NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“NGHĨ ĐẾN MỘT CUỐN TRUYỆN LỚN CHO NHÓM NHÂN VĂN”

( 06-01-2015 - 06:46 AM ) - Lượt xem: 1204

: Những diễn biễn trong đời sống văn nghệ liên quan đến vụ việc Nhân văn - Giai phẩm những tháng cuối năm 1956 đã khiến nhà văn Nguyễn Huy Tưởng “nghĩ đến một cuốn truyện lớn 1956”, trong đó ông dự định “sẽ dành một phần quan trọng cho nhóm Nhân văn”. Và những sai lầm trong cải cách ruộng đất dẫn đến những xáo động trong toàn bộ đời sống xã hội trên khắp miền Bắc những năm đầu sau hòa bình lập lại, khiến ông hình dung: “Cuốn tiểu thuyết 1956 bao gồm cả thành thị và thôn quê.” Tiếc rằng ông đã không thực hiện được dự định lớn lao này. Nhưng vẫn còn đó những trang nhật ký của nhà văn mà ta có thể hình dung, ông như vừa giãi bày tâm sự, vừa lấy chất liệu cho tác phẩm dự kiến của mình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trích đoạn nhật ký những ngày này cách đây vừa đúng 62 năm của tác giả Một ngày chủ nhật.

14-12-1956

Cuộc đấu tranh chống Nhân văn chỉ có một lý do là đem lại trật tự, an ninh, lấy lại trong nhân dân lòng tin tưởng vào Đảng. (…) Dù sao thì cũng phải bảo vệ cái kết quả của 80 năm chiến đấu và 10 năm kháng chiến. Tấn bi kịch là ở đây.

Buổi trưa, Đang đến. Mặt hốc hác, không vui. Thực ra, Đang đã phân trần rằng anh ta không phải là chủ chốt, mà vẫn là ý kiến số đông quyết định. Nhưng các vị đã quá nghi ngờ như Tào Tháo rồi, tin chỗ ấy thế nào được. Lại suy diễn câu nói trong bài của Đang, sẽ đăng trên số sáu Nhân văn, chưa in. Đấy là câu: Nếu nhân dân Hung ga ri biết sớm nổi lên lật đổ tập đoàn Rakosi và Ghêrơ(1) thì không xảy ra vụ 23/10(2). Và Hiến pháp Trung Quốc qui định quyền biểu tình chĩa ngay vào Chính phủ. Thế là các vị từ một bài lý luận, mà cũng chưa in, suy luận rằng Đang hô hào lật đổ Trung ương và Chính phủ. Nghĩ lại ngày phê bình Nhất định thắng của Trần Dần, T.H. cũng suy diễn một cách giản đơn như thế. Trách N.Đ.T. cũng phụ họa vào, với cái lý do bảo vệ Đảng.

 Gặp Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, Quang Dũng. Họ nói thật chẳng khác mấy đứa con làm chuồng gà, mà bố giận đánh thậm tệ, không còn biết chạy đi đâu. Thầm oán T.H. chỉ nhìn thấy cái vết xấu của Nhân văn, mà không thấy nó là tiếng nói của nhiều quần chúng đang thiết tha dân chủ. Vì dù sao Nhân văn cũng là hai chữ in trong lòng quần chúng. Anh em nghe T.H. nói: Nhân văn không ra nữa! Buồn. Người dân Hà Nội cũng buồn. Hoàng Lập Ngôn nói: Thôi, thế là lại: thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý. Anh em đang phấn khởi, ra nhiều đề tài sáng tác, nay hoang mang. Họ không gặp nhau, nhưng lúc này họ xiết chặt lấy nhau, ôn lại những ngày làm việc với nhau, một cách rất nghệ sĩ, chẳng có chủ trương, đường lối gì, mạnh ai nấy viết. Việc quản lý thì không hề biết đến. Bây giờ họp nhau, chỉ để bàn cách trang trải số nợ với các đại lý. Vì công đoàn vận động công nhân không in, báo không được ra, phải trả tiền đại lý. Có người đã đến cửa nhà Nguyễn Hữu Đang đòi. Bàn xem lấy tiền đâu. Đóng góp thì ít có tiền. Vay tư sản thì họ giữ kẽ. Phải vay những trí thức có tiền như Trần Đức Thảo? Họ đến gặp nhau, để chia xẻ bùi ngọt với nhau. Người nào cũng hốc hác, không ngủ được. Phan Khôi khuyên mọi người: bình tĩnh. Và khôi hài: họp ba người thôi. Rồi lại nhìn sang nhà bên cạnh có công an rình. Họ khổ nhất là đường đường những người kháng chiến, nay mắc những tiếng là phản động. Và họ bị theo dõi. Một bọn định xông vào đánh Trần Thịnh đang quay phim ở Hồ Tây, nhầm là Trần Duy. Anh em điện ảnh phải ra ngăn, nói: Đây là Trần Thịnh, không phải Trần Duy. Quần chúng nói: Trần Thịnh là Sáng tạo(3), cũng một loại với Nhân văn, liệu hồn.

