NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

Ở CHIẾN KHU

( 02-09-2016 - 04:48 PM ) - Lượt xem: 1287

Ngoài việc viết nhật ký riêng tư, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng hay vận dụng thể loại nhật ký trong một số sáng tác của mình. Tháng 8 năm 1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử đi dự Quốc dân đại hội Tân Trào cùng một số đồng chí khác trong Văn hóa cứu quốc. Mặc dù không kịp lên dự Đại hội, ông đã có những trang viết đầy ấn tượng về những ngày lặn lội lên chiến khu dưới hình thức nhật ký chuyến đi, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Tiên phong với tiêu đề “Ở chiến khu”. Sau đây là một trích đoạn ghi lại những trải nghiệm của ông trong ngày 17-8-1945 – hai ngày trước Tổng khởi nghĩa. (Thái, tên người cùng đi với ông là bí danh của Nguyễn Hữu Đang.)

17-8-1945 – Cả một đêm mưa như trút nước. Buổi sáng mưa càng nặng. Không có Z.T.(1), chúng tôi phải nán ở lại, luôn luôn đặt những câu hỏi về Tổng khởi nghĩa, về Đại hội. Tổ quốc đang qua một cuộc biến chuyển lớn lao mà mình chẳng làm gì!

Mãi đến trưa, chúng tôi mới có Z.T. và mới được lên đường, sau khi từ biệt anh Z.T. cũ, và những bạn đồng hành đã có rất nhiều thiện cảm với chúng tôi. Qua khỏi làng, chúng tôi phải rẽ vào một ngôi hàng trú mưa, vì mưa to quá. Nhân tiện mua ít bánh để ăn đường. Ngồi bán hàng là một bà lão ngoài bảy mươi tuổi. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy bà cụ gọi chúng tôi là “anh” rất thân mật; chúng tôi ngạc nhiên hơn khi chúng tôi không có tiền để giả cụ, và cụ không có tiền đổi lấy giấy một trăm đồng, cụ đáp một cách thản nhiên:

- Các anh cứ cầm lấy bánh ăn đường, đói thì đi sao được. Lên “trên ấy” mà đổi được tiền thì gửi về trả tôi, các anh chứ ai, đi đâu mà mất.

Trên tường điếm canh gần đấy có thông báo bằng sơn xanh của Việt Minh cảnh cáo bọn Việt gian, bọn đầu cơ tích trữ gạo, v.v...

Anh Thái, tức là anh bạn đi cùng với tôi, vừa cười vừa nói:

- Một kỷ nguyên mới đã mở cho nước ta. Một cuộc đời mới đã bắt đầu xây dựng. Vậy mà chúng ta ở cái đất Thủ đô Hà Nội, vẫn sống một cuộc đời khốn nạn, không biết tới sự đổi thay ở đây. Thực là mai mỉa!

Hôm nay, vì mưa và đường trơn như mỡ, chúng tôi chỉ đi được hơn mười cây số, quá trưa tới làng Cẩm Bào, thuộc huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).    

Đầu làng: một thông cáo dài của Việt Minh bằng vôi trắng trên tường rêu đen một ngôi đền nhỏ. Thoạt vào làng, chúng tôi gặp ngay một bạn quần áo nâu, tươi cười giơ nắm tay chào: đồng chí. Một hồi trống nổi, các thanh niên kéo ra đen nghịt. Anh chủ nhiệm ủy ban giải phóng cũng ra ngay, một người nhỏ bé, có vẻ học thức. Chúng tôi qua một cái chợ, rồi tiến vào đình làng.

Làng đây không thuộc vào khu giải phóng nữa. Làng đây đã thuộc vào chiến khu rồi. Chiều đến, những điếm, những ngả đường đều có tự vệ canh gác. Tôi còn nhớ như in cảnh ngôi đình làng này lúc nhá nhem tối. Từ những khe cửa đình, tua tủa chĩa ra những lưỡi kiếm lập lòe. Mấy tự vệ cười với tôi một cách ngây thơ ý nhị. Cố nhiên, anh em không có cái vẻ cứng nhắc của những lính canh thành thuộc.

