NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SÁCH ALEXANDRE DUMAS VÀ THỜI KỲ SIÊU LẠM PHÁT Ở NƯỚC TA

( 21-07-2019 - 09:43 AM ) - Lượt xem: 992

chúng tôi mỗi đứa đều trang bị cho mình một thanh kiếm bằng củi, bằng tre để cứ khi gặp nhau là rút kiếm ra, đứa thì kêu ta là D’Artagnan đây, ta là Athos, là Porthor, là Aramis đây tùy theo đứa nào thích nhân vật nào

Sau ngày thống nhất 1975, tôi không rõ năm nào, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim “Ba chàng Ngự lâm pháo thủ” của Pháp. Tôi chỉ nhớ lời giới thiệu đầu phim có nói dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Alexander Dumas. Bộ phim thật hay. Có lẽ đây là lần đầu tiên Đài Truyền hình chiếu một bộ phim kiếm hiệp với những màn đấu kiếm đặc sắc. Bọn thanh niên mới lớn chúng tôi cứ mê tít. Lập tức trong khu tập thể 20 Đặng Dung chúng tôi mỗi đứa đều trang bị cho mình một thanh kiếm bằng củi, bằng tre để cứ khi gặp nhau là rút kiếm ra, đứa thì kêu ta là D’Artagnan đây, ta là Athos, là Porthor, là Aramis đây tùy theo đứa nào thích nhân vật nào. Bọn chúng tôi còn bắt mấy đứa bạn gái đóng vai Hoàng Hậu để giải cứu khỏi tay Giáo chủ. (Đấy là do bọn tôi nghĩ thêm ra)

Vì vậy cái tên “Ba người lính Ngự lâm” luôn hiện trong đầu và tôi nảy ra ý nghĩ vào thư viện mượn sách đọc. Nhưng hỡi ôi, sách chưa có ở miền Bắc Việt Nam.

Tháng12/1985 trên đường đến nhà bạn ở Lê Văn Sĩ, Tân Bình nhìn thấy một Hiệu sách Nhân dân liền ghé vào xem có sách mới không thì bất ngờ thấy bộ “3 người lính ngự lâm” sờ sờ trên kệ sách. Tôi vội hỏi cô bán sách với giọng run run:

- Bộ “3 chàng ngự lâm” có bán không ạ?

Cô ta quay lại nhìn theo tay tôi chỉ và nói:

- Sách bán.

Và cô lại lấy đưa cho tôi xem bộ sách.

Đúng nó rồi! Mà sao bìa ghi “3 người lính Ngự lâm” nhưng trang 1 thì ghi tựa “Ba người lính Ngự lâm” (khác ở số 3 và chữ Ba), tập 1 có 538 trang, tập 2 là 512 trang in tháng 6 và 5/1985, tôi lật bìa 4 xem giá thấy ghi 76đ và 26đ trên mỗi cuốn mà không hiểu gì, thì cô gái nói:

- Anh chờ tôi xem giá.

            Thấy cô mở môt cuốn tập ra tra và nói:

- Cuốn tập một 36đ, tập hai 32đ, tổng là 68đ, anh mua không?

- Móc túi chỉ có tờ 50đ liền hỏi ông bạn, hắn móc ra được tờ 20đ. May quá. Tôi như nghe hắn nói thầm thì:

- Đắt bỏ mẹ, mua làm gì.

- Hắn nói cũng phải thôi, tháng 9 vừa rồi (9/1985) đổi tiền với tỷ lệ 10/1 với giá này tức là 680đ tiền cũ, bằng một phần tư tháng lương của tôi. Tôi nhìn hắn nói:

- Đắt cũng mua.

Khi trả tiền xong cô bán hàng mới nói:

- Giá 76đ là giá chưa đổi tiền khi sách đưa vào nhà in, giá 26đ là giá phát hành khi đã đổi tiền. Còn giá bán này là giá mới điều chỉnh do lạm phát.

Thời kỳ này lạm phát tới 15-20% một tháng. Sau đổi tiền thì lạm phát có chững lại 2-3 tháng rồi sau đó lại bắt đầu với nhịp độ ngày càng tăng.

Bộ “3 người lính Ngự lâm” này do Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty phát hành sách Minh Hải in với số lượng 30.700 cuốn. Theo lời ghi ở trong xi nhê thì tập 1 in tháng 6/1985, tập 2 in tháng 5/1985 (tập 2 in trước tập 1). Qua lời giới thiệu của dịch giả Anh Vũ tôi được biết thêm bộ “3 người lính Ngự lâm” là phần đầu của bộ trường tiểu thuyết lịch sử về 4 nhân vật này. Phần 2 có tựa “Hai mươi  năm sau” và phần 3 là “Mười năm sau nữa” hay còn gọi “Tử tước Bragelonne”.