Anh em lo nhất cho Nguyễn Hữu Đang. Mấy hôm nay gầy guộc. Lo trang trải công nợ, không thể đi đâu được, không trả thì sẽ bị kết tội là bội tín: cũng ra trước pháp luật. Lo cho Đang sẽ phải ra tòa. Lo nhất là có thể bị đánh, vì Nguyễn Hữu Đang là người nhiều người biết. Thương hại cho Đang mà anh em ai cũng thương yêu, thực sự là người săn sóc cho anh em, đấu tranh, lo liệu. Ngao ngán những ngày vui chiến đấu, tự nhận là majorité, bolchevik [đa số] để bây giờ đi đến những tan rã như thế này. Vinh và nhục đi liền. Mấy hôm nay, Trần Lê Văn ngao ngán. Lo cho mình thì ít, nhưng lo cho Đang thì nhiều. Tiền nong cho gia đình thì thiếu, con lên sởi, lo vì công việc, lo cho bạn, không sao ngủ được. Cái nhóm: Trần Lê Văn, Quang Dũng, Hữu Loan, Lê Đại Thanh, Thanh Châu vắng vẻ chuyện trò.

   Lo cho sáng tác. Từ đây là không thoải mái, viết cái gì cho đúng. Đang phơi phới, nay cụp xuống, các dự định sáng tác tan tành. (…)

Nghĩ đến một cuốn truyện lớn 1956. Trong ấy sẽ dành một phần quan trọng cho nhóm Nhân văn.

15-12-1956

Họp Chi bộ Văn nghệ để thảo luận về Nhân văn. Chị Nhị sỉ vả, nói muốn ăn gan nuốt sống bọn nó. Võ Huy Tâm cường điệu vẻ giai cấp công nhân. Lê Đạt bênh vực Đang. P.K.A. mạt sát Lê Đạt gọi là hèn nhát. Huy Phương nói về công tâm con người đảng viên trong vụ này. Mình tỏ ý thương anh em Nhân văn (chuế quá. Diệu nhíu lông mày. Thi không đồng ý).  Bổng đề nghị có biện pháp cho anh em an tâm. Thi gạt đi một cách cương quyết. (Trường Chinh không gặp Phan Khôi - Nguyễn Hữu Đang không được gặp Xuân Thủy.) Chắc là có chủ trương kiên quyết.

Đọc nghị quyết Trung ương. Không khí nặng nề. Kim Lân mừng không phải giơ tay. Không phải ký kiến nghị phản đối báo Nhân văn.

Buổi tối, Tuân đến nói không nên sìu đi. Lúc này càng phải hăng hái. Thực ra thì mình cũng đang sút tinh thần. Bộ máy của cách mạng mở chạy, nó thật tàn nhẫn cho tình cảm con người. Bảo vệ tổ chức: nhiều trường hợp khó khăn như thế này, chỉ còn một cách là dựa vào tổ chức. Cái yếu của Đảng chỉ nhờ có tổ chức mà mạnh. Buồn là có khi bảo vệ cái tổ chức làm sai, trái với lòng mình!

Đi với Nguyễn Tuân. Buổi sáng chủ nhật. Phố Hàng Đào đông người. Chợ Đồng Xuân: một lão nông dân mua tu lơ khơ. Phảng phất những dáng phụ nữ Hà Nội cũ. Qua hàng hoa. Kim cúc rực rỡ. Một cái relent du passé [hơi hướng của quá khứ]. Mong một cuộc đời bình thường. Kỳ cho cuộc đời. Bao nhiêu những cái vĩ đại nhất (anh hùng, sáng tạo), những cái bạo liệt nhất (chiến tranh, cách mạng, phản cách mạng), những cái tàn ác nhất (giết người, thù oán, v.v...) chung qui cũng chỉ là để giải quyết cái nhỏ mà lớn nhất là cuộc sống, mà cuộc sống có to gì đâu: một căn nhà, một chậu cảnh, một bông hoa, một tiếng khóc của trẻ con, v.v... Thấy màng màng một cái gì là thơ và triết lý trong con người.

Con người Tạ Đình Đề. Thấy bọn văn nghệ sĩ báo Nhân văn hoang mang, ngơ ngác, thương hại, chạy lên Tố Hữu điều đình cho gặp. Vì thế mà có buổi gặp gỡ. Lành bảo Phan Khôi già mà dại - Hoàng Cầm viết bài Trần Dần là tầm bậy. (…)

Tạ Đình Đề là con người tốt bụng. Nghe tin có một vụ án mạng ở chợ Giám, không phải việc mình cũng chạy đi xem để báo cáo. Đối với văn nghệ sĩ cũng vậy. Con người tốt bụng, tếu. Mặt khác, Đề lại nói: Tao cũng đang bất mãn với Tổng cục Đường sắt đây nên hiểu nỗi khổ của chúng mày nên tìm cách giúp.

