NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CHÂU TỰ DO NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN

( 31-08-2019 - 01:16 PM ) - Lượt xem: 501

Hưng chính là một bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông tin này là từ nhà sử học Dương Trung Quốc, và đã được Thượng tướng Trần Văn Quang xác nhận khi tôi có cơ hội hỏi lại nhân lần được gặp ông ở Điện Biên năm 2004, kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Bạn đọc nhật ký của cha tôi, hẳn đã nhận thấy ông viết nhật ký gần như liên tục. Bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành gồm ba tập, với tổng cộng hơn 1700 trang, bao quát một giai đoạn suốt 30 năm cầm bút của nhà văn, kể từ khi còn là một cậu học trò Thành chung trường Bonnal, Hải Phòng cuối năm 1930, đến không lâu trước khi nhà văn qua đời, tháng 7 năm 1960. Trong đó, tập II – Những năm kháng chiến – trải dài từ tháng 5-1946, khi tiếng súng Nam Bộ ngày một lan rộng, đến tháng 7-1953, khi nhà văn tham gia phát động quần chúng ở một xã Phú Thọ. Có điều, ngay ở đầu tập II này, có một sự gián đoạn không nhỏ, đó là quãng thời gian từ cuối tháng 11-1946, vài tuần trước Toàn quốc kháng chiến, đến cuối tháng 10-1947, khi trận Việt Bắc đã mở màn ác liệt.

Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ đây là khoảng thời gian có quá nhiều biến động đối với một nhà văn cách mạng như cha tôi: Chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc - rời Hà Nội ra đi kháng chiến - tập hợp anh em, xây dựng căn cứ, ổn định đội ngũ văn nghệ sĩ để kháng chiến lâu dài... Vì vậy ông đành tạm gác thói quen viết nhật ký để tập trung lo toan công việc. Hóa ra không phải. Gần đây, gia đình chúng tôi đã tìm được một cuốn sổ ghi nhật ký của ông chính những ngày này. Cuốn sổ bắt đầu ngày 29-11-1946, khi nhà văn dự buổi họp tuyên truyền mà có lẽ do ông Trường Chinh chủ tọa (trong nhật ký ghi là Nh., rất có thể là viết tắt bí danh Nhân của ông); kết thúc ngày 23-10-1947, khi Nguyễn Huy Tưởng đã bắt được liên lạc với anh em sau những ngày rối ren mở đầu trận Việt Bắc. Điều đáng nói là cuốn sổ chỉ bé bằng nửa lòng bàn tay, đủ gọn để bỏ túi hoặc nhét vào bất cứ chỗ nào khi cần cất giấu; xem ra ông đã chuẩn bị “phương tiện” viết nhật ký cho mình trong hoàn cảnh xảy ra chiến sự. Điều đó cũng có nghĩa là, dù trong hoàn cảnh nào, cha tôi cũng quyết không bỏ thói quen ghi nhật ký hằng ngày.

Trong bài viết này, tôi xin được tập trung giới thiệu một quãng thời gian của cha tôi có liên quan đến những địa danh và nhân vật ít nhiều được bạn đọc quan tâm. Đầu tháng 3 năm 1947, sau một thời gian loanh quanh ở các vùng thuộc Hà Đông, cha tôi cùng một số anh em ngược lên Phú Thọ. Nhật ký ngày 7 của ông ghi: “Xe ô tô chở máy đã tới. Cảm thấy cái thú vị ở Phú Thọ”. Ngày Quốc tế Lao động 1-5, ông có mặt ở Tuyên Quang, hôm ấy có mít tinh nhưng ông không dự vì đang chữa bài cho số báo Toàn dân kháng chiến sắp ra. Ba ngày sau, khi Toàn dân kháng chiến – tờ báo của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt, đã ra, ông đến châu Tự do cùng với Khoa (có lẽ là Phạm Văn Khoa); theo nhật ký của ông thì đó là “Một đêm trăng đẹp ở chiến khu”. Đến đây xin dừng lại một chút để nói rõ thêm về địa danh này. Châu Tự do chính là An toàn khu đặt ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Cái tên này bắt đầu xuất hiện từ rằm tháng ba năm Ất Dậu (26-4-1945), với ý nghĩa là Thủ đô lâm thời của cách mạng Việt Nam thời kỳ Tiền khởi nghĩa. Sau khi Cách mạng thành công, với tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị duy trì Châu Tự do làm An toàn khu để phòng sẽ có ngày cần đến. Với sự chuẩn bị ấy, ngày 2-4-1947, Hồ Chủ tịch cùng chính phủ đã trở lại Sơn Dương (chính xác là làng Sảo, xã Hợp Thành) để lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Cũng xin nói thêm, lúc này, cha tôi còn đang có cả gia đình bên mình: Vợ và các con Hiền, Thục, Khánh, lần lượt lên 5, 3 và 1 tuổi. (Sau này, do diễn biến của tình hình, ông và gia đình phải li tán một thời gian, chồng một nơi, vợ con một nẻo; nhưng đó là chuyện khác.) Ngày 28-6-1947, có cuộc hội nghị Tuyên truyền, ông lại đến châu Tự do dự họp. Gặp buổi mưa tầm tã, ông vào tán chuyện ở Tiểu đội 1. Ban đầu, tôi cứ nghĩ Tiểu đội 1 là một đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ. Nhưng tiếp đến nhật ký ngày 4-7, cha tôi ghi: “Tiểu đội 1 ẩn sau một vườn hoa đẹp. Có máng nước chảy trong suốt”. Rồi đến ngày 23-7, ông lại ghi: “Vào Tiểu đội 1”, và tiếp theo tả một người tên là Hưng đang ngồi chữa đèn pin, bên một chiếc máy chữ, thỉnh thoảng lại có điện thoại gọi...

