NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

XUÂN SÁCH – ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ ĐÁNG KÍNH YÊU CỦA TRẺ EM

( 24-06-2018 - 06:30 PM ) - Lượt xem: 789

Các nhà văn quân đội cũng có đóng góp đáng kể. Xuân Sách (1932 – 2008) là một trong số đó. Tuy ông viết không nhiều, nhưng có tác phẩm để đời đã từng là tác phẩm như niềm say mê hứng thú của trẻ em ngay từ khi ra đời: Đội du kích thiếu niên Đình Bảng (1964).

y

I

Viết cho thiếu niên, nhi đồng là một hứng thú văn chương, cũng là một trách nhiệm xã hội của những nhà văn có tâm huyết và có lòng yêu trẻ.

Trong nền văn học nước ta, từ xưa đến nay đều như vậy. Trước Cách mạng có thể nhắc tới Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng là những đại diện ưu tú nhất. Sau này, là cả một vài thế hệ lớn tuổi như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, với lớp nhà văn, nhà thơ cầm bút từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Gần đây nhất là Nguyễn Nhật Ánh nổi lên như một hiện tượng.

Các nhà văn quân đội cũng có đóng góp đáng kể. Xuân Sách (1932 – 2008) là một trong số đó. Tuy ông viết không nhiều, nhưng có tác phẩm để đời đã từng là tác phẩm như niềm say mê hứng thú của trẻ em ngay từ khi ra đời: Đội du kích thiếu niên Đình Bảng (1964).

II

Xin dẫn truyện bằng đôi dòng phóng sự ngày hôm nay:

“… Con đường từ Đền Đô đến Lăng Làng Chảo không xa là mấy, nhưng cũng phải định thần hồi lâu, hai cựu đội trưởng của Đội thiếu niên du kích Đình Bảng là Ngô Văn Lược và Nguyễn Thạo Hoàn mới lần hồi nhớ ra 60 năm trước, khi còn là những cậu bé, họ đã thuộc con đường này như lòng bàn tay mình. Thế mới biết, quê hương Đình Bảng hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày, nhà cửa mọc lên san sát, những bờ mương, góc ruộng xưa giờ đã thành những làn đường cao tốc thênh thang xe chạy…”.

Hãy cùng lật giở trang sử vàng vắn tắt sau đây:

“Nằm kề cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, mảnh đất Đình Bảng luôn được coi là vị trí chiến lược quan trọng. Chính vì thế, tháng 4/1949, thực dân Pháp cho xây đồn bốt, rồi chiếm đóng tới già nửa làng. Hơn 2000 quân lính với đủ sắc tộc, cùng với súng ống, đạn dược đã khiến ngôi làng nhỏ bên dòng Tiêu Tương phút chốc đảo lộn.

Cuộc sống của những người dân nơi đây bị dồn đến chân tường. Rồi chuyện cướp bóc, chém giết của đám lính Tây với dân làng diễn ra như cơm bữa. Và ngay giữa lòng địch, có một đội tình báo được thành lập. Đặc biệt, những chiến sĩ tình báo này tuổi đời còn rất nhỏ, người lớn nhất cũng chỉ 15, 16; người nhỏ thì ở tuổi lên 10. Nhưng, chiến công mà họ lập nên thật kỳ diệu”.

Tất cả sự tích ấy bắt đầu từ buổi chiều mùa đông ngày 17/11/1949 tại Lăng Lòng Chảo – một địa danh đặc biệt của vua Lý Công Uẩn, vị vua có công khai sáng kinh đô Thăng Long, 15 đội viên đầu tiên của Đội thiếu niên du kích Đình Bảng đã được kết nạp tại đây.

Và đây là tóm tắt chiến công và vinh danh của Đội:

“Với những chiến công đó, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng đã được tặng Huy hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Lá cờ Tuổi trẻ và Hoà bình của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới tặng năm 1955; Cờ Thiếu niên anh dũng do Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc có gắn Huân chương chiến công Hạng Nhất do Chính phủ tặng vào năm 1955.

Và đặc biệt, vào ngày 9 – 2 vừa qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân do đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” (Theo Văn Quế, Những thiếu niên du kích Đình Bảng năm xưa).

Lễ đón nhận danh hiệu anh hùng của Lực lượng vũ trang này đã được tổ chức vào cuối tháng 3/2009.

 

Đội du kích thiếu niên Đình Bẳng năm 1954

Sau đây là vài con số thống kê:

“Trong 5 năm hoạt động (1949 – 1954), Đội đã lấy được 30 tấn đạn của địch, 13 khẩu súng các loại, 1 máy thông tin bộ đàm, 250 hòm ắc quy, 10 gánh dây điện, 10.000 quả lựu đạn, phá huỷ 3 khẩu đại bác, 1 súng cối, 8 khẩu đại liên, 1 khẩu trung liên, dẫn đường giải thoát cho 42 cán bộ, chiến sĩ thoát khỏi trại tù của địch, vận động 115 lính của quân đội Sài Gòn bỏ hàng ngũ, diệt nhiều tên lính và sĩ quan Pháp” (Theo Việt Hà, Gặp lại Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, http://cand.com.vn, 15/9/2009).

