NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHÂN ĐỌC VŨ NHƯ TÔ(1)

( 27-12-2014 - 08:06 PM ) - Lượt xem: 1078

Tháng 9-1946, vở kịch Vũ Như Tô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được xuất bản. Nhật ký ngày 24 tháng ấy của ông có viết: “Vũ-như-Tô đã xuất bản. Khá bằng lòng. Kịch vĩ đại. Chỉ tiếc rằng nó cổ. Có 1 nhà văn phê bình ngay: anh Bổng. Có một nhà yêu kịch đến xin diễn: anh Tống-phúc-Hạp. Một ngày sung sướng.”

Trong mấy tên tuổi được nhắc đến trong đoạn nhật ký nói trên, “Bổng” chính là nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Bài viết Nhân đọc Vũ-như-Tô của ông, đăng trên số báo Độc lập Chủ nhật ra ngày 10-11-1946, có lẽ là bài viết sớm nhất về vở kịch. Người Yêu Sách xin được giới thiệu nguyên văn bài viết này của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, ra đời cách nay đã gần bảy thập niên!

Một người thợ, có tài về kiến trúc, sau 20 năm tìm tòi học tập, lặn lội tìm xem tất cả các lâu đài dinh thự trong nước, thăm viếng tất cả các danh lam thắng cảnh nước ngoài như Trung-hoa, Chiêm-thành, Tây-trúc, đang sống lén lút, lẩn tránh sự bạc đãi của một ông vua hoang dâm tàn ác, thì một hôm bị bắt đến kinh thành và ép xây cho vị bạo chúa ấy một tòa cung điện vô cùng vĩ đại. Một phần cũng vì bắt buộc, nhưng phần nữa cũng lợi dụng cơ hội để thực hiện một cái hoài bão ấp ủ bấy lâu nay là cho tài hoa cao quý của mình nẩy nở, để lại cho đời một kỳ công về kiến trúc, Vũ-như-Tô, tên nhà kiến trúc sư, khởi công. Phải dùng vào công việc đồ sộ ấy năm vạn thợ và tiền rừng bạc bể, cho nên nhân công bị trưng dụng, sưu cao thuế nặng, giữa một lúc mà vì chính sự đổ nát của một triều vua tàn bạo, dân gian đã phải nheo nhóc lầm than vì đói rét, bệnh tật, cướp bóc, giặc giã. Thêm vào bọn quan lại, tổng lý, nhân dịp mà nhũng nhiễu lương dân. Vì thế mà muôn dân ta thán, rồi phẫn uất và cuối cùng nổi dậy để lật đổ hôn quân, trừ nịnh thần, giết những cung tần mỹ nữ xa hoa, đốt Cửu trùng đài xây bằng máu, bằng xương, giết luôn cả kiến trúc sư, người mang tất cả tội lỗi vì đã đốc xuất việc xây đài cho vua mà gây hại cho dân.

Kinh thành phát hỏa… Kiến trúc sư đau xót, sẵn sàng chờ cái chết vì cái quý nhất đời người, quý hơn cả đời người, cái công trình đã dồn tất cả năng lực, tài trí, đã mang tất cả hạnh phúc, hy vọng của người, cái ấy, Cửu trùng đài, đã ra tro!

*

Kịch Vũ-như-Tô của ông Nguyễn-huy-Tưởng đã xây trên cốt truyện ấy, thêm vào đôi tình tiết như sự phản bội của một vị quận công bị nhục, như cái duyên tri ngộ, và tri kỷ, của người kiến trúc sư với một cung nữ bị hắt hủi, bẽ bàng… Và tôi viết mấy giòng sau đây cũng chỉ để ghi lại một ý nghĩ và cảm tưởng sôi nổi sau khi đã xếp cái bìa sách chói lọi mầu da cam ấy lại.

*

Đọc kịch bản, tôi vừa sống lại trong giây lát giữa một xã hội của nửa thế kỷ về trước, lúc chế độ phong kiến đang ngự trị trên lịch sử nước nhà với tất cả những cái thối nát của nó. Bên trên có một ông vua hoang dâm, bạc ác ngày đêm chỉ say đắm với cung tần mỹ nữ, “gian dâm với cả cung nữ của bố”, giải trí với cuộc cờ, câu thơ, sai đóng chiến thuyền để cung phi tập trận giả, sai xây đài nguy nga để vui thú ăn chơi. Đài “phải có 100 nóc, cao 10 trượng, dài 500 trượng”, thu hút 5 vạn nhân công, dùng đá chở từ Chiêm-thành ra, gỗ kéo từ Vạn-tượng về; xây đài phải hàng chục năm, mà mới 3 ngày đầu đã mất 300 sinh mạng và sưu thuế nửa năm tăng hai lần… Trong lúc ấy giặc giã nổi dậy tứ tung, mùa màng hư hại, dân tình đói khát nhưng vua nào có biết, việc lớn nhỏ phó mặc triều đình, vua bận việc C.T.Đ. Vua mừng vì có thợ tài để xây C.T.Đ.; có vị Quận công can ngăn thì suýt bị chém. Thêm vào đó những ông quan: cụ Đông-các thì dạ dạ vâng vâng để được lòng vua, quan Thượng-hình thì bòn rút nhân công. Rồi đến bọn Tổng lý “triều đình đòi một, nhân dịp đòi lấy 10”, để vơ vét, bóc lột; bọn cai Sìn đút tiền cho cụ Hình để tự ý mộ phu, để ăn chặn tiền công thợ, và đánh chết thợ vô tội vạ.