Chúng tôi ăn ngủ ở nhà một anh tự vệ còn trẻ. Anh có cái đặc biệt này là thích mặc hai áo: áo trắng trong, và áo nâu ngoài. Anh còn bố, nhưng ông cụ đi vắng. Ở nhà chỉ còn mẹ già suốt ngày ở dưới bếp. Một người chị gái mới về chơi được mấy hôm, xay thóc luôn tay và hát không lúc nào dứt. Chính anh làm cơm cho chúng tôi ăn. Anh nhu mì như một người con gái. Mới trao đổi vài ba câu chuyện, chúng tôi đã trở nên thân mật ngay. Thấy một người nhà quê không được học mấy - anh mới có bằng sơ học yếu lược - ở một nơi hẻo lánh này mà dùng những danh từ triết học, kinh tế, khoa học không sai lầm mấy, chúng tôi cứ níu lấy anh để “phỏng vấn”. Lời nói mộc mạc, ngây thơ của anh có một sức quyến rũ riêng; tôi tiếc không diễn lại được sự mộc mạc ý nhị ấy.

Thấy chúng tôi hát, anh tươi hẳn vẻ mặt, rút ra một cuốn sổ con trong ấy đã ghi nhiều bài hát cách mạng bằng một thứ chữ non nớt nhưng sạch sẽ; anh chép ngay mấy bài hát của chúng tôi vào sổ, và yêu cầu chúng tôi dạy hát. Anh nhoẻn miệng để lộ hai hàm răng đen, mặt dán vào cuốn sổ và nói:

- Bài hát nào em cũng chép, em thích hát lắm, nhưng em không biết hát. Nghe ai hát em cứ mê đi. Nhất là các chị phụ nữ, lúc các chị ấy đồng thanh hát, em thích quá, mỗi khi các chị ấy hát đến câu: Bước lên con đường tranh đấu... em cứ mê đi. Hai tiếng tranh đấu sao mà trong, mà nhẹ nhàng, ngon “sớt” thế! Mình thì giọng khàn khàn, không sao bắt chước được.

Chúng tôi dạy anh hát, anh học rất chóng, chăm chú hết sức, chỉ trong mười lăm phút, anh hát đã gần đúng.

Trời tối, anh chạy đi thắp đèn, rồi hấp tấp tìm một cuốn sổ tay khác, đưa cho chúng tôi:

- Hai anh xem hộ em chép có sai không thì hai anh chữa cho em. May quá được gặp hai anh.

Đó là cuốn sổ chép hết tập 1 bản chương trình huấn luyện Việt Minh. Chép sai cũng nhiều; bên ánh đèn, chúng tôi vừa chữa, vừa giảng cho anh bài đầu. Anh Thái khéo dùng những thí dụ cụ thể, lấy trong đời sống hàng ngày, giảng mấy vấn đề chính trị trừu tượng. Người chủ nhà trẻ tuổi của chúng tôi mê tít đi, dỏng tai nghe. Nghe giảng hết bài, anh mân mê cuốn sổ nói:

- Anh giảng rõ ràng quá. Giá hai anh ở đây lâu có thích không. Hôm nọ cũng có một anh như hai anh, đến đây ở mấy hôm, vì phải đợi Z.T. Anh ấy cũng giảng y như hai anh. Thích quá, chỉ tiếc mai hai anh đã phải đi rồi!

Anh gấp cuốn sổ tay, trầm ngâm như luyến tiếc rồi giãi tỏ nỗi riêng:

- Em học ít quá. Nhưng em vẫn cố học thêm. Mà quái lạ, em chỉ thích học chính trị. Anh Yên(2) dạy giỏi lắm, nhưng anh ấy bận công tác lại dạy nhiều người nên chỉ dạy phớt qua. Lắm lúc em muốn hỏi mà không dám hỏi. Giá ai cũng giảng kỹ như hai anh thì em sướng quá. Em chỉ tiếc giá còn anh Nhâm thì...

Mặt anh có một vẻ đau đớn rõ rệt. Chúng tôi hỏi lai lịch về Nhâm, anh nói:

- Anh Nhâm giảng chính trị cũng như hai anh. Anh Nhâm chỉ hơn em hai tuổi, nhưng giỏi lắm. Người đẹp trai, răng đen nhánh, ăn nói giỏi, ai nghe cũng phải mê. Trước anh đi ăn cướp nhưng từ khi lên chiến khu thì thôi hẳn. Tất cả chúng em đây, tất cả làng, tất cả vùng này là anh kéo đi làm cách mạng cả.

