NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“BỆNH VIỆN VIỆT - XÔ”

( 20-07-2014 - 01:17 PM ) - Lượt xem: 1490

LTS: Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ trần ngày 25-7-1960, cách nay 59 năm. Ông mất do căn bệnh ung thư gan, chỉ hai tháng sau khi nhập viện. Nằm trên giường bệnh, chống chọi với tử thần, nhà văn vẫn tiếp tục viết nhật ký cho đến khi không thể cầm bút được nữa. Những trang nhật ký này, được chính tác giả đề là “Bệnh viện Việt - Xô”, không chỉ cho chúng ta biết về quãng thời gian cuối cùng của nhà văn, mà còn hàm chứa những suy nghĩ đầy tính nhân văn của ông về sự sống và cái chết, về cuộc đời và tác phẩm, về công việc và gia đình… Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

27-5-1960

Bệnh trở nên đáng sợ. Tumeur abdominale. Tức là một thứ u ở gan. Ta đã sờ nắn thấy nó từ lâu, mà sao không đi bệnh viện? Sao không nói với vợ? Triệu chứng gì đã làm cho ta mê muội đến thế?

Những bệnh nhân đã biết võ vẽ về thuốc, nói tumeur bénigne [u lành] thì còn khá, tumeur maligne [u ác] có thể dẫn tới ung thư. Ung thư! Căn bệnh nguy hiểm mà ta không ngờ đến!

Bác sĩ Xiêm, bác sĩ Ảnh, rồi bác sĩ Trí, rồi bác sĩ An, rồi chuyên gia phẫu thuật Liên Xô, rồi bác sĩ Bảo xem. Ta sốt ruột và hoang mang vô cùng.

1-6-1960

Chuyển sang phẫu thuật. Ngày nào cũng có người mổ. Không dám nhìn. Ta nằm bên cạnh một người vừa mổ xong, bặt đi trong giấc ngủ thuốc mê. Đêm, anh ta rên. Chung quanh rên. Có những tiếng kêu trời khe khẽ.

Trằn trọc. Thương vợ. Chiều nào đến vợ cũng ứa nước mắt. Thắng, Chi đã khỏi sởi. Lại ngày nào đi vào bệnh viện, Thắng hỏi bố phải mổ à? Vợ thương ta làm việc nhiều mà không được ăn uống. Lo mổ, lo cái u, chẳng biết đâu, chỉ thấy là nghiêm trọng rồi.

Ta chập chờn, mê thấy mẹ trong một bữa cỗ. Lạ làm sao? Nghĩ gở. Đám tang. Những vòng hoa. Nghĩ thương Thắng. Nếu là bệnh ung thư?! Đau khổ lạ lùng. Vợ và một lũ con nheo nhóc. Thục, Khánh có còn được đi học nữa không? Vợ ta sẽ làm gì? Bao nhiêu sáng tác đang dự định. Và những sáng tác đã ra đời và phải hoàn mỹ: Vũ Như Tô, Bắc Sơn, v.v... Tầm thường trong sự nghiệp văn chương.

2-6-1960

Một chút vui hơn. Sang Phủ Doãn để Tôn Thất Tùng khám. Bác sĩ Tùng đoán là cyrrhose de foie: xơ gan. Và nói là còn may cho ta. Và người ta đang khám nghiệm theo ý kiến của Tùng. Nếu đúng thì không đến nỗi tuyệt vọng.

Chiều: vợ + Hoà đến chơi. Vợ khóc. Ông Ba cũng đến. Vợ mua vải, mứt chuối. Nào có ăn được. Rồi Võ Hồng Cương tới vì ông Lê Đức Thọ đã cho biết tin. Rồi Kim Lân, Tô Hoài...

Đưa vợ con và các bạn về. Chị hộ lý sắp trở thành y tá, tên là Khánh, người dịu dàng, khu 5. Còn trẻ, đã có con trai học đại học. Nếu Thắng cũng lớn như thế, ta còn phải lo gì.

