NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VỀ CON ĐƯỜNG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN MINH CHÂU

( 06-01-2015 - 06:21 AM ) - Lượt xem: 5872

Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn đã được xác định vị trí quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông là một trong “ dàn tác giả”“ sáng giá tiêu biểu, được giới thiệu ở công trình đồ sộ của Nhà xuất bản Giáo dục (2002): Nguyễn Minh Châu – về tác gia và tác phẩm.

Tuy nhiên, Nguyễn Minh Châu còn được đánh giá là ngọn cờ đầu đổi mới văn học từ những năm 80. Vai trò quan trọng của ông, vì vậy như được tăng thêm trong một giai đoạn phát triển mới.

Hiện tượng Nguyễn Minh Châu đã được sự chú ý, bàn luận đặc biệt của giới phê bình, nghiên cứu, sáng tác trong sự giao thoa của những ý kiến đa chiều.

Tới nay, đã gần 30 năm sau sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung và của văn học nghệ thuật nói riêng, chúng ta cần bình tĩnh, khách quan nhận định lại một cách khoa học về hiện tượng Nguyễn Minh Châu.

µ

Hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu nhìn chung là liền mạch. Con đường trải dài trên 30 năm – suốt kháng chiến chống Mỹ đến sau chiến tranh hơn 10 năm.

Nhập ngũ, cầm bút vào những năm khởi đầu sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu đã gánh vác trên vai nhiệm vụ của một nhà văn – chiến sĩ theo cả hai nghĩa: lăn lộn nơi chiến trận trên “Những vùng trời khác nhau” và giữ vững cây bút như cây súng.

Ra khỏi cuộc chiến tranh, Nguyễn Minh Châu vẫn phát huy tính chiến đấu của ngòi bút, viết về những âm vang chiến trận, bao quát cả những vấn đề dân sự qua cảm hứng của một người lính đầy trải nghiệm.

Tuy nhiên, trong nhận xét chung của dư luận, hầu như một Nguyễn Minh Châu khác hẳn  đã xuất hiện trong  một giai đoạn sáng tác mới. Mặc nhiên, nhà văn có hai chặng đường sáng tác: trước và sau 1975, nói sát và đúng hơn là những năm 1980 -một bước ngoặt hết sức quan trọng.

µ

Thực ra, khuynh hướng đổi mới văn học luôn tuân thủ một quy luật khách quan của sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tác văn học nói riêng.

Một cách rõ ràng, thời chiến và thời bình là hai giai đoạn phát triển khác nhau của hiện thực lịch sử. Đây là hai thời đoạn của đời sống dân tộc.

Viết về chiến tranh không bao giờ là một công việc lỗi thời, trái lại vẫn luôn được biểu dương, khuyến khích – với ý nghĩa tái hiện những trang sử hào hùng cuả chiến sĩ, nhân dân. Đặc biệt hơn nữa đó lại là hai cuộc kháng chiến vào hàng oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc. Nhiều người coi đó là những trang viết hồi ức , dựng lại về chiến tranh một thời.

Chính các nhà văn quân đội đã làm nhiệm vụ giàu ý nghĩa thời sự này: họ ghi lại những dấu vết nóng bỏng của chiến tranh, những ký ức vẫn tươi nguyên trong tâm hồn. Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải,... là những người như thế.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ, vẫn có một số điều cần lưu ý.

Trước hết, họ là những người trong cuộc. Như Nguyễn Khải viết Họ sống và chiến đấu, Đường trong mây,...; Nguyễn Minh Châu viết Cửa sông, Dấu chân người lính... Giờ đây, đứng chân ở mảnh đất yên bình, họ viết như người đầy trải nghiệm. Trong văn cũng như thơ, có đến dăm, mười năm sau vẫn còn những tác phẩm mang âm hưởng chiến tranh.

