NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CÁI DUYÊN CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG VỚI NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC

( 06-07-2018 - 05:34 PM ) - Lượt xem: 893

Tại Hội thảo khoa học Nguyễn Huy Tưởng 1912-1960 do Viện Văn học, Hội Nhà văn phối hợp với một số cơ quan xuất bản, báo chí tổ chức năm 1992 nhân 80 năm ngày sinh tác giả Vũ Như Tô, nhà thơ Lữ Huy Nguyên, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học đã có bản tham luận về sự gắn bó của nhà văn với cơ quan ông. Bài viết đầy sở cứ về công lao đóng góp của Nguyễn Huy Tưởng đối với nhà xuất bản danh giá này, cũng là dịp để nhà thơ - giám đốc Lữ Huy Nguyên khẳng định những yếu tố tích cực trong tập thơ vịnh văn nhân của Xuân Sách: Bấy giờ Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra tập thơ này, vốn trước đó chỉ được lưu truyền một cách không chính thức. Sự việc đã gây nhiều ý kiến trái chiều, bên cạnh những bạn đọc tỏ ra thích thú cuốn sách, có một số vị “được” vịnh thậm chí còn định rủ nhau kiện tác giả tập thơ…

Nhà xuất bản Văn học luôn tự coi mình là bên ngoại của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Riêng tôi chưa từng được vinh dự gặp anh vì anh ra đi quá sớm khi tôi vừa chân ướt chân ráo vào nghề. Nhưng đã nhiều năm, rất nhiều năm, chị Trịnh Thị Uyên, người bạn đời mẫn cảm và thủy chung của anh Tưởng đã làm việc tại Nhà xuất bản Văn học; bản thân tôi cũng được làm việc với chị trong thời gian dài cùng một cơ quan với nhiều kỷ niệm riêng chung, không ít sóng gió trong nội tình cơ quan giữa những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nay Hà Nội, Đông Du; mai Xuân Dương, Kim Thư và cuối cùng là ở Mía đất Đường Lâm.

Nguyễn Huy Tưởng gắn bó với Nhà xuất bản Văn học không chỉ vì chị Tưởng làm việc ở đó, mà xa hơn, từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Cuốn sách 35 năm Văn học do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1983 đã ghi trên những trang đầu công lao và hình ảnh của anh. Giữa những ngày sôi nổi của chiến dịch Thu đông 1947, khi quân Pháp tung hai gọng kìm lớn đánh vào chiến khu Việt Bắc, đồng chí Tố Hữu được Trung ương giao phụ trách công tác văn nghệ đã cùng với các đồng chí Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, thảo luận và quyết định thành lập Nhà xuất bản Văn nghệ, tên gọi ban đầu của Nhà xuất bản Văn học hiện nay và chuẩn bị ra số Tạp chí Văn nghệ đầu tiên. Nhà xuất bản Văn học trong đó có công sáng lập của Nguyễn Huy Tưởng và báo Văn nghệ từ đó trở thành hai người anh em sinh đôi. Các công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương và sách của Nhà xuất bản Văn học được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ số 1, tháng 3 năm 1948, nhưng trong những ngày đầu mới thành lập, giữa lúc hoàn cảnh kháng chiến khó khăn về vật tư và phương tiện ấn loát, trong năm ấy mới kịp cho ra mắt bạn đọc ba tác phẩm văn học: Việt Nam trở dạ, tùy bút kháng chiến của Xuân Diệu, Giác ngộ –  kịch của Thao Trường và Những người ở lại, kịch dài của Nguyễn Huy Tưởng.

Mấy chục năm cầm bút, Nguyễn Huy Tưởng đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị mà những tác phẩm quan trọng nhất đều dành cho Nhà xuất bản Văn học giới thiệu. Đấy vừa là cái duyên vừa là vinh dự đối với chúng tôi. Đơn cử một số tác phẩm trong rất nhiều duyên nợ giữa anh và Nhà xuất bản Văn học kể cả sau khi anh qua đời: kịch Bắc Sơn, kịch Những người ở lại, kịch Anh Sơ đầu quân, Ký sự Cao Lạng, Một ngày hè, Chiến sĩ ca nô, Gốc đa, Truyện anh Lục, tập I, II, III, Một ngày chủ nhật, Bốn năm sau, Lũy hoa, Sống mãi với Thủ đô, Tuyển tập ký sự, tuyển tập Truyện viết cho thiếu nhi, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, tuyển tập Kịch gồm Vũ Như Tô, Cột đồng Mã Viện và các vở khác, tập tiểu luận, hướng dẫn sáng tác Viết kịch và tổ chức sáng tác tập thể, v.v… Trong số những tác phẩm trên có những cuốn được tái bản nhiều lần mà tập đại thành là Tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng trọn bộ 3 cuốn được ấn hành vào năm 1984 - 1986 tại Nhà xuất bản Văn học.

Nhiều công trình nghiên cứu mà chuyên luận Nguyễn Huy Tưởng của hai tác giả Hà Minh Đức - Phan Cự Đệ (Nxb Văn học; 1966) là một công trình có công khai phá. Riêng với tôi, cuốn sách ấy còn là một kỷ niệm trong đời làm xuất bản làm xuất bản, bởi vì chính đó là bản thảo biên tập đầu tay của tôi (1965), nếu có thể nói như vậy. Nhiều bài báo, bài văn đã đánh giá công lao to lớn của Nguyễn Huy Tưởng vào sự nghiệp văn học hiện đại. Nhiều bài thơ viết về anh, từ Văn Cao, Chế Lam Viên… đến Xuân Sách, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Vũ Tiềm.

Dân dã thì như bốn câu đã lưu truyền mấy chục năm nay hàm chứa tâm trạng thương tiếc cháy lòng:

         Anh chẳng còn sống mãi

         Với thủ đô, lũy hoa

         Để những người ở lại

         Bốn năm sau khóc òa

                                 (Xuân Sách)

Ngôn ngữ diễm lệ thì như thơ Nguyễn Vũ Tiềm Người đến hội Long Trì:

         Đêm hội Long Trì chưa kịp vui

Quỳnh Hoa chưa kịp gặp văn tài

hồ rượu đã thành hồ huyết lệ

âm - dương, họa - phúc bẫy giăng cài.

Đêm ấy nhà văn đứng chỗ nào

trừ tà hay dạo khúc tiêu dao

Bút văn đối diện cùng trang giấy

lương tính dễ dàng trốn được sao.

Khuya thức may cờ thêu sáu chữ

đi tìm Quốc Toản khắp vùng quê

hận chưa kịp phá xong cường địch

cỏ đã mời xanh, đất đón về.

Vâng. Anh Nguyễn Huy Tưởng ơi, “Cỏ đã mời xanh, đất đón về”, nhưng cuộc đời cao đẹp, trong vắt của anh, tác phẩm ngồn ngộn sức sống và thăng hoa tâm hồn của anh còn ở lại với đời, thần chết không mang theo được!

Đúng như Văn Cao đã viết:

Không phải cái chết của nhân vật trong tiểu thuyết

Không phải cái chết của một trận đánh thí quân

Cái chết của anh cái chết một nhà văn

Không bao giờ là cái chết.

LỮ HUY NGUYÊN

Các Bài viết khác