NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGUYỄN HUY TƯỞNG: “ĐẤT NAM KỲ LÀ ĐẤT TIỂU THUYẾT”(*), Phần 1

( 21-03-2014 - 04:39 PM ) - Lượt xem: 1169

Anh đến với chúng tôi bằng tình cảm của một người anh. Và chúng tôi cũng đối lại với anh bằng sự kính trọng và thương mến của những đứa em. Không hiểu sao anh thương chúng tôi? Vì chúng tôi ngơ ngác trước ngưỡng cửa nghệ thuật chăng? Vì chúng tôi ly hương chăng? Cũng như anh Tô Hoài nghe tôi than “viết không được” thì đến, đem cả sách tặng…

Trước nhất và thường xuyên nhất, anh Nguyễn Huy Tưởng đến chơi với tôi. Và một lần nọ, anh bảo bọn trẻ Nam Kỳ chúng tôi câu nói đó.

Anh chỉ viết tiểu thuyết và truyện dài, chớ không viết truyện ngắn. Cái ngắn nhất của anh cũng 200 trang. Anh viết đủ loại, kể cả tiểu thuyết lịch sử và truyện cho thiếu nhi.

Anh đến với chúng tôi bằng tình cảm của một người anh. Và chúng tôi cũng đối lại với anh bằng sự kính trọng và thương mến của những đứa em. Không hiểu sao anh thương chúng tôi? Vì chúng tôi ngơ ngác trước ngưỡng cửa nghệ thuật chăng? Vì chúng tôi ly hương chăng? Cũng như anh Tô Hoài nghe tôi than “viết không được” thì đến, đem cả sách tặng…

Anh đi chơi với chúng tôi cũng thường hơn các anh khác. Trong câu chuyện vui, bao giờ anh cũng xen vào vài câu chuyện văn học để dạy chúng tôi một cách khéo léo, không ra vẻ đàn anh.

 

KHÔNG KHÍ CỦA TRUYỆN

Một hôm đọc xong bản thảo của Nguyễn Quang Sáng, anh đem trả và mừng rỡ nói:

- Nhân vật ông Năm Ịnh kéo đàn cò được lắm, có không khí lắm.

Anh và anh Tuân cũng đều khen Đoàn Giỏi gây không khí rất hay. Cái không khí của truyện là rất cần thiết, tức là bối cảnh chung quanh nhân vật làm cho người đọc cùng sống với nhân vật.

Thí dụ khi các cậu tả một bữa tiệc thịt chó, thì sự ăn nhậu phải khác với bữa giỗ, hoặc bữa tiệc mừng chiến thắng. Khác về thức ăn đã đành, còn lời nói, cử chỉ, các nhân vật cũng khác luôn. Tả các món thịt chó cho người đọc thèm rỏ dãi, cho nhân vật cụng ly bốp chát, cười nói rổn rảng. Lúc đầu tiên còn tỉnh táo, lúc quá chén thì ăn nói bạt mạng. Nhậu hết đế chạy đi mua. Đến lúc đã quá thì xách đờn ra mần sáu câu thiệt muồi v.v…

Đó gọi là không khí của câu chuyện nhậu thịt chó. Chứ nếu các cậu mô tả nó nghiêm trang lễ mễ, thì tiệc gì khác chớ không phải là tiệc thịt chó.

Không khí của truyện là cái bể bơi của nhân vật. Và nhân vật về phần nó, nó lại chính là kẻ tạo ra một phần cái không khí ấy. Tôi lấy ví dụ như các cậu tả một buổi rước dâu, vài loạt pháo ở ngõ với trẻ con bu lại lượm xác pháo tịt ngòi dưới hai chữ “Vu Qui” kết bằng hoa treo ở đầu ngõ. Thế là có không khí đám cưới rồi. Kế đó, đàng trai kéo tới, ông trưởng họ bưng khay rượu dừng lại ở ngõ, rót rượu mời trưởng tộc đàng gái, rồi hai bên cùng vào nhà. Bàn thờ tổ tiên được trang hoàng rực rỡ… Cô dâu bước ra chào hai họ. Sự xuất hiện của cô dâu thay đổi hoàn toàn cái không khí của gian phòng. Có phải sự xuất hiện đó gây nên cái không khí mới không? Ở ngoài phòng khách bao nhiêu cậu trai liếc ngang, bao nhiêu cô gái núp bên trong nhìn ra v.v… Đó gọi là cái không khí của câu chuyện. Không có nó, chuyện sẽ tẻ ngắt, nhân vật chết khô, như người bơi nằm trong lòng con sông cạn.