3-6-1960

Chụp ảnh dạ dày, cái u ở bệnh viện Phủ Doãn. Bác sĩ Hoàng Sử hỏi: bao nhiêu tuổi. Hôm qua bác sĩ Trần Hữu Tước tới đây, khi biết bệnh ta, cũng hỏi tuổi. Và hình như bác sĩ nào cũng hỏi tuổi cả. Bệnh chết chăng?

Đầu óc rối tinh. Đọc Một anh hùng thời đại. Truyện đầu là cái chết của Bêla. Sao mà chán vậy.

Mong mỏi được sống. Cuộc sống đẹp biết bao. Muốn về với gia đình. Nói chuyện vui với Thắng.

Nghĩ càng nhớ Thắng. Thắng luôn luôn hỏi mẹ: Mãi bố chẳng về. Bố đi sao mà lâu thế! Đứa trẻ ngây thơ nào đã biết gì đâu. Câu hỏi của con nhói vào lòng. Bao giờ ta về? Câu ta tự hỏi có một cái gì lo ngại. Ôi tha thiết cuộc sống ở bên ngoài!

Chiều 3-6

Tâm sự về nỗi lo lắng của mình với Tuế. Tuế nói: Nếu là tumeur à létat cancereux [u ở trạng thái ung thư] thì đáng ngại thật. Nhưng cũng phải chuẩn bị tinh thần mà chịu đựng nó thôi, cần quái gì.

Trong những lúc lo lắng, những lời khuyên giải sâu sắc nhất cũng vô ích. Thơ ca hay biết mấy cũng không giải quyết được mọi nỗi đau thương của con người. Nhưng cũng có những lời nói giản dị có tác dụng nâng đỡ tinh thần cho ta. Trường hợp lời nói của Tuế cũng vậy.

4-6-1960

Cảnh bệnh viện sao mà buồn: misère humaine[nỗi thống khổ của con người]. Sao người ta không lo việc làm cho nhau bớt đau khổ, mà còn nghĩ những chiến tranh, tàn phá cuộc đời mọi người. Vào bệnh viện mới càng thấy tội ác của bọn đế quốc âm mưu gây chiến.

*

Nhưng sao bây giờ ta mới đến [bệnh viện]. Ta đã phát hiện ra cái u ấy từ bao lâu rồi cơ mà? Sao mê muội vậy? Hay là có một thế lực siêu hình nào muốn hại ta?

Nghĩ thương vợ. Phải có những lời an ủi vợ. Người vợ đáng thương sức yếu tay mềm, không có một nghề nghiệp trong tay!

5-6-1960

Cơn lốc. Vợ chồng Kim Lân đến thăm. Cho quà.

Bình tĩnh hơn hôm trước. Chuẩn bị tinh thần để chịu đựng mọi sự không may. Cần tạo cho mình một cái dũng cảm và phải có sérénité[thanh thản] để còn sống thì còn làm việc.

Tố Hữu đến thăm con và có gặp.

- Vợ ta: chỉ những nước mắt: khóc khi chồng mắng, khóc khi không bảo được con, khóc khi tiễn con đi học, khóc khi chồng nằm bệnh viện.

Thương yêu vợ hơn bao giờ. Cái phần đóng góp lặt vặt không tên không tuổi của vợ vào trong gia đình thật là vĩ đại, thật không thể tính bằng tiền.

Chiều, cùng vợ dạo trên bờ đê. Tinh thần đỡ căng thẳng. Vấn đề là chờ thôi. Vợ nói đến số. Con người còn có số.

6-6-1960

Ngồi nhìn qua cửa sổ. Chỉ thấy những ngọn cây xoan. Không có cảm giác đây là giữa thành phố, mà là cả một chân trời mở rộng bao la vô cùng.

Mấy anh đã mổ lò cò ra ngoài hành lang.

