó đây cái không khí xám nhờ nhờ như sương mù làm đen tối cảnh vật.

Tôi vốn là một nhà văn thiên về ca ngợi. Nhưng lúc này, như nhiều bạn khác, tôi sẽ dùng ngòi bút chống lại tất cả những cái đang xuyên tạc chế độ của chúng ta, chế độ của những con người đứng dậy làm chủ vận mạng của mình. Hãy khuấy cho tan đi cái không khí nhờ nhờ nó ngăn cản ánh sáng tưng bừng của chủ nghĩa cộng sản...

Đau khổ nào cũng có cái mặt tốt. Sai lầm đã thức tỉnh tất cả chúng ta. Ánh sáng Đại hội hai mươi Đảng Cộng sản Liên Xô chiếu khắp. Một cuộc duyệt lại cách sống, cách nghĩ. Một cuộc duyệt lại nhiều chính sách từ trước tới nay được coi như kinh thánh. Trăm tiếng nói cất lên, không phải chỉ là một tiếng nói từ trên dội xuống. Cùng với cuộc đấu tranh chống bệnh sùng bái cá nhân ngày càng mạnh, cái sợ vu vơ dần dần bị đánh bạt, phong trào tự do dân chủ lên cao. Chúng ta dám nghĩ, chúng ta dám làm. Chúng ta dám thẳng thắn vạch ra những sai lầm, những tệ nạn. Đừng hoảng hốt, những ai chưa quen điệu nói mới của thời đại. Nhể cái nhọt không có nghĩa là giết một con người. Chế độ của chúng ta chỉ càng thêm lành mạnh.

Chúng ta đã thấy cái sai, và chúng ta đang sửa. Từ trên xuống dưới, toàn dân đang lao vào công cuộc lớn lao này. Phải tìm ra ánh sáng giữa rừng sâu. Tôi nhớ lại hình ảnh đồng chí bí thư xã tôi. Anh đã chịu biết bao khổ nhục vật chất và tinh thần. Nhưng vừa mới được trả lại tự do, anh đã chạy tới nhà người đã dựng lên những điều không đúng để kết tội anh, và xóa bỏ mọi oán thù. Tới đâu đem lại niềm tin yêu đùm bọc tới đấy. Cái đức bao dung cao cả ấy là ánh sáng trong những ngày đau khổ này cũng như chí chiến đấu là ánh sáng trong những ngày giết giặc, trước đây. Có một điều chắc chắn là những sai lầm mắc phải, chúng ta không muốn. Rõ ràng là chúng ta phấn đấu cho hạnh phúc, cho công lý, cho nhân đạo. Chính vì thế mà trong lúc này chúng ta không có quyền tuyệt vọng, không có quyền bi quan mà phải ngẩng mặt, dũng cảm đứng lên sửa những lỗi lầm và tiếp tục phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao cả mà chúng ta theo đuổi đến cùng...

Phố Bà Triệu, buổi trưa, đã vắng. Một trận gió thổi. Lá khô của hàng cây bên đường rơi vài chiếc. Giữa hai hàng cây cao, những cây nhỏ trồng sau trận bão kinh khủng năm ngoái đã bắt đầu lớn, tàn lá đã xanh um, quãng đường đã đỡ trống. Tàn phá lớn lao đến đâu cũng không lại được với cuộc sống. Con đường này tôi vẫn đi lại hàng ngày, nhưng không để ý đến sức lớn rất nhanh của những cây mới đó. Cuộc sống cứ đi và bao giờ cũng thắng.

Ôi Tổ quốc thân yêu! Lúc này, nét mặt Người đau thương. Kẻ địch và đứa con mất giống của Người ở Sài Gòn đang cố tình cắt đứt Người ra làm hai mảnh. Những sai lầm của chúng tôi ở miền Bắc làm cho Người lo nghĩ. Người không được yên lòng vì những việc xảy ra ở Hung-ga-ri. Tiếng súng của chiến tranh Ai-cập nổ bên tai Người khẩn cấp như những lời cảnh báo. Biết bao giờ Người được thảnh thơi để rảnh tay xây dựng, và ban đêm Người được ngủ giấc ngủ ngon lành?