Đến đây, không nghi ngờ gì nữa, Tiểu đội 1 là biệt danh một cơ quan của Đảng, Chính phủ hoặc quân đội. Nhưng là cơ quan gì? Và người có tên Hưng là ai, lại ngồi trong một gian phòng có máy chữ, điện thoại? Trong điều kiện kháng chiến gian khổ, lại gặp buổi đầu loạc choạc, một phòng làm việc được trang bị đến như thế chắc chắn phải là rất quan trọng! Linh tính đưa tôi đến một trang nhật ký khác của cha tôi, ông ghi trong thời gian tham gia Chiến dịch Biên giới cuối năm 1950. Lần ấy, ông được theo một vị chỉ huy cao cấp của quân đội đi thị sát mặt trận Cao Bằng. Người ấy cũng tên Hưng, tất nhiên là bí danh rồi, như nhật ký của nhà văn đã ghi lại. Theo sau ông là nhiều sĩ quan tham mưu, tình báo, và cả một số văn nghệ sĩ được chọn lựa để phản ánh chiến dịch... Phải rất lâu về sau, tôi mới biết, Hưng chính là một bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông tin này là từ nhà sử học Dương Trung Quốc, và đã được Thượng tướng Trần Văn Quang xác nhận khi tôi có cơ hội hỏi lại nhân lần được gặp ông ở Điện Biên năm 2004, kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vậy là đã rõ. Hưng ở Tiểu đội 1 mà cha tôi gặp ở châu Tự do chính là Võ Nguyên Giáp, và Tiểu đội 1 có thể là mật danh để chỉ nơi đóng chỉ huy sở của ông...

Với những thông tin như thế, tôi xin phép giới thiệu với bạn đọc một số trang nhật ký những ngày hè thu năm 1947 của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

25-3-1947

Dọn nhà lên Vĩnh Châu. Vào xin ở nhờ các người làng. Có cụ nói: Nhà đây là của thiên hạ.

Đêm ngồi nói chuyện với H.T. [Hoài Thanh] trong khi ban kịch T.T. [tuyên truyền] diễn ở phòng Thông tin. Công chúng reo.

2-4-1947

Về Phú Thọ. Gặp Tố Hữu, đi loăng quăng ngoài đường. Chiều gặp Lợi. Tin TKN [Tổng khởi nghĩa] ở Madagascar – sung sướng.

24 – 26-4-1947

Đạp xe từ Yên Bái đi T.Q. [Tuyên Quang]. Qua những hố. Những cây ngả. Vào nhà một người Mán nghỉ. Qua một con đường đất khó khăn.

Đám ma Hoàng Hữu Nam. Thương tiếc người có độ lượng và thông minh ấy. Khóc trước mồ.

19-5-1947

Ở lại [châu] Tự do. Những người đi lên chiến khu nằm ngổn ngang các hàng. Ngày ngày ăn chè đỗ đen, tắm sông, ăn cơm, vô ích.

 

6 – 8-6-1947

Bắt đầu viết kịch Những người ở lại.

Chiều, con gái nhoi người bắt bóng nắng trên tường. Thục líu la líu lường. Hiền bị mắng vì nói affécté [không thật].

Cảm thấy buồn vì sáng tác vở kịch không hay như mình tưởng. Cảm thấy bất lực.

26-6-1947

Băn khoăn về một đầu đề kịch mới. Một người trí thức, có cái bệnh thích lớn, không tin quần chúng, ghét quần chúng, rút cục định đánh kẻ thù mà lại đi với kẻ thù của dân tộc.

Kịch có thể hay được.

