NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGUYỄN HUY TƯỞNG – MỘT NGƯỜI THẦY, MỘT NGƯỜI BẠN, MỘT NGƯỜI ANH…

( 22-10-2013 - 08:30 AM ) - Lượt xem: 1606

Ra đi năm 1960, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng “có mặt” ở Thành phố Hồ Chí Minh từ 1985, khi thành phố đặt tên ông cho một đường phố ở quận Bình Thạnh, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng. Nhà văn Đoàn Giỏi, một người bạn thân thiết của Nguyễn Huy Tưởng hay tin, đã viết một bài trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, để giới thiệu với người dân thành phố về nhà văn Hà Nội này, người từng có nhiều gắn bó với các văn nghệ sĩ miền Nam tập kết hồi đất nước tạm thời bị chia cắt. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Người Yêu Sách.

Những ngày cuối tháng tư, Thành phố Hồ Chí Minh chiều nào mưa cũng ào qua một trận(1). Đường phố nóng nung, ồn ào, khói bụi, sau mưa lại hiện ra quang quẻ, mát rợi như mới tinh khôi. Mượt mà những tán lá me non xanh biếc, còn đậu lấp lánh những giọt nước trời đong đưa, loe loé chiếu như ngọc giát.

 

Tôi sang đất Gia Định cũ, vào quận Bình Thạnh tìm anh Nguyễn Huy Tưởng. Xăm xăm qua khỏi Trường Cao đẳng Mỹ thuật một quãng khá xa, tôi dần dần chậm bước, bồi hồi đứng lặng nhìn lên tấm biển xanh chỗ góc con đường rẽ phải, vừa mới mang tên anh.

 

“Anh Tưởng ơi! Bây giờ thì anh em ta đã vào cả đây rồi!” Tôi thầm kêu lên, thở dài nhè nhẹ và đưa mắt ngóng nhìn quanh quất. Tưởng như anh đang đứng trước mặt tôi,tưởng như anh từ một ngôi nhà nào đó, của những dãy biệt thự nhỏ nhắn, yên tĩnh, mát rợp bóng cây cảnh và cây ăn quả vừa trông thấy tôi, anh vộimở cổng bước ra, cười hà hà.

 

Một cảm giác lạ lùng như mộng ảo vừa đột ngột xâm chiếm cả tâm hồn tôi. Tôi đang đi tìm lại anh một mình, hay đang sóng bước cạnh anh, như tự những ngày đầu bỡ ngỡ, giữa “náo nhiệt kinh kỳ” lăng lắc thuở nào?

 

- Bao giờ giải phóng miền Nam, tôi sẽ rước anh về quê tôi chơi. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, chúng tôi sẽ đưa anh đi cùng khắp! - Nhiều lần, trong các câu chuyện vui, hào hứng tán về miền Nam, tôi đã hứa với anh như thế. Anh cười hà hà. Nụ cười nở rộng, khoáng đạt hiền lành, hết sức cởi mở:

 

- Lo gì! Ăn chợ ngủ đình càng hay. Nhất định mình sẽ vào mà. Nam Bộ là miền đất cực kỳ hấp dẫn, đất của những con người vũ dũng, kiểu Cô-dắc sông Cửu Long... Đất của tiểu thuyết mà!

 

Sau này, cùng với Hoàng Trung Thông ngồi nghe Nguyễn Quang Sáng đọc bản thảo tiểu thuyết Đất lửa mới viết lần đầu, anh đã kêu lên: “Đất của tiểu thuyết! Cuộc sống ngồn ngộn, roi rói, đầy sẵn... Chỉ cần có những tay nghề vững nữa thôi! Mình sẽ theo các cậu vào mà!”.

 

Định mệnh khắc nghiệt và tàn nhẫn đã khiến cho mộng ước của anh và lời hứa của anh em viết trẻ Nam Bộ bất thành. Nguyễn Huy Tưởng đã mất ngày 25 tháng 7 năm 1960, chưa tròn bốn mươi tám tuổi! Chưa bao giờ tôi thấy câu: “Giai nhân tự cổ như danh tướng - Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” sao mà vô duyên, vô nghĩa như lúc ràn rụa nước mắt, đỡ một đầu quan tài anh lần xuống bậc thang gác của ngôi nhà 51 Trần Hưng Đạo!

