NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“RỒI NGHỆ THUẬT SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU?”

( 29-01-2015 - 04:02 PM ) - Lượt xem: 1091

LTS: Đầu đề đoạn trích nhật ký này của Nguyễn Huy Tưởng chính là một câu hỏi đặt ra với ông trong những ngày đầu năm 1957, khi ông suy nghĩ về công việc sáng tác của mình trong một bối cảnh mà người văn nghệ bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố phi văn nghệ. Và, như ông đã tự xác định cho mình, vấn đề của nhà văn là phải“phá cái công thức”,“chống lại cái một chiều, cái hiu hiu, cái nhạt nhẽo của con người”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc NYS những trang nhật ký cách đây vừa đúng 58 nămcủa tác giả Vũ Như Tô.

1-1-1957

Cái nguy hiểm trong phương pháp tư tưởng bây giờ là suy diễn. Vũ Như Tô thì suy diễn là ví chế độ này như chế độ phong kiến. Và cứ như thế mà chụp mũ và qui tội người khác.

Hôm qua họp Đảng đoàn mở rộng. Buồn rằng P.K.A. hết sức trù Văn Cao, Dương Bích Liên. Buồn hơn nữa là không đặt vấn đề sáng tác, mà chỉ chăm chăm cái việc kiểm thảo Lê Đạt, Văn Cao.

3-1-1957

Không khí Quốc hội không sôi nổi lắm. Ảnh hưởng cuộc đấu tranh với Nhân văn chăng. Nhưng rất dở. Thiếu cái tự do tư tưởng. Khi người ta không nói thì [lẽ ra] phải đặt ngay vấn đề. Rồi đây, đề cao thành tích, lại chỉ toàn nói cái tốt thôi. Nói cái sai lầm là lạc điệu, rồi lại ầm ầm lên đả kích. (…) Thiếu cái khiêm tốn, đức tính căn bản của người cộng sản.

Cuộc sống nhạt quá. Đám cưới cô Nhung, con ông Ba. Phát biểu ý kiến rất văn hoa và rỗng tuếch. Một người chúc phát tài, lại phải giải thích ngay phát là phát triển, tài là buôn bán có lợi cho nhân dân. Rồi bí quá xoay ra nói nhảm: Cô dâu bảo sao mà làm lâu thế. Đề nghị bây giờ 9 giờ, tha hồ cho cô dâu chú rể tự do. Ông Chủ tọa thì phê bình anh em sao mà không chuẩn bị văn nghệ. Ông Phác mừng bằng cách đề nghị ba lần vỗ tay! Chú rể hát bài Trung Quốc.

Ấy là may mà người ta không kê khai lý lịch nữa đấy. Có một đám cưới, một ông phát biểu ý kiến, khai lý lịch cô dâu, nói đã có một lần cưới, sau vì một lý do gì hai vợ chồng lại không ở với nhau. Cả đám cưới, nhà trai, nhà gái lịm đi không còn biết ăn nói với nhau ra làm sao. Và ông thủ trưởng lúng túng nói như thế tôi không biết tuyên bố thế nào cả. Thế có oán cho người ta không?

Cái gì cũng chỉ vụ hình thức để tuyên truyền. Không có nội dung. Sách in hàng mấy triệu, báo mấy chục triệu, giáo dục 95 vạn học sinh, Đại học hơn 3000. Nếu nói thế là thành tích chẳng hóa ra tốt đẹp lắm sao? Cái tệ tuyên truyền. Hữu danh vô thực làm cho người ta không tin. Sao cứ đi mãi vào con đường giả tạo ấy?

*

Một sự thật. Trong cải cách ruộng đất, những cán bộ hủ hóa nhiều nhất là bộ đội. Không có gì lạ cả. Họ đang sức thanh niên mà bị tù túng thì làm sao mà giữ được. Mà giữ gìn làm gì?

   5-1-1957

Họp các đảng viên để thống nhất ý chí trong Quốc hội. Vấn đề bây giờ là tuân theo, không thể có ý kiến khác. Chỉ có thể bổ sung cho báo cáo của Chính phủ thêm rõ, đặc biệt là về thành tích. Còn sai lầm thì nêu cũng được nhưng đúng mức.