Cũng thời điểm này ở Hà Nội, NXB Văn Học cũng XB bộ này với tựa ở bìa “Ba người lính Ngự lâm” (bản in ở TP.HCM tựa bìa là “3 người lính Ngự Lâm”) cũng bản dịch của Anh Vũ- Trần Việt và dàn trang cùng số lượng in như nhau nhưng giấy in trắng hơn đôi chút, với tập 1 ghi giá 42đ, tập 2 là 80đ.

Sau mấy ngày đắm chìm một cách thích thú với “Ba người lích Ngự lâm” tôi lại khao khát chờ các phần sau của nó.

Trong khi chờ đợi phần 2 thì đùng một cái tháng 9/1987 NXB Đà Nẵng ra bộ “Bá tước Môngtơ Crixtô” gồm hai tập in giấy khá đẹp bìa dày chứ không bìa mỏng như giấy của cuốn “3 chàng Ngự lâm” và các cuốn khác cùng thời kỳ. Số lượng in kỷ lục 50.000 bản và gồm 400 trang cho mỗi tập. Giá bìa lần lượt là 300đ và 320đ, nghĩa là lạm phát lúc này 12,22 lần, tức 1222% sau 21 tháng.

Mãi đến hai năm sau bộ “3 người lính Ngự lâm”, tôi được điện thoại của hai cô gái trẻ bán sách ở Hiệu sách Nhân dân Gò Vấp, tôi vội vàng phi xe đến và ôm về ba cuốn sách của bộ “Hai mươi năm sau”. Bộ sách in tháng 11/1987, khoảng 400 trang mỗi tập. Tổng cả 3 tập là 1260 trang. Dày hơn bộ “3 người lính Ngự lâm” 200 trang với tổng giá 1.450đ. Nếu chia trung bình thì thấy đồng tiền lạm phát sau hai năm lên tới 18,73 lần tức 1.873%. Thật là con số phi mã. Và bộ này cũng in với số lượng 30.000bản/1tập. Vẫn do Anh Vũ dịch và NXB Văn học in.

 Cũng không phải đợi lâu, năm tháng sau, tháng 5/1988, NXB Long An ra mắt “Cái chết của ba người lính Ngự lâm” của dịch giả Nguyễn Uyên và Cúc Phượng, 15.000 bản cho mỗi tập. Mỗi tập cũng xấp xỉ 400 trang và giá là 850đ/tập tức là lạm phát đã lên 3.310% so với tháng 12/1985.

Năm 1988 và năm1989 là năm bùng nổ in sách của tác giả A.Dumas. Cùng tháng 5/1988 Nxb Đà Nẵng in “Hoàng Hậu Mac Gô” tập 1 với 60.000 bản giá 1.050đ và tháng 7 ra tập 2 với 45.300 bản, thật choáng. Tổng hai tập đúng 960 trang và giấy bìa cũng xấu như bộ “3 người lính Ngự lâm”. Tháng 6 năm này, NXB Nghĩa Bình ra mắt “Hoa Uất kim cương đen” của dịch giả Đinh Chính Đạo từ tiếng Pháp, bản dịch khá hay, hay hơn của Mai Thế Sang (tái bản sau này) với 274 trang, số lượng in cũng rất cao: 20.000 bản giá 500đ.

Tháng 8/1988, NXB Quảng Nam – Đà Nẵng cấp phép “Những tội ác trứ danh”, bản dịch cũ của Mai Thế Sang đã ở miền Nam trước 1975, với số lượng in 30.000 bản.

Tháng 10/1988 NXB Kiên Giang in “Robin Hood Chúa trộm oai hùng” với 15.000 bản giá bán 1.500 cho cuố sách dày 444 trang.

Cuối năm 1988 và tháng 1/1989, bộ “Những Quận chúa nổi loạn” do NXB Kiên Giang xuất bản làm 2 tập với 8.000 bản mỗi tập, độ dày 710 trang, giá 3000đ với ba dịch giả lạ hoắc là Quang Thặng – Hồng Hà – Hữu Lễ. Bộ này cũng khá đặc biệt: Tập 2 in trước tập 1 một tháng, giấy in tuy vẫn vàng sậm nhưng khá hơn.

Như vậy, đến cuối năm 1989, giá sách đã cho thấy lạm phát đã lên đến 6.581%

Sang năm 1989, các nhà xuất bản vẫn tiếp tục in dày đặc những tác phẩm của Alexandre Dumas.

