NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“NHỮNG LỜI CHÚC NĂM MỚI TRONG LÀNH THƠM ĐƯỢM NHẤT”

( 17-02-2015 - 09:37 AM ) - Lượt xem: 1179

Bác sẽ viết cho ai và viết gì nhân ngày đặc biệt này. Sang năm 1959 là vừa chẵn mười năm ngày bác Nguyễn vào Đảng. Nhà văn Nguyễn Tuân bồi hồi nhớ lại những ngày ấy, cha tôi – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng giục bạn viết đơn xin vào Đảng. Bác Nguyễn tỏ ý ngạc nhiên, sao lại phải viết đơn. Cha tôi nhỏ nhẹ giải thích, ai vào Đảng cũng phải viết đơn. Nguyễn Tuân là Tổng Thư ký Hội ký Hội Nhà văn, lại càng phải chấp hành...

 

Sơn La, Tết dương lịch 1959

Anh Lành và anh Hòa / Ngày Tết

Qua Sơn La ngày nay không “âm u” nữa, Bạch tôi gửi về hai anh những lời chúc năm mới trong lành thơm đượm nhất trong tâm tư...

Lời mở đầu lá thư của nhà văn Nguyễn Tuân như đưa tôi trở về với thời của “các cụ” cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Và tôi hình dung một ngày cuối năm 1958, nhà văn Nguyễn Tuân lặn lội tìm đến Bưu điện Mường La, bưu cục gần nhất nơi bác đang lang bạt kỳ hồ. Hôm sau đã là mùng một rồi, bưu điện nghỉ năm mới, nên kiểu gì cũng phải gửi được lá thư chúc Tết trong nội nhật hôm nay. Nhà văn hỏi mua bưu thiếp, chọn đi chọn lại cũng chỉ có mấy chiếc với những hình ảnh quen thuộc: Hồ Gươm, Vịnh Hạ Long, một khúc sông Bến Hải, tháp chùa Thiên Mụ... Những tấm bưu thiếp ấy không phải là không đẹp, nhưng bác muốn một cái khác cơ, một tấm bưu thiếp có hình hoa ban trắng muốt hoặc nếu không thì cũng phải mấy cành đào phai của rừng núi Sơn La... Nhưng bấy giờ mọi thứ còn khan hiếm lắm, nên bác đành chọn lấy một tấm vậy. Đó là một tấm bưu thiếp “Chúc mừng năm mới” có hình một cụm hoa vừa hồng vừa cúc đỏ vàng rực rỡ, xa hơn một chút là hình Chùa Một Cột thu nhỏ như được cả cụm hoa tôn lên nền trời xanh...

Bác sẽ viết cho ai và viết gì nhân ngày đặc biệt này. Sang năm 1959 là vừa chẵn mười năm ngày bác Nguyễn vào Đảng. Nhà văn Nguyễn Tuân bồi hồi nhớ lại những ngày ấy, cha tôi – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng giục bạn viết đơn xin vào Đảng. Bác Nguyễn tỏ ý ngạc nhiên, sao lại phải viết đơn. Cha tôi nhỏ nhẹ giải thích, ai vào Đảng cũng phải viết đơn. Nguyễn Tuân là Tổng Thư ký Hội ký Hội Nhà văn, lại càng phải chấp hành...

 

Bức thư Nguyễn Tuân gửi Tố Hữu và Nguyễn Huy Tưởng

Thế rồi đơn được duyệt, với hai người giới thiệu là Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi. Nhưng gần đến lễ kết nạp thì nhà văn Nguyễn Đình Thi lại có việc đi công tác xa, nên chi bộ phải dùng đến “giải pháp tình thế” để Tố Hữu là người giới thiệu thứ hai. Ôi cái đêm ở cơ quan Hội, một căn nhà lá đơn sơ ở Xóm Chòi, nay thuộc xã Yên Mỹ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên! Nguyễn Huy Tưởng giới thiệu, Tố Hữu phát biểu, rồi Nguyễn Tuân lên tuyên thệ... tất cả như những thước phim quay chậm đưa tác giả Vang bóng một thời về với những kỷ niệm đầm ấm của những ngày kháng chiến không thể quên. Và bác Nguyễn  quyết định đặt bút viết lời khai bút cho hai người đã giới thiệu mình vào Đảng, hay vào “tập thể”, như cách nói của bác trong thư.