Xuân Sách đã nắm bắt được một mô hình chiến đấu tiêu biểu, một tập thể điển hình thật đẹp là Đội du kích thiếu niên Đình Bảng.

Dĩ nhiên là phải đi thực tế, phải khảo sát vùng đất và thu thập tài liệu từ những nhân chứng, vật chứng. Nhưng nhà văn đã không chỉ là người đi, ghi chép người thực, việc thực để làm một phóng sự, mà còn để dựng một truyện với phương pháp điển hình hoá của tiểu thuyết. Đó là nghệ thuật tự sự của văn xuôi với sự trợ giúp đắc lực của tưởng tượng sáng tạo.

Xuân Sách đã tái hiện khá đầy đủ hoàn cảnh điển hình.

Làng Đình Bảng thuộc phòng tuyến kiểm soát cả một vùng tạm chiếm, cửa ngõ thủ đô Hà Nội với tất cả sự bố phòng quân sự hiện đại của thực dân Pháp thời đó. Có nghĩa là, cuộc chống chọi địch – ta ở đây sẽ hết sức gay gắt, ác liệt với trùng trùng khó khăn, trở ngại, hiểm nguy. Địch cố tình tạo ra một “vùng trắng” để triệt hạ lực lượng đối kháng của ta. Kể cả tìm cách tiêu diệt đội hậu bị, du kích thiếu niên khi đánh hơi thấy một vài nghi vấn.

Tuy nhiên, cũng từ đó, lại nảy sinh cuộc đấu tranh đối kháng khi âm thầm,  khi bùng phát quyết liệt, thể hiện một sức sống và chiến đấu bất khả chiến thắng của đội quân du kích, trong đó có đội thiếu niên anh hùng tuổi nhỏ chí lớn đã lập nên những kỳ tích như huyền thoại.

Rất nhiều chuyện, nhiều tình cảnh gay cấn, hiểm nguy, thất bại và chiến thắng, những chuyện giản đơn và phức tạp, lại uẩn khúc, éo le,… Phải biết chọn lựa những gì là tiêu biểu nhất, điển hình nhất.

Với tài năng kể và tả xen kẽ linh hoạt, nhà văn đã dựng được nhiều tình huống truyện với những diễn biến của sự kiện một cách đặc sắc. Đó là những trận càn, vây ráp khủng bố dã man của giặc, những đòn đánh trả, quấy rối tiêu hao sinh lực địch rất táo bạo, dũng cảm của đội du kích, phối hợp với đội thiếu niên du kích, hoặc chủ động tiến công.

Đặc biệt là hoạt động tình báo ly kỳ mạo hiểm  có hiệu quả, và những thành quả, công tích rất đáng kể, gắn bó với lực lượng du kích. Kể cả những vụ địch bắt bớ, tra khảo, giam hãm và giết hại các đội viên, tình cảnh bi đát gần như tan rã cả hội.

Truyện có kết thúc có hậu. Đội trưởng được đi dự Hội nghị thi đua toàn quốc và trở về đúng dịp quê hương giải phóng có mít tinh chào mừng. Trong đó, có sự ra mắt và vinh danh toàn đội.

Xuân Sách có tài miêu tả tâm lý, khắc hoạ tính cách của tuổi thiếu niên.

Qua những trang viết, hiện lên Húc hăng hái nhưng hùng hổ. Phát “ngay thẳng”, chắc chắn nhưng hơi “lầm lỳ”. Hoan – đội trưởng nhanh nhẹn, thông minh, mưu trí, can đảm giống Lượt. Còn Thiệu qua con mắt của Lâm là “cái thằng vui vẻ, nhí nhảnh như con chuột ngày” với đôi mắt luôn hấp háy.

Lâm rất tự hào, một sự tự hào hồn nhiên của người được cầm súng lần đầu tiên trong đời, trở thành một đội viên du kích với lời nhắc của đồng đội: “Nhắm cho trúng kẻ thù mà bắn, Lâm ơi!”. Rồi cả cái tính trẻ con, vẫn còn nhặt vỏ đạn đút túi để về khoe với các bạn qua ý nghĩ: “Thú biết mấy, chính những viên đạn này bọn Lâm đã lấy của giặc, bây giờ lại bắn vào đầu giặc. Đem về cho các bạn ở nhà xem”.

Còn Thư khôn ngoan, thuỳ mị mà đáo để, kiên cường không kém các bạn trai. Khi bị giặc bắt, Thư đã tỏ rõ một bản lĩnh quả cảm của một thiếu nữ du kích.