Tuy nhiên, bước vào đời sống hòa bình, xây dựng đã nảy sinh bao vấn đề phong phú, phức tạp của thời hậu chiến. Khi nhìn lại quá khứ gần đó, chúng ta có thể nhận thức lại con người nói chung và chiêm nghiệm lại chiến tranh một thời nói riêng. Ngoài ra là vấn đề nhìn nhận con người công dân trong một xã hội dân sự mới.

Nếu để ý, ta sẽ thấy có một sự chuyển động trong tư duy sáng tác, từ đó là thể hiện trên những trang viết của Nguyễn Minh Châu.

Nguyễn Minh Châu chính là nhà văn đã âm thầm tự đổi mới từ lâu – trước khi làn sóng đổi mới dâng lên. Hiện tượng nào, sự việc nào cũng có quá trình của nó.

Các tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình: Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi nhà (1977), Những người đi từ trong rừng ra (1977) vẫn theo quán tính sáng tác thời chiến và mang âm hưởng của văn học sử thi. Bài tiểu luận Viết về chiến tranh (Văn nghệ quân đội số 11, 1978) đã bộc lộ rõ băn khoăn tìm đường đổi mới. Nhưng từ 1982, truyện ngắn Bức tranh và sau đó là hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Minh Châu ra đời, đánh dấu rõ rệt sự chuyển hướng đổi mới của nhà văn: Bến quê (tập truyện ngắn, 1985), Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987), Chiếc thuyền ngoài xa (truyện ngắn, 1987).

Bài phát biểu Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (Văn nghệ,49,50  5/12/1987) như phát pháo lệnh bùng nổ cho đổi mới văn học. Thực ra, như chính Nguyễn Minh Châu trao đổi qua bạn bè, những phát pháo râm ran của một số nhà văn, nhà nghiên cứu có tên tuổi đã mở đầu, châm ngòi.

Dư luận quy công cho nhà văn như đại biểu “tinh anh nhất” là đúng, nhưng chưa thỏa đáng. Vấn đề là ở chỗ, Nguyễn Minh Châu phát biểu minh bạch, đầy đủ, thẳng thắn, mạnh dạn nhất vào thời điểm đó. Tổng Bí thư lãnh đạo cao cấp  đã nhất trí, khẳng định cần “cởi trói” cho văn nghệ sĩ khỏi những quan niệm gò bó, xơ cứng, máy móc, thậm chí giáo điều một thời, để giải phóng cho một sức sáng tạo mới.

Có ý kiến cực đoan cho rằng Nguyễn Minh Châu phủ định nền văn học thời chiến tranh và hình như phủ nhận thành quả sáng tác của chính mình. Đâu phải như vậy nếu ta xét sự việc một cách bình tĩnh và khách quan. Nhà văn khẳng định  “cái hay” của văn học cách mạng ngày nay được đúc kết từ  “bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu” của các thế hệ   Ở đây có lẽ “lỗi” của nhà văn là ở chỗ dùng ngôn từ có màu sắc “cực đoan”, lời nói còn cao giọng quyết liệt. Con lắc dao động mạnh thường được đẩy quá sang một bên tả hoặc hữu.

Ta phải giải mã từ chiều sâu của tư tưởng nghệ thuật, cũng như cá tính sáng tạo của nhà văn. Trước sau, Nguyễn Minh Châu chỉ “ hành quân” trên một đại lộ: con đường chiến đấu vì quyền sống, vì quyền hạnh phúc của con người. Nói cách khác, đó là con đường của chủ nghĩa nhân văn cách mạng vì con người – cho con người.

Về đại thể thì đúng là có hai chặng đường lớn – trước và sau 1975, hoặc chính xác hơn – trước và sau đổi mới. Tuy nhiên, tư tưởng cách mạng vẫn là sợi chỉ đỏ quán xuyến.

Trước 1975, nhà văn – chiến sĩ Nguyễn Minh Châu “chiến đấu cho quyền sống của dân tộc”, sau đó chuyển sang “cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng con người” (1).

