NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SỐNG MÃI VỚI THỦ ĐÔ – MỘT TIỂU THUYẾT ĐẬM NÉT PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT NGUYỄN HUY TƯỞNG

( 30-07-2015 - 07:00 AM ) - Lượt xem: 2819

Đã sáu mươi năm trôi qua kể từ ngày Hà Nội nổ súng mở màn cuộc kháng chiến toàn quốc, bảo vệ nền độc lập của một quốc gia Dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng đã qua bốn mươi lăm năm xuất hiện cuốn tiểu thuyết dày dặn và dang dở về Thủ đô kháng chiến của Nguyễn Huy Tưởng: Sống mãi với Thủ đô.

Sống mãi với Thủ đô trước hết thể hiện một nhiệt tình yêu nước cũng là mối trăn trở khôn nguôi về vận mệnh Tổ Quốc của Nguyễn Huy Tưởng. Trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960), đã có gần hai mươi năm nhà văn đi sâu tìm hiểu văn hoá, lịch sử dân tộc. Những cuốn tiểu thuyết đầu tay từ 1941, 1942 đã bộc lộ rất rõ rệt một nhà văn giàu ý thức dân tộc, luôn quan tâm tha thiết  với những vấn đề của lịch sử đất nước. Phê phán sự thoái hoá suy vong của triều đại phong kiến thời vua Lê, chúa Trịnh, đề cao người anh hùng truyền thống xả thân vì nghĩa lớn, cuốn tiểu thuyết Đêm hội Long Trì đã thể hiện dứt khoát lòng yêu ghét rạch ròi, sáng tỏ không chỉ với lịch sử quá khứ. Với cảm quan lịch sử mạnh mẽ từ tác phẩm này, ông đã mở ra một khuynh hướng sáng tác về đề tài lịch sử tiếp cận với lý tưởng cách mạng. Các kịch lịch sử sau đó, kết tụ với tiểu thuyết lịch sử đã phân biệt Nguyễn Huy Tưởng với nhiều nhà văn đương thời như Nguyễn Triệu Luật, Chu Thiên…  Nói như một người viết, Nguyễn Huy Tưởng “đã biết thổi vào đống tro lịch sử cho sáng lên những đốm than hồng của tinh thần Đại Việt” để kịp đến ngày nổ ra Cách mạng, ông đã làm bùng lên những ngọn lửa yêu nước chói sáng trong sáng tác mới. Vở Bắc Sơn là vở kịch cách mạng đầu tiên trên sân khấu Việt Nam, dựng lại một cuộc khởi nghĩa lịch sử mở màn cho cao trào khởi nghĩa đến tháng Tám 1945. Đó cũng là món quà tặng đầu tiên rất có ý nghĩa trong những ngày hội vĩ đại của quần chúng.

Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn của Hà Nội. Đề tài Hà Nội xưa và nay chiếm vị trí quan trọng trong sáng tác, trở thành một cảm hứng đặc biệt như nét phong cách riêng của ông. Đông Đô – Thăng Long – Hà Nội là Tổ quốc thu nhỏ, nơi kết tụ bốn nghìn năm văn hiến. Nặng lòng yêu nước, trước hết Nguyễn Huy Tưởng cũng rất nặng lòng với Hà Nội, nhưng có cái gì đó đặc biệt rất khác với Nguyễn Tuân, Tô Hoài, những nhà văn gốc Hà Nội. Vở kịch hoành tráng đầu tiên về Thủ đô kháng chiến Những người ở lại là một sáng tác rất kịp thời nhưng không thể có điều kiện đầy đủ để thể hiện trên sàn diễn. Chỉ dăm năm sau kháng chiến thắng lợi, Sống mãi với Thủ đô (tập 1) ra đời. Nguyễn Huy Tưởng viết rất nhanh. Đây là kết quả ấp ủ, nghiền ngẫm thể hiện trong một quá trình rất lâu về đề tài Hà Nội kháng chiến mà mở đầu là Những người ở lại. Tiếp đó là sự gia công, nỗ lực triển khai qui mô kết cấu của kịch bản phim Luỹ hoa. Chưa nói đến tài năng, chỉ riêng sự xuất hiện bộ tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô đã là một đóng góp đáng kể của Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội. Trung đoàn Thủ đô, Hà Nội vàtoàn quân, cả nước ghi nhận ở đây những trang viết của một tâm hồn da diết  tràn ngập yêu thương, cảm phục và tự hào về cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta.