Anh gan đã khét tiếng vùng này. Một lão chánh tổng vừa giàu vừa hống hách, có hai khẩu súng trường. Anh xông vào tận nhà bắt đem nộp Việt Minh, hắn cũng phải nộp. Anh còn dám vào tận sào huyệt một ổ cướp. Thằng tướng tự xưng là đại nguyên súy, có một cỗ liên thanh, mười súng trường, ngoài ra còn có súng lục và gươm nữa. Lâu la của nó đến vài chục đứa. Lúc anh vào tay chỉ độc có một thanh gươm, chúng nó vây anh lại, chĩa súng vào người. Anh cứ như không, thuyết phục một hồi, thế là lính đồn ùa theo Việt Minh cả, đem cả súng đi. Ngày hạ đồn… (3) cũng thế, anh cũng thuyết một hồi, thế là lính đồn ùa theo Việt Minh cả. Nhưng tài nhất là ngày anh cướp một ô tô Nhật. Ô tô đang chạy, anh nhảy lên giết thằng Nhật, cướp được hai khẩu súng nộp cho Việt Minh dễ hơn đi chợ. Nhật đã phải nói: Việt Minh can đảm thực.

Mẹ gọi dưới nhà, anh xuống bếp xách ấm nước lên, ngồi xổm chế nước, rót mấy chén mời chúng tôi uống, rồi ngồi ghé vào góc phản, rồi lại kể:

- Thế rồi, không hiểu làm sao, sau cuộc đảo chính tháng ba vừa rồi, anh ấy kéo cờ Việt Minh đi ăn cướp. Thông minh như anh ấy mà chỗ này thì dại quá. Anh Yên cho người đến bắt, giá anh Nhâm trốn đi cũng được, nhưng anh để cho anh em trói dẫn đi. Anh tỏ ý hối hận, nhưng vẫn vui như thường. Chúng em cũng tưởng công của anh to, đoàn thể cũng khó kiếm được những người như anh, chắc là anh chỉ bị phê bình, cùng lắm thì đến bị khai trừ đã là nặng. Ngờ đâu anh Yên đề nghị nhất định xử tử...

- Anh Yên làm thế thì quá, tôi nói.   

- Anh Yên giỏi lắm, cả các vùng ai cũng phục. Cái gì anh ấy cũng biết. Nhưng anh ấy nóng lắm. Anh đã định thế nào, thì cứ y như thế chẳng sai bao giờ. Thế rồi anh Nhâm bị đem ra chợ chém như một tên cướp thường, như một Việt gian. Khi biết tin mình bị xử tử, anh Nhâm thét lên kêu trời và khóc rũ rượi. Anh không ngờ. Chúng em tiễn anh ra chợ; già, trẻ, con trai, con gái, người nào cũng khóc. Trông anh quỳ giữa chợ, cúi gầm mặt xuống, không dám nhìn ai, khóc hết cơn này đến cơn khác, em thương quá...

Thấy dứt câu chuyện, tôi liếc nhìn anh tự vệ, anh cười một cách ngượng nghịu, nói tiếp:

- Anh Yên ngồi ghế chủ tọa, chị Thuận ngồi bên. Anh ấy thân với anh Nhâm lắm, thế mà anh ấy nhất định xử tử. Anh ấy ngồi cứ như không.       

- Có ai trách anh ấy không?  

- Không, ai cũng phục anh ấy. Anh ấy chỉ biết có cách mạng, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cách mạng.          

- Thế còn chị Thuận là thế nào?        

- Cũng là cán bộ, giỏi chả kém gì anh Yên. Chị ấy khiếp lắm, mỗi khi chị ấy gắt thì ai cũng phải sợ. Năm ngoái, chị ấy đẻ, trong tay không có một xu. Chị ấy phải đến ở nhờ nhà anh Phái, cũng đi Việt Minh. Anh Phái cũng nghèo rớt mồng tơi, nhưng anh cố xoay xở, chạy gạo, chạy tiền để nuôi chị Thuận và để thuốc thang nữa, vì chị ấy ốm, cả đứa bé cũng ốm. Chị ấy ở đấy tám tháng. Anh Phái sau phải bán nhà. Thế rồi, về sau anh Phái cũng kéo cờ Việt Minh đi ăn cướp. Chính chị Thuận kết án chém anh ấy.     

Thái và tôi cùng trố mắt nhìn nhau. Trong thâm tâm, tôi hơi rờn rợn vì sự quyết liệt của hai người cán bộ ấy. Anh tự vệ mời:        