Những kỷ niệm ấy đồng thờ cũng dẫn bác về với lối xưng hô thân mật thuở nào. Lành là bí danh của nhà thơ Tố Hữu giữa bạn bè, đồng chí với nhau, lâu dần trở nên nổi tiếng đến mức người trong và ngoài ngành văn nghệ đều biết. Hòa, hoặc Chánh Hòa, là tên nhà văn Nguyên Hồng đặt cho cha tôi, cũng được dùng thân mật trong đám anh em bè bạn. Sau này, khi xuất bản hồi ký Những nhân vật ấy đã sống với tôi, bác Nguyên Hồng có tặng mẹ tôi một cuốn với lời đề: “Tặng bà Chánh Hòa những truyện về ông nhà ta rất hết ý”. Còn Bạch, như tôi được biết, là danh xưng của nhà văn Nguyễn Tuân trong nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn bác viết trước Cách mạng. Không biết giữa bác và cha tôi đã có những kỷ niệm riêng tư gì mà đầu năm 1951, từ Liên khu 3 bác Nguyễn đã viết tặng cha tôi một tấm ảnh với lời đề: “Tặng Hòa thân mến một điệu tếu của Bạch”. Trong ảnh, nhà văn Nguyễn Tuân cố làm ra vẻ nghiêm nghị, nhưng chỉ một nét bặm môi đã khiến cả thần thái trở nên tếu táo...

Kỷ niệm lần hồi đưa bác trở lại những ngày lên đường đi Tây Bắc. Sau cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn nghệ thời kỳ Nhân văn Giai phẩm, các văn nghệ sĩ lần lượt lên đường đi thực tế – người xuống vùng nông thôn Hải Dương đang xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, người đi vùng mỏ thâm nhập đời sống của những người thợ khai thác than... Bác Nguyễn Tuân cùng cha tôi và nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận đi Điện Biên, mảnh đất chiến trường xưa đang được xây dựng lại. Đoàn văn nghệ sĩ các ông vừa lên đến Mộc Châu thì nhạc sĩ Văn Cao bị bục dạ dày. Như nhật ký của cha tôi ghi lại, đó là một cái đêm agité [đầy xáo động], các ông đôn đáo đưa nhạc sĩ Văn Cao đi mổ ở một quân y viện dã chiến! Ánh đèn do máy phát nổ cấp điện không đủ sáng, cha tôi và bác Nguyễn Tuân đứng soi đuốc cho kíp mổ làm việc. Thấy nhạc sĩ Văn Cao lo ngại và có phần bi quan, cha tôi, khác với thói thường chỉ quen nói những lời bình dị, nghiêm mặt bảo: “Đồng chí Văn Cao! Đây là nhiệm vụ của Đảng, đồng chí phải cố lên!” Ấy là tôi ghi lại theo trí nhớ lời kể của nhà văn Kim Lân, mà bác Kim Lân thì cũng là nghe bạn bè kể lại chuyện này, nhưng tôi nghĩ nếu có sai thì chỉ là chuyện chữ nghĩa, còn tinh thần thì đúng là như vậy.

Không thể tiếp tục chuyến đi, nhạc sĩ Văn Cao trở về Hà Nội, ít ngày sau ông viết cho cha tôi một lá thư: “Từ khi khỏi chết, tôi lại lao đầu vào sáng tác. Một số ý thơ được sửa soạn cho tới khi thấy đau đầu lại phải dừng lại. Dù đợt đi của tôi có ngắn, nhưng kết quả về mặt tinh thần khá, một hào hứng mới và một nội dung tư tưởng sáng tác tốt hơn. Anh hãy đợi sáng tác của tôi nói điều đó”. Nhạc sĩ Văn Cao hạ quyết tâm với cha tôi, còn bác Nguyễn Tuân thì vẫn lo cho bạn “lỡ một mùa gặp đầu”, dẫu biết rằng bạn “tha thiết đấy” như bác viết trong thư!