 

LÔ-GÍCH TRONG TRUYỆN

Có cả một quyển sách nói về lô-gích gọi là lô-gích học. Nhưng ở đây tôi chỉ nói nôm na ra đó là sự hợp tình hợp lý trong câu chuyện. Nghĩa là khi một chuyện dù nhỏ dù lớn xảy ra, độc giả cũng không cho là vô lý, kỳ cục, trái cựa.

Tôi đã từng nói với các cậu rằng đôi khi ta đẻ ra nhân vật, nhưng ta không điều khiển được chúng. Tại sao? Tại vì: Một là khi thể hiện được câu chuyện thì nhân vật lại vọt ngoài sự kiểm soát của ta. Hai là khi thể hiện ta thấy ở đoạn nào đó câu chuyện không hợp lý, ta phải thay đổi. Do đó nhân vật cũng thay đổi theo. Khi viết ta định bụng cho cô này yêu cậu kia, nhưng khi viết thì thấy cô ấy yêu cậu kia không lô-gích bằng yêu cậu nọ, thế là ta thay đổi. Điều này không lạ gì. Quá trình viết nó kỳ cục lắm. Có khi ta định ở chỗ này anh A sẽ chết, nhưng tới chỗ đó anh ta không chết được mà phải một anh khác chết… Nếu ta cứ khư khư bắt anh ta chết thì câu chuyện sẽ vô lý, nghĩa là không có lô-gích.

Lại ví dụ như trong Chí Phèo. Ở đoạn kết tác giả cho độc giả thấy “cái bụng của Thị Nở u lên” để chuẩn bị cho một Chí Phèo con ra đời. Nếu như ở trước không có vụ tình tự ở vườn chuối dưới chân đê thì độc giả sẽ hỏi: Làm sao lại thế được? Nhưng đã có nhân ở đó rồi, thì cái quả theo sau là lẽ tất nhiên, không có gì là lạ.

Cũng như ở trong Othello, khi chàng ta bóp cổ Desdemona chết, khán giả không ngạc nhiên vì ở trước đó tác giả đã gieo sự hiểu lầm dữ dội là phó tướng của Othello nhận được chiếc khăn tay của nàng vô ý đánh rơi và đi khoe trong quân sĩ rằng khăn của nàng tặng cho mình.

Chuyện lô-gích là đề tài vô tận bàn cãi mãi không kết luận được trong nhiều trường hợp. Ví dụ như cái tai họa thình lình cho gia đình Thúy Kiều. Cái anh chàng bán tơ Mã Giám Sinh – không ai kịp hiểu nó ra làm sao cả khi hắn bảo: “Phải ba trăm lạng việc này mới xong”. Nhiều người cho rằng không lô-gích, nhưng nếu không có cái tai họa này thì sẽ không có việc Kiều bán mình chuộc cha và do đó không có Truyện Kiều.

Cũng như trong Đoạn Tuyệt, cái chết của Dũng không do Loan gây ra, Loan không cố tình hạ sát Dũng mà tại Dũng vác dao đuổi theo Loan rồi vấp ngã, mà bị dao xốc chết.

Cái chết thật là kỳ lạ! Trong lịch sử giết người trường hợp này rất hiếm xảy ra. Nhiều người cho đó là một sự bịa đặt, dựng đứng, không lô-gích, nhưng nếu không có cái chết này thì truyện sẽ kết thúc bằng cách nào?

Cũng như Xuân Tóc Đỏ. Từ đầu tới cuối, tác giả bỏ cả luật lô-gích để dựng nên một thằng cu con lưu manh trở thành một anh hùng cứu quốc mà cả quan Toàn Quyền cũng phải biết ơn và tặng mề-đay.

Trong ba trường hợp trên cái không lô-gích lại trở thành lô-gích, một loại bút pháp cao cường. Nói tóm lại, lô-gích là một thứ qui luật, nhưng ở đời, nhất là trong văn học lại có nhiều điều vượt cả quy luật.

“Tôi ôm thiếu nữ vào lòng

Người yêu bỗng biến thành bông hoa rừng.” (Thế Lữ)

Hai câu này có lô-gích không? Hoàn toàn phản lô-gích, nhưng lại rất lô-gích. Rất vô lý nhưng lại rất có lý. Nhà văn còn phải hệ lụy về cái luật này, còn nhà thơ thì hầu như không.

