NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CÁI ĐỜI TÔI(1)

( 28-07-2015 - 06:30 AM ) - Lượt xem: 1184

Những chỗ chơi của chúng tôi bấy giờ, là nhà tôi, cái ngõ, cái trường học của bác tôi cùng cái xưởng của mẹ tôi. Tôi còn nhớ cái xưởng ấy làm xoay mặt ra đường cái quan, nhà lợp ngói, trông có vẻ chắc chắn vững vàng.

Tôi sinh ra là con thứ sáu. Thày mẹ tôi sinh ra chúng tôi được tất cả bảy người là Nguyễn Thị Cung, Nguyễn Huy Ý, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Cỏn, Nguyễn Huy Nhị, tôi và Nguyễn Thị Thứ. Chỉ vì thày mẹ tôi số phận long đong, tôi cũng phải số hiếm anh em, nên ngày nay chỉ còn lại được có ba chị em chúng tôi(2), quây quần với người mẹ góa!...

Thày tôi là một người hàn sĩ, mấy khoa thi đều hỏng cả, tính người trầm mặc, ít nói ít cười. Thày tôi người gày gò mảnh khảnh, mặt hơi dài, xương xương, trán hẹp, mắt một mí ngụ vẻ hiền lành, lông mày hơi rậm. Thày tôi chưa đầy bốn mươi tóc đã bạc hết, nên thày tôi cạo trọc đi cho khỏi bận. Râu ria cũng không rậm lắm nhưng đều đặn dễ coi.

Thày tôi từ bé đến nhớn, không mấy khi phải lo nghĩ, suốt đời được rỗi rãi ăn chơi. Thày tôi tính hơi ương, pha giọng gàn, vì thế mà có người cho thày tôi là lãnh đạm với vợ con, kiêu ngạo với người ngoài. Tuy vậy mà thày tôi cũng không để cho ai thóa mạ, vì thày tôi biết rèn sự tức giận, không muốn cãi cọ lôi thôi.

Ở nhà thày tôi thực nghiêm nghị, không thích nói, mà đối với người thân lại càng không thích nói lắm. Người nhà ai cũng sợ, mà sợ nhất là lúc ăn cơm, hơi một tí là bẻ, hơi một tí là mắng: Ngồi phải cho chững chàng, ăn uống phải khoan thai, không được nhìn ngang nhìn ngửa, không được gắp trộm, gắp giấu, nhai thì phải từ tốn sẽ sàng. Mẹ tôi có thằng bé cháu, có cái tệ là khi cầm đũa, ngón tay trỏ cứ dựng thẳng lên, thày tôi ngứa mắt, trước còn bảo sẽ sàng, sau đến mắng gắt, thằng bé không chịu chừa, từ bữa sau thày tôi lấy đũa giọt cho vào ngón tay ấy, khiến cho thằng bé chết khiếp phải vâng lời.

Ấy đối với người nhà thì như vậy mà đối với thợ cày, thày tôi lại đãi họ một cách đặc biệt. Cơm nước của họ phải cho chững chàng, mà bao giờ thày tôi cũng uống rượu tối với họ và ngồi nói chuyện với họ đến tận khuya mới đi nghỉ; những người ấy đến nay vẫn còn khen cái tính vui vẻ của thày tôi.

*

Mẹ tôi là con một ông Bang Tá rất có thế lực ở trong làng. Lúc mẹ tôi sinh ra tôi, thì cụ đã mất rồi, nhưng tôi được nghe chuyện rằng cụ là một người anh hùng nghĩa sĩ đã có công trong việc đánh dẹp giặc giã ở xứ Bắc Kỳ thời vua Tự Đức.

Mẹ tôi lúc làm con gái, được ông bà tôi yêu mến, một là vì ông bà tôi hiếm con gái, hai là vì mẹ tôi là người phúc hậu thực thà. Năm lên mười tuổi, mẹ tôi giúp đỡ cụ bà không thiếu thức gì: Thổi cơm, gánh nước, giặt giũ vá may, lại có thêm tính siêng năng cần mẫn, dậy sớm thức khuya, mà làm việc có ngăn có nắp, xếp đặt có sở có nơi, nên nhà cửa bao giờ cũng quét tước phong quang, bàn ghế bao giờ cũng lau chùi sạch sẽ.