Từ tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi của Người, tôi đi tìm những người yêu nước. Sau nhiều bước lần mò, trong đêm tối của nô lệ, tôi đã tìm thấy Đảng, Đảng của những người lao động. Đảng đã chỉ cho tôi hình ảnh của Người lấp lánh trong đêm. Trước đây, nhiều đảng khác đã đi vào con đường diệt vong, hoặc phản bội Người. Nhưng Đảng tôi một lòng son sắt. Qua bao nhiêu phen nước lửa, Đảng tôi đã cùng nhân dân đánh bại kẻ thù, giải phóng cho Tổ quốc từ nay là của chúng tôi. Lúc này do những sai lầm, có người kêu ca Đảng, có người thiếu tin tưởng, thậm chí có cả người oán ghét. Tôi cũng xót xa. Trong khi hờn dỗi, đứa con thường không nghĩ đến công ơn của mẹ. Nhưng khi đã nguôi nguôi, nó lại đến với mẹ hiền. Cuộc thử thách gay go mà chúng tôi đang trải qua, chúng tôi sẽ vượt. Rồi đây ánh sáng của Người, Tổ quốc Việt Nam, sẽ tỏa chiếu ra xa. Người sẽ đem đến cho thế giới một chân lý mới của phương Đông. Anh em bốn bể sẽ biết sâu xa và yêu đằm thắm nước Việt Nam. Một nước xinh xinh lượn trên bể Thái Bình Dương. Một nước rất ghét chiến tranh, nhưng đã đánh bại mọi quân xâm lược. Một nước muốn sống trong hòa bình, để người thợ mỏ khai thác được nhiều than, người nông dân sản xuất được nhiều gạo, người thi sĩ làm được nhiều thơ. Một nước có con sông Hồng, có vịnh Hạ Long, có cây đuốc sống miền Nam, có truyện Kiều kiệt tác, có những tranh sơn mài lộng lẫy, và trước hết có những người dân rất tốt, rất hiền, đầy chí hy sinh và lòng nhân ái thơm ngọt như hoa quả xứ này. Nhân loại sẽ được nghe một tiếng nói tâm hồn mới. Không phải tôi là kẻ huênh hoang mong người khen Tổ quốc. Tôi chỉ muốn nói rằng mỗi nước có một sứ mạng đối với loài người. Tổ quốc Việt Nam chưa hoàn thành sứ mạng ấy, và Người phải hoàn thành. Tự hào là con của Tổ quốc Việt Nam, tôi đi tới tất cả chỗ nào mà Tổ quốc gọi tôi. Người hãy soi sáng con đường đi khúc khuỷu. Nước bạn Hung-ga-ri dù có làm sao đi nữa thì Người càng phải mạnh lên, như trên chiến trường, một chiến sĩ bị thương, thì sức người bạn chiến đấu phải tăng lên gấp bội.

Trời lạnh buốt. Sương muối mờ mờ hồng. Ánh điện mung lung, bóng cây rủ xuống con đường vắng tanh. Tôi đứng dừng trước cửa nhà tôi. Đêm nay tất cả Hà Nội nặng trĩu lo âu. Tôi bước lên phòng làm việc. Ngồi trước bàn. Vẫn chưa yên ổn làm một việc gì. Tiếng ra-đi-ô nói một mình trong cái buồng nhỏ mà vợ con tôi đang ngủ. Tôi mở cửa vào buồng, đứng trước máy le lói ánh lân tinh. Những tin cuối cùng sắp được đọc. Nước bạn xa xôi muôn vạn dặm, tuyệt vọng hẳn hay còn có tia hy vọng? Tôi nín thở lắng nghe. Chính phủ công nông cách mạng đã thành lập. Hung-ga-ri không mất nữa rồi. Tôi nghe người nói trước máy đọc dõng dạc mười lăm điều chính sách mới của Chính phủ Ca-đa. Tôi thở dài, người nhẹ nhõm. Gần tôi bỗng có tiếng thở dài. Bàn tay mềm yếu của vợ tôi đặt lên vai tôi nong nóng. Ánh lân tinh chớp chớp, làm lấp lánh ánh vui trong con mắt lo âu của vợ. Tin đọc đã hết. Tiếng máy chưa tắt nổ rè rè. Tôi nghe vợ tôi nói: “Mình còn mừng thế này, thì chắc bên ấy nhân dân sướng lắm”. Tôi không nói, dắt vợ rón rén đến bên giường. Ánh sáng ngoài đường chiếu mờ mờ nhạt nhạt. Tôi cúi xuống nhìn đứa con trai nhỏ bé qua màn. Nó đang thở đều đều, nho nhỏ. Tôi rưng rưng nước mắt. Sáng hôm nay, tôi đứng nghĩ về chuyện Hung-ga-ri, con tôi giơ tay đòi ẵm, tôi lắc đầu và nó òa lên khóc. Tôi vào nằm bên con, hôn lên tóc nó. Con ơi! Con hãy ngủ yên. Sóng gió vẫn chưa hết, nhưng một cơn sóng gió lớn đã yên rồi. Tổ quốc Việt Nam thư thái được đôi chút. Người càng vững trí vượt những ghềnh thác hiểm nghèo trước mắt. Chiến thắng địch, chiến thắng sai lầm. Người mạnh bước tiến lên hoàn thành cái sứ mạng của mình trước lịch sử, trước các bạn, trước nhân loại ngày nay và sắp tới.

 NGUYỄN HUY TƯỞNG

11-1956

(In trong tập Một ngày chủ nhật,

NXB Văn nghệ, 1957)

 

Các Bài viết khác