NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“MỘT CUỘC TRỞ VỀ”

( 01-06-2016 - 11:03 PM ) - Lượt xem: 1374

LTS: Tháng 5 năm 1946, Nguyễn Huy Tưởng trở lại sở Đoan Hà Nội để lấy lại tập nhật ký viết dở khi ông làm thư ký ở đây. Trước đó gần một năm (tháng 7-1945), ông đã bí mật rời lên chiến khu dự Quốc dân đại hội Tân Trào. Tiếp theo là một chuỗi các sự kiện: Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh mùng 2 tháng Chín, rồi cuộc bầu cử Quốc hội khóa I đầu năm 1946 mà ông trúng cử đại biểu tỉnh Bắc Ninh… Tất cả đã cuốn Nguyễn Huy Tưởng trong cơn lốc cách mạng. Đồng thời với việc lấy lại tập nhật ký, Nguyễn Huy Tưởng cũng nối lại thói quen viết nhật ký hàng ngày. Sau đây là những điều ông đã ghi lại cách đây vừa đúng 70 năm. (Đầu đề rút từ một câu trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng.)

14-5-1946

Hôm nay đến sở(1) lấy tập Nhật ký gián đoạn này. Một cuộc trở về. Sự đổi thay lớn lao quá. Toàn đon đả giúp mình phá ngăn kéo. Anh em, nhất là Đức lại cho là Toàn thù phụng người danh giá. Vẫn những cái nhỏ nhen năm xưa, vẫn những việc làm máy móc. Chan chứa tình cảm. Một đề tài cho tiểu thuyết. Anh em hỏi, toàn những chuyện tầm  thường. Có người hỏi mình ý kiến chính trị, Đức mỉa mai: “Bây giờ những lời tuyên bố cần phải dè dặt”, ra điều mình đã là một chính khách.

Xem lại Nhật ký thấy những chỗ viết vụng trộm, “lóng”, chan chứa cảm hoài.

Dự buổi họp, nghe Võ Nguyên Giáp báo cáo về Hội nghị Dalat. Ngủ gật. Thẹn. Phục Võ vui vẻ, dễ dàng, có vẻ khinh thường quân địch, tài quá quân địch.

 

15-5-1946

Cả ngày nghĩ vở kịch Tháng Tám. Ngủ. Nghe nói chuyện anh em làm việc chăm, suốt ngày, đêm 12 giờ ngủ, sáng 4, 5 giờ đã dậy. Nghĩ  thẹn. Phải  cương quyết, hoạt động lên một chút.

Nghe Dương Bạch Mai, Phạm Ngọc Thạch nói chuyện về Nam Bộ. Cảnh đau khổ, tra tấn (đổ xăng vào vạc, đốt, gí đầu cách mạng bắt khai) - cảnh thanh niên đi hết chỉ còn đàn bà, con trẻ…

Băn khoăn mãi về vở kịch.

 

18-5-1946

Mỗi một cảnh, một người là một tâm trạng, tâm trạng do nghệ sĩ tả được bằng bút hay bằng màu. Nguyễn Đỗ Cung khi vẽ Cụ Hồ, có cái cảm tưởng kinh ngạc, trong cái khuôn khổ phủ Thống sứ cũ(2), không phải làm cho cách mạng,  có một ông già ngồi đấy, chỉ huy mọi việc, mà đi lúc nào không biết.

 

19-5-1946

Ngày sinh nhật Cụ Hồ. Nói chuyện Đời sống mới với Cụ. Cụ tỏ vẻ thiết thực. Cụ gọi các chú, các thím, vui vẻ, nước da đỏ. Cụ nói không phải lúc chúc thọ, mình đang công tác. Sau Cụ nói ngoài 50 chưa già, còn trẻ để làm việc. Và Cụ nêu lên vấn đề phải làm gương khi đi tuyên truyền Đời sống mới, và cần nhất, cho mọi cuộc thành công, phải siêng năng, siêng năng(3).

Cảm thấy mình nhu nhược, để mất thì giờ, làm việc không hợp lý, ăn uống vô độ. Cần phải có điều độ, tập võ, siêng năng, hăng hái làm việc.

Mua bánh cho con nói là của Cụ. Gia đình vui sướng, vinh hạnh.

 

20-5-1946

Biểu ngữ của trẻ em ngày sinh nhật [Cụ Hồ]: Ai yêu Bác Hồ bằng chúng em nhi đồng. Bác Hồ của chúng em người cao cao, dáng thanh thanh, mắt sáng như sao, râu hơi dài.

Bộ đội đi qua, nhịp đều và mạnh mẽ. Mấy thằng Tây bịt mũi: Ça me fait chier [Tởm lợm!]. 

Chuyện Nam Bộ, lam lũ, kháng chiến, ghẻ lở. Định viết một bài chan chứa tình cảm với Nam Bộ.

Tổ chức một buổi nói chuyện của Bourgomir(4). [Nguyễn Văn] Tố khó chịu vì cái lễ phép giả dối. Qua Việt Nam ấn thư cục, có người chỉ: Nguyễn Huy Tưởng đầy kính phục.

 

23-5-1946

Đón phái đoàn [Quốc hội].  Gặp Xuân Diệu. Gặp Phạm Văn Đồng bắt tay chặt chẽ, mãi mãi không dứt. Không biết nói chuyện gì.

