NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

GÁC NGUYỄN HUY TƯỞNG

( 08-11-2013 - 07:47 PM ) - Lượt xem: 1072

Giang sơn của Nguyễn Huy Tưởng chỉ có một cái giường ở nhà trọ. Cái giường cưới. Như tôi giới thiệu, anh vốn kỹ tính nên không thể nằm chạ giường và là giường xoàng xĩnh của nhà chủ. Vừa phần anh cũng muốn giữ lại hơi hướng của vợ con, cái đồ đạc kỷ niệm duy nhất của gia đình phải xa rời ấy! Cũng không ngại...

 

… Như thế là tôi đến ở với Nguyễn Huy Tưởng.

 

Ông bạn thư ký nhà Đoan người chậm chạp vừa kỹ tính và cũng vừa dễ dàng của tôi này, không đi ở trọ và ăn cơm hàng nữa. Anh đã hỏi thuê được nhà. Đó là một tầng gác rộng có thể vào loại sang thời bấy giờ, ở một phố khá sạch sẽ, im ắng, phần đông gồm các công chức hạng trung: phố Pescadore, nay là Phù Đổng Thiên Vương. Anh lại được cấp sổ gạo, nhưng vợ con cũng chạy loạn về mãi tận cái huyện gì của Thái Bình ấy, chỉ ngày tết anh mới về thăm nhà ngoại và cũng chỉ chân trước chân sau là biến ra Hà Nội.

 

Nguyễn Huy Tưởng vốn đã vụng nên lại càng ngại công việc lo chạy ăn uống bếp núc. Vậy tôi xin làm chân nấu bếp cho ông ta vậy.

 

Giang sơn của Nguyễn Huy Tưởng chỉ có một cái giường ở nhà trọ. Cái giường cưới. Như tôi giới thiệu, anh vốn kỹ tính nên không thể nằm chạ giường và là giường xoàng xĩnh của nhà chủ. Vừa phần anh cũng muốn giữ lại hơi hướng của vợ con, cái đồ đạc kỷ niệm duy nhất của gia đình phải xa rời ấy! Cũng không ngại. Cố nhiên là tôi không ngủ chung cái giường bát bảo của ông ta. Còn như cái giường cũ kỹ và cũng xoàng xĩnh của tôi nó không xứng kê song song với cái giường của ông trên một mặt sàn đá hoa, giữa một tầng gác bốn bề cửa kính và cửa chớp sáng choang ban công trước, ban công sau mở ra thênh thoáng, thì tôi xin bao sạch một góc, nằm “đất” càng mát.

 

Sang tháng ba ta rồi mà!

Rồi đến việc ông ta viết khó khăn. Ông ta không thể như tôi ngồi chỗ nào, ngồi cái gì cũng viết được, thì tôi xin nhường ông bộ bàn ghế lịch sử(1) của tôi, ông hãy tạm dùng mà làm cái công việc thiêng liêng, khẩn thiết là sáng tạo kia.

 

Chỗ này ở một góc nhà, xê xế trước mặt là cửa thông ra ban công, ánh sáng và gió mát lùa đúng vào mé tay trái. Phía mé lưng cũng lại có đủ cửa kính cửa chớp. Tôi đã bê hàng bốn năm chậu nước, bao đi bao lại cả bên trong bàn tay và lùa dây thép cạy từng khe từng kẽ cho hết những cáu bụi của mấy năm két lại. Chính vì thế, lần vécni đã bợt nhợt lại càng bợt nhợt hơn. Tôi đã luống cuống cười bảo Nguyễn Huy Tưởng:

 

- Chỉ cốt thật sạch thôi ông nhỉ! Mất cái màu nhếnh nhoáng hàng mã kia đi, trông cái bàn lại hoá ra đẹp đấy!

 

Cái ghế của tôi mặt mây đan bị trũng bị thủng cũng sửa sang lại. Tôi đi xin những dây đàn hỏng ken lại. Chưa đủ, tôi còn tìm những đinh đồng dành cho valy mà đóng vào những chỗ mộng hơi chệch chẹo và những đường nẹp mặt ghế. Đã cầu kỳ và công phu đến vậy, tôi vẫn thấy bộ bàn ghế của tôi nó lạc lõng thế nào ấy ở cái nhà gác quá ư là sang đối với tôi này. Nhất là lại trông sang gác nhà bên kia. Đây, nào giường lò xo, nào tủ áo gương, nào bàn đánh phấn, nào tủ sách. Lại còn không biết bao nhiêu thứ đồ lịch sự quý giá khác: đèn bàn, lọ hoa, bình cốc pha lê, với các thứ khăn, các thứ màn, các thứ diềm đăng ten. Cảnh sống còn phong lưu sang trọng hơn cả mấy nhà giàu và công chức cao cấp có tiếng ở khu này.

 

- Mặc kệ cha chúng nó!

 

Có lần tôi ngượng nghịu định khép hai cánh cửa mở trông sang bên đó, thì Nguyễn Huy Tưởng hất hàm, lừ lừ cái mắt, bều bễu cái miệng bảo đừng. Rồi cái mặt nặng chịch ấy càng nặng chịch thêm trước những trang bản thảo có ngày chỉ nhích được mấy dòng nhưng cuối cùng lại gạch xoá hết.

