NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“RẠO RỰC MUỐN LÀM NHỮNG TÁC PHẨM CỦA MÌNH”

( 25-08-2021 - 01:52 PM ) - Lượt xem: 1176

LTS: Những ngày này cách đây 80 năm (tháng 6, 7-1941), nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đang trên bước đường đến với văn chương và các hoạt động xã hội, như Hướng đạo, Truyền bá quốc ngữ… Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số trích đoạn nhật ký cho thấy những băn khoăn trăn trở cũng như sự dấn thân của ông. (Đầu đề rút từ một câu trong đoạn trích.)

1 – 2 Juin [tháng 6] 1941

Chiều thứ bẩy, đáp tầu đêm về Hanoi.

Sáng hôm mồng một, định đi thăm trường Bác cổ, để khảo cứu về những tượng Chiêm Thành, nhưng lại thôi, vì mệt quá. Bệnh không đỡ, lại tăng lên. Lo sợ.

   Uyên[1] cho mình cái ảnh chụp từ 1936. Nàng trông đã nhớn, tuy mới 16 tuổi. Ăn vận lối tân thời cổ. Nhưng rất đẹp trong dáng ngây thơ. Mình ngắm nghía mãi. Càng yêu vợ.

5-6-1941

Hôm nay, lại muốn viết một truyện về quê, tả tình một đôi trai gái yêu nhau, và sẽ tả hết cảnh nên thơ của dân quê và đời sống của họ. Cuốn ấy sẽ viết theo điệu lục bát, và sẽ kể hết những phong tục, cái tinh thần dân quê, tất cả những cổ tích và truyền thuyết của người Việt.

11-6-1941

Hai lần họp bầy[2] nhạt quá. Không làm thế nào cho cuộc họp tưng bừng vui vẻ. Lại nhờ anh Cảnh đến dạy hát. Để lộ ra mình không biết hát cho sói.

 18-6-1941

Le Rouzic, chủ sự, ra đuổi bọn phu làm với Nhật. Bị một thằng đội Nhật xông lại sừng sộ, viên chủ sự chỉ quen bắt nạt Annam nhưng kỳ thực thì dát như cáy, thấy sự thể như vậy, lủi mất. Rõ tẽn: chiều, trông mặt hắn còn thẹn như gio.

19-6-1941

Anh Uẩn[3] chuyên môn viết sử. Hiện đã được bộ biên tập Tri Tân mời dự vào báo ấy. Nghĩ thẹn cho mình. Cũng thích sử mà không làm được một bài gì về sử.

Báo đăng tin có người muốn bán ở Haiphong một cái trại, có nhà gianh, vườn tược, cây cối, giá 880$. Muốn mua, vui thú điền viên. Cảm cái thú như A. Daudet khi mới tậu được cái cối xay. Trồng trọt, vui tươi, sống tịch mịch trong cảnh thiên nhiên.

  Người Nhật đã phá mấy cái kho chứa hàng Trung Hoa của nhà Đoan[4], mặc dầu nhà Đoan không thuận. Tình thế đã rắc rối, lại cứ rắc rối thôi.

21-6-1941

Tối, 8 giờ, sửa soạn đi đón anh Tổng ủy viên Hoàng Đạo Thúy. Hơn chín giờ, anh Thúy tới, cùng đi với anh Tảo và ông Gravier.

Anh Thúy tới, có các em sói làm tiếng sủa lớn. Anh thử tài các sói, sai các em đi tìm trong đêm tối cái vòng khăn quàng của anh. Em Thiện ở bầy Mê Linh tìm được. Anh Thúy khen và khuyên các em làm việc thiện.

Kế tới các đoàn sinh đến chào. Anh Thúy nói rất rõ ràng và dễ dãi. Có thể gọi là anh nói giỏi.

Độ 10 giờ, các đoàn sinh và tráng sinh về, còn lại các huynh trưởng. Trong số này nhận thấy mấy anh ở đạo Yên Tử và anh Thao, và mấy anh đội trưởng ở Nam Triệu (Hòa, Hoàn, hai anh Nhuận[5]). Anh Tảo đứng lên nói mấy câu. Kế anh Thúy đứng dậy. Anh nói từ tốn và dứt khoát. Trước hết cám ơn ông hội trưởng Gravier, rồi nói về Hướng đạo, về cái vất vả, cái công lao của các huynh trưởng (người ta khinh, hơi một tí bị chỉ trích). Vậy mà nhiều người vẫn vào: chứng tỏ rằng tinh thần Hướng đạo tốt. Nhưng anh phàn nàn rằng các huynh trưởng ở đây không chịu trau giồi nghề mình và không ai chịu vào tráng đoàn. Vào Hướng đạo phải bỏ lòng tự ái, không được quá tự phụ và tự mãn, cứ theo thế nào người ta cũng có cái hay truyền dạy mình, và Hướng đạo là một thế giới yêu thương, lòng mình lúc nào cũng phải mở ra để tha thứ và hiểu lẫn nhau.