Một tình cảm gắn bó ruột thịt mà thiêng liêng cũng nổi lên trong quan hệ đồng đội – tình đồng chí, đồng đội.

Lâm hy sinh trong hầm bí mật sau khi đã tung lên quả lựu đạn vào bọn giặc, và bắn hết 3 viên đạn cuối cùng, loay hoay tháo súng và phá súng. Hoan và đồng đội đau đớn trong nỗi nhớ tiếc người bạn hy sinh.

Nhiều trường hợp họ đã cứu nhau thoát hiểm – Hoan, Phát cứu Dìn, và qua đó, càng gắn bó máu thịt với nhau. Liều lĩnh như Phát xông vào đám người bị bắt, định cứu Hoan như “Lê Lai liều mình cứu chúa” mà không được!

Trước đó, còn có câu chuyện hồn nhiên, chân thành là Lâm móc túi lấy tiền, nói dối là các anh trả tiền cho Thư vì lỗ vốn 8 chai bia với rượu và thuốc lá trong chuyến lừa hai thằng Maroc để giải thoát đàn bò chúng cướp của dân. Thư từ chối, đáp trả: “Tám chai bia đổi tám con bò là lãi lắm rồi, em đã hết vốn đâu?”. Thư qua điều tra đã biết đó là tiền dành mua chiếc bút máy mơ ước của Lâm.

Sau trận càn và chuyện hy sinh của Lâm, Phát gặp Hoan, nói: “Cái Thư cũng biết tin ấy rồi, nó khóc nhiều lắm. Nó vừa mua cho Lâm một cái bút máy”.

Nỗi đau âm thầm, oan ức của Thao vì bị đồng bọn trẻ nhỏ khinh bỉ, chế giễu vì đi làm cho Tây được đội trưởng Hoan góp phần giải toả, và động viên.

Bác Nhã, để giữ bí mật, cũng đã phải nuốt tất cả những giọt nước mắt căm thù nóng bỏng, nói với gia đình rằng, Lâm đã được gửi ra vùng tự do cho đi học. Người bí thư chi bộ thương xót, coi Lâm như đứa em, người đồng đội nhỏ của mình.

Những tấm gương dũng cảm không thiếu, chịu đựng tra tấn, cực hình khủng khiến như Dìn, Thư, chấp nhận hy sinh thanh thản như Húc, Lượt,…

Nhưng trước hết, đó là những người vị thành niên  có  trái tim cùng nhịp đập với  gia đình, mẹ con, cha con với  và anh em bè bạn. Đồng thời, đó cũng là những công dân trẻ tuổi sớm trưởng thành, có nhận thức hết sức sâu sắc về lòng yêu nước và căm thù giặc, và rực sáng niềm tin tưởng, lạc quan: “Có phải mình đã lớn hay còn trẻ con? Có phải giặc đang lùng bắt mình hay rồi mình sẽ tống cổ chúng nó? Bao giờ nước nhà sẽ độc lập, tự do? Nhất định mình không để giặc bắt, phải sống đến ngày ấy”. Đây là những điều đọng lại sớm nhất trong lòng Hoan khi bị giặc vây bắt, một mình nằm lẩn trốn giữa cánh đồng.

Đội thiếu niên du kích chính là điển hình của một thế hệ tiếp nối. Đúng như ý nghĩa của bác Nhã khi thấy được họ đã chiếm một vị trí đặc biệt trong nhận thức của người lãnh đạo:

Chúng ta sẽ có  những người thay thế xuất sắc.

Đội du kích nhỏ tuổi như con em của nhân dân, đã được đùm bọc, nuôi dưỡng và trưởng thành trong kháng chiến. Đó còn là công lao của các bậc đàn anh – những bộ đội,  cán bộ lãnh đạo địa phương. Và cũng là sự thương yêu ruột thịt và che chở, tiếp sức của những bà mẹ, ông bố, anh chị em trong gia đình, làng xóm. Hoạt động bí mật, nhưng không thể che giấu được con mắt tinh tường, kín đáo thân thương và giúp đỡ âm thầm của những người ruột thịt, nhất là các bà mẹ yêu nước và căm thù giặc. Căn hầm bí mật vững chãi nhất đã được xây dựng trong lòng người, có thể nói như vậy.

Ngày giải phóng, quê hương như vỡ oà niềm vui và lòng tự hào cao độ của toàn đội, cũng như gia đình và bà con xóm làng thương yêu.

Xuân Sách đã viết Đội du kích thiếu niên Đình Bảng với tất cả ý thức của một người cầm bút mặc áo lính với những trải nghiệm trong quá trình tham gia kháng chiến.

Đồng thời là một tình cảm yêu thương rất mực và khâm phục thực sự lớp đàn em đồng đội, những người dấn thân quả cảm vì sự nghiệp cứu nước một thời.