 

VẤN ĐỀ TÂM HỒN

Trên tất cả các vấn đề tôi đã kể với các cậu, là vấn đề tâm hồn. Vấn đề này rất mênh mông, hơn nữa rất trừu tượng. Nó đề cập trực tiếp tới người nghệ sĩ. Người ta thường nói “tâm hồn nghệ sĩ”. Tâm hồn là cái giống gì? Người không phải là nghệ sĩ có tâm hồn không? Ai cũng có tâm hồn cả. Tâm hồn là sự cảm xúc của một người trước một cảnh vật, hay một sự việc. Đứng trước một buổi mặt trời mọc, một đóa hoa đang nở hay một cánh đồng lúa chín…, ai mà không cảm thấy vẻ đẹp? Nhưng tâm hồn người nghệ sĩ có khác, ở chỗ là người nghệ sĩ cảm xúc rồi mô tả rồi truyền cảm cho người khác. Hơn nữa, người nghệ sĩ cảm nhận được cả những cái đẹp mà người thường không nhận thấy hoặc thấy mà không mô tả được. Có phải xem tranh “Bên hoa huệ” các cậu thấy thiếu nữ trong tranh đẹp hơn thiếu nữ bên ngoài không? Có phải khi nghe câu hát “Lá đào rơi rắc chốn Thiên Thai / Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi” các cậu tưởng mình lạc Thiên Thai không?

Đó là sự cảm xúc và mô tả của nghệ sĩ. Hay đó chính là tâm hồn nghệ sĩ.

Và đây nữa:

Vầng trăng từ độ lên ngôi

Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ

Để tóc vướng vần thơ sầu rụng

Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo

Năm năm tiếng lụa quay đều

Những ngày đông giá, gió vèo thân cây

Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay

Mùi hương hàng xóm bay đầy mái hiên.

(Lưu Trọng Lư)

Các cậu thấy tâm hồn người nghệ sĩ hiện lên rất rõ. Bài thơ chẳng có gì ghê gớm cả, nhưng mà hay vô tả. Chẳng cần phải leo thang làm chi cho mệt!

Nhưng mỗi nghệ sĩ có một tâm hồn. Đọc Nguyễn Bính các cậu không lẫn với Thế Lữ. Đọc Thạch Lam, các cậu không lẫn với Vũ Trọng Phụng được. Cũng như khi xem họa phẩm các cậu không thể lẫn Nguyễn Tư Nghiêm với ai khác. Các ông lớn không hiểu rằng sự “cong queo” trong đường nét của anh ta là nghệ thuật, là cá tính, là cái điệu tâm hồn của anh ta. Nếu bắt ai cũng vẽ ngay ngắn đủ mắt đủ tai, đủ hai bàn tay mười ngón thì Picasso là thằng điên chứ không phải là danh họa. Người Pháp mở “sâm-banh” ăn thịt bò hàng ngày, tính tình phóng túng tự do nên đẻ ra một Picasso, còn dân ta nghèo khổ chỉ có Tô Ngọc Vân và Bùi Xuân Phái thôi. Tâm hồn của Tô Ngọc Vân rất chân thực, bình dị. Còn Bùi Xuân Phái muốn vượt ra cái nhỏ hẹp của đời sống nhưng cũng chỉ chừng mực nào. Pavlenko nói: “Văn chân chính phải dám tiêm vào mạch máu của dân tộc những nhân tố mới bằng ngòi bút của mình.” Chúng ta chấp nhận cái mới nhưng không thể nào rời bỏ tâm hồn dân tộc để mô tả người Việt Nam thành một người khác. Chúng ta không thể quên ca dao:

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu sửa mình

(Nguyễn Đình Chiểu)

Hoặc :

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Đó là tâm hồn dân tộc ta, muôn thuở không thay đổi. Hịch Tướng SĩBình Ngô Đại Cáo là những áng văn bất hủ vì nó mang trọn vẹn tâm hồn dân tộc ta. Các cậu sẽ thấy lòng tự hào của người Nga qua truyện ngắn Bản Chất Dân Nga của Tolstoi. Ông đã tiêm vào tâm hồn dân tộc ông một liều thuốc tự hào. Tôi đã đọc hàng trăm bản thảo viết tay của nhà xuất bản nhờ cho ý kiến. Có những bản thảo rất ngay ngắn, lý lịch nhân vật rất rõ ràng, thành phần cơ bản ra phết, lập trường vô sản không chê vào đâu được, nhưng đọc xong tôi không thể cho in, vì nó không mang lại một tý rung cảm nào, chẳng khác đọc bình luận của báo. Ngược lại nhiều khi chỉ đọc vài trang nhem nhuốc lôi thôi, thậm chí trật cả chính tả, nhưng tôi thấy lóe lên khả năng một cây bút viết truyện. Người viết có tâm hồn. Có rung động mãnh liệt, nên mới truyền cảm được. Một cây dương cầm có những phím gỗ điếc thì làm sao đánh ra nhạc làm cho người ta nghe! Chúng tôi đã từng đến sông Lô, thậm chí có đứa dự cả trận đánh này, nhưng có thằng nào viết ra nổi một bài nhạc như Sông Lô của Văn Cao đâu. Phải công nhận Văn Cao là một tâm hồn nghệ sĩ lớn của nước ta. Bài nào của anh cũng hay cả, không một nhạc sĩ nào với tới, cả đề tài hiện đại lẫn đề tài lịch sử.  