Hôm nay, người ta chuẩn bị ngày mai mổ cho anh Quý, nằm bên. Anh này vừa qua một thời gian tiếp máu. Người ta gọi là anh sắp lên vũ đài. Ở phẫu thuật, chuyện gì rồi cũng dẫn đến chuyện mổ.

Anh ta thu xếp đồ đạc như sắp khởi hành xa.

- Chiều, cơm xong, sang nói chuyện với Đặng Thai Mai. Trong khi hai ông chuyên gia Liên Xô đi tìm, chắc là để xem lại bệnh.

Tối, nói chuyện với bác sĩ Phụng. Anh ta người cũng hoà nhã. Phụng nói như để chuẩn bị tư tưởng: bây giờ thế này, có lo cũng thế thôi. Rồi hỏi tuổi. Rồi hỏi con. Nói con nhỏ mới lên 3. Phụng nói: Thế cũng là nhớn rồi.

Đêm trằn trọc không ngủ được. Thương vợ. Chiều, vợ đến thăm. Thỉnh thoảng lại nhìn chồng. Vợ xanh, nước da xạm, vàng. Nghĩ đến Thắng, Phương Chi. Rồi Thục, Khánh học sau này sẽ ra sao? Nếu ta có mệnh hệ nào, vợ yếu, con đông, sẽ xoay xỏa ra sao. Ôi cuộc sống bơ vơ lam lũ của vợ con, của thằng Thắng mà ta chăm chút hơn cả chính ta đây.

7-6-1960

Cả đêm mơ màng, không ngủ say. Khoảng hơn 3 giờ đã dậy. Nóng quá. Không dám nằm đệm.

Dù sao, phải bình tĩnh. Vươn lên tới sérénité. Courage[dũng cảm] trước đau đớn.

- Nhà thương còn luộm thuộm. Giờ hành chính, người ta họp. Những lệnh của bác sĩ không được chấp hành triệt để. Nhầm thuốc. Dặn việc phải làm cho bệnh nhân một cách qua loa, sơ sài.

- Vẫn phân biệt giữa cán bộ này và cán bộ khác, từ cái chén đến cái thìa. Khó chịu vì cái thứ tôn ti trật tự trước cái chết. Chao ơi! Bao giờ mới thật sự có bình đẳng.

Chiều 7-6

Vợ xanh, vàng, gò má xạm. Bảo đi y tế, không muốn đi. Giận. Nói chuyện Thắng ở nhà đau răng. Vẫn ngậm nước muối. Được ăn bột sắn với đường kính, rất thích. Nó nói với mẹ: Con mê thấy bố về. Con gọi con Phương Chi. Rồi bố ra làm việc ở ngoài bàn. Hỏi [con] bố có phải mổ không. Nói không. Lời trẻ dữ hay lành?

Đêm nóng. Nhưng ngủ được. Mê thấy bị mổ, nhưng cái u không phải là ác tính. Mổ xong, thày thuốc cứ để đấy mãi, không khâu lại. Thế là ý làm sao? Lúc này, sao mà dễ mê tín. Như hôm qua, bảo vợ phải đi khám ở y tế để xin thuốc cho đỡ xanh vàng. Vợ không nghe. Gắt vợ: chết nốt thì làm thế nào? Thấy như nói gở.

Mong ngày về. Mong còn được sống để làm việc, để nuôi con. Nghĩ đến những nhà văn sống hàng 8, 90 tuổi mà thèm. Hôm qua, nói chuyện với (...) Viên giáo sư này không ngớt lời tán dương Lỗ Tấn, Tào Ngu. Nói đến Hồ Xuân Hương, anh ta dè bỉu: có tài, nhưng 6, 70 bài thơ đều xoay chung quanh cái ba góc đầy thịt, dạy cho trẻ em thật là nguy hiểm. May ra còn có Nguyễn Du, nhưng so với các nước, nào có nghĩa gì. Mình bảo Nguyễn Du lớn như Puskin, anh ta lắc đầu, nói Puskin lớn hơn! Thảm hại cho một giáo sư, chìm trong sách vở, chẳng biết quý những giá trị của dân tộc!