Không những vậy, mẹ tôi lại là người hiền thục: Chiều được lòng cha mẹ, ở được thuận với anh em. Cụ bà tôi tính nóng mà lại dữ đòn, không có ngày nào là đày tớ thoát khỏi gắt mắng, trong nhà thoát khỏi om xòm. Anh em mẹ tôi, người nào cũng sợ cụ như cọp, nghe tiếng hỏi đã run, nghe tiếng gọi là sợ. Vậy mà đối với mẹ tôi, cụ lại yêu dấu một cách lạ thường, cả đời mẹ tôi không phải một trận đòn, một câu mắng của cụ bao giờ. Cụ có ý không muốn để nét mặt mẹ tôi phải lo nghĩ buồn rầu, có khi cụ đang cơn tức giận dữ dội, mẹ tôi đến, cụ có thể nén sự tức giận ấy độ vài phần. Cũng vì vậy, mà trong nhà, ai có gì nhầm lỗi, ai làm gì trái ý cụ bà, thường vẫn nhờ mẹ tôi xin lỗi hộ, có khi lại xin mẹ tôi nhận lỗi cho: Mẹ tôi bấy giờ có cái vinh hạnh bà cụ yêu, lại được cả cái vinh hạnh là được người nhà kính phục.

Năm 18 tuổi, mẹ tôi kết duyên cùng thày tôi. Thày mẹ tôi bấy giờ ở một cái nhà gianh năm gian, trước cửa cái trường học chữ Nho trong làng. Năm 19 tuổi, thì mẹ tôi sinh ra chị Cung tôi, cảnh gia đình nghĩ tưởng rằng vui vẻ, ai ngờ thày tôi thi không đỗ, bà cụ thân sinh ra thày tôi mất đi, hai cụ ngoại tôi cũng túng bấn, cửi canh của mẹ tôi cũng không chạy, mẹ tôi bấy giờ phải xoay đi bán rượu. Mẹ tôi cứ sáng sớm lên tỉnh lĩnh rượu đem về bán ở trong làng, tối về canh cửi vá may, mong cho thày tôi công thành danh toại, áo gấm về làng. Ai ngờ giời chẳng chiều lòng, thày tôi khoa sau thi cũng không đỗ, chán về nghỉ học, xếp bút nghiên vào một chỗ, lấy thuốc phiện làm thú hữu tình, lấy quân bài lá bạc làm đồ tiêu khiển, công việc gia đình phó cả cho mẹ tôi gánh vác trông nom!

Lần lần tháng trọn ngày qua, chẳng mấy lúc mẹ tôi đã 27, 28 tuổi. Mẹ tôi bấy giờ đã sinh được một người con trai tức là anh Ý tôi ngày nay, rồi lần lượt đến hai người con gái là Thị Ba và Thị Cỏn. Trong nhà lại càng túng bấn, mẹ tôi chưa biết tính sao, thì có người chị dâu rủ mẹ tôi cùng buôn. Thời kỳ này mới là thời kỳ gian truân vất vả, đi đêm về tối, giãi gió dầm sương. Mẹ tôi yêu chồng con chẳng quản đến thân, mấy lần đầu buôn thấy nhiều thất lợi. Nhưng cũng vững chí bền gan, nên đến năm 35 tuổi, thì nhà tôi không đến nỗi túng bấn quá nữa rồi. Năm 37 tuổi, mẹ tôi sinh hạ được một người con gái út là Thị Thứ, và năm sau, thì mẹ tôi đã mở được cái xưởng gỗ ở trên chợ Vòng (là chợ làng tôi).

 

Thời kỳ tôi còn bé

Thời kỳ này là thời kỳ rất mơ màng: Mẹ tôi kể chuyện lại rằng, lúc sinh tôi ra, bà đỡ, già đã ngoại bảy mươi, cắt rốn cho tôi xong - cắt bằng một cái mảnh sành - vì lẫn cẫn mà quên không buộc rốn lại cho tôi, khiến cho máu chảy ra nhiều mà không ai biết. Kịp đến lúc bà mợ tôi ra, ẵm tôi cho bú, bấy giờ mới biết, thì tôi đã tái như con gà cắt tiết rồi. Bấy giờ cả nhà ngơ ngác, chạy chạy, chữa chữa, cúng cúng, tế tế, bà đỡ thì gọi mẹ, mẹ tôi thì khóc mếu. Tôi may lại qua được cái tai nạn ấy, nhưng người tôi quắt lại, da dẻ xám lại, hơn hai tháng giời tôi mới thành hình đứa bé, mới thành một đứa bé có hồn người, tức là có hy vọng nuôi được.