Nếu như trước kia, mạch cảm hứng anh hùng và cảm hứng nhân văn hòa thấm với nhau trong khuynh hướng “đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người” thì sau này vẫn trên khuynh hướng tìm kiếm ấy, nhưng đã được định hướng theo một quan niệm nghệ thuật mới về con người.

Khuynh hướng sử thi hướng nhà văn tới cái nhìn bao quát tổng thể vĩ mô về cái cao cả, lý tưởng của con người; còn khuynh hướng thế sự sau này sẽ quy định cái nhìn vi mô ở những con người để tìm ra con người đa sự, đa đoan.

Trên xu hướng chung ấy, Nguyễn Minh Châu đã có nét phong cách độc đáo. Nhà văn có cái nhìn không giản đơn về con người, sớm phát hiện những nét tâm tư thầm kín,những tình cảnh còn ngang trái,  uẩn khúc. Những nhân vật được sáng tác thời chiến mang tính lý tưởng, dù thăng hoa bay bổng nhưng vẫn gắn bó với mảnh đất đời thường.

Sau này, khi tiếp tục khám phá thế giới con người thẳm sâu đầy bí ẩn, Nguyễn Minh Châu phát hiện ra con người, với chiều sâu triết học – thẩm mỹ: “Con người trong con người” như ý kiếncủa Bakhtin.

Đó là con người với muôn mặt đời thường, tâm hồn có phần sáng được bộc lộ và phần tối bị khuất lấp, có cái tốt và cái xấu, có phần thiện và ác. Trong chiều sâu tâm hồn nhà văn có “ nỗi lo âu… đầy khắc khoải về con người”  trước những biểu hiện sa sút, thậm chí băng hoại của đạo đức. Đó là sự suy nghĩ lệch lạc của Phong (Lửa từ những ngôi nhà – 1977), là sự tha hóa của Bàng (Miền cháy – 1977). Caí xấu và cái tốt, cái giả và cái thật không phân tuyến, mà đan xen, chen lấn, giao tranh trong một con người, một cuộc đời.

Do trước đây có nguyên nhân tự trói buộc và “trói buộc lẫn nhau” nên không ai khác, chính nhà văn phải tự cứu mình, tự cởi trói.

Nguyễn Minh Châu đã nghiệm ra một điều: không thể duy trì mạch tư duy xơ cứng, phân tuyến rạch ròi đen – trắng, tiêu cực – tích cực, xây dựng các loại nhân vật  “cùng kiểu”,“đồng loạt” như sáng tác một thời.

Nhân vật đã nhận thức lại, tự phán xét theo “phiên tòa họp kín” của tòa án lương tâm.

Anh họa sĩ trong Bức tranh dằn vặt về sự thất hứa gây hệ luỵ với chiến sĩ. Người thủ thành già trăn trở, dằn vặt đến cuối đời về một trái bóng gian lận năm xưa (Dấu vết nghề nghiệp). Lực – vị chỉ huy vì phút nóng nảy, hẹp hòi, đã đẩy người lính của mình vào chỗ chết (Cỏ lau). Họ đều không phạm pháp hình sự, nhưng phạm tội về đạo đức.

Con người biết sám hối chân thành sẽ tẩy rửa được lỗi lầm. Tiếng nói nhân văn của nhà văn tuyên ngôn cho sự hoàn thiện nhân cách con người. Đối chiếu lại với trước đây, nhà văn lớn tiếng kêu gọi con người hướng tới lý tưởng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vì sự nghiệp chống Mỹ, vì quyền sống của cả dân tộc và nhân loại: “Ta vì ta ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên người” (Tố Hữu).