23-6-1941

Một tin đột ngột khiến tôi chán nản. Tôi vẫn liệu Đức - Nga thân thiện. Nga sẽ dùng Đức để đánh Anh. Ai ngờ Đức vừa khai chiến với Nga[6]. Thấy Anh nói sẽ giúp đỡ Nga và đứng bên Nga, ôi mỉa mai!

26-6-1941

Tối hôm qua, làm lại kịch Huyền Trân mà mình bỏ dở từ hơn hai tháng. Vừa làm vừa ngủ gật, lo sợ cho bệnh mình.

Muốn sống ở một tỉnh nhỏ, thuê một gian nhà gần nhà quê mà làm việc. Thấy càng ngày càng chán thành phố.

27-6-1941

Nói chuyện về những văn sĩ thế giới, những Tolstoi, M. Gorki, nhìn đến nước mình, mới thấy kém.

Rạo rực muốn làm những tác phẩm của mình. Than ôi! còn đợi đến bao giờ nữa.

Sau hơn 3 tháng đưa cuốn Đồng trụ cho ông Tảo[7] xem, cũng chả thêm được tài liệu mới gì: mình phải giục ông ấy mới xem.

Ăn cơm nhai không kỹ chỉ vì chưa hết miếng này mình đã nghĩ đến miếng khác. Tác phẩm của mình làm chưa xong cái này đã xoay sang cái khác, như thế thì hay sao được? Cần phải suy nghĩ và gọt giũa câu văn.

28-6-1941

Một đứa trẻ ăn cắp. Bọn lính Nhật đánh đập, hành hạ, trói, trông dã man quá.

Truyện: một người đàn bà ăn cắp được một con sợi, qua chỗ người lính khố đỏ, lễ một hào xin cho đi. Người lính muốn tâng công, dẫn người đàn bà đến trước mặt người Nhật. Ôi đã chẳng nhận lễ thì thôi, tha cho người ta, con cái người ta cũng được nhờ đôi chút, lại đi tâng công với người Nhật há chẳng khốn nạn khiến nó cười cho cả giống sao? Ngẫm nghĩ mà buồn.

30-6-1941

Xem cuốn Retour de l’'URSS (Trở về từ Liên Xô) của A. Gide. Có đoạn nói về lũ trẻ vô gia đình ở bên Nga. Chúng không chịu câu thúc, chính phủ lùng bắt, nhưng chúng lại trốn đi. Vẻ mặt nhẫn nại, đáng yêu của người cảnh sát đến bắt chúng. Chúng ở trong một cái tổ kín đáo, bẩn thỉu. Có thể làm một thiên truyện ngắn cảm động.

Thấy Lợi[8] về quê thăm nhà, mấy đứa cháu ốm, động lòng thương bạn. Kể ra mình còn sướng hơn hắn. Lợi chỉ có một mình, vợ Lợi cũng không trông cậy vào đâu được. Sáng trở dậy, ngẫm nghĩ càng thấy thương bạn.

1er Juillet [1-7] 1941

Anh Siêu[9] bình phẩm về Đồng Trụ[10]. Cần phải tả rõ những khó khăn trong sự phá [cột đồng], những hình phạt, cảnh gia đình lạc thú của Hùng Chi. Để làm bật rõ cái tráng khí của Hùng Chi. Tả Mã Viện không đúng và không oai. Nên bỏ những monologue [độc thoại] dài. Bỏ hết những mê tín đầy rẫy trong vở kịch. Tựu trung anh thích nhất câu sau cùng.

Phải làm lại vở kịch. Bỏ cảnh hay nói qua thôi cái chết của Trưng Vương. Thêm cảnh đánh nhau với quân Tàu. Tả Mã Viện cho thực oai. Nhất là phải giấu phép thuật. Mình thổ lộ nhiều quá, hóa trơ. Những chỗ dài phải bỏ, để không hại cho sự hoạt động của vở kịch.

7-7-1941

Anh Thân sang nói chuyện về thời thế, có ý muốn thuyết mình đừng theo chủ nghĩa quốc gia.

Chán ngấy các chủ nghĩa. Không muốn dính gì vào phong trào chính trị. Chỉ chuyên về văn chương. Tất cả những thuyết hệ (système) đều là vô nghĩa lý. Chỉ có văn chương và người là phải.

Soạn lại truyện Trưng Vương. Invocation [lời cầu khấn] nói đến tình cảnh mình, tình cảnh nước, xin truyền cho ít can đảm để tranh đấu cho nước yếu.

