NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGUYỄN HUY TƯỞNG: TỪ THƠ ĐẾN VĂN

( 12-09-2013 - 04:10 PM ) - Lượt xem: 1435

Lịch sử dân tộc có những trang hào hùng, oanh liệt nhưng cũng có những thời khắc bi thương, đau đớn. Nguyễn Huy Tưởng muốn làm một nhà chép sử để truyền lại cho hậu thế những trang sử đẹp đẽ, hào hùng của cha ông. Nhưng không phải bằng con đường của các sử gia, Nguyễn Huy Tưởng tìm đến sử với tư...

Lịch sử dân tộc có những trang hào hùng, oanh liệt nhưng cũng có những thời khắc bi thương, đau đớn. Nguyễn Huy Tưởng muốn làm một nhà chép sử để truyền lại cho hậu thế những trang sử đẹp đẽ, hào hùng của cha ông. Nhưng không phải bằng con đường của các sử gia, Nguyễn Huy Tưởng tìm đến sử với tư cách nhà văn...

Nguyễn Huy Tưởng sáng tác trên nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, truyện viết cho thiếu nhi, nhật ký… Ở giai đoạn đầu sáng tác, Nguyễn Huy Tưởng tìm đến thơ để trút bầu tâm sự, hoài bão của một tâm hồn yêu Tổ quốc, quê hương. Nhưng những trang thơ đầu mùa còn thô mộc, giản dị, chưa được gọt rũa nên sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng tới công chúng còn hạn chế. Và sau này, thi ca cũng không phải là sở trường, là yếu tố làm nên gương mặt văn chương Nguyễn Huy Tưởng. Mặc dù vậy, những quan niệm của Nguyễn Huy Tưởng về thơ ca và người thi sĩ lại chứa đựng nhiều giá trị, nhiều bài học cho những người sáng tác hôm nay. Bàn về bản chất, đặc trưng của thơ, Nguyễn Huy Tưởng cho rằng thơ phải mang chút mầu nhiệm của tôn giáo, phải cung kính, trang nghiêm: “Thơ phải có nghĩa lý về tôn giáo, phải trang nghiêm, cung kính, phải thánh thót thâm trầm, tư tưởng phải cho siêu việt, lời nói phải cho thanh nhã, đã gọi là thơ không thể có chút gì thô tục lẩn vào được. Thơ là thanh khiết, thơ là trang nghiêm, thơ là văn vẻ. Bỏ ba cái ấy đi, thơ mất hẳn giá trị vậy” (Nhật ký, 12-10-1933).
 
Tiếp thu quan điểm của người xưa khi bàn về đặc trưng của thơ ca là “ ý tại ngôn ngoại”, Nguyễn Huy Tưởng đã cụ thể hơn khi cho rằng: “Thơ phải lời ít ý nhiều. Rườm rà không phải là thơ. Đừng nói hết” (31-7-1941), “Viết thơ cần phải tượng trưng nhiều. Phải sâu xa. Gọt đẽo” (20-3-1942). Người thi sĩ khi sáng tạo “cần phải dùng chữ cho khéo, dùng vần cho chỉnh. Khả dĩ một câu văn đọc lên người ta có thể hình tưởng được tình hoặc cảnh, mà trí thì mê mải ở trong khúc đàn của câu thơ” (27-10-1933).
 
Khi đề cập đến sức hấp dẫn và giá trị lâu bền của những vần thơ, Nguyễn Huy Tưởng cho rằng thơ cũng như các loại hình nghệ thuật khác phải bén rễ, bắt nguồn từ cuộc sống, nảy nở từ trong cuộc đời, gắn liền với tâm tư, tình cảm của nhân dân: “Thơ phải hình ảnh cuộc đời cho linh hoạt. Nên vần thơ phải rất giàu, rất khéo, trong thơ phải nhiều điệu, thi vận phải dồi dào, phải hợp với tình, với cảnh” (21-10-1933). Và một bài thơ hay phải được viết bằng chính tâm hồn, nỗi đau và tâm huyết của nhà thơ: “Thơ chỉ có thể hay khi mình viết bằng máu của mình” (12-3-1940), và “phần nhiều thi sĩ có nghèo khổ đau phiền mới hay thơ được” (8-9-1941).
 