 

Tuy lĩnh lương tháng gần một trăm đồng nhưng cả Nguyễn Huy Tưởng và những người cùng sở gần như không phải làm việc gì,… ngoài cái việc hai buổi đi đến sở ngồi hút thuốc, truyền đọc nhau nghe các thứ báo, kháo với nhau các thứ tin tức và tán các thứ chuyện trên đời với nhau rồi về. Riêng Nguyễn Huy Tưởng và mấy tay đồng sự có tiếng là bạt mạng, coi trời bằng vung, không cần sếp siếc gì cả ngay thời kỳ còn dưới quyền của Pháp, nay lại càng bây bửa. Trước còn hai buổi đi chậm về sớm, sau láng cháng một lúc cho có mặt. Sau bỏ hẳn một buổi, rồi tiến đến nghỉ cả ngày luôn mấy ngày ở nhà.

 

Tấn tuồng đảo chính Nhật - Pháp diễn ra đã được hơn hai tháng. Nội các bù nhìn Trần Trọng Kim, với các thứ bộ, các thứ giám đốc và các thứ tỉnh trưởng của nó chỉ thấy hoạt động bằng lưỡi. Và những cái lưỡi này chỉ liếm láp nhiều hơn là nói, dù là nói thiên hô bát sát, hứa nhăng hứa cuội, phét lác ba hoa các thứ nào tự do, độc lập, kinh bang tế thế, trị nước an dân, và quốc gia nòi giống,… trong khi người chết đói lại càng đầy phố, đầy chợ, đầy đường. Và càng đầy đường, đầy chợ, đầy phố người chết đói thì cái không khí tan hoang, ngao ngán, chán nản và chờ đợi ở các sở, các bàn giấy, các dinh, các toà, các nơi các chốn của cái gọi là “nội các”, là “chính phủ” càng nhão ra, xác ruỗng, thảm hại không thể nào tưởng tượng được.

 

Đã mấy lần, chẳng có việc phải liên lạc gấp với Nguyễn Huy Tưởng, tôi cũng đạp xe vào tận cửa bàn giấy anh, hất hàm nháy mắt cho nhau rồi thủng thẳng đi ra Bờ Hồ chơi.

 

Sổ gạo của Nguyễn Huy Tưởng có hai suất, cứ như sức tôi ăn thì thiếu, nhưng Nguyễn Huy Tưởng khảnh ăn, mỗi bữa chỉ vài lưng bát. Thứ gạo chở từ Sài Gòn ra và đã tích trữ từ mấy năm nay ở các thứ kho, vừa nấu chín xong đơm ra bát một lúc là hết hơi, khi nhai cứ thấy hình như là một thứ cám bột gì hôi mốc. Cũng vì thế tôi phải ăn cố. Cũng vì thế, tôi càng phải xoay xở làm món ăn sao cho bữa cơm được ngon miệng, dù chỉ có rau muống, cà chua, đậu phụ hay thỉnh thoảng có được mớ cá, lạng thịt.

 

Nhà gần ngay chợ Hôm nhưng tôi đã đạp xe đi các chợ Mơ, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, mua thức ăn và mua cả củi đóm nữa. Tất cả đều xếp vào một cái làn đặc biệt và bọc giấy dầu trông cứ như một gói đồ gì lĩnh ở nhà dây thép về hay vừa sắm sửa để đi biếu. Tôi thổi cơm, làm thức ăn trong buồng tắm. Những bữa nào chỉ có muối vừng và rau luộc, lấy cà chua dầm nước mắm, thì người ngoài thấy như chúng tôi không thổi nấu ăn uống gì cả.

 

Lúc trước, con mụ ở gác bên kia còn luôn luôn trông sang chỗ chúng tôi. Sau chỉ khi nào ra ban công nó mới đưa mắt nhìn trộm. Cuối cùng nó đóng bịt cái cửa phía đó lại. A! Cái con mụ lúc nào cũng như sắp đi dự tiệc hay đến nhà hát Tây để xem kịch này! Không bao giờ tôi thấy nó không quần áo nguyên nếp là, không phấn sáp, và không có cái vẻ sửa soạn để đón tiếp hay hẹn hò ai đấy. Nghe nói vợ chồng nó làm cho Nhật. Làm cái gì chỉ vợ chồng nó biết. Cái thằng chồng đã đỗ bằng tú tài toán, người gầy đét, da mặt xanh mét, cũng không lúc nào không quần áo như đóng khung, mặt mày đầu tóc mượt bóng. Và cũng không lúc nào nó giữ được một vẻ đàng hoàng tự nhiên, nếu không xun xoăn nhún nhín, thì lại hầm hầm, bầm bầm nét mặt bên cạnh con vợ cũng gầy yếu, cũng chải chuốt, nhưng cứ hơn hớn hừng hừng một cách rất có ý thức, thành nếp thành nghề rồi vậy.

 

Hai vợ chồng có một con, nhưng trong nhà đủ cả vú em, con sen, kéo xe, và tất cả những kéo xe, con sen và vú em kia chỉ biết có con mụ vợ là chủ. Cũng như nhiều lúc nó cười nói, hỏi gọi người kéo xe của nó tuy vẫn hách dịch nanh ác, nhưng lại thấy có ý tứ và thân mật hơn cả với chồng vậy. Nhiều buổi, bữa cơm đã dọn ra phòng ăn ở dưới nhà rồi, la liệt các thứ món, các kiểu xào rán, ninh nấu, nhưng lại đậy lồng bàn. Sau đó quá trưa hay tối khuya, con vợ mới đi xe nhà về. Hai vợ chồng ngồi ăn với nhau như hai con thú, một con thì thoả thuê khinh mạn, một con thì bất lực, chịu thèm, chịu nhục!