Lý Bạch rót rượu ra thơ. Ta có thể uống cả hũ mà chẳng ra câu nào. Lý Bạch nhẩy xuống nước ôm mặt trăng mà chết. Tolstoi bỏ nhà ra đi giữa đêm tuyết xuống và bị bão tuyết vùi chết. Hai cái chết, một tâm hồn nghệ sĩ. Người đời vẫn hiểu, vẫn yêu hai ông. Nếu Thạch Lam nói: “Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không chớ không phải học mà nên, muốn mà được!” Thì tôi cũng có thể nói: “Tâm hồn nghệ sĩ là của trời cho! Đừng nên bắt chước. Hãy làm một cái gì của riêng mình.”

 

MÀU SẮC ĐỊA PHƯƠNG

Lại ví dụ nữa: Nếu các cậu tả một buổi gặt hoặc một buổi cấy ở miền Nam, thì nên nhớ đừng làm cho độc giả miền Bắc nhầm tưởng là buổi gặt và cấy kia xảy ra ở ngoại thành Hà Nội, hoặc ở Hải Dương, Ninh Bình. Ngoài cái khoáng đạt của đồng quê miền Nam, các cậu còn những cánh cò, những câu hò đặc sắc địa phương và sự rộn rịp của ngày mùa của miền Nam. Tôi không rõ nhiều, nhưng nên nhớ là miền Nam khác miền Bắc, đó gọi là màu sắc địa phương (couleur locale). Cái hơn của một ngòi bút là ở chỗ màu sắc địa phương. Đọc Nguyễn Tuân các cậu thấy bàn đèn khói thuốc phiện Hà Nội, trò đánh thơ, thả thơ, đi võng, đi kiệu của Hà Nội thời xưa, đọc Tô Hoài, các cậu thấy cả làng thợ dệt. Hát Văn Cao, thấy quê hương trong vài nét chấm phá:

Làng tôi xanh bóng tre

Từng tiếng chuông ban chiều

Tiếng chuông nhà thờ rung

Làng tôi xưa đồng quê yêu dấu

Bóng cau với con thuyền một dòng sông…

Hoặc:

Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc

Bãi dài ngô lau, núi rừng âm u,

Thu du bến sóng vàng,

Từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu…

Đó vừa là không khí, vừa là màu sắc địa phương. Văn Cao đã vẽ nên bức tranh tuyệt tác lôi cuốn người xem đắm mình vào trong đó một cách mê say.

 

QUỐC GIA, QUỐC TẾ

Bây giờ nói lý luận nhé: Quốc tế và quốc gia, con người nào trên thế giới cũng có hai tay hai mắt giống nhau. Nhưng ở mỗi quốc gia con người lại khác. Pháp mắt đục, tóc hoe, Việt Nam mắt đen, tóc đen, tiếng nói lại càng khác, không phải khác ngôn ngữ mà thôi. Đây tôi nói cách phát âm, vì phong thổ, địa dư, nên mỗi dân tộc nói giọng khác nhau. L’Allemand crache, l’Italien chante, le Français parle. Người Đức (nói như) khạc, người Ý (nói như) hát, chỉ có người Pháp nói như nói, nghĩa là bình thường. Còn người Việt Nam thì nói cũng như nói, có khi hát, có khi ngâm thơ trong câu chuyện bình thường.

Cùng là “nói”, nhưng mỗi dân tộc nói một cách khác. Cùng là yêu, nhưng Pháp, Thụy Điển yêu không như Việt Nam.

Cậu thử dịch:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Dù dịch thoát mấy đi nữa, dân Âu châu cũng không hiểu được câu ca dao đó.

Danh cầm David Ostrak sang Hà Nội, không đàn bài gì mà chỉ đàn:

Thương nhau cởi áo cho nhau,

… Cây trúc xinh xinh…

Nhưng chắc gì anh ta hiểu được những bài ấy? Và chắc anh ta cũng không hiểu dân tộc ta qua những bài hát của các đoàn Tzigane Rumania.