9-6

Đọc xong Les aventures de M. Pikwick.

Người mệt. Đau bụng. Lo cho bệnh ta. Các bác sĩ vẫn chưa thống nhất cái u là cái u gì. Ăn nhạt mồm nhạt miệng. Buổi chiều, ăn xong lại buồn nôn.

Vẫn chưa có cái bình tĩnh cần thiết.

Vợ và Khánh đến thăm. Anh Cả cũng ra thăm. Đoàn Giỏi + Bùi Đức Ái.

10-6-1960

Bác sĩ Trí phàn nàn không có thì giờ, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Về nhà trông con. Giặt quần áo cho con. Không có thì giờ đi chơi phố. Lương ít. Một anh bạn trẻ dễ thương.

Sáu bảy hôm nay, nhất là từ khi sang phẫu thuật, không ăn được. Giời nóng nực, người lúc nào cũng buồn nôn, miệng nhạt nhẽo, đắng như ngậm mật. Thức ăn không thay đổi, thậm chí chỉ cháo, soupe thịt gà. Trông thấy thịt gà lại đã lợm giọng rồi. Thức ăn làm tồi quá.

Trời nắng. Gió tây. Cầu mong một giọt mưa không có, giọt mưa ướt ruộng ướt đồng, giọt mưa mát da mát thịt, khoẻ người, đỡ căng thẳng đầu óc. Kế hoạch nông nghiệp năm nay làm sao mà đạt mức?

11-6-1960

Lên Phủ Doãn chiếu điện. Splinopostographie. Tiêm morphine. Tiêm lá lách xem đường thông chỗ nào tắc. Nằm sấp trên bàn điện đến 1/2 giờ. Khi trở dậy, bụng như điện giật. Anh lái xe và y sĩ Nghiêm khiêng ra ô tô. Nghĩ thương Nghiêm người ốm yếu, khiêng vài bước đã phải nghỉ, thở dốc.

Đau đớn toàn thân, nhất là ở bụng như bị dần. Mơ màng ngủ. Người không còn hột máu. Dấu hiệu báo trước ngày mổ chăng? Hoài Thanh vào thăm, chỉ nói vài ba câu chuyện. Rồi vợ vào. Bừng mắt thấy vợ mặt buồn rười rượi, mặt hốc hác. Thục khóc.

12-6-1960

Người vẫn mệt. Chủ nhật, anh em vào thăm đông: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông. Đặng Thai Mai cũng lên thăm. Vợ, anh Cả, cháu Kiểm vào thăm.

Đỡ đau đớn mình mẩy.

13-6-1960

Người đã tỉnh táo. Gầy quá. Bác sĩ Liên Xô lại đến thăm. Vẫn còn chờ hội chẩn để quyết đoán bệnh và phương pháp chữa. Nghe mang máng như là mổ. Đêm nằm trằn trọc. Nghĩ đến bệnh, không sao chợp mắt.

Chung quanh, những người đã mổ thì vạch bụng. Những người vừa mổ xong mở xem bông băng. Có anh Huân ở bên nội thương sang nói chuyện về bệnh ung thư. Nghe ghê quá. Muốn lảng sang chuyện khác, nhưng cái thằng cha cứ xoáy vào chuyện ấy một cách thích thú.

- Nằm trong một phòng bệnh, tâm tính từng người nổi rất rõ. Đán, người Nam Bộ ham đọc sách, nhưng tuyên bố là đọc tiểu thuyết, không đọc chính trị, ngán lắm. Trong khi ấy, Nhâm, một thanh niên Quảng Ngãi vừa mổ xong, đã đọc các sách kinh điển của Lênin.

- Người anh hùng và người bình thường không có gì khác nhau, không ai hơn ai kém. Họ cùng chung một tư tưởng: yêu chính ghét tà. Không thể tả anh hùng mà không có tiểu nhân, cũng như không thể tả người dân bình thường mà không tả người bất bình thường.