 

                                                     *

… Đã hết tháng ba sang tháng tư rồi. Những gánh vải đỏ mòng, và các thứ dưa gang, dưa chuột đã thấy đi bán nhan nhản ở các ngả đường. Những người ăn mày và chết đói ở Hà Nội vẫn đông, vẫn nhiều, nhưng dù sao đến bây giờ cũng thấy vãn. Có nơi đã gặt lúa chiêm. Gạo cũng hạ xuống một tạ được năm chục, bảy chục rồi một trăm đồng. Nhưng trên đường ra chợ Hôm, hay lên các chợ Đồng Xuân, Cửa Nam, Hàng Da vẫn đây một xác chết, kia một xác chết, và đây mấy mẹ con, kia mấy đứa bé hay một ông già, một người bố ngắc ngoải. Kẻ sống và thây ma vẫn lẫn lộn nằm ngồi với nhau.

 

Cái không khí đói kém cùng kiệt vẫn kéo dài này càng thêm ngột ngạt. Bởi vậy càng chạy công việc, càng hoạt động, càng phải lo lắng bận rộn, tôi càng thấy thênh thoáng đầu óc. Trái lại, càng cắm vào những trang bản thảo, tôi càng thấy khó viết quá. Nhất là lại càng thấy nhớ nhà, thương nhà vẫn đang phải lần hồi từng đấu gạo, từng mẻ khoai, ở nhờ trong xóm đạo cạnh cái ga nhỏ Đồng Xá heo hút bên đường tàu hoả Hà Nội - Hải Phòng kia.

 

Gác chúng tôi gần ngay chợ Hôm. Những buổi đi chợ mua vội mấy mớ rau muống hay mấy quả cà chua, tôi đã để ý một đám trẻ. Trong đám này có những đứa nằm rù ra, có những đứa trông vẫn tỉnh táo cười đùa với nhau, tuy chúng đúng là chỉ còn da bọc xương, và là thứ da mốc mác đen sạm. Một đứa làm tôi chú ý hơn cả vì lần nào cũng vậy, tôi đi qua đều bắt gặp nó nhìn tôi như cười cười. Thằng này cũng gầy tóp, đầu tóc nó cũng chỉ còn lơ phơ như tóc cò, da đầu mốc sần lên có chỗ đóng vảy rồi. Nhưng từ quần áo đến gương mặt nó không tả tơi, bẩn thỉu, lem luốc quá như xung quanh. Đặc biệt là gương mặt nó, một gương mặt có một vẻ hiền lành và thông minh của một trẻ đã được ăn học vậy.

 

Nhưng tại sao nó cứ nhìn tôi và chỉ cười cười, chứ không hỏi xin tiền xin ăn gì cả? Hai lần, ba lần, rồi bốn, năm lần. Một hôm, vào khoảng gần mười giờ sáng, tôi lại đến cái hàng rau dưới gốc cây gần chỗ đám trẻ này tụ tập, vừa mua xong quay ra thì giật mình vì tiếng chào:

 

- Lạy cậu ạ!

 

Đúng cái thằng tóc cò, da đỏ sần và gương mặt nhỏ nhắn tươi tỉnh ấy chào tôi, và đến hẳn trước mặt tôi.

 

Thôi! Lần này thế nào mình cũng phải cho nó tiền rồi. Mà không chỉ năm ba xu thôi! Ít ra cũng phải một hào! Nó để dành đến bây giờ mới xin mình đây!

 

Phải, thằng bé ấy đã đến trước mặt tôi, hai tay nó khoanh lại, cúi đầu đúng như một học trò lễ phép trước khi thưa gửi. Mắt nó chớp chớp, lại nhìn tôi như cười cười:

 

- Cậu mua rau về làm bữa ạ. Thưa cậu để con về thổi cơm hầu các cậu.

 

Chính là tôi luống cuống. Tôi luống cuống không phải vì cái tình huống đột ngột này. Đúng là mấy lâu nay, khi bắt đầu nóng bức tôi đã thấy ngại việc đun nấu. Không phải vì vất vả. Vất vả gì một niêu cơm, một xoong rau đánh dấm cà chua và ít vừng rang với củi đóm khô chẻ sẵn sàng và vòi nước máy ngay bên cạnh?! Tôi ngại vì đang viết và khó viết quá như đã nói trên kia. Lẽ nữa, tôi có thói quen là không viết được thì thôi, chứ đã viết hay đang viết được thì phải viết cho xong một đoạn, một quãng cũng như một chương vậy. Khi ấy, tôi phải giữ lúc nào đầu óc và mặt mày cũng mát mẻ, nhẹ nhàng. Bởi vậy, trước khi vào viết, tôi phải nằm hàng giờ vừa để tập trung tinh thần, vừa quạt cho ráo rẻ mát mẻ, rồi vào đánh vật với chữ, tới lúc nào thấy đầu đã nặng, đã nóng và mặt mày đã hừng hừng là phải thôi ngay.