… Năm tôi lên bốn, tôi còn nhớ đến anh Nhị tôi, hai anh em chạy chơi khắp làng, đùa đùa nghịch nghịch. Lúc mệt, lại cùng nhau về xin thày tôi nước uống rồi nằm lăn bên cạnh bàn đèn thày tôi mà đánh giấc ngủ ngon lành, hoặc ngồi đấy nghe thày tôi kể chuyện cổ tích rất hay, hoặc ngồi chờ cho đến lúc thày tôi hút xong một điếu, ngồi nhỏm dậy, cầm thìa khóa mở tủ, lấy cho chúng tôi mỗi người một cái kẹo, một cái bánh hay cái quả gì, bấy giờ tha hồ cho chúng tôi ăn khôn ăn khéo, ăn dè ăn dụm, ăn gặm ăn mút, để được “đánh nhẻm nhèm nhem”.

Những chỗ chơi của chúng tôi bấy giờ, là nhà tôi, cái ngõ, cái trường học của bác tôi cùng cái xưởng của mẹ tôi. Tôi còn nhớ cái xưởng ấy làm xoay mặt ra đường cái quan, nhà lợp ngói, trông có vẻ chắc chắn vững vàng.

Mỗi một buổi sáng, anh Nhị tôi cùng tôi, người đi trước kẻ đi sau, bon bon trên con đường nhỏ hẹp ngoắt ngoéo quanh co, hai bên là cánh đồng mênh mông rộng rãi, trước mặt chúng tôi đã thấy cái chùa làng, cạnh đấy là cái xưởng gỗ làm bên một cây si to tướng, trông xa thật có vẻ mát mẻ êm đềm.

Đến nơi chúng tôi chạy thẳng vào trong, tự đắc rằng xưởng

này là của nhà mình, ra vào không ai ngăn cấm. Bấy giờ chúng tôi, người thì chạy ra quàng cổ bá vai một người thợ mộc, người thì ra lấy bào, lấy cưa, lấy đục, lấy thước nghịch ngợm tung hoành. Hoặc chúng tôi chạy nhảy trên những khúc gỗ vừa to vừa tròn, cười đùa vui vẻ, hoặc khi chúng tôi mệt, anh em đến ngồi trên nắp một cỗ xũ(3), trông nhau mà thở phì phào, mặt mày ngơ ngác.

Cái xưởng ấy là chỗ tôi được chơi đùa nhiều nhất với anh Nhị tôi, anh em tôi không có ngày nào là không có mặt ở đấy; chúng tôi thích chỗ đó một là vì nó mát, hai là vì bọn thợ mộc thợ xẻ, tuy chúng tôi có làm bận họ, nhưng họ vẫn thích chúng tôi, là vì chúng tôi làm vui vẻ cho họ, làm cho cái xưởng ấy bớt vẻ buồn rầu.

Tôi lên xưởng, các đồ dùng của bọn họ, không có cái gì làm cho tôi ngứa mắt mà thèm thuồng bằng cái “nẩy mực”. Nào có đẹp đẽ gì đâu, chẳng qua cũng chỉ là một khúc gỗ con, đục thủng giữa, xâu ngang qua một cái chốt, lỏng lẻo có thể quay được, chung quanh miếng chốt ở về bên trong có quấn một cái dây con dài tẩm mực ta, dây xuyên qua một cái lỗ con ra ngoài, đầu dây có hòn chì. Vật ấy dùng để vẽ vạch xuống những khúc gỗ, hoặc mảnh ván để cưa xẻ cho thẳng. Tôi không hiểu làm sao mà tôi thích vật ấy lạ lùng. Lên đến nơi, công việc đầu nhất của tôi là phải chạy đi tìm lục khắp nơi cái vật ấy, không thấy nó lại vằn vèo lạy lục bọn thợ để họ tìm cho, có khi họ bắt tôi rõ thật khổ thật nhục, đến lúc tôi khóc rồi họ mới đưa cho. Mà nghĩ cũng buồn cười thực! Tôi được nó trong tay rồi thì chỉ hết kéo cái chỉ ra cho đến hết rồi lại quay vào, hoặc ra đổ nước vào trong để cho nước chảy ra cái lỗ con con. Cứ như vậy, hí hoáy suốt ngày chỉ trừ ra những lúc anh Nhị tôi đến kéo tôi bắt cùng đi chạy nhảy mới thôi.

*

… Bạn xa của tôi bấy giờ có anh Thuật(4) tôi, con cậu tôi, nhà ở tận cùng cuối ngõ.