14-6-1960

Suốt đêm không ngủ được. Nghĩ đến ung thư, đến mổ mà trằn trọc.

Sáng dậy, trời nóng. Gió tây.

Y sĩ Tuấn vào thăm, nói ta sẽ điều trị ở nội khoa. Bác sĩ Phụng chính thức báo tin: bệnh chai gan và lệch gan. Và hướng là chữa bằng phương pháp nội thương. Bác sĩ Trí, Phụng rất chăm chú việc ăn uống của mình.

Nhẹ người. Vui và thấy yêu đời. Báo tin cho vợ và bảo cho Thắng vào thăm bố. Sáng nay nó khóc đòi đi. Nguyễn Tuân viết thư nói không nên bi quan.

Người ta chuẩn bị mổ cho Đán. Tiếp máu. Anh y tá mà anh em gọi đùa là đồ tể, vào thăm tension[áp huyết], chuẩn bị mài đao.

Chiều: vợ cho Thắng đến thăm. Ra đê đợi con từ sau bữa cơm. Cơm vẫn không ăn được. Trời nóng. Ngồi trên cây gỗ, nóng ran. Mỏi không đi được. Lên ngồi trên đê chờ con. Mãi mấy mẹ con mới đến. Thấy bố, Thắng tủm tỉm cười. Nó gày, tóc bù, rôm sảy, ghét bờ trên cổ, trên cổ tay. Vì mẹ kiêng không cho nó tắm rửa. Ta cũng muốn bảo vệ con giai yêu, cũng tùy ý vợ.

16-6-1960

Nói chuyện với Hoàng Văn Đức nhiều khi quá trớn, quá thật thà, không thật đứng trên lập trường Đảng viên.

Trịnh Hữu Ngọc, một anh bạn thích người tử tế, đến chơi hỏi thăm, mừng không phải mổ.

Đêm ngủ được chút ít. Ông Sao Đỏ tới thăm.

17-6-1960

Sự máy móc của nhà thương. Chị hộ lý đưa lên 2 sữa chua cho đủ số tiền bồi dưỡng.

Cơm: rau muống, nước rau. Khổ một nỗi không chanh.

Hôm nay, Nguyễn Văn Nhung, cán bộ chính trị, phó giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Xô tới thăm, nói chuyện có thuốc Đức, nên cũng tin tưởng cho mình.

Tiêm Endoxan, thuốc Đức. Bệnh viện bảo nên nghe ngóng xem có phản ứng không. Nhưng bình thường. Người vui. Đi húi đầu, tắm gội. Tươi mưởi, không kinh như sau khi chiếu điện tĩnh mạch cửa.

Hoài Thanh vào thăm. Chiều vợ đem quà đến. Trịnh Hữu Ngọc cũng đến cho kẹo.

18 - 21-6-1960

Trời mát. Sáng dậy, có hôm như mùa thu. Ăn được khá. Ngủ được. Nhiệt khoảng ngoài 360. Mạch lên hơn trăm, rút dần, nay khoảng trên 80. Người vẫn mỏi. Gối run. Mắt vàng.

Gắt gỏng với vợ vì một chuyện không đâu. Vợ khóc tủi thân. Cần phải an ủi vợ. Tàn nhẫn quá.

Nhiều bạn đến thăm: Hà Minh Tuân, Tế Hanh. Anh Cả ra thăm. Và Hưng. Chiều 20: Hoàng Cầm.

Chiều 20, các bạn đến đông, ngồi quanh đê: Tuân, Liên, Đồ Phồn, Thợ Rèn, Như Phong. Kể chuyện An Nghệ, người Nhật đã ở trong cơ quan văn nghệ và nay đã chết rồi.

Vợ và Thục ngồi âm thầm một chỗ. Lúc đi miệng ệu ạo muốn khóc.

Các Bài viết khác