Nhà văn còn gợi trong lòng bạn đọc một niềm tự hào và kiêu hãnh sâu xa về một miền quê hương Kinh Bắc mang nhiều dấu tích của lịch sử - văn hoá, cũng là truyền thống anh hùng giữ nước và dựng nước. Đó là cái nôi lớn đã góp phần sản sinh, ấp ủ và nuôi dưỡng những câu chuyện kỳ diệu xưa nay. Trong đó, có sự tích một đội du kích thiếu niên anh hùng.

Với tài năng nghệ thuật giàu sáng tạo trong câu chuyện kể sinh động, nhà văn đã vận dụng một ngôn ngữ giản dị, trong sáng, hồn nhiên mà sâu sắc, giúp tăng thêm sức hấp dẫn mạnh mẽ và ám ảnh lâu dài cho tác phẩm.

Đội du kích thiếu niên Đình Bảng viết về thiếu niên, nhi đồng, cho thế giới bạn đọc trẻ tuổi. Tuy nhiên, sách còn viết cho tất cả chúng ta. Những thế hệ người lớn cũng động lòng, cũng khâm  phục với tất cả lòng mến yêu và tự hào về truyền thống yêu nước anh hùng tuổi trẻ, không chỉ cho hôm qua mà còn cho tới mai sau.

III

Những nhân vật trong truyện Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách nay đã vào tuổi cổ lai hy, người còn, kẻ mất.

Cậu bé Hoan chính là cựu Đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn đã quá tuổi 70 từ mươi năm nay. Em trai Nguyễn Thạc Tam khi đó mới 10 tuổi, đến giặt quần áo cho một tên quan hai Pháp. Hai anh em rình lúc hắn  sơ hở đã lên văn phòng tìm những tài liệu có giá trị về tình báo. Hoàn nhanh nhẹn, mưu trí, thường xuyên lân la trò chuyện với đám lính người Maroc, đánh lạc hướng để đồng đội lẻn vào kho vũ khí đánh cắp được những hòm đạn lăn xuống ao bèo. Đến đêm, cả bọn lại lấy lên bờ, trườn qua bãi đất đầy dây thép gai, vượt sông Tiêu Tương chuyển giao lại cho du kích.

Nhân vật Thạo là cháu Lý trưởng Bài, được vào làm bồi cho Tây, cũng lấy được nhiều thông tin giá trị, nhiều lần cứu được cơ sở thoát hiểm trước những trận càn. Nhân vật âm thầm chịu đựng nỗi oan trái: “thèm ăn thịt cá, nó đi theo Tây”. Trần Văn Thể hy sinh anh dũng, hành động quả cảm chống giặc đến cùng, đã gợi cảm hứng để Xuân Sách làm nên một nhân vật Lâm kiên cường triệt để. Nguyễn Đức Thìn tham gia du kích từ 1951, trở thành nghệ sĩ của làng, có cuộc đời là những chuỗi dài chiến công.

Từ 1949 đến 1955, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng đã kết nạp gần 100 đội viên.

Tất cả những đội viên năm xưa, có người được phong danh hiệu Anh hùng, nay đã trở thành những anh hùng của đời thường, sống trong lòng quê hương và đồng bào thân yêu.

Trong dòng văn học thiếu nhi hiện nay, những truyện Đội du kích thiếu niên Đình Bảng (Xhân Sách, 1964),Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt ( Phạm Thắng,1976), Đội thiếu niên du kích thành Huế (Văn Tùng, 2011) là những cuốn truyện đặc sắc nổi trội, được tái bản nhiều lần, gây ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn bạn đọc trẻ tuổi nhiều  thế hệ . Gần đây, Theo bước cha anh là tác phẩm rút gọn  3 cuốn sách của 3 tác giả trên được in và phát hành vào dịp kỷ niệm  80 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1941 – 2011).Ngoài ra đáng chú ý có Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán 91958).

Những bạn đọc Đội du kích thiếu niên Đình Bảng và nhiều truyện đặc sắc khác đầy hứng thú một thời xưa kia, nay cũng đã xấp xỉ tuổi xưa nay hiếm, trong đó có không ít cựu chiến binh.

Nhà văn Xuân Sách đã sớm ra đi một  năm trước khi những nhân vật của đứa con tinh thần trong Đội du kích thiếu niên Đình Bảng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Nhà văn yêu đời, yêu trẻ còn cố sống thêm một ngày 1/6, để sau đó trút hơi thở cuối cùng vào ngày 2/6/2008.

Đã 10 năm nay, văn đàn vắng bóng Xuân Sách. Nhưng tác phẩm để đời về một đội thiếu niên du kích anh hùng thì vẫn còn mãi trong lòng các thế hệ trẻ./.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY                          

Kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi  1/6/2018

Các Bài viết khác