 

*
* *

 

Ngẫu nhiên nào đã xui tôi lần đến quán “Thuỷ hử” - ngõ Ngô Sĩ Liên - gặp hoạ sĩ Nguyễn Sáng, trước khi rời Hà Nội. Từ khi anh Tưởng mất, hoạ hoằn tôi mới đến đây. Có lẽ là do quán tính xưa, cũng có thể là để “cốt mua lấy một chỗ ngồi trong khi tắc khách” nói như kiểu Lỗ Tấn trong câu chuyện Trên lầu tiệm rượu.

- Ủa, ông đến bao giờ? - Nguyễn Sáng vừa từ phòng triển lãm tranh của anh ở viện Bảo tàng Mỹ thuật gần đấy, cuốc bộ vào, ngạc nhiên kêu lên.

 

- Ngồi khoảng nửa tiếng...

- Nghe đồn như ông tính “hồi hương” hả?

 

Tôi cười cười, im lặng, chẳng biết nên đáp thế nào cho phải. Nguyễn Sáng vụt cười lớn, móc ví ra mấy tờ giấy đánh máy, bên dưới đỏ nhoè dấu son:

 

- Mình có quyết định hưu mấy tháng nay đây. Và giấy giới thiệu về Sài Gòn đây. Nhưng mình cũng còn cứ phân vân. Đành rằng trước sau gì rồi cũng về! Huỳnh Văn Gấm đã về rồi...

 

Vẫn là cái không khí bình dân cố hữu, với cút rượu, vài ba món nhắm hết sức khiêm tốn như ba mươi năm về trước, cho dù bây giờ ngôi quán lụp xụp đã lên tường sáng sủa và lát bóng gạch men hoa. Quán “Thuỷ hử” chỉ còn lại cái tên, trong ký ức một số lớp người cũ như bọn tôi. Vì sao gọi là quán “Thuỷ hử”? Có lẽ phải nói qua chỗ này một tý. Xưa, đây là khu chợ giời, có trại tế bần nằm đây, nơi tập trung dân cư tứ chiếng, phu xích lô, phu bốc vác ga Hàng Cỏ... Dân đánh Tây quanh khu vực đều chạy về đây. Tây say lảng vảng mò vào đây đều ăn đòn. Cụ cả Vạch chủ quán là người “chứa chấp” đám này, mật thám đều nói vậy, và cụ cũng đã vài ba lần bị điệu về bót tra khảo. Anh em phe ta hoạt động nội thành rải truyền đơn, cắm cờ trên nóc bốt cảnh sát địch cũng trà trộn ở đây, chẳng hạn như Lưu Toét là khách thường xuyên có mặt. Khi ta về tiếp quản thủ đô, quán vẫn nhộn nhịp như xưa. Nói lều thì đúng hơn, ba bề trống hoác, ngoài lá trong lợp tôn. Nền đất cũng như ngõ đất - bấy giờ còn gọi là ngõ Sinh Từ - góc che vách bếp đều trát đất. Khách mới, có thêm một số anh em văn nghệ sĩ từ các chiến khu về. Quán chỉ bán từ sáu giờ chiều, gần như sáng đêm, hầu như giờ nào cũng lai rai có khách bởi các chuyến tàu đi về. Một cút rượu một hào, tô cháo gà năm xu, hai xu đĩa lạc, ba xu đĩa đậu rán... Chỉ đôi ba hào, có thể mời bạn bữa rượu tươm tươm. Lần đầu tiên, anh Nguyễn Huy Tưởng đưa tôi đến đây vào một buổi chiều mưa rét, cuối năm 1955.

 

- Chỗ nào ta cũng phải biết. Khắp chốn, đủ mọi lớp người! - Anh động viên tôi rồi bước vào cười với ông chủ quán: “Giới thiệu cụ, một khách mới. Anh bạn tôi đây, người Sài Gòn!”.

 

Cụ cả Vạch người cao to, đậm đạp, trông dữ tướng (vốn là tay giỏi võ) nhưng lại có đôi mắt và nụ cười mỉm mỉm rất hiền:

 

- Rước hai ông vào! Mưa gió thế này...

 

Anh Tưởng vui vẻ đỡ lời:

 

- Thì càng thêm ấm cúng chứ sao, cụ!

 

Chúng tôi vừa mắc áo mưa bên cột xong, quay lại đã thấy mấy ông khách ở bàn giữa dồn lại, lấy chỗ cho chúng tôi ngồi và người nào cũng khẽ gật đầu chào anh Tưởng. Sau tôi mới biết, anh cũng chẳng rõ họ là ai, có thể quen mặt ở quán, có thể họ biết anh qua cụ Cả cũng nên.