Tháng 1/1989, NXB Lao Động xuất bản “1001 chuyện kỳ lạ” do Trịnh Xuân Hoàng dịch, dày 164 trang, giá bìa 1.200đ với 15.000 bản. Đây là bộ sách mở đầu cho việc các nhà xuất bản các truyện về ma, kinh dị sau năm 2000.

Sang tháng 3, NXB Lao Động tiếu tục ra mắt tập 1 “Chuỗi hạt của Hoàng hậu” dày 418 trang, in 5.000 bản do Trịnh Xuân Hoành và Anh Vũ dịch. Đến tháng 8/1989 mới ra mắt tập 2 dày 512 trang.

Cũng trong tháng 3/1989, NXB Trẻ nhảy vào cuộc chơi với bộ “Tình mộng”, 2 tập, tập 1 in 20.200 bản, tập 2 in 10.200 bản.

Đặc biệt bộ “Joseph Balsamo” 4 tập do Phạm Thủy Ba dịch rất đặc sắc. Truyện viết về Joseph Balsamo, một thanh niên nghèo và là thủ lĩnh một hội kín muốn lật độ chế độ quân chủ để xây dựng một chế độ bình đẳng-Bác ái và bên cạnh đó là mối tình của chàng trai nghèo Gilbert yêu tiểu thư Andrée, con một gia đình quý tộc… Bộ tiểu thuyết gồm 4 tập. Tập 1 in tháng 11/1988 với 12.200 bản, giá 1.800đ; tập 2 in tháng 1/1989 với 8.200 bản giá 2.100đ; tập 3 in tháng 5/1989 và tập 4 in tháng 6/1989 đều 4.200 bản cũng bằng giá 3.400đ.

NXB Đà Nẵng cũng không chịu kém với bộ ba tập “Nữ Bá tước De Monsoreau, tập 1 in tháng 4/1989 với 20.000 bản; tập 2 in tháng 5/1989 với 15.200 bản và tập 3 in tháng 7/1989 với 10.000 bản. Tất cả đồng giá 3.500đ.

Qua đó cho thấy giá cả trong năm 1989 khá ổn định, lạm phát bước đầu đẩy lùi.

            Tháng 4/1990, NXB Thanh Niên xuất hiện với cuốn “Chàng Georges” để hoàn thiện bộ ba nhân vật anh hùng cá nhân mà mỗi tác phẩm phản ánh một người, và mỗi người đều có các thể hiện sự nghiệp, bản lãnh anh hùng riêng. Đó là Môngtơ Crixtô trong “Bá tước Môngtơ Crixtô”; Balsamo trong “Joseph Balsamo” và cuốn này là chàng Georges đã làm nên bộ ba bất hủ của A. Dumas. Cuốn này dày 510 trang, in 3.000 cuốn, giá 6.500đ.

Tháng 7/1990, NXB Thanh niên xuất bản tác phẩm “Chiến hữu của Jéhu” nhưng trang đầu lại ghi NXB Hội nhà văn, cuốn sách dày đúng 300 trang giá 1.800đ, in có 2.000 bản.

   Cuốn “Chiến hữu của Jéhu” là cuốn cuối cùng in trên giấy đen.

   Phải đến 6 năm sau tác phẩm của A.Dumas mới ra mắt bạn đọc, cuốn  “Hiệp sĩ nhà đỏ”, NXB Văn học in 1996 do Phạm Hồng dịch được in trên giấy tốt như bây giờ nên giá khá cao so với thời ấy, 46.000đ cho cuốn sách dày 640 trang với số lượng in cực kỳ khiêm tốn (700 cuốn).

Năm 2001, NXB Thanh Hóa mở đầu cho thế kỷ XXI bằng tác phẩm Ông vua của những chú chuột chũi dày 142 trang và năm sau, 2002, NXB Công An Nhân Dân ra “Tình yêu định mệnh”, in với số lượng khiêm tốn,1.000 cuốn

Sau đó các nhà xuất bản hầu hết chỉ tái bản: trọn bộ “Ba chàng Ngự lâm” đủ ba phần; “Bá tước Mông tơ Crix tô”  và “ Hoa tulip đen” bản dịch của Mai Thế Sang được tái bản 9-10 lần trong 19 năm; bộ “Hoàng hậu Mác-gô” và “Chàng Georges” cũng được tái bản nhưng chỉ 1-2 lần.

Năm 2007, NXB Văn hóa- Thông tin lần đầu tiên in ở Việt Nam tác phẩm “Hiệp sĩ Sainte-Hermine”. Đây là tác phẩm mới tìm thấy sau khi tác giả qua đời. Cùng năm đó là tái bản “Tình mộng” với tựa mới là “Những kẻ si tình”.