NguyễnĐức Quỳ nói: Muốn gì thì gì, nếu đã hình thức thì đừng làm. Người ta biết cả rồi và người ta cười cho. Ví dụ việc bắt Trần Dần năm ngoái, chính là đồng chí T.H. sau khi xem bài Nhất định thắng cho Trần Dần là phản động và ra lệnh cho Cục bắt. Đúng là dùng hành chính thô bạo trong vấn đề đấu tranh tư tưởng rồi. Thế mà có dám nhận đâu. Cái người đảng viên thẳng thắn bị xúc phạm trong nhân phẩm của nó.

Thăm dò ý kiến các đồng chí vào Đảng đoànHội nhà văn sau này. Ý kiến đông là về Tô Hoài, rồi Thi, Xuân Sanh. Mình và Tuân ít ai tin nữa, vì cho là hữu. Chắc chắn là không còn ở Đảng đoàn nữa rồi. Toại nguyện, nhưng cũng thấy buồn buồn bị mất tín nhiệm trước các đồng chí. Và lo cho các con. Rồi đây không ăn lương, không phụ cấp sẽ nuôi chúng nó bằng cách gì? Về ở đâu? Việc học của Thục và Khánh thế nào? Les changements mêmes les plus souhaités ont leur mélancolie [Ngay cả những thay đổi mong muốn nhất vẫn có nỗi ưu phiền]. Nhất là mình đã ăn trên ngồi chốc trên 10 năm rồi, bỏ cái cuộc đời có đảm bảo ấy để sống một cuộc đời tự lực nhất định là lúng túng nhiều, nhất là không quen. Vợ lại đang có mang nữa.

7-1-1957

Dự định viết một truyện vừa tả một tư tưởng nông dân: lạc hậu, tự ái, vô lễ, và bẩn. Lấy ngay hình ảnh B.T. mà biểu hiện. Đã dốt lại hách. Vì tư tưởng ấy mà lãng phí, mà luộm thuộm, mà mất cái lịch sự, cái nhẹ nhõm của cuộc đời. Một thứ quê mùa mới trong cách mạng.

Nghe báo cáo của Chính phủ… L.V.H. báo cáo về tài chính, mỗi khi đưa ra con số là lại một lần tuyên truyền. Cái tật tuyên truyền thật là khó chịu.

8-1-1957

Ngày Phật đản. Đi chơi bọn Hoàng Yến, Văn Cao, Trần Dần, Trần Văn Cẩn, Sỹ Ngọc.

Đi chơi thăm chùa Bà Đá xem lễ. Muốn viết những tiểu thuyết lịch sử. Đông phương + Sáng tạo quyết dựng Vũ Như Tô.

Hoàng Yến đến chơi. Muốn đi làm chuyên nghiệp. Ký contrat [hợp đồng] với quân đội, với nhân dân. Viết theo commande [đặt hàng] để nuôi sống. Rồi sáng tạo riêng. Phàn nàn đấu tranh tư tưởng: khác ý kiến là bị trù, không còn chút đầm ấm gì. Mâu thuẫn nội bộ trở thành mâu thuẫn đối kháng. Có thể chuyển thành địch hết. Thiếu cái tình hữu ái đối với những người sai lầm.

Trong xã hội hiện nay, có một hiện tượng kỳ lạ, không làm vừa ý mấy người lãnh đạo là trước sự cám dỗ của sắc đẹp ở Hà Nội, cán bộ tiểu tư sản không bị mắc mấy, mà chính là cán bộ công nông, nghĩa là những người tiêu biểu cho lập trường vững chắc và cho đạo đức cách mạng mới!

