NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“CẢM THẤY KHÔNG KHÍ OI BỨC”

( 28-06-2018 - 02:25 PM ) - Lượt xem: 928

LGT: Những ngày này cách đây vừa chẵn 60 năm, giới văn nghệ sĩ đã trải qua một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt do vụ việc “Nhân văn - Giai Phẩm”. Một người vốn coi trọng tự do sáng tác như Nguyễn Huy Tưởng đã phải chịu những tác động rất nặng nề. Những quan điểm tả khuynh mà người ta áp đặt nhân danh quần chúng không chỉ khiến ông chán nản, mà thậm chí còn nghi ngờ ngòi bút của chính mình. Nhưng bao giờ cũng vậy, cuối cùng ông vẫn lấy lại được sự bền bỉ để viết, viết và viết. Như bạn đọc có thể thấy ở đoạn trích nhật ký sau của ông, Nguyễn Huy Tưởng vẫn viết truyện cho thiếu nhi, sửa lại tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, dự định viết một vở kịch và… viết nhật ký. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. (Đầu đề rút từ một câu trong đoạn trích.)

Tháng 5 – 6-1958

Đi học: Thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chăm chỉ bề ngoài. Nhưng thực là rút lui về vị trí cá nhân.

20-6 - Viết chuyện chiến sĩ Bẩm(1) cho Kim Đồng. Muốn viết một kịch về “Nhân văn”.

22-6 - Nắng gió tây. Buồn. Không muốn sống nghề viết văn. Làm một công chức: viết được cái gì hay cái ấy.

Cảm thấy không khí oi bức.

Báo Nhân dân (một ngày chủ nhật) lại đem bài ấy ra giễu.(2)

Chán cho tác phẩm về Hà Nội của mình(3). Văn chương tầm thường, hình ảnh nghèo nàn, tư tưởng thấp lẹt đẹt. Ta có khả năng văn chương không? Có nên tiếp tục không? Ngót 50 tuổi rồi. Bắt đầu có dấu hiệu suy yếu: răng sâu. Mắt mờ. Một ngón tay tê thấp. Những ngày sung sức bị tiêu pha vào trong những cuộc học tập và cách tổ chức cuộc sống giả tạo! Chán chính trị quá thể.

Muốn chăm lo cho gia đình. Hoàn cảnh khó khăn: gắt với vợ. Hôm nay hết tiền. Rồi đây sinh sống thế nào? Nghĩ thương Thắng và Phương Chi. Chẳng được hưởng một chút gì. Chủ nghĩa xã hội?

Vấn đề là đứng hẳn về phía Đảng mà xét vấn đề [khi tiến hành tác phẩm]. Phải có lập trường. Chú trọng công nông, những người bình dân. Sửa lại tiểu thuyết. Cố gắng trau dồi cho văn chương hay. Cương quyết thu gọn lại. Một cơn lốc mà đứng vững chỉ có người nghèo và học sinh. (Mỗi một cuộc biến chuyển của tình hình lại rơi rụng bọn ăn hại.) Thème [chủ đề]: những người nuôi sống Thủ đô lại là người bảo vệ Thủ đô. Mầm xanh trồi lên. Mầm sống trồi lên, tuy rằng ít nhưng quyết định.

Sobre. Sobre. Sobre [giản dị, thâm trầm, tiết chế]. Chớ bị tài liệu chi phối nữa.

Vài nét sinh hoạt :

1 - Một nhân viên thường trực: đóng kín cửa không tiếp ai, vì bên cạnh có một cô friser [phi dê].

2 - Cán bộ, nhất là bộ đội sống trong một drame [bi kịch]. Họ không hợp với vợ nông dân. Họ ngăn nắp sạch sẽ mà vợ ở bẩn, ăn nói thô tục. Một số muốn ly dị.

Một người giết vợ. Rủ vợ ra Hà Nội rồi lừa lúc bất ngờ, đẩy vợ xuống sông. Không ngờ vợ lại sống và về được.

4 - Người ta lại khoe danh vị mới - Con tôi là cấp tiểu đoàn, là tỉnh ủy, v.v...

Tháng 6-1958

Sau khi học lớp [Thời kỳ] quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội, văn nghệ sĩ chuẩn bị lên đường. Nguyễn Sáng ốm. Và tranh thủ vẽ những cái gì là đề tài cũ, quốc cấm. Hình như vẽ cho đã, rồi sau chuyển hướng.

 

Liên, Phái đều có vẽ.

Sau cuộc đấu tranh văn nghệ, [người ta] có thành kiến với những người sai lầm. Tô Hoài ở Đảng đoàn Hội nhà văn: bọn M.P.T., V.P. phản đối. Thành kiến với cả tác phẩm. Suy diễn: tư tưởng đã lệch lạc, nhất định tiểu thuyết Mười năm(4) cũng phải lệch lạc. (…) Nói chung, rất nhiều đồng chí văn nghệ, quần chúng văn nghệ có thành kiến với mình.

Quyết định đi thực tế ở Điện Biên. Cùng đi có Tuân, Văn Cao. Tiếc Thi không đi. Thương hại: cả nhà ho lao.

23-7-1958

Sửa soạn [lên đường]. Thắng quanh quẩn bên mình luôn, hỏi chuyện tíu tít. Nhớ con. Mà Thắng lại không khỏe. Mụn nhọt.

-----------------

1 Truyện Hai bàn tay chiến sĩ, NXB Kim Đồng, 1958.

2 Bài Câu chuyện một ngày chủ nhật trong số báo ra ngày chủ nhật 8-6-1958, với bút danh “Người yêu đời”.

3 Tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô mà ông đã viết xong và đang muốn viết lại.

4 Tiểu thuyết của Tô Hoài.

Các Bài viết khác