NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“NGUYỄN HUY TƯỞNG NGƯỜI LÀNG DỤC TÚ”(1)

( 28-07-2015 - 03:45 PM ) - Lượt xem: 1072

Hai mươi năm cầm bút, Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tác nhiều thể loại văn xuôi nhiều đề tài khác nhau. Nhưng, với anh, đề tài Hà Nội là tiềm lực sức sống liên tục trong tất cả các giai đoạn và là những tác phẩm chính của Nguyễn Huy Tưởng

Nguyễn Huy Tưởng người làng Dục Tú. Dục Tú cạnh Lộc Hà, quê nhà văn Ngô Tất Tố. Những làng ven nội xinh đẹp, cổ kính ở bờ sông Hồng.

Tôi bỗng nhớ một chuyện thật sự thiết tha và tự nhiên của một ngòi bút với đất quê. Nguyễn Huy Tưởng, con người và tình cảm cùng trang giấy trắng trước quê hương.

Những lần về Dục Tú với Nguyễn Huy Tưởng.

Thường những ngày giáp tết hoặc tháng hai, tháng ba, vào buổi xuân sang hội hè, tết nhất ở các làng ngoài thành. Nguyễn Huy Tưởng hay rủ bạn về Dục Tú.

Mưa bụi vân vân trên cánh đồng màu. Có những đoàn người trảy hội đi qua cửa đình. Không phải chỉ loàn những tiếng cười ròn của đám con trai quần phăng áo trấn thủ ô trám và những cô gái sơ mi hoa đào. Mà còn thiết tha nền nã các bà áo bông ngắn mặc ngoài tấm áo the nâu, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Trong làn mưa nhẹ như sương, xa kia, sừng sững mờ mờ không nhìn rõ là chân tường thành cổ hay những dãy nhà máy đương lên móng phía Đông Anh. Những gợi cảm thật lạ lùng. Trong cái vui xuân trên miền đất phát tích của dân tộc không phải chỉ có một bề hoài cổ, mà còn những nỗi niềm, những khát khao của mỗi người cầm bút hôm nay.

Về Dục Tú, lần nào cũng sang Cổ Loa. Tất nhiên, Nguyễn Huy Tưởng là người thuộc Cổ Loa nhất trong bọn, anh chỉ cho biết nên để ý, nên xem Cổ Loa những gì, như thế nào. Một điều dị thường mà lại bình thường, mỗi khi ta thăm những nơi có di tích từ truyền thuyết đến hôm nay. Làm sao mà được cảm thông từ hồng hoang đến một lúc bây giờ. Vậy mà Nguyễn Huy Tưởng đã có những say sưa ấy. Đi trên những gò cỏ, những bờ thành đất, dưới cây đa cổ thụ, bước thẩn thơ trong đường quanh bờ tre, vườn trám trắng trám đen và những bãi mía xanh tốt và những làng xóm lá mít xum xuê mà trông ra nghìn xưa.

Nguyễn Huy Tưởng hăng hái làm cho mọi người thấy được bên trong làng xóm, đồng ruộng ấy, xưa kia đã nguy nga những thành quách có một không hai ở phương nam từ thuở ban sơ của đất nước với bạt ngàn chiến trận của vua Hùng, vua Thục, của Ngô Quyền.

Làm cho chúng tôi phải thấy được cả một trung du giáp núi giáp đồng bằng với những kẻ Nhồi, kẻ Vang, kẻ Chủ, đất nước của những con người mở đầu hiển hách thế nào. Nguyễn Huy Tưởng lúc nào cũng mê mải, suýt xoa, mỗi lần kể những điều anh mới biết thêm, mới nghĩ ra.