 

Anh Nguyễn Tuân thỉnh thoảng cũng đến đây. Hầu như gần khắp mặt “danh sĩ Bắc Hà”,từ Nguyên Hồng, Tô Hoài, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Xuân Phái, Hoàng Trung Thông, Như Phong, Huyền Kiêu, Thanh Châu, Mai Văn Hiến...

 

Quán “Thuỷ hử” là do hoạ sĩ Nguyễn Sáng đặt. Anh em quen gọi, lâu ngày thành tên. Chẳng biết do ai xướng xuất, mặc nhiên Nguyễn Huy Tưởng được suy tôn thành một Tống Giang.

 

Khi anh Tưởng mất rồi, có lần cụ cả Vạch bùi ngùi bảo tôi:

 

- Con người hiền lành, đức độ, ai cũng mến cũng quý. Vậy mà Trời chỉ cho ăn có bao nhiêu lộc đó. Tạo hoá thật là bất công. Chẳng biết ngày xưa ông Tống Giang trong truyện Tàu mẹo thu phục hào kiệt thế nào, chứ tôi thấy ông Tưởng đúng là bậc hiền giả, tự cái đức nó chinh phục mọi nhân tâm, mà ông còn hơn Tống Giang về mặt tài hoa, trí lự...

 

Phải nói, ai tiếp xúc với anh cũng đều có cảm tình ngay. Nguyễn Huy Tưởng là người được nhiều giới trong văn học nghệ thuật yêu bằng tình bạn, tình thầy trò và kính nể, không như đối với người có chức quyền.

 

Ngày anh mất, giới sân khấu cải lương: Sỹ Tiến, Sỹ Hùng, Tuấn Sửu, Ngọc Dư, Kim Xuân, Lệ Thanh v.v. tác giả diễn viên đều đi đưa đám anh. Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Sỹ Ngọc, Phan Kế An, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm... nói chung anh em hoạ sĩ đều rất quý anh. Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện thì càng thân tình, rất quý mến anh. Việt Dung viết Chiếc vai cày được anh hết sức nâng đỡ, xây dựng lúc còn ở Việt Bắc (Tuyên Quang). Một nhà văn như Nguyễn Huy Tưởng gặp Việt Dung bấy giờ là người viết mới, trong tình thầy trò còn thắm thiết một tình bạn. Cho đến bây giờ, Việt Dung vẫn thường tâm sự với anh em: “Tôi rất muốn dựng được một vở kịch, hay chuyển thể một vở kịch, một tiểu thuyết của anh Tưởng ra cải lương, ra chèo để diễn ở thủ đô. Như Sống mãi với Thủ đô chẳng hạn. Nhưng còn ngại sức mình, mãi chưa dám làm. Giá được người trình độ như anh Tưởng đứng ra làm, tôi sẽ theo, góp thêm chút nào đó của phần mình. Điều tôi vẫn hằng nghĩ và áy náy, nhiều lúc đến xốn xang...”.

 

Anh em văn nghệ quân đội danh rạng ngày nay như Hồ Phương, Hữu Mai, Hoài An, Từ Bích Hoàng v.v. đều quý anh, ơn anh. Lớp bộ đội 308 mở ở Phúc Trìu, Hồ Phương viết Thư nhà, Siêu Hải viết Voi đi... đã được anh hết sức động viên, khuyến khích. Đường lối văn nghệ của Đảng, kinh nghiệm, kiến thức của anh có bao nhiêu, anh mang hết ra truyền lại, hướng dẫn cho lớp trẻ. Trước tiếp quản thủ đô, anh chỉn chu lo mở lớp cho đoàn văn nghệ sĩ từ trong thành ra vùng tự do học tập (trong đó có nhiều anh chị em sân khấu cải lương). Về lại thủ đô ít lâu, anh đôn đốc, đứng ra mở ngay một lớp ở Khương Thượng - vừa là lớp hướng dẫn, vừa là trại viết - cho Chu Văn, Ngô Ngọc Bội, Châu Diên, Vũ Thị Thường, Văn An... giờ đều thuộc hàng những cây bút tên tuổi của cả nước.

 

Tết 1955, tôi viết Đèn tôi bay về Lục Hồ Chí Minh và sau đó viết thêm bài ký Cây đước Cà Mau, anh đến chơi, tươi cười bảo tôi: “Thấy vảy thấy cựa, có mã rồi đấy. Đứng được trường chọi, cậu còn phải nỗ lực cố gắng, mất nhiều “tử công phu” đấy!”.

