NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

BÁC NGUYỄN HUY TƯỞNG VỚI CHÚNG TÔI (21/07/2012)

( 12-09-2013 - 04:15 PM ) - Lượt xem: 1227

Một đêm có tiếng máy bay địch gầm rít trên bầu trời, bác gọi với sang phía chúng tôi: “Các cháu dậy mau! Có máy bay địch phải ra hầm ngay”. Chúng tôi vội vàng ra đến hầm thì thấy phía trời xa sáng rực, rồi tiếng bom nổ âm vang như tiếng sấm rền. Bác vội nhắc chúng tôi: “Các cháu vào lấy ba lô ra ngay! Nếu có cháy nhà vẫn còn đồ mà dùng”. Chị tôi vội chạy vào ôm ba lô ra, bác bảo: “Chúng ném bom rồi, chúng định ngăn đường không cho quân ta lên Điện Biên Phủ đây”. Ít ngày sau bác Tưởng từ biệt gia đình ra đi. Bác Uyên và hai em cùng chị em tôi đứng bên đường tiễn bác đi xa dần, trông theo chiếc mũ lá bác đội, bộ quần áo đã bạc màu và cái túi vải nâu trên vai, dưới chân là đôi dép cao su, hành trang đơn giản của một chuyến đi thực tế vào chiến trường đầy hy sinh gian khổ của các nhà văn thời kháng chiến…

BÁC NGUYỄN HUY TƯỞNG VỚI CHÚNG TÔI

Thứ bảy - 21/07/2012 20:08
 
 
Một đêm có tiếng máy bay địch gầm rít trên bầu trời, bác gọi với sang phía chúng tôi: “Các cháu dậy mau! Có máy bay địch phải ra hầm ngay”. Chúng tôi vội vàng ra đến hầm thì thấy phía trời xa sáng rực, rồi tiếng bom nổ âm vang như tiếng sấm rền. Bác vội nhắc chúng tôi: “Các cháu vào lấy ba lô ra ngay! Nếu có cháy nhà vẫn còn đồ mà dùng”. Chị tôi vội chạy vào ôm ba lô ra, bác bảo: “Chúng ném bom rồi, chúng định ngăn đường không cho quân ta lên Điện Biên Phủ đây”. Ít ngày sau bác Tưởng từ biệt gia đình ra đi. Bác Uyên và hai em cùng chị em tôi đứng bên đường tiễn bác đi xa dần, trông theo chiếc mũ lá bác đội, bộ quần áo đã bạc màu và cái túi vải nâu trên vai, dưới chân là đôi dép cao su, hành trang đơn giản của một chuyến đi thực tế vào chiến trường đầy hy sinh gian khổ của các nhà văn thời kháng chiến…
                                                                                              VŨ TRIỆU MÂN
(con trai nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương)
 Đã hơn 50 năm trôi qua từ ngày nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đi xa. Đối với lớp con cháu trong gia đình chúng tôi – gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương, bác Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn thân thiết. Mỗi lần nói về Hà Nội kháng chiến, chúng tôi lại nhớ đến bác với kịch bản phim Lũy hoa và Trung đoàn Thủ đô anh hùng năm xưa.
 Tôi nhớ lại vào đầu năm 1954, lúc ấy tôi còn rất nhỏ, mới đi học cấp 1, chị gái tôi (chị Vũ Phi Hồng) cũng chỉ mới bước vào cấp 2. Vì điều kiện công tác nên cha mẹ tôi mang theo chú em út vào An toàn khu (gọi tắt là ATK). Hai chị em tôi ở lại cây số 7 đường Tuyên Hà để theo học trường phổ thông vì trong ATK không có trường. Dọc đường từ cây số 7 về thị xã Tuyên Quang là nơi ở của gia đình cụ Phan Kế Toại, bác Nguyễn Cao Luyện, bác Tô Ngọc Vân… Lùi sâu vào trong rừng rậm ở cây số 11 đường Tuyên Hà là Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, nơi chị Vũ Giáng Hương, chị gái cả của chúng tôi đang theo học. Anh trai lớn đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ, các anh khác thì đi học xa.
 Tôi và chị Hồng ở trong một căn nhà lá nhỏ đang để không của một bác nông dân cho mượn. Căn nhà này nằm trên một đường nhánh, phía sau là rừng rậm, gần nhà có hai cây đa rất to, đêm đêm vẳng tiếng các loài chim gọi nhau, tiếng gió thổi đập vào vách nứa làm hai chị em tôi sợ hãi và cảm thấy sự vắng vẻ về đêm ở rừng Việt Bắc.
 Giữa những ngày ấy, một hôm các chú từ cơ quan Văn nghệ đưa bác Trịnh Thị Uyên - phu nhân nhà văn Nguyễn Huy Tưởng -  và hai cô con gái cũng đang còn nhỏ về ở cùng nhà với hai chị em tôi. Chúng tôi mừng rỡ vô cùng. Căn nhà trở nên ấm cúng với những bữa cơm chiều khói lam mờ trên mái nhà tranh nhỏ bé của hai gia đình.
 Đời sống trong chiến khu rất đạm bạc, ngoài gạo được chuyển từ ATK ra, chúng tôi phải tự túc thức ăn, phải đi kiếm rau xanh (thịt cá hầu như không có). Bác Uyên thường chỉ bảo để hai chị em tôi biết các loại rau và cách chế biến, bác còn hướng dẫn chị em tôi cách phơi chuối khô để ăn dần. Tôi và Hiệp, bạn học cùng lớp phát hiện ra có hai cây trám trắng và trám đen, bèn rủ nhau bò qua bụi rậm nhặt trám mang về muối lên để ăn dần.
 Chiến dịch Điên Biên Phủ bắt đầu, giặc Pháp cho máy bay ngày đêm quần đảo trên bầu trời Việt Bắc. Hai chị em tôi và ba mẹ con bác Uyên phải đào hầm trú ẩn bên những gốc chuối sau nhà.
 Một hôm bác Nguyễn Huy Tưởng đi công tác qua ghé vào thăm nhà. Bác có dáng người cao, mặc bộ quần áo màu chàm đã bạc màu. Bác về được  hai ngày thì mẹ tôi cũng từ ATK ra thăm hai chị em tôi. Mẹ thấy chúng tôi ở cùng gia đình bác Tưởng thì rất mừng và yên tâm khi trở về ATK. Sau này mẹ tôi có bài thơ nói về hình ảnh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong kháng chiến:
 