Sức sống và sự lan tỏa của thơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng là lời thơ phải diễn đạt được ý tình của nhân dân, “lối thơ hay là thích hợp với cái tính tình của dân, với cái triết lý của dân, với sự ăn ở của dân”, “người thi sĩ thần là người lọt ở lòng dân ra. Người thi sĩ bá là người lọt ở trí dân ra” (16-1-1932). Thuở ban đầu đến với văn chương, Nguyễn Huy Tưởng khao khát sẽ xuất bản được tập thơ Nhất điểm linh đài với những bài thơ thể hiện chí nguyện, tình cảm của một người thi sĩ nặng tình với dân với nước:
 
Ôi Văn lang xa xăm
Chí ta bền với sơn hà
Non quê cha thiêng liêng
Không bao giờ lòng quên
(Chim Việt)
 
Không bén duyên với nàng thơ để trở thành một thi sĩ nổi danh như các nhà Thơ mới cùng thời, Nguyễn Huy Tưởng đã nhanh chóng tìm được cho mình một chỗ đứng, một vị trí quan trọng trên văn đàn bằng những kịch bản, tiểu thuyết lịch sử, truyện viết cho thiếu nhi.
 
Ở lĩnh vực tiểu thuyết cũng như sáng tác văn xuôi nói chung, Nguyễn Huy Tưởng đã đưa ra những quan điểm sâu sắc về đặc trưng của thể loại cùng các kinh nghiệm viết văn mà ông đúc rút từ chính cuộc đời mình.
 
Nói về đặc trưng của thể loại tiểu thuyết, Nguyễn Huy Tưởng cho rằng: “Tiểu thuyết phải bao hàm một ý tưởng sâu xa. Tiểu thuyết phải là cuộc xung đột, nếu không có xung đột thì tiểu thuyết phải chứng dẫn một cái thèse [luận đề] nào, và phải quy vào một tư tưởng nhất quán, hoặc tiểu thuyết lại dùng để phát biểu tư tưởng, tính tình của mình hoặc để tán dương những tính tình cao thượng; trọng danh dự ái quốc, tự do, lòng thương xót. Bộ phận chương tiết của tiểu thuyết phải chầu cả vào tư tưởng nhất quán như bao nhiêu con sông phải chảy ra biển cả” (28-11-1934). Với quan niệm “Tiểu thuyết là hình thức cao siêu nhất để ta gửi tâm tình ta và quan niệm của ta về cuộc đời” (6-9-1949), Nguyễn Huy Tưởng đã xác định được cho mình một thể loại có thể bao quát được những sự kiện lớn lao, những biến cố diễn ra trong khoảng không gian, thời gian rộng lớn, thâu tóm được cả số phận cá nhân và cộng đồng trong những giai đoạn, thời điểm lịch sử cụ thể nhiều biến động phức tạp. Sớm nhận rõ “mình không có tài làm thơ. Chi bằng viết văn xuôi, tiểu thuyết, đi bằng con đường của mình vậy”, tiểu thuyết và kịch đã đưa tên tuổi Nguyễn Huy Tưởng trở thành một trong những nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc thế kỷ XX.
Viết kịch, tiểu thuyết về đề tài lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng không lệ thuộc vào các tài liệu, các sự kiện, con số cứng nhắc trong sử sách mà thông qua số phận, đời sống của nhân vật với những góc khuất về cuộc đời, bi kịch cá nhân… để tạo nên nguồn cảm hứng cho sáng tác. Đó là câu chuyện tình diễm lệ của công chúa An Tư với Chiêu Minh Vương Trần Thông trong tình thế nhà Trần rơi vào nguy kịch trước sự thách thức, khiêu chiến của bọn giặc Nguyên Mông; là mối tình đầy thơ mộng, trong sáng giữa công chúa Quỳnh Hoa với chàng thi sĩ Bảo Kim trong Đêm hội Long Trì với một kết thúc đầy bi kịch và nước mắt; là cặp đôi tri kỉ giữa nhà kiến trúc Vũ Như Tô với cung nữ Đan Thiềm, họ cùng có niềm đam mê, có tình yêu, khát khao sáng tạo cái đẹp nhưng chỉ vì sinh bất phùng thời mà cái đẹp bị dập vùi, còn người nghệ sĩ bị đem ra pháp trường… Có thể nói những trang văn viết về lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng đều thấm đẫm xúc cảm, có sự đan xen, hòa quyện chất bi tráng, trên nền cảnh giàu chất thơ và tình người.
Viết tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng xuất phát từ một quan niệm tiến bộ của một người nặng tình với lịch sử dân tộc, ý thức rõ về sức mạnh hào hùng của những trang sử vẻ vang của cha ông. Viết về lịch sử cũng là cách để tác giả gửi gắm tình yêu quê hương đất nước. Là người viết sử bằng văn chương (chữ dùng của nhà sử học Dương Trung Quốc), Nguyễn Huy Tưởng quan niệm: “Người không biết lịch sử nước mình là con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được”. Ông hướng ngòi bút vào những trang sử còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy bằng lối tư duy tích cực trên tinh thần nhân văn, tôn trọng sự thực lịch sử. Ông viết về các nhân vật lịch sử với tất cả lòng kính trọng, tự hào, ngợi ca những con người biết hy sinh tình riêng để đền nợ nước. Mỗi lần suy ngẫm về dòng chảy, sức sống của dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng luôn tâm niệm: “Tôi nghĩ: nghìn năm nội thuộc Tầu mà dân tộc ta không bị tiêu diệt? Vì chúng ta có một tinh thần sống rất mạnh. Tôi hình như trông thấy ngọn lửa sống của ông cha tôi, âm ỉ không bao giờ tắt” (10-11-1938). Vì vậy ông luôn nung nấu, khát khao sẽ viết được những tác phẩm lớn lao, vĩ đại để cảm ơn lịch sử, cảm ơn cuộc đời: “ Lịch sử Việt Nam tự trước và từ nay cũng vậy, là lịch sử đẹp đẽ của một sự phấn đấu vô cùng để sống. Tôi liên tưởng đến những chuyện Mỵ Châu, Trương Chi, Chiêu Hoàng, Huyền Trân, Chiêu Thống, bao nhiêu cái hay trong những chuyện thương tâm ấy! Tôi sẽ đem những chuyện nên thơ ấy viết thành kịch, những kịch ấy có thể sánh ngang với bất kỳ kịch nào của thế giới. Và tôi hy vọng chứa chan” (15-12-1938).
 