 

Khi thì anh gọi tôi bằng cậu như em út, lúc thì gọi tôi bằng ông “tớ tớ ông ông” như trang bằng vai phải lứa, chẳng kể tuổi đời tuổi nghề, chẳng hề phân biệt chiếu dưới chiếu trên. Điều anh luôn nhắc nhở tôi là “chú trọng sắc thái địa phương nhưng đừng có abuser(2) ngôn ngữ” và luôn dặn dò tôi phải chịu khó ghi chép hằng ngày (như Tô Hoài) và “khiêm tốn học tập”. Nói chuyện công việc nghề nghiệp, anh phân tích kỹ thế nào là cá tính và tính cách nhân vật, thế nào là đột phát, xếp intrigue(3)là thế nào, để làm gì... Xem cách làm việc nghiêm túc của anh, tôi không ngờ anh thận trọng, chu đáo, tỷ mỷ đến vậy. Nhân vật của anh đều có từng bản lý lịch riêng. Nhân vật phải có nghề nghiệp, anh nhấn mạnh - thậm chí địa bàn hoạt động của họ ngay trong một huyện, xã, chỗ nào nhà ở, đình chùa, sông núi cũng vẽ thành bản đồ - tất nhiên là tất cả đều do anh tạo nên, chưa nói tính chính xác của giai đoạn lịch sử thời kỳ đó phải được bảo đảm hết sức tôn trọng.

 

Sau đợt đấu tranh chống “Nhân văn Giai phẩm”, đã xác định, củng cố lập trường tư tưởng, Đảng chủ trương tất cả anh chị em văn nghệ sĩ miền Bắc cần thiết phải có đợt thâm nhập thực tế mới, do tuỳ thích tự chọn. Ai cũng gọn ghẽ ba lô, hăm hở lên đường. Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Văn Cao về nông trường Điện Biên. Ba tháng, từ nông trường quân đội của sư đoàn miền núi xa xôi này, ba lần anh viết thư về cho tôi kể nhiều chuyện lý thú, và lần nào cũng khuyên tôi chú trọng giữ gìn sức khoẻ, động viên tôi cố gắng “làm được một cái gì”. (Bấy giờ tôi đang ở huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình, Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng... thì ở cảng Hải Phòng). Anh Nguyễn Tuân còn gửi kèm cho tôi một chiếc lá ban xanh - mà anh bảo nó là con bướm xanh hay một vó câu xanh - và gạch thêm: L’enfantement de l’oeuvre commence toujours dans la douleur et se prolonge dans la joie du prochain...(4)Và nói, “ông đừng tìm tòi, tưởng câu này là của nhà văn nước nào. Nó là của mình. Mình và Tưởng viết thư cho ông, đang hứng thì nó bậy bạ buột ra tiếng Tây như vậy đó thôi!” (Thư ngày 26 tháng 10 năm 1958). Trở về Hà Nội ít lâu, anh Tưởng viết xong tiểu thuyết Bốn năm sau nói về những con người trồng cam của một nông trường quân đội, dựa trên thực tế chuyến đi. Nguyễn Tuân cũng viết xong một truyện, một scénario, làm được một bài thơ khá hay, chưa kể thu nhiều ghi chép.

 

Từ những năm mới về thủ đô cho đến khi anh lâm bệnh, qua đời, Nguyễn Huy Tưởng vẫn hay rủ tôi đi ăn, đi chơi. Có khi tình cờ gặp nhau ngoài phố, có khi nhân việc gì đó tôi đến anh, mà thường là anh chủ động tìm đến, rủ tôi. Anh hay bảo anh Tuân: “Ta phải dắt thằng cu này - trỏ tôi - đi chơi, cho nó thấy qua Hà Nội, kẻo nay mai, nó về mà chưa kịp hiểu biết gì!”. Lệ thường ai rủ phải bao. Anh Tưởng giống Nguyễn Tuân chỗ hay rủ. Hôm nào, lâu không có nhuận bút, túi không xủng xoảng thì Nguyễn Huy Tưởng cười tuyên bố luôn: “Bữa nay KAMA đấy nhé!” (KAMA là không ai mời ai, là cùng góp vào, tiếng lóng các anh quen dùng hồi ở chiến khu).