Dưới cái ách nặng ấy quằn quại những dân, những thợ. Chết giặc, chết dịch truyền nhiễm, chết đói, tất cả sống nheo nhóc trong đời nô lệ. Nô lệ như bọn cung tần mỹ nữ, Đan Thiềm bị bắt vào cung năm 17 tuổi, trong lúc có người dạm hỏi, và trải 20 năm sống phận tôi đòi để chết oan uổng. Nô lệ như tất cả lương dân, chỉ mong yên thân, “trông thấy lũ con, thấy con lợn, đàn gà, là đã vui rồi’, nhưng cũng không được, mà phải bị đày đọa, sưu cao, thuế nặng, khiêng đá, tải gỗ… Nô lệ như những người thợ, “bao giờ cũng phải coi là hèn”, và:

“Ai xây một kiểu nhà mới, khả quan, thì lập tức kết vào tội lộng hành đem chém… Họ phải lẩn lút, dấu diếm. Vô phúc mà triều đình biết, thế là gia đình tan nát. Họ bị đóng cũi giải kinh, để làm những công việc nhà vua, thân giam trong nội như một tên trọng phạm, mãi đến khi mắt mờ, tay chậm, họ mới được thải hồi nguyên quán.”

Cho nên “tài hoa thành cái nợ”, “theo nghề lợi chẳng có mà nhục thì nhiều”, gây tai họa cho cả bà con thân thích. Vũ-như-Tô bị bắt, bà mẹ chạy theo bị lính đẩy ngã chết.

Bắt tay vào làm việc thì đói khổ vì quan ăn bớt, cai đánh đập, chết hàng trăm vì tai nạn, như sâu, như kiến.

Khổ nhục quá lắm rồi có ngày phải tức hồ vỡ đê, dân thợ vùng dậy, đạp đổ tất cả những gì thuộc về quyền hành, đây là những công trình nghệ thuật vô cùng quý giá hay những tâm hồn cao quý một phần nào. Nhưng phải đánh đổ cả cái chế độ phong kiến, người dân mới tự giải phóng được. Nếu không thì chỉ là bỏ cái xiềng vẫn [mang] để mang cái gông khác. “Tội gì mà theo lão quận, làm cỗ cho nó xơi… Trông mong gì những lũ quan to ấy”. Phải, lật bọn vua quan này, để làm tớ cho bọn vua quan khác, rồi cũng vậy. Bao giờ triệt hết lũ quan to ấy, bao giờ quyền hành về người dân, người thợ thì người dân, người thợ mới bảo đảm tự do, hạnh phúc mình được. Nếu không C.T.Đ. này bị đốt thì C.T. Đài khác sẽ lại mọc lên, cũng bằng máu bằng xương của hàng vạn binh lính…

Giữa hai hạng người ấy có một số khác nữa muốn thoát khỏi cái đám đông tăm tối ở dưới vừa lẩn tránh cái kiềm kẹp bên trên, suốt đời mang nặng lòng cái hoài bão nguy nga: để lại cho đời, cho nhận thấy cái kết tinh cao quý của tài năng siêu phàm của mình. Đấy là hạng Vũ như Tô, hay nói chung hạng nghệ sĩ.

NGUYỄN VĂN BỔNG

Vũ-như-Tô không phải là một Kiến trúc sư như chính chàng đã giới thiệu với người cung nữ Đan-Thiềm. Tô cũng không phải là một người thợ như trong Triều nhà Lê thường gọi một cách khinh bỉ. Người Kiến trúc sư, hay người thợ, theo nghĩa thông thường, là những kẻ xây dựng một cái gì có công dụng thiết thực, đều để no ấm riêng thân mình, hay phụng sự một thế lực nào bóc lột mình, hay nữa giúp ích cho những ngườ khác. Ở đây V.N. Tô xây Cửu T. Đài lẽ tất nhiên là không để cho chàng ở, cũng không để cho vua Lê ở. Chàng nói với vua Lê: “Huống chi xây C.T.Đ., vì Hoàng thượng thì ít, mà vì tiện nhân thì nhiều”. C.T.Đ. chỉ là sự giải thoát cho tâm hồn nghệ sĩ họ Vũ. Chàng mang nặng tài hoa đến lúc cần tươi nở, thành hình, kết tinh và thoát khỏi chàng. Chỉ có thế thôi. Cái kiêu hãnh của người nghệ sĩ, cái ám ảnh nghệ sĩ buộc chàng phải để lại một cái gì cho muôn đời sau… Để lại làm gì? Cái đích không cần phải biết, người nghệ sĩ chỉ kể lúc tiễn đưa công trình nghệ thuật lên đường, con đường vô tận của thời gian… Tuy về sau V.N. Tô có lặp lại nhiều lần rằng chàng xây C.T.Đ. là để “cho cả nước”, nhưng nói trống lộng thế thôi; hay đôi lúc đắc ý tỏ sự hãnh diện với các công trình kiến trúc ở nước Tàu, nước Chiêm. Nhưng bản ý của chàng vẫn là xây vì chàng, vì đấy là một cái công trình nghệ thuật cần phải có của đời chàng; tài chàng không nỡ hãy làm trả lại cho trời. Có thế thôi!