Vết tích của chợ Sa ở Cổ Loa. Chợ Sa là xa gần, chợ Sa là cái sa xe chỉ hay chợ Sa là tên người, tên họ, hoặc cái gì khác. Địa điểm chợ Sa chỗ nào, tụ hội giữa thành hay đầu bến, chợ giữa thành và chợ đầu bến, tính chất khác nhau đấy. Những lúc ấy, Nguyễn Tuân - mà nơi sinh và quê gốc anh ở Mọc Thượng Đình huyện Từ Liêm, hào hứng vào chuyện: các anh chắc biết đường tiến quân của Đô đốc Bảo(2) sau khi đánh tan cả vạn quân Thanh ở Đầm Mực rồi tiến ra Đống Đa. Thế thì, cánh quân Đô đốc Bảo phải vu hồi lên Kim Giang, Kim Lủ rồi lập kết ở bốn làng kẻ Mọc chúng tôi chứ?

Chuyện đến những đoạn ấy bao giờ cũng sảng khoái quanh truyền thống và lịch sử Hà Nội hôm qua hôm nay. Hiểu biết đến thế nào, bàn bạc đến bao giờ cũng không đến đâu cùng. Ý thức và tình cảm đó đã như tự nhiên trong Nguyễn Huy Tưởng. Cả mỗi khi viết cho các cháu đọc. Những tích luỹ về vùng quê cổ kính nghìn đời của anh, Nguyễn Huy Tưởng mới chỉ cho lứa tuổi bạn đọc thiếu nhi được thưởng thức chút ít ở một áng văn xuôi như thơ, truyện An Dương vương xây thành Ốc.

Hai mươi năm cầm bút, Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tác nhiều thể loại văn xuôi nhiều đề tài khác nhau. Nhưng, với anh, đề tài Hà Nội là tiềm lực sức sống liên tục trong tất cả các giai đoạn và là những tác phẩm chính của Nguyễn Huy Tưởng. Ở mỗi trang Nguyễn Huy Tưởng đều có thể gặp được bóng dáng của Cổ Loa, của Thăng Long, của Hà Nội. Trong đó, cuộc sống và con người, từ truyền thuyết tới ngày nay, qua mọi giai đoạn lịch sử, vẫn là một con người Việt Nam nhẫn lại, kiên cường đương đầu với mọi thử thách, mọi biến thiên và đứng vững. Là cây bút sử thi hùng tráng, Hà Nội của Nguyễn Huy Tưởng bao giờ cũng lộng lẫy và hùng vĩ, ngay từ những tác phẩm ban đầu. Có nghĩa là từ khi người cầm bút chưa hẳn đã có một ý trí và đường hướng rõ rệt, nhưng lấm lòng đối với lịch sử và quê hương từ tiềm thức đã gắn bó và thôi thúc.

Thực tế tình cảm ấy là bộ phận quan thiết xương máu trong cơ thể vốn sống người viết. Một nhà văn phải tạo ra, phải rèn luyện cho có được những vùng quê của sáng tác. Hai chữ “vùng quê” ở đây có ý nghĩa nhắc nhỏ người cầm bút không được lơ đãng một phút đắm mình trong thực tế để có được những kỷ niệm thiết tha trong đời. Vùng quê sáng tác của nhà văn có thể bất cứ ở đâu, mà nhữngnguyên quán, sinh quán của người cầm bút chỉ là một trong những trường hợp - trường hợp tự nhiên, nhưng có giá trị to lớn đối với người cầm bút. Nguyễn Huy Tưởng với Hà Nội là như vậy…

Tô Hoài

-----------------              

(1) Trích bài Nguyễn Huy Tưởng của Tô Hoài, in trong cuốn Tô Hoài hồi ký, NXB Hội nhà văn, 2005. Đầu đề rút từ một câu trong bài.

(2) Đô đốc Bảo, một dũng tướng của Tây Sơn. Những phát hiện mới đây được biết Đô đốc Bảo là Đông Lĩnh hầu Đô đốc Đặng Tiến Đông, người xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, hiện có tượng thờ ở chùa Trăm Gian, huyện Hoài Đức (Hà Tây). (chú thích của nguyên bản)

Các Bài viết khác