Trên đường kháng chiến Tuyên Hà
Anh đi công tác ghé nhà đôi khi 
Gặp anh nhoẻn miệng cười khì
Râu xanh chưa cạo, áo thì vá vai
 
Chị em tôi cùng bác Tưởng và hai em rất thích tưới rau, chúng tôi tưới rau ngoài vườn còn bác Uyên thì bận rộn nấu ăn trong nhà. Những ngày này khi đi học về bao giờ tôi cũng thấy bác Tưởng đang ngồi cặm cụi viết, trên chiếc ba lô làm bàn, bên cạnh cái cửa liếp nhỏ lấp lánh ánh nắng. Lúc ấy tôi thấy bác Tưởng có phong cách giống Cha tôi quá, những nhà văn thời kháng chiến đã dành hết thời gian cho sáng tác. 
 Bác Tưởng rất hiền, hai cô con gái nhỏ lúc nào cũng quấn quýt bên bố, nghe bố đọc và kể chuyện. Bác ít nói nhưng dễ gần, đôi lúc bác chỉ bảo cho hai chị em tôi cách sắp xếp nơi ở và đồ đạc cho thuận tiện khi phải sơ tán gấp.
 Một đêm có tiếng máy bay địch gầm rít trên bầu trời, bác gọi với sang phía chúng tôi: “Các cháu dậy mau! Có máy bay địch phải ra hầm ngay”. Chúng tôi vội vàng ra đến hầm thì thấy phía trời xa sáng rực, rồi tiếng bom nổ âm vang như tiếng sấm rền. Bác vội nhắc chúng tôi: “Các cháu vào lấy ba lô ra ngay! Nếu có cháy nhà vẫn còn đồ mà dùng”. Chị tôi vội chạy vào ôm ba lô ra, bác bảo: “Chúng ném bom rồi, chúng định ngăn đường không cho quân ta lên Điện Biên Phủ đây”. Ít ngày sau bác Tưởng từ biệt gia đình ra đi. Bác Uyên và hai em cùng chị em tôi đứng bên đường tiễn bác đi xa dần, trông theo chiếc mũ lá bác đội, bộ quần áo đã bạc màu và cái túi vải nâu trên vai, dưới chân là đôi dép cao su, hành trang đơn giản của một chuyến đi thực tế vào chiến trường đầy hy sinh gian khổ của các nhà văn thời kháng chiến…   
 Mấy năm sau giải phóng Hà Nội, không may bác Tưởng lâm bệnh và ra đi, mang theo bao ấp ủ và dự định dang dở viết về Hà Nội, về những năm tháng gian khổ nhưng đầy tự hào của những người con Hà Nội tham gia kháng chiến. Mỗi khi kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, lúc còn sinh thời cha mẹ tôi hay nhắc đến bác Tưởng, mẹ tôi xúc động thương cảm vì bác Tưởng đã mất khi các con còn quá nhỏ, bác Uyên vất vả nuôi con. Mỗi khi có dịp xuống nghĩa trang Văn Điển thăm mộ người thân, mẹ tôi luôn nhớ đến thắp hương ở mộ phần của bác Tưởng.
 Nói đến nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là nói đến một nhà văn của Hà Nội, với những tác phẩm viết về Hà Nội vẫn sống mãi cùng năm tháng, như câu kết bài thơ mà mẹ tôi - nhà thơ Hằng Phương - đã viết:
 
Trung đoàn in dấu “Lũy hoa”
Hồ Gươm ngấn nước chưa nhòa bóng anh
Sương mai trong vắt trên cành
Mặt trời sáng mãi lòng anh yêu đời
 
 Giờ đây cha mẹ tôi và hai bác đã đi xa nhưng những tác phẩm và tên tuổi của các cụ vẫn mãi gắn bó với Thủ đô, với Hà Nội không bao giờ phai nhạt. 
                                                                                                                V.T.M
Các Bài viết khác