Anh phải mô tả người Việt Nam mà anh yêu mến, sống hay đó chính là bản thân anh. Quốc tế họ sẽ hiểu Việt Nam như anh mô tả. Vậy thì không có con người quốc tế, không có nghệ thuật quốc tế. Nghĩa là về mọi phương diện nhạc, văn, họa, không có cái nào gọi là có màu sắc quốc tế cả, mà chỉ có màu sắc quốc gia thôi. Nhiều quốc gia họp lại thành quốc tế, không có quốc gia thì không có quốc tế. Vậy quốc gia là cái nền, chứ không phải quốc tế. Không có một thứ nghệ thuật nào tiêu biểu cho mọi quốc gia. Trong âm nhạc khó nói cho tách bạch, nhưng trong tiểu thuyết thì rõ hơn nhiều. Đọc Sông Đông Êm Đềm [tức Tikhy Don của Mikhail Sholokhov - Chú của Nhà xb) các cậu hiểu con người Nga, vùng này có lối cưỡi ngựa Can Mức (Kalmyk), ngồi nghiêng nghiêng trên mình ngựa, các cậu không thể nhầm anh chàng Gơ-ri-gô-ri với anh chàng André trong Bão Tố hoặc ông Tư U trong Cá Bóng Mú của Đoàn Giỏi ở sông Cửu Long được. Nếu khi đọc một tác phẩm về “Sông Cửu Long” mà dịch ra, độc giả nhầm với Sông Đông là hỏng rồi! Các cậu sẽ phải viết về Cửu Long Giang chớ? Johann Strauss viết Danuble Bleu thì sao các nhạc sĩ miền Nam lại không viết được Cửu Long Bleu? Đỗ Nhuận viết Hồng Hà ơi, Văn Cao viết Sông Lô đó, Nguyên Hồng làm thơ “Cửu Long Giang ta ơi!” có mấy câu thật hay: “Ngẫm nghĩ voi đi, Thác Khôn cười trắng xóa”. Nhưng làm sao ảnh viết tiểu thuyết về Cửu Long Giang nổi? Phải chính các cậu viết về Cửu Long Giang thôi, không ai viết thay các cậu được. Hãy cố lên! Nam Kỳ là đất tiểu thuyết, các cậu không viết thì ai? Tôi không thể viết về sông Cửu Long được, có viết thì cũng không bằng các cậu. (Chúng tôi lắc đầu.) Không, tôi nói thật đấy mà! Bây giờ các cậu thử tả cái mưa phùn, cái rét co ro, cái bánh chưng của Hà Nội xem, mười năm nữa, chưa chắc các cậu đã tả nổi những nét bình thường như thế. Nó ở trong máu nhà văn! Sholokhov là dân Cô-dắc (Cosaques) gốc sông Đông, cho nên quyển tiểu thuyết của ông ta đầy chất Cô-dắc mà Ehrenhourg cũng không viết nổi. Văn chương nói thì nghe dễ lắm, nhưng tả một ly rượu Vodka uống với dưa chuột muối được như Sholokhov là không dễ. - Cũng như Hồ Xuân Hương tả một cảnh đánh đu với 56 chữ thì không phải nhà thơ thế giới nào cũng hiểu được, đừng nói chi làm.

Anh cười ha hả, sảng khoái, thích thú:

- Tôi nói ba lăng nhăng như vậy, để nói một điều này: “Couleur locale!” Đó là cái mà các cậu phải nhớ. Anh Nguyên Hồng bảo tôi: Trông mấy thằng Nam bộ đập cái “hột vịt lộn” cũng khác mình. Đó là bản sắc của các cậu. Hôm nào gặp ảnh, các cậu thử hỏi xem khác ở chỗ nào? Anh ấy thích nhân vật Năm Sài Gòn lắm trong lúc ảnh chỉ mơ màng, không hiểu Sài Gòn ra sao cả. Nhưng nội cái tên Năm Sài Gòn cũng đã độc đáo vô cùng – giữa một lô nhân vật Bắc, Năm Sài Gòn sáng chói phi thường, có thua gì Gơ-ri-gô-ri trong Sông Đông Êm Đềm. Quốc tế hiểu dân Nga là nhờ quyển tiểu thuyết này, không phải nhờ gì khác. Tôi hiểu dân miền Nam là nhờ các cậu. Các cậu đừng rụt rè, tự ti. Hãy viết. Viết và viết. Và nên nhớ một điều là các cậu là Nam Kỳ. Đừng có tự cho các cậu lẫn lộn vào các cụ… Bắc Kỳ. Làm thế nào khi đọc các cậu, độc giả biết ngay: “À, thằng này là dân Nam Kỳ!...”