 

Chao ôi! Như thế mà phải bỏ ra hơn một giờ hay hai giờ, dù là một giờ hay hai giờ làm cái việc không nặng nhọc, chật vật như việc viết kia. Nghĩa là chỉ phải thổi phù phù cho lửa cháy… phải lấy đôi đũa cả ghế cơm… phải đun nước luộc ra… phải ngồi canh bếp cho cơm chín, rau chín… cuối cùng phải sắp bát đũa chờ nhau ăn cơm! Mỗi ngày hơn ba giờ, một tuần hơn hai mươi giờ. Rồi một tháng mất đi hơn bốn ngày.

 

Mỗi ngày mất hơn ba giờ. Mỗi tuần lễ mất một ngày! Mỗi tháng mất hơn bốn ngày… trong lúc tình thế đang chuyển biến sắp đến những giờ phút quyết định, trong lúc phong trào cách mạng đang tiến bước và cũng sắp bùng nổ với những giờ phút quyết định! Mà tôi phải tranh thủ sao vừa hoạt động vừa có được những sáng tác thật tốt thật hay.

 

- Mày định xin tiền hay xin cái gì?

 

Tôi đã cất tiếng hỏi, ngoài cả ý muốn của mình. Tôi sắp sẵn tờ giấy hai hào gấp gọn trong túi ngực để cho thằng bé.

 

- Thưa với cậu, cháu không dám xin gì cậu đâu ạ! Cháu chỉ muốn thưa với cậu, với các cậu, nếu chỗ các cậu bận thì cho cháu về ở, cháu thổi nấu hầu hạ các cậu.

 

- Sao? Thế nào? Thôi tao cho hai hào đây!

 

Thằng bé lại cười cười, hai tay vẫn khoanh trước ngực, đầu nó hơi ngẩng lên đủ để tôi nhìn thấy ở mặt nó một đôi mắt hiền lành, van lơn cầu khẩn:

 

- Thưa với cậu, cháu không dám xin tiền của cậu đâu ạ! Cháu chỉ dám…

 

- Thế nào? Thế nào? Mày định về ở với tao, mày định về ở với chúng tao?

 

- Thưa với cậu xin cậu thương tình mà cho con về hầu hạ các cậu.

 

Tôi đã toan gắt lên:

 

- Im đi! Im ngay đi! Chúng tao là cái thứ người gì mà phải có đầy tớ, có kẻ hầu hạ? Thằng ranh con này! Sao mày không nói thẳng ngay rằng mày về với chúng tao để chúng tao nuôi mày.

 

Tôi đã nghĩ thế, đã quát thầm trong tâm trí như thế, nhưng không hiểu sao tôi lại ngẩn mặt ra. Và cũng không hiểu sao tôi đã buông gói rau cho nó. Và nó đã chạy theo xe đạp tôi, thở hồng hộc, về cái gác của chúng tôi.

 

                                                      *

Tôi đã phải tìm ngay cái áo sơ mi cộc tay rung rúc chỉ mặc khi đi ngủ và cái quần đùi vải thâm chưa phải vá miếng nào đưa cho nó rồi kéo nó vào buồng tắm:

 

- Xà phòng giặt ở cái bát sắt, khăn mặt bé của tao vắt ở đinh kia, lấy mà tắm. Nhớ gội thật kỹ cái đầu và vò thật kỹ bộ quần áo của mày rồi để tao tìm chỗ phơi cho. Kìa! Cởi hẳn… cởi hẳn truồng ra mà dội nước đi!

Tôi vừa nhóm bếp, vo gạo, luộc rau, thổi cơm ngay ở cái bếp lò bằng nửa thùng ét săng nhỏ nằm cạnh chỗ nó. Có lúc tôi còn lấy gáo múc dội cho nó liên tiếp và cào cào tóc tai, cổ và lưng của nó. Khi tôi ghế xong nồi cơm thì nó cài xong cúc áo và… lạ quá. Đúng là một thằng bé nào ấy tuy run rẩy, xanh xám, bỡ ngỡ trong bộ quần áo rộng thùng thình nhưng vẫn tinh nhanh, đã lạc lên gian gác của chúng tôi.

 

Nguyễn Huy Tưởng đã về, lộp cộp đi lên thang gác. Vừa lúc đến cửa buồng, mặt anh thuỗn ra, mặt lừ lừ đảo nhìn qua tất cả cái quang cảnh bất thường và gần như quái lạ bỗng xảy đến với mình. Thằng bé lại khoanh tay cúi đầu:

 

- Cháu lạy cậu ạ!

 

Tiếng nó nhi nhí, mặt nó cúi gằm xuống, mắt chơm chớp và hình như nó chỉ chờ một cái hất hàm hay một tiếng hỏi to, là cũng có thể tối tăm mặt mày, hoặc sẽ ngồi xụp xuống, hoặc ngất hẳn đi.

