NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“CÁI HAY CỦA CUỐN SÁCH NÀY, LÀ HAY Ở TÌNH CẢM”

( 22-03-2016 - 06:42 AM ) - Lượt xem: 1535

LTS: Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một người đọc nhiều. Ông đọc thông chữ Hán và sử dụng thuần thục tiếng Pháp trong công việc (hồi trẻ ông làm thư ký sở Tây). Đây chính là hai công cụ giúp ông tiếp nhận văn hóa cổ kim đông tây, bằng cách đọc cổ văn Trung Hoa, văn học cổ điển và đương đại Pháp cũng như của nhiều quốc gia khác được dịch ra tiếng Pháp. Nhật ký một ngày tháng 4 năm 1940 cho biết ông đã rất xúc động khi đọc cuốn Người mẹ (La Mère) của nữ văn sĩ Mỹ Pearl Buck. Không chỉ diễn tả cảm xúc của mình sau khi đọc cuốn sách, ông còn dịch ra và chép lại trong nhật ký cả một đoạn dài. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một “trải nghiệm dịch” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. (Đầu đề rút từ một câu trong nhật ký.)

13-4-1940

Xem truyện [của] P. Buck: “La Mère” (Người mẹ). Không phải là tiểu thuyết, chỉ là một tập giấy tả đời một người đàn bà tầu, từ lúc lấy chồng cho đến ngày tóc bạc. Truyện không có kết cấu, đáng nhẽ phải nhạt, nhưng viết khéo làm sao, đến nỗi người xem không nản mà lại ham. Sách hay phần nhiều ít kết cấu, lời văn hay phần nhiều ít cầu kỳ. Cái hay của cuốn sách này, là hay ở tình cảm. Chỉ có người giầu tình cảm, viết văn mới hay.

Truyện viết lạ, tất cả nhân vật trong truyện không có tên. Chỉ dùng những tiếng: người mẹ, bà già, người chị họ, người chồng, thằng con, vậy mà vai nào ra vai ấy, không lẫn lộn được, thực là thiên tài.

Nào phải tìm đâu xa? Truyện người mẹ thì đâu chả có. P. Buck không cần tìm những nhân vật tiếng tăm, không cần tả những sự nghiệp anh hùng, mà quyển truyện của bà đó là một công trình kiệt tác. Mà truyện có gì đâu? Có một người đàn bà, lấy chồng được ba đứa con, ăn ở hiếu với mẹ chồng, làm ăn suốt ngày không mở mắt, và mỗi năm lại sinh nở, và chỉ lấy sự sinh nở làm vui, một người đàn bà Á đông hoàn toàn. Bỗng chồng chán cái đời ở với vợ, đi mất. Chị ta đau đớn, nhớ chồng. Lại phải nghĩ mưu kế để nói dối mọi người rằng chồng đi làm xa, để khỏi mang tiếng là người chồng bỏ. Rồi một mình gánh vác cửa nhà. Đứa con giai nhớn giúp đỡ, đứa con gái lại hỏng mắt, đứa con giai thứ còn nhỏ. Trong khoảng ấy, xuân tình còn mạnh, chị ta chút dại đa mang với một kẻ bạc tình. Rồi chửa hoang, rồi làm cho băng thai. Rồi hối hận... Rồi lại yên ổn làm ăn, làm ma cho mẹ chồng, cưới vợ cho con trưởng. Con dâu hiếu thảo, nhưng không khỏi điều nọ tiếng kia. Lại phải cho đứa con gái mù đi lấy chồng. Rồi đứa con gái chết, vì gả phải một nơi bần tiện. Người mẹ đau đớn, khóc lóc. Chỉ trút lòng yêu vào đứa con thứ. Mong mỏi, con trưởng mãi không đẻ cháu trai. Rủi thay, đứa con thứ đi nhập đảng cộng sản rồi bị chết chém. Chị ta ra mộ khóc, ăn năn tội lỗi. Giữa lúc ấy, có tin con trưởng đẻ cháu giai. Đó là cái vui duy nhất của một người suốt đời không lúc nào sung sướng.

Đây, dịch đoạn người mẹ tiễn đứa con gái mù cho không người ta, để khỏi bị chị dâu soi mói. Tôi chưa thấy trong văn chương thế giới một đoạn văn nào cảm động như đoạn mà tôi dịch dưới đây:

Nhưng họ không mở tiệc và cũng chẳng làm lễ cưới gì. Đứa con gái mù thì cả ngày không nói gì cả. Khi mẹ nó báo tin cho nó biết, nó lặng lẽ nghe, không trả nhời, nhưng một đêm, nó lấy tay sờ mặt người mẹ nằm bên cạnh, và thỏ thẻ nói: “Mẹ ơi, rồi mẹ có đến thăm con, xem con ra làm sao không? Con mù, không thể về nhà được, vì đường thì dài và lạ, mà lại phải qua những núi cùng thung”. Người mẹ đưa tay sờ con và thấy con thổn thức, bỗng sụt sùi trong bóng tối, lấy chăn gạt nước mắt, nhắc đi nhắc lại rằng: “Mẹ đến với con chứ, con. Nhà chồng đối đãi với con thế nào, rồi con bảo mẹ, mẹ sẽ bênh vực con, không để cho họ hành hạ con mẹ”. Rồi bà ta lại tiếp một cách êm ái: “Nhưng kìa, con mẹ thức suốt đêm đấy ư, con?” Con bé đáp: “Vâng, và cả mấy đêm trước, con cũng không ngủ được”. Người mẹ âu yếm bảo con: “Đừng sợ, con nhé. Con mù, nhưng con nhanh nhẹn và khéo léo. Nhà chồng con chắc họ chả kêu đâu, vì họ đã biết con tàn tật, vả mẹ đã bảo rõ cả rồi”.

Con bé dần dần ngủ thiếp đi. Người mẹ còn thức mãi. Và bà ta lại tiếc không tìm được cho con một đám ở gần vùng, để có thể mỗi tháng đến thăm con một lần... Dần dần bà ta nghĩ ra là nên cho con vài đồng bạc, cũng như ngày xưa mẫu thân bà đã cho ngày ra ở riêng. Tang tảng sáng, người mẹ đã dậy, rón rén, vì sợ kinh động súc vật, gà qué, lần đến chỗ chôn tiền, bới đất ra, lấy cái gói vải con đựng ít vốn liếng riêng lên. Người mẹ chọn lấy 5 đồng bạc, thu vào bọc, rồi lại vùi chỗ bới ra như cũ. Có tiền trong mình rồi, bà ta mới hơi yên lòng, vì bà ta nghĩ: “Chả mấy người con gái nhà nghèo đi lấy chồng lại có vốn riêng. Chẳng gì, con ta cũng còn có”. Tự yên ủi được như thế, bà ta mới chợp ngủ đi được.

Ngày người ta đến đón con bà đã đến. Bấy giờ là một buổi đầu xuân, cảnh vật chưa kịp nở. Mới mọc một vài thứ cỏ mà trẻ trong làng vội vặt ngay để ăn, cành liễu mới phơn phớt xanh, và nụ đào nâu chưa mở. Đất hãy còn cằn cỗi như về mùa đông, lúa mì chưa mọc, và trên những mô đất, chỉ thấy lờ mờ những chấm nhỏ. Gió hãy còn lạnh.

Hôm ấy, một lão già cưỡi lừa đến, trông láu lỉnh và ác nghiệt. Quần áo thì rách rưới, bẩn thỉu. Khi ở trên lừa xuống, thì cử chỉ của lão ấy thụ lỗ tục tằn. Hắn hỏi một giọng xấc láo: “Tôi đến đón con bé mù, nó đâu?”

... Người mẹ chán nản quá, nhưng đã hứa, đành phải đỡ con lên ngồi trên lưng lừa. Con bé mặc áo mới, người mẹ ấn vào tay con cái gói tiền, và vội vã bảo rằng: “Đây là của riêng con, đừng đưa cho người ta mà mất, con nhé”.

Lão già đá vào cẳng lừa cho nó đi. Người mẹ bỗng thấy sợ cho con, kêu thét lên rằng: “Rồi mẹ sang chơi bên ấy với con, con ạ, để xem người ta đối đãi với con thế nào. Có cái gì, con cứ để bụng hết cả, rồi con sẽ nói cho mẹ. Có sự gì xẩy ra, mẹ quyết mang con về với mẹ, mẹ chẳng sợ đâu”.

Con bé mù, nói run run qua môi khô khan: “Vâng, có thế, con mới đỡ sợ”.

Người mẹ còn chưa muốn rời ngay con. Bà ta thất vọng quá, cố tìm lấy một câu nói, hay một cớ gì để giữ con lại một chút nữa. Rồi vừa bíu lấy con, vừa bảo lão già: “Con tôi không biết đun đâu, tôi vẫn cấm nó, vì khói xông lên nó đau mắt...” Lão già quay lại nhìn người mẹ, cười gằn và bảo rằng: “Được rồi, rồi chúng tôi xem”. Rồi lão thích lừa, cho nó đi, còn lão đi bộ kèm bên.

Con bé con lên đường, tay cầm cái chuông, dấu hiệu của người mù, và cái cuộn quần áo để đàng sau, trên lưng lừa. Người mẹ còn đứng nhìn con mãi, đau đớn quá chừng, nước mắt chẩy ròng ròng. Bà ta còn đứng trơ mãi cho đến khi một ngọn [đồi] ngăn đôi mẹ con, và đứa con khuất hẳn.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

Các Bài viết khác