Còn lại bốn ông “T” – Tưởng, Tuân, Tý, Thuận – tiếp tục vượt đường trường lên Điện Biên thâm nhập thực tế lao động sản xuất của đồng bào và bộ đội. Sau bốn tháng xuống đại đội vườn ươm, đầu tháng 12-1958 cha tôi trở về Hà Nội dự kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa I. Nhà văn Nguyễn Tuân còn ở lại đất Tây Bắc thêm một thời gian. Những vòng dây đầu tiên đã buộc vào chân bác, cũng như các địa danh nói đến trong thư – Yên Bái, Lào Cao, Phòng Tô, Quỳnh Nhai... sẽ còn được nhà văn theo đuổi trong nhiều chuyến đi dọc ngang mảnh đất này để cấu tứ thành những bài viết đặc sắc rồi sẽ được tập hợp trong tập ký Sông Đà nổi tiếng. Về phần mình, cha tôi viết tiểu thuyết Bốn năm sau, tuy không thật sự tâm đắc nhưng cũng không đến nỗi trắng tay!

Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi xin được nói về phần kết của bức thư, được bác Nguyễn viết thêm vào chỗ trống của trang giấy như một lời tái bút: “Tôi vẫn đọc báo và thời sự miền Bắc. Chất lãng mạn độ này đâm lên men tợn. Cho nên cũng cần có những người giang hồ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Quốc hội khóa chín có nhiều romantisme [chất lãng mạn] lắm, ông đại biểu Bắc Ninh ạ!”

Trước đây tôi vẫn nghĩ, hay nghĩ theo một số người khác, rằng nhà văn Nguyễn Tuân là người ít quan tâm đến chuyện thời sự, cả trong nước và thế giới – nếu cháu có sai thì cũng xin bác Nguyễn tha lỗi cho cháu nhé! Bức thư này đã cho tôi một cảm nhận khác hẳn. Không nghi ngờ gì nữa, đây là một bức thư giãi bày tình cảm của một nhà văn rất chân tình mà cũng rất chi là phóng túng. Tự nhận mình là người “giang hồ xã hội chủ nghĩa” là một cái gì đó rất Nguyễn Tuân. Nhưng tôi muốn thêm: bác Nguyễn còn là một nhà văn cũng rất “công dân” nữa. Trong chuyến “giang hồ” suốt hàng tháng trời ở nơi heo hút kia, bác vẫn đọc Văn kiện Quốc hội kỳ họp thứ chín. Nhận thấy ở đấy có nhiều “chất lãng mạn” đáng phấn khởi, bác đã thích thú chia sẻ cảm nhận của mình với cha tôi - đại biểu tỉnh Bắc Ninh. Đó chính là kỳ họp Quốc hội thông qua “kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế quốc dân (1958-1960)” – một kế hoạch hứa hẹn nhiều thành công, khiến cho bước sang năm tiếp theo, 1961, nhà thơ Tố Hữu sẽ có câu thơ thật hào sảng: “Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng”...

Cha tôi, rồi bác Nguyễn Tuân, rồi bác Tố Hữu đã lần lượt ra đi. Là những nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước, những gì các ông để lại không còn đơn thuần là của riêng các ông nữa. Lá thư này cũng vậy! Vậy nên, tôi xin phép bác Nguyễn Tuân, bác Tố Hữu và cha tôi chuyển đến bạn đọc Người Yêu Sách cùng bạn đọc nói chung, lá thư của các ông gửi cho nhau với những lời chúc Năm Mới “trong lành thơm đượm nhất”…

NGUYỄN HUY THẮNG

Các Bài viết khác