NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT NGÀY ĐỌC LẠI VŨ NHƯ TÔ

( 19-12-2017 - 06:24 AM ) - Lượt xem: 750

Vở kịch Vũ Như Tô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ra đời cách nay đã gần ba phần tư thế kỉ, nhưng vẫn luôn nhận được sự quan tâm của công chúng. Nhiều bài viết về vở kịch vẫn tiếp tục ra đời, nhằm giải mã những vấn đề đặt ra trong tác phẩm

LGT: Vở kịch Vũ Như Tô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ra đời cách nay đã gần ba phần tư thế kỉ, nhưng vẫn luôn nhận được sự quan tâm của công chúng. Nhiều bài viết về vở kịch vẫn tiếp tục ra đời, nhằm giải mã những vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Và, như nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cưđã chỉ ra, các ý kiến về bi kịch Vũ Như Tô có thể rất khác nhau, nhưng “xem ra không loại trừ nhau mà bổ khuyết cho nhau trong nỗ lực chung tìm ra bí mật của cái tác động mạnh mẽ và sâu sắc, giàu sức gợi cảm, gợi nghĩ mà tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đem đến cho độc giả”. Xin trân trọng với thiệu với bạn đọc bài viết sau đây trên báo Người đưa tin, cơ quan của  Hội Luật gia Việt Nam.

Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng còn là câu chuyện về người nghệ sĩ đi tìm kiếm người thấu hiểu được mình và thấu cảm những tạo tác của anh ta.

Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng kể lại câu chuyện người kiến trúc sư tài ba bị ép phải xây đài để vua vui chơi cùng các cung nữ trong triều. Người kiến trúc sư, biết được rằng nếu xây đài sẽ gây phiền đến dân, sẽ tốn ngân quỹ của triều đình, nên đã từ chối, mặc dù biết từ chối vua có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Song, đến khi Đan Thiềm khuyên nhủ Như Tô hãy chấp thuận lời vua, nương vào đó để sáng tạo ra một công trình có thể tranh quyền sáng tạo với Hóa công thì Như Tô mới đổi ý. Đài Cửu Trùng được xây, kéo theo đó là biết bao nhiêu oán thán của nhân dân. Người ta chửi mắng vua một, thì người ta căm hận Như Tô mười. Sau cùng, một cuộc biến loạn cũng xảy ra. Trịnh Duy Sản đoạt ngôi, giết vua, giết cả người kiến trúc sư đại tài để thỏa mãn lòng hận thù đã dâng lên cao của dân chúng. Đài Cửu Trùng bị thiêu rụi. Còn Như Tô đến cuối cùng vẫn không biết tại sao mình phải chết.

Trong lời đề tựa, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Chính lời đề tựa này đã khiến tôi phải nhìn lại nhân vật Vũ Như Tô. Bỏ qua tất cả những gì mọi người vẫn thường nói (từ độ chênh lệch giữa nghệ thuật và đời sống, từ sự khác biệt giữa nghệ thuật “có ích” và nghệ thuật “vô ích”, từ cái vui sướng hưởng thụ nhất thời và khát khao cống hiến dựng xây công trình vĩnh cửu, cho đến sự không thể dung hòa về quan điểm chính trị và quan điểm nghệ thuật giữa những con người như Tương Dực, Như Tô, Đan Thiềm, Duy Sản và dân chúng,…), Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng còn là câu chuyện về người nghệ sĩ đi tìm kiếm người thấu hiểu được mình và thấu cảm những tạo tác của anh ta. Câu chuyện ấy được thể hiện trong mối quan hệ giữa Vũ Như Tô và Đan Thiềm.

Vũ Như Tô – người kiến trúc sư tài năng nổi tiếng khắp kinh thành – bị vua Lê Tương Dực ép phải xây dựng một nơi để ăn chơi múa hát với các cung nữ. Mới đầu, Vũ Như Tô từ chối. Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng Vũ Như Tô từ chối không phải chỉ vì ông không muốn phụng sự một tên vua tham tàn chỉ biết đến chơi bời, cũng không phải vì ông thương lo cho dân chúng; Vũ Như Tô từ chối chẳng qua là vì ông nghĩ rằng Lê Tương Dực không xứng đáng với những công trình ông sáng tạo nên. Một tên vua như Lê Tương Dực thì sao có thể biết thưởng thức nghệ thuật! Như Tô từ chối, chứng tỏ ông có cái tôi nghệ sĩ rất cao, nhưng cũng cho thấy tâm lí của Như Tô: Sự cô độc. Ông nghĩ rằng không ai có thể hiểu được mình và các sản phẩm của mình. Suy nghĩ đó khiến Vũ Như Tô cho đến tuổi ngoại tứ tuần vẫn không tạo ra được bất kì thứ gì như ý ông muốn. Những sản phẩm được dân tình tung hô, đối với Như Tô vẫn chỉ ở mức trung bình. Nhưng nếu không có người thưởng thức thì còn sáng tạo để làm gì? Tâm lí ấy của Vũ Như Tô cũng là tâm lí chung của rất nhiều người nghệ sĩ có tài và nhận thức được rõ ràng tài năng của bản thân, từ đó chủ động cách ly bản thân mình với xung quanh, chủ động không sáng tạo cho những kẻ không đủ khả năng hiểu được sản phẩm sáng tạo là gì.