Trước và sau 1975, chúng ta vẫn nhận ra một nhà văn nhất quán, thủy chung với lý tưởng anh hùng và chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Minh Châu. Không nên lầm tưởng rằng đó là hai con người quay lưng lại nhau. Đó vẫn là một người chiến sĩ dũng cảm, lừng lững tiến tới, với hai trạng thái tâm hồn có khác biệt ngỡ như đối lập. Thực ra, ngay từ cuối những năm 60, nhà văn đã có sự thức tỉnh cần thiết: “Hai mươi năm nay, ta rèn cho dân tộc ta bao nhiêu đức tính tốt đẹp như lòng dũng cảm, sự xả thân vì sự nghiệp của Tổ quốc. Nhưng bên cạnh đó, hai mươi năm nay, ta không có thì giờ để nhìn ta một cách thật kỹ lưỡng”. Nhà văn kể ra : tính cơ hội, nịnh nọt, tham lam, ích kỷ, phản trắc, vụ lợi còn được ẩn kín, ngấm ngầm phát triển. Và, tự dặn lòng: “Bây giờ, ta phải chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc. Sau này, ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người, làm sao cho con người ngày một tốt đẹp. Chính cuộc chiến đấu ấy mới thật lâu dài” (2).

Xuân Diệu, Chế Lan Viên xưa được Cách mạng đổi đời, đổi thơ. Nhưng, cái chính là họ phải tự thay đổi tâm hồn. “Ta là ai?” đến “Ta vì ai?” là một quá trình thay đổi quyết liệt, đau đớn như “lột xác”. Với Nguyễn Minh Châu, thực chất là có một sự thức tỉnh chân thành và mạnh mẽ, với một nhận thức đúng đắn hơn, chính xác hơn về cách nhìn nhận con người. Từ đó cũng là nhiệm vụ tự phê phán với “tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ” của văn nghệ sĩ.

Nguyễn Minh Châu phê phán minh họa “công thức”, “sơ lược”. Nhà văn yêu cầu minh họa đúng, minh họa đủ và hay – tức một cách có nghệ thuật. Tác phẩm lớn là kỳ vọng, trong đó phải có tư tưởng lớn – không phải là tư tưởng được “nhà nước bao cấp”, mà là “tư tưởng mới và độc đáo”, mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Nguyễn Minh Châu kêu gọi phát huy cá tính sáng tạo của từng nhà văn để xây dựng tư tưởng nghệ thuật cao đẹp, tư tưởng triết lý – thẩm mỹ.

µ

 

Nguyễn Minh Châu đã phát biểu kỹ càng, nghiêm túc, mạnh dạn những suy nghĩ như một “tuyên ngôn” và có  những tác phẩm  trọng lượng đầy sức thuyết  phục: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn,1983), Mảnh đất tình yêu (tiểuthuyết, 1987), Chiếc thuyền ngoài xa (truyện ngắn,1987), Phiên chợ Giát (truyện  ngắn.1988), Cỏ lau (truyện vừa,1989)… vào những năm cuối đời sáng tác.

Giá trị đích thực, sự đóng góp lớn nhất của nhà văn là đặt viên đá tảng lót đường cho sự nghiệp đổi mới phát huy  sáng tạo nghệ thuật với tinh thần dân chủ  của cả đội ngũ, vào một thời cơ, thời điểm có tính chất quyết định.

Nguyễn Minh Châu là người viết đã phát huy trí tuệ sáng suốt, đồng thời với tấm lòng cao đẹp của nhà văn lớn.

 PGS Đoàn Trọng Huy

CHÚ THÍCH

(1), (2) Nhiều tác giả (2002) - Nguyễn Minh Châu – về tác gia và tác phẩm,Giáo dục.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Minh Châu (2001), Nguyễn Minh Châu Toàn tập (tập 1 đến 5), Văn học ,Hà Nội.

[2] Mai Hương(2001), Nguyễn Minh Châu và di sản văn học cuả ông, Lời giới thiệu Nguyễn Minh Châu Toàn tập, Văn học.

[3] Nhiều tác giả (1999), Nguyễn Minh Châu- con người và tác phẩm, Hội Nhà văn.

Các Bài viết khác