Con người có những uẩn khúc như vậy. Phiền một nỗi: việc văn nghệ, không phải là văn nghệ giải quyết cho, mà lại là do một anh công an xen vào. Khôi hài và bi đát.

17-12-1956

Dự hội nghị phổ biến nghị quyết của Hội nghị Trung ương. Nghe Trường Chinh báo cáo sửa sai. Cảm thấy thương những bần cố nông bị mang tiếng là tố điêu không ai tin, thậm chí bị đuổi khỏi nhà cửa mà cán bộ cũng không can thiệp. [Dự định] viết một tiểu thuyết về những con người ấy. Cuốn tiểu thuyết 1956 bao gồm cả thành thị và thôn quê.

Quang, điện ảnh, vỗ vai: nghe nói cậu dự buổi họp của Nhân văn, rồi được phân công viết thư lên Trung ương? Nghe mà lộn ruột. (…) Sao mà tự coi mình là lập trường, là bảo vệ Đảng, những người khác không ra gì hết. Cái tự kiêu rất vô căn cứ của những đồng chí của ta.

20-12-1956

Tình hình giới công thương. Sau buổi họp sáng, nghe Phan Anh nói chuyện, buổi chiều [họ] không đi họp nữa. Thế mà báo cáo nói rằng họ phấn khởi, tán thành biện pháp đối với Nhân văn và họ thiết tha mong được yên ổn làm ăn.

Một cuộc họp trí thức để thảo luận về Nhân văn. Đồng chí cán bộ rút ở túi ra tờ kiến nghị đã làm sẵn bảo anh em ký tên. Họ phản đối ầm ĩ cái lối làm việc độc đoán, khinh miệt quần chúng ấy.

Đến chơi Nguyễn hHữu Đang. Anh ta bình tĩnh. Phàn nàn rằng càng ngày càng thấy mình làm đúng. [Nhưng người ta] lắp việc nọ sang việc kia để kết luận một cách hồ đồ. Ví dụ việc đưa báo in Terexa là khi mới bắt đầu ra Nhân văn số 1 chứ không phải là số 6, thì lại nói là không in được ở Xuân thu thì đưa lại Terexa. Việc xe đi cổ động ở Nam Định là của Sáng tạo thì lại ngoằng đấy là Nhân văn. Công nhân nhà in Xuân thu phản đối Ủy ban hành chính bắt họ không in Nhân văn, công đoàn vận động không chuyển, sau làm mẹo bảo: họ đã đòi có giấy tờ bảo không in báo thì lên hỏi Ủy ban hành chính. Họ cử đại biểu lên và nói tự động thì không thể không in được, nhưng nếu Ủy ban có giấy cấm cho quang minh chính đại thì họ sẵn sàng không in. Thế là ra thông cáo nói công nhân nhà in yêu cầu Chính quyền không in báo Nhân văn nữa. Họ rất công phẫn.

Trần Đức Thảo rất khó chịu. Nếu không in được Nhân văn, thì bài Gomulka(4) sẽ đem in ronéo. Chính Gomulka cũng đả kích rất mạnh cái chế độ đầy giả dối và vu cáo.

Mấy anh em Nhân văn buồn. Quang Dũng nói dù có hoang mang, nhưng lòng trong trắng nên vẫn bình thản. Đang khoe mua được lọ hoa đẹp. Đêm Noel đi chơi. Điều này chứng tỏ anh em không làm điều gì lương tâm cắn rứt, mới thản nhiên như thế được.

Họp hội nghị Văn Nghệ Đảng. Lồng rất nhiều những cán bộ tuyên huấn, các địa phương, những người chẳng có quan hệ gì đến sáng tác.