9-1-1957

Trường huấn luyện về lập trường, về đạo đức cách mạng, về đời sống mới. Có một nữ học sinh rất hăng hái, được bàu là gương mẫu. Nhưng than ôi! Cô ta đã hủ hóa với 12 người. Cái giáo dục của ta bây giờ là cưỡng lại cuộc sống. Người ta không tin, người ta không đồng ý, ngoài mặt ra vẻ tích cực, nhưng vẫn hành động theo ý riêng họ. Giáo dục nhà trường: giả dối. Hypocrisie [Đạo đức giả]!

11-1-57

Muốn viết một vài truyện lịch sử. Trần Hưng Đạo? Nguyễn Trãi? Trịnh Nguyễn phân tranh? Cảm thấy luống tuổi rồi, bao nhiêu dự định, bấy nhiêu bỏ đấy. Chán cho cái xã hội, cho cái chế độ huy hoắc sức con người. Lo cho thế hệ trẻ ư? Nhưng có phải đâu là hi sinh mình đi? Sao họ quan niệm lạ lùng thế?

Thích là một nhân sĩ có cảm tình với Đảng, phục vụ cho Tổ quốc đắc lực hơn là một đảng viên chịu bao nhiêu sự ràng buộc, và nhất là bị những dư luận hết sức khó chịu. Sáng nay, Nguyễn Bắc đặt vấn đề Vũ Như Tô:“Phan Tại lợi dụng tên ông để diễn vở ấy, mà đã có nhiều dư luận không hay.” Vở kịch chỉ có việc diễn ra mà khó khăn thế đấy. Sao mà ở dưới chế độ này rắc rối làm vậy. Nghệ thuật cũng bị trăm thứ trói buộc.

Sự thật thì cũng không thú Phan Tại. Anh ta định để vợ sắm Đan Thiềm. Hiểu gì cái tâm hồn cao quí ấy mà đóng. Nó sẽ làm mất giá trị vở kịch của ta mất thôi.

12-1-1957

Thụy An đến Hội, nói nếu không giải quyết đời sống thì đem chăn đến ăn vạ. Mà nếu Hội không giúp thì đem chăn đến trụ sở Đảng. Anh Trường Chinh chắc chắn là phải nhường cơm cho tôi!

Quốc hội lại họp toàn thể. Mấy đạo dự luật Chính phủ trình bày: Tự do hội họp, Luật đảm bảo thân thể, cư trú, v.v... Luật tự do báo chí. Rồi tiểu ban Thống nhất thuyết trình. Mấy tham luận toàn miền Nam. Hình thức vô cùng. Tán thành hết. Rất khó chịu cái nhất trí kỳ cục này.

Nhớ tiếc [tướng] Nguyễn Sơn. Còn sống chắc là thành một luồng tư tưởng mới.

Ngồi nghĩ lơ mơ về công việc phải làm để sinh sống. Kịch? Xuất bản tập Nhi đồng? Viết truyện lịch sử. Tiếc trong kháng chiến đã phá tiểu thuyết An Tư. Thật là ngu ngốc. Mất bao nhiêu tài liệu. Viết: Sát Thát - Cuốn tiểu thuyết lịch sử ra đời sẽ được hoan nghênh nhất định. Bởi vì chán tai với cái phục vụ kịp thời trắng trợn, cái lối ăn xổi. Rồi nghệ thuật sẽ đi đến đâu? Grisaille [Buồn tẻ, vô vị]?

13-1-1957

Trời mưa. Vui cái vui êm ấm của gia đình. Ôm Thắng trong lòng. Hút thuốc lá, nghĩ lơ mơ. Cây bên ngoài trụi, mưa âm u. Trẻ em đeo khăn quàng đỏ luốt tuốt tới trường. Một thiếu nữ ướt, áo dịt vào người.

Nghĩ ngược lại hồi phát động quần chúng. Cán bộ, nhất là Đoàn, Đội đại giáo điều.      Kỳ cục nhất là lực lượng có trong tay mà phí người, phí sức, lao tâm khổ tứ huy động ầm ầm, đánh vào một địa chủ. Rồi huênh hoang ca chiến thắng. Không có cái gì khôi hài và trẻ con hơn

Đêm qua xem biểu diễn ca vũ của đoàn Bungarie. Diễn chào Quốc hội. Ho. Lộn xộn đi lại. Hút thuốc lá khói um. Vỗ tay trong khi đang diễn. Người ta hát bài Việt Nam thì cười rộ. Chẳng có một ý thức gì. Ngượng quá.

