NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“ĐỜI KHÔNG DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CHỊU CHIẾN BẠI”

( 10-04-2015 - 06:31 PM ) - Lượt xem: 1184

Những ngày đầu năm Quý Mùi (1943) mang đến một sự thay đổi lớn trong thái độ của Nguyễn Huy Tưởng đối với đời. Ông trở nên quả quyết hơn, sống mạnh mẽ và thực tế hơn, làm việc cũng có chiều hứng khởi hơn. Đấy cũng là những ngày ông sắp mất đi người mẹ thân yêu. Song, với một ý thức xã hội đã xác định, ông sẽ vững bước trên con đường tìm đến cách mạng: năm 1943, như ta biết, nhóm Văn hóa cứu quốc đã ra đời, và trong số những thành viên đầu tiên có Nguyễn Huy Tưởng. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc đoạn nhật ký sau Tết Quý Mùi cách đây 70 năm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. (Đầu đề do BBT đặt.)

10 Mars (tháng 3) 1943

Suốt cả một tháng nay, không viết nhật ký. Người như đứng trước một sự thay đổi. Trông vào sự thực hơn và mắt không mơ mộng nữa.

Giữa lúc tinh thần hốt hoảng, cảm thấy kém hèn, thua anh kém em, thì đọc quyển L'annonciateur de la tempête [Người báo bão]: xem đến bài L'Homme [Con người], thấy tinh thần phấn khởi, và muốn hăng hái bước vào con đường tranh đấu, hi sinh cho lý tưởng, lừng lẫy thanh danh.

Đời không dành cho những người chịu chiến bại. Phải ngửng đầu lên. Và phải tranh đấu. Tôi nghiệm thấy tôi, trong mọi trường hợp, đều tỏ ra một thái độ khuất phục, chịu lép vế, và chịu nỗi thiệt thòi. Phải bỏ hẳn cái thái độ ấy, và phải giữ thái độ chiến đấu. Chờ cho đến khi thành danh, rồi nấp sau cái bóng thanh danh để hành động là một cái hèn. Trong trường tranh đấu, mình phải có chân giá trị.

14 février [tháng 2], về quê vừa thăm mẹ, vừa làm đơn kêu về việc viên tri phủ Từ Sơn không phát sợi cho dân làng. Gửi đi, tuy tiêu phí mất vài đồng, nhưng tinh thần nhẹ nhõm. Và đây là một cái kết quả đầu tiên của sự biết trông vào thực tế của tôi. Hiện nay, chưa biết kết quả ra sao, nhưng nghe nói đã có cuộc điều tra của quan trên, và hình như dân làng sắp được sợi. Nếu được, chả thú vị lắm sao.

Phải bỏ cái thái độ ghen tức, và ghen tị. Thấy người hơn mà ghen là một cái hèn. Nhưng cũng đừng chạy những người sang, và cũng đừng coi họ như thần thánh. Khi mình chạy họ, không chơi với họ, tức là công nhận họ hơn mình, tức là chịu bại. Không thể được. Phải xông vào với xã hội, giao thiệp với tất cả tầng lớp xã hội, phải đâu chỉ chơi với kẻ dưới mình? Ta đã bỏ lỡ bao nhiêu dịp để làm quen với những người giầu có. Ta ghê tởm họ. Nhưng thế là ta nhầm.

*

Cái nhà mình mắc điện mất 45$, nay có người lấy, và hoàn mình số tiền ấy. Sung sướng. Ngày 28, đem về quê biếu mẹ 35$. Mẹ bảo: Chú(1) phải chạy ngần này, chắc là khổ lắm.