Tôi rất thích xuống chơi với anh Thuật tôi, và thích vào ngồi cạnh bàn đèn cậu tôi, thỉnh thoảng được miếng long nhãn ăn, hoặc xem con chuột bạch của cậu tôi, đánh đu trong cái chuồng con lồng kính đằng trước. Suốt ngày chúng tôi chơi nghịch với con chuột mà không biết chán, tỉ mỉ nói chuyện với cậu tôi, hỏi han từng li từng tí, cậu tôi cứ vừa tiêm, vừa hút, vừa giả nhời chúng tôi; lúc nào cậu tôi muốn nghỉ lại bảo chúng tôi ra sân, hay cho chúng tôi mỗi người mấy miếng long nhãn mà bảo đi chơi.

Tôi còn nhớ bấy giờ tôi với anh Thuật tôi chia làm một cánh, chị Cống và em Thứ tôi là một cánh; chúng tôi rất khinh cánh con gái, - không hiểu làm sao lại có cái tư tưởng ấy, - chỉ tìm cách xa nhau, hễ cánh con gái ở ngạch nhà dưới, thì cánh chúng tôi ở ngạch nhà trên, phân biệt hẳn ra, không mấy khi gần nhau. Hai chúng tôi lại thường cậy nhớn bắt nạt bé, khỏe bắt nạt yếu, đánh bọn con gái luôn, khiến cho họ trông thấy chúng tôi là phải lảng xa.

Cảnh mà tôi đến nay còn nhớ rõ ràng nhất, là cảnh gặt nhà quê. Vui thực. Cả làng tấp nập, ngoài đường suốt ngày không ngớt tiếng cười, tiếng nói, rộn rịp kẻ trước người sau mặt mày hớn hở.

Tôi với anh Thuật tôi, cả ngày ở trên xưởng gỗ, hoặc ở trên con đường đê, chạy nhảy bắt cào cào đuổi muỗm. Muỗm là một thứ châu chấu, nhưng to hơn và sạch sẽ hơn. Chúng tôi bắt muỗm thường đem nướng lên mà ăn vừa bùi vừa béo, cho nên hễ bắt được một con, hoặc thợ gặt họ cho một con là chúng tôi kéo nhau về nhà bảo ai nướng hộ cho rồi chia nhau mà ăn cho chóng để lại chạy đi tìm con khác.

Ngoài việc ăn muỗm, chúng tôi còn cái thú ăn đòng đòng. Chúng tôi nhờ thợ gặt họ tết cho những cái chõ đòng đòng rất xinh xắn rồi hai anh em chúng tôi cứ vừa đi vừa nhấm nhứt, hoặc chạy theo những người gánh lúa mà cố rút lấy mấy ngọn lúa chơi, hoặc cùng nhau nhạo báng những người hát ví.

Cả mấy ngày gặt, chúng tôi không mấy khi có mặt ở nhà. Chẳng mấy lúc là không ở dưới cánh đồng, tán tỉnh với các người thợ gặt, hoặc chạy nhảy theo châu chấu chim muông, hoặc lăn lộn ở trong đám lúa.

Nhưng mà cái cảnh gặt ban ngày, vừa hỗn độn vừa bụi bậm ngứa ngáy, vừa náo nhiệt om sòm, sao bằng cảnh tĩnh mịch trong gia đình, nhà nào nhà nấy đóng cửa mà thi nhau đập lúa. Đêm thu trăng tỏ, tôi thức khuya, ngồi cạnh mẹ tôi và em Thứ tôi ở ngạch ngay gian giữa. Gian cạnh thì để những bó lúa chồng chất bên nhau, cao độ hơn thước tây. Thày tôi đặt bàn đèn ở sau chồng lúa ấy, vừa hút vừa nói chuyện với mấy người đập lúa ở ngoài.

Cứ như vậy mà cả nhà đến khuya mới đi ngủ. Tôi xem đập lúa và nghe chuyện không biết chán, thỉnh thoảng lại chạy ra chơi ở ngoài sân, xem giăng hóng gió. Tôi không sao quên được những buổi đêm ấy: Hai người đập lúa làm việc, chỉ nghe thấy tiếng lúa đập xuống cối đá kêu ùm ụp, cùng những tiếng thóc vãi tứ tung, xen lẫn với tiếng cười, nói luôn mồm. Càng về khuya giăng càng tỏ, cảnh càng vui, những đống rạ đập hết thóc rồi, dần dần đã cao gần bằng tường, mà chồng lúa chưa đập gần gần đã cạn. Mắt tôi theo từng tí tay người thợ đập. Từ lúc họ bó lúa đến lúc họ đập, cho đến lúc họ cùng tung cao bó lúa không mà lẳng vào góc tường một cách rất tự nhiên hẫng hờ, tôi không hề rời mắt. Thỉnh thoảng, nghe chừng thấy mỏi và thấy chán tay, họ nghỉ đập vào cạnh bàn đèn thày tôi, hút điếu thuốc lào, ăn miếng giầu, uống hớp nước, cử chỉ của họ bây giờ lại chậm chạp dềnh dàng.

