NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

75 NĂM ĐÊM HỘI LONG TRÌ

( 14-02-2018 - 10:05 AM ) - Lượt xem: 953

Ngay từ khi ra đời, cuốn tiểu thuyết đã được nhiều bạn đọc yêu thích và cho đến mãi sau này, vẫn thuộc số tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Nguyễn Huy Tưởng

Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng, đăng tải trên Tri Tân từ cuối năm 1942 đến giữa năm 1943, tính đến nay đã ba phần tư thế kỉ. Đây không phải là tác phẩm đầu tay của ông – trước đó tác giả đã khởi công viết kịch Vũ Như Tô – nhưng là tác phẩm sớm nhất đưa Nguyễn Huy Tưởng đến với văn đàn.

Ngay từ khi ra đời, cuốn tiểu thuyết đã được nhiều bạn đọc yêu thích và cho đến mãi sau này, vẫn thuộc số tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Nguyễn Huy Tưởng. Đêm hội Long Trì đã được chuyển thể chèo, cải lương và đặc biệt, năm 1990 đạo diễn Hải Ninh đưa cuốn tiểu thuyết lên màn ảnh rộng càng góp phần phổ biến tác phẩm.

Mục “Nguyễn Huy Tưởng còn với thời gian” kỳ này dành đăng “chuyên đề” về tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, bao gồm một trích đoạn nhật kí của tác giả khi viết tác phẩm; bài viết của nhà nghiên cứu, phê bình Lại Nguyên Ân nhân khi cuốn tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng được chuyển thể điện ảnh; phần bàn về Đêm hội Long Trì của tác giả Thụy Khuê, người có không ít trang viết về Nguyễn Huy Tưởng; và một bài viết trên mạng của Thư Sinh/Bookhunterclub mà chúng tôi mới sưu tầm được – nhân đây cũng xin phép được đăng lại trên ấn phẩm Người yêu sách. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

NHẬT KÝ NGUYỄN HUY TƯỞNG

ĐÊM HỘI LONG TRÌ – QUÀ DÂNG MẸ”

LTS: Thời gian Nguyễn Huy Tưởng viết Đêm hội Long Trì cũng là lúc mẫu thân ông đang bị đau nặng. Đoạn trích nhật kí sau của ông cho ta biết về những tình cảm rất “cá nhân” nhưng cũng rất đáng trân trọng của Nguyễn Huy Tưởng khi lo toan xuất bản tác phẩm này. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi cũng trích đăng đoạn tiểu thuyết được tác giả nhắc đến trong nhật kí của mình.

15-6-1942

Anh Thông ở nhà quê xuống nói bà ở nhà đau chân, một hôm đau đến nỗi phát sốt lên và khóc nữa. Nghe nói, lòng buồn: thương mẹ già, tật bệnh…

Thơ với thẩn mãi. Không lo liệu gì? Tìm danh vọng để làm gì khi mẹ già đang khổ. Bỏ hết cả để lo tròn đạo hiếu. Trong buổi khó khăn, gạo châu củi quế, mà mẹ già không kiếm nổi miếng cơm, ta không gửi tiền cho mẹ thì mẹ trông cậy vào đâu mà sống?

Trí óc băn khoăn về vấn đề tiền. Muốn viết một cuốn tiểu thuyết bán lấy tiền để cung cấp mẹ già. Nghĩ đến chuyện Nguyễn Mại(1).

16-7-1942

Tìm được một căn nhà, lụp sụp quá và chống chểnh quá. Vợ kêu như nhà bồi. Xa xa là nhà của bác sỹ Tôn Thất Hoạt, với mái cao, nóc đồ sộ, nhà ngang dãy dọc. Trên phòng ấm cúng, vợ chồng đang ngồi nói chuyện. Sao số kiếp ta cứ phải làm kẻ ở nhờ mãi thế?    

Sao ngươi lại sợ? Không, người thi sĩ ở đâu là sáng tác đến đó. Một nơi cằn cỗi, chỉ có đá khô khan, người đời không làm gì được, nhưng thi sĩ có thể biến thành một nơi đẹp đẽ vô cùng. Một biểu hiện. Không cần cái cốt truyện, cần người sáng tác, điểm xuyết nên một công trình tuyệt phẩm.

Truyện Nguyễn Mại viết đã được 23 trang (hai nửa mặt) nghĩa là được nửa công việc rồi. Cố lên một chút thì ta hoàn thành. Thượng đế hãy giúp tôi để tôi thành chính quả.

27-7-1942

Một cô dạy ở TBQN [Truyền bá quốc ngữ]. Hôm chủ nhật 19, có buổi cổ động lấy tiền cho hội. Cô ấy ra nhận việc, chia cho chị em. Ở nhà mẹ ốm sắp chết, vậy mà còn có mấy lượt đến Trí Tri xem tình hình công việc mà mình đã nhận. Khi nhân viên ban Cổ động đến hỏi về việc hội, mấy hay rằng bà cụ đương hấp hối. Thực là một gương tận tâm ít có.