Tôi trông mẹ tôi mà đau xót. Cụ không cựa cậy được, mỗi khi nhờ chị dâu tôi giở mình cho thì kêu đau, rên rỉ. Mẹ tôi oán trời, sao cứ hành hạ mãi mẹ tôi, mỗi hôm tội tình một khác. Xem ý thì mẹ tôi muốn sống, và bà lang Cổ Loa vào hỏi thăm, mẹ tôi hỏi xem bà ấy trông mẹ tôi có khá hơn không? Ôi thiết tha với sự sống. Mẹ tôi gầy quá, tóc không chải, rối beng, vài sợi tóc trắng. Cả đêm mẹ tôi dằn vặt, kêu đau, tôi nhói đến từng khúc ruột.

Từ 1er Mars [1-3]. Sửa xong kịch Công chúa Huyền Trân. Chép lại. Làm bài thơ Sóng tóc. Dịch bài Les conquistadors [Những kẻ đi chinh phục châu Mỹ].

Tôi lại nghĩ đến cuốn tiểu thuyết mà tôi muốn để hết tâm hồn vào đó. Một truyện tâm tình. Kết tinh lý tưởng, ý tưởng, quan niệm của tôi. Viết theo một thể tài thân mật, phân tách, và mơ mộng. Hơn mười năm trời rồi mà không xong. Tên sách cũng đổi mãi – Trước là Nguyên A nhật ký. Sau là Ông Chánh Bảo. Sau là Hương quê. Nay tôi lại không thích thế nữa. Và tôi băn khoăn về tên sách. Cái ốm và nỗi đau đớn của mẹ tôi đã giúp cho sự kết cấu của cuốn này, mà trong ấy tôi còn muốn tả hình ảnh mẹ thân yêu của tôi. Khó quá, khó hơn tất cả những kịch, những truyện lịch sử mà tôi định viết. Nhưng chắc chắn rồi, chưa có văn sĩ nào trong xã hội Việt Nam có thể viết được.

Ngày 6-3-43, trên đường về quê. Trông ra ruộng nương khô ráo, tôi chợt thấy mong mưa xuân. Mưa xuân làm tươi những cây cỏ khô ráo. Và tôi tìm ra đầu đề cuốn truyện. Ấy là tiểu thuyết Mưa Xuân, và mưa xuân là kết thúc cuốn truyện tâm tình ấy. Nó giúp cho tôi chia sách ra làm ba chương là: Viên, Sông Tương Mưa Xuân.

Mấy hôm nay, thì đầu óc tôi chỉ bận về việc kết cấu cuốn truyện rất giản dị, rất phức tạp mà cũng rất văn chương, nghĩa lý của tôi.

Và liên tưởng đến sự thành công. Bây giờ giấy khan. Nhà xuất bản chưa chắc đã in những truyện và những kịch của mình. Phải biết lựa chiều phấn đấu. Ta sẽ làm kịch thơ Bạch Đằng Giang và sẽ đăng trên tạp chí Tri Tân. Rồi sẽ xuất bản.

Tôi nhớ cả sự hội họp với Quản Xuân Nam(2). Anh phàn nàn rằng hội TBQN [Truyền bá quốc ngữ] đã biến thành một hội thiện, trong khi anh muốn cho nó một tính cách cách mệnh. Anh chán, và nay bỏ hoạt động, quay về học.

Trông gia đình anh cũng đẹp. Một tổ đấm ấm. Và cành Hoa đào còn rớt lại Tết xuân.

Chúng tôi bàn đến vấn đề chính trị. Cùng lo sự thay đổi chủ. Nam nói sẽ hoạt động để ngăn cản cuộc đô hộ Nhật, vì nó nguy hiểm, dù phải mất đầu. Tôi vẫn nhớ hình ảnh người chiến sĩ gầy gò ấy.

-----------------    

(1) Lối gọi truyền thống trong gia đình tác giả: về sau, ông cũng dùng từ này để gọi con trai duy nhất của mình là “chú Thắng”.

(2) Học sinh Hải Phòng, tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, hoạt động Truyền bá quốc ngữ, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Theo Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, NXB Thanh Niên 2006

Các Bài viết khác