Lịch sử dân tộc có những trang hào hùng, oanh liệt nhưng cũng có những thời khắc bi thương, đau đớn. Nguyễn Huy Tưởng muốn làm một nhà chép sử để truyền lại cho hậu thế những trang sử đẹp đẽ, hào hùng của cha ông. Nhưng không phải bằng con đường của các sử gia, Nguyễn Huy Tưởng tìm đến sử với tư cách nhà văn, ông muốn “tả anh hùng có tính cách người thường” (11-5-1938), và khi khắc họa hình tượng các nhân vật thì “chú trọng đến tính tình ngây thơ của người thượng cổ, và không nên bỏ hẳn những sự tín ngưỡng của tiền nhân. Phải trở lại mà ăn ở tư tưởng như các ngài. Phải để cho các ngài sống theo đời các ngài sống”. Với quan niệm tích cực đó, Nguyễn Huy Tưởng đã làm sống lại không khí lịch sử hào hùng từ thuở các vua Hùng dựng nước, những chiến công oanh liệt của vua tôi nhà Trần, những bi kịch thấm đẫm nước mắt của thời vua Lê - chúa Trịnh đến những khúc tráng ca của thời cách mạng và kháng chiến… Tất cả đều phảng phất phong vị, lối sống, cách tư duy, suy nghĩ của lịch sử mỗi thời, khiến độc giả như đang được chứng kiến những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử cha ông cách xa hàng nghìn, hàng trăm năm như đang hiện hình sinh động trước mắt.
 
Nói về kinh nghiệm sáng tác văn chương về đề tài lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng rút ra một bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là phải am hiểu đời sống của cha ông thông qua kinh nghiệm học tập thực tế, qua sách vở và những chứng nhân thời đại. “Không qua sông Rừng chưa thể viết được Bạch Đằng Giang. Không chịu đi phiêu lưu và hỏi thăm kỹ lưỡng. Mơ hồ quá đỗi. Chưa lần được chỗ Đại Vương đóng cọc thì viết kịch Bạch Đằng sao được” (21-6-1942). Và khi miêu tả, khắc họa nhân vật lịch sử, người sáng tác cần xác định rõ: “Tả người phải cho rắn rỏi. Ta nên nhớ rằng: ta viết sách đây không phải ta là nhà sử, mà là một người viết tiểu thuyết; tả người phải cho minh bạch, cho thành một người tiêu biểu; chứ ta không phải là nhà sử ký chỉ chép công việc mà ít lưu ý đến tình” (26-10-1933). Với quan điểm tiếp cận lịch sử như vậy, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm được một lối đi riêng trong việc miêu tả, phản ánh và tái hiện lại lịch sử dân tộc bằng một cách tiếp cận độc đáo, thiên về tả tình, khắc họa tính cách, số phận nhân vật trong bối cảnh chung của thời đại với những trang viết tài hoa, sắc sảo như những thước phim sinh động về những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc cùng những số phận, cuộc đời con người Việt Nam với vẻ đẹp hồn hậu, thánh thiện đáng trân trọng, ngợi ca, tự hào.
 
(Trích bài “Một số quan điểm nghệ thuật của
 Nguyễn Huy Tưởng qua các trang nhật ký”;
tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 5/2013)



Tác giả bài viết: NGUYỄN HUY PHÒNG

Nguồn tin: Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng

Các Bài viết khác