 

Bữa cơm hôm ấy tôi lại là người chuyện nhiều hơn với Nguyễn Huy Tưởng. Chuyện về nó. Tất cả những sự việc và sự tình tôi đã hỏi nó và nó đã nói cặn kẽ cho tôi nghe lúc tôi giúp nó tắm gội, lúc nó thay tôi vào đun bếp nấu nước pha chè vừa sưởi vừa chuyện, tôi đều kể lại với Nguyễn Huy Tưởng. Tên nó là Lê Văn Hậu, quê ở Hưng Yên. Nhà nó có ba sào ruộng và nghề làm đậu, đổi bún, nhưng đói quá đã phải bỏ làng ra đi (nó còn cho biết, không kể hai năm học chữ Nho ông bác, nó còn được học chữ quốc ngữ đã gần làm đến tính đố, và cả đứa em trai lớn của nó cũng được đi học). Bố nó chết ở dọc đường số 5. Mẹ nó chết ở Hà Nội. Cái hôm nó theo một bọn đi chôn xác, giúp họ và xin được nắm cơm về, thì không thấy hai em, mặc dù nó đã dặn đi dặn lại “hai em cứ ngồi ở chỗ này, thế nào tối anh cũng về, anh không bỏ hai em đâu, anh sẽ về đem cả cơm ăn nữa!”.

 

Sau bữa trưa, đến tối khi đi phố với Nguyễn Huy Tưởng, tôi vẫn còn chuyện với Nguyễn Huy Tưởng về nó. Và tôi phải lựa tất cả những chữ ý nhị nhất để đến cái “nút” này: tôi xin cho nó ở với Nguyễn Huy Tưởng, ở với chúng ta. Cái lý do như lòng thương, tình yêu người, vân vân,… tôi miễn phải nói. Mà tôi chỉ nhấn có mấy nét: là nó hiền lành, sạch sẽ, nó sẽ chăm lo việc cơm nước cho hai thằng, để nhỡ tôi phải chạy việc này, đi chỗ kia, liên lạc và công tác bất thường, thì “Tưởng” không phải chờ “mình”, không phải đi ăn cơm hàng, cũng như quần áo thay ra và nhà cửa đã có người giặt giũ sắp xếp cho.

 

Một điểm nữa và là điểm căn bản: hai suất gạo của Nguyễn Huy Tưởng và tôi ăn sẽ không đụng chạm gì tới. Anh đã nhường gạo của vợ con mình cho tôi, tôi không đời nào dám lạm dụng, mặc dầu nhiều lúc anh lại còn ân cần bảo tôi nên bớt phần của “hai thằng” mà đưa gạo về quê cho mẹ tôi, vợ tôi, con tôi. Như thế, nuôi Lê Văn Hậu tôi sẽ đong gạo ăn thêm. Đã vay được tiền của nhà xuất bản, tôi sẽ… (đến việc ăn tiêu này tôi lại càng phải ý tứ). Suốt ngày hôm ấy Nguyễn Huy Tưởng lại càng ít cười nói. Vẻ mặt lặng lẽ đăm chiêu của anh càng làm tôi áy náy e ngại và cũng càng suy nghĩ yêu thương anh thêm. Vể chiều, ăn cơm xong đi chơi, tôi đã cố ý chen thêm vào những phút vui vui, nhưng anh vẫn như giữ ý. Mãi đến lúc gần trở lại nhà, Nguyễn Huy Tưởng mới cười cười:

 

- Thôi tuỳ ông, ông thường gọi tôi là Tônxtôi, thì nay tôi xin nhường ông cái tên quý trọng kia vậy. Kể ra có người thổi cơm, nấu nước, giặt giũ và quét dọn cho mình, thì cũng đỡ bận đấy, yêu trí sáng tác hơn đấy!

 

Để ăn mừng cái quyết định và sự thoả thuận này, tôi bảo ngay Lê Văn Hậu đun nước sôi để pha chè mới. Và tôi ra hiệu Phúc Nguyên trước chợ Hôm mua hẳn hai phong bánh đậu xanh mỗi phong một đồng. Món chi này tôi không tính vào tiền chợ hằng ngày của hai đứa.

 

Nguyễn Huy Tưởng hất hàm hỏi tôi:

 

- Không! Tôi sẽ trả! Chính tôi phải khao ông! Khao một việc làm nhân đạo, táo bạo của ông. Đặc biệt là khao ông đã có tiền mà là tiền sách!... Ông Hồng! Ngày mai ông phải viết thêm hàng mười trang cho tôi đọc đấy!

 

Tôi liền quàng lấy vai ông Nguyễn Huy Tưởng đôn hậu ấy, reo lên bằng một tiếng Ănglê mà tôi vẫn thường đùa nhại ông ta:

 

- Tờ rai… tờ rai…(2)

 

                                                   *

Không những chỉ chiều bốn giờ tôi đạp xe đi mà cả những lúc vào hồi mười giờ sáng. Nhiều buổi tôi quên cả đong gạo và dặn dò làm bữa. Lúc nhận các báo Cứu quốc, Cờ giải phhóng, lúc đưa sách báo đến những cơ sở, lúc đi lấy tình hình tin tức, lúc phổ biến công tác và thảo luận về các vấn đề mới,… bận rộn cũng có, thong dong cũng có, nhưng đi đâu về cũng có cơm nước ngon lành sạch sẽ chờ mình. Mấy bộ quần áo của chúng tôi thay đổi đều được giặt giũ gấp rất cẩn thận. Đồ đạc chỉ có mấy thứ nhưng không hôm nào không lau chùi. Cầu thang cửa kính cứ sạch bóng, sáng choang!... Gian gác của chúng tôi dần dần có thêm nhiều anh em đi lại. Không kể những anh Hương đen, Như Phong, Lưu Văn Lợi, Kim Lân quen thân mà còn đón cả những anh Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến vừa vượt ngục về, trực tiếp liên lạc với chúng tôi.