Nhưng bất cứ một công trình gì cũng không thể thực hiện riêng nó. Huống gì một công trình đồ sộ như C.T. Đ. Lẽ tất nhiên phải mượn cánh tay khác góp vào, phải nhờ vả xung quanh. Sự nhờ vả ấy nếu tự nhà nghệ sĩ không lợi dụng, thì cũng bị một bọn người khác lợi dụng để bóc lột, nếu sự tổ chức xã hội chưa hoàn hảo. Trong thời phong kiến của V.N.T., những kẻ lợi dụng ấy là cụ Thượng hình, là bọn Tổng lý, bọn chú Sìn… Nhà nghệ sĩ đã vô tình nối giáo cho giặc, gây cơ hội cho bọn có thế lực bóc lột hạng không thế lực và nhà nghệ sĩ vô tội, “không biết gì ngoài nghệ thuật của mình”, thành một kẻ có tội. – Vũ-như-Tô đã phải mang tất cả cái lỗi của bọn vua quan, bọn tổng lý, bọn cai: “Dịch tả cũng tại bác ấy. Đói khổ cũng tại bác ấy. Đánh đập cũng tại bác ấy, chém giết cũng do bác ấy. Tại bác ấy tuốt.”

Thế rồi lẽ tất nhiên mang bao nhiêu tội thì ắt phải đền tội. Nhà nghệ sĩ bị công chúng trả thù mà không hiểu vì sao, đến chết Vũ như Tô vẫn còn ráng cổ cãi: “Ta tội gì… Vậy ta có tội gì?”

Thương thay, chết mà mang lấy hận.

*

Tôi khoan khoái thấy đến cái đoạn kết của vở kịch tôi không gặp ý oán trách rất thường của người viết sau những trường hợp như thế này. Gặp những câu chuyện như trên thường thường người viết sách tỏ vẻ xót thương nhà nghệ sĩ và khinh bỉ sự bạc bẽo của quần chúng. Ông Nguyễn- Huy- Tưởng đã tránh khỏi điều đó. Nhưng tôi lại băn khoăn vì thấy ông không tỏ vẻ thương ghét người nghệ sĩ thế nào.

Những nghệ sĩ như V.N. Tô đáng thương hay đáng ghét? Nếu C.T. Đài xây xong đi nữa thì V.N. Tô có công hay có tội? Tôi rất phân vân và muốn lẩn tránh xoay câu hỏi qua một hướng khác quy tất cả tội lỗi cho cái tổ chức xã hội, đưa người nghệ sĩ rất đáng thương đến chỗ đáng ghét. Vũ Như Tô mà đến phải nói câu: “Đây cũng thế, phải trừ hết cả những kẻ hèn, thấy khó đã nản”, để đưa một người thợ ra chém và phải nổi tiếng là “cho người đánh phu dữ quá”, là có phải vì bản tính chàng không? Không, đấy chỉ do những nguyên nhân khác nó đưa chàng đến chỗ phải hy sinh ít nhiều cho sự hoàn thành cái nghệ thuật của chàng, dẫu cái ít nhiều phải hy sinh ấy là xương máu của những người thợ mà chàng đã liều chết tranh đấu để nâng cao mức sống.

Tôi rất mong những người anh sáng suốt giãi tỏ chút thắc mắc này cho tôi và phải dừng bút lại nơi đây để khỏi lẩn quẩn lập lại những điều đã nói rồi ở chỗ khác, về tình thế đặc biệt của nước nhà hiện nay và những chàng Vũ-như-Tô của thời kỳ giải phóng dân tộc ta bây giờ.

Cuối cùng cũng nên ghi lại một cảm tưởng trội nhất về quyển kịch và tài nghệ người viết. Phải chăng C.T.Đ. đồ sộ quá nên ông Ng-huy-Tưởng nhà soạn kịch đã bị lạc trong cái khung cảnh bát ngát mênh mông ấy, choáng ngập trước vì bao nhiêu xây dựng nguy nga. Và tôi ngày hôm nay đọc kịch cũng bị lôi cuốn vì một cái gì quá sức tới nên tâm trí đã trôi bên ngoài vở kịch.

(Nguồn: Độc lập Chủ nhật, số 9, ngày 10-11-1946)

-----------   

(1)   Kịch 5 màn của Nguyễn-huy-Tưởng, Hoa-lư xuất bản.

Các Bài viết khác