Luôn năm, sáu đêm, đêm nào cũng vậy, đêm nào tôi cũng định thức xem lúc họ đập lúa xong thì họ làm gì, mà tôi không sao thức được. Càng về khuya, tôi thấy mắt tôi nặng, người tôi mỏi mệt, tôi sẽ lả vào người mẹ tôi và thiêm thiếp lúc nào không biết, tỉnh dậy thì giời đã sáng, tôi lại sấp ngửa đi gọi anh Thuật tôi đi chơi…

*

Một hôm tôi ngồi nói chuyện với thày tôi. Thày tôi hỏi: “Nay mai tao làm cái chòi, mày có thích không?” - “Con thích lắm, thày làm mau lên nhớ”, tôi giả nhời. Đã lâu, mẹ tôi dắt tôi đi ăn cỗ, vào nhà một người quen có cái chòi. Tôi trèo lên chòi, chạy nhẩy thích lắm, thường vẫn ước ao nhà mình có cái chòi như thế, nay thày tôi nói thế thì thật như gãi vào chỗ ngứa của tôi. Tôi mừng là sắp được cái chòi để chơi, để hóng mát, để đứng ở trên mà trông xuống người đi ở ngoài đường.

Vài hôm sau, khởi công làm chòi. Thày tôi tự vẽ kiểu lấy. Đón chú phó Cõi là người thợ mộc trứ danh lúc bấy giờ để dựng hộ. Chú phó này thật đã nổi tiếng trong làng là người khéo léo, chú sở trường nhất là nghề chữa khung cửi. Ai có khung cửi hỏng mời chú đến chữa cho thì vừa được rẻ công vừa được bền chắc lâu dài. Chú đến chỉ cầm cái dùi đục, xem xét qua loa, biết hỏng chỗ nào, cầm dùi gõ một cái, thế là xong, thế là khung cửi lại có thể dệt như thường mà có khi lại dễ hơn nữa. Nhà chủ chỉ biếu chú dăm xu, ai hảo tâm thì đãi chú bữa chén. Nhưng chú chén vào thì ai cũng phải lấy làm khó chịu: Ăn nói đã nhè nhè, cử chỉ lại thô tục, bấy giờ ai vô phúc mà mời chú đến chữa khung cửi, thì khung cửi ấy sẽ là cái khung cửi vứt đi, phi tay chú không ai chữa được nữa.

Chú Cõi lại là người rất khéo léo về đường đục, đẽo. Thật là không có mấy tay thợ mộc làm được những cái mộng khít được như chú. Giao cho chú làm việc gì, thì chú cắm đầu cắm cổ mà làm, không nghỉ một lúc nào, có khi mê mà quên cả ăn uống.(5) Nhưng mà những nhà cờ bạc thì chớ nhờ chú làm mà khốn. Thấy đám tổ tôm hay tài bàn, thì đố ai bảo chú ra làm được, dù là ông Tổng Đốc. Thôi thì cứ mê man, lăn sán vào mà xem chẳng còn thiết gì đến sự đời nữa.

Tính chú rất gàn, có lẽ là cái gàn độc nhất vô nhị. Giời tối, hoặc đang cơn mưa cơn gió, chú mà từ giã về làng, nếu bảo: “Chú ở trên này, tối rồi về làm gì”, ấy thế thì chết sống chú cũng về không ai ngăn được; vậy mà nếu bảo: “Vâng, thôi thế chú về”, ấy thế là chú nhất quyết không về nữa, đuổi đi cũng mặc kệ. Bởi vậy, muốn bảo chú cái phải, thì dùng câu trái, muốn bảo chú cái trái, thì dùng câu phải.

Thật là người gàn có một. Tuy thế, mà thày tôi vẫn gọi chú, vì thày tôi chỉ ưa có chú mà thôi.