 

Một số anh em nhà văn đến chơi với chúng tôi, ai cũng cho đây là một cái “popopte”(3)… lý tưởng. Hai thằng bạn thân, vợ con đều ở nhà quê, có một chú hề đồng chăm lo cơm nước, ăn uống với nhau xuềnh xoàn; có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, chỗ ở riêng biệt, lặng lẽ, mát mẻ; muốn viết, muốn đọc, thằng viết, thằng đọc, thằng đọc, thằng viết; thằng viết, thằng đi làm, thằng chạy tiền, chạy việc, thằng ở nhà viết,… tuy ý tuỳ hứng. Chao ôi! Chúng tôi thế nào chẳng cho ra những tác phẩm làm lác mắt các anh em!

 

Chính vì cái diễm phúc này, nên tôi càng phải dằn tâm trí xuống để không nghĩ đến một sự thật tuy nhỏ nhặt nọ. Đó là những bữa cơm mà tôi không thể nào không thấy cứ mỗi ngày một thiêu thiếu. Trước ngày chưa có hề đồng Lê Văn Hậu, thì Nguyễn Huy Tưởng và tôi chỉ thổi có niêu mốt cơm, mà vẫn cứ phải ép nhau ăn cố, và nhiều bữa lại còn thừa hàng bát cơm nguội đầy. Chỉ sau mấy ngày có được cái sự gọi là hầu hạ hai bữa không phải vào bếp, thì Nguyễn Huy Tưởng phải về quê đem ra cái nồi đồng của bà mẹ anh khi còn sống vẫn thổi cho hai mẹ con và cả chó mèo trong nhà ăn. Gọi là nồi hai nhưng là hạng nồi giấu cơm, cả một đấu gạo thổi vẫn đủ. Bởi vậy tôi đã lấy thêm non bát gạo nữa cho mỗi bữa ăn. Cẩn thận hơn tự tôi đơm cơm. Những bát cho Nguyễn Huy Tưởng tôi vừa xới đầy, vừa xới chặt để anh ăn cho thường lệ. Còn của tôi, tôi xới nống lên cũng vẫn đầy nhưng chỉ bằng nửa bát cơm của anh. Nghĩa là tôi bớt phần của tôi cho hề đồng, và giữ ý với anh Nguyễn Huy Tưởng, bữa nào tôi cũng phải làm cho bộ no căng, no tức, no mòng cả bụng.

 

Trời mỗi ngày một nóng bức oi ả. Nguyễn Huy Tưởng không những chỉ ăn có bữa ba lưng bát mà chính tay Nguyễn Huy Tưởng còn xới hớt, chỉ bằng hai bát mọi khi. Chúng tôi đã ăn đến mức như thế mà vẫn thấy thiếu. Chỗ cơm để lại cho Lê Văn Hậu thường chỉ là hơn hai bát, hay còn đúng hai bát lum lủm.

 

- Hay gạo mục không nở, thổi hao?

 

- Hay đại lý gạo bán cân non? Hay mình mua phải con mẹ ở chợ đong gạo ống cân thiếu?

Tôi chỉ dám tự hỏi như thế. Và cũng chỉ tự hỏi như thế, tôi càng thấy buồn buồn, hơn nữa, gần như xót xa đau đớn. Thế rồi một hôm mẹ tôi ở nhà quê ra chợ Mơ để cất nón về bán. Bữa cơm ăn xong, chờ lúc Nguyễn Huy Tưởng đi làm và hề đồng đi chợ, mẹ tôi gọi tôi  bảo:

 

- Thằng bé này ở đâu nhặt về nuôi thế?

 

Tôi gắt lên:

 

- Ở đâu thì ở! Người nhà anh Nguyễn Huy Tưởng ở trong quê ra thổi nấu đấy! Thôi cụ cứ đi phố mua gì thêm thì đi đi…

 

Mẹ tôi e hèm một tiếng:

 

- Thôi cứ để tôi hỏi mấy câu nào. Này tôi bảo thật, cái thằng ấy không hiền lành thật thà gì đâu. Bữa nào nó cũng xới một bát cơm đầy giấu trong bị quần áo của nó đấy.

 

Tôi suýt hét lên. Nhưng tuy không hét, tôi cũng thấy cổ họng như tắc lại, như khô hẳn:

 

- Làm sao mẹ tìm thấy cơm? Mẹ biết nó giấu?