Cùng với cái tâm lớn là một tài năng đáng trân trọng. Chúng ta còn nợ Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng Mùa Xuân 1975 những trang viết xứng đáng. Đòi hỏi của văn chương nghệ thuật là lớn. Vẫn còn phía trước mắt chúng ta những Sống mãi với Thủ đô đồ sộ. Nhưng ít ra, Nguyễn Huy Tưởng cũng giúp các thế hệ độc giả bồi lấp một khoảng trống đáng kể về Hà Nội kháng chiến – khúc dạo đầu bản tráng ca Kháng chiến Toàn quốc.

Sống mãi với Thủ đô là bức tranh rất chân thực về Hà Nội kháng chiến. Có thể đánh giá đây là những trang sinh động về lịch sử chiến đấu oanh liệt của Trung đoàn Thủ đô những ngày đầu giam chân, tiêu hao quân địch để bảo toàn và phát huy lực lượng kháng chiến. Thực chất, tiểu thuyết mang nhiều chất ký. Nhà văn ghi lại chính xác nhiều sự kiện lịch sử: Pháp khiêu khích, gây vụ khủng bố tàn sát Yên Ninh, gửi tối hậu thư đòi chiếm trụ sở lực lượng an ninh; những trận đánh ở Bắc Bộ Phủ, nhà  Bưu điện Bờ Hồ, ở hãng Xôva . . . Ở đây, Nguyễn Huy Tưởng đã phát huy được bút pháp của Ký sự Cao – Lạng – một ghi chép mẫu mực về chiến tranh. Nhưng có một sự thật lớn lao bao trùm: sự đảo lộn ghê gớm của một xã hội, của toàn bộ các tầng lớp đi vào kháng chiến. Cũng có thể nói đây là một cuộc đổi đời tiếp theo và thực sự hơn. Sau cái dữ dội của sự nghiệp giành chính quyền là cái quyết liệt của việc giữ chính quyền, bảo vệ nền độc lập đã lấy lại bằng xương máu của cả một dân tộc ngót trăm năm nô lệ. Hà Nội vàng son một thời với quá khứ truyền thống kiêu hùng qua các chiến trận, Hà Nội lộng lẫy cờ hoa ngày độc lập và cả Hà Nội còn đang ngái ngủ trong cơn thức tỉnh. Chiến tranh đã gõ cửa đến từng căn nhà, đã xâm nhập từng góc phố, đã chiếm lĩnh mỗi tâm hồn. Cả một thế giới nhân vật đông đảo hiện ra: từ thượng lưu đến hạ lưu, từ trí thức cao đạo đến thành phần vừa thoát khỏi cái đáy của xã hội nhơ nhớp. Tư sản và vô sản, chỉ huy và đội viên, kỹ sư và người thợ … Thầy giáo Trần Văn đầy tâm huyết với quan niệm: “chỉ có nhân tâm là muôn thuở”. Chủ nhà in Lộc nhiệt tình ủng hộ cách mạng hàng xe thóc và thề quyết tử với địch, những cô “áo nhung đỏ, quần xa tanh là, chân đi hài có con bướm vàng rung rinh” cũng lao vào vận động của bộ  máy chiến sự; những em bé đánh giày và những phần tử nửa lưu manh tham gia thông tin, tiếp tế… Tất cả say sưa như tắm vào không khí sôi sục của Thủ đô kháng chiến. Cuộc kháng chiến toàn quốc mà màn mở đầu là ở Thủ đô quả là một khối nam châm khổng lồ có sức hấp thụ kỳ diệu, vạn triệu con người đã tự biến mình thành những mảnh vụn kim loại. Ý nghĩa nhân đạo của chiến tranh nhân dân được khơi nguồn từ tác phẩm. Những thành viên của cộng đồng lớn lao, hỗn tạp buổi đầu đã được cải tạo, thanh lọc để trở nên cách mạng.

Sống mãi với Thủ đô vì vậy là tác phẩm không chỉ mang khuynh hướng sử thi về tầm chủ đề vĩ mô, về phương thức khái quát hiện thực lịch sử rộng lớn và những số phận cuộc đời con người mà còn cả về âm hưởng hào hùng toát ra từ tác phẩm.