Bắc Kạn kỷ niệm nửa năm kháng chiến. Chủ tịch UBKC [Ủy ban kháng chiến] đến muộn mất long trọng, ban tổ chức mời ông lên khai mạc, không có, phải xin lỗi, rồi đánh đàn thay vào. Những người đọc hiệu triệu của Cụ Hồ, của ông Võ [Nguyên Giáp], của Khu trưởng Khu I, của Tổng bộ Việt Minh không đọc nổi. Nhưng cuộc mít tinh cũng có trật tự. Rước đuốc: Như hoa cúc trong đêm từ dốc chảy xuống.

Lần đầu, nghe micro ở tỉnh nhỏ, nghĩ đến những cuộc vui Hà Nội.

28-6-1947

Đi dự hội nghị Tuyên truyền. Mưa tầm tã. Gặp Hội ở Hồng Kông về. Nói chuyện Hồng Kông, Vĩnh Thụy ăn chơi, tập võ, ăn sáng, ngủ đến 10 giờ rồi đi các bar. Bỏ Lý Lệ Hà. Mộng Điệp tiêu pha xa xỉ. Các triệu phú Anh, Tàu chiều đón. Áo mặc, các đĩ Tàu bắt chước.

Đến châu Tự do. Tán chuyện ở Tiểu đội 1.

4-7-1947

Tới Minh Khai. Xã Khang Lực. Chị em Thổ đang dựng nhà bình dân học vụ dưới sự chỉ bảo của ông giáo đeo kính trắng. Họ cười đùa. Bàn ghế đã sẵn sàng. Chung quanh là những nhà sàn của một làng con.

Phong cảnh đẹp. Tiểu đội 1 ẩn sau một vườn hoa đẹp. Có máng nước chảy trong suốt.

Tới cụ Bùi [Bằng Đoàn]. Gặp cha [Phạm Bá] Trực, cụ Vi [Văn Định]. Họ săn sóc quá đến Hiền thành ngượng. Cụ Vi láu táu, hỏi han. Săn sóc đến đời sống vật chất. Sự luộm thuộm của một nhà sàn điều kiện vật chất hoàn toàn thiếu tương phản với dĩ vãng huy hoàng của cụ. Đầu tóc bạc, da trắng, pyjama. Ăn chung nhưng bát đũa riêng. Truyền người nhà bằng tiếng Thổ. Lời nói vẫn hách dịch. Sáng dậy, dùng một thứ rũa rất sang rũa ngón tay rất đẹp. Sau một chồng gối trắng đỏ xanh (có nhung) đã bạc màu, nấp sau cái máy đánh chữ. Có tiếng chão chuộc gần, tiếng chim rừng. So ro chiếc bát có khăn trước mặt, chờ cho mọi người xới rồi mới đưa bát mình để khỏi lẫn. Có vẻ tiên cốt. Khi đứng trên khung cửa nhà sàn thì thật là đẹp. Tay đeo một vòng ngọc thạch quí. Hay nói. Hay bông [đùa]. Bác lãm về những tiếng Mường, Tày, Mán, v.v... Rủ bọn trẻ đánh mạt chược. Lúc đi qua đường hai bên rào nứa, áo quần vải láng đen, chống gậy, mũ nồi đội lệch, râu tóc bạc phơ, có vẻ tiên phong đạo cốt, majestueux [uy nghi]. Mau mồm mau miệng, mau chào mau tay. Có người ở hầm trú ẩn đánh chết một con rắn nhỏ: giảng nếu mỏ nó tròn thì độc, mỏ nó dẹt như mỏ vịt thì không. Chạy báo động rất nhanh. Trên đường về, cúi xuống nhặt một hoa tím dại, đem về biếu người con gái vợ người thư ký.

5-7-1947

Tiếng chim. Có tiếng người hát tưởng như tiếng chim lúc đầu. Một thung lũng sạch sẽ, có bàn tay người tuyệt đẹp. Gà rừng rúc ở bụi nào đây. Bên rặng cây, cụ Bùi đi dự Hội đồng Chính phủ có vẻ cổ sơ.

Các bộ trưởng về dự hội đồng Chính phủ. Nhà sàn ông Hoàng Tích Trí treo hai chậu phong lan, một chậu hoa tím rủ xuống sàn. Cột, có những ống tre đựng phong lan do ông chủ yêu hoa đem về.