 

Mẹ tôi cho biết, hôm kia mẹ tôi lấy gạo thổi cơm cho cả nhà, vẫn chỉ ba bát gạo thì đầy nồi, ăn mỗi người đúng ba bát đầy, lại còn thừa. Suất để phần cho nó cũng như thế. Nhưng chiều qua lấy gạo xong, mẹ tôi ra chợ xem giá nón, lúc về thấy cơm vừa thổi xong mà sao lại có hột cơm vãi ra đất, mà bếp lại nguội ngấm thế này. Mẹ tôi mở vung ra thì thấy cơm trong nồi chỉ ở dưới ngấn cổ. Mẹ tôi sinh nghi, nhưng cũng không dám nghĩ rằng ở quý bộc của chúng tôi tà tất. Bữa trưa hôm ấy, mẹ tôi lấy hẳn ba bát đầy, và cũng để lại cho Hậu thổi cơm. Chờ khi Hậu đi đổ rác, mẹ tôi mở vung ra xem lại. Vẫn chỉ thấy cơm dưới ngấn cổ nồi. Mẹ tôi chợt ngẩng đầu quay lại góc nhà tắm, chỗ xếp đống củi, thì một con chuột vừa nhảy ở trong cái bị của Hậu ra, và hình như có cái gì nong nóng ươn ướt ở trong đó.

 

- Thế mẹ có nói gì với anh Nguyễn Huy Tưởng không?

 

Mẹ tôi bèn rên rỉ theo thói quen:

 

- Giêsuma lạy chúa tôi! Tôi đã ngần này tuổi đầu mà không biết ý tứ hay sao?

 

- Thôi được, vậy mẹ có nói gì với thằng Hậu không?

 

- Giêsu! Tôi cũng không nói gì với nó! Tôi chỉ bảo nó, các cậu ấy đã thương mày, đã phải bớt bát đem mày về nuôi thì mày cũng phải biết thương lại các cậu ấy chứ!

 

Thấy tôi lặng thinh, mẹ tôi càng luống cuống:

 

- Tôi chỉ nói thế thôi, Giêsu! Tôi chỉ nói với nó như thế mà thôi !...

Rồi mẹ tôi gánh nón về quê. Rồi chúng tôi vẫn đi về ăn uống đề huề vui vẻ. Riêng tôi, càng phấn chấn hơn, vì mấy cơ sở tôi nhóm họp và liên lạc đều cùng phong trào tiến lên, có nhiều triển vọng. Những chuyến đi Bắc Ninh về phủ Từ Sơn, sinh hoạt với nhóm anh Kim Lân hay nhóm anh Vũ Đức Phúc ở Gia Lâm, những chuyến về gặp anh Nguyễn Công Mỹ ở Hải Dương, hay những anh em nhà giáo, viên chức nhỏ chạy về các làng Đồng Xá, Đinh Tổ, và cũng trên đường đó, tôi đã được đặc biệt anh em cho nghe tình hình phong trào địa phương và được mắt thấy tai nghe những chuyện, những việc của những bà con nông dân thôn xóm nơi gia đình tôi ở nhờ. Tất cả những công việc và những chuyến đi đó của tôi, tôi về “báo cáo” với Nguyễn Huy Tưởng, đều được Nguyễn Huy Tưởng chăm chú nghe, rất thích thú.

 

Thường thường ông bạn của chúng tôi ngạc nhiên hay thích thú điều gì, thì bộ mặt bều bệu và lì lì của ông đổi khác hẳn. Nghĩa là nó thuỗn hẳn ra, với tất cả vẻ hồn nhiên ngây thơ. Đã có anh em tai quái nghịch ngợp, lợi dụng tính cả tin và đôn hậu này của ông, thỉnh thoáng lại “sáng tác” ra một vài tin, vài chuyện kể cho ông nghe. Họ không những chỉ nhắm ông, mà còn gợi ông để ông kể lại với nhiều người khác một cách rất trân trọng và cũng rất sống và duyên dáng là đằng khác. Rồi họ cười ngay vào mũi ông, cười bò ra với nhau, trong khi ông càng ngạc nhiên hơn, lại thuỗn mặt ra, càng hồn nhiên và ngây thơ, như vẫn không tin có màn kịch ấy được!...

 

Thế rồi, trên các ngả đường tôi hay qua lại dần dần không những chỉ ở mấy tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Nam.. bớt hẳn ăn mày ở cả ngay Hà Nội. Những người sống sót lại lần mò lê lết trở về quê quán. Một hôm tôi lại ở bên Bắc Ninh về, dọc đường được nghe mấy người ở gần huyện Thuận Thành và Văn Lâm của tôi kháo nhau về trận dân làng kéo nhau phá kho thóc và cướp thóc ở chùa Dâu như trảy hội ấy. Ghi nhớ được mấy tình tiết, mấy câu nói rất đặc biệt, tôi càng cố đạp nhanh về để kể cho Nguyễn Huy Tưởng nghe. Buổi ấy tôi về muộn, các đồng hồ đều suýt soát mười hai giờ mười lăm, mười hai giờ hai mươi. Lên khỏi thang gác, tôi bỗng thấy cái gì khang khác. Nguyễn Huy Tưởng của tôi ăn cơm xong không nằm ngủ trưa một lúc như thường lệ. Ông ta đang ngồi ở bàn; ông không viết mà đọc sách. Tôi vừa vồn vã gọi ông thì liền nhận ra ngay cái mặt của ông lại bệu ra, khinh khỉnh, lì lì. Tôi cứ đến cạnh ông, giữ vẻ bình thường tươi vui:

 

- Ông lại bí, lại không viết được. Ông vừa mượn được sách mới gì? Lại của Romain Rolland hay Léon Tolstoi đây!

 

Không! Đúng là “nó” vẫn cứ lặng thinh, và trong cái lặng thinh này tôi không thể nào không thấy một sự tức giận vô cùng.