Năm 2007, NXB Công An xuất bản ra bộ tuyển tập gồm 2 tập những truyện ma với hai tựa “Chuyện kể của người chết” và “Ngàn lẻ một truyện ma”.

Năm 2010, NXB Văn học xuất bản “Ma sói”, NXB Thanh Niên ra bộ cũng 4 tập truyện ma của A. Dumas. Và năm 2012 NXB này cũng tái bản với 5 tập bìa mền.

Trong cuộc đời của mình, A. Dumas đã có thời gian du lịch Nga (1859). Khi về ông có viết tác phẩm “Người thầy dạy đánh kiếm”. Ông thể hiện tình yêu với nước Nga qua tác phẩm này, được NXB Thanh niên xuất bản 5/2005 với số lượng 800 bản.

Và cuối cùng (tính đến thời điểm này) là “Tử tước Bragelonne” chính là phần cuối trong cái chết của “Ba chàng lính ngự lâm” do Phong Diệp dịch, NXB Thanh Niên xuất bản năm 2011, còn có tựa “Người mang mặt nạ sắt”.

Cũng cần nói rõ thêm đây là một truyện trong phần cuối đồ sộ nhất về ba người lính ngự lâm - Tử tước Bragelonne, bộ này gồm ba phần: 

 - Tử tước Bragelonne.

 - Louise de la Vallière.

 - Người đàn ông mang mặt nạ sắt.

Tại Việt Nam bản dịch "Cái chết của ba người lính ngự lâm” của Nguyễn Uyên – Cúc Phụng chính là bản dịch cắt xén của truyện "Tử tước Bragelonne" bao gồm cả ba phần truyện nói trên. Nguyên tác khoảng 2000 trang trong khi đó bản dịch rút lại chỉ còn khoảng 800 trang. Phần "Người đàn ông mang mặt nạ sắt" nằm trong bản dịch này chỉ có khoảng 150 trang còn bản dịch của Phong Diệp chỉ có một phẩn “Người đàn ông mang mặt nạ sắt” nhưng theo sát nguyên bản hơn khi dịch ra tiếng Việt với khoảng 450 trang.

Như vậy có tất cả 24 tựa sách của Alexandre Dumas đã được dịch khác đầy đủ và in ở Việt Nam.

Cũng từ sau năm 2000 NXB Thanh niên đã in đủ 3 phần bản rút gọn của bộ “Ba người lính Ngự Lâm”, “Bá tước Môngtơ Crixtô” và “Chiếc vòng cổ bằng nhung”. Và nhiều NXB khác cũng in bản rút ngắn cùng các truyện tranh của tác giả A.Dumas nhưng chủ yếu là “Ba người lính Ngự Lâm” phần đầu và “Bá tước Môngtơ Crixtô”.

Xuất bản tác phẩm của A.Dumas trước 1975

Người dịch đầu tiên tác phẩm của Alexandre Dumas chính là nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh, bản dịch của ông là “Ba người Ngự lâm pháo thủ” do Trung Bắc Tân Văn in năm 1927 thành 4 tập tại Hà Nội.

Năm 1950-1951, NXB Ngày Mai bản có tựa “Ba người Ngự lâm pháo thủ” do Hoài Anh dịch, in thành 3 tập.

Tại Sài Gòn, năm 1957 NXB Lan Đình in bộ “Kích Tôn Sơn bá tước” (Bá tước Monte Cristo) do Vương Hoài An dịch , sách khổ nhỏ 13X15, loại phát hành nhiều kỳ thành  57 tập, mỗi tập 64 trang.

Năm 1960 NXB Sống Mới, Sài Gòn đã in liên tiếp các bộ “Ba chàng Ngự lâm Pháo thủ”, “20 năm sau”, “Tử tước Bá-Gi-Luân” (Le Vicomte de Bragelonne) bản dịch của Văn Lang và “Bá tước Kích Tôn Sơn” (Monte-Cristo) do Hồng Trung dịch.

Năm 1974, NXB Chân trời mới in “Ngấn Cổ Vòng Nhung” do Kim Minh dịch, đây là một chuyện vừa quái dị viết về những ngày kinh hoàng của cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789, những ngày mà cả trăm người bị chém tại quảng trường Cách Mạng.

Sau này còn có các bản dịch khác của A.Dumas như các bản dịch “Ba chàng Ngự lâm pháo thủ” do Nguyễn Sĩ Nguyên dịch, Văn Long xuất bản 1974. Và các bản khác của các tựa trên.

PHẠM THẾ CƯỜNG

Các Bài viết khác