- Hai anh xơi nước đi, không nguội. Em kể hết cho hai anh nghe, thảm lắm hai anh ạ. Thế rồi anh Yên tuyên án xử tử. Anh Nhâm khóc như mưa, nghẹn ngào mãi mới dám ngửng đầu trông lên anh Yên. Lúc ấy mặt anh nhợt nhạt, mắt mờ hẳn đi, không sáng và nhanh như trước nữa. Anh bảo anh Yên: “Em giúp đoàn thể đã nhiều. Em tranh đấu để đánh đuổi giặc Nhật, giặc Pháp. Em định đan lưới để bắt quân thù, ai hay em đan lưới để tự bắt em”. U em và mấy cụ nữa nghe anh Nhâm nói đến đây, thì òa lên khóc ngồi xụp cả xuống. Anh Yên và chị Thuận đưa mắt nhìn, các cụ phải nín ngay, nhưng vẫn thút thít. Anh Nhâm lại còn nói: “Anh Yên, em biết em có lỗi. Em không oán anh đâu. Nhưng em xin anh một điều, anh cứ trao cho em một khẩu súng, vài viên đạn, cho em đi giết giặc, em chết vì tay giặc còn hơn chết thế này, chết dưới lưỡi gươm của đoàn thể. Anh ơi, nhục lắm, nhục cho em lắm”. Anh Nhâm kêu rống lên. Em lạnh buốt cả người, em không dám nhìn anh Nhâm vì người anh cứ rung lên, nước mắt em cứ chảy ròng ròng. Khi biết rằng xin cũng không được, anh thét lên: “Giời ôi! Nhục lắm, giời ôi!” rồi anh ngất đi một lúc lâu mới tỉnh. Anh xin với anh Yên cho mười lăm phút để khóc bố, vì bố anh còn sống và lúc ấy đi vắng. Anh Yên cho. Anh Nhâm cứ gục mặt xuống đất mà khóc, khản cả tiếng, mặt anh đất bám nhem nhuốc, không nhận được ra anh nữa. Anh mệt quá, mắt cứ đỏ ngầu. Sắp bị dẫn đi, anh nói với anh Yên: “Chào anh em đồng chí ở lại giúp nước”. Anh quay nhìn mọi người chung quanh; anh đưa mắt đến chỗ em, em nhìn anh, nhưng hình như anh chẳng trông thấy gì thì phải. Anh nói: “Chào anh em bà con ở lại làm việc. Tôi đi đến chỗ chết đây. Từ bây giờ tôi không được làm việc cho nước nữa”. Lúc ấy thì ai cũng khóc to. Lần này anh Yên không nói gì, cứ giở đi giở lại tập giấy ở trên bàn. Chị Thuận ngồi cắn móng tay. Có anh bảo chị ấy khóc, có một giọt nước mắt rỏ xuống tay. Nhưng nhiều người cãi không phải.

Em cứ nhắm nghiền mắt lại, ai cũng không nỡ trông. Anh Trương Hoán phải chém anh Nhâm, khóc mãi rồi mới chém. Chém xong anh ngã lăn ra, vừa khóc vừa kêu: “Anh Nhâm! Sao tôi lại giết anh? Anh Nhâm ôi!” Em thương anh Nhâm quá, bây giờ vẫn còn thương. Trong làng, ai cũng thương, ai cũng nói đoàn thể chỉ nên khai trừ cũng đủ... Hôm chém anh Nhâm, chưa mua được ván. Chúng em cố chạy chọt, hôm sau mới mua được một cỗ, đêm anh em đốt đuốc đào xác và đầu lâu anh Nhâm lên, cho vào ván rồi chôn lại tươm tất. Càng nghĩ càng thương...         

Thái nhìn tôi:

- Đáng thương thực. Có lẽ vì đất này là đất nghịch, nhiều cướp, và muốn cảnh cáo bọn ấy, đồng thời làm rõ tôn chỉ của Việt Minh cho dân gian, nên đoàn thể đã xử một cách nghiêm khắc một đồng chí có lỗi lầm nhưng có tài, có đảm lực và đã có công lớn ấy chăng?           

Trời tối hẳn, anh tự vệ xin phép chúng tôi ra đình gác. Chúng tôi níu lại hỏi chuyện nữa, anh lại nán một lúc, cười thẹn thò nói: 

- Em vừa là thanh niên, vừa là bảo an, vừa là tự vệ, cho nên đêm nào em cũng phải đi canh…

Anh đã ra đến ngoài nhưng còn nói với vào một cách lễ phép:       

- Em tiếc không được nói chuyện với các anh. Hai anh đi nghỉ nhớ, mai sớm em về. Tiếc quá, chào hai anh...        

Vì chưa khuya lắm, chúng tôi nằm trên giường sửa lại bản báo cáo về tình hình văn hóa Việt Nam trong sáu năm chiến tranh mà anh Thái sẽ phải đọc trước Đại hội(4).

--------------   

(1) Viết tắt chữ “giao thông”, chỉ người dẫn đường.

(2) Cán bộ địa phương.

(3) Ký giả không nhớ tên đồn.

(4) Do tình hình gấp gáp, Quốc dân đại hội Tân Trào đã khai mạc ngày 16-8 mà các ông không biết.

Các Bài viết khác