Sống mãi với Thủ đô cũng là tiểu thuyết thể hiện rõ nét phong cách lãng mạn của Nguyễn Huy Tưởng. Tiểu thuyết giàu chất thơ thậm chí đôi khi cái trữ tình bay bổng lấn lướt cái nền hiện thực lẽ ra còn phải tô đậm sắc nét hơn nữa. Một cái nhìn lạc quan xuyên suốt các trang sách. Sau năm 1975 một số tác phẩm tái hiện chiến tranh với cảm hứng phân tích, làm bộc lộ rõ những sự thật trần trụi. Đó là khuynh hướng viết về mặt trái, cũng nhằm làm nổi bật cái đẹp, cái hùng, thể hiện mĩ cảm chân chính của nhà văn. Sống mãi với Thủ đô mặc dầu “nhiều lửa, nhiều khói” nhưng vẫn toát lên một màu vẻ đầm ấm, tươi mát. Có những trang miêu tả sự mất mát, hi sinh, nhưng đó là những nét bi tráng hiện thực. Lại có những trang thể hiện sự hèn kém, dao động của những con người tha hoá nhân cách nhưng nổi bật vẫn là khí phách hào sảng của cả một cộng đồng. Nhất là một tinh thần lạc quan mãnh liệt. Không ít khoảnh khắc thanh bình của khung cảnh và tâm hồn trong chiến trận. Nghệ sĩ Thanh Phong ngồi đánh đàn trong đêm im lặng. Hà Nội đang êm đềm bên dòng sông cuộn chảy, con sông Hồng bình thản qua bao biến thiên của thời cuộc. Rồi cảnh giao thừa náo nhiệt. Giữa Thủ đô khói lửa vẫn đủ cả bàn thờ Tổ quốc, câu đối đỏ, tranh tết, rượu mùi, bánh kẹo, vây bóng,… Giữa ụ chắn ngổn ngang đất đá, bàn ghế, cây cối, cột đèn … vẫn sáng lên những nệm bông, những gối cưới thêu thùa. Lan đi cứu thương mà vẫn cứ “thanh lịch, vẫn  cứ xức nước hoa”. Và tự vệ “vẫn bày hoa trên chiến luỹ đợi giặc”. Chủ nghĩa lạc quan được định nghĩa là lòng yêu đời thiết tha, niềm tin mãnh liệt và trên hết là sức mạnh bình tĩnh, kỳ lạ Việt Nam. Có thể nói Nguyễn Huy Tưởng góp phần tích cực khởi ra mạch cảm hứng trữ tình – hùng tráng cho tiểu thuyết những năm 60, nhất là mảng tiểu thuyết vùng giải phóng Miền Nam với Phan Tứ, Anh Đức, Nguyễn Trung Thành.

Tất nhiên Sống mãi với Thủ đô chưa phải là kiệt tác. Tác phẩm còn nhiều nhược điểm mà nếu Nguyễn Huy Tưởng còn sống may ra bổ cứu được (tập 2). Tuy nhiên, với một sức khái quát hiện thực và tầm nhìn lịch sử cao, với sở trường kết cấu hoành tráng, tiểu thuyết có chiều hướng rõ rệt vươn tới sử thi như những bộ tiểu thuyết dài hơi Vỡ bờ, Cửa biển của Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng sau này.

Sống mãi với Thủ đô được nung nấu từ cảm quan lịch sử mạnh me  của tác giả gần như suốt cuộc đời sáng tác.

Cuốn tiểu thuyết thực sự đã được Nguyễn Huy Tưởng đầu tư tâm huyết và sức lực hàng chục năm mang đậm đà nét phong cách lãng mạn – sử thi, là một tác phẩm có giá trị lâu bền trong nền văn xuôi hiện đại.

Với những phong cách nghệ thuật khác nhau, Mười năm của Tô Hoài (về Hà Nội trong quá trình tổng khởi nghĩa), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân và Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng có thể gộp thành một “bộ ba” tác phẩm góp phần xứng đáng làm nên bản hùng ca của Hà Nội trong thời đại chiến đấu và chiến thắng chống thực dân đế quốc.

 PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

Tuần báo Người Hà Nội, số 49, 8 – 12 – 2006.

Các Bài viết khác