Đêm ngồi viết truyện Đêm hội Long Trì, ngủ gà ngủ gật. Chín giờ đi ngủ. Không cố gắng được, không gượng được thì thành công làm sao?

Đêm dậy đi tiểu, chợt nghĩ đến mẹ, hai tháng không gửi tiền cho mẹ, thương mẹ quá chừng. Trong khi mình túng không lần ra một xu, thì anh Lợi may, được một người Tây cho 20$00.

26-9-1942

Phải đi phòng thủ thụ động. Lo ngay ngáy.

Chép xong cuốn Đêm hội Long Trì. Gửi [Lê Văn] Siêu bán cho nhà Hàn Thuyên. Vẩn vơ vì cuốn lịch sử tiểu thuyết ấy. Đó là quà dâng mẹ. Xin Trời cho họ mua cho tôi để tôi có tiền biếu mẹ.

Than ôi! Tôi bị bạc đãi ở đời đến nỗi không tin cái gì nữa!

                                                                               Ký: Tưởng

12-10-1942

Cuốn Đêm hội Long Trì, Trương Tửu chê là ít hoạt động, thế nghĩa là họ không nhận mua của mình nữa(2).    

17-11-1942

Cả một buổi sáng bứt rứt. Chỉ sợ mình vì quá đen, bọn Tri Tân không đăng cho cuốn Đêm hội Long Trì. Trống ngực đập mạnh. Buổi trưa, trông thấy báo, không dám cầm. Sau vì nóng ruột quá, mở ra: lòng vui nhè nhẹ. Họ đã rao là sẽ đăng tiểu thuyết của mình.

Một buổi chiều sung sướng.

3-12-1942

Bọn Tri Tân không đả động gì đến tiền nhuận bút về cuốn Đêm hội Long Trì. Lợi nói việc ấy ra cho Tuy, mình không bằng lòng: vì như thế mình không còn giá trị gì.

Nhưng đã thảo sẵn một bức thư đòi tiền nhuận bút.

10-12-1942

Báo Tri Tân không đăng truyện Đêm hội Long Trì của mình trong kỳ này. Không hiểu ra sao? Hay nó nghe mình rục rịch đòi tiền chăng?

Than ôi! Ta vì háo danh mà đăng công không cho chúng nó sao? Đâu đâu ta cũng lép vế là nghĩa lý gì? Nhưng dẫu sao, cũng phải đòi tiền nhuận bút cuốn Đêm hội Long Trì để làm quà dâng mẹ.

4-1-1943

Bọn Tri Tân hứa trả tiền nhuận bút cho cuốn Đêm hội Long Trì. Không biết bao nhiêu, nhưng sẽ biếu mẹ hết cả.

Lợi đồ là chỉ độ 30$. Ôi, sự nghiệp của nhà văn mới rẻ rúng làm sao. Không thể làm giầu, không thể kiếm tiền bằng nghề này được.

3-4-1943

Làm xong bài văn khóc mẹ. Chưa xuôi. Còn phải sửa để thành một thiên kiệt tác.

Nghĩ đến truyện Mưa Xuân - Phân tích ảnh hưởng của cha mẹ trong tâm hồn mình. Cha nhàn tản, mẹ một gương phấn đấu.

Vẫn văng vẳng tiếng mẹ. Tiếc thương mẹ vô cùng. Mẹ sống cho vài năm nữa cho trọn báo hiếu chút ít có hay không? Quạnh hiu quá.

 

12-4-1943

Trời mưa rầm. Nghĩ đến mộ mẹ. Chua xót. Nghĩ đến lúc trên giường bệnh, mẹ rên rỉ, se sẽ: “Tôi khổ lắm”. Nghĩ đến khi, những lúc còn tưởng không chết, mẹ nói: “Phen này sống thì dù ăn rau ăn cháo cũng sướng.” Ôi lòng tha thiết sống, mà bị hành hạ bao nhiêu cũng không được sống.

Xem một đoạn trong Tri Tân, tiểu thuyết Đêm hội Long Trì -  Chỗ Quỳnh Hoa khóc mẹ, thì có khác chi ta khóc mẹ? Thực là điềm gở, cho nên mình mới cho Quỳnh Hoa khóc mẹ.

Tuất, Nam, Đang viết thư chia buồn. Nam khóc cùng mình. Tuất khuyên nên viết tiểu sử mẹ. Đang nói muốn báo hiếu, chỉ có cách là làm việc cho xuất chúng để xứng đáng với tinh thần mẹ.

NGUYỄN HUY TƯỞNG

-----------------    

(1) Tức tiểu thuyết Đêm hội Long Trì mà ban đầu, Nguyễn Huy Tưởng muốn tập trung vào nhân vật Nguyễn Mại.

(2) Trương Tửu là người chủ trương nhà xuất bản Hàn Thuyên mà Nguyễn Huy Tưởng gửi bán cuốn Đêm hội Long Trì.

Các Bài viết khác