 

Từ Đại lầu đến Hoan lạc viên của người Tàu, đến bà bún thang đeo chuỗi ngọc xanh trong chợ Đồng Xuân, bà nem chua giò chả ở chợ Hàng Da, ông kính cận canh giò sấu phố Hàng Buồm, ông Văn Phú ếch tẩm bột rán phố Ga, ông Sinh thịt chó chợ hoa Cống Chéo, bà cụ chả cá phố Hàng Lược... từ ông quán cởi trần mặc quần đùi, đến ông quán mặc Tây đeo cà vạt, đến bà quán tóc trần cuốn làn khăn nhung, mặc the tứ thân nâu, trịnh trọng đưa cơi trầu ra mời khách quen xưa (Tưởng - Tuân) giọng chậm rãi, đặc người Hà Nội cũ: “Ối dào! Các ông đã về. Thật là quý hoá quá. Chẳng hay quý ông nhậm chức đây hay rồi còn phải đổi đi đâu...”. Nói chung, hầu khắp kiểu người, kiểu quán tiệm Hà Nội còn rớt lại khi ta mới về, anh đều lần lượt đưa tôi đi khắp. Tất nhiên các khu lao động, nhà máy, bến phà, các làng hoa, thắng cảnh ngoại thành ven Hồ Tây là những nơi anh đưa tôi đến trước tiên. Đêm trung thu, anh dắt tay tôi đi Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Mã - Hàng Đường xem các nhà còn giữ tục bày cỗ... Và từng chập anh dừng lại, bảo quãng này hồi toàn quốc kháng chiến, tự vệ thủ đô đã đục tường xuyên suốt cả dãy để tử thủ chiến đấu, chỗ kia đồng bào thủ đô đã lôi cả bàn ghế giường tủ ra làm vật chướng ngại, chỗ nào “Sao vuông” ôm bom ba càng đâm vào tăng địch, giữ khu chợ Đồng Xuân, v.v. Tết Nguyên đán, chiều ba mươi nào anh cũng đến thăm anh em viết miền Nam, thăm Đinh Quang Nhã, Hồ Thiện Ngôn, Hoàng Tố Nguyên, ... đem biếu bánh chưng, chuyện chơi cho anh em đỡ nhớ nhà. Anh thường ca ngợi Xích Liên (tức sư Thiện Chiếu) về sự uyên thâm, thán phục Trần Văn Giàu về tài hùng biện, từng “thách thức bọn Quốc dân đảng tranh luận trong cuộc mít tinh trước Nhà hát Lớn, mà chúng nó chịu im như thóc”...

 

Hè năm 1983, Marian Tkachev(5) sang Hà Nội, đêm uống rượu tại buồng tôi (có Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng) anh cứ nhắc mãi Nguyễn Huy Tưởng:


- Mùa đông năm 1959, lần đầu tiên từ Liên Xô sang Việt Nam, tôi cũng ngồi tại buồng này với ông, ông Tưởng, ông Tuân. Hôm đó, ông Tưởng còn mang tới thêm món tái dê... - Rồi anh thở dài, mặt buồn buồn. Trong các buổi trò chuyện về sân khấu, Marian Tkachev hay nhắc anh Tưởng, tiếc người “tài hoa mệnh bạc”, hay nhắc “Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài” và anh cho đó là “vở kịch hay nhất của ông Tưởng, hơn cả Bắc Sơn, Luỹ hoaNhững người ở lại...

 

Những ngày ốm nặng, trước cái chết đến từng ngày, Nguyễn Huy Tưởng vẫn bình tĩnh, can đảm, thản nhiên như không. Anh em cho là anh không biết bệnh. Không đâu. Anh rất biết, nhưng vẫn làm ra vui vẻ. Kim Lân xót quá, đề nghị Hội Nhà văn cho được vào bệnh viện ở liền với anh, một phần cũng lo chị Uyên (vợ anh) yếu về tinh thần, các cháu đều còn nhỏ (bấy giờ Huy Hiền là con gái lớn đang học ở Đức). Nhiều lúc bệnh chuyển nguy, trông anh mệt mỏi rã rời, mà Nguyên Hồng vào thì anh tỉnh táo hẳn, ngồi dậy, chuyện trò hoạt bát. Nguyên Hồng lòng đau như cắt, vẫn cố pha trò, kiếm chuyện nói ba lơn cho anh vui. Và anh vui thật, cứ cười luôn.