17-7-1947

Chiều, thăm Thái Nguyên tàn phá. Lơ thơ người họp chợ sắp tan. Rừng thông: một chiếc ô tô đổ. Gạch đầy đường. Vài hàng quà. Trên gác một nhà tàn phá, một gia đình còn ngồi. Ủy ban hành chính, trước là dinh sứ. Cả một khu, có hươu nai, nay không còn gì ngoài cái bệ cao đồ sộ dấu tích một thời. Công an ở một cái đền duy nhất làm việc. Vài nhà Tàu còn nguyên vẹn, mấy anh Tàu đứng trước cửa nhà chỉ trỏ. Tắm bên một cái giếng sắp biến vào trong cỏ. Bến sông. Toa goòng. Tàu hỏa hết: choàng tỉnh mộng. Không một ánh sáng. Trừ mấy hàng cơm và nước. Phong tục ở đây phóng túng. Vài người đàn bà trai lơ ngồi nói chuyện dông dài và đĩ thõa. Con đường đi Tân Cương đẹp. Cầu đi Võ Nhai phá. Một dĩ vãng oai hùng. Hà Nội cách 75 cây số, một ngày đi mà xa, như nghe tiếng hát say rượu của giặc. Có vẻ bình tĩnh vì giặc chưa tới, nhưng rùng rợn. Trong bóng tối đằng xa là một hoàng hôn đẫm máu, dân quân đang tập giữa những nhà cửa đổ nát. Một đoàn đi tập trận thì thào truyền nhau khẩu hiệu như giấu giếm gì với mình... Có cảm tưởng như người ta sắp trở về đời thái cổ. Cây cối: Như nghe rõ đang mọc để bao phủ thành phố và xóa mờ nó trong trí nhớ Việt Nam.

22-7-1947

Nói chuyện khoa học với các bộ trưởng. [Trần Đăng] Khoa nói về việc lợi dụng nước để phát điện vùng Đamin Đà Lạt, thác Ba Bể Cao Bằng. Tổ chức những cuộc khai khẩn bằng cách dùng máy và điện phạt cây các núi. Rồi mở đường giao thông. Chu Bá Phượng nói về bazoka, nguyên tử.

Muốn học nhiều về khoa học. Nhà văn phải biết hết.

23-7-1947

Vào Tiểu đội 1. Hưng chữa đèn pin, bên giường giấy má, máy chữ, bút máy, ảnh con do vợ gửi cho đỡ nhớ. Viết trên giường. Bên kia, Mai cũng ngồi trước giường biên số công văn. Dây nói thỉnh thoảng gọi.

25-7-1947

Họp Liên Việt. Mong gặp Cụ Hồ.

26-7-1947

Chiều. Ra tới châu [Tự do]. Gặp xe ô tô tài chính. Xin với tài cho đi. Chối từ. Không cho xe đạp đi, giọng hỗn xược. Thẹn và giận.

Trên đường về, Trần Huy Liệu cỡi ngựa, ngâm thơ vang cả núi rừng.

28-7-1947

Đi xe đạp thẳng từ Phú Hương đến Bắc Kạn. Gặp Ngô Quang Châu giữa đường.

5-8-1947

Hội nghị báo chí ở Chợ Chu. Gặp Nam Cao. Vui vẻ. Gặp Lưu Văn Lợi

 

.16-8-1947

Viết báo cáo Văn hóa cho [Võ Nguyên] Giáp. Xem một kịch lửa trại ở sân vận động Đại Từ. Anh phụ trách nhạt. Diễn tồi.

21-8-1947

Gội mưa đi từ Chợ Mới về Bắc Kạn.

Kỷ niệm 19-8. Có mít tinh. Có biểu tình. Thiếu nữ mặc áo đẹp. Có cờ đi trước một đoàn. Nhưng thưa thớt. Ở phố Cò: Cờ cũ, nhỏ, rúc dưới mái nhà. Cũng có nhà treo đèn kết hoa, rực rỡ. Lòng bồi hồi.

22-8-1947

Tối. Núi Bắc Kạn mờ sương. Cây cối mờ mờ. Cùng Nam Cao, [Nguyễn Đình] Thi đi phố nói chuyện văn chương. Nam Cao nói: Bây giờ mình đã không phân biệt tuyên truyền với nghệ thuật nữa. Rồi liên miên chuyện chính trị, chuyện Cụ Hồ mà anh em phục là vĩ nhân lớn nhất của lịch sử Việt Nam: sage, révolutionaire, saint, héros [tài trí, cách mạng, thánh thiện, anh hùng].

Đêm về. Qua cầu, cây nứa để vịn đã ướt vì sương.

2-9-1947

Ngày độc lập. Gặp VNG [Võ Nguyên Giáp]. Cho mời mình lên ăn cơm ở ủy ban hành chính. Nói chuyện văn hóa. Thân mật, khoác vai nhau. Giáp gầy, vui vẻ. Chụp ảnh kỷ niệm.

Dân chúng ăn mừng độc lập. Anh em thông tin reo vui vỗ tay. Tịch mịch một mình. Viết kịch “Ông già Nam Dư”. Quyết định hôm nay thức đêm viết để kỷ niệm 2-9.

Nguyễn Xuân Khoát khoái về cuộc điểm binh. Mưa càng đẹp, vì lưỡi lê càng sáng.

Các Bài viết khác