 

PHÂN CHƯƠNG MỤC

- Đó là một ước lệ, một sự lo âu tính toán, một con đường mình nghĩ là mình sẽ đi, một cái biển chỉ đường - anh xua tay bảo - Đó chỉ để mà chơi, không nhà văn nào viết đúng ý định của mình ra giấy dù chỉ 60%. Ngược lại, khi viết có khi ra cái khác hoàn toàn chõi ngược lại ý định của mình, mà ngộ thay, mình cưỡng lại nó không nổi, vì mình thấy nó hay hơn cái ý định của mình trước kia. Nam Cao tả thằng Chí Phèo say bằng một câu tuyệt vời:

- Uống đến đái ra rượu kia mới thích! - Tôi nói.

Anh lắc đầu:

- Đó là câu của Tự Mãn, bạn từ giăng rơi xuống của Chí Phèo. Còn câu của Nam Cao tả Chí Phèo như thế này: - “Có bao giờ một thằng say lại đi đến nơi mà khi ra đi, nó định đến”. Có nghĩa là sao? Là nó định đến nhà thị Nở để làm hung với bà cô của thị, vì bà này cấm không cho thị đến với hắn, nhưng hắn lại đi vào cổng nhà Bá Kiến rồi gây sự ở đây.

Anh cười, tiếp:

- Tất cả nhà văn đều là Chí Phèo say trong việc thực hiện ý định của mình trên giấy. Không một anh nào đi đúng dàn bài dù tỉ mỉ hay đại khái đến đâu, để tới mục tiêu mình đã định trước. Gogol viết quyển đầu của Les âmes mortes (Những linh hồn chết), được Pouchkine khen là tuyệt tác Nhưng sang quyển thứ hai, thứ ba thì không bằng. In ra xong chìm mất tiêu.

Những linh hồn chết thường bẻ, xoay ngòi bút của nhà văn. Nếu như sau này các cậu viết tiểu thuyết mà bị say như Chí Phèo, thì cứ đi như thằng say, nghĩa là cứ viết tới chớ đừng tỉnh lại rồi đi theo cái dàn bài. Tôi đã bị nhiều lần rồi. Minh định sẽ viết như vậy, có khi lại rất cụ thể. Câu cuối cùng sẽ như vầy, nhân vật này sẽ làm như vậy, nhân vật kia sẽ nói như vậy... Thế nhưng chẳng có nhân vật nào nói và làm theo mình, chúng nó nói và làm theo chúng nó - nghĩa là theo cái dòng của câu chuyện. Tôi đành phải xuôi theo. Mình đẻ ra chúng, nhưng lắm khi chúng nó lại chỉ huy mình.

Có lẽ tôi đồng ý với Alexis Tolstoi, viết xong chương trước mới có thể nghĩ tới chương sau. Ngoài ra, chương là gì? Chương cắt riêng ra nên là một chuyện tự nó. Được vậy càng hay, nhưng nếu không được thì hai ba chương liền với nhau có thể tách rời ra toàn truyện mà cũng thành một truyện.

Lỗ Tấn có 9 điều căn dặn, trong đó có một điều quan trọng nhất là “Khả Hữu Khả Vô”, nghĩa là có cũng được, mà không cũng được. Nếu vậy nên bỏ đi cho nhẹ.

Khi các cậu đóng lại một chương thì cũng có nghĩa là mở ra cho một chương khác. Đóng nhưng lại mở. Khi viết, các cậu sẽ hiểu.

Trong một truyện dài, thỉnh thoảng nên có một cái cựa gà! Đó là một chương hoặc một đoạn tách rời ra khỏi cái mạch chính của truyện, vì kẻ viết cũng mệt, mà người đọc cũng mệt, nên cho cả hai đi “xả hơi”, rồi sẽ trở lại. Vậy cái cựa gà là một con đường nhỏ bên đại lộ hay một rạch con bên một dòng sông cái. Những nhà phê bình bảo thế là lạc đề, nhưng họ lắm khi không hiểu đó là sự lạc đường cố ý. Nghỉ ngơi giây lát rồi quay lại, chứ không phải là mất hướng đi.

 

SÁNG TẠO LÀ GÌ?

- Các cậu giở Les Chemins des Tourments ra, ở chương V quyển I (Sombre matin: Bình minh u ám) các cậu sẽ thấy anh chàng thi sĩ Bessonov đã mê hoặc nàng Katia, đến nỗi nàng phải... bỏ ông chồng mà đi đến khách sạn với anh ta. Xong anh ta lại đến ve vãn cô em là Dacha. Thoạt nhìn nàng, anh ta rủ rỉ:

- Em có những nét giống Katia!

Dacha biết ngay chuyện gì đã xảy ra giữa hai người, bèn lập tức xua anh ta ra khỏi nhà.

Đó là một nét để cắt nghĩa hai chữ “Sáng tạo”.