 

- Tưởng lại phải chờ cơm tôi?

 

Buông xong thêm câu hỏi này, tôi càng bị hẫng thêm. Rồi không những thấy mình hẫng, mà còn choáng váng. Không có cơm nước gì để phần tôi hết! Cả hề đồng Hậu của chúng tôi mọi khi vẫn cười cười đón hỏi tôi từ cầu thang và đon đả thưa cậu đã về ăn cơm, giờ không hiểu làm gì hay đi đâu mà không thấy!

 

- Thằng Hậu nó đi rồi?!

 

Tôi phải bật lên thành lời.

 

Nguyễn Huy Tưởng càng lầm lầm.

 

Tôi liền đảo mắt nhìn khắp nhà. Không! Cái màn tuyn, cái chăn gấp gọn mỏng và quần áo của Nguyễn Huy Tưởng cũng như quần áo của tôi treo ở mắc, gối ở đầu giường vẫn y nguyên.

 

- Thằng Hậu nó đi nó không lấy gì cả à?

 

Tôi lại phải lên tiếng. Đầu gối Nguyễn Huy Tưởng hơi đung đưa, mắt nó lim dim nhìn tôi, giọng nó nhạt thượt:

 

- Ông vào bếp mà xem.

 

Tôi chạy bổ vào buồng tắm. Cái bị quần áo của Hậu không còn và cả bị gạo của chúng tôi nữa. Tôi lại đâm bổ ra:

 

- Còn sáu ống cân gạo để ăn mấy hôm cuối tháng nó lấy đi cả?!

 

- Phải! Nó chỉ lấy đi cả sáu ông cân gạo và cái nồi của tôi thôi ông ạ! Ông Giêsu Hồng ơi! Ông đúng thật là cao cả và nhân đạo! Nhân vật của ông phản lại ông đó. Nhưng thôi! Bị mất gạo, tôi cũng không cần, không nghĩ gì đâu! Tôi chỉ cần nghĩ về cái nồi thôi. Cái nồi của mẹ tôi, bà cụ sắm để thổi cơm từ ngày còn bố tôi. Bố tôi chết, bà cụ lại thổi cơm ăn với tôi. Tôi giữ mãi ở nhà quê, giao cho bà chị dâu cất đi cùng với áo cưới của mẹ tôi và các sách của bố tôi…

 

Tôi đạp xe lồng ra chợ Hôm. Tôi lại đến chỗ ăn mày tụ tập thì chỉ thấy còn mấy đứa bé. Hỏi chúng, chúng bảo ban sáng có thằng Hậu đeo một bị gì nặng ra đây, nó và thằng bạn thân nhất ngày ngày nó đem cho hàng bát cơm, vẫn cứ ở đây chờ nó, hai đứa cùng nhau ra bến tàu thuỷ lâu rồi. Nghe nói hai đứa đưa nhau về quê, không hiểu về quê thằng Hậu hay về quê thằng kia. Chúng nó về quê gặt rồi đi tìm em chúng nó…

 

                                                     *

Sang cuối tháng sáu, đầu tháng bảy năm 1945 ấy, chúng tôi trả lại cái gác nọ. Nguyễn Huy Tưởng chuẩn bị lên chiến khu, tôi về Bắc Ninh tìm Kim Lân để lập ban kịch tuyên truyền lưu động.

 

Cách mạng tháng Tám thành công. Sau đây làm với nhau tờ Tiên phong ra công khai, rồi trong kháng chiến chống thực dân Pháp cùng nhau nhóm rau nhóm bếp tờ tạp chí Văn nghệ ở Gia Điền, Phú Thọ, đi theo nhóm Văn nghệ Việt Nam chuyển trong các rừng núi Tuyên Quang, Thái Nguyên,… rồi hoà bình lập lại trong những buổi nói chuyện ngày xưa, chuyện về nhau – cả những chuyện có thật và những sáng tạo về nhau – đặc biệt là cái cái “chuế” của nhau, Nguyễn Huy Tưởng không còn nữa của tôi thường nhắc đến chuyện hề đồng Lê Văn Hậu mà tôi đã đưa về nhà nuôi kia… và cố nhiên lại nhắc đến cái gác phố Pescadore lịch sử và cái nồi của anh. Vẫn ý vẫn lời của những câu trên kia đã nói với tôi hôm đó, nhưng Nguyễn Huy Tưởng tức Chánh Hoà ấy, không bệu cái mặt, lì lì, khinh khỉnh nữa. Ông ôm hẳn lấy người tôi mà cười hô hố hẳn lên vẫn rất chi là hồn nhiên ngây thơ, khoái trá trong tiếng cười ngất của anh em như mưa xuống đầu tôi.

NGUYÊN HỒNG

 ----------------------------------

(1) Cái bàn bằng gỗ tạp, “đánh vécni nhếnh nhoáng” mà Nguyên Hồng mua lại của một người họ hàng để dùng làm bàn viết từ hồi ở Nam Định, đến khi lên Hà Nội thì mang lên theo. (Chú thích của người biên tập.)

(2) Tin tưởng… tin tưởng…

(3) Tiếng Pháp, chỉ phòng ăn chung. (Chú thích của người biên tập.)

           

               (Trích Bước đường viết văn, NXB Văn học, 1970)

Các Bài viết khác