Quyết định của Như Tô chỉ có sự thay đổi khi ông gặp và nghe người cung nữ Đan Thiềm khuyên nhủ. Đan Thiềm, vì mến mộ cái tài của Như Tô, vì lo cho tính mạng của Như Tô, đã khuyên ông hãy chấp nhận nghe theo lệnh vua để xây Cửu Trùng đài. Thực chất, Đan Thiềm không hề bảo Vũ Như Tô xây đài phục vụ vua. Bà thuyết phục ông hãy sáng tạo một công trình có thể khiến hậu thế thán phục, một công trình hãnh diện cùng nghìn thu. Lời nói của Đan Thiềm vốn không phải một lời khuyên nhủ bình thường, mà nó reo rắc vào lòng người kiến trúc sư một nguồn hi vọng. Xây dựng một công trình có thể lưu lại đến muôn đời, chẳng phải là đang manh nha ước muốn sẽ có ai đó ở thế hệ sau có thể chiêm ngưỡng và thấu hiểu được mình hay sao? Đan Thiềm nói trúng ý Như Tô, lại ủng hộ Như Tô. Sự xuất hiện của bà không những thay đổi quyết định mà còn thay đổi cả cuộc đời phía sau của Như Tô. Người ta nói Như Tô thiếu nhãn quan chính trị, chỉ biết chăm chăm đến một thứ nghệ thuật ích kỉ của riêng mình. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của người nghệ sĩ đã có nửa đời cô độc ấy để đồng cảm với ông ta hơn. Khi người đánh đàn tìm ra kẻ tri âm, khi Như Tô tìm thấy tri kỉ, liệu ông có còn cần quan tâm đến những kẻ xa lạ vây quanh? Liệu ông có còn cần lo lắng cho “muôn dân” – những người mới phút trước còn tung hô, vài giây sau đã quay sang mắng chửi, nguyền rủa ông? Thật ra đám đông có lí của đám đông, nhưng chúng ta không thể dùng cái lí ấy để áp đặt vào cá nhân, nhất là khi cá nhân lại là người đặc biệt.

 Nhìn lại cuộc đời Như Tô, chúng ta thấy có sự hiện diện của hai người phụ nữ là Thị Nhiên và Đan Thiềm. Một người là vợ, một người là cung nữ. Người vợ không có tác động mạnh mẽ gì đến suy nghĩ cũng như quyết định của Vũ Như Tô. Sự xuất hiện của bà quá mờ nhạt (trong khi đáng nhẽ vợ phải là người đồng hành về cả linh hồn và thể xác cùng chồng mình), thậm chí, Thị Nhiên còn không có khả năng hiểu được đam mê và khao khát của Như Tô. “Lâu thế thì làm thế nào được. Tôi tưởng một tháng, cùng lắm là ba bốn tháng. Cứ làm vừa vừa có được không? To hơn đình làng ta cũng đã đẹp chán”. (Nhìn lại thì Thị Nhiên cũng không khác mấy với các bà vợ của những ông nghệ sĩ thời nay. Thế mới thấy, tìm được một người phụ nữ vừa là vợ, vừa là tri kỉ thật là khó, nhưng lại đáng để cất công tìm kiếm lắm!). Đan Thiềm lại giữ vai trò cao hơn hẳn trong tâm trí Vũ Như Tô. Bà cảm được công trình của ông, cảm được cả suy nghĩ của ông. Giữa hai người, có những điều có lẽ không cần phải nói nhưng cả hai đều chung một ý.

Tôi vốn không quan tâm đến cuộc nổi loạn của Trịnh Duy Sản, cũng không quan tâm đến lòng oán hận của dân chúng trong vở kịch này. Cái tôi chú ý là Đan Thiềm. Mặc dù Vũ Như Tô phải chết, Đài Cửu Trùng bị thiêu hủy, nhưng Vũ Như Tô đã không chết một mình. Đây cũng chính là điểm khác biệt đối với lịch sử. Sử chép, Vũ Như Tô bị quăng xác ra ngoài chợ, quan dân ai cũng chỉ trỏ xác mà chê cười, có người còn nhổ nước bọt. Người nghệ sĩ Vũ Như Tô có thật trong lịch sử đã chết đi như thế. Cửu Trùng Đài không còn, nhưng ảo mộng về đài vẫn tồn tại; và Nguyễn Huy Tưởng, trước ảo mộng cửu trùng, đã tự nhận mình là người “đồng bệnh tương lân” với Đan Thiềm mà viết ra câu chuyện về người nghệ sĩ đáng thương ấy.

Theo Bookhunterclub

(Bài đăng trên báo điện tử

Người đưa tin, 23-2-2017)

Các Bài viết khác