Ví dụ thêm: Khi Dacha có thai với Sergui, thành phố Mạc Tư Khoa tối om vì chiến tranh, nên không có điện. Sergui đi làm về đem cho nàng một trái chanh, và làm cho nàng một ly nước chanh (rất quí vào lúc này), nhưng nàng nếm một tí rồi nhăn mặt:

- Em không muốn vị chua trong lúc này.

(Ý nói là hoàn cảnh khó sống).

Hoặc trong văn ta, hai chữ “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố, dù chỉ hai chữ nhưng là cả một sự sáng tạo. Còn nói về một quyển tiểu thuyết đầy sáng tạo thì phải kể Số Đỏ. Vũ Trọng Phụng đã sáng tạo nên cả một bức tranh xã hội đương thời bằng một nhân vật Xuân Tóc Đỏ. Nó chỉ có sơ sài phơn phớt ở ngoài đời, nhưng tác giả đã dựng lên cả hồn lẫn xác. Từ một anh cu nhặt banh mướn mà trở thành anh hùng cứu quốc.

 Thật ly kỳ! Những nhân vật cụ Cố, bà Phó Đoan, ông Minh, bà Văn, cô Tuyết, ông Phán mọc sừng, cụ lang Tỳ, lang Phế, đều là do bàn tay sáng tạo của Vũ Trọng Phụng mà nên cả. Sự sáng tạo này làm kinh ngạc cả văn giới lẫn độc giả Hà thành thời đó.

Dư âm của nó còn đến bây giờ và mãi mãi. Cái câu “Biết rồi khổ lắm, nói mãi” ngày nay trở thành một thứ ca dao, đi đâu các cậu cũng nghe câu chế diễu đó. Còn nhân vật Xuân Tóc Đỏ có thua gì các ông Trương Phi, Lưu Bị, Tào Tháo không? Hễ ai làm điều gì rởm thì người ta gọi là “Xuân Tóc Đỏ”.

Cái sáng tạo của nhà văn là nhặt một hạt cát làm thành một hạt kim cương. Nếu không thì sự có mặt nhà văn trên đời để làm gì? Cùng một ý này, Gorki có nói: “Nhà văn như cái máy biến thế điện nhận dòng điện từ nhân dân để trả lại nhân dân một dòng điện mạnh gấp 1000 lần.” Đó là sức mạnh và phép lạ của cây bút nhà văn. Những anh thầu khoán giắt bút Parker vàng nhưng chẳng biết viết quái gì cả. Còn Lý Bạch xài cái bút tre, nhưng viết cả thế giới con người và lưu tiếng ngàn đời!

Vì các cậu “biết nghe”, nên tôi nói về các nhà văn lớn thế giới cho các cậu nghe. Balzac rất kỳ quái, nhưng kỳ quái thiên tài. Viết một ngày 15-17 tiếng đồng hồ, mà đứng viết, còn cụ Tuân nhà mình thì lại ngồi trên phản. Thực lạ kỳ! Balzac vừa viết vừa uống cà phê, cho nên bản thảo của ông đều đen ngòm cà phê. Nhà ở phía sau có cửa hậu không khi nào khóa, để trốn nợ. Hễ nghe đập cửa là cứ việc vọt chạy, vì đó là chủ nợ, chứ không ai khác.

Ông ta chết rồi, nợ còn ngập đầu, chánh phủ phải trả. Nhưng sách của ông đem bán đi, chánh phủ lấy lại vốn, còn lời bộn.

Một hôm, một người bạn tới chơi, ông mở cửa ra, và ôm chầm lấy bạn, khóc mếu thảm não:

- Con Marie nó chết rồi!

- Con Marie nào? - Người bạn hỏi.

Thì ra con bé trong truyện của ông, chớ không có con Marie nào ngoài đời cả. Có một giai thoại kể lại rằng: khi ông ta đau nằm trên giường bệnh, ông bảo người đi tìm cho ông viên thầy thuốc tên Jean hay Jacques. Người ta chạy đi sục tìm khắp vùng không thấy ông thầy thuốc nào có cái tên đô cả. Thì ra là ông thầy Le Médecin de campagne (Thầy thuốc miệt vườn) của chính Balzac. Những giai thoại này cho ta thấy tâm hồn của nhà văn vĩ đại cỡ nào. Nhà văn nhập hồn mình vào nhân vật mình mô tả. Tuy hai mà một.

Về Maupassant: Các cậu nên tìm đọc truyện ngắn của ông ta. Nó gần gũi với thực tế như chúng mình đối với cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có những truyện người Pháp giết giặc cứu nước, như một bà nông dân gạt tên lính Phổ (Đức) xuống hầm rồi khóa cửa, mở nước cho chảy vào, và đi kêu quân đội tới. Có khác gì bà mẹ ở Nam Bộ, em gái ở khu 5?