Xe ô tô về Quốc hội. Dọc đường dân chúng biếu hoa. Về Quốc hội. Sang Bắc Bộ [Phủ]. Hồ Chủ tịch thết bia, ngơ ngác như người cha thấy con về. Quần chúng náo nhiệt. Các em nhi đồng tới hát chúc phái đoàn. Phạm Văn Đồng ra. Những người tai mắt trong chính phủ đều có mặt. Hồ Chủ tịch ra giữa tiếng hoan hô. Trẻ em hát bài thơ tả Cụ. Một buổi vui tưng bừng.

 

24-5-1946

Kỷ niệm ngày chết Hoàng Văn Thụ. Nghĩ thương nhớ người cách mạng. Mưa. Tổ chức xoàng. Không gây được xúc cảm.

Nghe chuyện Xuân Diệu(5). Biếu mình chiếc bút máy. Cảm thấy chán nản. Tin [Nguyễn Đình] Thi được đi Pháp lại càng làm cho mình thấy mình kém, mình lẻ loi, mình bị bỏ rơi.

Chơi Nam Cao, Tô Hoài, Trần Huyền Trân. Nam Cao công kích chính trị, nghệ thuật phải đi đến cái gì khái quát, phải sống rồi cho nó nhuyễn ra, rất tự  nhiên. Các nơi đều chê văn chương mặt trận là văn chương khẩu hiệu. Phạm Ngọc Khuê nói một thằng bị giam muốn cho nó chết chỉ cho đọc báo mặt trận.

Chán nản quá. Có tư tưởng muốn chết, muốn tự tử.

 

25-5-1946

Gặp Đặng Thái Mai có ý khen [vở diễn] Bắc Sơn và, sau khi xem, cũng thấy có những cái mới. Nói mình có nhiều ý, nhưng vẫn vụng... Đó là một thứ đánh dấu. Khuyên mình nên xem xét những thay đổi: gia đình Phạm Lê Bổng, Tr.V. Khang, những người lãnh đạm, những người rụt rè, những phản bội vô ý thức, những tờ-rốt-kít ở các làng. Lên chiến khu, những cảnh cổ sơ, primitivisme [nguyên thủy].  Nói mùa năm nay và sang năm phải là mùa kịch.

Học Phi đến. Nói chuyện nửa nhún, nửa khoe. Muốn xuất bản sách, nhưng lại khích bác. Tuyên bố không muốn làm gì, vì tính leng beng, muốn ở một nơi yên tĩnh đọc sách, v.v... Nói về kịch Bắc Sơn: có ở Văn hóa Cứu quốc, có thế lực thì in, chứ chó ai xem kịch. Ai người ta chơi. Có ý nói mình không có trong ban Chấp hành thì cũng chả đâu in.

 

29-5-1946

Làm việc nhiều nên sinh ra gắt gỏng. Không được lòng anh em.

Làm xong số [tạp chí] Tiên Phong(6) đặc biệt Đời Sống Mới. Anh em thợ nhà in sốt sắng, vì nghe nói số báo này sẽ gửi sang Pháp.

 

30-5-1946

Gặp Võ Nguyên Giáp ở nhà Phạm Văn Đồng. Lên gửi Đồng những tranh cho Pháp. Đã viết cho kiều bào một bức thư lời lẽ rất nồng nàn.

                                                               

31-5-1946

Ngày Hồ Chủ tịch lên đường sang Pháp(7). Vào Bắc Bộ [Phủ], gặp nhiều người quen, nhưng ngượng. Không dám đến với Cụ Hồ. Ngồi  xe ô tô gíp sang Gia Lâm.

Lúc Cụ Hồ lên máy bay, rơm rớm nước mắt. Máy bay cất cánh, còn có những bàn tay vẫy trong cửa sổ con. Khuất Duy Tiến gọi: Anh Đồng ơi(8). Cầu che chở cho ông Chủ tịch thân mến. Tối, anh em ngồi nói chuyện: Có lẽ Cụ Hồ bây giờ cũng nhớ chứ không không.

 

-------------------           

(1) Sở Thuế quan, còn gọi là nhà Đoan, nay là Bảo tàng Cách mạng ở đầu phố Trần Quang Khải, Hà Nội.

(2) Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hay còn gọi là Bắc Bộ Phủ, nay là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 12 Ngô Quyền, Hà Nội.

(3) Nguyễn Huy Tưởng đã thuật lại sự kiện này trong bài 19-5-1946, đăng Tiên Phong số Đời Sống Mới, ngày 1-6-1946.     

(4) Chưa tra cứu được diễn giả, nhưng có lẽ đây là buổi nói chuyện do Quốc hội tổ chức, có cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội dự.

(5) Có lẽ là nghe Xuân Diệu nói chuyện về chuyến đi thăm nước Cộng hòa Pháp mà Xuân Diệu là thành viên. (Chuyến đi kéo dài từ ngày 16-4 đến ngày 23-5-1946 do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn).        

(6) Cơ quan của Hội Văn hóa Cứu quốc, ra tháng hai kỳ.

(7) Chuyến thăm Pháp của Hồ Chủ tịch với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp.

(8) Phạm Văn Đồng cùng đi với Hồ Chủ tịch và là Trưởng đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Fontainebleau.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

Các Bài viết khác