 

Sổ tay tôi còn ghi tóm tắt vài dòng, hồi mới biết anh:

 

“Nguyễn Huy Tưởng

Trí thức - Đôn hậu - Hàng danh sĩ quốc gia. Người quê Dục Tú (Bắc Ninh) xưa là công chức ở Hải Phòng, Hà Nội - Hoạt động Truyền bá quốc ngữ trước Cách mạng tháng Tám. Đảng viên. Kháng chiến ở Việt Bắc”.

 

Ngày đó, tôi chỉ mới biết có vậy!

*
* *

Hôm gặp Nguyễn Sáng ở quán “Thuỷ hử”, anh vui lắm, mặt mày đỏ lơ đỏ lưởng như gà chọi, hất hàm hỏi tôi:

 

- Hôm mình khai mạc triển lãm, ông đi đâu?

 

- Ở đây... Nhưng mình quên mất. Đầu óc mụ mị thế nào ấy!

 

- Trời, có mặt đông đủ bạn bè. Chỉ thiếu ông Tưởng! Mình nhớ nhất Tưởng!

- Ông thấy anh Tưởng thế nào... Tôi vừa kịp nghĩ sao mình lại lẩm cẩm hỏi Sáng một câu vô duyên thế, nhưng chưa kịp biết nên nói thế nào để gỡ lại, thì Sáng đã điểm điểm ngón tay lên bàn, cười xác định:

 

- Artiste et écrivain éménte - Chevaleresque et bon papa!(6)

- Sao dạo này ông sính nói tiếng Tây thế?

 

- À, mình đang hứng, đang vui, mà Tưởng lúc vui lúc hứng cũng thường hay chêm tiếng Tây! Mà sao trông ông có vẻ buồn vậy ?

 

- Không vui mà cũng không buồn. Nó cứ bâng khuâng thế nào ấy!

 

- Vậy là ông tính xa anh em chứ gì? Về gửi xương tàn ở đất quê à?

 

Tôi uống cạn cốc rượu để nén một tiếng thở dài:

 

- Ở Hà Nội thì mình nhớ Sài Gòn, về Sài Gòn thì mình lại nhớ Hà Nội! Đâu là quê? Cũng chẳng biết. Ba mươi năm vui buồn sống chết với thủ đô. Một nửa đời người...

 

Nguyễn Sáng có vẻ bị lây cái buồn của tôi, đăm chiêu:

 

- Ngồi đây, nhiều lúc mình cứ nhớ ông Tưởng.

- Có lẽ chính vì thế mà tôi mò đến đây.

- Để từ biệt một kỷ niệm?

 

Tôi cầm cốc rượn đã cạn lên, nhìn giọt rượu lăn lăn trong lòng đáy, gượng cười với anh:

 

- Thì ông chẳng đã vừa bảo tôi, trước sau gì rồi cũng phải về mà! Nhẽ đành phải vậy!

*
* *

Chiều phương Nam, giữa Thành phố Hồ Chí Minh, tôi se thắt đi tìm lại hình bóng một con người mà định mệnh trớ trêu khiến anh chưa kịp đặt bước tới đây.

 

Hoa ngọc lan vườn ai xao xuyến sau mưa, đằm hương đến vậy!

 

Thôi thì cứ xem như Nguyễn Huy Tưởng đã có mặt ở đây, mà còn ở lại với đồng bào Sài Gòn và anh em chúng tôi mãi mãi rồi. Cứ nghĩ thế cho nó ấm lòng “kẻ dương gian, người âm cảnh”.

 

ĐOÀN GIỎI

17 tháng 5 năm 1985

(Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 26-7-1985)

--------------      

(1) Bài viết nhân sự kiện Thành phố Hồ Chí Minh đặt tên đường Nguyễn Huy Tưởng, trong dịp thành phố kỷ niệm 10 năm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. (chú thích của người biên soạn)

(2) Tiếng Pháp: lạm dụng.

(3) Tình tiết.

(4) Tạm dịch: Sự thai nghén tác phẩm luôn bắt đầu trong nỗi đau và trải dài trong niềm vui sẽ tới.

(5) Marian Tkachev: dịch giả Liên Xô, dịch sang tiếng Nga nhiều tác phẩm của các nhà văn Việt Nam, có quan hệ thân thiết với nhiều nhà văn Việt Nam.

(6) Tiếng Pháp: Nghệ sĩ và nhà văn ưu tú - Ông bố hào hiệp và tốt bụng.

Các Bài viết khác