15-1-1957

T.D.H. báo cáo, luôn mồm nói Thủ đô tươi đẹp. Khi có đại biểu nói trong thời gian cải cách ruộng đất phạm những sai lầm, các tầng lớp Thủ đô hoang mang, H. khó chịu, nói làm gì có những chuyện ấy. Sao mà lại chủ quan đến độ ấy.

Ngẫm nghĩ về những cái công thức của thời đại. Thời đại nào cũng có những cái công thức của nó. Ngẫm nghĩ về cái tầm thường của con người. Thời đại nào cũng có những anh hiu hiu, nhạt nhẽo. Vấn đề của nhà văn là phá cái công thức, và chống lại cái một chiều, cái hiu hiu, cái nhạt nhẽo của con người.

Sẽ viết một chuyện thần tiên. Một đàn chim chỉ nhận những con chim lông trắng. Mẹ bỗng đẻ một con chim lông đen. Cả bầy khó chịu xô vào đánh đập, làm cho con chim kia suýt chết. Sau có chim khác cứu. Rút lại con chim đen nó có những cái khả năng mà đàn chim trắng không có, cụ thể nó tìm cho một con đường đi kiếm ăn, giữa lúc không tìm ra lối thoát.

Bắt đầu soạn lại kịch Khiêng thuyền có người hơn. Bố trí tốt hơn.

Chấm dứt cái tình trạng lười, không làm gì, trốn việc, mà cũng chẳng sáng tác.

Qua phố, không có tiền mua quà cho con. Đồ đạc đắt. Nghèo đến bao giờ? Luôn luôn trong túi chẳng có tiền.

17-1-1957

Nhìn Hồ Đức Thành(1) lên báo cáo [ở Quốc hội]. Thấy buồn buồn thương hại. Xưa kia cũng là một lãnh tụ. Tâm trạng của những anh này chắc kỳ lạ lắm.

Hoàng VănĐức(2) nói chuyện khen Vespa. Khen ô tô Pháp, Ý, sau chiến tranh đã được bố trí để chạy ít et xăng. Xe Liên Xô rất tốn et xăng. Cho nên nên đặt vấn đề có nên mua ô tô Liên Xô? Vì Propéda 18 lit, Motcovitch 10 lit - Mà chạy lại yếu. Tính cơ quan dùng bao nhiêu của!

Ý kiến của Đức bị Trần Hữu Dực(3) đả lại. (…) Hồ Đức Thành vừa phê bình Ban Thường trực Quốc hội, thì Trần Văn Cung(4) đã lên diễn đàn đả một cách kịch liệt, coi người ta chẳng ra cái gì. Một đại biểu ngoài Đảng nói: Nói dân chủ, nhưng người ta vừa mở miệng ra đã chặn họng thì dân chủ ở đâu.

24-1-1957

Viết xong Khiêng thuyền. Bọn [Nguyễn Khắc] Dực, [Hoàng Tích] Linh cho là mình chí tình. Anh em mừng. Được cảm tình của Hoàng Yến, Văn Cao.

Xem kịch thơ Trương Chi Một chuyện tình kín đáo, cao cả. Mà tác giả đem lồng địa chủ, thừa tướng hống hách vào. Hoạt đầu văn nghệ!

Nguyễn Bắc lấy vở kịch Vũ Như Tô về xem. Cáu quá. Gặp Bắc, nói: “Tôi sẽ cho nó diễn. Không sửa chữa gì cả.” Đấu tranh để không trở lại hành chính thô bạo.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

---------------       

(1)   Đại biểu Quốc hội Nam Định, năm 1943 từng hoạt động Việt Minh ở Trung Quốc.

(2)   Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh.

(3)   Đại biểu Quốc hội Huế.

(4)   Đại biểu Quốc hội Vinh - Bến Thủy.

Các Bài viết khác