Trong tổ, họ sấn vào giải quyết thắc mắc cho Trần Hữu Thung. Một người bênh vực cho chân lý thì bị thành kiến, và họ lại áp dụng chỉnh huấn, remonter [truy ngược] lên cỗi rễ giai cấp của Trần Hữu Thung. Vĩnh Mai bị trù vì nói thẳng, và có thể bị kỷ luật. Mình tiêu cực, muốn ra sao thì ra, muốn rút lui về vị trí sáng tác. Đào Duy Kỳ có những lời phát biểu ý kiến rất mạnh, đả cái tác phong độc đoán chuyên quyền, văn nghệ phục vụ chính trị chứ không phục vụ một cá nhân cán bộ chính trị nào. Khi đọc tham luận, hai phe phản đối và tán thành ở hội trường. H.P., X.D. chồm chồm lên đòi không được nói nữa, và hỏi: Anh bảo chúng tôi hèn à? Đoàn Giỏi đứng lên: Cứ nói. Hoàng Xuân Nhị nói: Viết tồi thì phải chùn tay. Kỳ cãi lại: Viết giỏi cũng chùn tay. Rồi bênh vực Trần Dần, đòi phải khôi phục địa vị chính trị cho anh, những tài liệu đưa ra không đủ để bắt giam một người. Đả phá cái tư tưởng kiện văn nghệ. Họ kiện Tạ Hữu Thiện, kiện Nguyễn Huy Tưởng. Sáng tác bị đe dọa với cái tư tưởng chung của cán bộ bây giờ. Mạnh Phú Tư: Phải sống tự do để mà tự do sáng tác, vì tự do bừa bãi mà làm hại cái tác phẩm vĩ đại là cách mạng thì thà đừng tự do. Ý là có tác phẩm cách mạng vĩ đại hơn những tác phẩm văn nghệ, và đừng đòi hỏi lắm: ta đã có tự do rồi.

23-12-1956

Về quê chơi. Anh cả cũng về. Chị dâu định bán nhà ngang. Người ta kể lại những điều trong cải cách ruộng đất. Không ai dám nói, dám cãi. Không đi họp cũng chết, đi nói cũng chết, không nói cũng chết. Không ai dám nói chuyện với ai. Biết là đội làm trái cũng đành chịu. Ông Đồng Văn bị tây bắt trốn về, mà bị hỏi đi hỏi lại, rồi truy gia đình mình, xem bà cụ trước thế nào. Ai cũng nói là tốt. Già Tỵ nói: Không phải bây giờ chúng tôi mới biết địa chủ bóc lột, mà từ trước, đã phải đi làm cu li, cu leo. Về nhà không hề đi ở cho ai. Mà cái đi làm của tôi nó khác, không có ai hành hạ được, mà còn rượu chè, cung ứng tết nhất. Nên chú ý người nông dân thẳng tính này.

Làng chưa vui. Nhưng được cái thóc lúa nhiều. Không sợ đói. Mình về, bà con đến thăm cũng đông. Ông Lý Quỳ đi lên Cẩm để luyện cờ, luyện vật - Họ đang chuẩn bị làm tuồng. Di hỏi: Có cấm Truyện Kiều không? Thì ra cán bộ cấm hết. Dân làng tiếc cái đình, cái chùa, nếu có tiền là tu bổ ngay. Về bốn án xử tử, có hai dân không thắc mắc. Còn hai thì thắc mắc, vì Tổng Trường cắn hột cơm chẳng vỡ, [chẳng qua] bị dân đưa ra làm lý trưởng. Hồi kháng chiến Tây bắt gánh hai đầu lâu lên bốt, thế là bị qui là dẫn Tây đi giết dân làng.

Họ nói: Sợ quá hồi đế quốc. Vừa cười vừa lắc đầu lè lưỡi.

Đầm, con ông Nghiễm, đi bộ đội về quê, ruộng nương chẳng được chia. Lúng búng: Đi bộ đội thì không được chia, những thằng ở nhà thì được. Cháu đi đâu thì đi chứ chẳng ở nhà làm gì nữa.

24-12-1956

Đêm Réveillon [đêm Noel] nhà Tuân. Bàn về Đảng, nếu mình ra Đảng mà viết các việc trong văn nghệ thì thật nguy hiểm cho Đảng. Và nếu ra Đảng, nhất định bị thành kiến hơn là quần chúng. Cái ý kiến rợn người.

Băn khoăn rất nhiều vì bài tùy bút Một ngày chủ nhật. Rồi sẽ bị thành kiến, bị ghét, bị kiện không biết chừng. Có đủ sức mà chịu đựng không?      

NGUYỄN HUY TƯỞNG

----------------      

(1) Mátyás Rákosi (1892-1971): Nhà hoạt động chính trị Hungary, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hungary từ 1945 đến tháng 6-1956, khi Erno Gero lên thay; Ghêrơ: phiên âm tên của Gero, người lên thay thế Raskosi trong một thời gian ngắn, cho đến khi xảy ra cuộc chính biến ở Hungary.

(2) Tức là cuộc chính biến, nổ ra vào ngày 23-10-1956, khi hàng trăm ngàn người Hungary nổi dậy chống lại Chính phủ.

(3) Báo điện ảnh, sân khấu, ra tháng hai kỳ; chủ nhiệm: Trần Thịnh, thư ký tòa soạn: Cao Nhị.

(4) W. Gomulka (1905-1982): một trong những người sáng lập Đảng Công nhân Ba Lan, năm 1956 khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng có những tuyên bố và chủ trương mở rộng tự do dân chủ.

 

 

 

 

Các Bài viết khác