Nửa tháng thì cái chòi ấy hoàn thành. Chòi lợp rơm, lát ván, tường làm bằng phên trát vôi, bệ bằng đất có sáu bậc. Dưới chòi làm cái rương đựng thóc.

Tôi còn nhớ, chòi làm xong hôm trước thì hôm sau thày tôi dọn bàn đèn lên. Bấy giờ lại có ông khách nào mới sang chơi, thày tôi mời cả lên, và cho cả tôi lên nữa. Tôi nằm cạnh thày tôi xem hút, nghe thày tôi và ông khách nói chuyện. Giời bấy giờ đã tối, tôi đòi đi tiểu tiện. Thày tôi đưa tôi ra chỗ cửa làm bằng chấn song, mở ra, rồi đứng giữ cho tôi đái; xem ý thày tôi thích cái cửa ấy lắm.

Dần dần về khuya. Ngoài gió thổi mạnh quá, lùa vào khe cửa làm tắt đèn đến ba, bốn lần, sấm sét rất dữ dội. Tôi ngồi lo ngay ngáy chỉ sợ đổ chòi. Một lúc, một trận mưa rào cực to trút xuống, bắn tứ tung cả vào trong nhà. Sàn ướt, chiếu ướt, bàn đèn cũng ẩm ướt, bao diêm cũng ướt. Trong chòi tối đen như mực. Tôi rét quá, ngồi sít vào thày tôi mà hai hàng răng vẫn run lên cầm cập. Thày tôi càu nhàu mà rằng: “Biết thế này, từ ngày mai chả phải tội mà lên nữa”…

Hôm sau, vào buổi trưa, tôi với mẹ tôi và em Thứ tôi cùng lên. Tôi mách với mẹ tôi rằng: “Mẹ ơi! Đây có cái cửa mở được đây này, u mở ra cho con đi đái”. Mẹ tôi cho tôi đái xong rồi, nói rằng: “Lại còn có cái dại đến thế này thì thôi. Nhà con trẻ, mà làm cái cửa thế này, thì thà giết con đi còn hơn”. Rồi mẹ tôi chạy đi lấy búa và đinh đóng chắc lại. Tôi tức mẹ tôi quá, vì tôi cũng như thày tôi thích cái cửa ấy để ngỏ. Tôi bảo mẹ tôi rằng: “Thày con bảo làm cửa thế để đi đái cho tiện”. Mẹ tôi nói: “Việc gì mà phải vẽ. Mày có muốn lăn cổ xuống đây thì để cửa ngỏ. Cửa chấn song thế này cũng đủ đái được rồi”.

Lúc bấy giờ tôi tức mẹ tôi lắm. Tôi tự nghĩ: “Sao mà mẹ tôi khinh tôi quá như vậy. Cứ để cửa ngỏ như thế, tôi ra đứng cẩn thận thì có bao giờ mà ngã được”. Nay tôi càng nhớn, lại càng hiểu rằng tôi nhầm, mà càng rõ cái tính lo xa cẩn thận của mẹ tôi trái hẳn với tính hững hờ vô ý của thày tôi.

*

Từ ngày có cái chòi, không ngày nào là tôi không ó ở trên ấy. Vả tôi mới học lỏm được mấy chữ Nho, chữ tên tôi, và tên em Thứ tôi, tôi viết bậy vào cánh cửa, vào tường, cũng vẽ những đình, những chùa, con cò, con chim, con chó con ngựa, ngày nay tôi trông đến, không sao nín cười được…

N.H.T.

--------------      

(1) Di cảo sớm nhất của Nguyễn Huy Tưởng, viết năm 18 tuổi, còn được lưu lại.

(2) Tức là chị cả Nguyễn Thị Cung, anh trai Nguyễn Huy Ý, và tác giả.

(3) Cỗ áo quan.

(4) Nhà văn Đỗ Đức Thuật tương lai, anh con cô con cậu với tác giả.

(5) Có thể nhận thấy hồi quang của người thợ này trong vở kịch Vũ Như Tô, được tác giả viết hơn chục năm sau đấy: tài nghệ của họ Vũ được tác giả đẩy tới mức phi thường cũng như tính đam mê công việc đến thành ương gàn của chàng có nét gì đó giống với chú phó mộc có biệt tài chữa khung cửi này; ngoài ra, tên của chú còn được đặt cho nhân vật Phó Cõi, người thợ mộc say rượu trung hậu, nhất nhất ủng hộ Vũ Như Tô...

NGUYỄN HUY TƯỞNG

Ngày 19 tháng mười tây năm 1930

Các Bài viết khác