8-7-1941

Hôm qua xem kịch Le Cercle (Vòng tròn) cửa S. Maugham[11]. Chẳng có gì, nhưng đại khái cũng biết rằng kịch bây giờ ít có monologue [độc thoại]. Những dialogue [đối thoại] cũng không được dài. Phải hi sinh cả cho hoạt động.

9-7-1941

Nguyễn Triệu Luật bị bắt rồi. Bây giờ đến lượt các văn sĩ bị theo dõi. Những nhà trí thức, những người có thể có chút ảnh hưởng cho quốc dân đều bị tình nghi và bị đi đầy lúc nào không biết.

Những nhà văn không có tư tưởng chính trị cũng không thoát khỏi bàn tay sắt của chính phủ.

Chán người Nhật. Họ độc ác, nham hiểm, kiêu ngạo. Không thể nào hợp tác được với họ.

Thương nước nhà. Một người đàn bà ốm yếu, bị đè nén – đó là hình ảnh nước Việt Nam yêu quí của ta.

23-7-1941

Siêu nói chuyện. Hôm về Hanoi có gặp Nguyễn Đỗ Cung. Nhân họa sĩ dẫn Siêu lên chơi ở một ngôi chùa gần Hanoi, và cắt nghĩa cái đẹp mạnh mẽ của một con rồng đời Trịnh Nguyễn, tức là cái đời mà tinh thần người Việt Nam mạnh mẽ nhất. Họa sĩ nói rõ cái sức mạnh của dân tộc ta, và tinh thần đặc biệt của mỹ thuật.

Đồng thời nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cũng tìm tòi những cái đặc sắc của âm nhạc ta. Cùng nhận thấy rằng tinh thần người Việt khắc khổ, nhưng sinh lực rất mạnh. Cho nên Truyện Kiều không hoàn toàn Việt Nam như Cung oán [ngâm khúc]: nó réo rắt, trầm thống, đấy mới là đặc sắc văn chương ta.

Dần dần chúng tôi nói rộng về đời người Việt. Chúng tôi thóa mạ văn minh vật chất. Chúng tôi chắc một ngày kia, dân ta lại trở về cái đời sống giản dị, khắc khổ của ông cha. Chúng ta sẽ nằm trên phản gỗ, mặc quần áo Việt, và bỏ hết những cái confort [tiện nghi] trụy lạc của người Pháp.

Anh Thân nói chuyện khi người Nhật đến đóng ở Gia Lâm, xua hết dân đi. Duy có một người thợ nghèo ở một túp gianh nhất định không đi. Quân Nhật bẩm lên quan trên. Quan trên nói: “Anh không biết đấy là dân tộc thứ tư hoàn cầu đấy ư?” – Thứ nhất là Nhật, thứ nhì Hòa Lan, thứ ba Đức và thứ tư là người Việt. – Chả biết có đúng không nhưng kể cũng lý thú.

30-7-1941

Đóng quyển vở trong ghi những tác phẩm mình sẽ làm, và nếu có thể những nội dung từng tác phẩm một, và chương trình làm việc.

Cũng là lúc ta bắt đầu làm việc đây.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

[1] Bà Trịnh Thị Uyên, kết hôn cùng nhà văn tháng 11-1939 ở Hà Nội, trước khi ông phải chuyển xuống Hải Phòng.

[2] Bầy sói trong tổ chức Hướng đạo; Nguyễn Huy Tưởng là người phụ trách một bầy, gọi là Huynh trưởng.

[3] Có thể là Nguyễn Xuân Uẩn, tác giả một số bài đăng trên tạp chí Tri Tân mà Nguyễn Huy Tưởng mới bắt đầu cộng tác.

[4] Phiên âm tiếng Pháp douane là thuế quan; Nguyễn Huy Tưởng là thư ký sở Đoan Hải Phòng.

[5] Được biết nhạc sĩ Đỗ Nhuận có hoạt động Hướng đạo thời kỳ này ở Hải Phòng; có thể ông là một trong hai người ấy.

[6] Rạng sáng ngày 22-6-1941, phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô.

[7] Nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo, thày dạy Nguyễn Huy Tưởng ở trường Bonnal hồi đầu những năm 1930, cũng là “anh Tảo” trong đoạn nhật ký ngày 21-6-1941: trong tổ chức Hướng đạo, mọi người gọi nhau bằng anh, coi như anh em trong nhà.

[8] Lưu Văn Lợi, bạn thân của Nguyễn Huy Tưởng, sau trở thành một nhà ngoại giao kỳ cựu.

[9] Lê Văn Siêu, nhà văn, nhà báo, kết giao với Nguyễn Huy Tưởng thời kỳ này và hay xuống chơi với ông ở Hải Phòng.

[10] Vở kịch sau được tác giả viết lại và đổi tên thành Cột đồng Mã Viện.

[11] Somerset Maugham (1874-1965): nhà văn và nhà viết kịch người Anh.

Các Bài viết khác