Flaubert là người dạy cho Maupassant viết truyện. Flaubert có văn pháp cực kỳ trau chuốt, đến nỗi không có một chữ nào của ông ta có thể thay thế được. Tính ông ta rất hay cau có ngay với chính ông, và không chịu cho nhà báo đến phỏng vấn. Một lần nọ, sau khi quyển Madame Bovary của ông xuất bản, người ta đồn rằng ông ta mô phỏng theo bà công tước này, bà bá tước nọ ở trong vùng để dựng nên nhân vật Bovary. Nhiều bài báo đoán mò in lên khắp Paris. Có một bài quả quyết rằng đó là bà Jeanne de Carpentière hay gì đó. Tác giả bèn đến để nhờ ông xác định. Ông bảo:

- Không phải bà nào hết. Đó là tôi!

Các nhà báo đều té ngửa ra, không ai ngờ bà Bovary lại chính là ông Flaubert.

 

HÃY TỰ TIN

Các cậu đừng sợ người khác hơn mình. Ai hơn mình, mình nghiên cứu họ và vượt họ. Đừng có sợ các “ông lớn” Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng đứng sầm sầm trước mặt mình, phải có quyết tâm bắt kịp họ và vượt cả họ nữa. “Rattraper et dépasser!” Ngay cả Nguyễn Du, mình cũng phải tìm cách vượt. Ông ấy sẽ rất buồn, cứ hằng năm mình làm lễ kỷ niệm, ca ngợi ông, mà chẳng có anh nào sờ đụng cái gấu áo của ông cả. Hãy có dũng khí của một viên tướng ở chiến trận, hãy có ý chí làm một sự nghiệp đời trước chưa có, đời sau sẽ không có, thế mới gọi là “dũng khí của nhà văn” chứ! Les coeurs tièdes ne deviendront jamais écrivains!

Muốn trở thành nhà văn, chỉ có một cách là viết. Đừng sợ mấy ông phê bình gia – Không phải mấy ông nói gì cũng đúng. Mấy ông không phải là hướng đạo của nhà văn. Một người bạn tin cậy đủ rồi, không nên nghe bất cứ ai.

 

NHÂN VẬT

Nếu các cậu thấy tốn nhiều giấy bút quá mới dựng lên được một nhân vật, thì hãy xem đây: Tô Hoài chỉ quệt một nét mà nên một nhân vật rất sống:

- ... Cai Giắt (trong Mười Năm) nói là đi sang Tây đánh giặc, nhưng sang đó có làm quái gì ngoài giắt ngựa cho thằng quan Ba. Sáng giắt ngựa ra cho nó cưỡi, chiều nó về lại giắt vào chuồng. Hết hai năm nó đá đít cho về với chức cai, hóa ra là cai Giắt.

- Lão Nhiêu Thuộc: Mùa hè lão vẫn mặc áo bông. Từ trước đến giờ, xóm này biết lão tắm có hai lần. Lần thứ nhất khi đức Khải Định ngự Bắc Hà. Lần thứ hai, khi quan Toàn Quyền mới sang đáo nhiệm. Lần nào vợ lão cũng quây màn, nấu nước pha ấm cẩn thận, nhưng lần nào tắm xong, lão cũng ốm suýt chết. (Đọc mấy nét này, độc giả cười bò ra).

 

VIẾT GÌ?

Viết cái gì cậu thuộc, đừng viết cái gì không thuộc. Thuộc nghĩa là những việc, những người cậu nằm lòng, không cần phải lấy tài liệu ở người khác. (Anh Tô Hoài tả các cô cậu thợ dệt, không phải hỏi ai cả.) Điều đó không có nghĩa là cậu chỉ viết những gì thuộc về cậu mà thôi. Những gì cậu nghe kể mà cậu nắm được chắc như của chính cậu, thì đó cũng là thuộc... Viết những gì cậu không lờ đi được, không viết ra, cậu thấy người cậu nó thế nào ấy.

 

TRƯỚC KHI VIẾT PHẢI CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?

Cốt truyện, nhân vật, mở đầu, kết thúc. Nhưng có khi chẳng chuẩn bị gì cả. Như cái con dế mèn của Tô Hoài. Anh thấy nó hay hay, thế là phát lên viết. Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng cũng thế. Anh thấy muốn viết, thế là xin tiền mẹ mua giấy về viết, viết trên tấm ván lót ngang góc chuồng lợn... Cái sự viết rất lạ lùng, lắm khi chuẩn bị một đằng, chuyện lại đi một nẻo. Nhưng dù sao có chuẩn bị kỹ, vẫn ít bị động hơn.

(Còn nữa)

XUÂN VŨ

Các Bài viết khác